Hán nôm

GIỚI THIỆU TÌNH HÌNH VĂN BẢN VÀ GIÁ TRỊ MỘT SỐ BỘ THI TUYỂN CHỮ HÁN TIÊU BIỂU CỦA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI


15-10-2020

 GIỚI THIỆU TÌNH HÌNH VĂN BẢN 

 

VÀ GIÁ TRỊ MỘT SỐ BỘ THI TUYỂN CHỮ HÁN TIÊU BIỂU

CỦA VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI (*)

        Hà Minh, Nguyễn Thanh Tùng

        Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội

 

I. MỞ ĐẦU

Trong kho tàng các văn bản Hán Nôm Việt Nam, các thi tuyển chữ Hán có vai trò, vị trí quan trọng đối với việc bảo tồn, lưu giữ các tác phẩm văn học, cụ thể là tác phẩm thi ca thời trung đại. Chính vì vậy, đã có nỗ lực của rất nhiều người nhằm khai thác, công bố, phổ biến các bộ sách quý này, bao gồm các công tác thư mục, dịch thuật, lược thuật… diễn ra trong một thời gian dài hơn một thế kỷ. Nhưng do tình hình tư liệu để lại khá phức tạp, khối lượng công việc đồ sộ, luôn có những phát hiện mới, tư liệu mới nên những gì đã làm được vẫn chưa thể coi là đã hoàn bị. Từ thực tế đó, bài viết của chúng tôi muốn trình bày thực trạng văn bản một số bộ thi tuyển, ngõ hầu: 1) Đáp ứng yêu cầu giới thiệu khai thác tư liệu gốc phục vụ việc nghiên cứu của chuyên ngành văn bản học Hán Nôm, văn học Viêt nam trung đại; 2) Khái quát về mặt giá trị văn bản, từ đó, gợi ra những vấn đề còn có thể tiếp tục phải làm đối với các văn bản để mọi người cùng suy nghĩ, tìm tòi, giúp cho việc định hướng nghiên cứu các di sản văn hoá thành văn của cha ông ta trong quá khứ.

II. GIỚI THIỆU TÌNH HÌNH VĂN BẢN VÀ GIÁ TRỊ MỘT SỐ BỘ THI TUYỂN TIÊU BIỂU

Sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn tuyển tập thơ ca (thi tuyển) (1) là một truyền thống đã có từ lâu ở Trung Hoa. Theo học giả Lê Quý Đôn, “thi tuyển bắt đầu có từ thời Lương” (Toàn Việt thi lụcLệ ngôn) (2). Ở Việt Nam, từ đời Lê bắt đầu rộ lên phong trào làm thi tuyển: sôi nổi ở thế kỉ XV, lắng xuống ở 2 thế kỉ XVI, XVII, phục hưng trở lại từ thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX rồi kết thúc vai trò của nó ở cuối thế kỉ này. Chúng tôi xin giới thiệu một số bộ thi tuyển tiêu biểu của mỗi giai đoạn sau đây:                   

1. Việt âm thi tập:

Việt âm thi tập (VATT) hay Việt âm tập, do Phan Phu Tiên (? - ? ) khởi biên và Chu Xa (? - ?) tục biên. Khởi biên từ khoảng năm 1428, đến năm 1433 tạm hoàn thành (Tựa). Vào năm 1446, triều đình xuống chỉ cho Chu Xa làm tiếp, đến năm 1459 hoàn thành, giao cho Lý Tử Tấn hiệu đính, phê điểm rồi khắc in.

a. Truyền bản:

Bản gốc thất lạc. Năm Bảo Thái, Kỷ Dậu (1729), một nhóm người có tâm huyết đã cùng nhau khắc in lại. Nay còn giữ lại được một văn bản in không đầy đủ của bản này, kí hiệu (A. 1925), một bản chép tay, chép năm Tự Đức thứ 34 (1881) (A.3038), bản chép tay (đời Nguyễn) ký hiệu R.1629 (TVQG).

b. Kết cấu:

