Hán nôm

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ CAO BÁ ĐẠT VÀ VĂN BẢN CAO BÁ ĐẠT THI TẬP


09-10-2021

VƯƠNG THỊ HƯỜNG

ThS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

1. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp Cao Bá Đạt

Cao Bá Đạt (1809 - 1854)(1) tên hiệu là Văn Ngu, anh sinh đôi với Cao Bá Quát, xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo.

Theo ghi chép của gia phả do chính thân phụ của Cao Bá Đạt và Cao Bá Quát viết(2) thì: ông nội của Cao Bá Đạt hiệu là Trực Mẫn phủ quân, tên húy là Trung, tự là Huy Thiềm, khi đi thi đổi là Danh Thự, từng làm nghề dạy học. Cha Cao Bá Đạt trước tên là Sâm, từng theo học với Phạm Quí Thích. Mẹ Cao Bá Đạt người họ Trịnh. Cha mẹ Cao Bá Đạt sinh được bốn người con là Thị Hàn, Bá Đạt, Bá Quát và Thị Ốc. Đến thời cha của Cao Bá Đạt, cảnh nhà đã sa sút. Mặc dù cha ông không đỗ đạt gì, song cũng là người am hiểu sâu sắc sách vở của Thánh hiền và có nhiều kì vọng về bước đường tiến thân của con cái. Chính do những ước vọng như thế nên khi cặp song sinh Bá Đạt - Bá Quát ra đời ông đã đặt tên con giống tên hai hiền sĩ đời Chu(3).

Cao Bá Quát và Cao Bá Đạt được đi học từ rất sớm. Từ khi 12, 13 tuổi Cao Bá Quát đã theo các bậc đàn anh đi thi. Sau vài lần hỏng thi đến năm Tân Mão (1831) Cao Bá Quát đậu Cử nhân. Còn Cao Bá Đạt phải mấy năm sau, tức vào năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) mới đỗ Cử nhân. Sau đó Cao Bá Đạt được bổ làm Tri huyện Nông Cống.

Bá Quát tính tình mạnh mẽ phóng khoáng còn Bá Đạt tính cách có vẻ điềm đạm hơn. Người cha rất ưa tài năng của Bá Quát, song với quan điểm nhà Nho chính thống, ông lấy làm tiếc về tính tình của con trai. Ông từng trò chuyện: “Văn của Bá Đạt hơn về khuôn phép nhưng kém về tài tứ, văn của Bá Quát hơn về tài tứ nhưng lại kém về khuôn phép. Đem cái tài tứ của Bá Quát hợp với cái khuôn phép của Bá Đạt, sẽ trở nên một văn tài hoàn toàn”(4). Nhiều người lí giải rằng, không phải ngẫu nhiên mà Cao Bá Đạt “ngoan ngoãn” tuân theo chế độ của nhà Nguyễn, đến lúc phải tự tử cũng không hề có ý phản kháng, chính là vì sự “kém về tài tứ” nhưng lại hơn về “khuôn phép” của ông. Và cũng không phải tự nhiên mà Cao Bá Quát ngay từ đầu đã va vấp với chính quyền nhà Nguyễn để sau này đi đến chống đối triều Nguyễn, chính là trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân hơn về “tài tứ” nhưng lại kém về “khuôn phép”. Dù vậy triều đình nhà Nguyễn đều đã không buông tha hai con người đồng sinh nhưng có chí khí và hai con đường đi khác nhau ấy. Cái án chu di năm xưa đã cướp đi sinh mệnh của biết bao người trong gia đình họ Cao. Ngay cả con trai của Cao Bá Đạt là Cao Bá Nhạ sau 8 năm lẩn trốn cũng không thoát nổi sự khắc nghiệt ấy. Xót xa cho thân phận gia tộc mình Cao Bá Nhạ đã để lại Tự tình khúc ai oán - một trong những khúc ca được đánh giá là khúc ca hay nhất trong nền văn học Nôm Việt Nam. Nguyễn Văn Siêu - người bạn học và cũng là kẻ sĩ có tài thời ấy - luyến tiếc anh em họ Cao bằng đôi câu đối truy điệu rất sâu sắc:

嗟 哉冠 古 才 名難 弟 難 兄不 世 偶 生 還 偶 死

以 矣到 頭 事 世可 憐 可 惡混 陳 留 澳 亦 留 芳.

“Ta tai ! quán cổ tài danh, nan đệ nan huynh, bất thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử;

Dĩ hĩ! đáo đầu sự thế, khả liên khả ố, hỗn trần lưu xú diệc lưu phương”.

(Thương thay! tài diệu tót vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh rồi cùng thác,

Thôi nhĩ! sự cơ đến vậy, đáng thương đáng ghét, nghìn năm dây xấu cũng dây thơm(5)).

