Hán nôm

NHỮNG THỦ THUẬT NGỤY TẠO NIÊN ĐẠI TRONG THÁC BẢN VĂN BIA


21-06-2021

NGUYỄN VĂN NGUYÊN

NCV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Sự xuất hiện những dấu hiệu ngụy tạo trên hàng trăm thác bản cho thấy ngụy tạo là hành động có chủ đích của người làm thác bản. Đặc biệt là trong hầu hết các trường hợp, việc ngụy tạo luôn thể hiện xu hướng đẩy niên đại của thác bản lên thời điểm sớm hơn niên đại thực của văn bia. Chúng ta tạm thời không đi vào truy tìm động cơ mục đích của việc làm này, không chỉ bởi đây là câu chuyện có phần tế nhị đối với những người có công sưu tầm từ rất sớm và đã lưu giữ lại cho chúng ta hàng vạn văn bản quí giá, mà mặt khác, đây cũng là vấn đề tuy không khó để suy đoán nhưng cũng không dễ để có được cơ sở chứng minh. Quan trọng là cần tìm hiểu rõ bản chất của hiện tượng ngụy tạo niên đại nhằm phát hiện và xử lý những thác bản này bằng những biện pháp văn bản học, phục hồi những thông tin chính xác, trả về cho chúng những giá trị đích thực.

Phân tích những thác bản có vấn đề niên đại, chúng tôi nhận thấy sự ngụy tạo nhìn chung được thể hiện ở ba phương diện sau:

1. Ngụy tạo nhằm chứng tỏ niên đại thời Lê của thác bản

Để thể hiện là bia thời Lê, phương pháp phổ biến trên thác bản ngụy tạo là ngụy tạo ra thông tin phản ánh trực tiếp nhất về thời kỳ này, đó là các niên hiệu. Thống kê các niên hiệu ngụy tạo xuất hiện trên dòng niên đại của thác bản thấy có 16 niên hiệu được sử dụng cho mục đích ngụy tạo, lần lượt xếp theo thứ tự là:

Niên hiệu

Tần số xuất hiện

Quang Hưng

2

Hoằng Định

19

Đức Long

2

Thịnh Đức

2

Vĩnh Thọ

1

Cảnh Trị

1

Dương Đức

2

Vĩnh Trị

41

Chính Hòa

52

Vĩnh Thịnh

8

Bảo Thái

3

Long Đức

7

Vĩnh Hựu

9

Cảnh Hưng

81

Cảnh Thịnh

3

Bảo Hưng

1

Ta nhận thấy ngoại trừ hai niên hiệu thuộc đời Tây Sơn là Cảnh Thịnh và Bảo Hưng được xuất hiện trên 4 thác bản ngụy tạo ra, còn lại tuyệt đại đa số đều là niên hiệu của các triều đại thuộc đời Lê, chúng chiếm ưu thế cả về số lượng cũng như tần số xuất hiện trên văn bản. Một nhận xét là toàn bộ niên hiệu đời Lê được sử dụng cho ngụy tạo đều là thuộc thời kì Trung hưng, đồng thời niên hiệu sớm nhất không phải là niên hiệu có tần số sử dụng cao nhất. Qua đó có thể đoán định rằng sự ngụy tạo dường như chủ yếu chỉ cốt qui niên đại của thác bản thuộc về đời Lê mà thôi, chứ không nhằm đẩy lên những niên đại cổ xưa hơn. Vì thế nên ta không tìm thấy những niên đại ngụy tạo thuộc thời Lí, Trần hay thậm chí cả thời Lê sơ. Tần số xuất hiện của các niên hiệu đời Lê ngụy tạo này cũng không đều nhau. Ba trong bốn niên hiệu có tần số sử dụng cao nhất là Hoằng Định, Chính Hòa và Cảnh Hưng. Chúng tôi nghĩ rằng, có thể vì đây là những niên hiệu có thời gian tồn tại dài nhất trong lịch sử triều Lê, do đó khi sử dụng sẽ hạn chế được tối đa những khả năng mâu thuẫn có thể xảy ra giữa niên hiệu ngụy tạo với năm thứ hoặc năm can chi của niên đại thực có thể tồn tại trong văn bia.