Theo khảo sát của chúng tôi, Mục lục có ghi 612 bài của 113 đơn vị tác giả. Theo bài Tựa của Lý Tử Tấn, văn bản  có hơn 700 bài. Nhưng trên thực tế Mục lục không phản ánh chính xác con số thực. Lê Quý Đôn nói sách gồm 6 quyển (Đại Việt thông sửNghệ văn chí). Sách chép thơ của các tác giả từ thời Lý đến đầu đời Lê, xếp theo thứ tự: vua để lên đầu, sau đến quan lại, thiền sư và phụ nữ… để vào phần Phụ lục. Tên tuổi tác giả, xuất xứ tác phẩm được chú giải khá sơ sài.

c. Hiện trạng văn bản:

- Bản A.1925: gồm 3 quyển, thiếu quyển IV, V, VI [quyển I, II, III và phần bổ di quyển III] dày 136 trang khổ 24 x 16, in năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Văn bản hiện còn gồm 2 bài tựa, 1 bài biểu, một bản Mục lục toàn bộ sách. Theo khảo sát, sách chỉ còn 288 bài thơ của 50 đơn vị tác giả (trong đó có 6 bài thơ khuyết danh) (3).

- Bản A.3038: 3 quyển và phần Bổ di quyển III, thiếu quyển IV, V, VI, dày 148 trang khổ 26 x 15, chữ viết khá thảo. Qua so sánh thì thấy đây là bản chép lại gần như y nguyên văn bản A. 1925.

- Bản R. 1629 (TVQG): chép tay, giấy dó cũ, có kiêng huý triều Nguyễn. Sách gồm 96 trang, khổ 29 x 17, có một bài biểu, không có 2 bài tựa. Theo bài biểu thì sách có 6 quyển cộng với một Phụ lục, nhưng trong sách không thấy chia quyển nhưng căn cứ vào nội dung sách có thể thấy nó gồm q1- q3 và một phần q4. Sách thiếu trang, chép thơ từ đầu đời Trần đến đầu đời Lê, gồm  bài của  tác giả. Nếu chỉ tính 3 quyển đầu (chép thơ đời Trần- Hồ) thì sách chép y như bản in. Điều đặc biệt của quyển này là có một phần quyển 4, gồm 34 bài của 4 tác giả trong đó: Lê Thái Tổ (3 bài), Lê Thái Tông (2 bài), Nguyễn Mộng Tuân (17 bài), Nguyễn Tử Tấn (12 bài). Tuy nhiên, khảo sát kỹ thì thấy 12 bài này đều là thơ của Nguyễn Mộng Tuân. Vậy, sách chỉ chép được 34 bài thơ của 3 tác giả (trong đó Nguyễn Mộng Tuân có 29 bài).

d. Giá trị tổng quát:

Đây là cuốn thi tuyển đầu tiên của dân tộc mở đầu phong trào làm thi tuyển sôi động suốt mấy thế kỷ tiếp sau. Dĩ nhiên, nó có giá trị lớn về mặt tàng trữ các tư liệu thi ca của dân tộc. Bên canh đó, những đoạn cước chú ngắn còn có giá trị về mặt sử học. Hạn chế của công trình là việc biên soạn còn sơ sài, cách sắp xếp nặng về tư tưởng Nho giáo phong kiến, số lượng thơ chưa nhiều.

e. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra:

Cần có sự so sánh, đối chiếu lại tất cả các dị bản của VATT để tìm ra những khác biệt của các bản để xác định lấy một văn bản chuẩn. Như ta thấy, con số các bài thơ và tác giả của chúng ở các bản có sự chênh lệch. Con số do các nhà nghiên cứu đưa ra cũng khác nhau. Cần có sự khảo sát điều tra lại theo một tiêu chí thống nhất và toàn diện trên tất cả các dị bản. Đặc biệt chú ý đến bản R.1629 vì nó là bản duy nhất có quyển IV.

