Ngôn ngữ

Vị từ tiếng Việt với việc biểu hiện sự tình động và tĩnh


15-10-2020
Tác giả: Bùi Minh Toán

Vị từ tiếng Việt với việc biểu hiện sự tình động và tĩnh     

GS. TS. BÙI MINH TOÁN

SUMMARY
The article researches into features of the predicates inVietnamese language. Accordingly, with their functional activities, predicates in Vietnamese can be transformed so as to represent things and situations different in specific characteristics. Such transformation of predicates needs support from outside elements such as speed, direction, grammarization with stringent conditions for components (when shifting from dynamic to static characteristic).

1. Như đã biết, câu thường có thành phần nghĩa biểu hiện. Đó là nghĩa đề cập đến một sự tình (sự việc, sự thể) nào đó trong hiện thực. Mỗi sự tình có một cấu trúc, thường bao gồm lõi là một vị tố và các tham thể. Vị tố là hạt nhân của sự tình, còn các tham thể là các thực thể tham gia vào sự tình. Trong thực tế có nhiều loại sự tình (hành động, quá trình, trạng thái, tư thế, quan hệ,…). Chúng khác nhau về đặc điểm của vị tố và về số lượng, đặc điểm của các tham thể.

Các sự tình được phân biệt theo một số đặc trưng (tiêu chí), trong đó có một đặc trưng mà S. C. Dik đã sử dụng và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đó là đặc trưng (+/- động ), hay nói cách khác đó là tiêu chí để phân biệt sự tình động và tĩnh. Bài này muốn góp thêm tiếng nói vào sự phân biệt các sự tình theo đặc trưng (+/- động), và xem xét các vị từ của tiếng Việt theo khả năng biểu hiện hai loại sự tình này.

2. Trước hết, cần phải hiểu thế nào là một sự tình động (đặc trưng +động ), và thế nào là một sự tình tĩnh (đặc trưng - động)?

Theo S. C. Dik, sự tình (+động) là “sự tình, bằng cách này hay cách khác liên quan đến sự chuyển tiếp từ tình huống Si sang tình huống Sj” (2; 49). Từ đó có thể nói rằng sự tình động là sự tình có sự vận động, diễn biến trong không gian và/ hoặc thời gian, có sự biến đổi về một phương diện nào đó của các thực thể tham gia trong sự tình (các tham thể).

Ví dụ về các sự tình động được biểu hiện trong các câu sau:

(1) Hầu như ở nông thôn, nhà nào cũng trồng chuối. (Nguyễn Trọng Tạo)

(2) Chị Dậu lã chã hai hàng nước mắt. (Ngô Tất Tố)

(Vị từ thể hiện vị tố được in nghiêng đậm)

Trái lại, sự tình tĩnh (-động) “không bao hàm bất kì sự biến đổi nào, tức là những thực thể không đổi ở bất kì thời điểm nào trong suốt thời gian tồn tại của sự tình”. (2; 49)

Ví dụ về sự tình tĩnh:

(3) Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. (Tô Hoài )

(4) Những phù điêu này giống những bức tranh kia lạ lùng. (Nguyễn Phan Hách)

Sự nhận thức và phân biệt các sự tình động và tĩnh có thể là một nét phổ quát đối với mọi cộng đồng ngôn ngữ, nhưng hình thức thể hiện bằng ngôn ngữ thì có sự khác biệt giữa các ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ có những cách biểu hiện riêng của mình đối với hai loại sự tình đó.

3. Về hình thức biểu hiện bằng ngôn ngữ, thì làm thế nào để nhận ra sự tình động hay tĩnh? Đặc biệt là ở một ngôn ngữ như tiếng Việt, nơi mà bản thân vị từ không có hình thức riêng khác nhau để biểu hiện các loại sự tình khác nhau.

Có thể chia sẻ với ý kiến của Nguyễn Thị Quy khi tác giả đề xuất dấu hiệu thuộc chiều tốc độ để phân biệt các sự tình động và tĩnh. Sự tình động, như trên đã nói, là sự tình có sự vận động biến đổi trong không gian và/hoặc thời gian, cho nên sự biến đổi đó thể hiện qua dấu hiệu tốc độ, cho dù tốc độ đó có thể rất nhỏ. Khi thể hiện trong câu, vị từ biểu hiện sự tình động có thể có từ ngữ thể hiện tốc độ (bỗng, ngay, lập tức, tức khắc, dần dần, từ từ, thong thả, nhanh, chóng, chậm,...) đi kèm. Ví dụ:

(5) Mặt lão đột nhiên co rúm lại. (Nam Cao)

