LÊ TÙNG LÂM
ĐẶNG NGỌC DIỆP
TỪ THIỀN TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẾN TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC CỦA PHÁP LOA –
VÀI SUY NGHĨ VỀ “VÔ VỊ CHÂN NHÂN” NHỊ TỔ
Dẫn nhập
Thiền hoàn toàn không phải là pháp môn độc sáng của Phật giáo. Nó tồn tại trước khi đức Phật ra đời, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Phật Quang đại từ điển giải nghĩa về Thiền: “Chỉ cho trạng thái định tuệ đồng đều, tâm chuyên chú vào một đối tượng nào đó, rất vắng lặng để tư duy một cách sâu sắc, rõ ràng”. Khi truyền sang Trung Quốc, Thiền được dịch âm là Thiền na, Đà diễn na, Trì a na; dịch nghĩa là Tĩnh lự; hoặc kết hợp dịch cả âm và nghĩa là Thiền định.
Đối với Phật giáo, Thiền có vai trò vô cùng quan trọng, giúp hành giả thâm nhập những vỉa tầng sâu thẳm trong tâm thức, gột sạch mọi trần cấu, tìm lại bản tính chân thực vốn có của mình. Trong bài viết này, chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu những nét đặc sắc trong tư tưởng Thiền học của Nhị tổ khi so sánh với Thiền trong Phật giáo nguyên thủy, từ đó góp thêm một phần nhỏ trong việc tái hiện lại chân dung của Ngài.
1. Lược khảo về Thiền trong Phật giáo nguyên thủy
Để nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy nói chung và Thiền trong Phật giáo nguyên thủy nói riêng, 4 bộ A hàm Hán dịch và 5 bộ Nikāya là hai nguồn tài liệu chính. Trong đó, Trung A hàm và Tăng nhất A hàm (tương đương với Trung Nikāya và Tăng chi Nikāya) đề cập khá nhiều đến Thiền định. Mỗi bài kinh tuy có dung lượng dài ngắn khác nhau song đều có kết cấu hoàn chỉnh, độc lập; trình bày những giáo lý cơ bản một cách giản dị, khúc chiết nhằm giúp chúng sinh đạt đến bờ giác ngộ.
1.1. Quá trình tu tập và thành đạo nhờ Thiền định của đức Phật
Chúng ta có thể bắt gặp các đoạn kinh văn mô tả khá chi tiết về quá trình từ khi xuất gia cho đến khi thành đạo của đức Phật trong kinh La ma - Trung A hàm, hay trong kinh Thánh cầu, kinh Vương tử Bồ đề trong Trung bộ kinh. Từ bỏ nếp sống vương giả xa hoa, Thái tử Tất Đạt Đa quyết chí tầm sư học đạo. Ngài lần lượt theo học hai vị thầy là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, chứng nhập Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tuy nhiên cả hai cảnh giới này đều không thể giải quyết được vấn đề luôn đau đáu trong lòng ngài: làm thế nào để thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Thế nên, đức Phật đã rời đi và lựa chọn con đường tu khổ hạnh, như: nghiến răng chế ngự tâm, tu thiền nín thở theo năm cấp độ, tuyệt thực, giảm thiểu ăn uống... nhưng những phép tu này vẫn không thể giúp ngài giác ngộ: “Tôi nghĩ tại sao tôi không ngậm cứng hai hàm răng lại, lưỡi đè sát nóc họng, lấy tâm mà quật ngã tâm, lấy tâm mà đàn áp tâm? Rồi như một người lực lưỡng có thể nắm lấy đầu hoặc vai của một người yếu hơn mà chế ngự người ấy, ép buộc người ấy phải tùng phục, đàn áp người ấy, tôi đã ngậm cứng hai hàm răng lại, lưỡi đè sát nóc họng, và cố sức lấy tâm mà quật ngã tâm và đánh bại tâm. Mồ hôi tôi chảy ra nhễ nhại khi tôi làm như thế. Dù năng lực tuôn ra đầy dẫy trong tôi, dù chánh niệm vẫn được duy trì không dứt đoạn, thân tâm tôi vẫn bất an và tôi kiệt sức vì những cố gắng mệt nhọc. Những cảm thọ khổ đau như thế phát sinh thêm nơi tôi và vẫn không có tác dụng điều phục được tâm tôi . . .”.
Sau khi hồi tưởng lại cảm giác an lạc của trạng thái thiền định dưới gốc cây hồng táo khi còn là một đứa bé chín tuổi, ngài nhận ra rằng cũng giống như hưởng thụ, khổ hạnh hoàn toàn không phải là con đường đạt đến giải thoát. Ngài chọn con đường Trung đạo, trở lại ăn uống bình thường và tu theo Tứ thiền, sau đó lần lượt chứng đắc Tam minh và trở thành bậc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Do đó, đức Phật luôn khuyến khích các đệ tử tu thiền.
1.2. Phương pháp tu Thiền
1.2.1. Điều kiện tu Thiền
Trong các kinh A hàm và kinh Nikāya có sự tương đồng khi nhắc đến các điều kiện chuẩn bị tu thiền. Đầu tiên, hành giả phải chọn địa điểm là những nơi thanh vắng, xa con người, như: nơi gốc cây hay trong rừng, động đá, bãi đất trống, ngôi nhà trống,... Có như vậy, các căn mới ít có hoặc không có cơ hội tiếp xúc với cảnh, không bị các yếu tố ngoại cảnh gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến việc tu thiền. Ví dụ, tiếng ồn, đức Phật đã từng dạy “Âm thanh là gai nhọn đối với thiền”[6].
Về tư thế ngồi, hành giả nên ngồi kiết già, dựng thân ngay thẳng. Thân có thư thái, mạnh khỏe thì thời gian ngồi thiền mới có thể kéo dài, tạo điều kiện để cho tâm an lạc. Điều này được nói rõ trong rất nhiều bài kinh. Trong kinh số 1 thiên Hai pháp phẩm An ban trong Tăng nhất A hàm, đức Phật dạy rằng: “Này La Hầu La, ở đây Tỳ kheo ưa thích ở nơi vắng vẻ không người, chánh thân chánh ý, ngồi kiết già, không có niệm khác, buộc ý trên chóp mũi”[8].
