Hán nôm

NHỮNG TÁC PHẨM Y HỌC CỦA NGUYỄN GIA PHAN


15-10-2020
Tác giả: Lâm Giang

Nguyễn Gia Phan còn có tên Nguyễn Thế Lịch, hiệu Dưỡng Am và Từ An, sinh năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng 10 (1759) tại làng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, (Hà Nội), năm 26 tuổi thi đỗ tiến sĩ, khoa Ât Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775), được bổ Thự giám sát Ngự sử đạo Sơn Tây.

Nguyễn Gia Phan xuất thân trong một gia đình nhiều đời làm nghề thuốc, cứu sống được nhiều người, rất nổi tiếng trong vùng. Nhưng đến đời ông thì theo nghiệp nho. Nhưng do hoàn cảnh xô đẩy khiến ông lúc ra làm quan, khi lui về làm thuốc, và cũng có lúc vừa làm quan vừa làm thuốc. Số là Trịnh Sâm khi ấy số con trai nối dõi không nhiều, thường lưu ý đến y đạo, biết Nguyễn Gia Phan xuất thân từ gia đình có truyền thống làm thuốc, nên lệnh cho ông khảo duyệt y thư, soạn thêm bộ Phụ nhân thai sản điều lý phương pháp, để sử dụng trong cung.

Năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ ra Bắc, triều đình Lê Trịnh sụp đổ. Nguyễn Gia Phan trở về quê, chuyên tâm với nghề thuốc, đi sâu nghiên cứu chuyên khoa nhi, khoa sản, liệu dịch.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh ít lâu, xảy ra nạn ôn dịch khá lớn. Nguyễn Gia Phan Lập tức tìm đọc khắp cổ thư, nhưng không có sách nào chuyên chữa trị cho bệnh dịch này. Đứng trước tình thế nguy cấp, ông chắt lọc những điều cần thiết từ các cổ thư, kết hợp với thực tiễn, chế ra những phương thuốc chữa dịch hiệu nghiệm, cứu sống nhiều người.

Năm Nhâm Tý (1792), Nguyễn Gia Phan được mời vào Phú Xuân giữ chức Thượng thư bộ lại cho nhà Tây Sơn. Công việc làm thuốc phải tạm gác lại. Mười năm sau, năm 1802, nhà Tây sơn sụp đổ, Nguyễn Gia Phan lại trỏ về quê, tiếp tục làm nghề cũ. Từ đó đến cuối đời, ông tập hợp tất cả những gì đã gom góp được về y học, soạn tập nên những tác phẩm y học có gia trị như:

- Lý âm phương pháp thông lục toàn tập.

- Hộ nhi phương pháp tổng lục.

- Liệu dịch phương pháp toàn tập.

- Y gia phương pháp tổng lục.

Hiện nay, tập: Y gia phương pháp tổng lục chưa tìm thấy, chỉ có tên sách ghi trong bài tựa tập Lý âm phương pháp tổng lục của tác giả.

Quá trình biên soạn những tác phẩm trên ra sao, niên đại biên soạn và nội dung như thế nào, tình hình văn bản hiện còn ra sao, giá trị tác phẩm và sự đóng góp của Nguyễn Gia Phan như thế nào, xin lần lượt trình bày sau đây:

I. Lý âm thông lục toàn tập: Tập sách được biên soạn gần như suốt cuộc đời của tác giả. Hiện ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 4 bộ với các ký hiệu: A.2853, VHv.4022, VHv.3876, VHv.4043, có chép 5 bài tựa, trong đó, 2 bài do tác giả viết, 3 bài do các bạn đồng liêu viết. Những bài tựa này cho biết quá trình biên soạn sách Lý âm thông lục toàn tập từ lúc khởi thảo đến khi hoàn thành, trải qua các giai đoạn biên soạn như sau:

- Năm Cảnh Hưng 38 (1777), theo yêu cầu của Trịnh Sâm ông soạn ra tập: Phụ nhân thai sản điều lý phương pháp. Tập này có bài tựa của tác giả (gọi Tiền tự).