2. Tinh tuyển chư gia luật thi:

Tinh tuyển chư gia luật thi (TTCG) hay Cổ kim thi gia tinh tuyển, Tinh tuyển chư gia thi tập do Dương Đức Nhan soạn, Lương Như Hộc hiệu đính, phê điểm vào khoảng giữa thế kỷ XV.

a. Truyền bản:

Chưa rõ soạn xong sách có được in ra ngay không, bản gốc thất truyền, chỉ biết rằng, hiện còn giữ được 2 bản: 1 bản sao TTCG ký hiệu A.574; 1 bản in  ký hiệu A.2657.

b. Kết cấu:

Theo Lê Quý Đôn, sách gồm 15 quyển (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí). Chưa rõ con số này thế nào, có lẽ là chép nhầm. Theo Phan Huy Chú, sách gồm 5 quyển tập hợp thơ của 13 tác giả Trần, Hồ, Lê sơ gồm 472 bài (Lịch triều hiến chương loại chíVăn tịch chí). Sách sắp xếp khá lộn xộn, không còn theo trật tự trước sau, tôn ti nữa, dường như có ý nghĩa chống lại quan điểm biên soạn trước đó. Theo Lê Quý Đôn, sách dường như là sự "bổ sung những bài còn thiếu" cho VATT.

c. Hiện trạng văn bản:

- Bản chép tay A.574 có 2 quyển, dày 326 trang mỗi trang 9 dòng (20 chữ), giấy lệnh hội, khổ 31 x 20, chia làm 2 quyển I và II, có ghép cả Phụ Dụ trai tiên sinh thi tập (tác phẩm của một tác giả đời Nguyễn, không tính vào đây). Theo Trần Văn Giáp, sách chép 362 bài của 11 tác giả. Theo Nguyễn Huệ Chi, sách chép 409 bài thơ của 12 tác giả.[Trần Nghĩa ghi 558 bài, có lẽ tính cả thơ của Dụ trai chăng ?] Theo sự khảo sát của chúng tôi thì thống kê của Nguyễn Huệ Chi là chuẩn xác.

- Bản in A.2657, mất đầu mất cuối, thiếu sót chỉ còn 2 quyển ( 4 và 5), dày 140 trang khổ 26 x16 với 217 bài thơ của 4 tác giả đời Lê. So với bản A.574, thì phần còn lại của bản này trùng với q2 của bản trên, cũng gồm 4 tác giả đời Lê, nhưng số lượng bài ở bản in nhiều hơn bản chép tay 73 bài. Bên cạnh đó, ở bản chép tay cũng có 3 bài không có trong bản in (đó là 3 bài Hoài lộc, Tặng quốc tử tế tửu Nguyễn Công trí chức [vinh quy]  và Du hồ của Nguyễn Mộng Tuân,). Cộng số bài có ở bản A.574 (409) với số bài dư ở bản in (73 bài) ta được 482 bài (Nguyễn Huệ Chi tính được 472 bài?). Như vậy, có  thể q1 của bản chép tay chính là 3 quyển đầu của bộ TTCG gồm 5 quyển như Phan Huy Chú đã ghi chép dù số tác giả và tác phẩm có chênh lệch nhưng không đáng kể.

d. Giá trị tổng quát:

Tiếp theo VATT, TTCG đã tiếp tục công việc sưu tầm và công bố các tác phẩm văn học của dân tộc trong quá khứ. Nó đã bổ sung một phần không nhỏ các sáng tác mà VATT chưa có điều kiện sưu tầm, ghi chép, đặc biệt là các tác phẩm đời Trần. Nó cũng không biên soạn theo chỉ thị của triều đình, nên không chịu sự chi phối của quan điểm quan phương. Do đó, nó chọn ra được nhiều tác phẩm tinh tuý có chất lượng nghệ thuật cao. Hạn chế của công trình là trật tự sắp xếp còn lộn xộn, tuỳ tiện, số lượng tác giả và tác phẩm chưa phong phú.

e. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra:

