Hán nôm

CẦN CÓ TRI THỨC HÁN NÔM CƠ BẢN CHO NGƯỜI HỌC HÁN NÔM KHÔNG CHUYÊN


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS Đinh Khắc Thuân

Người học Hán Nôm ngoài chuyên ngành Hán Nôm muốn sử dụng được Hán Nôm cần có một lượng tri thức Hán Nôm cơ bản. Vậy thế nào là tri thức Hán Nôm và tri thức Hán Nôm cơ bản? Làm thế nào để có được tri thức Hán Nôm cơ bản đó?

Người học Hán Nôm ngoài chuyên ngành Hán Nôm muốn sử dụng được Hán Nôm cần có một lượng tri thức Hán Nôm cơ bản. Vậy thế nào là tri thức Hán Nôm và tri thức Hán Nôm cơ bản?  Làm thế nào để có được tri thức Hán Nôm cơ bản đó?

Nói đến tri thức Hán Nôm là nói đến văn hoá, văn minh dân tộc hàm chứa trong từng câu chữ, từng văn bản Hán Nôm. Để tiếp cận tri thức Hán Nôm cơ bản, không chỉ tiếp cận ngôn ngữ văn tự mà còn tiếp cận văn hoá cổ truyền người Việt. Người học Hán Nôm cần có lượng tri thức Hán Nôm đó, bao gồm một lượng từ vựng cơ bản được sử dụng trong từng văn cảnh cụ thể, đồng thời một lượng kiến thức tối thiểu về lịch sử, văn hoá mà trước hết là tiến trình lịch sử văn hoá và văn học trung đại Việt Nam, cùng một số vấn đề về ngôn ngữ văn tự, nhất là âm Hán Việt. Tuy nhiên do hạn định về thời gian, nhất là người học không thuộc chuyên ngành Hán Nôm, nên cần có định hướng cung cấp lượng kiến thức cơ bản đó theo từng cấp độ từ thấp lên cao với giáo trình và tài liệu tham khảo phù hợp để người học kết hợp việc học với thày và tự học.

1. Về ngôn ngữ văn tự mà cụ thể là chữ nghĩa, cần cung cấp cho học viên một lượng từ cơ bản, chừng 2000 đến 3000 từ, trên cơ sở đó có thể mở rộng lên 4000 từ. Các từ ngữ này được định hướng trong giáo trình và mở rộng bởi bài giảng của giáo viên, cùng tài liệu tham khảo. Các bài giảng cần đảm bảo sự tiếp nối liên tục từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp cả về nhận dạng chữ, lẫn ngữ nghĩa và chức năng ngữ pháp của chúng.

Trước hết cần giúp học viên biết viết chữ và nhận biết các nét, các bộ thủ của từng chữ cụ thể. Vì vậy, nên chú trọng đến việc giúp học viên nhận biết được bộ thủ và các nét trong mỗi chữ. Cụ thể là, cho học viên tập viết theo thứ tự các nét của từng chữ, như chữ cổ古, ở phía trên gồm ngang trước, sổ sau làm thành chữ thập 十, ở phía dưới gồm nét sổ bên trái, ngang gập bên phải và nét ngang đóng phía dưới tạo thành chữ khẩu 口, bộ khẩu. Tương tự như vậy, với các chữ phức tạp nhiều nét khác cũng được học viết từng nét theo thứ tự của nó.

Bên cạnh đó, người giảng cố gắng phân tích các bộ trong một chữ, cùng ý nghĩa của chúng và các nét cấu thành, cũng như cách viết thứ tự các nét chữ. Chẳng hạn, chữ hạnh 幸 thuộc bộ can 干. Trên là thổ 土 là đất, giữa là hai chấm đối, dưới nữa là chữ can 干, bộ can, tạo thành chữ hạnh. Hạnh là may mắn gặp may, cầu may.