- Khoảng năm 1787, 1788, tác giả lui về quê nhà, ông soạn bổ sung cho tập trên và soạn thêm mục Tiểu nhi khoa, rồi đổi tên là Thai sản điều lý phương pháp. Tập này có bài tựa của Vũ Huy Phác viết năm 1788, của Nguyễn Nha viết năm 1790, của Ninh Tốn cũng viết năm 1790.

Năm Gia Long 13 (1814), cũng tại quê nhà, ông trên cơ sở cuả 2 tập trên, bổ sung đầy đủ hơn, toàn diện hơn thành bộ sách hoàn chỉnh gồm 4 quyển, với tên sách: Lý âm phương pháp thông lục. Tập sách đã tập hợp 5 bài tựa như đã nói trên: Hai bài của tác giả, một là Tiền tựa và một viết cho tập Lý âm phương pháp thông lục này (gọi là Hậu tự).

Các bài tự trên giúp chúng ta hiểu được quá trình xuất xứ và biên soạn các tác phẩm y học của Nguyễn Gia Phan:

Năm Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775), Nguyễn Gia Phan đậu Tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Thư giám sát Ngự sử, đô cấp sự trung đạo Sơn Tây. Khi ấy phủ chúa Trịnh, vì số con trai nối dõi chưa nhiều, nên rất chú ý đến y đạo. Biết Nguyễn Gia Phan xuất thân từ gia đình ba đời làm thuốc, nên đã lệnh cho ông khảo duyệt y thư, soạn ra tập: Phụ nhân thai sản điều lý phương pháp, để dùng trong cung cấm. Thế là, ông đem các bộ y thư ra tham khảo, hiệu đính, trích lấy chỗ thiết yếu, lược biên thành một tập dâng lên. Còn như các phương pháp chữa trị các chứng bệnh của phụ nhân, các chứng thai tiền, thai hậu, hậu sản v.v. Thì đưa vào tập sách ấy chưa được đầy đủ (Tiền tự).

Lại ở bài tựa do Vũ Huy Phác viết cho biết thêm:

Năm Bính Ngọ (1786) đổi vạc (tức thay đổi triều đại), Nguyễn Gia Phan trở về quê nhà, nhân lúc an nhàn, bèn lấy y nghiệp làm vui, cổ kim phương thư, không sách nào là không để mắt tới, thường trích ra những chỗ tinh tuý của các nhà, cộng với cách nhìn nhận của mình mà tập hợp lại thành Thai sản điều lý phương pháp. Tập này bổ sung cho những chỗ còn thiếu của tập đã biên soạn dâng lên cho chúa Trịnh trước đây, với các phương pháp bảo vệ thai sản, chữa các bệnh sản hậu v.v. và biên soạn thêm phần Tiểu nhi khoa (Vũ Huy Phác viết năm 1788).

Mùa xuân năm Nhâm Tý (1792) Nguyễn Gia Phan được triệu vào Phú Xuân, làm quan cho nhà Tây Sơn đến Thượng thư bộ Lại. Công việc chữa bệnh và biên soạn sách thuốc phải tạm dừng lại. ở Phú Xuân được 10 năm, năm Nhâm Tuất (1802), nhà Tây Sơn mất, ông lại trở về quê tiếp tục hành nghề y. “Từ đó, mới thường xuyên được an nhàn, chuyên tâm với nghề thuốc. Lại đọc khắp các quyển sách của các nhà từ thời Hiên Viên, Kỳ Bá trở về sau. Tất cả các chứng bệnh của người lớn, trẻ em và phụ nữ đều có tham cứu ở các ở các lời bàn luận khác nhau, hoặc giống nhau của các bậc tiên triết, lược thuật kỹ các phương pháp. Phàm những tôn chí chính yếu về điều dưỡng, trị liệu, nhất nhất đều thuật đủ. Những chỗ khó xử, phụ ghi vào ý kiến của mình, tham khảo, châm chước bàn luận, biên soạn tập hợp thành sách, nhưng vẫn chia làm 3 bộ để tiện sử dụng. Bộ thứ nhất là: Y gia phương pháp tổng lục, trong đó thuật lại đầy đủ các cách chữa bệnh cho người lớn. Bộ thứ hai là: Hộ nhi phương pháp tổng lục, đủ để nuôi dưỡng, chữa trị các bệnh ở trẻ em. Còn các chứng bệnh của phụ nữ, lại một lần nữa khảo duyệt kỹ càng thêm, gộp với tập đã soạn là Thai sản điều lý phương pháp trước đây, tập hợp thành 1 sách, gồm 4 quyển lấy tên là: Lý âm phương pháp thông lục...” (Hậu tự).

