Cúng mười loại cô hồn là loại hình văn hóa nghi thức Phật giáo dùng trong ngày rằm tháng bảy hàng năm, để siêu thoát cho các cô hồn trong lục đạo được ăn uống tránh đói khổ, siêu sinh lên cõi trời thanh tịnh, lạc đạo. Với mười loại cô hồn, bài Văn tế thập loại chúng sinh (gọi tắt là Văn tế) tương truyền là của Nguyễn Du không những chủ yếu trong nghi thức mà còn là một tác phẩm văn học Nôm có giá trị.
Thác là thể phách - còn là tinh anh
(Nguyễn Du)
Cúng mười loại cô hồn là loại hình văn hóa nghi thức Phật giáo dùng trong ngày rằm tháng bảy hàng năm, để siêu thoát cho các cô hồn trong lục đạo được ăn uống tránh đói khổ, siêu sinh lên cõi trời thanh tịnh, lạc đạo. Với mười loại cô hồn, bài Văn tế thập loại chúng sinh (gọi tắt là Văn tế) tương truyền là của Nguyễn Du không những chủ yếu trong nghi thức mà còn là một tác phẩm văn học Nôm có giá trị.
Trước tiên chúng tôi tìm về lễ nghi thí thực mà đến nay bài văn này vẫn dùng trong cúng cô hồn ngày rằm tháng bảy. Khi nghiên cứu về văn bản Văn tế, các học giả đi trước cũng nhìn nhận rằng, bài văn được dùng trong lễ nghi Phật giáo, tuy nhiên chưa ai tìm nguồn gốc chuyển thể, phóng tác tác phẩm. Nguồn gốc khoa cúng thí thực từ câu chuyện trong Phật kinh bảo điển, cho biết Diện Nhiên thị hiện cho A Nan và đức Phật dạy nghi thức cúng thí thực. Các bản kinh Phật về thí thực và lễ nghi được lưu lại rất đầy đủ trong bộ Mật tông của Đại tạng kinh do Thật-xoa-nan-đà, Kim Cương Trí và học trò là Bất Không chuyển dịch như: Thí chư ngạ quỹ ẩm thực cập thủy pháp, Du-già tập yếu cứu A-Nan Đà-la-ni nghi quỹ, Phật thuyết Cứu Diện nhiên ngạ quỹ đà la ni thần chú... hoặc các bản nghi thức trong Vạn tục tạng kinh của các tác giả đời Minh Thanh.
Trong bộ Mật tông của Đại tạng kinh như 瑜 伽 集 要 焰 口 施 食 儀 Du già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, 1 quyển không rõ dịch giả, ghi rõ nghi thức cúng thí thực vào rằm tháng bảy. Khoa nghi tổng hợp các chân ngôn, các lời chú, quyết, bao gồm thân, khẩu, ý trong hành trì của Mật tông để đạt hiệu quả dẫn dụ cho cô hồn, ngạ quỹ được cứu vớt, thoát khỏi địa ngục khổ đói. Về sau, sự kết hợp tín ngưỡng bản địa Trung Quốc và Mật tông đã cho ra đời nghi thức cúng Thủy lục chư khoa bởi pháp sư Bất Động ở núi Mông Sơn. Đàn cúng Mông Sơn ngày nay vẫn thịnh hành trong nghi thức cúng ngày rằm tháng bảy ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Tuy nhiên trong văn bản Hán thì khoa cúng Mông Sơn là một dạng tổng hợp và rút gọn của Nghi quỹ thí thực. Có thể nói bản Nghi quỹ thí thực do Châu Hoằng Vân Thê hiệu chỉnh là chuẩn mực cho các bản về sau, đồng thời cũng đơn giản hơn. Ông không những hiệu chỉnh mà còn chú giải tường tận cho Nghi quỹ Du già truyền bản sang Việt Nam.
