Hán nôm

MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM THIỀN UYỂN TẬP ANH NGỮ LỤC- Thiền sư, ThS. THÍCH MINH CHÂU


04-05-2021

Thiền uyển tập anh ngữ lục (TUTANL) có một vị trí đặc biệt quan trọng. Bộ sách bảo lưu được nhiều giá trị khoa học thời Lý (1224) trở về trước. Vì lẽ đó, tác phẩm TUTANL trở thành đối tượng nghiên cứu không thế thiếu được với các nhà Việt học khi muốn tìm hiểu cội nguồn lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung, lịch sử truyền thừa Phật giáo nói riêng trong giai đoạn đầu độc lập.

1.Thời điểm ra đời của tác phẩm

Thiền uyển tập anh ngữ lục là một tập sách ghi chép về hành trạng các thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỷ VI đến đầu thời Trần (thế kỷ XIII). Tác phẩm được biên tập vào khoảng trước năm 1134 kéo dài cho đến đầu thế kỷ XIII thì hoàn tất. Nhưng có lẽ trong cả khoảng thời gian dài từ Thiền sư Thông Biện tác phẩm đã trải qua sự tục biên của Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi đến Ấn Không và sau khi Ấn Không biên soạn xong thì văn bản này vẫn ở dạng bản thảo. Như vậy, để có thể biết được đích xác tác phẩm hoàn thành và ra đời ngày tháng năm nào thì có lẽ vẫn chưa có câu trả lời.

Trong tiểu truyện Vô Ngôn Thông, ở phần cuối truyện có dòng chữ: “Thời Đường Bảo Lịch nhị niên Bính Ngọ chính nguyệt thập nhị nhật nhị thập bát niên hựu chí Khai Hựu Đinh Sửu nhị thập tứ niên ngã Việt thiền học tự sư chi thủy” (Bấy giờ là ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ thời Đường Bảo Lịch thứ 2. Lại cách 28 năm đến năm Đinh Sửu niên hiệu Khai Hựu thứ 24 (1337), Thiền học nước Việt ta bắt đầu từ sư [Vô Ngôn Thông] trở đi vậy). Căn cứ dòng ghi chép trên, các nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát, Thích Mật Thể... đã lấy mốc năm 1337 là thời điểm ra đời của tác phẩm. Các vị đều cho năm Đinh Sửu Khai Hựu là năm 1337 và khẳng định đây chính là thời điểm in TUTANL lần đầu tiên.

Trong bài viết Bí ẩn đoạn kết truyện Vô Ngôn Thông và việc giải mã bí ẩn đó đăng trên Nghiên cứu Văn học số 3-1997, tác giả Nguyễn Đăng Na đã chứng minh, hai chữ Khai Hựu trên không phải niên hiệu Trần Hiến Tông, do đó, Đinh Sửu ở đây không phải là năm 1337 mà là năm 797. Năm này chính là thời điểm Vô Ngôn Thông đắc đạo.

Tuy nhiên, sau khi TUTANL được hoàn thành thì trong thời gian đó có thể
chưa được khắc ván in, mà vẫn ở dạng bản thảo, sau Ấn Không mất trong khoảng mấy chục năm mới được hậu thế hoặc đệ tử của ông khắc ván lưu hành. Và, rất có thể đến thời Trần Nhân Tông (1279-1293), cùng với cuộc chấn hưng đạo Phật được dấy lên thì tác phẩm này cũng ra đời cùng một số tác phẩm Phật học thời Trần.

2.Nội dung văn bản

Thiền uyển tập anh gồm 2 quyển (Thượng và Hạ) ghi chép các vị thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII. Phần đầu sách có bài tựa khắc Trùng san thiền uyển tập anh tự. Sau bài Tựa là danh sách của 16 vị, trong đó có Thiền sư Như Trí và 6 vị đệ tử, còn lại là 6 vị thiện nam và 3 vị tín nữ. Tiếp theo bài Tựa và bản danh sách là Q.Thượng. Q.Thượng ghi chép tiểu sử 38 thiền sư thuộc Thiền phái Vô Ngôn. Người mở đầu cho sự truyền thừa Thiền phái này là Vô Ngôn Thông. Ông vốn người Quảng Châu -Trung Quốc đến Việt Nam năm 820. Kết thúc ở dòng Thiền này là Hiện Quang (1221), Tức Lự bao gồm hơn 400 năm với 15 thế hệ truyền thừa.