Niên hiệu các triều đại đời Lê hầu hết được ngụy tạo trên dòng ghi niên đại của văn bia. Tại đó, niên hiệu ngụy tạo có thể được chèn vào vị trí ghi niên hiệu vốn có của văn bia, kiểu như: "[Chính Hòa] Kỉ Dậu nhị niên nhị nguyệt nhật" (thác bản văn bia N023) trong đó năm can chi cũng như ngày tháng dựng bia vẫn là của nguyên văn bia gốc, nhưng cũng có không íttrường hợp niên hiệu ngụy tạo xuất hiện kèm theo cả ngày tháng cũng là ngụy tạo, nhưng trên các thác bản (N0883, 884,1125, 2374) v.v... Ở đây cả dòng ghi niên đại của thác bản đều là ngụy tạo (hình 1).

 

 Ảnh minh họa
(a)(b)
Dòng niên đại ngụy tạo trên thác bản N01125(a)
vốn không có trên ảnh chụp tấm bia thực thể (b)
H.1

Hiện tượng ngụy tạo niên hiệu cũng được phát hiện ra trong phần chính văn của văn bia, tuy có phần ít hơn. Đa phần là ở đoạn ghi thời gian của sự kiện dựng bia tại dòng đầu văn bia. Trường hợp cá biệt như trên thác bản N04730, thời gian của một sự kiện biên chép giữa chính văn bia về việc giáp Đông tu sửa miếu cũng ngụy tạo bằng một niên hiệu “Chính Hòa” (hình 2).

 

 Ảnh minh họa
H.2

Ngoài các niên hiệu ngụy tạo, ta cũng còn tìm thấy cả năm can chi ngụy tạo, như hai chữ "Nhâm Tí" trong nội dung văn bia của thác bản N03295 (hình 3).

 

 Ảnh minh họa
H.3

Trong một trường hợp khác, thác bản ngụy tạo còn sử dụng thêm yếu tố chữ húy để chứng tỏ niên đại đời Lê cho thác bản. Trên thác bản của tấm bia đời Nguyễn (N01784), ở dòng niên đại ngụy tạo, ngoài niên hiệu "Cảnh Hưng" ra còn có cả chữ "Cửu" được viết theo lối kiêng húy đời Lê.

Vì mục đích của ý đồ ngụy tạo là nhằm đẩy niên đại của thác bản lên thời kỳ triều Lê, nên có thể đoán chắc rằng tuyệt đại đa số trường hợp, đối tượng ngụy tạo đều là những thác bản bia đời Nguyễn, chí ít cũng là bia thời Tây Sơn. Nhưng như vậy, không có nghĩa phàm là thác bản ngụy tạo thì đều vốn có niên đại muộn sau đời Lê. Trong thực tế điều tra, chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện một số văn bia vốn thực sự được soạn vào đời Lê Trung hưng nhưng thác bản vẫn có dấu hiệu ngụy tạo rõ rệt. Đó là trường hợp 2 thác bản N01097 và N01098. Căn cứ vào ghi chú của người sưu tầm thì hai kí hiệu này cùng với hai ký hiệu khác N01095, N01096 đều là thác bản của cùng một tấm bia bốn mặt dựng tại đình xã Quan Nhân tổng Khương Đình huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Nhưng qua giám định, chúng tôi đã xác định hai thác bản (N01097, N01098) là bản rập của một tấm bia 2 mặt mang nội dung sự việc hoàn toàn độc lập với hai thác bản kia. Dấu hiệu ngụy tạo thể hiện ở mâu thuẫn trên dòng niên đại "Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập thất niên, tuế tại Ất Mão trọng thu nguyệt thượng hoãn nhật". Tra cứu trong niên biểu ta thấy trong thời gian tồn tại của niên hiệu Cảnh Hưng không có năm can chi Mậu Thân, và năm can chi của niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 là năm Bính Tuất chứ không phải Ất Mão. Nếu xem xét thêm về hình thức, thậm chí còn có thể xác định thác bản N01098 là ngụy tạo hoàn toàn, không chỉ ở dòng chữ Hán ghi niên đại mà cả ở khung hoa văn thác bản, vì trừ phần hoa văn xung quanh ba cạnh diềm bia được bôi đen ra, hoa văn phần trán bia của thác bản N01098 hoàn toàn trùng khớp từng chi tiết với thác bản N01097, chứng tỏ phần hoa văn trán bia của hai thác bản này đã được in rập từ cùng một khuôn mẫu của một mặt bia duy nhất (hình 4).