Cần tiếp tục lý giải: Sự chênh lệch trong mô tả cơ cấu sách giữa Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, sự chênh lệch số tác giả, tác phẩm giữa sự tổng hợp cả hai bản hiện còn với miêu tả của Phan Huy Chú. Cần khắc phục sự chênh lệch giữa các nhà nghiên cứu về con số bài thơ và tác giả trong cả hai dị bản…

3. Toàn Việt thi lục:

Toàn Việt thi lục (TVTL) do Lê Quý Đôn soạn, trong khoảng năm 1768, rồi dâng lên triều đình và được ban thưởng (4).

a.     Truyền bản:

Sách chưa được in, hiện nay chỉ có một số bản chép tay. Hiện chúng ta có khoảng trên 10 bản như sau: A.393; A.1334; A.2743; A.3200; VHv.777; VHv.117; VHv.1450; A.1262; A.132; HM.2139…

b. Kết cấu:

Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, toàn tập gồm 20 quyển, chép thơ từ đời Lý đến thời Hồng Đức. Theo bài “TVTL Lệ ngôn” thì sách chia làm 2 quyển, nhưng hiện nay không có văn bản nào 2 quyển cả, nhưng đại khái, 2 quyển đó chính là 2 phần (trong bộ 15 quyển): phần I (quyển 1 đến quyển 4) chép thơ Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần. Phần II (11 quyển sau), chép thơ thời Lê sơ. Nguyên tắc sắp xếp là dựa vào lịch đại, nhưng trong mỗi thời đại nguyên tắc đó không tuyệt đối, thơ của vua chúa được chép riêng, để lên đầu các phần I, II; thơ các nhà sư, nữ sĩ, sứ thần Trung Hoa, Triều Tiên thì chép vào tiếp sau và phần Phụ lục. Đối với từng tác giả thì trật tự tác phẩm xếp theo thể thơ: từ cổ thể tới cận thể, trong mỗi loại đó lại theo thứ tự: ngũ tuyệt, thất tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn bát cú. Xuất xứ tác giả, tác phẩm được chú giải khá kĩ lưỡng, cẩn thận.

c. Hiện trạng văn bản:

Như đã nói ở trên, chúng ta còn biết được trên 10 bản TVTL, hầu hết mang kí hiệu của Thư viện KHXH trung ương (nay chuyển về bảo quản ở kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm một phần). Cụ thể như sau:

- Bản A.393: Đóng gộp 1 cuốn, 180 tờ, không ghi số quyển, bắt đầu chép từ thơ của Phan Phu Tiên (thế kỷ XV, đời Lê).

- Bản A.1334: 72 tờ, có phần “Lệ ngôn”, phần mục lục ghi đến quyển 6 nhưng trong sách chỉ chép thơ đến quyển 3.

- Bản A.2743: Bắt đầu chép thơ từ Nguyễn Trãi (thế kỷ XV, đời Lê), xen chép thơ Đường, tính chất ghi chép tạp nhạp.

- Bản VHv 116: (6 quyển) sách thực chép đến quyển 3 mà thôi.

- Bản VHv.777: 2 cuốn (1- 2), 157 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 6.

- Bản VHv.117: 2 cuốn (1- 2), 162 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 6.

- Bản VHv.1450: giống bản A. 1334, có lẽ là bản chép lại từ bản này

Các bản trên đây không mấy quan trọng, chỉ có giá trị tham khảo. Bây giờ chúng tôi xin đi sâu vào 3 bản quan trọng nhất sau:

- Bản A.1262: ghi 15 quyển, đóng thành 5 tập, giấy bản khổ 22 x 13,5, viết thảo. Sau Mục lục có dòng chữ “Hàn lâm viện thừa chỉ Dĩnh Thành bá thần Lê Quý Đôn phụng biên”, dòng chữ này khác lối chữ chép trong sách, phỏng đoán có lẽ là chép sau. Bản này chép thơ từ đời Lý đến đầu đời Lê, tổng cộng 175 nhà, 1779 bài thơ (Trần Văn Giáp [2]). Theo ghi chép của Phan Huy Chú và bài “Lệ ngôn” thì sách này thiếu 5 quyển (16- 20) và phần Phụ lục. Tuy vậy, đây vẫn là văn bản đáng tin cậy nhất vì chữ viết cũng như khuôn khổ sách đều cổ nhất, đúng theo lối đời Lê