Sau khi đã tìm được địa điểm tọa thiền phù hợp và có tư thế ngồi đúng, hành giả phải đoạn trừ năm triền cái, ly dục, ly các pháp ác, bất thiện. Điều này được ghi chép khá rõ trong kinh Ni kiền: “Khi vị ấy đã sống nơi rừng vắng rồi, hoặc là đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ yên lặng, trải Ni sư đàn, ngồi kiết già, dựng thân ngay thẳng, phản tỉnh không hướng ý niệm ra ngoài đoạn trừ tham lam, tâm không còn não hại; thấy của cải và tư cụ sinh sống của người khác, không còn móng khởi tham lam, muốn sao cho được về mình. Vị ấy đối với tham lam đã tịnh trừ tâm ý. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn do dự đối với các thiện pháp, vị ấy đối với nghi đã tịnh trừ tâm ý. Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái vốn làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ”[10].
Như vậy, điều kiện để tu tập thiền định là chọn được địa điểm ngồi thiền ở những nơi vắng vẻ thanh tịnh, để giảm thiểu mọi sự phân tán, xao nhãng do môi trường xung quanh đem tới. Tiếp đó, hành giả phải ngồi đúng tư thế để điều thân, và học cách an trú nội tâm.
1.2.2. Lộ trình tu Thiền
Quá trình tu tập của một Tỳ kheo là Tam vô lậu học. Trước tiên, hành giả hiểu rõ tác hại của năm dục và đoạn trừ chúng, để đạt được sự thành tựu về Giới. Tiếp đó, Tỳ kheo chứng đắc chín cấp độ thiền định: trong đó bốn tầng đầu thuộc Định sắc giới (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền), bốn cấp bậc sau thuộc Định Vô sắc giới (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ) và Tưởng thọ diệt định để thành tựu về Định. Trong Định, hành giả tiến hành quán sát các đối tượng để thấu triệt tính vô thường của vạn pháp, đoạn trừ các lậu hoặc để thành tựu Tuệ. Vậy Giới Định Tuệ là lộ trình tu tập mà hành giả phải trải qua. Trong kinh Thánh cầu cũng như kinh La ma, đức Phật đã nói về trình tự tu tập như trên cho các Tỳ kheo.
1.2.3. Phương pháp quán niệm khi tu Thiền
Khi đề cập đến phương pháp Thiền trong Phật giáo nguyên thủy, chúng ta nhất định phải nhắc đến kinh Tứ niệm xứ và kinh Nhập tức xuất tức niệm. Đây là hai bài kinh căn bản về Thiền khi đức Phật còn tại thế.
Kinh Nhập tức xuất tức niệm tương đương với các kinh số 803, 810, 815 trong Tạp A hàm; hướng dẫn 16 cách làm chủ hơi thở qua quán thân, quán cảm xúc, quán tâm, quán pháp. Bốn phép thở đầu là thuộc về thân, bốn phép thở tiếp theo thuộc về cảm thọ, bốn phép thở kế thuộc về tâm và bốn phép thở cuối thuộc về pháp. Phương pháp được hướng dẫn trong kinh là theo dõi hơi thở ra vào, kết hợp với tứ niệm xứ và thất giác chi. Hơi thở là điều gắn chặt với sự sống, chú tâm vào hơi thở cũng chính là quay về nương tựa vào hòn đảo tự thân. Trong quá trình ngồi thiền, hơi thở sẽ từ thô, nặng, dài ngắn không đều trở nên nhẹ nhàng, vi tế và đều đặn. Đồng thời, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng, bén nhạy hơn; được đưa từ trạng thái tán loạn về trạng thái tập trung, nhất tâm rồi vô tâm.
Kinh Tứ niệm xứ là kinh số 98 trong Trung A hàm, tên kinh tiếng Pāli là Satipatthàna sutta; đây cũng chính là kinh số 10 của Trung bộ và kinh số 22 của Trường bộ. Kinh Tứ niệm xứ đề cập đến bốn phép quán niệm: quán niệm về thân thể, cảm thọ, tâm ý và pháp (đối tượng của tâm ý). Khi quán thân trên thân, hành giả quán niệm về các tư thế, hành động của thân, hơi thở, các bộ phận cũng như quá trình tàn hoại của thân. Khi quán cảm thọ trên cảm thọ, hành giả ý thức rõ được khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ; quá trình sinh khởi, hiện hành và biến mất của các cảm thọ. Khi quán tâm trên tâm, hành giả nhận thức rõ tâm có tham, sân, si hay không, có ô uế hay không, có hợp hay có tan, có thấp hay có cao, có nhỏ hay có lớn, định hay không định, giải thoát hay không giải thoát… Khi quán pháp trên pháp, hành giả quán niệm về ngũ triền cái, ngũ uẩn, sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, thất giác chi và tứ thánh đế. Cuối bài kinh, đức Phật dạy rằng nếu vị Tỳ kheo nào tu tập tinh cần như trên (dù chỉ trong thời gian ngắn), thì nhất định sẽ đạt được thành quả. Khi ngồi thiền nơi thanh vắng, lục căn không còn lăng xăng chạy theo trần cảnh, hành giả tập trung quán sát vào một đối tượng nào đó (thân, thọ, tâm, pháp); quá trình sinh khởi và hoại diệt của chúng, rồi trực tiếp thể nghiệm và kiểm chứng rằng bản chất thực sự của chúng đều là nhân duyên giả hợp. Thân thể của chúng ta có mối liên hệ bất khả phân ly với vạn hữu trong vũ trụ, tất cả đều do nhân duyên mà sinh khởi, cũng do nhân duyên mà tan rã. Do đó, tuệ giác dần dần được tăng trưởng và hành giả sẽ đạt được giải thoát: “an trú một cách tự do, không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận”. Trong kinh này có chép về việc giữ được chính niệm trong mọi hoàn cảnh: “Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ của mình về sự đi tới hay đi lui ấy, khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy, khi mặc áo ca sa, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy, khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy, khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy vào tự thân”. Sau này, một số chi tiết trên đây lại xuất hiện trong Thiền học Trung Hoa dưới một hình thức khác – “đảm thủy khảm sài, vô phi diệu đạo”: “Phật pháp không có chỗ dụng công. Chỉ là những chuyện bình thường vô sự; đi đại tiện tiểu tiện, mặc áo, ăn cơm, mệt thì đi ngủ”.