(6) Cô tôi bỗng đổi giọng, lại vỗ vai, nhìn vào mắt tôi, nghiêm nghị. (Nguyên Hồng)

Trong khi đó, các sự tình tĩnh không có sự vận động biến đổi, nên không thể mang dấu hiệu tốc độ: cạnh vị từ không có và không thể có từ ngữ thể hiện tốc độ. Ví dụ:

(7) Quả mít xù xì. Mỗi múi  một túi thơm. (Băng Sơn)

(8) Dân như nước, mình như cá. (Hồ Chí Minh)

Nếu mỗi vị từ đều được sử dụng trong mọi trường hợp với cùng một nghĩa biểu hiện và cùng những đặc điểm ngữ pháp thì vấn đề chỉ ở mức độ đơn giản. Tình hình phức tạp là ở chỗ: Trong tiếng Việt, ở nhiều trường hợp cùng một hình thức âm thanh của vị từ, nhưng có thể dùng để biểu hiện hai loại sự tình: động hoặc tĩnh. Lúc đó ở vị từ đã có sự chuyển hoá. Đó là sự chuyển hoá cả ở mặt ý nghĩa và cả ở mặt đặc điểm ngữ pháp.

Khi không có sự thay đổi hình thái, thì sự chuyển hoá của vị từ (từ đặc trưng + động sang đặc trưng - động, và ngược lại), được biểu lộ nhờ những yếu tố nào, và căn cứ vào đâu để xác định sự chuyển hoá của vị từ?

4. Từ thực tế sử dụng, có thể nhận ra: Từ chỗ biểu hiện sự tình tĩnh sang biểu hiện sự tình động, vị từ tiếng Việt cần đến những cách thức và các yếu tố hỗ trợ như sau:

4.1. Có sự hỗ trợ của một yếu tố chỉ tốc độ, yếu tố này, như trên đã nói, là đặc tính của sự tình động. Ví dụ:

(9) Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực, nên tôi chóng lớn lắm. (Tô Hoài). Ss: lớn / chóng lớn.

(10) Trời đất đang sáng, bỗng dưng sầm tối. Ss: tối / bỗng dưng sầm tối.

4.2. Có sự hỗ trợ của một yếu tố chỉ hướng biến đổi (vốn là các vị từ chỉ sự di chuyển có hướng: ra, vào, lên, xuống, sang, qua, về, lại, tiến, lui, đến,…). Ví dụ:

(11) Mùa đông phương Bắc, đêm như dài ra, và ngày ngắn lại. Ss: dài, ngắn / dài ra, ngắn lại.

(12) Nghe bác Địa nói, mặt Tâm nóng lên rần rật. ( Lê Lựu )

Ss: nóng / nóng lên.

4.3. Có sự hỗ trợ của một yếu tố đã ngữ pháp hoá: đánh, làm ở trước vị từ hay hoá ở sau vị từ. So sánh:vỡ / đánh vỡ; hỏng /đánh hỏng; mới / làm mới; đẹp / làm đẹp; trẻ / trẻ hoá; hợp lí / hợp lí hoá… Ví dụ:

(13) Buồng quả chín, người ta phải thu hoạch, không thì lũ chim chóc, dơi chuột sẽ làm hỏng đi. ( Phan Ngọc Linh ). Ss: hỏng / làm hỏng.

(14) Anh về cứng hoá con đê

 Để em ngọt hoá ruộng quê bạc màu (Vũ Văn Dân)

 Ss: cứng / cứng hoá, ngọt / ngọt hoá

Như thế với sự hỗ trợ của một yếu tố ở bên ngoài (đi trước, hoặc đi sau), vị từ của tiếng Việt có thể chuyển hoá từ đặc trưng tĩnh sang đặc trưng động.

5. Xu hướng ngược lại diễn ra khi một vị từ vốn biểu hiện sự tình động chuyển hoá để biểu hiện sự tình tĩnh. Điều đó lại đòi hỏi những nhân tố khác: điều kiện về kết cấu của kiểu câu. Theo tư liệu khảo sát của chúng tôi, có thể nhận thấy chiều hướng chuyển hoá này ở hai trường hợp phổ biến sau:

5.1. Trong kết cấu câu tồn tại định vị

 Kết cấu loại này thường bao gồm ba thành tố: tham thể không gian - vị tố tồn tại - tham thể sự vật tồn tại.

