Nói ngữ văn Hán Nôm, tức đã nói tới ngôn ngữ và văn tự cổ của Hán ngữ Việt ngữ. Điều ấy thật rõ ràng và hiển nhiên. Gần suốt một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt phải chịu sự lệ thuộc và chi phối của người Hán. Giữa lúc ấy người Việt chưa có chữ viết lấy gì để trao đổi công văn giấy tờ với quan lại người Hán, thế là đành phải mượn chữ Hán để làm công cụ giao tiếp, trao đổi phục vụ cho mọi yêu cầu của đời sống hàng ngày của xã hội, trước tiên là trong lĩnh vực hành chính.
Nói ngữ văn Hán Nôm, tức đã nói tới ngôn ngữ và văn tự cổ của Hán ngữ Việt ngữ. Điều ấy thật rõ ràng và hiển nhiên. Gần suốt một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt phải chịu sự lệ thuộc và chi phối của người Hán. Giữa lúc ấy người Việt chưa có chữ viết lấy gì để trao đổi công văn giấy tờ với quan lại người Hán, thế là đành phải mượn chữ Hán để làm công cụ giao tiếp, trao đổi phục vụ cho mọi yêu cầu của đời sống hàng ngày của xã hội, trước tiên là trong lĩnh vực hành chính. Sau đó, ông cha ta dựa vào các bộ thủ của văn tự Hán để chế tác ra một thứ chữ riêng biệt để ghi âm tiếng Việt mà ta gọi là chữ Nôm, chữ là chữ Nôm và âm đọc âm Nôm là "Quốc âm", nhưng có nhiều chữ Nôm (tự Nôm) mượn chữ Hán, lại mượn luôn cả âm Hán như câu: Hồng hồng tuyết tuyết. Hai chữ “hồng” và “tuyết” vốn là chữ Hán khi tới Việt Nam, người Việt Nam đọc âm Hán Việt theo luật phiên thiết (‘Hồ lung thiết âm hồng đông vận’ và ‘lư hồng thiết âm lung đông vận’). Hai chữ “hồng” và “tuyết” là hai từ Hán, đọc âm Hán Việt, nên gọi là hai từ Hán Việt. Từ ví dụ này, chúng ta suy ra, cả một chặng đường dài của thời kỳ Bắc thuộc chữ Hán, ngôn ngữ Hán (từ Hán Việt) giữ vai trò chủ đạo trong giao tiếp hành chính, về sau dần dần phát triển mở rộng dùng làm ngôn ngữ giao tiếp sinh hoạt xã hội, rồi nhập vào kho từ vựng tiếng Việt ngày một càng nhiều. Chúng tôi chưa làm được việc thống kê từ Hán Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tiếng Việt. Nhưng nhìn vào kho sách Hán Nôm thì thấy rõ vai trò của chúng quan trọng như thế nào. Nước ta hiện có kho sách Hán Nôm nổi tiếng về số lượng gồm hàng vạn sách về các thể loại: thần sắc, thần phả, gia phả, hương ước, hương lệ, địa bạ, địa chí, xã chí, văn bia khắc đá, minh trên chuông đồng trong khánh đá, văn tế, chúc thư, từ hàn do ông cha soạn thảo bằng chữ Hán chữ Nôm được tích tụ nhiều đời chủ yếu là từ giai đoạn Lý Trần cho tới trước Cách mạng tháng Tám (1945).“Đây không chỉ là những bản thông điệp của người đương thời gửi cho người cùng thời hay khác thời mà sự thực còn là chứng tích về một dân tộc có văn hiến mấy nghìn năm, là trí tuệ, là hy vọng và niềm tin của phần nhân loại sống trên dải đất "Lĩnh Nam" đầu sóng ngọn gió?” Và rất phong phú về nội dung.Chúng tôi xin đơn cử việc chép văn bia tạc vào đá, soạn bài minh khắc lên chuông đồng khánh đá lưu tại các cộng đồng làng xã nước Việt ta khi xưa: Từ rất sớm người Việt Nam đã thấy rõ giá trị bền lâu của văn bia , cho nên bất kể những việc công ích trọng đại gì của làng xã thì cũng dược ghi tạc vào đá để lưu giữ bền lâu với quan niệm “Tượng đồng bia đá”.