1.2.4. Các tầng bậc Thiền định
Tuy nhắc đến chín cấp độ Định nhưng Phật giáo nguyên thủy cho rằng Tỳ kheo chỉ cần tu Tứ thiền là đã có thể giác ngộ. Sự mô tả về Tứ thiền trong các kinh cũng khá nhất quán: “khi vị thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền... Lại nữa, khi vị thánh đệ tử tầm và tứ đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh thành tựu và an trụ Nhị thiền… Khi vị thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc thánh gọi là được xả bởi thánh, có niệm và lạc, an trụ không, thành tựu an trụ Tam thiền... Lại nữa, khi vị thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh thành tựu an trụ Tứ thiền”[17]. Các thiền chi: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất tâm, Xả phối hợp với nhau để chế ngự và đoạn trừ năm triền cái: Tầm đối trị thùy miên, Tứ đối trị nghi, Hỷ đối trị sân, Lạc đối trị trạo cử và Nhất tâm đoạn trừ tham dục. Mỗi khi chứng nhập được thêm một tầng Thiền định, hành giả phải xả bỏ cảnh giới Thiền trước đó để tiến thêm một bước trên hành trình chứng ngộ tâm linh.
CÁC CẤP ĐỘ THIỀN ĐỊNH TRONG TỨ THIỀN
TỨ THIỀN
|
Sơ thiền
|
Nhị thiền
|
Tam thiền
|
Tứ thiền
|
CÁC
THIỀN
CHI
|
Tầm
|
x
|
|
|
|
Tứ
|
x
|
|
|
|
Hỷ
|
x
|
x
|
|
|
Lạc
|
x
|
x
|
x
|
|
Xả
|
x
|
x
|
x
|
x
|
Nhất tâm
|
x
|
x
|
x
|
x
|
Chú thích:
Tầm là tìm cầu, hướng về, gắn chặt vào đối tượng.
Tứ là chú tâm suy nghĩ, phân tích.
Hỷ là niềm vui còn mang tính tham lam, thô trọc.
Lạc là niềm vui có tính chất trong sáng, vi tế.
Nhất tâm là tâm hoàn toàn chuyên chú vào một đối tượng nào đó mà không khởi vọng niệm .
Xả là hoàn toàn buông bỏ, không dính mắc hay bám víu bất cứ thứ gì.
1.3. Vai trò của Thiện tri thức trong tu tập nói chung và tu tập Thiền định nói riêng
Trong Phật giáo, Thiện tri thức đóng vai trò rất quan trọng. Đó là từ dùng để chỉ những người có trí tuệ, có đạo đức, có thể giúp đỡ người khác trên đường tu học. Ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên sau khi thành đạo tại vườn Nai, thành Ba la nại, đức Phật đã nhắc tới Thiện tri thức. Họ chiến thắng ác ma, như con nai đã thoát khỏi lưới thợ săn, là tấm gương cho năm anh em Kiều Trần Như học hỏi.
Trong Tăng nhất A hàm có riêng một phẩm Thiện tri thức. Đức Phật đã chỉ dạy khá cụ thể rằng gần gũi với Thiện tri thức thì tín, giới, văn, thí, trí tuệ đều tăng trưởng[21]. Ngoài ra, trong Trung A hàm cũng có rất nhiều kinh đề cập đến vai trò của Thiện tri thức. Kinh số 51 - kinh Bản tế nói rằng việc thân cận ác tri thức, sẽ dẫn đến vô minh và hữu ái. Ngược lại, nếu thân cận Thiện tri thức, sẽ đạt đến giải thoát...
Ban đầu, Thiện tri thức chỉ những bậc tu hành giác ngộ; nhưng dần dần được mở rộng phạm vi, tất cả những người có thể giúp hành giả tiến bộ trên hành trình tu tập đều có thể gọi là Thiện tri thức.
1.4. Sự khác biệt giữa Thiền Phật giáo và Thiền ngoại đạo
Cuộc đối thoại giữa Tôn giả A Nan và người Bà la môn Vassakāra trong kinh Gopaka-mogga-llāna đã chỉ ra sự khác biệt giữa Thiền trong Phật giáo nguyên thủy và Thiền của ngoại đạo. Tôn giả A Nan giải thích việc đức Phật đề cao Thiền không có nghĩa là ngài tán thán tất cả các phép tu Thiền. Các phép tu Thiền mà không xả bỏ các pháp bất thiện như tham, nhuế hại, lười biếng, phiền não, hối hận, nghi hoặc thì không được Thế tôn khuyến khích.
Điều đó có nghĩa là đối với Thiền của Phật giáo, việc xả ly đóng vai trò cốt yếu. Đối tượng xả ly ở đây không chỉ dừng lại ở các pháp bất thiện. Thiền ngoại đạo còn đồng nhất mình với cảnh giới Thiền định, coi đó là sự hợp nhất giữa Tiểu ngã và Đại ngã, đạt được giải thoát. Riêng đối với Phật giáo, Thiền chỉ là một phương tiện thù thắng trợ duyên cho giải thoát. Khi hành giả thành tựu được cảnh giới thiền định mới, họ xả bỏ cảnh giới thấp để chứng ngộ một cảnh giới cao hơn, vi diệu hơn nhưng đó cũng chính là một sự trói buộc mới. Nhờ Thiền định, các hành giả thoát khỏi tất cả mọi sự trói buộc, đạt được giải thoát chân chính.
