TRỊNH KHẮC MẠNH
Tài liệu thư tịch Hán Nôm Việt Nam về Nho giáo và Nho học được các thế hệ nhà nho Việt Nam nghiên cứu, luận giải, diễn âm hiện còn lưu giữ tại các thư viện trong và ngoài nước với khối lượng khá lớn, có nội dung phong phú và thể loại đa dạng. Các thư tịch này có thể chia làm mấy loại sau:
- Tài liệu nhập môn, có Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, ấu học ngũ ngôn thi, Ấu học đối liên tập, Ấu học Hán tự tân thư, ấu học phổ thông thuyết ước, Hàn uyển cổ văn, Minh tâm bảo giám,...
- Tài liệu gia huấn, có Bùi gia huấn hài, Cư gia khuyến giới, Gia huấn ca, Huấn mông tập, Huấn nữ diễn âm ca, Huấn nữ tử ca, Huấn tục quốc âm ca, Khuê huấn ca, Minh đạo gia huấn,..
- Tài liệu kinh điển, có bộ Tứ thư (Đại học, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung dung) và bộ Ngũ kinh (Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Xuân thu).
- Tài liệu văn chương cử nghiệp, kinh nghĩa (Kinh nghĩa hợp tuyển, Kinh nghĩa thi phú tạp sao, Kinh nghĩa tinh sao, Kinh nghĩa văn tập,..), văn sách (Văn sách, Văn sách đạo, Văn sách hợp biên, Văn sách tạp sao, Văn sách tân thức hợp tuyển,...), thơ (Thi văn tạp biên, Thi văn tạp ký, Thi văn tạp lục, Thi văn tạp sao, Thi văn tạp thảo,...), phú (Phú bần truyện diễn ca, Phú chiếu biểu, Phú hợp tuyển, Quần hiền phú tập,...),...
Trong bài viết nay, chúng tôi chủ yếu đi sâu tìm hiểu ảnh hưởng của hai bộ sách kinh điển Nho gia (Tứ thư và Ngũ kinh) Trung Quốc ở Việt Nam và các nhà nho Việt Nam đã luận giải các tác phẩm này như thế nào.
Tứ thư và Ngũ kinh, truyền vào Việt Nam có thể nói là rất sớm, từ trước Công nguyên; nhưng phải đến những năm đầu Công nguyên thì các tác phẩm này mới có ảnh hưởng nhất định ở nước ta. Theo ghi chép của sử sách, cùng với các viên quan cai trị của phương Bắc đều là những nho học, như Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp; thì ở nước ta cũng đã xuất hiện những nhà nho, như Lý Cầm, Lý Tiến và đặc biệt có Khương Công Phụ (thế kỷ VIII) đã thi đỗ Tiến sĩ trong hệ thống thi cử theo kinh điển Nho gia. Tuy nhiên, Nho giáo phát triển mạnh phải kể từ khi nước ta giành được độc lập. Một sự kiện đáng ghi nhận về việc thúc đẩy, truyền bá Nho giáo và Nho học ở nước ta là vào năm 1070 tại Thăng Long, vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu công và Tứ phối, vẽ hình 72 người hiền, bốn mùa cúng tế, và Hoàng Thái tử đến học ở đây. Tiếp đến năm 1074, vua Lý Nhân Tông (1066-1127) xuống chiếu tuyển Minh kinh Bác học và thi Nho học tam trường; rồi năm 1076 cho lập Quốc Tử Giám để làm nơi học tập Nho giáo cho các quan viên văn chức. Khi mà nhà nước phong kiến Đại Việt thờ người lập ra Nho giáo và mở trường dạy người theo Nho giáo, thì các kinh điển Nho gia mới có điều kiện phổ biến rộng rãi.
Nhưng vào thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển mạnh mẽ và đạt tới đỉnh cao, tinh thần sùng Phật được thể hiện trong các lĩnh vực của hoạt động xã hội; nhưng với việc học tập các kinh điển Nho gia và việc thi tuyển quan lại nho học trở thành thường xuyên, thì tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo, và đã đẩy lùi dần thế lực của Phật giáo. Hàng ngũ quan lại xuất hiện từ tầng lớp nho sĩ ngày càng chiếm ưu thế trong bộ máy chính quyền và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Vào cuối thời Trần thì Nho giáo bắt đầu thay thế Phật giáo. Theo ghi chép trong sử sách thì Chu Văn An (? - 1370), người được bổ làm quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, giảng dạy kinh điển Nho gia cho Thái tử đã soạn bộ Tứ thư thuyết ước, đây có thể nói là tác phẩm chữ Hán đầu tiên của người Việt Nam luận giải về Tứ thư, nhưng rất tiếc bộ sách này nay đã thất truyền.
Thời Hồ, cũng theo ghi chép trong sử sách thì Hồ Quí Ly (cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV) có biên soạn sách Minh đạo bàn về Luận ngữ và dịch thiên Vô dật trong Kinh thư ra quốc ngữ để dạy cho các quan gia, nhưng rất tiếc các sách này cũng đều thất truyền.