- Bản A.132: sách đóng thành 4 tập, ghi 26 quyển, có Lệ ngôn và Mục lục (chỉ ghi đến quyển 15). Trang đầu của các tập đều ghi dòng “Hàn lâm viện thừa chỉ Dĩnh Thành bá thần Lê Quý Đôn phụng chỉ biên định”, khác một vài chữ so với bản A.1262 nói trên. Dòng chữ này cũng không cùng lối chữ trong sách, phỏng đoán đây là dòng thêm vào sau khi sách đã chép. Bản này chép thơ đến đời Lê Trung Hưng và lẫn một vài tác giả triều Tự Đức (Nguyễn). Xét từ quyển 16 trở đi, các quyển mà phần lớn trong số đó không có trong các bản chép khác, thì thấy: chép thơ của 50 người. Theo Lệ ngôn thì sách thừa 6 quyển, việc chép thơ không dừng lại ở đời Hồng Đức, thậm  chí còn chờm sang thời Nguyễn. Như vậy, chắc hẳn sách này có được “tục biên”, “bổ biên” về sau. Tuy nhiên, nó vẫn là một văn bản quý vì chép thêm được một lượng tác giả, tác phẩm không nhỏ từ đời Mạc đến Nguyễn. Đây là một nguồn tư liệu đáng trân trọng.

- Bản A.3200: 4 cuốn (1- 4), 408 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 16. Tập 1 có Lệ ngônMục lục, chép thơ từ Q1 đến Q6; Tập 2 chép thơ từ Q7 - Q13; Tập 3 từ  Q14  - Q15; Tập 4 chép thơ Q16. Cách chia tập như trên khác với các bản khác; về số quyển bản này nhiều hơn bản A.1262 một quyển (Q16). Đại để, phạm vi 15 quyển đầu gần sát với A.1262, chép đến Lê (Hồng Đức); Q16 chép thơ triều Mạc. Đây là bản chép mới, theo hàng dọc từ trái qua phải, chữ viết có nhiều sai sót.

- Bản HM.2139, lưu giữ tại Paris (trong kho sách của H. Masperó) với 2 dị bản là bản HM. 2139-A và HM. 2139-B (sao từ bản vi film và hiện tàng trữ tại một thư viện tư gia ở Bắc Kinh, chúng tôi đã sao lại và chuyển về Việt Nam, lưu tại Thư viện Ngữ văn ĐHSP Hà Nội đồng thời đang tiến hành nghiên cứu, công bố). Trong đó, Bản HM.2139-A có giá trị rất đặc biệt. Sách gồm 1079 trang, có Lệ ngôn và Mục lục, chép thơ từ quyển 1 đến quyển 15 rất đầy đủ, chữ dễ đọc, ít sai sót. Bản này khác với tất cả các bản sao TVTL hiện có trong nước, có ý nghĩa quan trọng vì nó là bản sao tốt, có thể bổ sung, bổ khuyết nhiều thiếu hụt của các văn bản khác. Phía cuối bộ sách này có một phần độc lập, ghi thơ 2 quyển 15 - 16. Căn cứ vào nhiều cứ liệu, chúng tôi đã đề nghị tách thành một bản riêng là HM.2139-B.

g. Giá trị tổng quát:

Tổng hợp các bản sao: 15 quyển đầu chép được 2457 bài của 173 tác giả và 2 phụ lục “vô danh thị”; các quyển sau chép được 1498 bài thơ của 102 tác giả. Trong hệ thống các thi tuyển Việt Nam trung đại, TVTL có một vị trí cực kì quan trọng. Tiếp thu khảo chứng học đời Thanh, với quy cách sưu tập, biên định công phu tỉ mỉ, TVTL đã bao quát được thành quả của các thi tuyển trước đó và trên cơ sở đó tạo nên một sự bứt phá mới trên nhiều phương diện, làm tiền đề cho các hợp tuyển thơ ca đời sau. Bên cạnh giá trị là một bộ tổng tập thi ca đồ sộ, TVTL còn là một bằng chứng thuyết phục của một phương pháp làm việc khoa học, một trình độ tư duy, thẩm định văn bản tiên tiến.

h. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra:

Cần phải có sự khảo sát tỉ mỉ, thận trọng trước khi công bố TVTL. Chúng ta có thể đối sánh sự sai khác giữa các văn bản để dựng lại diện mạo tương đối hoàn chỉnh của TVTL. Có thể đối chiếu TVTL với các thi tuyển trước đó để tìm ra quy cách sưu tầm, biên định, chú thích dẫn giải, quan điểm biên soạn… của Lê Quý Đôn để nhận thức đúng hơn đóng góp của ông trong lĩnh vực này, đồng thời đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn thành tựu hoạt động ngữ văn học của người xưa.

4. Minh đô thi vựng:

Minh đô thi vựng (theo Nguyễn Thu trong Việt thi tục biên, Tiểu dẫn) (MĐTV) hay Minh đô thi (MĐT), Minh đô thi tuyển do Bùi Nhữ Tích (? - ?) soạn. Con trai Bùi Ngạn Cơ hiệu điểmSách ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

a. Truyền bản:

Theo nghiên cứu bước đầu của Trần Văn Giáp thì sách chưa từng được in; văn bản gốc đã mất, chỉ còn lại 2 bản sửa chữa biên tập lại bản gốc (A.2424; A.2171) và một bản không đầy đủ có khả năng gần với bản gốc nhất (VHv.2392).

b. Kết cấu:

Theo Nguyễn Thu, Minh đô thi vựng có 3 quyển, còn theo bản VHv. 2392 thì sách có 8 quyển, ghi thơ của các tác giả từ thời Lý, Trần cho đến tận đời Nguyễn, chia làm 5 loại: danh thần, thành thần, nho thần, văn thần, xử sĩ. Trong mỗi loại đều có sắp xếp theo thứ tự thời gian. Mỗi tác giả đều có cước chú sơ lược về hành trạng, tiểu sử. Các văn bản hiện còn chỉ có bản VHv.2392 còn giữ được kết cấu này, các văn bản khác đã bị sửa đổi nhiều theo lối làm thi tuyển trước đó.

c. Hiện trạng văn bản:

Minh đô thi (A.2424), có 2 q, chép tay trên giấy bản thường khổ 28 x 16, 140 trang, trang 8 dòng, mỗi dòng 28 chữ, chữ chân phương dễ đọc, không có tựa dẫn gì, chỉ có đề: “Hà Thanh, Bùi gia (Liên Khê cư sĩ, Cơ phủ) biên tập". Quyển thượng chép 196 bài thơ (Mục lục) của 41 tác giả từ đời Trần đến đời Tây Sơn. Quyển hạ chép 180 bài thơ (Mục lục) của 29 tác giả (Trần Văn Giáp ghi là 27 tác giả) từ đời Trần đếm cuối đời Lê (sách đến tờ 79 thì bị rách). Tổng cộng 376 bài thơ của 70 tác giả. Theo Trần Văn Giáp, bản này là bản MĐT của Bùi Ngạn Cơ, nhân sách của cha mà làm gọn thành 2 quyển thượng, hạ.

Minh đô thi tuyển (A.2171): 2 quyển, chép tay giấy lệnh hội khổ 28 x 20, dày 128 trang, không có đầu đuôi, không đề tên tác giả. Quyển 1 (24 tờ), 21 tác giả là vua, chúa, hoàng thân các đời Trần - Lê, gồm 87 bài. Nếu tính cả phụ lục này thì con số phải là 88 bài của 22 tác giả. Quyển 2, chép 73 bài của 13 tác giả là các văn thần, võ tướng đời Trần, Lê. Tổng cộng có 193 bài của 44 tác giả. Theo Trần Văn Giáp, đây là bản khác hẳn với bản trên, có lẽ do một người nhà họ Bùi tuyển lại bộ MĐTV của Bùi Nhữ Tích.

