Hán nôm

MỘT CHỨNG TÍCH VỀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA THỂ THƠ LỤC BÁT THỜI KỲ ĐẦU


07-04-2022

MỘT CHỨNG TÍCH VỀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA
THỂ THƠ LỤC BÁT THỜI KỲ ĐẦU

HOÀNG THỊ NGỌ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong thi ca thời Trung đại Việt Nam có thể thấy về mặt hình thức thể hiện là cực kỳ phong phú. Có những thể thơ được tiếp thu, ảnh hưởng từ các thể thơ của nước ngoài nhưng cũng có những thể thơ hoàn toàn do người Việt sáng tạo ra và được hoàn thiện dần dần cùng với sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ tiếng Việt. Khi bàn về các thể thơ do người Việt sáng tạo ra, đa số các nhà nghiên cứu, các học giả đều thống nhất cho rằng đó là 2 thể thơ lục bát và song thất lục bát, cho rằng đây là hai thể thơ riêng của người Việt. Nhìn lại sự phát triển của văn hóa, văn học dân tộc suốt chiều dài lịch sử, cũng thật khó xác định là thể thơ lục bát có trước hay thể thơ song thất lục bát có trước và hai thể thơ này xuất hiện từ bao giờ. Khó khăn đó là do thiếu những cứ liệu đáng tin cậy từ nguồn văn học dân gian và văn học thành văn. Trong quá trình làm việc, được tiếp xúc với khá nhiều các văn bản tác phẩm Hán Nôm thể hiện dưới 2 hình thức thơ lục bát và song thất lục bát, chúng tôi thấy có những cứ liệu có thể cho phép nâng thời điểm xuất hiện của thể thơ lục bát từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI lên trước thế kỷ XV. Đó là cứ liệu từ cuốn từ điển song ngữ Hán Việt xuất hiện sớm nhất hiện còn là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa 指 南 玉 音 解 義 (CNNÂGN).

Trước hết xin sơ qua về bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn (Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào) của Lê Đức Mao (1462-1529). Văn bản tác phẩm xuất hiện vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XV hoặc đầu thế kỷ XVI, được chép trong 2 văn bản  tộc gia phả (A.1855) và thần tích xã Nhật Tảo (AEa2/67). Theo GS. Hoàng Xuân Hãn thì tác phẩm trên được xác định xuất hiện trước năm 1504 (Thi văn Việt Nam, Nxb. Sông Nhị, H. 1951). Bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn gồm 128 vế, chia làm 9 đoạn. GS. Hoàng Xuân Hãn mới chỉ phiên âm giới thiệu các đoạn 1, 6, 7, sau này Nguyễn Xuân Diện đã phiên âm toàn bộ bài hát trên (trong Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2003) và qua việc khảo sát đã đưa ra nhận xét: "Như vậy chỉ có đoạn 2 là thơ song thất lục bát hoàn chỉnh nhất, các đoạn còn lại thì kết hợp giữa một cặp thơ 7 chữ và một cặp lục bát là rất linh hoạt và ngẫu hứng". Cuối cùng Nguyễn Xuân Diện cũng đưa ra ý kiến như nhiều nhà nghiên cứu "...có thể xem đây là bài lục bát/ song thất lục bát cổ nhất trong văn học viết Việt Nam hiện biết". Tác phẩm đã được nhiều nhà nghiên cứu coi như một cái mốc sớm nhất hiện còn về hai thể thơ lục bát và song thất lục bát.

Cuốn từ điển song ngữ Hán Việt CNNÂGN làmột cuốn từ điển đặc biệt được trình bày theo thể thơ lục bát. Mở đầu là Thiên văn chương đệ nhất:

Thiên văn trước nói cho hay

Hồng quân trời cả cao thay trùng trùng

Kim ô mặt trời sáng hồng

Thiềm luân nguyệt sáng trên không làu làu

Tiếp theo là Địa lý bộ đệ nhị:

Đại địa đất cả rộng dầy

Đại lỗ rét rày phèn nổi đất chua

Thổ khối hòn đất rắn khô

Đại phụ là đống tô mô giữa đồng.