Sau Q.Thượng là Q.Hạ. Q.Hạ ghi chép 29 vị thiền sư thuộc Thiền phái Tì Ni. Mở đầu dòng Thiền này là Ti Ni Đa Lưu Chi, ông người nước Thiên Trúc, đến Việt Nam năm 580. Người nối pháp cuối cùng là Thiền sư Y Sơn (1213). Thiền phái này kéo dài hơn 633 năm với 20 thế hệ truyền thừa.

Sau tiểu sử 29 thiền sư phái Tì Ni là danh sách 19 người thuộc Thiền phái Thảo Đường.

3.Nghệ thuật của văn bản

Như đã nói trên, khởi đầu cho sự biên soạn TUTANL là Thiền sư Thông Biện, trải qua sự tục biên của Thường Chiếu, Thần Nghi và cuối cùng là Ấn Không. Do các tác giả viết TUTANL đều cùng một Thiền phái và cùng một hệ tư tưởng nên sự ghi chép đã tuân theo một mô típ nhất định. Phần lớn tiểu truyện các vị thiền sư tương đối giống nhau, ngoại trừ có một số ít không nằm trong nguyên tắc ấy.

Tiểu sử của 68 thiền sư đã được ghi chép và sống trải dài trong khoảng thời gian gần 700 năm (từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII) cho ta xác định được hệ tư tưởng Phật học Thiền tông Việt Nam. Từ đó thấy được vai trò của TUTANL rất quan trọng cho những người muốn nghiên cứu lịch sử đạo Phật nói riêng và lịch sử tư tưởng dân tộc nói chung từ thời Trần trở về trước.

Điều lưu ý là, các tác giả viết TUTANL đều thuộc Thiền phái Vô Ngôn, mà Thiền phái này lại bắt nguồn từ Trung Quốc, nên rất có thể đã ảnh hưởng cách viết sử của Trung Quốc. Điều này có thể hiểu, mặc dù Thiền phái Tì Ni xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn Thiền phái Vô Ngôn đến trên 200 năm nhưng không được đặt lên đầu sách mà lẽ ra về thời gian nó phải đứng trước phái Vô Ngôn, có lẽ Thiền phái này bắt nguồn từ một thiền sư Ấn Độ mà thường người Ấn Độ ít chú trọng ghi chép lịch sử hơn người Trung Quốc nên rất có thể các thiền sư cũng ảnh hưởng tư tưởng đó, khi Thiền phái Vô Ngôn xuất hiện thì chính những vị này đã làm nên điều mà các thiền sư dòng thiền Tì Ni còn bỏ ngỏ.

4.Về mặt cấu trúc loại hình của Thiền uyển tập anh ngữ lục

Thiền uyển tập anh ngữ lục được xem như một tác phẩm thuộc về loại tiểu truyện. Cấu trúc mỗi tiểu truyện về cơ bản là hình thức ghi chép các sự kiện theo dòng thời gian tuyến tính. Việc đi sâu xem xét tiểu sử ở từng truyện của mỗi thiền sư cho thấy, cấu trúc chung của tác phẩm là đi từ sự ra đời đến quá trình hành đạo và cuối cùng là sự diễn tả khái quát lúc quy định của các thiền sư. Đây là những đặc điểm nổi trội làm nên đặc trưng loại hình tiểu truyện.

Về hình thức thể loại: Ta dễ thấy TUTANL gần gũi với các tác phẩm truyện ký hoặc liệt truyện, thực lục,... Ở đây mặc dù còn mang tính hỗn dung về mặt tư duy nghệ thuật (như phong cách chép sử, phong cách văn học viết và văn học dân gian, chất văn xuôi tự sự và thơ ca thuyết giáo), hỗn dung về mặt thể loại (truyện ký, từ khúc, thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn bát cú, đan xen giữa hình thức ghi chép tiểu sử với những đoạn ngữ lục), song chính đó mới là những đặc trưng nghệ thuật của TUTANL khiến tác phẩm có một vị trí quan trọng trong việc bảo lưu các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.