Trí 智 gồm chữ thỉ, bộ thỉ 矢 là mũi tên, bộ khẩu 口 tạo  thành chữ tri 知 là biết, dưới chữ tri có chữ nhật 日 tạo thành chữ trí. Trí thuộc bộ nhật, nghĩa là trí tuệ, trí khôn, hiểu thấu sự lý trên đời, quy luật của vũ trụ, mưu trí tính toán xác thực.

Chữ đẳng 等 thuộc bộ trúc 竹 . Dưới bộ trúc là chữ tự 寺, tự là chùa. Đẳng là thứ bậc như Thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng; ngang bằng nhau như bình đẳng...

Tín 信 có chữ nhân đứng, bộ nhân cùng chữ ngôn, bộ ngôn言 . Tín nghĩa là tin, tự tin, tin ở việc mình làm...

Cách làm như vậy giúp người học dễ nhận dạng chữ viết từ bộ thủ đến các nét. Điều đó cũng giúp ích cho người học biết phân tích nghĩa gốc của từ và biết tra cứu trong từ điển được. Ngoài ra cần cung cấp thêm những chữ viết tắt, hoặc những chữ có tự dạng khác, như chữ tiền 錢, có thể viết tắt bộ kim 金, thành hình như dấu chấm và dấu phẩy, thậm chí cả chữ tiền chỉ là bộ kim được viết tắt như vậy. Với đối tượng người học không phải chuyên ngành Hán Nôm thì nên sử dụng từ điển Hán Việt của Thiều Chửu. Từ điển này tra theo bộ thủ và đếm nét, rất phù hợp với người có vốn chữ Hán chưa nhiều, nhất là chưa biết rõ âm đọc, cũng như nghĩa từ.

Một phương pháp truyền đạt khác là học một chữ biết nhiều chữ, học một chữ biết nhiều nghĩa. Chẳng hạn trường hợp chữ tín vừa nêu trên, tín ngoài nghĩa là tin ra, còn có nghĩa khác khi đi với các từ khác như thư tín, tín phiếu, tín dụng. Tín cũng là một trong năm cái đức ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trong trường hợp mở rộng nghĩa và khả năng kết hợp của từ như vậy thì càng đưa ra nhiều từ kết hợp càng tốt, song không nhất thiết phải bắt học viên nhớ và biết hết các chữ Hán mới đó mà chủ yếu để học viên hiểu và giải thích được các từ Hán Việt qua âm Hán Việt.

2. Về giáo trình, cần lựa chọn bài học vừa đảm bảo mục tiêu cung cấp vốn từ vựng, ngữ nghĩa, vừa cung cấp tri thức Đông phương ngay từ khi học sinh bắt đầu nhận mặt chữ, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Tuy nhiên thời gian đầu cần chú trọng vào ngôn ngữ văn tự mà cụ thể là lựa chọn những bài giảng thật giản đơn, dễ nhớ ví dụ như một số đoạn trong Tam tự kinh như “Nhân chi sơ, tính bản thiện...”, hoặc Sơ học vấn tân... Trước học các loại sách này không chỉ học về chữ nghĩa mà còn học về luân lý, đạo đức Nho gia, bởi mục tiêu của nền giáo dục phong kiến là đào tạo ra những con người sống theo lý tưởng Nho giáo “học chữ của Thánh hiền”. Trái lại ngày nay chúng ta chú trọng ở khía cạnh chữ nghĩa của chúng, bởi đây là những chữ thông thường, cơ bản, lại có ngữ nghĩa rất rõ ràng, dễ hiểu. Chúng ta không thể bỏ qua các tác phẩm kinh điển Nho gia được, song cũng chỉ nên lựa chọn một số đoạn trích tiêu biểu. Mặt khác cần sử dụng trực tiếp các văn bản Hán Nôm với các loại hình văn bản khác nhau, như văn thơ qua các triều đại, văn bản bi kí, thần tích, gia phả, hương ước...

Tài liệu tham khảo có thể giới thiệu vắn tắt một cách hệ thống các tài liệu về Tứ thư, ngũ kinh, Bách gia chư tử, một số thể loại tiêu biểu trong văn học cổ Trung Quốc, Văn bản thời Lý Trần, Văn bản thời Lê Mạc, thời Tây Sơn, Nguyễn. Thêm vào đó là trang bị tri thức về các phương diện thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.