Như vậy tập sách trên đã trải qua một quá trình biên soạn khá dài từ Phụ nhân thai sản điều lý phương pháp soạn dâng phủ Chúa Trịnh năm 1777, đến Thai sản điều lý phương pháp soạn bổ sung cho tập sách trên vào những năm Chúa Trịnh mới bị diệt (1786, 1788), để rồi, cuối cùng trở thành bộ Lý âm phương pháp thông lục với 4 quyển, được biên soạn kỹ càng, nội dung đầy đủ trên cơ sở của 2 tập đã soạn trước.

Hiện tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm có 3 bản:

1. Thai sản điều kinh phương pháp (VHv.2069), chép tay, chữ Hán, chữ viết chân phương, 55 từ, tờ 20 dòng, dòng 25 chữ, khổ 24 x 14cm. Tập này ghi rõ: Nguyễn Thế Lịch, Giám sát Ngự sử, Lục khoa cấp sự trung xứ Sơn Tây, soạn. Không có tựa, bạt, dẫn... Tập này có lẽ là tập Phụ nhân thai sản điều lý phương pháp soạn dâng lên phủ chúa, vì vậy nội dung cho biết:

- Bàn về sự trưởng thành của bào thai, từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 10, dựa vào đó mà nêu ra các phương pháp dưỡng thai hợp lý.

- Hình vẽ bào thai, thuyết minh rõ sự phát triển của nó từ tháng thứ nhất đến tháng thứ mười, mỗi tháng là một hình vẽ.

- Cách xem mạch cho người có thai.

- Cách xem thai là trai hay là gái.

- Những điều kiêng kỵ của người có thai khi ăn, lúc ở.

- Các bài thuốc chữa bệnh cho người có thai, cho người hiếu sinh vô dưỡng...

Mục cầu tự có nêu:

- Mạch cầu tự - Luận về khắc, giờ, ngày, tháng giao hợp để có hiệu quả

- Một năm có 12 tháng, trong đó, có tháng sinh con trai, có tháng sinh con gái, không đều nhau.

- Dựa vào kỳ kinh nguyệt, giáp hợp vào lúc nào thì có con trai hay con gái theo ý muốn

- Cách chuyển thai nữ thành thai nam.

- Dựa vào tuổi người chồng và người vợ, định ra tháng giao hợp để có con trai hay con gái theo ý muốn v.v.

Như vậy, tập sách đáp ứng được lòng mong mỏi muốn có nhiều con nối dõi của phủ Chúa Trịnh.

2. Tập Thai sản điều lý phương pháp: Có 2 ký hiệu A.556 và A. 442, cũng ghi: Thự Sơn Tây đạo Giám sát ngự sử, cấp sự trung Nguyễn Thế Lịch soạn năm Cảnh Hưng 38 (1777). Đều là bản chép tay, chữ Hán, chữ viết chân phương. A.556: 72 tờ, tờ 18 dòng, dòng 19 chữ, khổ 31 x 20cm; A.442: 179 tờ, tờ 18 dòng, dòng 11 chữ, khổ 30 x 21cm. Đây có lẽ là bản đã được biên soạn bổ sung trong dịp Nguyễn Gia Phan lui về quê nhà năm 1786. Vì nội dung gồm 2 phần Thai sản và Tiểu nhi khoa, như tronglời tựa đã nói. Tập này được bổ sung đầy đủ hơn, phong phú hơn, tỉ mỉ hơn...

3. Lý âm thông lục (A.2583), chép tay, chữ Hán, chữ viết chân phương, 190 tờ, tờ 16 dòng, dòng 23 chữ, khổ 29 x 18cm. Ghi rõ: Nguyễn Gia Phan soạn và đề tựa năm Gia Long Giáp Tuất (1814), có 5 bài tựa, 1 mục lục. Tác giả và nội dung các bài tựa như đã trình bày ở phần trên. Đây chính là tập Lý âm phương pháp thông lục, gồm 4 quyển, nhưng hiện chỉ còn 3 quyển: Quyển 1: Trình bày các phương pháp điều dưỡng và bài thuốc chữa 23 bệnh phụ khoa. Quyển 2: Ghi chép bài thuốc và cách chữa các bệnh về thai sản v.v. Quyển 3: Nêu rõ các phương pháp cần thiết khi lâm sản. Các bài thuốc chữa các chứng sản hậu...