 

 Ảnh minh họa
H.4. So sánh hình thức thác bản N001097 với N001098 Chú ý sự trùng khớp ở phần trán bia)

Tuy nhiên, khi xem xét những thông tin trong nội dung văn bia thì dường như không thể tìm ra được lí do nào để nghi ngờ độ chân thực của niên đại "Cảnh Hưng" như ghi trên thác bản. Thậm chí có rất nhiều chi tiết xác thực chứng tỏ đây đúng là bia đời Lê. Ví như xem xét từ góc độ kiêng húy, tại dòng 10 thác bản N01097 có chữ “Tân” viết kiểu kiêng húy thời Lê. Một địa danh thời Lê là thôn Hoa Kinh cũng được tìm thấy ở dòng 9 (hình 5).

 

 Ảnh minh họa
H.5

 

Địa danh này, theo sách Các tổng trấn xã danh bị lãm, là tên gọi của một thôn thuộc xã Quan Nhân hồi đầu đời Nguyễn trở về trước, đến đầu triều Thiệu Trị vì kiêng húy chữ “Hoa” nên đã đổi thành thôn Minh Kinh. Đặc biệt trong danh sách các quan viên sắc mục làng Quan Nhân, những người đứng tên tổ chức dựng bia được liệt kê trong văn bia này có đến hơn chục tên người (như Bùi Đình Xuyền, Đỗ Đình Sách, Lương Hữu Đạo, Lưu Khuê, Lê Đình Thanh, Lê Tông Điển, Nguyễn Đình Hân, Nguyễn Đình Hoan, Nguyễn Hữu Kính, ...) trùng khớp với các vị có tên trong danh sách tương tự ở một vài văn bia khác có niên đại rõ ràng và không có dấu hiệu ngụy tạo của cùng di tích đình Quan Nhân này, như văn bia s N01102 và N01103 (niên đại Cảnh Hưng thứ 20), N01104 và N01105 (niên đại Cảnh Hưng thứ 19), N01099 (niên đại Cảnh Hưng thứ 24). Sự hiện diện những danh sách rất tương tự với nhau về một tập thể những người đứng đầu điều hành sinh hoạt làng xã của cùng một làng Quan Nhân ở các văn bia đã chứng tỏ các bia này phải được dựng lập cùng vào một thời gian gần gũi với nhau. Và vì những văn bia được lấy làm đối chứng đều có niên đại vào khoảng giữa triều Cảnh Hưng, một niên hiệu có thời gian tồn tại đến 47 năm, dài nhất triều Lê (và cũng là dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam), nên có thể xác định văn bia N01097 chắc chắn cũng cùng mang niên hiệu này của triều Lê.

Nhưng nếu bia này đã thực sự là bia dựng đời Cảnh Hưng thì tại sao người in rập lại phải ngụy tạo ra cũng chính niên hiệu Cảnh Hưng trên thác bản?

Để giải đáp nghi vấn này, chúng tôi đã tìm tới địa phương nơi đang lưu giữ những tấm

 
bia gốc. Tại hiện trường đình Quan Nhân chúng tôi đã tìm thấy những tấm bia liên quan. Đó đúng là hai tấm bia độc lập với nhau như chúng tôi đã giám định, mỗi bia có 2 mặt. Vị trí đặt bia ở

Ảnh minh họa 

 H.6. Bia dựng ở một góc đình Quan Nhân

đây khá chật hẹp, các tấm bia xây thành hàng xen kẽ rất sát vào nhau, một số bia ở bên trong thì hầu như bị xây sát liền vào tường. Với một địa thế như vậy, đối với mặt sau của bia, đến đọc chữ cũng không thể làm được, huống hồ phải trải giấy lên bề mặt để thực hiện các thao tác in rập thác bản (hình 6).

Rõ ràng người sưu tầm hồi đó đã không thể có điều kiện để in rập thác bản mặt sau tấm bia, đó cũng chính là mặt có khắc dòng niên đại. Vì thế, để khẳng định rõ niên đại đời Lê của văn bia này, người sưu tầm đã phải hư cấu ra một thác bản (thác bản N01098) cho mặt bia không thể in rập được, trên đó ngụy tạo ra một dòng niên đại ghi niên hiệu đời Cảnh Hưng. Có lẽ cũng vì lí do tương tự mà một thác bản văn bia khác ở chùa xã Xích Đằng huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên (N03733, 3734), theo chứng minh của chúng tôi, vốn có niên đại đời Lê, vào khoảng đầu đời Bảo Thái (1720-1729), nhưng vẫn được ngụy tạo gán cho niên đại Chính Hòa thứ 16 (1695), và dòng niên đại này cũng được ngụy tạo thành một mặt thác bản riêng.