2. Tư tưởng Thiền học của Pháp Loa
2.1. Trách nhiệm của Nhị tổ
Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm Thiên Bảo 6 (1284). Sự ra đời của ngài phủ đầy màu sắc linh dị, báo hiệu một cuộc đời phi thường. Năm 21 tuổi, ngài xin xuất gia, được Trần Nhân Tông khen ngợi không thôi, đặt cho pháp danh là Thiện Lai. Thiện lai Tỳ kheo là từ chỉ những tu sĩ có nhân duyên thù thắng, khi được đức Phật truyền giới là các vị này râu tóc tự rụng, y phục trên người tự biến thành áo cà sa. Đó là nhờ thần uy của đức Phật và thiện căn của Tỳ kheo; sau khi đức Phật qua đời chuyện này không còn xuất hiện nữa. Quả nhiên không phụ kỳ vọng, Pháp Loa dốc sức tu hành, tinh tiến trên đường giác ngộ. Năm 1304, Pháp Loa được thọ giới Sa di; và chỉ một năm sau, được truyền Thanh văn giới và Bồ tát giới. Năm 1307, Trần Nhân Tông cho đại chúng lui ra, truyền riêng y bát. Ngày 1 tháng Giêng năm 1308, một buổi lễ long trọng với sự có mặt của vua Anh Tông và bá quan văn võ được tổ chức tại chùa Siêu Loại, Pháp Loa chính thức trở thành Nhị tổ năm 25 tuổi. Điều Ngự còn đặc biệt dặn dò vua Anh Tông làm người ngoại hộ cho Nhị tổ.
Ngài đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của Phật giáo đời Trần, tiến hành rất nhiều hoạt động hoằng pháp: xây chùa, độ tăng, in khắc Đại tạng kinh, giảng kinh, soạn sách, truyền Bồ tát giới… với sự ủng hộ nhiệt thành của hoàng thất và quý tộc. Vô số tiền của, ruộng đất đã được cúng dường cho thiền phái Trúc Lâm. Năm 1313, Pháp Loa phụng mệnh vua quản lý tăng ni trong cả nước. Như vậy, tuy không chính thức được tấn phong nhưng trên thực tế, ngài đã đảm nhiệm công việc của một vị quốc sư. Trách nhiệm này chắc chắn rất nặng nề với những người có tinh thần tự nhiệm: 徳薄常慚繼祖燈 “Đức bạc thường tàm kế tổ đăng”. Quốc sư Thông Biện đời Lý đã cho chúng ta một định nghĩa khá minh bạch về chữ Tổ: “Thường trụ ở thế gian, không sinh không diệt thì gọi là Phật. Hiểu rõ tâm tông của Phật, giảng và làm đi đôi với nhau, gọi là Tổ”.
Đương thời Phật giáo hưng thịnh, sự ủng hộ nhiệt thành về vật chất dành cho tăng chúng rất dễ tạo ra nạn Tặc trú Tỳ kheo như dưới thời vua Asoka. Trong những tác phẩm ít ỏi còn sót lại, Pháp Loa đã nhiều lần bày tỏ sự lo lắng: “Chúng ta nghiệp dày phước mỏng, ra đời chẳng gặp thời chánh pháp, đức Thích Ca đã nhập diệt, đức Di Lặc chưa sanh, thánh hiền ẩn bóng, tà pháp thịnh hành, than ôi, buồn thay!”. Thân làm tăng sĩ được hưởng cúng dường của đàn na tín thí, bổn phận là phải tu hành tự độ độ tha. Bằng không thì một hạt gạo cúng dường nặng như núi Tu Di, ắt sẽ tự chiêu tai dẫn họa, làm đồi bại tông môn, suy tàn chánh pháp. Theo ngài, tăng thì có bốn hạng si: tham, ác, dối trá, không có lòng tin. Tăng không si thì lại dễ mắc vào ngã mạn: “thấy học giả thời nay, chưa nghe đạo tự xưng mình hành đạo. Chẳng biết họ hành cái đạo gì?”.
Hiển nhiên, thời nào cũng vậy, tăng đoàn không thể tránh khỏi tình cảnh có người tốt kẻ xấu. Nhưng đối với Nhị tổ, vấn đề đó như lửa xém lông mày. Vậy nên, ngài đã để lại những lời dạy vô cùng cặn kẽ, thấu đáo và tâm huyết cho tăng chúng. Trong những tác phẩm hiện tồn, thơ của ngài có số lượng rất khiêm tốn so với Sơ tổ và Tam tổ. Ngoài lý do thời gian xa cách, chiến loạn liên miên làm tác phẩm bị tán thất; chúng tôi tin rằng còn có một lý do khác: Pháp Loa đã tập trung gần như tất cả mọi tinh lực của mình cho sự nghiệp hoằng pháp.
2.2. Kiến giải phá chấp của Thiền tông
Hạnh nguyện của Nhị tổ là cứu độ tất cả chúng sinh: “Tất cả các hạnh nguyện của chư Phật, Bồ tát, con đều nguyện học theo. Tất cả chúng sinh hoặc tán dương hay hủy báng, hoặc kính trọng hay khinh thường, hoặc bố thí hoặc cướp đoạt, hoặc mắt thấy, hoặc nghe tên đều hóa độ hết, khiến cho tất cả đều chứng quả Bồ đề”. Tuy nhiên chúng sinh có lợi có độn, nên nhà Phật phải bày ra tám vạn bốn nghìn pháp môn để tùy thuận nhân duyên.
Đầu tiên, chúng ta cần khẳng định tinh thần cốt tủy của Pháp Loa là yếu chỉ Thiền tông “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”: “Là người học Phật, trước phải thấy tánh”. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, chỉ là do vọng niệm dấy động không ngừng nên mê mờ tuệ giác bản lai: “Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc, bản tánh lặng lẽ không thiện không ác. Bởi do chọn lựa chợt sanh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã cách xa trời đất. Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu có hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu kính nhân quả chẳng thật. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành”.
