Hán nôm

SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ CÔNG BỐ VĂN BẢN HÁN NÔM


09-04-2021

TRỊNH KHẮC MẠNH

PGS.TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, việc phiên dịch (phiên âm, dịch nghĩa) các tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm ra tiếng Việt (chữ Quốc ngữ) đã bắt đầu phát triển, theo chúng tôi biết thì, Văn bản Hán Nôm phiên dịch ra Quốc ngữ và được công bố sớm nhất là ở Nam bộ. Dịch giả Trương Minh Ký với các tác phẩm: Lục súc tranh công (Gia Định báo ngày 13/1/1891), Nhị thập tứ hiếu (Gia Định báo ngày 18/12/1896), Đại Nam quốc sử diễn ca (Gia Định báo ngày 3/8/1897); và nhiều dịch giả khác như Trương Vĩnh Ký, Phạm Đức Hóa, v.v.. Sau này, đầu thế kỷ XX, ngày càng nhiều Văn bản Hán Nôm có giá trị được phiên dịch ra Quốc ngữ và công bố trên các tạp chí, như Nguyễn Phương Chánh dịch Hà Tiên thập vịnh (Nông cổ mín đàm báo năm 1904) và nhiều tạp chí khác, như: Nam Phong, Tri Tân, v.v.; rồi hàng loạt tác phẩm Hán Nôm rất có giá trị được phiên dịch và công bố thành bộ, tập, v.v.. Có thể nêu ra như sau:

Những bộ sử đồ sộ và rất có giá trị khi tìm hiểu lịch sử đất nước Việt Nam: Việt sử lược (越 史 略), Đại Việt sử ký toàn thư (大 越 史 記 全 書), Đại Việt sử ký tục biên (大 越 史 記 續 編), Đại Việt sử ký tiền biên (大 越 史 記 前 編), Đại Việt thông sử (大 越 通 史), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (欽 定 越 史 通 鑑 綱 目), Lịch triều tạp kỷ (歷 朝 雜 紀), Việt sử cương mục tiết yếu (越 史 綱 目 節 要), Đại Nam thực lục (大 南 實 錄), v.v.. Đây là những công trình biên soạn lịch sử Việt Nam thời kỳ phong kiến của nhiều nhà sử học nổi tiếng Việt Nam.

Những bộ địa Dư lớn, điển hình như Dư địa chí (輿 地 志), Đồng Khánh địa Dư chí (同 慶 地 輿 志), Đại Nam nhất thống chí (大 南 一 統 志), Đại Nam nhất thống Dư đồ (大 南 一 統 與 圖), Ô châu cận lục (烏 州 近 錄), Các trấn tổng xã danh bị lãm (各 鎮 總 社 名 備 覽), Gia Định thành thông chí (嘉 定 城 通 志), v.v., ghi chép địa giới và bản đồ Việt Nam trải qua các triều đại phong kiến.

Những tác phẩm Thơ văn giá trị, như về chữ Nôm, đã phiên âm và chú thích những tập Thơ Nôm và truyện Nôm rất có giá trị trong nền Văn hóa Việt Nam: Quốc âm thi tập (國 音 詩 集), Hồng Đc quốc âm thi tập (洪 德 國 音 詩 集), Chinh phụ ngâm khúc (征 婦 吟 曲), Cung oán ngâm khúc (宮 怨 吟 曲), Lục Vân Tiên (蓼 雲 仙), Thiên Nam minh giám (天 南 明 鑑), Việt sử diễn âm (越 史 演 音), Thiên Nam ngữ lục (天 南 語 錄), Đại Nam quốc sử diễn ca (大 南 國 史 演 歌), Đoạn trường tân thanh (斷 腸 新 聲), v.v., và hàng loạt truyện Thơ Nôm làm nức lòng mỗi người dân Việt Nam. Về chữ Hán đã phiên dịch nhiều tác phẩm Văn chương nổi tiếng: Việt điện u linh tập (越 甸 幽 靈 集), Lĩnh Nam chích quái (嶺 南 摭 怪), Truyền kỳ mạn lục (傳 奇 漫 錄), Thượng kinh ký sự (上 京 記 事), Hoàng Lê nhất thống chí (皇 黎 一 統 志), Nam triều công nghiệp diễn chí (南 朝 功 業 演 志) v.v.. Và những bộ sưu tập Thơ văn, nói lên niềm tự hào dân tộc, như: Thơ văn Lý - Trần, Thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập, Thơ văn Lê Thánh Tông, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thơ văn Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn toàn tập, Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Thơ văn Ninh Tốn, Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Thơ văn Cao Bá Quát, Thơ văn Nguyễn Khuyến, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, v.v., đều là những áng Văn chương của các tác gia Hán Nôm tài hoa một thời.