Tại di tích đình Quan Nhân còn có một tấm bia khác cũng dựng vào đời Cảnh Hưng. Dòng niên đại được khắc rất rõ ràng ngay ở mặt trước quay ra ngoài của tấm bia: “Cảnh Hưng tứ thập ngũ niên”. Đối chiếu với thác bản tương ứng trong kho mang N01122, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy dòng niên đại trên thác bản này tuy cũng đề niên hiệu Cảnh Hưng, nhưng đã bị thay bằng hai chữ Cảnh Hưng có kiểu dạng hoàn toàn khác mang dấu hiệu ngụy tạo đặc trưng rất rõ rệt, và năm thứ thì đã bị mất một chữ, chỉ còn là thập ngũ niên (hình 7). 

 

Ảnh minh họa

 (a)                                                (b)
H.7
. Niên đại Cảnh Hưng trên bia gốc (a) và trên thác bản N01122 (b)

               

Một trường hợp tương tự nữa về hiện tượng ngụy tạo niên hiệu đời Lê cho bia đời Lê là tấm bia 4 mặt [Hưng] công tân tạo An Thanh tự thạch bi sưu tầm ở chùa xã An Xá huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông, bốn thác bản tương ứng mang kí hiệu N01832, 1833, 1834, 1835. Trên thác bản N01834 có dòng niên đại ngụy tạo: “Vĩnh Trị nguyên niên tam nguyệt cát nhật”. Dòng niên đại này có dấu hiệu ngụy tạo rõ ràng, vì hai chữ niên hiệu Vĩnh Trị mang kiểu dáng đặc trưng của chữ niên hiệu ngụy tạo. Xem xét mặt thác bản N01832 của văn bia này, tại dòng địa danh (dòng 1) thấy ghi: “Ứng Thiên phủ Thanh Oai huyện Trung Thanh Oai xã An Xá thôn 清 威 縣 中 清 威 社 安 舍 村”. Lưu ý là chữ Thanh của hai địa danh Thanh Oai đều được viết chữ Thanh  (mang bộ thủy) (hình 8).

 

Ảnh minh họa
 H.8. Dòng niên đại ngụy tạo và tên địa danh Thanh Oai trên thác bản bia chùa Am Thanh


          Về tên huyện Thanh Oai, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng:

"Tên gọi Thanh Oai xuất hiện từ triều nhà Lý (...), sau trở thành tên huyện. Thời thuộc Minh đặt thuộc châu Uy Man quản lý, trực lệ phủ Giao Châu. Đến đời Quang

Thuận triều Lê (1460-1469) đổi thuộc phủ [Ứng Thiên]. Về sau sửa chữ Thanh 清thành chữ Thanh 青. Bản triều (tức triều Nguyễn) vẫn theo như thế".

Như vậy, ít nhất là trong cả thời gian của triều Nguyễn, địa danh huyện Thanh Oai đã được viết là 青 威 縣.

Từ góc độ kiêng húy, PGS. Ngô Đức Thọ còn đi sâu giải thích việc đổi hình chữ Thanh từ 清  thành 青 là do kiêng húy tên tước hiệu của Thanh vương Trịnh Tráng. Chúng ta biết Trịnh Tráng ở ngôi chúa từ năm 1623 đến 1657. Sự xuất hiện địa danh huyện Thanh Oai với chữ Thanh 清 mang bộ thủy trên thác bản bia chùa xã An Xá cho thấy tấm bia này phải được tạo dựng trước thời Trịnh Tráng, tức là trước năm 1623, sớm hơn cả niên hiệu Vĩnh Trị được ngụy tạo ra trên thác bản.

Về lí do giải thích tại sao phải ngụy tạo niên đại đời Lê cho chính những tấm bia thực sự có niên đại đời Lê như hai trường hợp đặc biệt nêu trên, có lẽ chỉ có người đương thời biết được, còn chúng ta dường như chỉ có thể phỏng đoán ra một vài giả thiết khả dĩ mà thôi.

2. Ngụy tạo che dấu thông tin liên quan đến thời Nguyễn.

Vào thời điểm sưu tầm thác bản văn bia của EFEO, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại chế độ phong kiến, triều Nguyễn bấy giờ vẫn được coi là đương triều. Có lẽ vì thế, chủ trương của công trình sưu tầm thác bản - ít nhất ở giai đoạn tiến hành đầu tiên - là chưa coi những văn bia đời Nguyễn thuộc vào diện trọng tâm những di văn Hán Nôm cổ cần tập hợp sưu tầm thành thác bản. Hiện tượng người sưu tầm cố ý che dấu những thông tin liên quan đến triều Nguyễn trên thác bản đã gián tiếp phản ánh quan điểm này.