Từ điển cũng cần biên soạn lại trên cơ sở văn bản Hán Nôm Việt Nam như Từ điển Hán Nôm Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang thực hiện. Sự ưu việt của bộ từ điển này là các từ đều được rút ra từ chính các văn bản Hán Nôm Việt Nam, điều đó khắc phục được hiện tượng thường mắc trong các từ điển khác là thiếu từ tra cứu trong văn bản Hán Nôm, nhất là những chữ viết theo kiểu người Việt sử dụng chữ Hán.

3. Một phương thức trang bị kiến thức Hán Nôm cơ bản khác là sử dụng mạng Intenet.

Intenet là mạng thông tin mang tính toàn cầu, có số lượng dữ liệu cực kỳ phong phú và to lớn, bao chứa toàn bộ thông tin dữ liệu về đời sống và mọi hoạt động của con người, đặc biệt là những thông tin về văn hoá, khoa học và cộng nghệ. Về lĩnh vực Hán Nôm, hiện Intenet đã có rất nhiều trang web ở trong và ngoài nước chứa đựng nhiều dữ liệu về chuyên ngành Hán Nôm. Đặc biệt thông qua các trang wed này người sử dụng có thể học chữ Hán, tra cứu chữ Hán trực tuyến (máy tính nối vào mạng Intenet) ở bất kỳ đâu, nất kỳ lúc nào là có thể có được thông tin cần thiết.

Thông thường hiện tại ta có thể vào trang www.google.com.vn, gõ 2 chữ hannom là có thể vào được trang Hán Nôm, trong đó có các mục như TunguyenHanNom. Tại trang này, có thể tra cứu được các từ Hán và từ Nôm theo âm đọc. Kết quả cho thấy hình chữ Hán, âm đọc của Trung Quốc, âm đọc tiếng Việt, nghĩa tiếng Việt và các ví dụ.

Như vậy ta có thể tra bất cứ chữ nào (trong chương trình) để biết hình chữ, nghĩa của chữ và có thể copy dán vào file dữ liệu của riêng mình.

Ngoài ra hiện tại có thể sử dụng chương trình Viet Hannom 2002 của tác giả Phan Anh Dũng (thành phố Huế). Đây là phần mềm Việt Hán Nôm tổng hợp cho phép đồng thời đánh chữ Việt, chữ Hán và chữ Nôm Unicode và tra cứu nghĩa từng chữ rất tiện lợi, có sự hỗ trợ phiên âm tự động. Với chương trình này, chúng ta có thể đánh được chữ Nôm và các chữ Hán qua âm đọc Hán Việt, như quốc, gia, chính quyền... Cũng qua chương trình này có thể tra cứu và tìm nghĩa của từ. Chẳng hạn bấm vào ô tra theo bộ thủ, chúng ta thấy xuất hiện các bộ thủ xếp theo nét, như bộ thủ 3 nét có các bộ khẩu, thổ, sĩ, đại, nữ, tiểu, thốn, miên... Tiếp tục bấm vào một bộ thủ nào đấy như bấm vào bộ khẩu chẳng hạn, chúng ta có thể tra được các chữ có bộ khẩu với số nét từ ít đến nhiều. Cuối cùng bấm vào chữ định chọn, sẽ hiện lên chữ đó với âm đọc, các nghĩa từ và khả năng kết hợp cùng ví dụ giản lược.

Tóm lại, để giúp người học Hán Nôm không có nhiều thời gian học trên lớp, cần cung cấp một lượng chữ nghĩa văn tự cơ bản và các trích đoạn văn bản chữ Hán cơ bản trong một số tác phẩm văn học cổ Trung Quốc, Việt Nam tiêu biểu. Bên cạnh đó cần có giáo trình và tài liệu tham khảo hệ thống và hoàn chỉnh, cùng từ điển tra cứu và chương trình tự nâng cao tri thức Hán Nôm qua mạng Intenet.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020