Những tác phẩm khoa cử giáo dục, như: Đăng khoa lục sưu giảng (登 科 錄 搜 講), Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký (黎 朝 歷 科 進 士 題 名 碑 記), Quốc triều đăng khoa lục (國 朝 登 科 錄), Quốc triều hương khoa lục (國 朝 鄉 科 錄), và nhiều bộ tuyển tập khác, v.v..

Về y học dân tộc, có các tác phẩm, như: Bách bệnh cơ yếu (百 病 机 要), Châm cứu sơ bộ thực hành (針 灸 初 部 實 行), Nam Dược thần hiệu (南 藥 神 效), Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh (海 上 懶 翁 醫 宗 心 領), v.v..

Về các Văn bản pháp luật Việt Nam thời kỳ phong kiến, có các tác phẩm, như: Quốc triều hình luật (國 朝 刑 律), Lê triều hội điển (黎 朝 會 典), Quốc triều khám tụng điều lệ (國 朝 勘 訟 調 例), Quốc triều thư khế thể thức (國 朝 書 契 體 式), v.v..

Những tác phẩm tư tưởng triết học, như Thiền uyển tập anh (禪 苑 集 英), Thiền tông bản hạnh (禪 宗 本 行), Thượng sỹ ngữ lục (上 士 語 錄), Khóa hý lục (課 虛 錄), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (林 宗 旨 元 聲), Thư kinh diễn nghĩa (書 涇 演 義) và nhiều tác phẩm Thơ, Văn của các tác gia khác, như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, v.v., đã thực sự góp phần nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Những bộ sách mang tính tổng hợp, như: Vân đài loại ngữ (蕓 臺 類 語), Kiến Văn tiểu lục (見 聞 小 錄), Quần thư khảo biện (群 書 考 辨) đều của Lê Quí Đôn; và bộ sách tổng hợp Lịch triều hiến chương loại chí (歷 朝 憲 章 類 誌) của Phan Huy Chú, có thể coi là bộ bách toàn thư đầu tiên ở Việt Nam.

Những bộ sách giới thiệu về Văn khắc Hán Nôm Việt Nam cũng đã được chú ý, như: Thư mục Văn bia Việt Nam, Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Văn khắc Hán Nôm thời Lý, Văn khắc Hán Nôm thời Trần, Văn bia thời MạcVăn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nội và Huế, Văn bia Lạng Sơn, Văn bia Hà Tây, Văn bia xứ Kinh Bắc, v.v.

Việc biên soạn sách lý luận và sách công cụ nhằm giúp ích cho mọi người tiếp cận kho di sản Hán Nôm cũng đánh dấu một bước phát triển của ngành Hán Nôm học Việt Nam, có thể kể như: Từ điển Hán Việt, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Từ điển Truyện Kiều, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Quá trình hình thành và cách đọc âm Hán Việt, Bảng tra chữ Nôm, Tự điển chữ Nôm, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Các nhà khoa bảng Việt NamMột số vấn đề về chữ Nôm, Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm ViệtĐối chiếu chữ Hán - Thể triện thảo khải, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, v.v., đã lần lượt giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc.