Biện pháp che dấu phổ biến nhất là xóa đi những yếu tố mang thông tin phản ánh niên đại thời Nguyễn của văn bia.

Những thông tin bị xóa bao gồm:

a. Niên hiệu:

Đây là thông tin trực tiếp và rõ ràng nhất về niên đại của bia nên bị xóa triệt để nhất. Sự xóa bỏ niên hiệu được thể hiện ở hai dạng.

Thứ nhất là bôi đen, hoặc xé bỏ làm mất đi niên hiệu (hoặc cả dòng niên đại) của văn bia nguyên gốc. Ngụy tạo dạng này rất dễ nhận thấy, được tiến hành trên thác bản sau khi đã in rập hoàn chỉnh từ bia gốc, vì thế lưu lại tại vị trí bôi xóa một khoảng trống vô lí và thường là với độ đậm nhạt của màu mực tương đối tương phản so với vùng nền ở xung quanh (hình 9).

 

 Ảnh minh họa

 H.9. N0861                      N01155b                                          N01168
 

Có thể thấy các chữ ghi niên đại đời Nguyễn bị bôi xóa khá triệt để, cho dù chúng nằm ở dòng ghi niên đại hay lẫn trong chính văn nội dung văn bia. Dường như người ngụy tạo chủ ý tẩy xóa tất thảy mọi niên hiệu đời Nguyễn tìm thấy được trên văn bia, bất kể lí do xuất hiện của những niên hiệu đó ra sao. Ví dụ điển hình về thái độ cực đoan này là thác bản bia đền Yên Sở N01275, N01280. Đây vốn là một tấm bia dựng vào đời Lê, với niên đại đề rõ ngay tại dòng đầu tiên là năm Mậu Thân niên hiệu Bảo Thái thứ 9 (1728), dân địa phương lập văn bia ghi sự tích vị thần Lý Phục Man thờ phụng ở đền Yên Sở và liệt kê tất cả những lần đền được triều đình các triều đại từ đời Lý trở đi cấp sắc phong ban mĩ tự cho thần và lệnh chỉ cho phép dân Yên Sở làm dân tạo lệ, miễn cho các khoản thuế khóa, phu dịch để chuyên tâm thờ phụng. Tấm bia này có kích thước tương đối lớn, nhưng văn khắc trên bia lại dùng cỡ chữ khá nhỏ, toàn bộ phần văn tự khắc vào năm Bảo Thái thứ 9 chỉ chiếm hơn diện tích mặt trước bia một chút, để chừa lại bốn phần năm diện tích mặt sau của bia để "đợi mai sau có được gia phong thì sẽ lần lượt khắc tiếp nối vào bia". Trực tiếp xem trên thác bản có thể nhận thấy văn tự trên tấm bia này đúng là được khắc làm ba đợt vào các thời gian khác nhau. Đợt khắc bia đầu tiên vào năm Bảo Thái thứ 9 liệt kê 12 lần nhận được sắc chỉ của triều đình kể từ đời Lý đến lần cuối cùng gần nhất là năm Bảo Thái thứ 5 (năm 1724). Đợt khắc thứ hai liệt kê 5 lần nhận sắc chỉ vào thời gian từ năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (năm 1706) đến Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783). Phần còn lại tiếp theo ở cuối bia lại khắc với cỡ chữ nhỏ hơn, liệt kê 8 lần nhận sắc phong, hoàn toàn có thể suy đoán là những đạo sắc có niên đại muộn hơn đạo sắc năm 1783 đời Cảnh Hưng của đợt khắc trước. Điều đặc biệt là toàn bộ bộ phận chữ ghi niên đại ban sắc của phần này đã bị xé đi rồi bồi lại bằng mảng giấy tô màu đen. Rõ ràng đây là những chữ ghi niên hiệu của triều Tây Sơn và triều Nguyễn đã bị xóa nhằm mục đích ngụy tạo (hình 10).

          Bộ phận khắc

  đợt thứ ba (bị xóa niên hiệu

  Bộ phận khắc

     đợt thứ hai

 Bộ phận khắc

đợt đầu tiên

 

                                       H.10

Dạng thứ hai là thay thế những chỗ ghi niên hiệu đời Nguyễn trên văn bia nguyên bản bằng niên hiệu thuộc đời Lê. Như thế, khi ngụy tạo thêm vào một niên hiệu đời Lê cũng tức là đồng thời xóa đi niên hiệu đời Nguyễn vốn có ở văn bản.