Chúng tôi chưa có điều kiện khảo cứu kĩ về khoa cúng thí thực ở Việt Nam,nhưng theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang thì từ thời Trần đã có nghi thức cúng cô hồn, cho biết Huyền Quang đã từng đăng đàn chẩn tế. Đồng thời trong các chùa Việt lưu truyền sách Bảo Đỉnh hành trì tập hợp khoa nghi bí mật nội truyền do Huyền Quang tổ sư soạn thảo cũng phần nào nói lên việc thịnh hành nghi thức Phật giáo. Hơn thế, các bộ sách sử như Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư.... đều ghi chép đời Trần nước ta đã xin vua Tống Đại tạng kinh. Điều này phần nào nói lên Nghi quỹ thí thực tồn tại ở nước ta từ rất sớm. Thời Lê - Trịnh - Nguyễn, đàn Thủy lục được Chuyết Chuyết tiến hành để bảo dương độ âm cho tướng sĩ bại vong trong chiến tranh được nhiều tư liệu Hán Nôm ghi lại. Bộ Thủy lục từ bản Chân Nguyên (1709) đến bản gần đây nhất là năm 1894 đã trải qua nhiều lần in nhưng nội dung không có nhiều dị biệt. Ngoài ra, bản Tiểu Du già thí thực pháp, cũng được Phúc Điền hòa thượng cho khắc in tại chùa Đại Quang xã Phú Nhi (Sơn Tây - Hà Tây) năm Thiệu Trị 4 (1844) đầy đủ nghi tiết cúng Thí thực cho cô hồn, giống bản của Châu Hoằng đời Minh. Điều này cho biết vào thời Lê - Trịnh và sang thời Nguyễn nghi thức cúng cô hồn rất thịnh hành ở nước ta, truyền thừa từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng giống như các truyền bản văn học cùng thời, và việc biên dịch Văn tế từ Hán sang văn bản Nôm là điều có thể.
Bài Văn tế bao gồm 184 câu, chia ra làm ba phần chính: Phần đầu giới thiệu cảnh não nề của tháng bảy mưa dầm sùi sụt, cảnh lặng lẽ man mác, buồn thương...; Phần thứ hai nói rõ mười loại cô hồn, đây là phần chính của bài văn; Phần cuối kết luận, mở hướng cho con người đi vào con đường lương thiện, theo cầu đạo Phật từ bi để không sa đọa vào cô hồn quỷ đói. Cả ba phần đều với giọng văn thê thiết, vạch hướng con người đi vào con đường từ bi lương thiện để thoát khỏi cảnh tai ương khổ ai của kiếp nhân quả luân hồi.
Phần thứ hai, tức phần chính bao gồm 10 loại cô hồn chúng tôi thấy có nhiều điểm tương quan với Nghi quỹ Du già thí thực. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi so sánh văn bản Hán là Du già tập yếu thí thực nghi quỹ 瑜 伽 集 要 施食 儀 軌 (gọi tắt là bản Du già) do Châu Hoằng đời Minh soạn với bản Văn tế được GS. Hoàng Xuân Hãn giới thiệu. Chúng tôi sẽ lấy bản Hán làm bản chính, để so sánh sự thay đổi thứ tự trong hai bản.
So sánh “thập loại cô hồn” trong hai bản:
Bản Du già
|
Bản Văn tế
|
1. Vua chúa vương hầu.
2. Anh hùng tướng soái.
3. Tể thần.
4. Văn nhân tài tử.
5. Tăng ni - xuất gia.
6. Đạo sĩ.
7. Buôn bán chết xa.
8. Binh lính chết trận.
9. Mẹ con sản nạn.
10. Man rợ, điếc, mù,...
11. Mỹ nhân khuê các.
12. Đói, rét... chết nạn.
13. Tổng hợp “thập loại cô hồn” trong “lục đạo”.
|
1. Vua chúa bị giết.
2. Quý nữ liều thân.
3. Tể thần thất thế.
4. Đại tướng bại trận.
5. Ham giàu chết đường.
6. Ham danh chết quán.
7. Buôn bán chết xa.
8. Binh lính chết trận.
9. Kĩ nữ cô đơn.
10. Chết bởi nghèo nàn tai họa.
|
Tuy hai bản con số cô hồn liệt kê khác nhau nhưng hệ số cô hồn được ấn định là con số 10 (thập loại). Đồng thời “thập loại cô hồn” là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo”. Các bản trong Đại tạng, Vạn tục tạng hay các nghi thức dân gian đều ghi là 10 loại cô hồn (thập loại cô hồn) nhưng không bản nào cố định con số 10 loại. Bản Văn tế tóm gọn là 10 loại cô hồn nhưng loại thứ 10 nếu chia nhỏ ra thì cũng có thể thành 13 loại, như bản Du già. Tuy số loại cô hồn trong hai bản về cơ bản không khác nhau, nhưng thứ tự các loại cô hồn cũng như loại cô hồn trong hai bản khác nhau.