5.Tình hình văn bản hiện còn

Trong Văn tịch chí Phan Huy Chú nói TUTANL có 6 quyển. Ông viết: Thiền uyển tập, 6 quyển người đời Trần soạn, ghi lại sự tích các tôn phái thiền học từ cuối thời Đường trải qua Đinh-Lê-Lý đến Trần. Còn Lê Quý Đôn trong Nghệ văn chí thì cho rằng: TUTA một tập mà ông không rõ có mấy quyển. Trong công trình nghiên cứu về TUTANL, Lê Mạnh Thát nhận định: văn bản TUTANL có đến 8 truyền bản, trong đó ông nêu ra gồm: Truyền bản đời Trần, Truyền bản đời Hồ, Truyền bản 6 quyển, Truyền bản đời Lê sơ, Truyền bản đời Lê I, Truyền bản đời Lê II, Truyền bản đời Nguyễn và Bản chép tay mang ký hiệu A.2767. Ở mỗi truyền bản lại có tên khác nhau như: Truyền bản 6 quyển, theo Phan Huy Chú gọi trong Lịch triều hiến chương loại chí là Thiền uyển tập. Truyền bản đời Lê sơ gọi là Thiền uyển tập anh mà Nguyễn Văn Chất nói trong Tục Việt điện u linh tập, ông viết là Thiền uyển tập anh. Tiếp đến bản Lê I và Lê II vẫn sử dụng tên Thiền uyển tập anh. Sang đến truyền bản đời Nguyễn, An Thiền muốn xuất bản một bộ sử Thiền tông Việt Nam nên đã lấy bộ Thiền uyển tập anh làm Q.Thượng, lấy bộ Kế đăng lục của Như Sơn làm 3 quyển kế tiếp và quyển cuối cùng là do An Thiền sáng tác viết về 3 vị Tổ đời Trần, 2 phái Lâm Tế và Tào Động cùng những ghi chú lặt vặt làm thành quyển Hạ. Ở gáy cuốn sách này ghi là Truyền đăng ngũ quyển tân tự nhưng căn cứ đầu đề tên ghi ở Q.Thượng thì có tên Đại Nam thiền uyển truyền đăng lục, gọi tắt là Thiền uyển truyền đăng lục hay Đại Nam thiền uyển truyền đăng. Từ đầu tờ 1a1 có dòng chữ Trùng khắc Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục Q.Thượng. Ở cuối sách khắc là Đại Nam thiền uyển truyền đăng Q.Thượng, còn gáy các tờ từ 1 đến 65 đều ghi Thiền uyển truyền đăng lục Q.Thượng; truyền bản chép tay A.2767 mang tên Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục. Bản này đã dựa vào ván in thế kỷ XIX của An Thiền làm bản gáy để chép lại. Đó là những tên gọi khác nhau của các truyền bản mà người đứng tên khắc hay hiệu đính đã gọi. Dẫu sao chăng nữa thì đó cũng là những dị danh chỉ về bộ Thiền uyển tập anh ngữ lục.

Về truyền bản Lê I. Đây là bản xưa nhất hiện còn, in năm 1715 thời Vĩnh Thịnh triều Lê. Văn bản này được in trên giấy dó gồm 72 tờ, kích thước giấy in 19,5x30cm, mỗi tờ in 2 mặt, mỗi mặt 11 dòng, mỗi dòng 17 chữ, chữ in khá đẹp, nét chữ rõ ràng. Chữ khắc trong đó có hai loại: loại chữ lớn dùng để in chính văn, loại chữ nhỏ dùng để in chú thích. Cỡ chữ nhỏ khắc mỗi dòng hai hàng, mỗi hàng có khoảng 23-24 chữ, tuy nhiên trừ những dòng ghi chú ngắn.