Hiện nay chúng tôi chưa có điều kiện thống kê chính xác số lượng những tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm đã được phiên dịch và công bố(1); nhưng phải khẳng định rằng ngành Hán Nôm học Việt Nam, trong nhiều năm qua đã làm được khá nhiều việc để công bố và xã hội hóa di sản Hán Nôm góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Các tác phẩm Hán Nôm trong thời gian vừa qua được phiên dịch và công bố hết sức phong phú và đa dạng, nhưng cũng phải nói là khá tùy tiện trong lĩnh vực công bố, chưa theo qui chuẩn nguyên tắc Văn bản học. Có tác phẩm công bố không có phần khảo cứu Văn bản, không nói rõ nguồn gốc xuất xứ Văn bản, chỉ công bố bản phiên dịch ra chữ Quốc ngữ, làm người đọc lúng túng về việc sử dụng Văn bản. Có tác phẩm công bố không dựa theo một bản gốc nào cả, mà được góp nhặt từ nhiều bản theo quan điểm của người công bố để tạo ra một dị bản mới. Có tác phẩm công bố cả bản phiên dịch và có in kèm chữ Hán, chữ Nôm; nhưng chữ Hán và chữ Nôm lại là viết tay, hoặc chế bản vi tính theo chữ giản thể Trung Quốc hiện nay. Có tác phẩm công bố đảm bảo yêu cầu của công bố học là có bản phiên dịch và có bản chụp nguyên bản, nhưng còn có sơ xuất về qui định công bố Văn bản cổ (ví dụ như: hiện tượng là dịch giả nhưng lại đề ngoài bìa tác phẩm như là tác giả của tác phẩm). Hiện nay với sự tiến bộ của công nghệ tin học kỹ thuật số, việc công bố các bản phiên dịch và có in kèm theo Văn bản Hán Nôm đã được giải quyết tưõng đối dễ dàng, còn trước đây thì rất khó khãn. Hình thức công bố bản phiên dịch kèm Văn bản Hán Nôm nhằm tạo điều kiện nhân thành nhiều bản, để nhiều người được nghiên cứu và nhiều nõi lưu giữ là một biện pháp tích cực góp phần gìn giữ và bảo quản các tư liệu Hán Nôm.

Để đi sâu về vấn đề công bố các tác phẩm Hán Nôm, chúng tôi xin bàn đôi điều sau đây.

VỀ CÁC HÌNH THỨC CÔNG BỐ
VĂN BẢN HÁN NÔM

Có nhiều hình thức công bố, nhưng nên chọn hình thức công bố nào cho phù hợp với giá trị của tác phẩm và đối tượng sử dụng Văn bản đó trong đời sống Văn hóa hiện nay. Trong điều kiện hiện nay, sau khi từng bước lựa chọn, phân loại các tư liệu Hán Nôm và đưa ra được những tiêu chí giá trị và mức độ bảo mật của tài liệu: tài liệu nào thì công bố rộng, còn tài liệu nào thì công bố hẹp. Trên cơ sở đó, xây dựng một định hướng lâu dài và cơ bản, để công bố và xã hội hóa các tư liệu Hán Nôm, theo chúng tôi có thể đưa ra những hình thức công bố các tác phẩm Hán Nôm theo các dạng sau:

1. Công bố dạng nguyên bản tư liệu Hán Nôm trên mạng internet theo tiêu chuẩn của những thư viện điện tử trên thế giới, phục vụ những người sử dụng thành thạo máy tính và có nhu cầu đọc trực tiếp các nguyên bản Hán Nôm.

2. Công bố dạng nguyên bản tư liệu Hán Nôm trên các đĩa CD, ảnh chụp kỹ thuật số, phục vụ những người có nhu cầu đọc trực tiếp nguyên bản Hán Nôm.

3. Công bố bản phiên dịch và có kèm nguyên bản chữ Hán, chữ Nôm. Tác phẩm Hán Nôm công bố dạng này, sách công bố được chia thành 2 phần: phần 1 là khảo Văn bản, phiên dịch, khảo dị và chú thích bằng chữ Quốc ngữ; phần 2 là công bố Văn bản được lựa chọn để dịch. Hình thức công bố này có thể công bố rộng rãi cho đông đảo bạn đọc, hoặc có thể công bố hẹp, tùy thuộc vào mức độ giá trị và bảo mật tài liệu.

4. Công bố các tác phẩm Hán Nôm là bản phiên dịch bằng chữ Quốc ngữ, phục vụ quảng đại quần chúng tìm hiểu những giá trị Văn hóa truyền thống qua tư liệu Hán Nôm.