Hiện chưa thấy quyển 4.

II. Hộ nhi phương pháp tổng lục: Theo như lời bài tựa đã nêu trên, tập sách được hoàn thành cùng lúc với Lý âm phương pháp thông lục, và tập sách cũng được biên soạn cả một quá trình dài, khởi đầu là mục Cầu tự trong Phụ nhân thai sản điều lý phương pháp soạn dâng lên phủ Chúa Trịnh, sau được bổ sung thành mục Tiểu nhi khoa trong Thai sản điều lý phương pháp, soạn vào những năm triều đình Lê Trịnh sụp đổ, ông về nghỉ tại quê, đến khi biên soạn Lý âm phương pháp thông lục, tách ra thành bộ sách riêng, gồm 4 quyển.

Hiện ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm có 5 bộ Hộ nhi phương pháp thông lục: A.1989, VHv.1630, VHv.4063, VHv.3878, VHv.4046.

- A.19891/1-2: 2 sách chép tay, chữ Hán chân phương, 254 tờ, tờ 14 dòng, dòng 21 chữ, khổ 29 x 17cm, có 2 bài tựa, mục lục, gồm 4 quyển, đủ bộ.

- VHv.1630: 1 sách chép tay, chữ Hán, chân phương, 66 tờ, tờ 16 dòng, dòng 27 chữ, khổ 28 x16cm, chỉ chép một phần của quyển 4.

- VHv.4063: 1 sách chép tay, chữ Hán, viết đá thảo, 52 tờ, tờ 20 dòng, dòng 23 chữ, khổ 28 x 16cm, chép quyển 4.

- VHv.3878: 1 sách chép tay, chữ Hán, viết đá thảo, 46 tờ, tờ 20 dòng, dòng 25 chữ, khổ 28 x 16cm, chép Quyển 1.

- VHv.4046: 1 sách chép tay, chữ Hán, đá thảo, 30 tờ, tờ 20 dòng, dòng 25 chữ, khổ 16 x28, chép Quyển 2 (thiếu) và Quyển 3.

Như vậy, toàn bộ tác phẩm Hộ nhi phương pháp thông lục gồm 4 quyển. Ký hiệu A.1989 đủ bộ, các ký hiệu VHv.1630, VHv.4063, VHv.3798, VHv.4060 gộp lại đủ 1 bộ.

Bộ sách đều ghi rõ Nguyễn Gia Phan soạn và đề tựa. Ngoài ra còn bài tựa. Ngoài ra còn 1 bài tựa khác của Hoa Lĩnh tử.

Quyển 1: Chép các phép điều dưỡng, cách chữa bệnh trẻ sơ sinh: Cách móc miệng trẻ sơ sinh, chữa trẻ đẻ ra không khóc, cách cắt rốn, cách tắm, cách gọt tóc, cách cho con bú, cách xem tướng (có hình vẽ) trẻ thọ yểu. Cách chữa trẻ đẻ ra không có da, chữa toàn thấn trứng cá, sơ sinh không biết bú, sơ sinh nhắm mắt, sơ sinh không đi tiểu, sơ sinh đại tiện không thông, lỗ hậu môn không đóng v.v.

Quyển 2: Bài thuốc và cách chữa các bệnh của trẻ: nhức đầu, ho hen, suyễn, viêm, đau bụng, chướng bụng, hoàng thư, tích trệ, mồ hôi trộm v.v. Cách xem mạch (có hình vẽ bộ vị mạch văn) đoán bệnh cho trẻ. Tổng luận về bệnh kinh phong, cấp vạn kinh, kinh phong nhập hầu, cấp kinh phong, cấp kinh nhập hầu v.v.

Quyển 3: Kê bài thuốc và cách chữa các bệnh về bài tiết của trẻ: Hoắc loạn, thổ tả, lỵ, tiểu tiện, đại tiện bế, khí hư thoát cang v.v.