Điều đáng nói là bản Văn tế - bản Nôm, tác giả đã không kể người Tăng ni xuất gia đầuPhật và Đạo sĩ như trong bản Du già. Chúng tôi không rõ tác giả có dụng ý gì khi loại trừ hai loại cô hồn trên. Các bản Nghi quỹ Du già không loại trừ Tăng ni xuất gia và Đạo sĩ trong “lục đạo cô hồn”, cho thấy hoàn toàn phù hợp với thế giới quan của Phật giáo.
Bản Du già và Văn tế có nhiều điểm giống nhau trong phân loại cô hồn, điều đó thể hiện trên phương diện nào đó của ngôn ngữ cũng như dụng ý. Tuy nhiên, từ một văn bản Hán theo lối của bản Du già, tác giả Văn tế đã phóng tác uyển chuyển thành dạng văn song thất lục bát:
Ví dụ đoạn 2 bản Du già:
一心 召 請。 築 壇 拜 將。 建 節 封 侯。 力 移 金 鼎 千 鈞 。 身 作 長 城 萬 里。(白) 霞 寒 豹 帳。 徒 勤 汗 馬 之 勞。 風 息 狼 煙。 空 負 攀 龍 之 望。 (嗚 呼) 將 軍 戰 馬 今 何 在。 野 草 閒 花 滿 地 愁 。 如 是 英 雄 將 帥 之 流。 一 類 孤 魂 等 眾(云 云)。
Phiên âm:
Nhất tâm triệu thỉnh: Trúc đàn bái tướng, kiến tiết phong hầu. Lực di kim đỉnh thiên quân, thân tác trường thành vạn lí. Bạch hà hàn báo trướng, đồ cần hãn mã chi lao; Phong tức lang yên, không phụ phan long chi vọng. Ô hô ! Tướng quân chiến mã kim hà tại; Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu. Như thị anh hùng tướng suất chi lưu, nhất loại cô hồn đẳng chúng v.v...
Dịch nghĩa:
Một lòng triệu thỉnh: xây đàn bái tướng, dựng tiết phong hầu. Sức dời kimđỉnh nghìn cân, thân làm trường thành muôn dặm. Bạch sương hàn trướng báo, uổng sức trâu ngựa nhọc nhằn; gió tạnh lang yên, luống phụ vương hầu ngóng vọng. Ô hô ! tướng quân chiến mã nay đâu tá; Cỏ dại hoa suông khắp đất buồn. Đấy là loại cô hồn anh hùng tướng soái.
Với đoạn 4 - Đại tướng bại trận, bản Văn tế:
Nào những kẻ bài binh bố trận
Vâng mệnh sai lĩnh ấn nguyên nhung
Gió mưa thét rống đùng đùng
Phơi thây trăm họ làm công một người
Khi thất thế cung rơi tên lạc
Bãi sa trường thịt nát máu trôi
Bơ vơ góc bể chân trời
Bó thân da ngựa biết vùi vào đâu
Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm ngưng mù mịt trước sau
Năm năm sương nắng dãi dầu
Còn đâu tế tự, còn đâu chưng thường.
Cho thấy văn bản phóng tác uyển chuyển mạch lạc và phần nào nói rõ hơn dụng ý cũng như mặt ngôn ngữ Việt hàm súc mà bản Văn tế dường như không hề dịch sát nguyên văn từ bản Du già, tuy nhiên âm hưởng buồn và tình tiết có nhiều điểm tương tự.