Sau khi thấy tính, phải giữ Giới thanh tịnh: “Nghĩa là trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cái sở duyên của thức mà chạy ra, thức không vì cái sở duyên của cảnh mà chun vào. Ra, vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chận. Tuy nói ngăn chận mà không phải ngăn chận. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế”. Giới luật là những nguyên tắc dùng để duy trì phạm hạnh và sự an lạc, hòa hợp của cá nhân tu sĩ và toàn thể tăng đoàn. Theo Hòa thượng Thích Trí Quang, Giới luật có thể chia làm hai phần: Giới luật để ngăn cấm tội lỗi, Oai nghi là để rèn luyện cử chỉ lời nói trang nghiêm mọi lúc mọi nơi. Mỗi điều khoản trong Giới luật đều được đặt ra trong hoàn cảnh riêng, nên theo thời gian đã trở nên phức tạp, khó ghi nhớ và có nhiều điểm không hợp thời. Vậy nên Nhị tổ chỉ đề cập đến giới với tác dụng rốt ráo của nó – giữ cho bên ngoài lục căn không bị cuốn theo trần cảnh, nội tâm thì được an định. Kết hợp với những lần truyền Bồ tát giới cho vương công quý tộc nhà Trần, chúng ta càng thấy rõ tinh thần phá chấp vừa thâm diệu vừa phóng khoáng của Thiền tông.
Giữ được Giới rồi thì mới tập Thiền, giữ cho thân tâm đều xả, không bị vướng mắc vào đâu. Khi tham thoại đầu thì “miên mật liên tục không có kẽ hở, cũng không điên đảo, không trạo cử cũng không hôn trầm. Phải trong sáng như viên ngọc lăn trên mâm, phải sáng suốt như gương trên đài. Đến chỗ đất này, đi cũng được, đứng cũng được, ngồi cũng được, nằm cũng được, nói hay nín đều cũng đuợc, có chỗ nào lại không được?”. Đây phải chăng là Định hay còn gọi là trạng thái Nhất tâm trong Phật giáo nguyên thủy – giữ được chánh niệm trong tất cả mọi sát na, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống? Định giúp dưỡng tâm, rèn luyện sự kiên định, hàng phục tất cả các kiết sử; là chỗ dựa để Tuệ có thể khởi phát. Định và Tuệ phải gắn chặt với nhau, nương vào nhau mà tăng trưởng. Định mà thiếu Tuệ thì Định khô, Tuệ mà thiếu Định thì là Tuệ si. Thiền học của Pháp Loa mang đậm màu sắc của tông Lâm Tế, nhằm mục đích phá tan tất cả các lậu hoặc; dùng trí tuệ Bát nhã để cứu vớt chúng sinh.
Nhị tổ còn phân chia Thiền ra làm năm loại, hẳn là chịu ảnh hưởng của Thiền sư Khuê Phong Tông Mật trong Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự:
禪則有淺有深,階級殊等:謂帶異計,欣上厭下而修者,是外道禪。正信因果,亦以欣厭而修者,是凡夫禪。悟我空偏真之理而修者,是小乘禪。悟我法二空所顯真理而修者,是大乘禪。若頓悟自心,本來清淨,元無煩惱,無漏智性本自具足,此心即佛,畢竟無異。依此而修者,是最上乘禪。
“Thiền hữu thiển hữu thâm, giai cấp thù đẳng: vị đái dị kế, hân thượng yếm hạ nhi tu giả, thị ngoại đạo thiền. Chính tín nhân quả, diệc dĩ hân yếm nhi tu giả, thị phàm phu thiền. Ngộ ngã không thiên chân chi lý nhi tu giả, thị Tiểu thừa thiền. Ngộ ngã pháp nhị không sở hiển chi lý nhi tu giả, thị Đại thừa thiền. Nhược đốn ngộ tự tâm, bản lai thanh tịnh, nguyên vô phiền não, vô lậu trí tính bản tự cụ túc, thử tâm tức Phật, tất cánh vô dị. Y thử nhi tu giả, thị tối thượng thừa thiền” (Thiền có sâu có cạn, cấp độ khác biệt. Người tu tập trong lòng có sự tính toán khác, yêu thứ cao ghét thứ thấp là thiền ngoại đạo. Người tin sâu nhân quả, nhưng tu tập vẫn mang lòng yêu ghét là thiền phàm phu. Người ngộ ra lý thiên lệch chỉ có ngã không mà tu là thiền Tiểu thừa. Người ngộ được chân lý hiển nhiên hai thứ ngã pháp đều không mà tu, là thiền Đại thừa. Nếu đốn ngộ được tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không phiền não, trí tính vô lậu vốn tự đầy đủ; tâm đó chính là Phật, rốt cục không sai khác. Theo đó mà tu là thiền tối thượng thừa).
Thiền ngoại đạo, thiền phàm phu là trong lòng người tu vẫn còn có yêu có ghét. Thiền Tiểu thừa thì mới thấu được cái lẽ ngã không nên chỉ chăm chăm tu chứng thoát khỏi luân hồi; thiền Đại thừa thì tiến thêm một bậc thấu triệt ngã pháp giai không nhưng Thượng thừa thiền mới là cấp bậc cao nhất khi xả bỏ tất cả, thong dong tự tại rong chơi khắp mọi quốc độ, dù là ma cung hay Phật quốc. Được như vậy thì: “ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”.
Tuy nhiên cảnh giới tối cao ấy không phải dễ dàng mà đạt được. Người tu thiền thường mắc phải hai loại bệnh: “Một là cưỡi lừa mà còn đi tìm lừa; hai là cưỡi lừa nhưng không chịu bước xuống”. Một là bệnh đi tìm cầu những thứ ở bên ngoài, hai là bệnh bám chấp vào những thứ mình đã đạt được. Vậy nên Pháp Loa đã để lại những lời dạy ân cần, thấu đáo mà dù là tiểu tăng hay đại tăng cũng có thể áp dụng. Học Phật phải theo trình tự từ thấp tới cao, gồm đủ: văn, tư, tu. Nghe pháp, suy ngẫm là tuệ hữu lậu; còn tu hành siêu xuất thế gian là tuệ vô lậu. Hiểu được trình tự tu hành rồi thì phải đọc rộng khắp kinh điển. Điều này chứng tỏ Pháp Loa đã kế thừa tư tưởng Thiền Giáo nhất trí của Điều Ngự Giác Hoàng, Thiền tông không đối lập với Giáo tông. Sau khi học kinh thì phải theo bốn pháp: chọn bạn, nghe đạo, giữ đạo và chứng đạo.