Trong cuốn từ điển có đến 41 chương, bộ trong đó có 38 chương, bộ là văn vần thể lục bát. Từ những thông tin trong văn bản chúng tôi cho rằng có lẽ đây mới chính là chứng tích sớm nhất về thể thơ lục bát hiện còn. Đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề niên đại và tác giả của cuốn từ điển này nhưng cũng chưa đưa ra được ý kiến thống nhất. Về sự xuất hiện của thể thơ lục bát ở cuốn từ điển CNNÂGN thì chưa có một ai nhắc đến. Chúng tôi đã qua những thông tin từ văn bản để sơ bộ có nhận định về sự xuất hiện của thể thơ lục bát ở thời đoạn thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Đó là những thông tin sau:

1. Từ trang bìa của cuốn từ điển:

Hiện nay trong thư viện và các tư gia có 06 văn bản CNNÂGN. Thư viện viện Nghiên cứu Hán Nôm có 3 bản; 01 bản in ký hiệu AB.372, 02 bản chép tay ký hiệu VHv.201, AB.163; Thư viện Societe Asiatique (Hội châu Á) có bản ký hiệu HM.2225. Các tư gia: GS. Nguyễn Tài Cẩn, PGS.TS. Ngô Đức Thọ và ông Phùng Uông mỗi tư gia có 01 bản. Không kể 02 bản chép tay lã những bản được chép lại từ các bản in còn lại các bản AB.372, bản Ngô Đức Thọ, bản Hội châu Á, bản của ông Phùng Uông đều là bản in và có tờ bìa giống nhau. Nội dung trang bìa: dòng nằm ngang, chữ nhỏ trên cùng là 3 chữ Minh giám bản 明 鑑 板 (bản đã được soạn rõ ràng). Phần bên dưới dòng chữ này được chia làm 3 cột dọc: dòng chữ to nhất ở chính giữa là tên sách CNNÂGN; dòng chữ dọc bên phải ghi Thuật thánh hiền chi thược vận 述 聖 賢 之 龠 韻 (Chép lại thơ ca của thánh hiền ), dòng chữ dọc bên trái ghi Thuỳ đạt sĩ dĩ vi thông 垂 達 士 以 喡 聰 (Truyền lại cho người học được thông hiểu). Cả ba dòng chữ hàng dọc này đều có ý nghĩa chung là: đây là bản đã được làm rõ ràng, bản này chép lại (thuật lại) thơ ca (vần thơ) của thánh hiền để truyền cho người học (học trò) được thông hiểu.

Trang bìa cho các thông tin chính sau:

+ Đây là bản đã được làm rõ ràng từ một bản có trước đó.

+ Tên sách là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa

+ Sách này là thuật lại vần thơ của thánh hiền

+ Để cho người học thông hiểu được nội dung.

Từ những thông tin này cho ta thấy rằng: bản CNNÂGN đã "làm rõ" thơ ca của người trước để cho người học đương thời thông hiểu được nội dung. Như vậy chỉ riêng trang bìa đã cho ta biết thông tin quan trọng là: sách CNNÂGN đã thuật lại vần thơ của thánh hiền.

2. Thông tin từ bài tựa chữ Nôm và bài tựa chữ Hán trong văn bản

Trong văn bản CNNÂGN có 2 bài tựa: Bài tựa bằng chữ Nôm được in ở trang đầu quyển sách, tiếp đó là bài tựa bằng chữ Hán. Cuối bài tựa chữ Hán là dòng ghi niên đại. Bài tựa bằng Nôm được viết theo 2 thể thơ lục bát và song thất lục bát. Trong bài tựa chữ Nôm, sau khi giới thiệu sơ qua về mình:

“Trẻ từng vả tiếng khoa danh

Già lên cõi thọ tìm doành bụt tiên

Tụng kinh đọc sách thánh hiền

Tải thông ba giáo dự trên sánh bầy”.

Soạn giả trình bày tiếp:

“Bèn dọn quyển "Chỉ nam" này

Đã thông thiên địa lại hay nhân tình”.

Bài tựa chữ Nôm nói rõ soạn giả đã làm công việc "dọn quyển Chỉ nam".