Để thấy rõ hơn chúng tôi dẫn dụ so sánh đoạn 11 của Du già:
一 心 召 請 。 宮 幃 美 女 。 閨 閣 佳 人。 臙 脂 盡 面 爭 妍。 龍 麝 薰 衣 競 俏。 (白) 雲 收 雨 歇 。 魂 消 金 谷 之 園 。 月 缺 花 殘 。 腸 斷 馬 嵬 之 驛 等 (嗚 呼) 昔 日風 流 都 不 見。 綠 楊 芳 草 髑 髏 寒。 如 是 裙 釵 婦 女 之 流。 一 類 孤 魂 眾(云 云)。
Phiên âm:
Nhất tâm triệu thỉnh: Cung vi mĩ nữ, khuê các giai nhân. Yên chi họa diện tranh nghiên, long xạ huân y cạnh tiếu. (Bạch), vân thu vũ yết, hồn tiêu Kim Cốc chi viên; Nguyệt khuyết hoa tàn, trường đoạn Mã Ngôi chi dịch. Ô hô! tích nhật phong lưu đô bất kiến; Lục dương phương thảo độc lâu hàn. Như thị quần thoa phụ nữ chi lưu, nhất loại cô hồn đẳng chúng ,... v. v....
Dịch nghĩa:
Một lòng triệu thỉnh: mỹ nữ cấm cung, giai nhân khuê các. Phấn son vẽ mặt đua duyên, áo ướp xạ hương khoe sắc. (Bạch) mây tạnh mưa tan, hồn về vườn cũ Kim Cốc; Trăng khuyết, hoa tàn, ruột đứt trạm quán Mã ngôi (như Dương Quý Phi thời Đường). Ô hô ! Dấu xưa phong lưu giờ đâu thấy; cỏ thơm liễu biếc đống xương tàn. Như vậy là loại cô hồn quần xoa phụ nữ.
Với đoạn 2 -Quý nữ liều thân, bản Văn tế:
Nào những kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung Quế Hằng nga
Một phen thay đổi sơn hà
Tấm thân mảnh lá biết là làm sao
Lên lầu cao, xuống dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương
Thảm thiết nhẽ không hương không khói
Hồn vẩn vơ bãi cói ngàn sim
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo, càng đêm càng dàu.
Qua so sánh cho thấy hai văn bản có sự dị biệt không nhỏ. Bản Du già mang tính chất quy phạm, ước lệ và sáo mòn. Từ vua chúa công hầu, khanh tướng mang tính chất ước lệ như đưa hình ảnh Lưu Bang vua Hán dựng đàn bái Hàn Tín làm tướng, hay một thân phận Dương Quý Phi khi đến Mã Ngôi bị vua Đường giết (Châu Hoằng chú bản Du già), v.v...Tính chất ước lệ tượng trưng thể hiện rõ trong quan điểm đạo đức tôn ti trật tự từ cao xuống thấp, đứng đầu là vua rồi dần dần thấp hơn trong thứ bậc. Đồng thời, hình thức diễn đạt của văn bản thuần túy là một nghi thức bao gồm các phần “nhất tâm triệu thỉnh”, “ô hô”, “bạch”,... trong mỗi loại cô hồn, cũng như chủ thể tác giả hoàn toàn cách biệt, không gắn sự thương cảm trong ngôn ngữ tác phẩm. Trong khi tác phẩm Nôm Việt, tác giả bản Văn tế đã đứng trong cái bi thương của kiếp người để viết lên những trang từ lòng người. Vị thế của người viết đã khác với bản Du già, hòa nhập trong ngôn ngữ, chủ động và sáng tạo. Giữa hai bản thì bản Văn tế uyển chuyển và tình cảm, cái tôi thương cảm của tác giả thể hiện đến với từng thân phận con người. Bản Văn tế không có cái tính chất sáo mòn của nghi lễ, mỗi thân phận cô hồn đều được nhìn trên nhiều góc độ, của chủ nghĩa nhân đạo. Hơn thế, tác giả không chỉ hòa nhập trong bối cảnh, hòa mình trong bài Văn tế mà còn đứng trong vai trò khách quan với tâm thái của người ở trên tất cả, để nhìn nhận xuống bên dưới là vua tôi khanh tướng. Cái tâm thái đó thể hiện của người “bề trên” khi tác giả gọi vua tôi, khanh tướng đều là “kẻ”:
“Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh” (nói về vua chúa bị giết, câu 21).
“Nào những kẻ màn lan trướng huệ” (nói về quý nữ liều thân, câu 33).
v.v...