Tiếng vang trên diễn đàn xã hội, cùng với chí “chọc trời khuấy nước” của mình đã khiến Cao em đã nổi trội hơn Cao anh. Chính vì thế sự nghiệp thơ văn của người “hơn về khuôn phép” rất ít được các sách sau này nhắc tới, có chăng chỉ là đôi lời khi so sánh với sự nghiệp của người “hơn về tài tứ”.

Thơ văn của Cao Bá Đạt hiện nay chúng tôi mới chỉ tìm thấy:

Cao Bá Đạt thi tập A.955 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - TVVNCHN). Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu(6) cho biết trong Thi sao (Kí hiệu Paris SA.Ms.b.20 Thư viện Hiệp hội châu Á ở Paris - Cộng hòa Pháp) do Lý Văn Ba sao chép, ở phần Hạ cũng có Cao Bá Đạt thi tập nhưng tiếc rằng chúng tôi chưa có điều kiện để tiếp xúc với sách này).

-Đại Nam văn tập (A.317 - TVVNCHN) còn chép 1 bài (bài thơ Vô đề) ở tờ 83a,b (nội dung ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên và tâm sự của con người); và một đôi câu đối của Cao Bá Đạt ở tờ 80b.

-Khánh vãn tập (A.1520 - TVVNCHN) chép 1 bài vãn Nông Cống Tri huyện Cao Bá Đạt từ thân thất tuần chi khánh trang 21b đến 22a (nội dung ca ngợi công sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ nhân ngày mẹ 70 tuổi).

Tuy vậy, khi khảo sát văn bản Cao Bá Đạt thi tập (CBĐTT) A.955 chúng tôi thấy có một số vấn đề rất đáng quan tâm.

2. Văn bản Cao Bá Đạt thi tập

CBĐTT được lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu A.955, 94tr, 29x17cm. Sách còn tốt, được đóng bìa cậy cẩn thận, chữ viết chân phương rất đẹp. Trang đầu ghi dòng chữ to Cao Bá Đạt thi tập. Ngoài dấu kiểm kê của Thư viện Viễn đông Bác cổ, phía dưới trang này còn có dòng chữ nhỏ, chữ viết xấu hơn: “thử sách thái bán Hoa Đường công thi tập tư phi Cao công tập”. Trang 2 được coi như lời tựa gồm 5 dòng giới thiệu sơ lược về thế thứ, năm đỗ đạt, chức quan... của Cao Bá Đạt. Tiếp đó là mục lục các bài thơ, phần mục lục này có bài không ghi tên đầy đủ mà chỉ ghi vắn tắt ngắn gọn, ví dụ tên đầy đủ của bài là Quế Phong công chính sự qui Hoan, lưu gián đồng triều, kính họa nguyên vận thì ở mục lục chỉ ghi Quế Phong công chính sự. Theo mục lục, tổng số gồm 71 bài và chùm bài thơ. Hết mục lục là đến phần nội dung các bài thơ. Tiêu đề bài thơ viết đài rất dễ nhận ra. Nếu là chùm bài (có chung tiêu đề) thì mỗi bài được viết tách ra thành kì (kì nhất, kì nhị...) cho đến hết. Ở mỗi trang, mép bên ngoài đều ghi Cao Bá Đạt thi tập, phía dưới ghi số thứ tự tờ, giữa các câu thơ đều có dấu ngắt câu. Cách trình bày này nhất quán từ đầu cho đến cuối.

Phần nội dung gồm có đủ 71 bài và chùm bài(7) như đã có trong mục lục nhưng thêm hai bài nữa là Nghĩ đồng niên khánh tiễn Quế Phong công (bài số 54) và Văn mệnh tham giang bắc nhung vụ (bài số 66), có bài được chia thành nhiều kì nhỏ (Ví dụ như bài Tư sảnh tạp vịnh - bài số 71 có tới 39 kì). Tổng cộng có 163 bài nhỏ.

Sau khi khảo sát chúng tôi thấy CBĐTT có một số vấn đề về văn bản.

a. Có chữ viết kiêng húy thời Lê.