Về mặt hình thức: TUTANL bản Vĩnh Thịnh (1715) được chia làm hai quyển: Thiền uyển tập anh ngữ lục Q.Thượng và Thiền uyển tập anh Q.Hạ. Ta không biết đích xác đâu là Q.Thượng chấm dứt và Q.Hạ bắt đầu bởi vì sách đánh số tờ liên tục và chỉ ghi Q.Thượng ở tờ 4a1 (ký hiệu 4a1 là chỉ trang 4 mặt a dòng thứ nhất tính từ phải qua trái, các ký hiệu sau cũng tính như thế) đầu sách sau bài tựa và Q.Hạ ở tờ 72b11 cuối sách. Tuy nhiên nhìn vào văn bản có thể đoán biết được Q.Thượng kết thúc ở tờ 43a1 và Q.Hạ bắt đầu từ tờ 44a1 trờ đi. Điều này được chứng minh ở chỗ: từ tờ 44a1 trở đi là mô tả Thiền phái Tì Ni. Giữa tờ 43a1 và 44a1 là một trang bỏ trống mà đầu trang 44a1 được bắt đầu bằng dòng chữ Thiền uyển tập anh. Xét kỹ ở các tờ 1a1, 4a1, 26a1, 44a1, 61a1, 71b1 và 72b11 đều có dòng chữ này. Chính vì vậy mà chúng tôi đã nói không biết đích xác sự bắt đầu và kết thúc của Q.Thượng và Q.Hạ nếu không dựa vào nội dung văn bản. Dựa vào những dòng tiêu đề đó mà Lê Mạnh Thát đã phân tích và chứng tỏ rằng, tự nguyên ủy TUTANL có đến 5 hay 6 quyển như Phan Huy Chú đã ghi trong Văn tịch chí. Nếu thực lục như vậy thì những tiêu đề đó giải thích thế nào, nó có ý nghĩa gì đối với văn bản? Điều này ngay cả Lê Mạnh Thát cũng chưa lý giải được. Và ông cho rằng, sự phân chia thành hai Q.Thượng-Hạ đã xuất hiện ngay trong để bản của bản in năm ấy, nghĩa là nó xuất hiện trước năm 1715.

Nếu sự phân chia trong văn bản thành hai Q.Thượng - Hạ như truyền bản Lê I và Lê II đã có thì ta dễ thấy, Q.Thượng kể lại dòng thiền Vô Ngôn (Kiến Sơ), Q.Hạ ghi chép dòng thiền Tì Ni (Pháp Vân) và bản danh sách những thiền sư thuộc Thiền phái Thảo Đường. Dù sao thì việc phân chia TUTANL thành hai Q.Thượng-Hạ cho đến năm 1715 vẫn chưa dứt khoát được chấp nhận. Cho nên truyền bản lưu hành nay ta mới phát hiện sự có mặt các tiêu đề mang tên TUTANL. Điều đó tự nguyên ủy, văn bản này có 5 hay 6 quyển như Lê Mạnh Thát đã phân tích trên.

Về mặt nội dung: Sách chia làm 4 phần: Phần I tính từ tờ 1a1 đến 3b6 gồm bài tựa và bản danh sách môn đồ của Thích Như Trí. Những người này được coi là đã đóng góp vào việc khắc bản cho bản in năm 1715. Phần II từ tờ 4a1 đến 43a1, mô tả 16 thế hệ truyền thừa của dòng thiền Vô Ngôn (Kiến Sơ), bắt đầu từ Vô Ngôn Thông (?-826) đến Ứng Vương cư sĩ gồm tiểu truyện của 39 Thiền sư. Phần III từ tờ 44a1 đến 71a1. Phần này mô tả về 19 thế hệ truyền thừa của Thiền phái Tì Ni, từ Tì Ni Đa Lưu Chi (?-594) đến Y Sơn (?-1213) gồm tiểu truyện của 29 thiền sư. Phần IV từ tờ 71b1 đến 72b11 là một bản danh sách các thiền sư thuộc Thiền phái Thảo Đường, gồm 19 người chỉ có tên mà không có tiểu sử.

Nếu đem so sánh truyền bản Lê I và truyền bản Lê II ta thấy, mặc dù về hình thức, hai văn bản này giống nhau về mặt chữ, số chữ, số dòng nhưng xét kỹ thì ở truyền bản Lê II, người khắc in đã chữa một số chữ sai trong truyền bản Lê I và bổ sung một số chữ sót mà bản Lê I bị coi là thiếu. Từ đó có thể rút ra rằng, truyền bản Lê II được coi là một dị bản của truyền bản Lê I với một số cải chính và hiệu đính bổ sung nhằm làm cho bản Lê I hoàn chỉnh hơn.