Ví dụ như việc xây dựng cây cầu đá qua sông, việc mở chở của một xứ, khởi tạo hoặc tu bổ đình làng, ngôi miếu đền thờ thần, chùa thờ phật,dựng gác chuông chùa, xây nhà thờ tổ của các dòng họ... nhất nhất người ta đều dựng bia để ghi nhớ (kỉ sự), ngay như lịch sử một dòng họ, về sự tích các vị thần linh, bản khế ước, tục lệ, xã chí... họ cũng đều chép vào bia đá. Văn tạc vào đá là loại văn nghiêm cẩn (vì nó là lịch sử đá). Cho nên trong dân gian có câu: “khôn văn tế dại văn bia”. Bởi thế, tới bất cứ một làng quê nào tại đất nước Việt Nam cũng được thấy những bài văn bia khắc đá. Ngoài những văn bia kỉ sự, còn thấy một loại văn bia khá đặc biệt nữa, đó là bia Hậu Thần (ở đình miếu còn gọi là Hậu Thần bi ký); Hậu Phật (ở chùa có tên gọi Hậu Phật bi ký). Hậu Thần, Hậu Phật là những người có công, có đức sau khi được sự bầu chọn của toàn thể cộng đồng, hoặc đại biểu cho cộng đồng làng xã như: Hội đồng sắc mục, Hội đồng tộc biểu thương lượng, biểu quyết và thông qua, thì những người đó được làm Hậu thần, Hậu Phật của làng, được phối thờ với thần làng trong đền miếu, phối thờ với Phật trong chùa. Việc làm như thế gọi là bầu hậu. Dân làng còn bàn bạc và quyết định thần hiệu cho Hậu Thần và pháp hiệu cho Hậu Phật, cũng như các nghi thức, các điều lệ và vật phẩm tế, lễ Hậu thần, Hậu Phật lâu dài về sau. Tất thảy những thủ tục bầu hậu ấy đều được viết thành văn bản chép vào hương ước và ghi tạc lên bia đá để lưu truyền lâu dài, nên có tên là “Hậu Thần bi ký” hoặc “Hậu Phật bi ký”.
Có thể hiểu rõ hơn về tục bầu Hậu Thần, Hậu Phật trong sinh hoạt văn hoá tại các cộng đồng làng xã của người Việt xưa qua một số tấm bia còn lưu giữ tại ngôi đền của một làng quê Thái Bình.
Thêm một ví dụ nữa về cụm bia chùa Đại Bi:
Chùa Đại Bi còn gọi là chùa Cả ở thôn Hữu xã Mê Linh huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, hiện có một cụm văn bia gồm 8 văn bản thời Mạc - Lê thế kỉ XVI-XVII sớm nhất là bản 1574 và muộn nhất là bản 1665. Đây là nguồn tư liệu quý về lịch sử ngôi chùa Đại Bi, cũng như sinh hoạt tín ngưỡng của một làng quê đất Thái Bình có bề dày lịch sử.
Theo nội dung các văn bia: Chép sự tích chùa Đại Bi xưa thuộc xã An Lạc huyện Thần Khê phủ Tân Hưng (sau đổi là Tiên Hưng) chùa vốn do Hoàng Thái hậu họ Nguyễn (bà là hậu duệ của sứ quân Nguyễn Khoan) xây dựng vào thời Trần Anh Tông (1290-1292) nhưng do bể dâu diên cách chùa bị hư phế rồi lại dựng lại nhiều lần tới năm Mạc Sùng Khang thứ 9 (1574) nhân dân địa phương tình cờ vớt được chuông chùa nổi trên sông, trước đấy 2 năm tức năm Sùng Khang thứ 7 (1572) trong khi xây gác chuông lại đào được tấm bia đá thời Trần. Đầu xuân năm ấy đúc tượng, làm nhang án và mở hội lớn. Chùa lại khang trang tươi đẹp trở thành danh lam thắng cảnh cả nước ta so ra không đâu sánh kịp chùa nơi đây và cả về sự linh dị nữa bởi bắt được chuông nổi ở sông, đào được cả bia đá trong lòng đất, đó là do Thần Phật. Và đó cũng là ý trời khởi phát tâm thiện cho mọi người mà tạo nên cái đẹp cho quốc gia.