Minh đô thi vựng (VHv.2392): chỉ có 2 quyển (quyển 7 và 8) và phần Tục biên, chép tay trên giấy bản thường còn rất tốt, khổ 26x18 cm, dày 214 trang. Phần đầu mỗi quyển đều có ghi (chữ lớn): Minh đô thi vựng, rồi đến dòng chữ "Thịnh Liệt Bùi gia” (cỡ vừa) và hai dòng chữ song song: "Nhữ Tích Khắc Trai thị biên tập/ Nhi Ngạn Cơ Ôn Như bút đính" (chữ nhỏ). Quyển 7 chép thơ của các "Văn thần" (phần hạ), gồm 230 bài của 39 tác giả từ thời Lê sơ đến cuối đời Lê. Quyển 8 chép thơ của các "Xử sĩ", gồm 209 bài thơ của 38 tác giả từ thời Lý đến cuối đời Lê. Phần Tục biên chép 6 bài thơ của Bùi Nhữ Tích. Cuối sách là một bài Bạt của Bùi Ngạn Cơ. Đây là văn bản đầu đời Nguyễn (Thiệu Trị). So với 2 văn bản trên, đây là văn bản cổ nhất. Thực vậy, căn cứ vào cơ cấu văn bản thì thấy, đây là phần  cuối của bộ Minh đô thi vựng. Theo Nguyễn Thu, Bùi Nhữ Tích chia các nhà thơ thành 5 loại: danh thần, thành thần, nho thần, văn thần, xử sĩ. Quyển 7 và 8 cho ta gần đủ 2 loại: văn thần và xử sĩ. Chỉ chưa đầy hai loại này thôi đã cho ta 439 bài. Cứ theo đó mà tính thì cả bộ MĐTV phải có tới khoảng trên nghìn bài đúng như bài Bạt của Bùi Ngạn Cơ đã mô tả: "di thảo còn được mười mấy quyển sách, chỉ riêng trong tuyển tập thơ thôi cũng đã có đến hơn 1 nghìn 5 trăm bài."

d. Giá trị tổng quát:

Sau TVTL, nếu tính toàn bộ tác phẩm thì đây là bộ thi tuyển đồ sộ thứ hai (với hơn 1500 bài thơ). Mặc dù chỉ còn một phần nhưng công trình cũng có đóng góp quan trọng vào việc sưu tầm và lưu giữ nhiều tác phẩm văn học quý của dân tộc, đặc biệt là các tác phẩm của triều Mạc. Cách sắp xếp của công trình cũng có điểm mới, đó là sắp xếp  theo thân thế tác giả và nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, cách sắp xếp này không thực sự khoa học cho lắm.

e. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra:

Cần so sánh, tổng hợp cả 3 văn bản lại để có được một con số chính xác các bài thơ mà chúng còn lưu giữ được, làm cơ sở để tiến hành phục nguyên, hiệu khảo, khai thác văn bản. Theo chúng tôi, nếu làm được như vậy thì kết quả rất đáng mong đợi. Cũng cần so sánh văn bản với các bộ thi tuyển trước đó để tìm ra đóng góp mới, cụ thể của bộ sách này.

III. KẾT LUẬN

          Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển và thành tựu của các bộ thi tuyển, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống thi tuyển Việt Nam (chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này kĩ hơn trong một bài viết khác). Đây là thành quả của việc tiếp thu, học tập thành tựu văn hoá Trung Hoa vào việc bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hoá của dân tộc. Đây cũng là một biểu hiện của sự trưởng thành ý thức dân tộc, ý thức văn hoá, văn học. Các bộ thi tuyển đã là một minh chứng cho niềm tự hào, ý thức tự cường của ông cha ta trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Chúng cũng có một lịch sử riêng với sự phát triển về quy mô và phương pháp biên soạn qua từng giai đoạn. Nhìn chung, các bộ thi tuyển ra đời sau đều có kế thừa các bộ thi tuyển trước đồng thời với việc bổ sung và làm phong phú hơn nội dung và hình thức đã có. Sự kế thừa ở đây có thể hình dung là những nếp gối lên nhau liên tục, bền bỉ còn sự bổ sung là những nấc thang càng ngày càng được nâng cao. Những gì chúng ta làm được để phát huy giá trị của chúng chưa phải đã trọn vẹn. Chính vì vậy, chúng ta phải có ý thức hơn trong việc thu thập, giữ gìn, khai thác chúng một cách nghiêm túc và triệt để.