Thoạt nhìn văn bản có vẻ như là tác phẩm được viết ra hoàn toàn ở thời Nguyễn (khoảng từ Tự Đức - Thành Thái), bởi vì, trong 36 lần xuất hiện chữ thời (thì)  thì có tới 20 lần được thay thế bằng chữ thìn , 14 lần chữ  viết bớt nét thành Ảnh minh họa. Tỷ lệ thay chữ và viết thiếu nét trong trường hợp này chiếm (94%). Theo Ngô Đức Thọ trong Chữ huý Việt Nam qua các đời(8) đây là chữ kiêng húy thời Tự Đức. Không chỉ có vậy chữ chiếu  cũng được viết bớt nét thành Ảnh minh họa. Chữ này xuất hiện 9 lần, tỷ lệ trong trường hợp này là 100%. Đây là chữ viết kiêng húy đời Thành Thái(9). Nhưng chữ Nhậm  (tỷ lệ 3/3) kị húy Tự Đức (Hồng Nhậm) lại không thấy viết kiêng húy.

Quan sát kĩ chúng tôi nhận thấy: có hai trường hợp chữ  thời đã vẫn để nguyên không viết khác là ở câu kết bài Mộ xuân thi: “Nhất đăng thời đối Bào Hy Dịch/ Thiên tải liêu liêu Thái cổ tâm”. Tạm dịch: Trước đèn ngồi đọc Dịch của Bào Hy/ Ngàn năm dằng dặc nhưng cái tâm vẫn giữ từ thời Thái cổ.

Và câu đề trong bài Thác Đức Ninh mãi cừu: “Cố nhân biệt ngã cúc hoa thìPhân thủ thông thông tích loạn li”. Tạm dịch: Người xưa từ biệt ta lúc đương mùa hoa cúc/ Chia tay vội vàng thương buổi loạn li. 
         Hiện tượng này đã khiến chúng tôi nghi ngờ. Sau khi đọc lại văn bản này chúng tôi còn phát hiện thêm trường hợp của chữ Tân . Chữ Tân xuất hiện cả thảy là 13 lần trong đó 11 lần viết bình thường nhưng 2 lần lại được viết thành Ảnh minh họa là: “Tối thị kinh thiên cách/ Nga thành bạch phát tân”. Tạm dịch: Sợ nhất là sự đổi dời/ Chớp mắt một cái đã thành đầu bạc (Tư sảnh tạp vịnh kì 38) và “Thương thuyền y khúc chử/ Sa điểu hý tân tình”. Tạm dịch: Thuyền buôn đậu đầy bãi quanh co/ Trên bãi cát lũ chim giỡn nhau trong cảnh trời quang đãng (Tư sảnh tạp vịnh kì 39). Đây là chữ viết kiêng húy của Lê Kính Tông.
         Như vậy bước đầu có thể thấy văn bản CBĐTT không hoàn toàn được viết vào thời Nguyễn, mà có thể bắt đầu từ thời Lê.


          b. Nhân danh xuất hiện không phải là thời Nguyễn

Một điểm nữa khiến chúng tôi nghi ngờ văn bản này được viết ra không phải hoàn toàn ở thời Nguyễn, đó là sự xuất hiện các nhân danh đời Lê. Người đời sau khi làm thơ văn có thể nhắc tới các bậc tiền bối nhưng xét trong văn bản đại từ nhân xưng thường xưng hô với nhau là đồng niên, đồng khóa,... thì có nghĩa là giữa tác giả và những người này có mối quan hệ cùng thời. Vả lại khi tên các danh nhân xuất hiện lại thường xưng hô là “đồng khóa” trong các bài thơ đều là các danh thần nổi tiếng vào đời Lê. Chúng tôi đã lập niên biểu của họ như sau:

 

Tên (tự, hiệu)

trong văn bản

Họ tên thật

Năm sinh, năm mất

Năm thi đỗ

Đức Ninh

Nguyễn Hàn

1749 - ?

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 40 (1779)

Nhuận Phủ

Nguyễn Đường

1746 - ?

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 40 (1779)

Tam Đăng

Nguyễn Thế Bình

1746 - ?

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 36 (1775)

Hy Thích (Chu Hy Thích)

Chu Doãn Lệ

1740 - ?

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 39 (1778)

Hiếu Đức, Dưỡng Hiên

Phạm Nguyễn Du

1740 - 1786

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 40 (1779)

Lê Thực Chi

Lê Huy Trâm

1742 - ?

Hoàng giáp năm Cảnh Hưng 40 (1779)

Khắc Trai, Lân Chi

Lý Văn Phức

1785 - 1849

Cử nhân năm Gia Long 18 (1819)

Nguyễn Giám sát

Nguyễn Kiêm

1751 - 1817

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 40 (1779)

Quế Phong, Thận Trai

Phan Huy Cận (Phan Huy Áng)

1722 - 1789

Tiến sĩ năm Cảnh Hưng 15 (1754)

Cụ thể số lần xuất hiện nhân danh trong văn bản CBĐTT như sau: Đức Ninh 18 lần, Hiếu Đức 9 lần, Nhuận Phủ 1 lần, Tam Đăng 1 lần, Lê Thực Chi 1 lần, Nguyễn Giám sát 1 lần, Quế Phong 2 lần, Hy Thích (Chu Hy Thích) 4 lần, Khắc Trai 1 lần. Tổng cộng số bài có tên các danh nhân này là 30 bài.