Các triều đại phong kiến kế tiếp theo, Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn và Nguyễn; Tứ thư và Ngũ kinh ngày càng thu hút các nhà nho Việt Nam quan tâm luận giải, như Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1380-1442), Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Lê Quí Đôn (1726-1784), Phan Huy Chú (1782-1840), Phạm Quí Thích (1759-1825), v.v..., số lượng tác giả ngày càng đông và tác phẩm luận giải ngày càng nhiều.
Các nhà nho Việt Nam, khi luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh đã hết sức đề cao, coi đó là khuôn vàng thước ngọc cho hệ thống tư tưởng Nho giáo, coi như mặt trăng mặt trời mở lối soi đường cho các thế hệ nhà nho. Lê Quí Đôn trong tác phẩm Vân đài loại ngữ đã viết: “Từ khi có văn tự thì có sách vở. Sách Ngũ kinh (Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân thu) , sách Luận ngữ và sách Mạnh tử như mặt trời mặt trăng sáng chói”(1). Còn Phan Huy Chú thì coi những điều ghi chép trong Tứ thư và Ngũ kinh là đạo lý sống cho các nhà nho “Làm điều thiện, gần thì báo ứng cho mình, xa thì báo ứng cho con cháu. Trăm phúc đưa tới, nghìn lành nhóm lại; tức như ý Kinh Dịch nói: “Làm nhiều điều thiện tất thừa phúc lành”, ý Kinh Thư nói: “Làm thiện thì được trăm sự lành”. Nói về một nhà, thì nhờ đó mà có được lành mạnh và hưởng phúc lợi; nói về một nước cho đến cả thiên hạ, thì nhờ đó mà có thể làm cho phong tục tốt, đưa đến cõi thái bình. Đạo lý ấy rất lớn, nên kính cẩn giữ lấy mà cố gắng làm theo”(2).
Các nhà nho Việt Nam còn cho biết, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, Tứ thư và Ngũ kinh được coi như là bộ sách giáo khoa cho chế độ giáo dục thi cử thời kỳ phong kiến. Lê Quí Đôn cho biết ở Trung Quốc: “Từ thời nhà Tống, các nhà nho đời trước đề cao sách Trung dung, Đại học cùng Luận ngữ, Mạnh Tử làm thành bộ Tứ thư riêng. Nhà Minh qui định lại học chế, lấy Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân thu) cho cùng giảng dạy”(3). ở Việt Nam, cũng theo Lê Quí Đôn thì: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, hàng năm ban phát sách công cho các phủ, như Tứ thư, Ngũ kinh... học quan do đấy mà giảng dạy, khoa cử do đấy mà lấy nhân tài; từ lúc Trung hưng về sau, quan trường ra đầu bài chỉ lấy trong Tứ thư và Ngũ kinh”(4).
Về hình thức nghệ thuật biểu hiện, Ngũ kinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành các thể loại văn học thời cổ đại và cho cả các thời kỳ sau này. Lê Quí Đôn đã đưa ra nhận xét về giá trị thể loại văn học khi nghiên cứu Ngũ kinh như sau: “Sách Văn tâm điêu long chép: Luận thuyết, từ, tự, thì Kinh Dịch làm đầu; chiếu, sách, chương, tấu thì Kinh Thư làm đầu; phú, tụng, ca, tán thì Kinh Thi dựng thể cách; minh, châm, lúy, chúc thì Kinh Lễ mở lối; ký, kịch, di hịch thì Kinh Xuân thu làm gốc”(5).
Với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, thành kính của các thế hệ nhà nho Việt Nam đối với kinh điển nho gia Trung Quốc, Tứ thư và Ngũ kinh đã có ảnh hưởng rất lớn trong sáng tác văn học nghệ thuật ở Việt Nam. Nhiều tác phẩm nho giáo ở Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã lấy Tứ thư và Ngũ kinh làm đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp khi nghiên cứu, luận giải về tư tưởng Nho giáo. Số lượng tác phẩm Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện còn là khá lớn và hầu khắp trong nước, ở các thư viện trung ương và địa phương, các tủ sách tư gia ở thành phố và nông thôn; và thậm chí ở một số thư viện lớn của nước ngoài như Pari (Pháp) và Tokyo (Nhật Bản), đều lưu giữ các văn bản thuộc loại này. Chỉ tính riêng tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có hàng trăm tác phẩm Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh, trong đó có những tác phẩm gồm 10 quyển và có tới hàng ngàn trang.
Căn cứ vào Bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu(6), chúng tôi bước đầu thống kê được 122 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện lưu giữ tại Viện Nghiện cứu Hán Nôm và được phân loại như sau:
- Tác phẩm in có 24 đầu sách, trong đó tác phẩm được in sớm nhất vào năm Quang Trung thứ 5 (1792), còn lại chủ yếu được in vào thời Nguyễn (1802 - 1945).