Mỗi hình thức công bố Văn bản, phải có những yêu cầu để phù hợp với đặc điểm, nội dung tác phẩm và mục đích công bố. Nhưng hình thức công bố Văn bản Hán Nôm trên mạng internet theo kiểu thư viện điện tử, hay công bố dạng nguyên bản các tư liệu Hán Nôm trên các đĩa CD, ảnh chụp kỹ thuật số thì ở Việt Nam chưa được thực hiện nhiều, mà đang hướng vào những năm tới đây. Còn hình thức công bố bản dịch và có kèm nguyên bản chữ Hán chữ Nôm, hay công bố các bản phiên dịch bằng chữ Quốc ngữ là những hình thức phổ biến mà chúng ta đang thực hiện ở các nhà xuất bản. Trong chuyên luận này, chúng tôi nêu vấn đề đối với hai hình thức công bố: công bố bản phiên dịch có kèm nguyên bản chữ Hán chữ Nôm và công bố các bản dịch bằng chữ Quốc ngữ.

VỀ CÔNG BỐ VĂN BẢN HÁN NÔM

Một tác phẩm Hán Nôm khi được lựa chọn để công bố xuất bản cần phải được xử lý về Văn bản hết sức cẩn trọng và tuân thủ nguyên tắc Văn bản học, vì đưa Văn bản đi công bố là khâu cuối cùng của quá trình nghiên cứu lịch sử Văn bản. Như chúng ta đã biết, Văn bản được công bố, nhờ hình thức xuất bản sẽ được lưu truyền rộng khắp, nếu cơ quan xuất bản không nắm vững nguyên tắc Văn bản học, thì vô hình trung sẽ tạo ra một dị bản mới trong lịch sử lưu truyền Văn bản của tác phẩm khi đưa công bố.

Do vậy, nội dung khoa học của công bố Văn bản Hán Nôm bao gồm:

1. Khảo cứu Văn bản

Sau khi tiến hành sưu tập đầy đủ các dị bản của tác phẩm định công bố, quá trình khảo cứu Văn bản được thực hiện theo các bước sau:

- Thông tin cho bạn đọc rõ tác phẩm còn bao nhiêu dị bản (một hay nhiều), hiện đang lưu trữ ở đâu. Ví dụ như: sách Tứ thư tiết yếu (四 書 節 要), hiện có 1 bản in tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AC.226/1-4; hay sách Chinh phụ ngâm (征 婦 吟) hiện có 3 bản ở Thư viện Quốc gia Hà Nội (trong đó 1 bản với tên là Chinh phụ ngâm bị lục ký hiệu R.2236, 2 bản với tên là Chinh phụ ngâm ký hiệu R.1560 và R.700); sách Lễ kinh sách lược (禮 經 策 略), hiện còn 6 bản viết tay tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.894, VHv.895, VHv.896, VHv.390, VHv.453 và A.2311; v.v.

- Tiến hành mô tả chi tiết các dị bản, cần nêu rõ tình trạng văn bản (in, chép tay, tốt, xấu, hư hỏng, v.v., ra sao), đặc điểm của từng dị bản (số tờ, số trang, khổ sách, dạng chữ, số chữ, chất giấy...), nêu quá trình lưu truyền của các dị bản, nguồn gốc và quá trình hình thành dị bản.

- Xác định mức độ tin cậy của từng dị bản, thông qua việc khảo cứu, so sánh, đối chiếu các dị bản và trên cơ sở tham khảo các tư liệu có liên quan; từ đó đánh giá mức độ tin cậy của từng dị bản, và bản nào đáng tin cậy hơn cả.

- Lựa chọn văn bản đưa công bố, phải nêu những cơ sở khoa học đáng tin cậy nhất trong điều kiện cho phép để làm căn cứ khi chọn một bản để công bố. Các cơ sở khoa học phải nêu được các yếu tố sau đây: tác giả tác phẩm, niên đại văn bản, xuất xứ văn bản, những căn cứ về nội dung và nghệ thuật của văn bản với hoàn cảnh xã hội ra đời tác phẩm cũng như cuộc đời tác giả, cùng các yếu tố khác có liên quan đến tác phẩm.

- Nêu những vấn đề còn tồn nghi phải tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, trao đổi về quá trình truyền bản và văn bản tác phẩm được chọn đưa công bố.

2. Công bố văn bản

- Cần nghiên cứu sâu về nội dung và xác định rõ đối tượng công bố, trước khi đưa ra quyết định công bố và hình thức công bố.

- Chọn một bản tin cậy nhất để công bố. Không được từ nhiều bản, rồi tham chiếu các bản với nhau, tự cho là đoạn này hợp lý thì để lại, đoạn kia chưa hợp lý thì bỏ và thay thế bằng đoạn khác, để rồi tạo ra một văn bản mới và tự cho là tốt nhất. Cách làm như vậy là vi phạm nguyên tắc văn bản học.