Như vậy dấu hiệu văn bản xuất hiện ở thời Lê đã quá rõ ràng. Và học giả Trần Văn Giáp có lẽ cũng từng nghi ngờ về tác giả của CBĐTT, vì trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm năm 1990 ông đã không ghi chép gì về văn bản này (mặc dù vào năm 1971 trong khi soạn Lược truyện các tác gia Việt Nam, ở trang 408, ông ghi Cao Bá Đạt có CBĐTT).

Từ những nghi vấn trên và hướng vào nghi vấn mà “ai đó” đã viết ở trang 1 rằng “thử sách thái bán Hoa Đường công thi tập tư phi Cao công tập” (sách này quá nửa là của ông Hoa Đường e rằng không phải là của ông Cao) chúng tôi đã khảo sát lại toàn bộ văn bản này. Xem lại trong cuốn gia phả mà chúng tôi đã có dịp nhắc tới ở trên và theo ghi chép của các tài liệu khác(11) thì Hoa Đường là tên hiệu của Phạm Quí Thích - thầy của cha Cao Bá Đạt.

Về tiểu sử Phạm Quí Thích các sách đều cho biết: Phạm Quí Thích (1760 - 1825) hiệu là Thảo Đường cư sĩ, Hoa Đường cư sĩ, Lập Trai tước Thích an hầu người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Là một người nổi tiếng có tài văn thơ. Ông đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), làm quan cho nhà Lê và Nguyễn trải các chức như Đông các hiệu thư, Thị trung học sĩ...

Thật trùng lặp. Tên nhân danh mà các bài thơ nhắc tới đồng khoa như Hiếu Đức, Lê Thực Chi, Nhuận Phủ đều đỗ Tiến sĩ cùng năm với Phạm Quí Thích là năm Cảnh Hưng 40 (1779). Như vậy rất có khả năng CBĐTT có lẫn thơ của Phạm Quí Thích. Và công việc còn lại là đối chiếu CBĐTT với các tập thơ của Phạm Quí Thích.

Thơ của Phạm Quí Thích được lưu giữ khá nhiều ở TVVNCHN. Có thể kể ra đây một số bản như sau: Lập Trai Phạm Tiên sinh thi tập, Lập Trai thi tuyển, Thảo Đường thi tập, Thảo đường thi nguyên tập... Bước đầu chúng tôi đã đối chiếu với một số bản sau và kết quả thu được là:

Nhóm 1: bản in

Nhóm này gồm 3 bản: VHv.146, VHv.971, A.1455. Ở nhóm này, các bản đều ghi là sách Phạm Quí Thích soạn, Ân Quang Hầu biên tập, Thời Mẫn Nam khảo đính. Cả 3 quyển đều là 8 trong bộ Danh thi hợp tuyển do Ân Quang Hầu (tức Trần Công Hiến) sưu tập. Phần nội dung thơ của Phạm Quí Thích giống hệt nhau từ số lượng bài (165 bài), thứ tự bài, nét chữ... như từ một ván in. Sau phần thơ của Phạm Quí Thích ở VHv.971 còn có Tinh xà kỉ hành của Phan Huy Ích, VHv.146 có Thụy Nham hầu thi tập của Phan Huy Ích, A.1455 có Độc sử si tưởng của Phạm Nguyễn Du. Vì trong phần thơ của Phạm Qúi Thích trong ba văn bản trên giống nhau nên chúng tôi chọn A.1455 để đối chiếu với văn bản CBĐTT.

Sau khi lập bảng đối chiếu chúng tôi thấy A.1455 trùng với CBĐTT: 22 bài. Những bài trùng ở bản này so với CBĐTT có một số đặc điểm: Có 5 bài trùng hoàn toàn (cả về tên bài, nội dung và câu chữ). Có 1 bài (bài 71/19) ở CBĐTT nằm ở chùm bài Tư sảnh tạp vịnh nhưng có tên riêng là Tức sự thư hoài16 bài còn lại có tên đầu bài trùng nhau hoặc cũng chỉ sai khác một vài chữ (bài số 55, 65), câu chữ cũng có vài điểm khác nhau.

Văn bản này là bản in, sự ra đời có thể muộn hơn các bản chép tay khác cùng loại. Nó có thể đã bị người đời sau sửa chữa, biên soạn nhiều nên có số lượng chữ viết sai khác so với văn bản CBĐTT và các văn bản chép tay khác của Phạm Quí Thích nhiều hơn. Để biết kĩ hơn chúng ta có thể đến với các bản viết tay phía sau.