Phép chọn bạn được Nhị tổ phân tích rất rạch ròi. Người tu hành muốn thoát khỏi trần lao thì chướng duyên trùng trùng ngăn trở, nếu không có Thiện tri thức giúp đỡ thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Những người sống chung trong tăng đoàn được chia làm hai hạng thầy và bạn. Phàm là thầy, bạn xấu thì phải kiên quyết tránh xa; còn thầy, bạn tốt có thể cùng nhau tu học giúp ngộ được yếu chỉ, không dính mắc vào pháp tướng thì phải chủ động cầu học, thân cận gần gũi – đó là phép nghe đạo. Trong bài Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, Nhị tổ đặc biệt nhấn mạnh trường hợp bị chấp vào tình thầy trò nên thành ra tự trói buộc mình. Thân làm Sa môn, truy cầu sự tiến bộ trên con đường giác ngộ mới là mục đích cao nhất; còn vướng mắc vào tình nghĩa thầy trò là không thấu triệt được lẽ Y pháp bất y nhân. Nghe lời thầy giảng cũng cần “biện pháp chân ngụy” xem lời đó đúng hay sai. Văn rồi phải tư, sau đó mới tu.
Kế đó là phép giữ đạo, người tu đã ngộ chánh tông thì phải biết chọn cảnh để ở, để tu. Đó nên là nơi đất lành, đảm bảo những điều kiện sống cơ bản; không nên gần chốn đông người vì không giữ được thanh tịnh, nhưng cũng không được quá xa xôi heo hút vì thiếu người ngoại hộ. Như vậy có thể dứt nghiệp, dưỡng thần, nuôi trí…, chứng đạo Bồ đề. Đọc đến đây, chúng ta không khỏi nhớ đến những lời dạy về việc thân cận Thiện tri thức, chọn địa điểm tu hành trong Phật giáo nguyên thủy. Kinh Toán số Mục Kiền Liên – Trung a hàm cũng dặn dò các tu sĩ phải tự trở thành Thiện tri thức và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ: “Tỳ kheo, tự mình là Thiện tri thức, cùng sống chung với Thiện tri thức và cùng hòa hợp với Thiện tri thức. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất”. Rõ ràng tinh thần của cả hai về cơ bản là thống nhất, những điểm khác nhau là do tính chất khế lý khế cơ tùy duyên hóa độ.
Thanh Mai Viên Thông tháp bi có ghi lại việc Pháp Loa trì chú, thực hành nghi thức quán đỉnh cho Văn Huệ vương và Uy Huệ vương năm 1323; được Trần Minh Tông truyền chỉ vào đại nội truyền pháp quán đỉnh năm 1326. Đây là những pháp môn của Mật giáo. Việc kiêm tu Thiền Mật này đã được ngài giảng rõ ngay trong bài Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết: “Đối với Tứ vô lượng tâm, Tứ niệm xứ, Tứ vô úy, Bát chánh đạo, Thập lực của Phật, mười tám pháp bất cộng, cho đến tám muôn bốn ngàn môn đà la ni, trần trần sát sát, tất cả môn tam muội đều từ nơi mình lưu xuất mỗi mỗi đều đầy đủ”. Đối với người chứng đắc thì muôn vàn diệu dụng đều sẵn có ở nguồn tâm; không hề có phân biệt sai khác:
“Vậy cho hay:
Cơ quan Tổ giáo,
Tuy khác nhiều đàng,
Chẳng cách mấy gang”.
Trần Nhân Tông - Cư trần lạc đạo phú.
Những lời chư Phật, chư tổ dạy đều là thuốc để chữa bệnh cho chúng sinh – hà cớ gì phải phân biệt để rơi vào vòng đối đãi nhị nguyên. Chúng tôi cho rằng đây cũng là một phương tiện hoằng pháp độ sinh mà một vị quốc sư không chính thức như Pháp Loa không thể chối từ. Như trên đã trình bày, điểm khác biệt giữa Thiền của Phật giáo nguyên thủy và Thiền ngoại đạo là ở chỗ đạo Phật chủ trương buông xả tất cả. Trong thời đại của Pháp Loa, Phật giáo đã phát triển thành nhiều tông phái vô cùng phồn toái; tuy nhiên những định kiến về tông phái đã không thể nào trói buộc được Nhị tổ. Cốt tủy của Phật giáo nguyên thủy đã được ngài diễn giải một cách tươi mới hơn dưới hình thức của Thiền tông, và những nghi quỹ của Mật giáo cũng sẵn sàng được sử dụng khi cần thiết.
Suy ngẫm về hành trạng của ngài, chúng tôi không khỏi nghĩ đến hình mẫu lý tưởng trong Lâm Tế lục: “vô vị chân nhân”. Khi được hỏi “vô vị chân nhân” là gì, Thiền sư Lâm Tế liền điềm nhiên trả lời theo truyền thống tư duy phi logic, phi lý tính của Thiền tông: đó là cọng phân khô. “Chân nhân” vốn là thuật ngữ của Đạo gia, xuất hiện trong thiên Đại tông sư, Nam hoa kinh; chỉ những người đã thấu triệt được Đạo tự nhiên, không còn phụ thuộc vào bất cứ điều gì nên tiêu dao trong vạn hữu. Trong một số văn bản, “chân nhân” được dùng để chỉ quả vị A la hán. Chúng tôi cho rằng Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đã sử dụng tiền tố “vô vị” để nhấn mạnh con người đích thực đó không hề vướng mắc vào bất cứ loại giai vị tu hành nào trong Phật giáo. Thuật ngữ này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch là “con người thật không có vị trí”, nhưng theo chúng tôi nên hiểu là con người đích thực vượt thoát mọi giới hạn – một con người linh hoạt sống động, đã hoàn toàn triệt ngộ được bản lai diện mục của mình; siêu việt những giới hạn mà ngôn ngữ có thể mô tả, thong dong tự tại trong mọi hoàn cảnh:
若有人出來問我 求佛。我即應清淨境出。有人問我菩薩。我即應茲悲境出。有人問我菩提。我即應淨妙境出。有人問我涅槃。我即應寂靜境出。境即萬般差別。人即不別。所以應物現形。如水中月。
Nhược hữu nhân xuất lai vấn ngã cầu Phật, ngã tức ứng thanh tịnh cảnh xuất. Nhược nhân vấn ngã Bồ tát, ngã tức ứng hiện từ bi cảnh xuất. Hữu nhân vấn ngã Bồ đề, ngã tức ứng tịnh diệu cảnh xuất. Hữu nhân vấn ngã Niết bàn, ngã tức ứng tịch tịnh cảnh xuất. Cảnh tức vạn ban sai biệt, nhân tức bất biệt. Sở dĩ ứng vật hiện hình, như thủy trung nguyệt (Nếu có người tới hỏi ta tìm đường cầu Phật, ta liền ứng hiện cảnh giới thanh tịnh. Có người hỏi ta về Bồ tát, ta liền ứng hiện cảnh giới từ bi. Nếu có người hỏi ta về Bồ đề, ta liền ứng hiện cảnh giới tịnh diệu. Có người hỏi ta về Niết bàn, ta liền ứng hiện cảnh giới tịch tịnh. Cảnh thì muôn vàn khác biệt, nhưng người thì không. Cho nên có thể ứng vật hiện hình, như trăng in đáy nước).