Nhưng cũng là cái tâm thái nhập vào ngôn ngữ đau thương cho thân phận con người. Dưới đây tác giả than cho thân phận phụ nữ:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu”
(câu 116).
hay thương cảm cho người tướng bại trận:
“Bơ vơ góc bể chân trời
Bó thân da ngựa biết vùi vào đâu”
(câu 64).
Từ so sánh chúng tôi nhận định:
- Trong văn bản Hán cũng như Nôm đều ghi là “thập loại chúng sinh” tức là 10 loại cô hồn. Tuy nhiên trong cả văn bản Nôm và Hán đều không dừng lại ở con số 10, mà là đến 13 loại cô hồn và mở ra con số không cố định. Trong nhân sinh quan Phật giáo, 10 loại cô hồn chỉ là dạng tượng trưng trong tổng thể các loại cô hồn trong “lục đạo”.
- Vị thế tác giả tác phẩm là hoàn toàn chủ quan. Tác giả nhìn nhận tất cả các loại cô hồn bằng tình cảm nhân đạo, bằng vị thế bao trùm, tổng quát nhưng không mất đi tình cảm đau thương. Điều này có phần thích hợp với giai đoạn xã hội có nhiều biến chuyển cuối Lê đầu Nguyễn, đất nước loạn ly, nhân dân khổ sở, đói rách mà tâm thức tác giả với vị vua sáng tướng hiền không còn. Bộ mặt xã hội thể hiện trên sự miêu tả các loại cô hồn, tác giả đã đồng cảm, thương cảm cho kiếp người cũng như cho chính bản thân tác giả trong sự bế tắc, bộ mặt đau thương của xã hội.
- Dụng ý ban đầu của chúng tôi dựa trên nội chứng của văn bản để xác định tác giả, và không loại trừ khả năng tác giả bài Văn tế không phải là Nguyễn Du. Tuy nhiên quá trình so sánh, nhìn nhận trong tương quan thời đại và con người, ngôn ngữ và văn bản thì dần chúng tôi thấy đồng cảm hơn với các học giả đi trước như cụ Lê Thước, GS. Hoàng Xuân Hãn khi cho rằng tác giả bài Văn tế là Nguyễn Du.
- Nguyễn Du đã phóng tác bài Văn tế từ một khoa nghi Phật giáo, khoa cúng Du già, chuyển thể một dạng thức Hán văn 10 loại cô hồn thành một bài Văn tế uyển chuyển về văn từ và ngữ nghĩa. Bản Nôm có phần mở đầu, phần giữa và kết thúc dễ đọc dễ thuộc và không khó trong phổ biến, tạo hiệu quả tốt hơn cho người đọc người nghe trong con đường hướng thiện mà sự biểu hiện của dạng thức nghi thức là phương tiện dẫn dụ.
Nhiều người đã tiến hành phân tích cũng như nói về nghệ thuật ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Du trong diễn tiến văn bản Nôm. Chúng tôi không nghĩ có thể tiến sát đến dụng ý của tác giả, nhưng thông qua nghệ thuật ngôn ngữ phần nào có thể tiếp cận con người và thời đại đã đản sinh nên áng văn chương này.
Tác giả đã có nhiều thủ pháp khi sử dụng nhiều cặp đối nhau trong các câu tám (của câu lục bát), ngắt câu thành hai, mỗi bên 4 chữ tạo nên cặp tiểu đối rất chỉnh thể. Mỗi câu có một vế đối trong chỉnh thể của nó, tạo thành cặp đối, tạo nên nhịp điệu cho câu và nhấn mạnh ý nghĩa cần diễn đạt. Câu hàm súc hơn cũng như uyển chuyển hơn. Dưới đây là một vài ví dụ để thấy rõ thủ pháp sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện của tác giả:
“Ngàn lau khảm bạc; giếng ngô rụng vàng” (câu 4)
“Máu tươi lai láng; xương khô rã rời” (câu 28)
“Đã đêm Quản Cát; lại ngày Y Chu” (câu 48)
.....
Cho thấy, các vế tạo nên một cặp đối tương xứng về nhịp điệu âm vận bằng trắc, như “Anh em: thiên hạ” đối với “láng giềng: người dưng” (câu 88) hay “Ư ư tiếng khóc” với “xót xa nỗi lòng” (câu 128). Đồng thời cũng đối cả các cặp từ láy luyến, tạo nên hiệu quả đặc biệt cho ngôn ngữ biểu cảm. Số lượng câu tiểu đối trong toàn bài là 13 câu, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong chỉnh thể một cặp thơ song thất lục bát.