Nhóm 2: bản viết

Những bản thuộc nhóm này tương đối nhiều, bước đầu chúng tôi mới chỉ đối chiếu được với Thảo Đường thi nguyên tập VHv.76/1-3 và Thảo Đường thi nguyên tập A.298 là hai bản có số lượng chép thơ của Phạm Quí Thích nhiều nhất.

Kết quả so sánh giữa VHv.76/1-3 so với CBĐTT như sau: Nếu không xét đến sự sai khác về từ ngữ, ở văn bản này số lượng những bài thơ có nội dung trùng với CBĐTT là 69 chùm bài (gồm 83 bài nhỏ). Cụ thể, có 16 bài trùng hoàn toàn (cả đầu bài, nội dung, câu chữ). Có 7 bài đầu đề tương tự nhau, chỉ khác một vài từ (các bài số 2, 16, 22, 24/1, 26, 41, 52). Có 4 bài nội dung tuy giống nhau nhưng phần tên bài lại khác nhau hoàn toàn (các bài số: 28/3, ở CBĐTT nằm ở chùm bài Nguyệt Đường tự, kì tam còn ở TĐTNT mang tên độc lập là Tự cảnh [Tự răn mình], bài số 71/17, 71/18, 71/19 ở CBĐTT cùng nằm trong chùm bài Tư sảnh tạp vịnh nhưng trong TĐTNT lại mang tên mới độc lập là Tuế mộ kí Tín Phủ [Cuối năm nhớ Tín Phủ] và Thu giao tạp vịnh [Vịnh cảnh ngoại ô trong tiết thu] và Tức sự thư hoài [Tức sự khi nhận được thư]. Số còn lại là 56 bài, ở hai bản CBĐTT và TĐTNT có nội dung tương tự nhau nhưng có sai khác một vài từ. So với những từ sai khác CBĐTT với bản in thì số từ sai khác ở nhóm này ít hơn, hay nói cách khác văn bản CBĐTT có sự “gần gũi” hơn về số câu chữ đối với văn bản TĐTNT. Tổng cộng ở văn bản VHv.76/1-3 có 69 chùm bài (gồm 83 bài nhỏ) trùng với CBĐTT.

Kết quả so sánh giữa A.298 với CBĐTT:

Số bài trùng hoàn toàn với văn bản CBĐTT: 16 bài (bài số 4, 15, 20, 23, 26, 41, 55, 56, 58, 60, 61/1, 61/2, 71/2, 71/3, 71/6, 71/19). Có 5 bài đầu đề khác nhau một vài chữ (các bài số 6, 24, 31, 33, 64). Còn 48 bài có đầu đề giống nhau nhưng có sai khác về một số chữ trong nội dung. Số lượng những chữ sai khác này nhiều hơn những chữ sai khác ở VHv.76/1-3 nhưng ít hơn so với nhóm các bản in. Tổng cộng A.298 trùng với CBĐTT là 69 bài và những bài trùng nhau này cũng đã thấy trong VHv.76/1-3.

Từ kết quả so sánh trên cho thấy, tất cả những bài trùng nhau ở các bản so với CBĐTTthì đều có ở Thảo Đường thi nguyên tập VHv.76/1-3. Đối chiếu các trường hợp trùng nhau trong các bản trên với văn bản CBĐTT thì thấy 30 bài thơ có tên nhân danh xuất hiện đều nằm ở trong số những bài trùng này.

c. Một số nhận định ban đầu về tác giả trong văn bảnCBĐTT

Trên đây chúng tôi đã đưa ra một vài văn bản thơ của Phạm Quí Thích để đối chiếu với văn bản CBĐTT, bởi tên nhân danh trong văn bản và những cứ liệu tìm được đều dẫn chúng tôi tìm kiếm theo hướng này. Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi tổng hợp thấy, trong số 71 chùm bài trong CBĐTT thì có 69 chùm bài (gồm 83 bài nhỏ) là thơ của Phạm Quí Thích. Số bài ấy gồm:

1

Lập xuân tảo triêu thứ Đức Ninh vận 

2

Tiễn tống Nhuận Phủ chi Thanh Hoa

3

Tam Đăng hựu Lạng Sơn Đốc đồng chi lệnh dĩ thi tiễn chi 三登有涼山督同之令以詩餞之

4

Tàm Châu vãn độ tàm 

5

Đồng Hy Thích nguyệt hạ thính cầm

6

Khâm thượng tôn hiệu

7

Thu vi tức sự 

8

Hy Thích chí 

9

Họa Hiếu Đức (2 bài) 