Quyển 4: Cách chữa các chứng cam và một số bệnh khác của trẻ gồm 91 chứng cam, ngoại cảm, ôn tật, thử chứng, phát nhiệt, ngược tột, ban chẩn v.v.

Trong lời đề tựa tác giả nói rõ tầm quan trọng và những khó khăn trong việc chữa bệnh cho trẻ em: “Chỉ cần một sai sót nhỏ thì bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng, mà bệnh nặng thì tính mạng nguy khốn. Như vậy, há lại không phải thận trọng ư ? Lão phu này vì vậy, đã cẩn thận đọc rộng khắp các phương pháp bảo vệ anh nhi của các nhà, rồi biên soạn thành 1 tập, gồm 4 quyển, nhan đề là Hộ nhi phương pháp tổng lục, đại loại thuật lại những di ý của cổ nhân mà trích lấy những chỗ tinh tường thiết yếu, tập hợp thành 1 sách để tiện mở ra xem, để người thầy thuốc chữa bệnh cho trẻ kịp thời ứng dụng, vừa liếc nhìn là đã rõ, không phải vất vả đi tìm các quyển cổ thư mà những phương thuốc hay của tiên thánh, những tôn chỉ sâu xa của Hiên Viên, Kỳ Bá trên vài ngàn năm nay đều có thể nhất nhất thấy được đầy đủ...”

Bài tựa của Hoa Lĩnh tử còn cho biết thêm: “Tiên sinh, năm Cảnh Hưng đời Hoàng Lê đăng khoa giáp, giúp việc triều chính, thọ quốc, thọ dân, giúp nhiều cho thời vạn. Mỗi khi nhàn rỗi, cũng có ý muốn cứu sống người, nên dấu xe in khắp nẻo...”

Như vậy, mục đích biên soạn của tập sách đã rõ. Và để làm nên những trước tác ấy, tác giả đã phải lặn lội nhiều năm, nhiều nơi với thực tiễn chữa bệnh.

III. Liệu dịch phương pháp toàn tập: Nguyễn Gia Phan không những đi sâu vào chuyên khoa nhi, khoa sản mà còn đi sâu nghiên cứu cách chữa, biên soạn sách chữa ông dịch.

Trong lời tựa viết cho Lý âm phương pháp thông lục đã nêu trên, tác giả cho hay: “Duy chỉ có chứng ôn dịch là tối cẩn trọng, đi tìm ở sách cổ, phần nhiều chỉ nói sơ lược, nhưng vẫn phải đem gộp các phương pháp trị liệu cho người lớn, trẻ em, phụ nữ, lại chép làm 1 bộ, đặt tên là Liệu dịch phương pháp toàn tập...” (Hậu tự).

Như vậy, tập sách được hoàn thành cùng một lúc với Lý âm phương pháp thông lục năm Gia Long 13 (1814).

Tại viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 6 bộ Liệu dịch phương pháp, đều là bản chép tay, chữ Hán viết chân phương lẫn viết đá thảo, đều ghi Nguyễn Gia Phan soạn năm Gia Long 13 (1814), có lời dẫn của tác giả, lời bạt của ứng Xuyên Bá Du đề năm Gia Long 15 (1816). Lời dẫn của tác giả cho biết, Liệu dịch phương pháp là tập sách đã được đúc rút ra và thử nghiệm trong thực tế qua 2 trận dịch lớn: Một là vào năm Kỷ Dậu (1789), sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, binh lính bị chết trận nhiều, gia súc bị giết hại lắm. Hai là vào năm Gia Long 13 (1814), trước khi tác giả hoàn thành tập sách này. Cũng qua đây được biết Liệu dịch phương pháp là tập sách đầu tiên xuất hiện ở nước ta với tư cách là sách chuyên khoa chữa dịch. Trước nó, kể cả y học Trung Hoa cũng chưa có bộ sách nào về chuyên khoa này. Như thế thì, Liệu dịch phương pháp của Nguyễn Gia Phan ra đời là một đóng góp cho y học nước ta thời đó.