Vậy nên làm điều nhân không phải chỉ là nhu cầu vật chất ở bên ngoài mà còn là sự đòi hỏi ở trong tâm hồn của chúng ta cũng phải là cái đẹp và sáng trong nữa.Nhân các sự kiện linh dị đó, nhà chùa bèn tới xin chữ Tiến sĩ cập đệ nhất giáp đệ nhị danh (tức Bảng nhãn đồng khoa với Trạng nguyên Phạm Trấn) khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo (1556) thời Mạc Tuyên Tông, Binh bộ Hữu thị lang kiêm Ứng vương phủ Triều liệt Đại phu Đỗ Uông soạn văn, đến năm 1574 môn đệ của Bảng nhãn khắc chữ dựng bia. Bia chép sự kiện các sãi vãi ở chùa Đại Bi, xã An Lạc huyện Thần Khê tạo tác cây đèn sắt, bệ đá hoa cửa chùa để thay thế cây đèn trước, bệ cửa chùa trước đây làm bằng gỗ đã bị hư hỏng. Chùa Đại Bi là ngôi chùa cổ, một trong những danh lam bậc nhất nước Nam. Cảnh chùa vốn là một danh lam bậc nhất nhưng chưa kịp đúc chuông thì nay tình cờ bắt được quả chuông nổi ngoài sông, lại thêm cây đèn sắt, thềm cửa đá hoa đẹp đẽ. Đúng là những sự kiện trọng đại, là công đức lớn lao, góp thêm vào những chỗ còn thiếu khuyết của bàn tay tạo hóa. Đèn trăm năm tỏa sáng, tượng phật vàng son rực rỡ, bệ hoa xán lạn sớm chiều bên lâu đài chất ngất ngào ngạt mùi hương. Ở cái thời kĩ nghệ rèn đúc, sắt thép chưa cao, mà chùa đã có cây đèn sắt, sắt là kim. Vậy thì, kim mang ý nghĩa ngũ hành năm yếu tố cấu thành vũ trụ đi đầu ở chốn này. Chùa vốn mang tên là Đại Bi là mở rộng lòng lành, làm việc nhân nghĩa.Từ bi còn mang ý nghĩa Từ ái của đạo nho. Từ bi, từ ái là việc làm ở thời vua nhân, bề tôi nhân nghĩa, cha từ con hiếu, anh nhường em kính, phu xướng phụ tùy (chồng hô vợ ủng). Đó cũng là những ứng xử rất mực thước của mọi người trong thường nhật.
Người làm phúc, tích phúc là âm công thì ắt có dương báo, có phúc lành tới chẳng riêng gì đời mình hưởng mà muôn đời con cháu cũng được hưởng phúc lành. Vậy mới đem khắc bài minh vào đá để lưu truyền dài lâu.
Nói về qui mô chùa Đại Bi cũng không lớn như Linh Sơn1, Qui Tàng2. Thế nhưng nơi đây là chốn đất đai phúc khánh dài lâu. Bởi lẽ nơi tôn linh phá đi rồi lại xây, bế tắc ắt lại hanh thông, càng vùi càng dập đi rồi sau lại dấy lên, cũng do non sông ta vẫn vĩnh tồn như xưa, nhưng dãu vũ trụ có đổi thay dâu bể gì thì vẫn như câu chuyện cổ Trung Quốc Rừng bồ đào mọc lại (Bồ lâm tái châu)3.Trước hết phải kể tới công của tăng ni dốc lòng xây đắp từ không thành sắc, từ vô thành hữu. Chùa có thêm gác chuông do con người tạo lập mà đẹp thêm, qui mô càng thêm rộng, tiện nghi lễ bái ngày càng sầm uất hơn xưa. Bởi nhờ có gác mà chuông cũng được tô điểm. Tiếng chuông vang vọng xa hơn, sớm chiều nghe tiếng ngân nga khiến lòng người thêm phấn chấn mà cũng đưa lại lạc phúc cho nhân quần thế thái. Ở thời có từ bi, bắc ái, có nghĩa, có nhân thì từ chốn triều ca tới nơi đồng nội xóm thôn ai ai cũng đều hưởng cái phúc yên hàn. Vua buông tay rủ áo mà trị nước, triều thần an thân mà phụng sự; cha mẹ yên vui vì có con hiếu cháu hiền, anh em hòa thuận trên kính dưới nhường, vợ chồng hòa thuận, tớ thầy vui vẻ... tất thảy đều từ nhân nghĩa mà có.