10

Ngũ canh tảo khởi 

11

Hạ Lê Thực Chi 

12

Phụng khám Nhĩ Hà 

13

Du Trấn Quốc tự 

14

Độc thư ngẫu thành 

15

Lâu thượng tiểu chước 

16

Trọng thu tương vọng 

17

Bệnh trung kí Hiếu Đức 

18

Phụng Đức Ninh 

19

Tiếp Hiếu Đức thư 

20

Trừ tịch 除夕

21

Mễ Tuần dạ bạc 

22

Chi Long mộ bạc 

23

Tức sự 

24

Dữ Đức Ninh du Bắc Sơn 

25

Mạn Tứ kí kiến 

26

Chu hồi thuận phong 

27

Giang hành 

28

Nguyệt Đường tự 

29

Xuân hàn 

30

Nhuận chính nguyệt sóc 

31

Thù Hiếu Đức 

32

Vũ hậu đồng Đức Ninh phỏng Chu Hy Thích 

33

Quan tri thù kết cương 

34

Thập ngũ dạ nguyệt hữu hoài 

35

Tiểu viên vãn hứng 

36

Thụy khởi ngẫu thành (2 bài) 

37

Phỏng Đức Ninh thôn cư kiến Hiếu Đức lưu đề nhân thứ kì vận訪德寧村居見好德留題因次其韻

38

Đề Đức Ninh dưỡng chí hiên

39

Trình Đức Ninh (2 bài) 

40

Lưu đề Đức Ninh 

41

Loạn hậu ngộ Cổ Bi hữu cảm 

42

Mộ xuân kí gia huynh 

43

Mộ xuân 

44

Nghĩ đồng niên hạ Nguyễn Giám sát 

45

Kí Hy Thích (4 bài) 

46

Đức Ninh mông khai hậu 

47

Nghĩ đồng niên hạ Đức Ninh 

48

Thù Hiếu Đức kiến kí (2 bài) 

49

Hiếu Đức dĩ công lai hoàn 

50

Thu vãn 

51

Thiên cư tức sự 

52

Đức Ninh phụng mệnh chẩn tế 

53

Quế Phong công chính sự 

54

Tây hành hồi tỉnh thân 西

55

Lữ xá cảm hoài 

56

Tiến kinh tựu tệ xá 

57

Từ quan thuật hoài 

58

Đức Ninh tác thi lưu biệt kính họa nguyên vận 

59

Tống Đức Ninh nhân hoài Hiếu Đức 

60

Thu dạ bộ nguyệt hữu hoài 

61

Bất mỵ thư hoài (2 bài) 

62

Đăng Câu Lâu sơn 

63

Vọng Tiên Tích sơn 

64

Vãn tự Mục Sơn đê Ngọc Sơn 

65

Hoài gia huynh 

66

Giang thôn xuân hứng (2 bài) 

67

Thác Đức Ninh mãi cừu 

68

Tư thân 

69

Tư sảnh tạp vịnh (6 bài) 

Trong số 80 bài thơ còn lại, chúng tôi đã đem so sánh, khảo sát thêm và nhận thấy có vài điểm đáng chú ý, nhất là về nội dung của những bài thơ đó.

Về nội dung có nhiều điểm không phù hợp với tiểu sử của Cao Bá Đạt như: chức tước: “Chỉ tàm dịch lí hào vô bổ/ Diệc xỉ thiên gia pháp tụng thần” (bài 71/12), tạm dịch là: Chỉ thẹn lẽ đời biến đổi chẳng thêm được chút gì/ Mà cũng theo tuổi được xếp vào hàng Bồi tụng của nhà trời. Mà chức Bồi tụng, theo Lược khảo và tra cứu về học chế và quan chế ở Việt Nam từ năm 1945 về trước(12)ghi: Bồi tụng (Á tướng): Chức quan dưới chức Tham tụng, có thể xem như là Phó thủ tướng hiện nay (dưới Tể tướng một bậc), chỉ có ở phủ chúa Trịnh, bên cạnh triều đình vua Lê, coi việc chính trị.

Rồi câu “Tam bồi hữu hạnh liệt hàm thư”, tạm dịch là: May được ba lần (làm việc) trông coi sách vở (bài số 71/22). Hay những câu: “Tung chúc lễ thành lưu đãi chiếu/ Cung Thiều thời đáo trực lô miên, tạm dịch là: Lễ chúc tụng xong thì lưu lại đợi vua cho gọi/ (Đến khi) nhạc Thiều trong cung vẳng tới thì đã ngủ say trong phòng...