      Hà Nội, tháng 12 năm 2004

CHÚ THÍCH

(1) Chúng tôi quan niệm "Thi tuyển" là những tuyển tập thơ ca sưu tập, tuyển chọn thơ ca của nhiều tác giả (hữu danh hay khuyết danh) theo  một tiêu chí, một chủ trương, một trình tự nào đó, chứ không phải là những tuyển tập thơ của cá nhân một tác giả.

(2) Có lẽ Lê Quý Đôn muốn nhắc đến cuốn Chiêu Minh văn tuyển của Tiêu Thống đời Lương, trong đó có một phần quan trọng tuyển về thơ (vận văn).

(3) Theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục thì 2 trong 6 bài thơ này được một cuốn sách của Trung Hoa là cuốn Quảng Tây thông chí  chép là của Lê Tắc (tác giả An Nam chí lược). Chưa rõ thế nào!

(4) Do khuôn khổ bài báo, phần giới thiệu về TVTL trong bài viết gốc công bố năm 2005 được lược bỏ, nay xin bổ sung. Chi tiết hơn về TVTL, xin xem [3]. Cũng như vậy, chúng tôi chưa giới thiệu về một số bộ thi tuyển quan trọng khác như Trích diễm thi tập, Hoàng Việt thi tuyển, Việt thi tục biên…, xin được trở lại trong một dịp khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Viêt nam, 2 tập, Nxb KHXH, H,1971- 1972.

[2]. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Viêt Nam, 2 tập, Nxb KHXH, H, 1972, 1990.

[3]. Hà Minh: Tổng quan về tình hình và giá trị văn bản Toàn việt thi lục của Lê Quý Đôn, Tạp chí Khoa học, ĐHSP Hà Nội (ISSN 0868 – 3719), số 5 năm 2003, tr 3 - 7.

[4]. Hà Minh: Quan điểm và phương pháp sưu tập, biên định di sản văn hoá thành văn quá khứ của Lê Quý Đôn thể hiện qua “Toàn Việt thi lục”, Tham luận Hội nghị khoa học Những  nhà nghiên cứu Ngữ văn trẻ (lần thứ 2), ĐHSP Hà Nội, 2003.

[5]. Trần Nghĩa, Francois Gros: Di sản Hán Nôm Viêt nam: thư mục đề yếu, 3 tập, Nxb KHXH, H, 1993.

[6]. Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu về chữ húy Việt Nam qua các đời, luận án TS, Viện nghiên cứu Hán Nôm 1997.

[7]. Nguyễn Thanh Tùng: Phát hiện mới về văn bản Việt âm thi tậpThông báo Hán Nôm học, Viện nghiên cứu Hán Nôm, H, 2004.

[8]. Uỷ ban KHXH Viêt nam: Thư mục Hán Nôm: mục lục tác giả, Ban Hán Nôm, H, 1977 (in rônêô).

[9]. Uỷ ban KHXH Viêt nam: Thư mục Hán Nôm, 9 tập, Ban Hán Nôm, H, 1969 -1972, in rônêô.

[10]. Viện văn học: Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, H, 1977.

[11]. Viện văn học: Từ điển văn học, 2 tập, Nxb KHXH, H, 1983, 1984.

Và các sách Hán Nôm có liên quan hiện tàng trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia (TVQG).

 

Nguồn: Tạp chí Khoa học, ĐHSP Hà Nội, Số 5 năm 2005, Tr.17 - 21. Có chỉnh lí, bổ sung.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020