Hơn nữa, bài Văn tế có rất nhiều cặp từ láy luyến. Đây cũng là điều rất đặc biệt trong phong cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Các cặp láy luyến như: “xùi xụt” (câu 1), “man mác” (câu 5), “lác đác” (câu 6), “thiết tha” (câu 7), “tối tăm” (câu 9),.... Toàn bài gồm 45 cặp láy đôi như vậy.
Ngoài ra còn các dạng thức láy ba, láy bốn khác mà chúng tôi chưa khảo cứu kỹ lưỡng. Đồng thời, phương diện ngôn ngữ chúng tôi cũng chỉ nêu các cặp láy mà thôi chứ không phân tích về hình thức láy âm, láy vận, láy phụ âm hay nguyên âm,....
Tạo nên cú pháp với các điệp láy, tác giả đã làm cho hiệu quả câu thơ uyển chuyển hơn, dễ đọc, hàm xúc và đảm bảo biểu đạt trong ngôn ngữ. Văn tế sử dụng trong nghi thức Phật giáo, cúng ngày rằm tháng bảy nên phương diện ngữ âm đọc đạt được hiệu quả, giọng điệu ngâm nga phù hợp cũng như tạo nên âm hưởng thê thiết, bi thương.
Dụng pháp trong ngôn ngữ Phật giáo đã được tác giả Nguyễn Du sử dụng nhuần nhuyễn qua hình ảnh tôn giáo nằm sâu trong lớp lang văn hóa của bài Văn tế. Là một văn bản chuyển thể từ dạng thức Hán sang Nôm, tác giả đã vượt qua cái khô cứng của ngôn ngữ văn chương biền ngẫu Hán, một văn bản ngôn ngữ Phật giáo để chuyển thể sang ngôn ngữ Nôm Việt thuần tuý, gần gũi và thuần phác, có tính chất bác học. Chúng tôi muốn nói tới hệ thống văn hóa Phật giáo trong bài Văn tế, để có thể nhìn nhận một khía cạnh nào đó trong tư tưởng của tác giả thông qua thế giới quan Phật giáo phổ hợp lên dạng thức ngôn ngữ Nôm Việt.
Thực ra, Nguyễn Du không sử dụng quá nhiều thuật ngữ Phật giáo trong toàn văn, duy chỉ phần thứ tư “cầu Phật giải thoát cô hồn” là dẫn dụ một số thuật ngữ Phật giáo, nhưng hàm ý của toàn bài văn mang nội dung tín ngưỡng tôn giáo cũng như một nội hàm triết thuyết. Ngay như phần đầu tác giả viết:
“Muôn nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương”
(câu 20)
Đã rõ ràng cho thấy một dạng thức của tư tưởng người Việt trong cảm quan văn hóa Phật giáo thể hiện qua ngôn ngữ. Hồn được giải oan cứu khổ, không xa rời kinh điển Phật giáo, Phật thuyết Cứu Diện nhiên ngạ quỷ đà la ni thần chú trong bộ Mật tông nói về cúng thí thực cô hồn, để cô hồn “thoát khỏi quỷ đói để sinh lên cõi trời” (li ngạ quỷ chi khổ, đắc sinh thiên thượng 離 餓 鬼 之 苦 得 生 天 上). Nhưng rõ ràng ngôn ngữ gần gũi với người Việt, gần gũi với tín ngưỡng siêu sinh Tây phương cực lạc, như hình thức tôn thờ Phật Di lặc và Bồ tát trong dân gian. “Giải oan cứu khổ” đã gắn với ngôn ngữ đời thường, gắn với cuộc sống của con người mong cầu vượt qua được “oan”, “khổ” để đạt đến cuộc sống lương thiện tốt đẹp. Như đoạn cuối cũng viết “nhờ Phật lực siêu sinh Tịnh độ...”, cả đoạn này về sau đều hướng con người đến với Phật pháp, để được siêu thoát khỏi kiếp đời khổ đau này. Tác giả viết:
“Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”
(câu 172)
Cho thấy sự đúc kết lại là con người nên lấy tâm làm tâm Phật, “tâm tức thị Phật” thì có thể thành chính quả, đến với cõi trời thanh tịnh, không phải chịu cảnh khổ đau nữa.