- Tác phẩm viết tay có 98 đầu sách.
- Tác phẩm biết được soạn giả có 41 đầu sách, với những tác giả nổi tiếng như: Lê Quí Đôn, Bùi Huy Bích, Phạm Quí Thích, Đặng Huy Trứ, Lê Văn Ngữ, v.v...
- Tác phẩm viết bằng chữ Nôm và diễn Nôm có 25 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Tứ thư nói chung có 9 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Đại học có 2 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Luận ngữ có 10 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Mạnh Tử có 1 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Trung dung có 4 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Ngũ kinh nói chung có 7 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Kinh Dịch có 19 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Kinh Lễ có 8 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Kinh Thi có 9 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Kinh Thư có 6 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Kinh Xuân thu có 7 đầu sách.
- Tác phẩm luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh, hoặc có nội dung liên quan đến các tác phẩm của Tứ thư và Ngũ kinh mà đầu đề không nêu tên trực tiếp, chúng tôi tạm gọi là các tác phẩm tên khác, có 40 đầu sách.
Tất nhiên việc thống kê này, chắc là chưa đầy đủ, nhưng bước đầu góp phần vào việc lập danh mục tài liệu Hán Nôm luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hay việc phân loại cũng còn có thể bỏ sót và không thể tuyệt đối được, vì có những tác phẩm có nội dung liên quan đến 1 hoặc 2 tác phẩm trở lên đều có nội dung về Tứ thư và Ngũ kinh là điều không thể tránh khỏi.
Để tiện cho các nhà nghiên cứu về Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, chúng tôi xin lập một danh mục thư tịch Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm để cùng tham khảo:
VỀ TỨ THƯ NÓI CHUNG
- Tứ gia nhạc tập thi pháp thiếp 四 家 樂 集 詩 法 帖, hiện còn 2 bản in đều 206 trang (A.2243 và VHv.949). Nội dung sách chép những câu chọn trong Kinh Thi (viết theo lối thiếp) xếp thành 4 chương ca khúc (sĩ, nông, công, thương), dùng trong các dịp chầu vua hoặc ca xướng nơi cung đình.
- Tư thư đoản thiên 四 書 短 篇, hiện còn 2 bản in (A.1794 có 314 trang và A.1429 có 150 trang), in năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Nội dung: chép trên 170 bài kinh nghĩa, đề tài lấy từ bộ Tứ thư.
- Tứ thư sách lược 四 書 策 略, hiện còn 5 bản viết tay (VHv.391/1-2 có 412 trang, VHv.901 có 168 trang, VHv.900 có 268 trang, VHv.2241 có 160 trang, VHt.17 có 100 trang). Nội dung: gồm những bài văn sách, đề tài lấy từ bộ Tứ thư dùng làm mẫu cho người viết văn thi cử.
- Tứ thư tiết yếu 四 書 節 要, hiện có 1 bản in (AC.226/1-4 có 1300 trang), do Bùi Huy Bích (1744 - 1802) soạn, in năm Thành Thái thứ 7 (1895). Nội dung: tóm lược và chú thích những nội dung chính của bộ Tứ thư.
- Tứ thư tinh nghĩa 四 書 精 義, hiện còn 3 bản viết tay (VHv.443 có 186 trang, VHv.444 có 203 trang và VHv.601/3-5 có 664 trang). Nội dung: gồm những bài văn sách, đề tài lấy ở Tứ thư được chọn lọc ở các trường và các khoa thi dùng làm tư liệu tham khảo cho những người học viết văn khoa cử.
- Tứ thư ước giải 四 書 約 解 , hiện còn 1 bản in (AB. 270/1-5 có 895 trang), do Lê Quí Đôn (1726 - 1784) hiệu đính, in năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Nội dung: diễn giải một số chương trong Tứ thư bằng chữ Nôm.
- Tứ thư văn tuyển 四 書 文 選, hiện còn 1 bản in (VHv.341/1-4 có 956 trang) do Đặng Huy Trứ (1825 - 1894) biên tập. Nội dung: gồm 288 bài kinh nghĩa chọn lọc, đề tài lấy từ Luận Ngữ, dùng làm mẫu trong lối văn trường ốc.
- Tứ truyện nghĩa tuyển 四 傳 義 選 // Tứ truyện tinh nghĩa 四 傳 精 義, hiện còn 2 bản viết tay (VHv.601/6 có 186 trang và VHv.1151 có 98 trang). Nội dung: gồm những bài kinh nghĩa, đề tài lấy từ Tứ thư chọn từ các khoa thi của các trường dùng làm tài liệu tham khảo cho những người đi thi.
- Tiểu học Tứ thư tiết lược 小 學 四 書 節 略, hiện còn 1 bản viết tay (A.2607 có 168 trang) do Đoàn Triển (1854 - 1919) biên tập. Nội dung: trích một số đoạn lấy trong bộ Tứ thư .