Trong tiểu sử của Cao Bá Đạt, không hề thấy nói tới thời điểm nào ông từ quan về ở ẩn, mà ngược lại với những tư liệu hiện biết thì sau khi thi đỗ, Bá Đạt rất hào hứng ra nhận chức Tri huyện. Ông đã từng bằng lòng với chức Tri huyện Nông Cống cho tới khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương nổ ra, thất bại rồi ông bị bắt, bị giải tới Kinh đô và tự vẫn trên đường đi. Đúng như lời cha ông nhận xét về ông luôn giữ mức “khuôn phép”, và cả cuộc đời Bá Đạt đã theo cái “khuôn phép” của một nhà Nho bình thường mà yên tâm thực hiện mọi công việc của triều đình giao cho. Vì vậy khó mà có thể có những câu thơ với lời lẽ chân thực, tinh vi tả cái cảm giác khi ở ẩn:

“Tứ niên liêu thô ngụ kinh hoa,

Bạc cấu thư trai nhất thủy nha.

Thanh dạ thính trùng kiêm thính vũ,

Bệnh thân ưu quốc hựu ưu gia.

Đỗ quyên chi ngoại huỳnh quang tiểu,

Nhai vĩ đê biên trúc ảnh tà.

Thời hữu phương hương lai kỉ tịch,

Bất tri tọa ngọa bạch liên hoa.”

Tạm dịch là:

Bốn năm dông dài thô thiển ngụ tại kinh thành phồn hoa,

Dựng phòng trai sơ sài kề bên dòng nước.

Đêm thanh vắng nghe tiếng côn trùng hòa tiếng mưa,

Tấm thân bệnh tật, hết lo nước thời lại lo nhà.

Ngoài cây có chim đỗ quyên và lũ đom đóm lập lòe,

Lau lách bên đê, bóng cây trúc nghiêng ngả

Mùi thơm thoang thoảng đến ngay bên ghế,

Chẳng biết rằng ngay chỗ mình ngồi lại có sen trắng. (Bài số 71/14)

Hay sự đấu tranh với chính mình giữa việc nên hành hay nên tàng:

“Trường ốc văn chương khả trí thân

Yếu thức hành tàng chung tự ngã”

Tạm dịch là:

Trường ốc văn chương có thể giúp lập thân,

Cần biết hành hay tàng cuối cùng vẫn do mình cả. (Bài 45/3).

Hay cũng khó mà có những câu thơ tả cảnh chầu nơi triều đình. Vì ông chỉ làm chức Tri huyện mà lại ở một nơi xa kinh thành Huế đến vài trăm cây số: “Công đình triều bãi lộ phân thù”, [Chầu nơi triều đình xong đường phân nhiều ngả] (Bài 71/33)…

Số bài có nội dung kiểu này gồm 27 bài (đó là các bài số 9/3, 19/3, 38/4, 38/6, 38/7, 38/8, 38/9, 38/10, 45/3, 68/3, 71/7, 71/8, 71/12, 71/13, 71/14, 71/15, 71/16, 71/22, 71/24, 71/25, 71/26, 71/32, 71/33, 71/35, 71/37, 71/38, 71/39). Tuy chưa biết tác giả là ai, song khi đối chiếu với thơ và cuộc đời của Phạm Quí Thích (chức tước, tâm trạng suy nghĩ, thời thế loạn lạc, bạn bè chia li, băn khoăn về lẽ hành tàng...), chúng tôi ngờ rằng số bài này rất có thể là của Phạm Quí Thích.

Như vậy trừ 83 bài của Phạm Quí Thích và 27 bài ngờ là của Phạm Quí Thích thì số bài còn lại là 53 bài. Những bài còn lại này cũng giống như trường hợp của 27 bài trên, không có đầu đề riêng mà nằm trong chùm bài chung (ví dụ như nằm trong Tư sảnh tạp vịnh…), vị trí những bài thơ đó như sau:

1. Họa Hiếu Đức nhập thu cảm hứng chi tác (kì nhị, kì tam, kì ngũ) 9/2, 9/3, 9/5.

2. Tiếp Hiếu Đức thư, Đức Ninh đích hữu thư lai, kí Đức Ninh (kì nhị) 19/2.

3. Dữ Đức Ninh du Bắc Sơn bất quả, chu bạc Dương Liễu chi dạ, mộng Đức Ninh (kì nhị) 24/2.

4. Giang hành (kì nhị) 27/2.

5. Nguyệt Đường tự (kì tứ) 28/3, 28/4.

6Đề Đức Ninh Dưỡng chí hiên (kì nhị, kì tam, kì tứ, kì ngũ, kì thập nhất, kì thập nhị, kì thập tam, kì thập tứ, kì thập ngũ, kì thập lục, kì thập thất, kì thập bát, kì thập cửu, kì nhị thập 38/2, 38/3, 38/5, 38/11, 38/12, 38/13, 38/14, 38/15, 38/16, 38/17, 38/18, 38/19, 38/20.