Về truyền bản Lê II. Văn bản này cũng được chia ra làm hai Q.Thượng - Hạ. Q.Thượng được tính tờ 4a đến tờ 43a. Q.Hạ tính từ tờ 44a cho tới tờ 72b. Sau tờ 72b có thêm 2 tờ 73 & 74 chép lời Bạt hậu, không ghi tên người viết và ngày tháng viết. Văn bản này in trên khổ 30x20cm, bao gồm 74 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 11 dòng, trong mỗi dòng có 17 chữ. Chữ khắc chân phương khá đẹp. Có một số trang (như 24b, 25b, 29a, 34a...) ngoài phần chính văn khắc in chữ to còn có những dòng chữ nhỏ ghi chú thích hoặc nguyên chú. Ở đầu sách có ghi một bài tựa, sau bài tựa có thêm 3 tờ đánh số trang ở gáy sách 8, 9, 10 được in kèm vào. Chúng tôi nói in kèm vào là vì phần gáy sách 3 trang này được khắc là: Thiền uyển truyền đăng lục quyển Hạ. Ở mặt a tờ thứ nhất (tr.8) in hình Trúc Lâm điều ngự, mặt b ghi tiểu sử Trúc Lâm, mặt a tờ thứ 2 (tr.9) in hình Trạng nguyên Huyền Quang tôn giả, mặt b in tiểu sử Huyền Quang.

Xét về nội dung, 3 tờ mang hình và tiểu sử của 3 vị Trúc Lâm tam tổ không thuộc về nội dung của TUTANL mà được thêm vào từ Thiền uyển truyền đăng Q.Hạ của bản Hòa thượng Phúc Điền. Sau tờ 72 mà dòng cuối cùng của ca hai bản đều có dòng chữ Thiền uyển tập anh tất Q.Hạ chung thì bản mang kí hiệu VHv.1267 còn in thêm lời Bạt hậu và ghi tên các vị Kinh chủ. Ngoài vài điểm trên ra thì hai bản A.3144 (tức bản 1715) và bản VHv.1267 tương đối giống nhau và có thể xác định cùng được in từ bộ ván in của Thích Như Trí được gọi chung là bản Vĩnh Thịnh. Điều đáng chú ý, tiêu đề bài tựa khắc là Trùng san TUTA tự (bài tựa được khắc in lại của sách TUTANL). Qua một số chỉnh sửa những chỗ thiếu sót hay văn cú của văn bản cũ cho thấy, bản Trùng san đã phỏng theo khá trung thành với bản văn đời Trần. Điều đó thể hiện ở chỗ, họ các vua triều Lý được giữ nguyên, hay nói cách khác là vẫn khắc đúng chữ Lý, còn các vị khác mang họ Lý đều đổi thành Nguyễn như Lý Thường Kiệt đổi thành Nguyễn Thường Kiệt, Lý Giác đổi thành Nguyễn Giác... Sự sửa đổi này theo lệnh kiêng húy đời Trần. Các nhà nghiên cứu thư tịch học Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Lê Mạnh Thát… cũng đã khẳng định điều này.

6.Tác giả Thiền uyển tập anh

Thiền uyển tập anh ngữ lục là một tác phẩm ghi chép hành trạng các thiền sư sống ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII. Đây là tác phẩm không chỉ có giá trị về văn học mà còn có gia trị về sử học, triết học, văn hóa dân gian. Tuy nhiên, tác phẩm đó do ai sáng tác, sáng tác vào thời nào, thì đến nay vẫn chưa thể xác định một cách chính xác.

Theo Lê Quý Đôn khẳng định trong Nghệ văn chíTUTANL người ở đời Trần soạn và được ra đời vào thời Trần, quan điểm này cũng được Phan Huy Chú nhận định như vậy. Tuy nhiên tác phẩm in lần đầu tiên vào năm nào, cho đến nay cũng chưa có đáp số cuối cùng.

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng đưa ra nhiều giả thiết về tác giả TUTANL. Trước hết, với công trình nghiên cứu rất công phu của Lê Mạnh Thát về TUTANL cho rằng, Kim Sơn là tác giả của TUTANL. Bên cạnh ý kiến của Lê Mạnh Thát, các nhà nghiên cứu khác từ Trần Văn Giáp, Ngô Đức Thọ, Hà Văn Tấn, đến Nguyễn Lang, Thích Mật Thể... đều dường như thống nhất rằng tác giả TUTANL là một tập thể sáng tác và được sáng tác trong một thời gian dài. Người mở đầu là Quốc sư Thông Biện (mất năm 1134), nối tiếp sau là Thường Chiếu (?-1203). Trước khi thị tịch, Thường Chiếu đã trao sách lại cho đệ tử là Thần Nghi (?-1216), nối tiếp Thần Nghi là Ấn Không. Khi trao sách lại cho Ấn Không, Thần Nghi nói: “Bây giờ đời tao loạn ông hãy giữ sách này cẩn thận, không để binh hỏa hủy hoại, như thế thì lịch sử truyền thừa của tổ phong ta mới không bị mai một”.