Đại học.
- Đại học giảng nghĩa 大 學 講 義, hiện còn 1 bản viết tay (Ab.277 có 30 trang). Nội dung: dịch Đại học ra chữ Nôm.
- Đại học tích nghĩa 大 學 晰 義, hiện còn 1 bản viết tay (A.2594 có 116 trang) do Lê Văn Ngữ (thế kỷ XIX) biên soạn và viết tựa năm 1927. Nội dung: giảng giải Đại học, có viện dẫn Kinh Thư, Luận ngữ, Mạnh tử để chứng minh.
Luận ngũ.
- Luận Mạnh sách đoạn 論 孟 策 段, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.902 có 158 trang). Nội dung: chép 186 đoạn văn sách, đề tài lấy trong Tứ thư.
- Luận ngữ chế nghĩa 論 語 制 義, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.601/9 có 266 trang). Nội dung: chép 151 bài kinh nghĩa, đề tài lấy từ sách Luận ngữ ở các khoa thi Đình.
- Luận ngữ chính văn tiểu đối 論 語 正 文 小 對, hiện còn 1 bản in (A.888 có 62 trang), in năm Thành Thái thứ 1 (1889). Nội dung: chép 144 cặp tiểu đối, mỗi vế có 4 chữ lấy trong sách Luận ngữ .
- Luận ngữ ngu án 論 語 愚 按, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.349/1-2 có 422 trang) do Phạm Nguyễn Du (1739-1787) biên soạn, Đông Xuyên Cư sỹ viết tựa năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Nội dung: chú thích lời của Khổng tử trong sách Luận ngữ .
- Luận ngữ tinh hoa ấu học 論 語 精 華 幼 學, hiện còn 4 bản in đều 92 trang (A.906, VHv.501, VHv.775 và VHv.776) do Ưng Trình (?) biên soạn và viết biền ngôn năm Duy Tân Giáp Dần (1914). Nội dung: Trích các câu chữ trong Luận ngữ để dạy trẻ em học chữ Hán.
- Luận ngữ tập nghĩa 論 語 集 義, hiện còn 1 bản viết tay (VHb.72 có 88 trang). Nội dung: chép 228 bài kinh nghĩa bàn về câu chữ trong Luận ngữ.
- Luận ngữ thích nghĩa ca 論 語 釋 義 歌, hiện còn 2 bản in (A.186/1-2 có 1110 trang và VHv. 709/3-6 có 798 trang) do vua Tự Đức (1829-1883) soạn, in năm Thành Thái thứ 8 (1896). Nội dung: chú thích âm đọc, nghĩa chữ và diễn Nôm theo thể lục bát 20 thiên trong sách Luận ngữ .
- Luận ngữ tiết yếu 論 語 節 要, hiện còn 1 bản viết tay (A.2596/1-2 có 290 trang) do Lê Văn Ngữ (thế kỷ XIX) biên tập và đề tựa năm Bảo Đại Đinh Mão (1927). Nội dung: tóm tắt những điểm cốt yếu trong sách Luận ngữ .
- Luận ngữ tinh nghĩa 論 語 精 義, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.601/10 có 376 trang). Nội dung: chép 121 bài kinh nghĩa, đề tài lấy trong sách Luận ngữ trong các kỳ thi ở các trường.
- Luận thuyết tập 論 說 集, hiện còn 1 bản viết tay (A.2856 có 82 trang). Nội dung chép 37 bài luận thuyết, lấy đề tài trong sách Luận ngữ và sách Mạnh tử.
Mạnh tử.
- Sách Mạnh học bậc cao trung học giáo khoa 冊 孟 學 堛 高 中 學 教 科, hiện còn 1 bản viết tay (AB.290 có 358 trang) do Ngô Giáp Đậu (1853 - ?) biên soạn năm Duy Tân Quý Sửu (1913). Nội dung: diễn Nôm sách Mạnh tử , có chú thích và lời bình.
Trung dung.
- Trung dung diễn ca, Dịch quái diễn ca 中 庸 演 歌, 易 卦 演 歌 hiện còn 1 bản viết tay (AB. 540 có 78 trang) do Phạm Nguyễn Du (1739-1786) biên soạn. Nội dung: diễn Nôm 33 chương trong sách Trung dung , 64 quẻ trong Kinh Dịch, thiên Nguyệt lệnh trong Kinh Lễ và thơ trong Kinh Thi .
- Trung dung giảng nghĩa 中 庸 講 義, hiện còn 1 bản viết tay (AB.278 có 160 trang). Nội dung: giải nghĩa 33 chương trong sách Trung dung, sau mỗi câu chữ Hán có kèm câu giải nghĩa bằng chữ Nôm.
- Trung dung thuyết ước 中 庸 說 約 , hiện còn 1 bản viết tay (A.2595 có 186 trang) do Lê Văn Ngữ (thế kỷ XIX) biên soạn năm Bảo Đại thứ 2 (1927). Nội dung: ghi tóm lược nội dung sách Trung dung .