3. Chỉ dẫn về văn bản học khi công bố văn bản

- Phải có bảng qui định đặt tên (hoặc ký hiệu) cho các dị bản. Khi đưa công bố, nếu tác phẩm chỉ có một bản sao thì vấn đề lịch sử văn bản không gây rắc rối lắm; còn tác phẩm có nhiều bản sao thì quá trình truyền bản hết sức phức tạp và cách gọi tên các dị bản cần được đặt tên (hoặc ký hiệu) để tránh nhầm lẫn. Có nhiều cách gọi tên các bản sao, theo cách viết tắt tên văn bản, theo ký hiệu thư viện của văn bản hoặc đặt tên kí hiệu do người khảo cứu văn bản tự qui định, như: bản A, bản B, v.v..

- Bảng viết tắt các tài liệu gốc và tài liệu tham khảo khi công bố (nếu thấy cần thiết).

- Hướng dẫn qui cách công bố: văn bản chọn công bố được coi là phần chính văn; các dị bản nếu có những sai lệch thấy cần công bố, đưa vào phần khảo dị; chú thích các điển cố, từ khó, nhân danh và địa danh, v.v.

- Những chỉ dẫn về đoạn văn bị mất nay được khôi phục, những đoạn văn bị mất không khôi phục được, những đoạn văn thêm vào cho rõ nghĩa, chữ húy, chữ tục thể, v.v.

4. Phiên âm và ngắt câu văn bản

Khi công bố phần chính văn của tác phẩm chữ Hán, nên có phần phiên âm và ngắt câu. Vấn đề phiên âm hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có thể tùy theo từng đối tượng, từng văn bản, hoặc tùy hoàn cảnh và điều kiện tài chính để xử lý cho phù hơp. Đối với những người đọc trực tiếp thông văn mạch chữ Hán và chữ Nôm thì không cần phiên âm hay ngắt câu, còn đối với những người chưa thông văn mạch thì lại rất cần. Có văn bản mà chính văn dài tới vài trăm ngàn trang không thể phiên âm được; còn các bài văn ngắn hoặc như bài thơ thì thường được phiên âm và ngắt câu. Có khi do điều kiện tài chính khi in ấn không cho phép, v.v., và tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý.

5. Phiên âm, dịch nghĩa văn bản để công bố

Trước hết cần nói rõ với công chúng độc giả là bản phiên âm, dịch nghĩa là toàn văn hay trích tuyển. Vấn đề dịch nghĩa các tác phẩm chữ Hán là việc khó, cần thận trọng về từ ngữ khi chuyển dịch, làm cho người đọc cảm nhận được đúng với nguyên tác. Công tác dịch thuật vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật, cần phải đảm bảo những tiêu chuẩn về tín, đạt, nhã. Lịch sử dịch thuật các tác phẩm Hán Nôm nước ta đã có những bản dịch rất hay, như: bản diễn âm Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và đã được phiên âm Quốc ngữ; các bản dịch tác phẩm chữ Hán ra Quốc ngữ, như: Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi và Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh, v.v..

Hình thức công bố trang phiên dịch được qui định như sau: phần phiên dịch chính văn đưa ở trên, phần khảo dị đưa ở cuối trang, còn chú thích có thể đưa ở cuối trang hay cuối bài hoặc cuối sách.

6. Chú thích văn bản

Chú thích văn bản là một việc làm cần thiết khi công bố các văn bản Hán Nôm, bởi các tác phẩm Hán Nôm người xưa hay dùng điển cố và điển tích mà người đời nay không hiểu được. Ví dụ như những điển tích điển cố:

- “Tượng pháp” là thuật ngữ đạo Phật, chỉ một trong “tam pháp” gồm chính pháp, tượng pháp và mạt pháp. Ba pháp này tương ứng với ba giai đoạn phát triển khác nhau của đạo Phật. Tượng pháp thuộc giai đoạn thứ hai.

- “Thất túng thất cầm” là điển Khổng Minh, Thừa tướng của Lưu Bị đời Tam Quốc (Trung Quốc), đi đánh phương Nam, bảy lần bắt được Mạnh Hoạch đều tha cả bảy.