Lời dẫn cho tập sách của tác giả viết: “... Thường đọc các sách, ghi chép về phương pháp trị liệu, phần lớn là giản lược, Nội kinh có phép nhưng chưa có phương, tiếp theo chưa thấy có phát minh ra tôn chỉ để nói rõ phương pháp ấy. Đến như Trương Trọng Cảnh đời Hán Thái Ninh, được gọi là “y thánh”, khi bàn về pháp trị bệnh thương hàn thì phương pháp rất đầy đủ, nhưng về ôn dịch lại không có phép chữa trị... Nhập môn của Lý tiên sinh, Cảnh nhạc, Trương tiên sinh, cho đến quần thư Tông kim quán đại tập làm ra, trong đó, phép luận trị, đại để giống như thương hàn. Duy có Tung Nhai Cảnh tiên sinh, lập phương luận chứng, phân tích rõ ràng, tỉ mỉ, ý nghĩa tinh thiết, và cũng có hơi khác với mọi nhà, khảo về phương trị, phần nhiều là dùng cho nhiệt chứng, còn như hàn dịch, ôn dịch cũng ít nói đến...

Lão phu này, khi còn ở quê nhà, vốn có biết y thuật. Sau khi thi đỗ, cũng vẫn thường đọc sách thuốc. Nhưng về ông dịch cũng chỉ lướt qua, chỉ thu hoạch được những điều chung chung, vốn chưa đọc kỹ cả quyển sách. Hồi cuối Lê gặp biến cố, phải nương náu ở thôn quê. Đầu mùa xuân, năm Kỷ Dậu (1789), trong nước xảy ra chiến tranh lớn, sát thương rất nhiều, chỉ trong tuần nhật, dịch khí nổi lên rất lớn. Khắp nơi vang lên tiếng kêu khóc. Người thầy thuốc không thể ra tay được, nhân mới đọc khắp quần thư, chọn lấy chỗ sở đắc, học lấy đại ý, dùng vào việc gấp rút cứu chữa người, may mà cứu sống được nhiều người. Mỗi khi nghiên cứu thành công, bèn biên tập thành sách để tiện sử dụng...”

Lời bạt của ứng Xuyên Bá Da, khẳng định: “Năm Kỷ Dậu (1789), Giáp Tuất (1814), 2 lần dịch khí lưu hành, chữa trị cứu sống nhiều người. Lại nghĩ rằng, chứng cảm nhiễm có nặng có nhẹ mà phương pháp luận trị thì khác nhau, trị pháp sơ lược, đơn giản. Trong lúc bệnh tình nguy kịch, chưa dễ gì mà ra tay...

Mùa xuân năm Bính Tý (1816) ở quán Từ Ngọc, được ông cho xem tập Liệu dịch phương pháp, lật đi lật lại, thấy tôn lão đài biên chép, liệt kê quả thực là giản dị mà dễ hiểu, chính xác mà không sai, đã nêu ra được cái mà y tông chưa nêu ra được, làm rõ được cái sở học của mọi nhà mà trước đây chưa làm rõ được...”

Bộ sách gồm 2 quyển, nội dung phong phú:

Quyển 1: Bàn về vận khí và vận khí tổng luận, về bệnh ôn dịch và phép xem mạch bệnh ôn dịch, về cách chữa dịch của các tiên thư, tiên y Trung Hoa, như: Nội Kinh, Y thống, Nhân Trai Dương tiên sinh, Đan Khê tiên sinh, Vân Lâm Cung tiên sinh, Triệu Thị Y quán, Nhập môn Lý tiên sinh, Cảnh nhạc tiên sinh, Phùng Thị Cẩm Nang, Ngô Miễn Học tiên sinh, và về phép chữa trị bệnh Thái âm kinh, phép chữa bệnh hàn dịch, thấp dịch v.v.

Quyển 2: Tiếp tục luận bàn về ôn dịch, trong đó có trích giới thiệu các chứng dịch của các nhà cùng các phương thuốc chữa: Tung Nhai Cảnh tiên sinh luận, Đông Viên Lý tiên sinh luận, phụ nhân thương hàn luận và phép dùng thuốc chữa bệnh thương hàn cho phụ nhân. Tiểu nhi ôn dịch luận và cách chữa dịch cho trẻ em. Kê nhiều phương thuốc ngoài tránh dịch khí, trong trị dịch khí. Tổng luận về ôn dịch, về chướng khí, chướng khí mạch pháp, bệnh chướng khí v.v.