- Trung học Ngũ kinh toát yếu 中 學 五 經 撮 要 , hiện còn 1 bản viết tay (A.2608/1-2 có 834 trang) do Dương Lâm (1851 - 1920) và Nguyễn Trung Khuyến (1849 - ?) soạn. Nội dung: ghi tóm lược nội dung bộ Ngũ kinh .
VỀ NGŨ KINH NÓI CHUNG
- Ngũ kinh loại thuyết 五 經 類 說, hiện còn 1 bản viết tay (A.2223 có 264 trang). Nội dung: chép những bài văn sách, đề tài lấy trong Ngũ kinh .
- Ngũ kinh thí thiếp 五 經 試 帖, hiện còn 3 bản viết tay (VHv. 921 có 208 trang, VHv. 922 có 182 trang và VHv. 212 có 208 trang). Nội dung: chép 426 bài thơ, đề tài lấy trong Ngũ kinh.
- Ngũ kinh tiết yếu 五 經 節 要, hiện còn 2 bản in (AC. 422/1-10 và AC.194/1-10) do Bùi Huy Bích (1744 - 1802) soạn, có bài tựa viết năm Thiệu Trị 6 (1846). Nội dung gồm có: Thư kinh đại toàn 書 經 大 全, 4 quyển có 576 trang, ghi những điều cốt yếu của Kinh Thư ; Thi kinh đại toàn 詩 經 大 全 , 4 quyển có 696 trang, ghi những điểm cốt yếu của Kinh Thi; Dịch kinh đại toàn tiết yếu 易 經 大 全 節 要, 4 quyển có 596 trang, ghi những điểm cốt yếu của Kinh Dịch; Lễ ký 禮 記, 3 quyển có 500 trang, ghi những điểm cốt yếu của Lễ ký; Xuân Thu 春 秋, 4 quyển có 720 trang, ghi những điểm cốt yếu của kinh Xuân Thu.
- Ngũ kinh tiết yếu diễn nghĩa 五 經 節 要 演 義, hiện còn 1 bản in (AB. 539/1-12 có 3150 trang) do Bùi Huy Bích (1744 - 1802) soạn, in năm Minh Mệnh 18 (1837). Nội dung: giải nghĩa bằng chữ Hán và chữ Nôm về Ngũ kinh.
- Ngũ kinh tinh nghĩa 五 經 精 義, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1188 có 74 trang). Nội dung: chép những bài kinh nghĩa, đề tài lấy trong kinh Xuân Thu , dùng làm mẫu cho người viết văn khoa cử.
- Ngũ kinh tinh nghĩa đoản thiên 五 經 精 義 短 篇, hiện còn 1 bản in (A. 1425 có 224 trang), in năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Nội dung: chép 115 bài kinh nghĩa, đề tài lấy trong Kinh Lễ, dùng làm mẫu cho người làm văn khoa cử.
- Ngũ kinh xuyến châu tự 五 經 串 珠 序, hiện còn 1 bản viết tay (A. 1633 có 40 trang). Nội dung: giới thiệu ý nghĩa, mục đích và giá trị của Ngũ kinh.
Kinh Dịch.
- Bốc Dịch lược biên 卜易 略 編, còn 1 bản viết tay (A.1806 có 106 trang). Nội dung: ghi phép bói dựa vào 64 quẻ của Kinh Dịch.
- Chu Dịch cứu nguyên 周 易 究 原, còn 1 bản viết (A.2592/1-2 có 282 trang) do Lê Văn Ngữ (thế kỷ XIX) biên tập và viết tựa năm Khải Định thứ 1 (1916). Nội dung: ghi chép một số chuyên khảo về Kinh Dịch .
- Chu Dịch khải mông đồ tượng 周易啟蒙圖象, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1657 có 92 trang). Nội dung: sơ đồ sự biến hóa của 64 quẻ trong Kinh Dịch .
- Chu Dịch quốc âm ca 周 易 國 音 歌, hiện còn 1 bản in (AB.29 có 438 trang) do Đặng Thái Bàng (thế kỷ XVIII) biên soạn, Nguyễn Hạo Hiên (1695 - 1752) viết tựa năm Cảnh Hưng 11 (1750) và Phạm Quý Thích (1759 - 1825) viết tựa khi đưa in lần đầu năm Gia Long ất Hợi (1815). Nội dung: giải nghĩa và dịch Kinh Dịch ra chữ Nôm, diễn Nôm lời của 64 quẻ theo thể thơ lục bát.
- Chu Dịch sách lược 周 易 策 略, hiện còn 1 bản viết tay (A.1432 có 192 trang). Nội dung: tuyển 470 bài văn sách nói về nghĩa lý của Kinh Dịch và 64 quẻ trong Kinh Dịch .