Toàn bài văn là không gian ảm đạm thê lương của “tiết tháng bảy”. Cõi âm như được tái hiện trên cõi dương bằng hiện thân của các loại cô hồn trong xã hội. Phải chăng đây cũng là bộ mặt xã hội mà tác giả dụng ý thể hiện qua hình thức ngôn ngữ, phần nào nói lên cái đau đời trong tâm thức của ông ? Có thể nói Nguyễn Du đã đau cái đau của nhân gian, của xã hội trong một giai kì biến loạn. Bản Văn tế không chỉ là một nghi thức trong khoa cúng thí thực chẩn tế cô hồn ngày rằm tháng bảy hàng năm mà hơn thế là bộ mặt của một giai đoạn tăm tối, nhân dân khổ cực, chiến tranh và đói khát gắn liền đưa con người vào vòng khổ não.
Chưa phải kết ngữ cho nghiên cứu về Nguyễn Du, những cố gắng của chúng tôi chỉ nhằm làm rõ hơn con đường chuyển thể từ Hán sang Nôm của bài Văn tế. Bài Văn tế đã thể hiện được nhuần nhuyễn, sinh động và bi thương hơn trong dạng thức Nôm Việt. Đồng thời cho thấy tác giả gửi gắm tâm sự với chúng sinh, hướng thiện con người sống theo đạo từ bi Phật giáo. Nhân sinh quan của tác giả đặt trong thế giới quan Phật giáo thể hiện tấm lòng nhân đạo thiết tha với đất nước với dân tộc trong giai kì nhiều biến chuyển.
Tài liệu tham khảo
(1) Nguyễn Du: Chiêu hồn thập loại chúng sinh, T.T Thích Tâm Châu đề tựa, Đàm Quang Thiện hiệu chú, Nam Chi Tùng thư xuất bản, Sài gòn 1965, tr.64, 65.
(2) La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3, Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr.1292.
(3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, H. 2000.
(4) Lê Thánh Tông, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, trong Hồng Đức quốc âm thi tập, Phan Trọng Điềm - Bùi Văn Nguyên, phiên âm, sưu tầm, giới thiệu, Nxb. Văn hóa, Viện Văn học, H. 1962.
(4) Ứng phó dư biên tổng tập, kí hiệu AB.658 và AB.21, tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(5) Thủy lục chư khoa, Chân Nguyên Tuệ Đăng in năm Vĩnh Thịnh 5 triều Lê (1709), ký hiệu AC.691 và AC.340 tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(6) Thủy lục chư khoa, in năm Thành Thái thứ 6 (1894) gồm 6 tập 30 quyển trong đó có khoa Mông Sơn, trùng san tại Vĩnh Phúc hợp phái Phù Lãng, Vũ Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, bản lưu tại chùa Ngọc Quán, Hà Nội.
(7) Tiểu Du già thí thực pháp, kí hiệu AC.961, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hòa thượng Phúc Điền in tại chùa Phú Nhi xã Đại Quang, Sơn Tây, năm 1844.
(8) Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi T.21, Đại tạng kinh, kí hiệu: No.1320.
(9) Phật thuyết Cứu Diện nhiên ngạ quỹ đà la ni thần chú, Đại tạng kinh, No.13114.
(10) Vạn tục tạng kinh, quyển 59:
Kí hiệu 1080 - Du già tập yếu thí thực nghi quỹ - Châu Hoằng triều Minh trùng đính.
Kí hiệu 1081 - Tu thiết Du già tập yếu thí thực đàn nghi chú - Châu Hoằng bổ chú.
Kí hiệu 1082 - Ư mật sâm thí thực chỉ khái - Pháp Tạng triều Thanh viết.
Kí hiệu 1083- Tu tập Du già tập yếu thí thực đàn nghi - Pháp Tạng triều Thanh viết.
Kí hiệu 1084 -Du già diệm khẩu chú tập toản yếu nghi quỹ - Tịch Cù đời Thanh soạn./.