Muốn làm được như vậy, chắc chắn quá trình ngụy tạo phải tiến hành cầu kì hơn, chí ít cần theo hai bước. Bước một là in rập thác bản từ bia gốc, nhưng trước đó phải nhận biết chính xác vị trí câu chữ ghi niên đại triều Nguyễn trên bia, để khi in rập sẽ chừa ra một khoảng trắng không bôi mực khiến chữ của bia gốc tại vị trí đó không in lên thác bản (hình 11).

 

Ảnh minh họa
 H.11. Khoảng trống để chừa trắng vào đúng chỗ vị trí ghi niên đại trên văn bia.


          Khoảng trắng trên hai thác bản ở hình 11 chính là dấu tích ngụy tạo


Ảnh minh họa
           N02641             N01536                   N01536                N01484
                                       H.12

dở dang sau bước một. Bước tiếp theo là dùng một mẫu khắc chữ niên hiệu đời Lê có sẵn làm khuôn để in rập điền vào khoảng chừa trắng trên thác bản, rồi thực hiện một vài động tác tô vẽ chỉnh sửa là hoàn thành. Dạng ngụy tạo này rõ ràng công phu hơn, tùy theo độ chính xác của khoảng trắng lưu sẵn, mức độ thích hợp của khuôn mẫu chữ niên đại ngụy tạo cũng như khả năng tỉ mỉ của khâu chỉnh sửa mà có thể làm ra một thác bản ngụy tạo khá tinh vi, nhìn qua không dễ phát hiện ra được ngay (hình 12). 

          b. Địa danh và đơn vị hành chính:

Tuy chỉ là một yếu tố có tính chất phản ánh gián tiếp, nhưng địa danh và đơn vị hành chính lại có vai trò rất quan trọng trong việc giám định niên đại văn bản. Đặc biệt là từ đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn với tư cách là một triều đại mới lên cầm quyền đã thi hành nhiều biện pháp đổi mới để quản lí đất nước, từ đó đã dẫn tới sự thay đổi hàng loạt địa danh và đơn vị hành chính trong nước xảy ra vào bốn niên hiệu đầu triều là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Vì vậy sự hiện diện của những tên tỉnh, phủ mớitrong văn bia là một dấu ấn rõ rệt của niên đại triều Nguyễn. Chắc hẳn người sưu tầm cũng phải có một trình độ hiểu biết nhất định về lĩnh vực địa danh lịch sử nên đã lưu tâm khá đầy đủ đến yếu tố này trong quá trình ngụy tạo. Nhưng khác với niên hiệu, do chữ ghi địa danh trên bia không dễ phát hiện ra ngay tại hiện trường dập bia, nhất là khi chúng không được khắc thành dòng riêng biệt mà thường nằm lẫn trong các dòng chữ nội dung, hơn nữa không thể có sẵn tất cả các khuôn mẫu chữ về các địa danh tương ứng của đời Lê, nên trong kho thác bản không phát hiện ra hiện tượng thay thế địa danh mà chỉ thấy một dạng duy nhất là bôi xóa đen các chữ địa danh đời Nguyễn. Việc bôi xóa chắc được tiến hành trên các thác bản sau khi đã được in rập xong từ bia gốc.

Phổ biến nhất là hiện tượng xóa đi đoạn ghi địa danh ở câu mở đầu của bài văn bia. Đôi khi vì che dấu đoạn địa danh này, người ta đã tùy tiện xóa cả một dòng đầu tiên của văn bia (hình 13).

 

 Ảnh minh họa  Ảnh minh họa

  (a)

  (b)

H.13. Dòng ghi niên địa danh trên bia gốc (a) đã bị bôi xóa trên thác bản (b)

Đơn vị hành chính thường bị bôi xóa cùng với địa danh kèm theo, gồm có cấp "tỉnh" (được đặt ra từ niên hiệu Minh Mệnh) và "thành phố” (lập ra từ năm 1888),

 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

 N01159      

 N01137

phổ biến nhất là tên của bốn địa phương sở tại của bia là tỉnh Hà Đông, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra còn có cả một số tỉnh khác được đề cập trong nội dung văn bia như tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Nội, tỉnh Hưng Hóa, tỉnh Bắc Ninh ... (hình 14)

Các đơn vị "phủ", "huyện" tuy đã tồn tại từ trước, nhưng đối với những trường hợp được thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên vào triều Nguyễn cũng bị tìm xóa, như phủ Ứng Hòa, phủ Hoài Đức, phủ Thiệu Hóa, phủ Anh Sơn, huyện Vĩnh Thuận, huyện Hoàn Long, huyện Ân Thi... Diện rà soát để bôi xóa thậm chí đến cả các cấp xã, thôn, như ở các thác bản N01140, 1141, 1143, 1147, 1148. (hình 15).