- “Tiêu phòng” là tên một tòa nhà trong cung Vị Ương, nơi ở của Hoàng hậu các vua đời Hán (Trung Quốc), phòng được người ta dùng tiêu tán nhỏ rồi bôi vào vách cho thơm cho ấm. Sau này dùng theo nghĩa rộng chỉ nơi vợ con vua chúa ở.

- “Phù vân” là chữ trong Luận ngữ “Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân” (Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, đối với ta như mây nổi trên trời). Ý nói coi sự giầu sang như đám mây nổi và không đáng quan tâm.

Ngoài điển cố điển tích, còn phải chú các tác gia, tác phẩm, tên người, tên đất, chức quan trong tác phẩm, v.v. Những hiện tượng này trong tác phẩm Hán Nôm là rất nhiều, không tiện nêu ví dụ ở đây.

Thậm chí có những tác phẩm Nôm khi phiên âm ra chữ quốc ngữ rồi, nhưng hiểu được cũng là rất khó, cần phải làm hẳn một cuốn sách công cụ phục vụ cho việc tra cứu tác phẩm đó, như Truyện Kiều của Nguyễn Du có Tự điển Truyện Kiều(2), hay Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, hiện cũng đang được thực hiện Từ điển Quốc âm thi tập, v.v.

7. Công bố nguyên bản

Vấn đề công bố nguyên bản, trước đây là rất khó khăn, những năm gần đây thì vấn đề này không phức tạp lắm. Kỹ thuật vi tính cho phép chế bản để in ấn các văn bản chữ Hán, chữ Nôm theo hàng ngang và thậm chí theo hàng dọc cũng được; nhưng cách công bố văn bản chữ Hán, chữ Nôm theo hình thức này là chưa tối ưu, không đảm bảo tính nguyên bản của văn bản, mà chỉ đáp ứng nhu cầu về chữ Hán, chữ Nôm mà thôi. Kỹ thuật ảnh số và in qua bản quét scanner đã cho phép chúng ta công bố nguyên bản, vừa đảm bảo tính trung thực vốn có của bản gốc, mà hình thức lại đẹp và góp phần vào việc bảo tồn nguyên bản.

8. Tài liệu tham khảo

Khâu cuối cùng là phải có danh mục tài liệu tham khảo. Danh mục tài liệu tham khảo có thể chia làm hai loại: tài liệu gốc và tài liệu tham khảo, vấn đề này tùy thuộc vào mức độ liên quan của tác phẩm được công bố với các tài liệu khác. Trong mỗi loại tài liệu tham khảo, cũng có thể chia là: sách chữ Hán và chữ Nôm, sách tiếng Việt và sách tiếng nước ngoài. Việc sắp xếp thứ tự trong từng loại tài liệu tham khảo, theo cách xưa nay vẫn thực hiện là theo trật tự nhất định. Tài liệu tham khảo thường để ở cuối sách.

VÀI LỜI KẾT LUẬN

Việc luận bàn về lý thuyết công bố các tài liệu Hán Nôm ở Việt Nam xưa nay còn ít(3), nên những vấn đề mà chúng tôi nêu ra ở đây chỉ mong được góp thêm suy nghĩ của mình mà thôi. Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai sẽ có nhiều bài viết về vấn đề công bố các tài liệu nói chung và tài liệu Hán Nôm nói riêng để đóng góp về lí luận cho Công bố học ở Việt Nam.

Chú thích:

([1]) Xem thêm bài của Trần Nghĩa: Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX trong Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX. Nxb. KHXH, H. 2003.

(2) Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều, Nxb. KHXH, H. 1974.

(3) Xem thêm bài của Phạm Hựu: Công bố văn bản học Hán Nôm trong Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm. Nxb. KHXH. H. 1979, tr.113.

Tài liệu tham khảo:

- Dịch từ Hán sang Việt một khoa học một nghệ thuật, Nxb. KHXH, H. 1982.

- Đinh Gia Khánh: Điển cố Văn học, Nxb. KHXH, H. 1974.

- Likhatchev: Văn bản học (Nguyễn Đức Hân dịch), tài liệu đánh máy tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

- Một số vấn đề Văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH. H. 1979.

- Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. KHXH, H. 2003.

Thư tịch cổ và nhiệm vụ mới, Nxb. KHXH, H. 1979./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr.3-9

Post by: admin
09-04-2021