Nếu bỏ qua sự khác biệt của lớp vỏ ngôn từ, chúng ta sẽ nhận ra sự tương đồng với bài Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn của Pháp Loa: “tâm đồng với hư không, mặc đến mặc đi, hoặc nam hoặc bắc, tham thiền hỏi đạo, nhân duyên hội ngộ thì tự lợi lợi tha”.
Kết luận
So sánh giữa Thiền trong Phật giáo nguyên thủy với Thiền học của Pháp Loa, chúng tôi cho rằng, tinh thần cốt tủy của Tam vô lậu học là không hề thay đổi. Việc tu hành đều phải bắt đầu từ cạn tới sâu; kết hợp với sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Cho đến khi thấu triệt được tự tính của vạn pháp đều Không, ba vạn sáu nghìn ngày cũng chỉ như sát na ngắn ngủi trong muôn kiếp luân hồi; chư Phật, chư tổ lại mang tấm lòng đại từ đại bi quay về cứu độ cõi Ta bà, tùy nhân duyên mà đặt bày phương tiện. Phương tiện dị biệt đều là do hoàn cảnh tạo nên. Sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế xã hội, về môi trường văn hóa lịch sử, về đối tượng cần hoằng hóa… khiến cho tư tưởng của Nhị tổ trở nên đa dạng, phức tạp hơn nhưng về bản chất vẫn không xa rời bản hoài của đức Phật.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, con đường giải thoát rốt ráo của đạo Phật là trí tuệ, chứ không phải là luân lý đạo đức hay tôn giáo. Và Thiền là một trong những phương pháp tối ưu, giúp hộ trì sáu căn trừ đi lục tặc, đập tan bức màn Vô minh, thể nhập cảnh giới Niết bàn; chứ hoàn toàn không phải là phương pháp tu hành duy nhất trong Phật giáo. Pháp môn nào giúp con người đạt được giải thoát chân chính, pháp môn ấy sẽ được Thế tôn tán thán. Nhị tổ là lãnh tụ của một Thiền phái; hành trạng, trước tác của ngài thấm nhuần tinh thần phá chấp vừa thâm diệu vừa phóng khoáng của Đại thừa song vẫn bắt rễ sâu trong mạch nguồn tuệ giác của Phật giáo nguyên thủy. Những di cảo hiện tồn tuy chỉ là một phần ít ỏi trong hệ thống trước tác của ngài song chúng ta vẫn thấp thoáng thấy được hình bóng của một bậc “vô vị chân nhân” được “chư thiên khen ngợi, địa thần nâng gót, chư Phật mười phương không ai không ca tụng”./.
Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 4 (208), 2021, tr 28 - 50.
Tài liệu tham khảo
A. Tiếng Việt
- Thích Hạnh Bình (2018), Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A hàm, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
- Thích Minh Châu dịch (2012). Nam truyền Đại tạng kinh (Trường bộ kinh, Trung bộ kinh) - Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
- Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu bộ 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh
- Daisetz Teitaro Suzuki (2015), Thiền luận (3 tập), Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
- Thích Trung Định, Năm thiền chi (Truy cập ngày 15/12/2020).
https://thuvienhoasen.org/a30495/nam-thien-chi.
- Thích Quảng Độ (1969), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Đại học Vạn Hạnh.
- Thích Nhất Hạnh (2019), Con đường chuyển hóa (kinh Bốn lĩnh vực quán niệm dịch và giảng giải), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
- Thích Nhất Hạnh (2014), Hơi thở nuôi dưỡng hơi thở trị liệu (Áp dụng kinh Quán niệm hơi thở vào đời sống hàng ngày), Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
- Thích Nhất Hạnh (2018), Người vô sự, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
- Thích Nhất Hạnh (2019), Thiền sư Khương Tăng Hội - Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam và Trung Hoa, Nxb. Lao động.
- Thích Thái Hòa (2017), A hàm tuyển chú (Giới thiệu - Dịch - Chú giải), Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
- Jujiro Takakusu (2019). Tinh hoa Triết học Phật giáo (Tuệ Sỹ dịch chú), Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
- Phùng Hữu Lan (2010). Lược sử triết học Trung Quốc (Lê Anh Minh dịch), Nxb. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phùng Hữu Lan (2013), Tinh thần triết học Trung Quốc (Lê Anh Minh dịch), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận (toàn tập), Nxb. Công ty sách Thời đại & Nxb. Văn học.
- Thích Thiện Minh (2016), Thiền học và sức khỏe, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
- Minoru Kiyota (2013), Thiền Đại thừa lý thuyết và thực hành (Thanh Lương Thích Thiện Sáng biên dịch), Nxb. Từ điển Bách khoa.
18. Pháp sư Thánh Nghiêm (2018), Thi kệ về tâm – Tín tâm minh giảng lục, Quỹ Phật đà Giáo dục, Đài Bắc.
19. Trịnh Nguyên Phước. Tìm hiểu về giới luật trong đạo Phật (Truy cập ngày 15/12/2020).
https://thuvienhoasen.org/a13381/tim-hieu-ve-gioi-luat-trong-dao-phat
20. Thích Thanh Quyết, Trịnh Khắc Mạnh chủ biên (2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
21. Paul Swanson (2011), Thiền và chỉ quán (Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm), Nxb. Phương Đông, Tp. HCM.
22. Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu chú (2011), Tăng nhất A hàm, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM.
23. Phạm Văn Tuấn (2014), “Khảo về Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, Tạp chí Hán Nôm số 6/ 2014, tr 10 - 25.
24. Thích Tuệ Sỹ dịch chú (2008), Trung A hàm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. Thích Tuệ Sỹ dịch chú (2019), Trung A hàm, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
25. Thích Tuệ Sỹ dịch chú (2019), Tạp A hàm, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
26. Thích Nhật Từ (2018), Thiền Vipassana: Bốn nền tảng chánh niệm (Phân tích kinh Tứ niệm xứ), Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
27. Thích Thanh Từ (2015), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
28. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 24 – Thiền tông Việt Nam 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
29. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 27 – Thiền tông Việt Nam 4, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
30. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 36 – Hành trạng Thiền sư 7, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
31. Nhiều tác giả (2019), Dẫn vào tuệ giác Phật (chủ biên Việt dịch Lê Mạnh Thát - Tuệ Sỹ), Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM.
32. William Hart và Satya Narayan Goenka (2018), Nghệ thuật sống, Nxb. Liên Phật hội.
33. Nhiều tác giả (2008), Đại tạng kinh Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
34. Nhiều tác giả (2005), Thiền nguyên thủy và Thiền phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.35. Phật Quang đại từ điển (bộ 6 tập) (2000). Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn xuất bản xã, Đài Bắc.
36. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Phân viện Nghiên cứu Phật học (2004). Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội.
B. Tiếng Trung
1. 楊郁文 (2016),阿含要略,鼓山出版。
Dương Úc Văn (2016), A hàm yếu lược, Nxb Cổ Sơn.
2. 星雲大師總監修 (1997), 臨濟錄 (張伯偉釋譯), 佛光山宗務委員會印行。
Tinh Vân đại sư tổng chủ biên (1997), Lâm Tế lục (Trương Bá Vĩ dịch chú). Ủy ban tông vụ Phật Quang Sơn ấn hành.
3. 釋洞恆 (2014), 佛教禪法之研究, 秀威資訊科技股份有限公司。
Thích Động Hằng (2014), Nghiên cứu về phương pháp Thiền Phật giáo, Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần khoa học công nghệ Tú Uy.
4. 釋洞恆 (2010), 圖解佛教禪定與解脫,決定佛陀證悟的關鍵,大千出版社。
Thích Động Hằng (2010), Giải mã mối quan hệ giữa Thiền định và giải thoát trong Phật giáo, chìa khóa quyết định sự chứng ngộ của đức Phật, Nxb Đại Thiên.
5. 高楠順次郎、渡邊海旭(主編)(1992),《大正新修大藏經》,台北:宏願出版社。
Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc chủ biên (1992). Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, Nxb Hoằng Nguyện, Đài Bắc.
6. 中華電子佛典協會
Hiệp hội Phật điển điện tử Trung Hoa
https://www.cbeta.org/
Abstract
FROM MEDITATION IN PRE-SECTARIAN BUDDHISM TO PHAP LOA’S THIEN PHILOSOPHY - SOME THOUGHTS ON THE SECOND PATRIARCH – THE “STATUS-FREE ENLIGHTENED ONE”
Le Tung Lam
Dang Ngoc Diep
Phap Loa played a merely important part in the history of Truc Lam Thien sect. However, major loss of his works hurdles the exploration of his philosophy. Under such circumstance, a different methodology is suggested, based on which, we compare meditation in pre-sectarian Buddhism to Phap Loa’s Thien philosophy with a view to reproduction of the ideology of this second patriarch. His works and suite of conducts bore a resemblance of a “status-free enlightened one” – the true person surpassing any kind of limits referred to in the Record of Lin-chi.
Keyword: Meditation; pre-sectarian Buddhism; Phap Loa; “status-free enlightened one”; the Record of Lin-chi.
Kinh số 84 - kinh Vô thích dẫn theo Thích Tuệ Sỹ dịch chú (2019), Trung A hàm, Nxb. Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 785.
Phẩm An Ban dẫn theo Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích (2011), Tăng nhất A hàm, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 236.
Kinh số 19 - kinh Ni kiền dẫn theo Thích Tuệ Sỹ dịch chú (2008), Trung A hàm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 133.
Kinh Trú độ thụ, Thích Tuệ Sỹ dịch chú (2019). Trung A hàm, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM., Tp. HCM, tr. 20~21.
“Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi ác tri thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi ác tri thức”.
Phẩm Thiện tri thức, kinh số 1, Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu chú (2011). Tăng nhất A hàm, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, tr. 323.
釋洞恆 (2010). 圖解佛教禪定與解脫,決定佛陀證悟的關鍵,大千出版社, 第 228 页。Thích Động Hằng (2010), Giải mã mối quan hệ giữa Thiền định và giải thoát trong Phật giáo, chìa khóa quyết định sự chứng ngộ của đức Phật, Nxb Đại Thiên, tr. 228.
Thích Nhất Hạnh (2019), Thiền sư Khương Tăng Hội - Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam và Trung Hoa, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 232.
赤肉團上有一無位真人,常從汝等諸人面門出入,未證據者,看!看。
Xích nhục đoàn thượng hữu nhất vô vị chân nhân, thường tòng nhữ đẳng chư nhân diện môn xuất nhập, vị chứng cứ giả, khán! Khán.
Trên đống thịt đỏ au (của các người) này có một con người đích thực vượt thoát mọi giới hạn, thường đi ra đi vào ngay trước mặt các người, kẻ nào chưa nhìn thấy, hãy xem! Hãy xem đi.
(星雲大師總監修 (1997), 臨濟錄 (張伯偉釋譯), 佛光山宗務委員會印行, 第 27 页)
Tinh Vân đại sư tổng chủ biên (1997), Lâm Tế lục (Trương Bá Vĩ dịch chú). Ủy ban tông vụ Phật Quang Sơn ấn hành, tr. 27.
Thích Nhất Hạnh (2018), Người vô sự, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr 47.