 

 Ảnh minh họa
(a)                                (b)
H.15. Địa danh "Minh Kinh thôn" trên bia gốc (a)  đã bị bôi xóa trên thác bản (b)

c. Các yếu tố khác: Học vị, chức danh, tiền và đơn vị tiền tệ

Ngoài niên hiệu và địa danh ra, một số chi tiết khác được coi là dấu ấn của triều Nguyễn cũng bị che dấu. Chúng ta đã biết, chế độ khoa cử vào đời Nguyễn đã có sự  thay  đổi.

Từ năm Minh Mệnh thứ 9 trở đi, những người thi đỗ các kì thi Hương không còn gọi là Hương cống và Sinh đồ như trước mà được gọi tương ứng là Cử nhân và Tú tài. Hai học vị này trở thành đối tượng tìm xóa trên một số thác bản ngụy tạo. Như trên thác bản N01694, ở dòng 5, trước tên ông Nguyễn Tài Lực thấy tồn tại một khoảng trống, đến dòng 14, vị này lại được nhắc đến lần nữa và ở đây ghi rõ tên và học vị của ông là Tú tài.

Điều đó chứng tỏ khoảng trống trên chính là chữ "Tú tài" bị xóa. Một tấm bia ở đình Quan Nhân qua ảnh chụp ta thấy có tên ông Cử nhân Lê Doãn Thăng, nhưng trên thác bản tương ứng mang N01121, học vị "Cử nhân" của vị này bị xóa, chỉ còn lại tên và quê quán (hình 16).

 

 Ảnh minh họa

 

Về quan chức, có thể tìm thấy hiện tượng bôi xóa ở thác bản N01117. Ở dòng ghi tên soạn giả của văn bia này dường như bị xóa hai chữ: "Thái Nguyên [ٱٱ] hưu dưỡng Nguyễn Huy Tất phụng soạn". Kiểm tra trên ảnh tấm bia gốc hiện còn lưu giữ ở địa phương, hai chữ bị xóa đó là chức danh "Tuần phủ" (hình 17).

 


"TẢnh minh họauần (a)                         (b)
H.17. Chức danh 
phủ" trên bia gốc (a)
đã bị bôi xóa trên thác bản (b)

Trên thác bản, những câu chữ thể hiện tiền tệ và đơn vị tiền tệ lưu hành dưới triều Nguyễn cũng có dấu hiệu bị bôi xóa. Đó là hai loại tiền tệ "ngân tiền 銀 錢" (tiền bạc - tức đồng bạc) và "diên tiền 鉛 錢" (tiền kẽm), còn đơn vị tiền bị xóa là "nguyên 元" (đồng). Có thể thấy hiện tượng này trên một số thác bản N0994, 1093, 1159, 2112, 3539 v.v... (hình 18).

 

Ảnh minh họa
 H.18

3. Ghép thác bản

Đây là chỉ hiện tượng từ hai đến bốn thác bản vốn in rập từ những mặt của các tấm bia thực thể độc lập khác nhau nhưng dòng ghi chú sưu tầm lại ghép chúng lại với nhau, coi là các mặt của một tấm bia duy nhất. Khi nghiên cứu văn bia, có lúc ta không khỏi phân vân khi gặp những thác bản có nội dung hoặc hình thức khác hẳn nhau, nhưng căn cứ vào ghi chú của người sưu tầm thì lại là các mặt của cùng một tấm bia nhiều mặt. Tất nhiên trong thực tiễn tồn tại và phát triển của bia Việt Nam cũng đã từng xuất hiện những tấm bia hàm chứa hai hay nhiều nội dung khác nhau, có thể là kết quả của những lần bổ sung, sửa chữa, trùng khắc hoặc tận dụng mặt bia có sẵn... được tiến hành vào các thời điểm khác nhau. Nhưng thực chất hiện tượng của những mặt thác bản ngụy tạo này không giống như vậy. Trường hợp 4 mặt thác bản bia đình Quan Nhân đã được giám định văn bản và điều tra thực địa chứng minh là 2 bia (N01095, 1096) và (N01097, 1098) bị gán ghép thành 1 bia như đã trình bày ở phần trên là một ví dụ. Những dẫn chứng khác như hai thác bản N01157 và N01158, theo ghi chú của người sưu tầm, nguyên được coi là "Đệ nhất bia nhị diện chi tiền" và "Đệ nhất bi nhị diện chi hậu", tức mặt trước và mặt sau của tấm bia thứ nhất trong đàn thờ xã Cáo Đỉnh. Nhưng nội dung văn bia trên hai thác bản lại chép hai sự việc khác nhau ở hai địa phương khác nhau. Thác bản N01157 nói về việc đặt ruộng học điền của xã Cổ Nhuế, trong khi thác bản 1158 lại chép việc vợ chồng ông Hậu thần Dương Văn Hợi cấp tiền cho xã Cáo Đỉnh để nộp thuế và chi phí phu dịch đào sông. Đặc biệt về hình thức, chúng khác nhau cả về kích thước và hình dáng hình học. Phần trán bia của thác bản này gần như là nửa hình tròn, ở thác bản kia thì trán bia dẹt hơn nhiều, rõ ràng chúng không thể là hai mặt trước sau của cùng một phiến đá được (hình 19).                