Đến đây, nguồn tư liệu ghi chép lịch sử truyền thừa hầu như đã dồn lại ở Ấn Không. Ấn Không có thể là người đã ghi chép lại các vị thiền sư thuộc những thế hệ cuối cùng của các phái Tì Ni và Vô Ngôn. Trong TUTANL ở phẩn tiểu sử của Thần Nghi tờ 40b4 có một câu chú thích về Ấn Không in cỡ chữ nhỏ so với cỡ chữ viết bình thường trong văn bản: (Ấn Không trước kia ở huyện Na Ngạn-Lạng Châu, nên có đặc hiệu là Na Ngạn đại sư). Tuy nhiên, trong TUTANL lại không có tiểu truyện của Ấn Không mà chỉ có duy nhất 16 chữ nhỏ ghi chú sau tiểu truyện của Thần Nghi như đã dẫn trên. Điều này cho phép ta nghĩ rằng, Ấn Không chính là người cuối cùng định cảo tập sách này nên ông đã không tự viết tiểu sử của mình. Trong bài viết Văn Nôm và chữ Nôm đời Lê, Hoàng Xuân Hãn cũng từng nêu ý kiến rằng: “Ấn Không phải chăng là tác giả của Thiền uyển tập anh?”!

Điều đáng nói là, cùng thế hệ với Ấn Không còn có Tức Lự, Hiện Quang trong khi đó tiểu sử của hai vị này được ghi chép còn tiểu sử của Ấn Không lại không. Điều này có thể lý giải rằng, mặc dù cùng thời nhưng có thể Tức Lự và Hiện Quang quy tịch trước Ấn Không, do đó Ấn Không đã ghi lại tiểu sử của hai vị đó, hoặc giả vì một lý do gì đó mà Ấn Không đã không tự viết về mình. Bên cạnh điều lý giải đó, trong văn bản còn thấy tiểu truyện nữa thuộc thế hệ thứ 16 (tính từ vị tổ khai sáng Thiền phái), sau Hiện Quang, Tức Lự, Ấn Không đó là cư sĩ Ứng Vương.

Theo một mô típ viết truyện về tiểu sử các vị thiền sư trong cả hai dòng phái thì, riêng tiểu truyện Ứng Vương đã không theo mô típ đó. Bởi vì, tiểu sử các vị thiền sư được giới thiệu theo công thức: Chùa nơi thiền sư trụ trì (địa danh), tên chùa, pháp hiệu, quê quán, nhưng riêng truyện Ứng Vương đã không theo công thức này. Vậy có thể khẳng định, truyện Ứng Vương được thêm vào văn bản sau khi Ấn Không qua đời hoặc nói cách khác, Ấn Không ngừng việc biên soạn thì Ứng Vương vẫn còn sống. Do vậy, tiểu truyện này có thể được thêm vào sau đó.

Như vậy, về tác giả TUTANL có thể kết luận:

Tác giả Thiền uyển tập anh ngữ lục không phải một người biên tập mà một tập thể các vị thiền sư biên tập. Có nhiều dữ kiện để khẳng định, chính Thiền sư Thông Biện (mất năm 1134) là người bắt đầu việc ghi chép, biên tập, trải qua sự tục biên của Biện Tài, Thường Chiếu (?-1203), Thần Nghi (1216) và người cuối cùng định cảo tập sách này là Ấn Không. Tác phẩm được sáng tác trong thời gian dài từ trước năm 1134 tới khoảng đầu thời Trần. Những người ghi chép lên tác phẩm đều thuộc Thiền phái Vô Ngôn, trong đó có hai vị (Thường Chiếu, Thần Nghi) đã từng trụ trì tại chùa Lục Tổ - ngôi chùa xưa nhất của Thiền phái Tì Ni./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (105) 2011, Tr.42 - 47)

Post by: admin
04-05-2021