- Chu Dịch vấn giải toát yếu 周 易 問 解 撮 要 , hiện còn 1 bản viết tay (A.2044 có 184 trang) do Phạm Quý Thích (1759 - 1825) soạn và viết tựa năm Gia Long thứ 4 (1805). Nội dung: tuyển 157 câu hỏi và câu trả lời về nghĩa lý của Kinh Dịch và 64 quẻ trong Kinh Dịch .
- Dịch học khải mông 易 學 啟 蒙, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1014 có 128 trang). Nội dung: ghi chép những tri thức cơ sở về Tứ thư và Ngũ kinh (trong đó Kinh Dịch là chủ yếu).
- Dịch học nhập môn 易 學 入 門// Dịch học tham khảo 易 學 參 考// Dịch truyện tiên chú bị khảo 易 傳 箋 註 備 考, hiện còn 1 bản viết tay (A.865 có 74 trang). Nội dung: ghi chép những tri thức cơ bản về Kinh Dịch.
- Dịch kinh chính văn diễn nghĩa 易 經 正 文 演 義 , hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1114 có 268 trang). Nội dung: dịch nghĩa Kinh Dịch ra chữ Nôm.
- Dịch kinh đại đoạn sách mục 易 經 大 段 策 目, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.407 có 85 trang). Nội dung: tuyển 5 bài văn sách viết về một số nội dung trong Kinh Dịch .
- Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 易 經 大 全 節 要 演 義, hiện còn 3 bản in (VHv.108/1-4 có 730 trang, VHv.110/1-3 có 694 trang và VNv.11/1-3 có 768 trang) do Phạm Quý Thích (1759 - 1825) soạn. Nội dung: dịch Kinh Dịch ra chữ Nôm.
- Dịch kinh giảng nghĩa 易 經 講 義, hiện còn 1 bản chép tay (AB.236 có 316 trang) do Phạm Đan Sơn (?) soạn. Nội dung: dịch Kinh Dịch ra chữ Nôm.
- Dịch kinh sách lược 易 經 策 略, hiện còn 3 bản viết tay (VHv.378 có 232 trang, VHv.891 có 226 trang và VHv.892 có 226 trang). Nội dung: tuyển hơn 400 bài văn sách viết về một số nội dung trong Kinh Dịch .
- Dịch lược 易 略, hiện còn 1 bản viết tay (A.1979 có 52 trang). Nội dung: chú 4 quẻ (Càn, Khôn, Truân và Mông) trong Kinh Dịch .
- Dịch nghĩa tồn nghi 易 義 存 疑, hiện còn 1 bản viết tay (A.363 có 214 trang). Nội dung: giải thích nghĩa lý Kinh Dịch.
- Dịch phu tùng ký 易 膚 叢 記, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.458 có 115 trang) do Nguyễn Nha (?) soạn. Nội dung: bàn về nghĩa lý Kinh Dịch .
- Dịch phu tùng thuyết 易 膚 叢 說, hiện còn 4 bản viết tay (AC.189 có 238 trang, VHv.2016 có 142 trang, VHv.2652 có 236 trang và A.2474 có 132 trang) do Lê Quý Đôn (1726 - 1784) biên tập. Nội dung: bàn về nghĩa lý, chú giải Kinh Dịch .
- Dịch quỹ bí áo tập 易 軌 秘 奧 集, hiện còn 1 bản viết (A.866 có 112 trang) do Nam Sơ Phúc Xá Thái Dưỡng Thị (?) biên soạn năm Cảnh Hưng Quý Tỵ (1769). Nội dung: phép bói theo Kinh Dịch .
- Dịch Xuân kinh sách lược 易 春 經 策 略, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.839 có 308 trang). Nội dung: tuyển 395 bài văn sách bàn về nghĩa lý Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu .
Kinh Lễ.
- Chu Lễ sách học toản yếu sách học đề cương lược sao 周 禮 策 學 纂 要 策 學 提 綱 略 抄, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1119 có 142 trang). Nội dung: tóm tắt một số chương trong Kinh Lễ, tuyển một số bài văn sách đề tài lấy trong Kinh Lễ , bàn về nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Dịch .
- Chu Lễ sách lược 周 禮 策 略 // Chu Lễ tự sách lược 周 禮 序 策 略 // Chu Lễ lược văn 周 禮 略 文, hiện còn 3 bản viết tay (A.1411 có 206 trang, VHv.389 có 126 trang và VHv.897 có 124 trang). Nội dung: tuyển các bài văn sách, đề tài lấy trong Kinh Lễ .
- Chu Lễ tiết yếu 周 禮 節 要 // Chu Lễ chú sớ san dực tiết yếu 周 禮 注 疏 刪 翼 節 要, hiện còn 2 bản in (AC.213/1-2 có 707 trang và Ac.591/1-2 có 707 trang) do Bùi Huy Bích (1744 - 1802) biên tập, in năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) và năm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Nội dung: trích yếu và chú thích Kinh Lễ.