Cùng với Đỗ Uông các tác giả văn bia ở đây nhấn đi nhấn lại cái dức tính từ bi, từ thiện nhân ái, nhân nghĩa đúng với tên gọi của chùa Đại Bi.
Nhà Phật lấy từ bi làm nền tảng cho mọi hành vi tốt đẹp của con người. Kinh Phật nói rõ nghĩa lý giữa “Nghĩa” và “Lễ” làm cho nghĩa tình bầu bạn anh em như muôn chim cùng hót cùng bay cùng hòa trong tháng ngày thanh bình vằng vặc trăng sao. Đó là sự hòa hợp ở chốn hương đảng, là qui củ mẫu mực của chốn rừng Bồ, của dòng Sa-di cõi Phật ấy. Làm việc thiện là âm công tất đựơc dương báo, đó là tâm khí trong thân thuộc, lòng người hòa thuận thì ý trời lòng đất cũng hòa thuận theo...
Theo Tìm hiểu kho sách Hán Nôm4 thì gồm 8 loại: 1. Lịch sử (166 tác phẩm), 2. Địa lý (37 tác phẩm), 3. Kỹ thuât (10 tác phẩm), 4. Ngôn ngữ (14 tác phẩm), 5. Văn học (151 tác phẩm), 6. Tôn giáo (14 tác phẩm), 7. Triết học (20 tác phẩm), 8. Tổng hợp (17 tác phẩm). Trong 8 mục này lại cũng tùy từng mục lại chia ra các mục nhỏ. Ví dụ: Lịch sử gồm lịch sử nói chung, khảo cổ, tổ chức nhà nước, pháp lý, hình luật, giáo dục khoa cử, phả lục, phường hội; Về văn: thơ văn hợp tuyển, thi tập, văn tập, truyện ký, truyện Nôm khuyết danh, văn học dân gian; Về văn hóa: có thể thức, nghi thức lễ hội, múa hát, ca trù (hát cửa đình), diễn trò, hát chèo; Về tôn giáo triết học thì bàn nhiều tới cả Lý Thái cực của nhà Nho, cái Đạo của Lão giáo và cái Chân như của Phật giáo, các vấn đề về Tượng số học, Lý và Khí... Đó là nguồn tư liệu Hán Nôm rất phong phú và cấp thiết giúp cho chúng ta nghiên cứu về lịch sử văn hóa, văn minh của tổ tiên ta từ mấy ngàn năm về trước, đâu phải chỉ có riêng cho ngành sư phạm. Đương nhiên ngành sư phạm trước tiên phải đảm nhận công việc đào tạo một đội ngũ thày giáo không chỉ có tay nghề giỏi và trình độ chuyên môn Hán Nôm, lại vừa là nhà nghiên cứu để truyền đạt những gì là tinh hoa, trí tuệ, từ trong di sản Hán Nôm quý giá mà tổ tiên ta ngàn đời truyền lại cho sinh viên trường Sư phạm, trường Văn hóa, trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Còn về chương trình học, cần có chương trình thích hợp và cân xứng giữa các tác phẩm Hán văn Trung Quốc và các tác phẩm Hán Nôm Việt Nam mà sự thực các tác phẩm Hán Nôm Việt Nam chịu ảnh hưởng của các tác phẩm Trung Quốc là khá đậm nét. Bởi thế, nên chăng trước khi giảng dạy về Hán Nôm Việt thì chúng ta giới thiệu tổng quát lịch sử văn học Trung Quốc, từ văn học Tiên Tần, Hán, đường, Tống, Nguyên, tới Minh, thanh; chỉ cho sinh viên thế nào Tứ thư Ngũ kinh, Tả truyện, Sử ký Tư Mã Thiên đến các học giả nổi tiếng từ thời Hán đến Lục triều: Hàn (Dũ), Liễu (Tông Nguyên), Âu (Dương Tu), Tô (Đông Pha); Đường thi: Lý (Bạch), Đỗ (Phủ); Tống Từ có Lục Du; Thời Minh Thanh: Lương Khải Siêu.