Liệu dịch phương pháp toàn tập, hiện ở thư viện Hán Nôm có 6 ký hiệu:

- A.1306: Chép tay, chữ Hán, chân phương, 131 tờ, tờ 18 dòng, dòng 26 chữ, khổ 28 x17cm: Chép Quyển 1.

- A.3203: Chép tay, chữ Hán chân phương, 44 tờ, tờ 20 dòng, dòng 26 chữ, khổ 28 x 17cm: Chép Quyển 2.

- VHv.4034 và VHv.3889: Chép tay, chữ Hán đá thảo, 54 tờ, tờ 16 dòng, dòng 27 chữ, khổ 28 x16cm: Chép Quyển 1.

- VHv.4027 và VHv.3907: Chép tay, chữ Hán đá thảo, mỗi ký hiệu 56 tờ, tờ 16 dòng, dòng 26 chữ, khổ 28 x16cm: Chép Quyển 2.

Như vậy, với các ký hiệu thư viện hiện có, Liệu dịch phương pháp đã có đủ bộ gồm Quyển 1 và Quyển 2.

*
**

Để hiểu rõ thêm sự đóng góp của Nguyễn gia Phan về y học Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX, xinh tuyển dịch bài tựa của Hoa Lĩnh Tử viết cho tập Hộ nhi phương pháp tổng lục như sau:

“Ấu khoa có người còn gọi là á khoa. Quả thực về trị pháp khó nói ra cho rõ ràng, mà việc dụng dược không thể xem nhẹ được vậy. Ôi ! Đạo của người làm thuốc khó nói lắm thay ! Bệnh cơ bất đồng, phương pháp bất nhất, mà con trẻ thì rất khó hỏi, khó ra tay. Như vậy há chẳng phải là một khoa khó khăn nhất trong các khoa ư ?

Tiên sinh lý học nho tông, đức y thế phiệt. Khoảng năm Cảnh Hưng, đăng khoa giáp, bồi tòng chính sự, thọ quốc thọ dân, nhiều phen cứu giúp vất vả. Mỗi khi nhàn rỗi, càng có ý đi cứu sống người, nơi có dấu xe đi tới, thường thường cứu được người bệnh đau lâu ngày đã tới chỗ tuyệt vọng. Như vậy, cái học của Hiên Viên, Kỳ Bá có lẽ cũng với cái đạo của Chủ Công, Khổng Tử đều cùng được lưu truyền vậy. Ôi, bậc học giả tuổi cao, lý lẽ, học thuật càng tiến, lại làm sáng tỏ những điều còn mờ nhạt trong sách vở. Bèn làm cuộc đại tập hợp các phương pháp cổ kim, tường giải bệnh cơ, chắt lọc lấy những chỗ tinh hoa, dạy cho người đời sau những điều chuẩn tắc, nên đã soạn ra các tập Lý âm, Liệu dịch, Hộ nhi, tập hợp nhiều tông phái y đạo, và cũng đã đạt nhiều hiệu quả.

Dự tôi buổi đầu làm quan ở Hoài Đức, gia từ, gia quyến phần nhiều đều nhờ cậy ở ông mà được bảo toàn. Kế đó, phái chạy vạy bồi tòng đây đó, ông lại hẹn rằng, vào mùa xuân năm Đinh Hợi cho xem hai tập Liệu dịch và Hộ nhi, rồi sai làm bài tựa. Dự tôi nghĩ rằng, những lời cách ngôn trong các phương thư từ cổ chí kim đầy rẫy như rừng, cho dù bậc học giả đời sau có muốn đọc hết thì cũng không biết bắt đầu từ đâu giữa những xe sách ngổn ngang, huống hồ muốn nắm một điểm chốt để biết toàn thể, không phải khó nhọc tìm tòi học hỏi. Hộ nhi phương pháp làm ra cũng là vì vậy. Nay làm bài tựa.

Dự tôi, tước Hoa Lĩnh tử, chức Phủ học phủ Hoài Đức, vái đề tựa”.

http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9801.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020