Xem trong bài tựa bằng chữ Hán thì thấy có đoạn nói rõ hơn về quyển Chỉ nam: "... Chí ư Sĩ Vương chi thời, di xa tựu quốc, tứ thập dư niên, đại hành giáo hóa, giải nghĩa Nam tục, dĩ thông chương cú, tập thành quốc ngữ thi ca, dĩ chí hiệu danh, vận tác Chỉ nam phẩm vựng, thượng hạ hai quyển, học giả nan tường... - 至 於 士王 之時 移 車 就 國 四 十 餘 年 大 行 教 化 解 義 南 俗 以 通 章 句 tập 成 國 語 詩 歌 以 成 號 名 韻 作 指南 品 彙 上 下 二 卷 學 者 難 詳 ..." (Đến mãi thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta, trong khoảng hơn 40 năm, đem giáo hóa phổ biến khắp nơi, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, để ghi tên gọi, ghép vần làm thành sách Chỉ nam phẩm vựng (CNPV), chia ra thượng hạ hai quyển, nhưng người học khó hiểu rõ được... - Trần Văn Giáp dịch(1)). Đoạn này cho thông tin: quyển Chỉ nam 指 南 mà bài tựa Nôm nói tới chính là CNPV. Không những thế,bài tựa chữ Hán còn nói rõ hơn: thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta đã giải nghĩa bằng tiếng "Nam tục", để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, để ghi tên gọi, ghép vần làm thành sách CNPV, gồm 2 quyển thượng, hạ nhưng người học khó hiểu rõ được. Như vậy Thuật thánh hiền chi thược vận 述 聖 賢 之 龠韻 ở trang bìa chính là thuật lại sách CNPV bằng thơ ca gồm 2 quyển thượng hạ "học giả nan tường" (người học khó hiểu rõ) của thánh hiền để lại.

Một đoạn khác của bài tựa chữ Hán đã nói rõ nhà sư đã "dọn" quyển chỉ nam phẩm vựng như thế nào: "Tư túc thiền cẩn nghiêm hương ngọc, âm kỳ tự, giải kỳ nghĩa, thủ tả trật thành khả vị minh minh lãm tường chi yếu, sử kỳ độc giả tẩu vận liên thanh - 兹 宿 禪 謹 嚴 香 玉 音 其 字 解 其 義 手 寫 帙 成 可 謂 明 明 覽 詳 之 要 使 其 讀 者 走 韻連 声 ..." (Nay tôi là nhà sư, xin lựa lọc từng tiếng, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành quyển sách, gọi là làm tỏ những điều cốt yếu, khi xem kỹ nó, khiến cho độc giả dễ đọc xuôi vần thuận miệng... - Trần Văn Giáp dịch, sđd.)

Như vậy, có thể thấy rất rõ CNNÂGNlà kết quả của sự "dọn", "lựa lọc từng chữ, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ..." từ CNPV mà thành. CNPV gồm 2 quyển thượng hạ đều là thơ lục bát. Thể thơ lục bát trong CNNÂGN là có từ trước chứ không phải có ở thời điểm "dọn" xong quyển từ điển này.

Bài tựa bằng chữ Nôm được viết theo thể lục bát và song thất lục bát là được viết cùng với bài tựa chữ Hán, viết theo đà của một cuốn từ điển bằng thơ vừa soạn xong. Nội dung bài tựa thơ như là lời tâm sự, nói rõ lý do "dọn" quyển Chỉ Nam 指南 là để "Nam Sơn chúc tuổi Chúa Bà nghìn xuân" và vì "Vốn xưa làm Nôm xa chữ kép, Người thiểu học khôn biết khôn xem". Soạn giả cũng tự giới thiệu về mình, về việc biên soạn làm rõ quyển Chỉ nam 指 南, khuyến khích người học nên đọc quyển sách "xem bằng ngọc vàng" này để được:

“Hoàng ân thiên lộc sủng cho

Lại thêm con cháu danh khoa trọng quyền”.

Trước đây trong cuốn Lược sử vấn đề chữ Nôm (bản thảo, phòng Tư liệu Viện Sử học), cụ Trần Văn Giáp cũng đã cho rằng: "Bài tựa chữ Nôm sách ấy viết khi trùng san sách (khắc ván in lại)".

Trong CNNÂGN còn có phần gọi là Bổ di 補 遺. Phần Bổ di là do người sau thêm vào để bổ sung cho những mục từ còn thiếu trong CNPV. Tất cả những mục từ trong phần Bổ di đều được viết dưới dạng văn xuôi Nôm. Vấn đề còn lại là niên đại của CNPV có liên quan như thế nào với thể lục bát trong văn bản.

3. Niên đại của Chỉ nam phẩm vựng 指 南 品 彙 và thời điểm hoàn thành Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa

Về niên đại của CNPV và CNNÂGN chúng tôi đã có dịp trình bày trong Thông báo Hán Nôm học năm 2000(2). Trong bài tham luận Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2000 đó chúng tôi dựa trên những cứ liệu về ngữ âm lịch sử, từ cổ, văn phong... để cho rằng: bản CNNÂGNlà kết quả của một cuộc "cách mạng" về văn tự để loại bỏ những yếu tổ rườm rà không còn chức năng văn tự của chữ Nôm trong CNPVđể cho người đương thời đọc thông hiểu. Chúng tôi cho rằng chữ Nôm trong CNPV là loại chữ Nôm ở thời kỳ đầu còn phổ biến loại chữ Nôm dùng kết hợp 2 mã chữ Hán riêng biệt để ghi một tiếng Việt. Loại chữ Nôm cổ nhất này đã xuất hiện phổ biến trong bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh 佛 說 大 報 父 母 恩 重 經 mà chúng tôi đã công bố trong Luận án Tiến sĩ Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, năm 1997 và cuốn sách cùng tên, do Nxb. KHXH, H. 1999. Cùng với một số bài viết khác về dấu vết cổ của các phụ âm đầu /tr/, /s/ và từ cổ trong chữ Nôm văn bản CNNÂGN(3)chúng tôi đã cho rằng: bản CNNÂGN xuất hiện vào khoảng từ nửa cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII và bản CNPV xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.