 

 Ảnh minh họa
N01157         H.19           N01158

 

Có đến hơn chục trường hợp tương tự như vậy. Chúng tôi không cho rằng đây là những trường hợp ghi chú nhầm lẫn, mà là sự gán ghép cố ý nhằm mục đích ngụy tạo niên đại, bởi vì chúng đều có một đặc điểm chung, là trong số các thác bản bị gộp ghép, bao giờ cũng cóthác bản không có niên đại, hoặc niên đại đã bị bôi xóa, được ghép với một thác bản mang niên đại đời Lê thật sự hoặc niên đại đời Lê ngụy tạo. Ví như thác bản N01074 được xác định là một văn bia đời Nguyễn nhưng dòng niên đại bị bôi xóa hoàn toàn, được ghép chung với N01075 là thác bản bia có niên đại Bảo Thái thứ 10. Hay trường hợp bốn kí hiệu liên tiếp khác cũng bị ghép lại làm một, trong đó ba thác bản N01774, 1775, 1777 đều bị xóa dòng niên đại để mang chung một niên đại "Lê Chính Hòa lục niên bát nguyệt nhị thập nhị nhật" được ngụy tạo trên thác bản N01776. Trong hai biện pháp ngụy tạo đã nêu ở trên, rõ ràng biện pháp che dấu (bôi xóa) niên hiệu hoặc những thông tin liên quan đến đời Nguyễn tỏ ra đơn giản và dễ thực hiện hơn biện pháp ngụy tạo ra một niên hiệu đời Lê. Khi ghép thác bản, người ta chỉ cần ngụy tạo niên đại đời Lê trên một thác bản mà thôi, đối với những thác bản còn lại, sẽ chỉ bôi xóa những chữ liên quan đến đời Nguyễn là coi như đã gán xong niên đại ngụy tạo đời Lê cho toàn bộ số thác bản đó. Sự ngụy tạo dường như càng dễ dàng và hoàn hảo hơn khi ghép các thác bản đời Nguyễn (sau khi đã bôi xóa hết những thông tin đời Nguyễn trên đó) với một thác bản văn bia có niên đại đời Lê thực sự.

Ngoài những thủ thuật ngụy tạo niên đại nêu trên, còn một số trường hợpkhác cũng có nghi vấn che dấu niên đại đời Nguyễn, như trường hợp chỉ in rập thác bản của một mặt không mang dòng niên đại của một tấm bia đời Nguyễn vốn có nhiều mặt, hoặc chỉ in rập một phần câu chữ nguyên văn văn bia mà có thểđã bỏ không in dòng niên đại vốn có thể tồn tại trên mặt bia, hay một số thác bản không in phần hoa văn của trán và diềm bia mà tự kẻ vẽ đường viền đơn giản bao quanh (tức chúng ta không lấy gì làm chắc là thác bản đã được in rập đầy đủ nội dung vốn có của bia) v.v... Đối với những trường hợp này (ví dụ các thác bản N01538, 1090, 1539, 1156...) do chưa có điều kiện thẩm tra chắc chắn nên chúng tôi tạm thời chỉ coi là thác bản bia không rõ niên đại mà chưa khẳng định là thác bản thuộc diện ngụy tạo niên đại.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr. 23-33)

 

 In

Lượt truy cập: 

Post by: admin
21-06-2021