- Lễ ký đại toàn diễn nghĩa 禮 記 大 全 演 義 // Lễ ký đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 禮 記 大 全 節 要 演 義, hiện còn 3 bản in đều 680 trang (VNv. 112/1-2, VNv. 113/1-2 và AB. 30). Nội dung: diễn nghĩa 49 thiên trong Kinh Lễ bằng chữ Nôm.
- Lễ kinh 禮 經 , hiện còn 1 bản viết tay (A.2606 có 158 trang) do Lê Văn Ngữ (thế kỷ XIX) biên tập và viết tựa năm Bảo Đại Mậu Thìn (1928). Nội dung: bàn về câu chữ trong Kinh Lễ.
- Lễ kinh lược văn mục thứ 禮 經 略 文 目 次, hiện còn 1 bản viết tay (A. 2255) do Vũ Thanh Hy (?) soạn năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nội dung: trích một số câu ở thiên 14 trong Kinh Lễ làm thành các bài văn.
- Lễ kinh sách lược 禮 經 策 略 , hiện còn 6 bản viết tay (VHv. 894 có 178 trang, VHv. 895 có 118 trang, VHv. 896 có 106 trang, VHv.390 có 116 trang, VHv. 453 có 178 trang và A. 2311 có 284 trang) do Nguyễn Tập Trai chép năm Thành Thái Nhâm Thìn (1892). Nội dung: chép các bài văn sách, chủ đề lấy ở 29 thiên trong Kinh Lễ.
- Lễ thư lược biên 禮 書 略 編 , hiện còn 1 bản viết tay (VHv.377 có 178 trang). Nội dung: trích 270 câu trong Kinh Lễ và 36 câu trong Kinh Thư.
Kinh Thi.
- Thi kinh diễn âm 詩 經 演 音, hiện còn 1 bản viết tay (AB.137 có 300 trang). Nội dung: diễn Nôm Kinh Thi.
- Thi kinh diễn âm 詩 經 演 音, hiện còn 1 bản chép tay (AB.169 có 394 trang). Nội dung: diễn Nôm Kinh Thi theo thể thơ lục bát và song thất lục bát
- Thi kinh diễn nghĩa 詩 經 演 義, hiện còn 5 bản in (VNv.107 có 348 trang, VNv.161 có 240 trang, VNv.162 có 204 trang, VNv.163 có 232 trang và AB.168/1-2 có 754 trang), trong đó 4 bản có ký hiệu VHv đều in năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), còn Ký hiệu AB in năm Minh Mệnh thứ 18 (1837). Nội dung: dịch và chú thích toàn bộ Kinh Thi ra chữ Nôm.
- Thi kinh sách lược 詩 經 策 略 // Mao kinh sách lược 毛 經 策 略 , hiện còn 5 bản viết tay (VHv.385 có 302 trang, VHv.386 có 276 trang, VHv.888 có 286 trang, VHv.889 có 242 trang, A.1801 có 242 trang). Nội dung: tuyển chọn 350 bài văn sách, đề tài lấy ở các thiên trong Kinh Thi.
- Thi kinh giải âm 詩 經 解 音, hiện còn 1 bản in (AB.144/1-5 có 924 trang), in năm Quang Trung thứ 5 (1792). Nội dung: dịch và chú thích toàn bộ Kinh Thi bằng chữ Nôm.
- Thi kinh Thư kinh quốc ngữ ca 詩 經 書 經 國 語 歌, hiện còn 3 bản (VNv.215 có 80 trang, AB.523 có 80 trang và AB.314 có 62 trang), trong đó ký hiệu VNv là bản in, còn ký hiệu AB là bản chép tay. Nội dung: diễn Nôm Kinh Thi và Kinh Thư theo thể lục bát.
- Thi kinh Thư kinh quốc ngữ ca 詩 經 書 經 國 語 歌 , hiện còn 1 bản viết tay (AB.151 có 68 trang) do Trần Thanh Xuyên đề ngày 13 tháng 8 năm Đinh Mão (?). Nội dung: diễn Nôm Kinh Thi và Kinh Thư theo thể lục bát.
- Thi kinh tiệp lục 詩 經 捷 錄 , hiện còn 1 bản in (HVv.24/1-3 có 718 trang), in năm Tự Đức thứ 9 (1856). Nội dung: chú giải ngắn ngọn Kinh Thi.
- Thi Thư sách lược 詩 書 策 略, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.433 có 344 trang), Nội dung: tuyển 180 bài văn sách, đề tài lấy trong Kinh Thi và Kinh Thư.
Kinh Thư.
- Thư kinh diễn nghĩa 書 經 演 義, hiện còn 1 bản viết tay (A.1251 có 184 trang) do Lê Quý Đôn (1726-1784) soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772). Nội dung: dẫn giải và chú thích từng thiên, từng đoạn và từng câu văn trong Kinh Thư .