Năm 2006, trong Hội nghị Quốc tế Nghiên cứu về chữ Nôm, PGS.TS. Ngô Đức Thọ đã công bố phát hiện ra chữ húy "hỏa" là húy tên cũ của Hồ Hán Thương, vua thứ 2 nhà Hồ trong văn bản CNNÂGN và cho rằng văn bản CNNÂGN xuất hiện vào năm 1401. Chúng tôi cho phát hiện ra chữ huý "hỏa" là một đóng góp rất có giá trị của PGS.TS. Ngô Đức Thọ nhưng về niên đại thì chúng tôi có suy nghĩ khác. Vì chữ húy "hỏa" nằm trong mục từ chữ Hán nên chúng tôi cho đây là dấu vết còn lại của bản Chỉ nam phẩm vựng ở đầu thế kỷ XV, đời Hồ Hán Thương trong khoảng thời gian từ 1401 đến 1406.

Ở cuối bài tựa chữ Hán trong các văn bản: bản của Hội châu Á (Societe Asiatique, ký hiệu HM.2225) và bản ở tư gia ông Phùng Uông có ghi rõ dòng niên đại: Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, tuế thứ Tân Tỵ, Mạnh xuân, cốc nhật 皇 朝 景 興 二 十 二 年 歲 次 辛 巳 孟 春穀 日 (Hoàng triều, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, năm Tân Tỵ, tháng Giêng, ngày tốt). Năm Tân Tỵ đó là vào năm 1761. Chúng tôi cho đó chính là năm hoàn thành và khắc in bản CNNÂGN.

Từ những thông tin trên, chúng tôi cho rằng từ bản CNPV xuất hiện vào đầu thế kỷ XV, đời Hồ Hán Thương (1401 - 1406), một nhà sư uyên bác nào đó đã sửa chữa dạng chữ cổ để người đương thời có thể đọc thông hiểu, làm thành bản mới là CNNÂGN. Bản CNNÂGN được hoàn thành vào năm Tân Tỵ 1761. Nhà sư uyên bác đó chỉ sửa dạng chữ còn nội dung thơ ca của thánh hiền thì giữ nguyên, phần Bổ di mới thêm vào thì được phân biệt bằng văn xuôi. Từ đó chúng tôi cho rằng: có lẽ đây chính là những chứng tích sớm nhất về thể thơ lục bát hiện còn.

Trong khuôn khổ một bài tham luận Hội nghị Thông báo Hán Nôm, chúng tôi mới chỉ trình bày tóm tắt những ý kiến chính của mình. Vấn đề văn bản và diện mạo, tính chất của thể thơ lục bát trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa chúng tôi mong rằng sẽ được trình bày kỹ hơn trong một dịp khác.

 

Chú thích:

(1) Xin xem Trần Văn Giáp: Lược sử vấn đề chữ Nôm. Bản thảo, phòng tư liệu Viện Sử học.

(2) Xin xem Hoàng thị Ngọ: Suy nghĩ thêm về tác giả và thời điểm xuất hiện của tác phẩm "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" Thông báo Hán Nôm học năm 2000 (tr.325-340), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2001.

(3) Xin xem thêm các bài:

- Hoàng Thị Ngọ: Một cách hiểu về khái niệm "chữ đơn", "chữ kép" trong bài tựa cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa Thông báo Hán Nôm học năm 1997, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1998, tr.405-413.

- Hoàng Thị Ngọ: Dấu vết cổ của phụ âm đầu "tr" qua chữ Nôm trong "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa"Tạp chí Hán Nôm số 5 (72) - 2005, tr.40-44.

- Hoàng Thị Ngọ: Về cách ghi phụ âm đầu /S/ trong tiếng Việt cổ qua chữ Nôm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa Thông báo Hán Nôm học năm 2003, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2004, tr.397-406./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.796-804)

Post by: admin
07-04-2022
Tags
Lục bát