7. Trình Đức Ninh (kì nhị) 39/2.

8. Kí Hy Thích (kì nhị, kì tứ) 45/2, 45/4.

9. Thu dạ bộ nguyệt hữu hoài vịnh thi (kì tam) 61/3.

10. Giang thôn xuân hứng (kì nhị, kì tứ, kì ngũ, kì lục, kì thất, kì bát, kì cửu, kì thập, kì thập nhất, kì thập nhị, kì thập tam, kì thập tứ, kì thập ngũ) 68/2, 68/4, 68/5, 68/6, 68/7, 68/8, 68/9, 69/10, 68/11, 68/12, 68/13, 68/14, 68/15.

11. Tư sảnh tạp vịnh (kì cửu, kì thập, kì thập nhất, kì nhị thập, kì nhị thập tam, kì nhị thập thất, kì nhị thập bát, kì nhị thập cửu, kì tam thập, kì tam thập nhất kì tam thập tứ, kì tam thập lục) 71/9, 71/10, 71/11, 71/20, 71/21, 71/23, 71/27, 71/28, 71/29, 71/30, 71/31, 71/34, 71/36.

Theo cảm nhận chủ quan, cùng với sự khảo sát ban đầu và tên văn bản là CBĐTT chúng tôi tạm cho rằng 53 bài còn lại là thơ của Cao Bá Đạt. Nhưng câu đặt ra là vì sao văn bản mang tên CBĐTT mà lại có sự lẫn lộn như vậy? Đây là một vấn đề phức tạp, chúng tôi xin sẽ trình bày vào một dịp khác.

Chú thích:

1. Về năm sinh - năm mất của hai ông, các sách hiện nay chỉ ghi vài dòng ngắn ngủi và chưa thống nhất. Từ điển nhân vật lịch sử Việt NamLược truyện tác gia Việt Nam không cho biết năm ông sinh và chỉ ghi năm ông mất là năm Giáp Dần 1854, còn Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác giảthì ghi ông sinh năm 1808 mất năm 1854 hoặc 1855. Trạng nguyên - Tiến sĩ - Hương cống Việt Nam ghi ông sinh năm Kỉ Tỵ 1809 mất năm Giáp Dần 1854... Về năm sinh của ông có thể dẫn ra nhiều thuyết, song thuyết cho rằng ông sinh năm 1809 do căn cứ vào bài Thiên cư thuyết của Cao Bá Quát, gần đây được khá nhiều người ủng hộ. Trong bài đó Cao Bá Quát viết “Với cái tuổi của ta mới hai kỉ mà núi sông thành quách cũ đã thay đổi đến ba lần”. Năm Nhâm Thìn tức là năm 1832 - nếu ông đủ 2 kỉ tức là 24 tuổi (tính theo Âm lịch) thì tức là ông sinh năm Kỉ Tỵ Gia Long thứ 8 (1809). Năm mất của hai ông có sách ghi là 1854, có chỗ lại ghi là 1855. Song theo chúng tôi, giả thuyết hai ông mất năm 1854 có lí hơn vì nó được đánh dấu bằng sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương.

2. Bản gia phả này chỉ là bản dịch của cụ Bùi Kỉ từ bản chữ Hán Cao Dương gia phả. (Bản chữ Hán đã bị mất).

3. Luận ngữ - thiên Vi tử: Tám người này là 4 cặp song sinh: Bá Đạt, Bá Quát; Trọng Đột, Trọng Hốt; Thúc Đa, Thúc Hạ; Quí Tùy, Quí Đa.

4. Thơ văn Cao Bá Quát, Vũ Khiêu, Nxb. KHXH, tr.9.

5. Dẫn theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.67.

6. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu - Trần Nghĩa và François Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.

7. Từ đây trở đi khi nhắc đến các kì (các bài nhỏ trong chùm bài) chúng tôi sẽ đánh số và gọi theo thứ tự. Ví dụ bài Tư sảnh tạp vịnh là bài số 71, trong bài này lại có nhiều kì nhỏ từ 1 đến 39 chúng tôi sẽ kí hiệu 71/1, 71/2, 71/3... 71/39.

8. Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Ngô Đức Thọ, Nxb. Văn hóa, H. 1997, tr.51.

9. Sđd, tr.66.

10. Sđd, tr.93.

11. Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2002, tr.223.

12. Lược khảo và tra cứu về Học chế và quan chế ở Việt Nam từ năm 1945 về trước, Lê Trọng Ngoan, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công Lý, Nxb. Văn hóa, H. 1997./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr. 13-22)

Post by: admin
09-10-2021