- Thư kinh đại toàn toàn tiết yếu diễn nghĩa 書 經 大 全 節 要 演 義, hiện còn 1 bản viết tay (AB. 145/1-5 có 382 trang). Nội dung: chú giải và diễn Nôm Kinh Thư.
- Thư kinh lược văn 書 經 略 文 // Thư kinh sách lược 書 經 策 略 , hiện còn 4 bản viết tay (A.1486 có 416 trang, VHv.379 có 302 trang, VHv. 890 có 272 trang và VHv.429 có 272 trang). Nội dung: tuyển những bài văn sách từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Thư.
- Thư kinh tiết yếu 書 經 節 要 , còn 1 bản viết tay (VHv.4/1-4 có 704 trang) do Bùi Huy Bích (1744 - 1802) soạn. Nội dung: tóm lược nội dung Kinh Thư, có chú thích và bình luận.
- Thư kinh tinh nghĩa 書 經 精 義 , hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1176 có 85 trang). Nội dung: tuyển những bài kinh nghĩa từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Thư để làm tư liệu cho học sinh chuẩn bị đi thi.
- Thư lược vấn 書 略 問, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.2242 có 138 trang). Nội dung: tuyển 50 bài văn sách từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Thư để làm tư liệu cho học sinh chuẩn bị đi thi.
Kinh Xuân thu.
- Xuân thu chế nghĩa 春 秋 制 義, hiện còn 1 bản viết tay (VHb.68 có 238 trang) do Đinh Nho Quang (thế kỷ XIX) soạn. Nội dung: tuyển 64 bài kinh nghĩa từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Xuân thu để làm mẫu cho học sinh chuẩn bị đi thi.
- Xuân Thu diễn nghĩa 春 秋 演 義 // Xuân Thu đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 春 秋 大 全 節 要 演 義 , hiện còn 3 bản in (VNv.115/1-3 có 980 trang, VNv.114/2-3 có 730 trang và VNv.109/2-3 có 730 trang). Nội dung: diễn Nôm (có chú thích) Kinh Xuân thu.
- Xuân Thu lược sao 春 秋 略 抄, hiện còn 1 bản viết tay (VHb.119 có 54 trang), chép năm Bính Thân (1896). Nội dung: nêu một số luận điểm của Kinh Xuân Thu.
- Xuân Thu lược văn 春 秋 略 文, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.1115 có 120 trang). Nội dung: tuyển 46 bài văn kinh nghĩa từ các trường thi, đề tài lấy trong Kinh Xuân thu để làm mẫu cho học sinh chuẩn bị đi thi.
- Xuân Thu nghĩa lệ tổng luận 春 秋 義 例 總 論, hiện còn 1 bản viết tay (A.1435 có 206 trang). Nội dung: bàn về ý nghĩa Kinh Xuân Thu.
- Xuân Thu quản kiến 春 秋 管 見 // Ngô gia văn phái Xuân Thu quản kiến 吳 家 文 派 春 秋 管 見, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.806/1-4 có 1010 trang) do Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) soạn. Nội dung: lời bình của Ngô Thì Nhậm về các sự kiện chép trong Kinh Xuân Thu.
- Xuân Thu tự luận sách văn 春 秋 序 論 策 文, hiện còn 1 bản viết tay (VHv.380 có 126 trang). Nội dung: tuyển những bài văn sách, đề tài lấy từ Kinh Xuân Thu.
Ngoài ra còn khá nhiều tác phẩm mang tên gọi khác có nội dung liên quan đến Tứ thư và Ngũ kinh, ví dụ như:
- Ba thi quốc ngữ ca 葩 詩 國 語 歌, còn 1 bản viết tay (AB.360 có 42 trang). Nội dung: diễn Nôm 31 bài thơ trong Kinh Thi.
- Kiến văn tiểu lục 見 聞 小 錄, hiện còn 3 bản viết tay (A.32 có 642 trang, VHv.1322 có 426 trang và VHv.1156 có 140 trang) do Lê Quý Đôn soạn năm Cảnh Hưng Đinh Dậu (1777). Nội dung: ghi chép về chính trị, giáo hóa, phẩm hạnh, lễ nghi, khoa mục, quan chế; trong đó có những đoạn bàn về Tứ thư và Ngũ kinh...
Trên đây là những tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu luận giải về Tứ thư, Ngũ kinh. Những tác phẩm này là nguồn tư liệu quan trọng khi nghiên cứu về Nho học ở Việt Nam.
T.K.M
CHÚ THÍCH:
(1) 黎 貴 惇 , 雲 臺 類 語, Q.1
(2) 潘 輝 注 , 歷 朝 憲 章 類 志, Q.49
(3) 黎 貴 惇 , 雲 臺 類 語, Q.7
(4) ) 黎 貴 惇, 見 聞 小 錄.
(5) 黎 貴 惇 , 雲 臺 類 語, Q.5
(6) Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu , (Trần Nghĩa và Franỗoi Gros đồng chủ biên), Nxb. KHXH, H. 1993.
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/0501.htm