Hán Nôm Việt: Thời Lý Trần: Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ văn, (học trích từ đây): Thiền uyển tập anh, Khóa hư lục, Thượng sĩ ngữ lục, Trúc lâm tam tổ nguyên âm; Tác giả Mạc Đĩnh Chi (Ngọc tỉnh liên phú), Nguyễn Trung Ngạn (giới Hiên thi cảo), Trương Hán Siêu (Dục Thuý sơn linh tế tháp ký), Nguyễn Phi Khanh (Nguyễn Phi Khanh thi tập). Thời Lê: Nguyễn Trãi (quân trung từ mệnh tập và Quốc âm thi tập), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bạch Vân Am thi tập), Nguyễn Dữ (Truyền kỳ mạn lục), Ngô Thì Nhậm (Hoàng Lê nhất thống chí); Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm (Chinh phụ ngâm), Lê Quý đôn (Lê triều thông sử và Toàn Việt Thi Lục); Mạc Thiên Tứ (Chiêu Anh các-Hà Tiên thập vịnh). Thời Nguyễn: Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu và Ngục trung nhật ký (khi giảng tới các tác gia, hoặc tác phẩm giảng viên cần có bài khái luận).
- Về Nôm:
+ Tổng luận về chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo, và diễn biến qua các triều đại.
+ Tập đọc, tập viết chữ Nôm.
- Phương pháp truyền thụ:
Ngày nay chúng ta không có điều kiện truyền thụ cho sinh viên học chữ Hán theo lối tầm chương trích cú, theo lối khoa cử xưa cũ, mất nhiều thời gian "Thập niên đăng hỏa". Ngay từ đời Tống ở Trung Quốc Thiệu Ung, Chu Đôn Di, Trương Tái khởi xướng cái thuyết Lý học tức học nghĩa lý, huấn hỗ chuyên sâu. Phái Lý học chia ra làm làm hai: Đạo vấn học và Tồn đức tính với mục đích tìm đến ngọn nguồn của Khổng giáo. Ở Việt Nam ta có những người thực hiện lối học Tống Nho như: Chu Văn An (thế kỷ XIV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI) và Nguyễn Thiếp (thế kỷ XVIII). Theo Phan Huy Chú, Chu Văn An giỏi về Đạo học. Đạo học là một nhánh của Lý học; về Nguyễn Bỉnh Khiêm: ông học rộng các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch; về Nguyễn Thiếp: ông nghiên cứu Lý học... Ở cuối thế kỷ XVIII ta thấy Lê Quý Đôn bàn về Lý và Khí. Sau đó Bùi Huy Bích và một số người soạn sách tóm lược các kinh, sử, tử, tập (như kiểu bút ký) để cho người học dễ nhớ và hiểu sâu về kinh điển gọi tên là Tiết yếu, Quan hành. Hình thức này ở Trung Quốc đã có tiền lệ: Cổ văn quan chỉ, Cổ văn bình chú hoặc Cổ văn từ loại toản.
Trên đây là mấy gợi ý giúp trường Đại học Sư phạm biên soạn giáo trình để giảng dạy cho sinh viên đạt hiệu quả cao trong học tập.
Hà Nội 12 - 10 - 2004
Chú thích
1. Linh Sơn: Phật gia gọi Thướu Sơn là Linh Sơn. Linh Sơn là nơi Thích Ca Mâu Ni ở. Có một lần Thích Ca trong khi thuyết pháp bằng thị phạm cầm bông hoa vê vê trên tay (niết hoa) ngài thấy Ca Diếp mỉm cười mà dức Thế Tôn liền giao phó và phong cho là Chính pháp nhãn tạng.
2. Qui Tàng (Qui Tàng lục): Tức A-Hàm kinh của nhà Phật có chép: có con rùa bị con thú tên là Dã can ôm rít cả đầu đuôi rùa không cho nó thở. Sau Dã can giận dữ buông cho rùa đi. Phật kể chuyện cho các Tì khưu nghe. Từ đấy có Qui Tàng Lục.
3. Đạo Phật ở Trung Quốc thời sơ kỳ cũng bị vùi dập nhưng sau khôi phục lại ở rừng bồ đào một ngôi chùa nổi tiếng thời Đường.
4. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp - Thay lời giới thiệu cho bản in lần thứ 2, tr.5, Nxb Văn hóa Hà Nội, 1984.