Vị từ điển hình chỉ sự tình tồn tại là: có, còn, hết, nhưng có thể là các vị từ khác cũng mang đặc trưng (- động ). Ví dụ:

(15) Trên trời có đám mây xanh (ca dao)

(16) Trên đất Điện Biên lịch sử mới ngày nào còn đầy mìn và ngổn ngang những xác xe tăng và máy bay địch, nay đã mọc lên một nông trường rộng lớn, ngày ngày vang rộn tiếng máy cày và một thị trấn chan hoà ánh điện. (Phạm Văn Đồng)

Khi ở vị trí của vị tố trong kết cấu này được sử dụng một vị từ vốn mang đặc trưng (+ động) thì vị từ đó đã chuyển hoá để biểu hiện một sự tình tĩnh: trạng thái tồn tại của sự vật ở sau, một trạng thái là kết quả của một hành động. Ví dụ:

(17) Giữa nhà treo một lá cờ đỏ sao vàng. (Võ Quảng)

(18) Ở trong thắp hàng trăm hàng nghìn đèn nến sáng trưng. (Truyện cổ)

Trong những câu kiểu tồn tại định vị này, dù vị từ vốn là vị từ hành động (mang đặc trưng + động), nhưng để biểu hiện được trạng thái tồn tại của sự vật ở sau, chúng không thể cho phép sự có mặt của từ ngữ thể hiện tốc độ hay hướng biến đổi. Chẳng hạn, trong câu 17 không thể dùng từ bỗng ở trước hay/ và từ lên ở sau vị từ treo: * Giữa nhà (bỗng)treo (lên)một lá cờ đó sao vàng.

Hơn nữa, để vị từ và kiểu câu này biểu hiện được một sự tình tĩnh (trạng thái tồn tại), kiểu kết cấu này còn đòi hỏi thoả mãn điều kiện sau: Trong câu không có từ ngữ biểu hiện chủ thể của hành động mà vị từ thể hiện theo nghĩa gốc, hoặc không thể hiểu như là câu đã tỉnh lược từ ngữ chỉ chủ thể. Nếu câu ví dụ 17 ở trên mà có hoặc được thêm vào từ chỉ chủ thể (anh ấy) ở trước vị từ treo thì câu không biểu hiện sự tình tồn tại mà biểu hiện sự tình hành động (Ss: Giữa nhà, anh ấy treo một lá cờ đỏ sao vàng).

5.2. Trong kết cấu câu tình thế

Kiểu kết cấu này cũng thường có ba thành tố: ở giữa là vị từ vốn biểu hiện một sự tình động (hành động), thành tố đi trước vị từ vốn thể hiện đối thể của hành động ấy, sau vị từ có một hay một số thành tố thể hiện hoàn cảnh (thời gian, không gian, kết quả, mức độ, sự hoàn thành…). Nhưng khi tham gia ở kết cấu này, vị từ đã chuyển hoá và mang đặc trưng - động, còn tham thể đi trước cũng không còn đóng vai đối thể nữa. Ví dụ:

(19) Xe đã chữa xong. (TTTN)

(20) Nguyễn Duy… sinh năm 1948 tại xã Đồng Vệ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. (Ngữ văn 12)

(21) Cò ngà, cò trắng, cò xanh, cò ma,… buộc từng xâu, chất nằm hàng đống. (Đoàn Giỏi )

Đã từng có những quan niệm khác nhau về kết cấu ý nghĩa và kết cấu ngữ pháp của kiểu câu này. Có tác giả cho rằng đây là kiểu câu không có chủ ngữ, chỉ có tân ngữ chỉ đối tượng ở đầu câu và động từ tác động đi sau làm vị ngữ (x. 5).Có tác giả quan niệm đây là kiểu câu gồm đề và thuyết, trong đó đề là đối thể của hành động do vị từ của thuyết biểu thị (3; 116).

Các quan niệm trên tuy có điểm khác nhau, nhưng vẫn giống nhau ở một điểm: cho rằng vị từ vẫn biểu hiện hành động và có đối thể là thành phần danh từ tính ở đầu câu.

Chúng tôi quan niệm rằng, cũng như ở kiểu câu tồn tại định vị trên đây, ở kiểu câu này, vị từ không biểu hiện một sự tình động (hành động), mà đã chuyển hoá để biểu hiện một sự tình tĩnh: một tình thế, một trạng thái (như là hệ quả của một hành động hay quá trình). Còn thành tố đi trước vị từ không biểu hiện đối tượng của hành động (đối thể), mà biểu hiện thực thể ở tình thế hay trạng thái mà vị từ đi sau thể hiện. Điều đó bộc lộ qua những đặc điểm sau đây (cũng là những điều kiện chế định đối với kiểu kết cấu này để nó biểu hiện tình thế, trạng thái):

- Trong kết cấu này không có từ ngữ thể hiện chủ thể của hành động mà vị từ thể hiện theo nghĩa gốc. Chẳng hạn, nếu ở ví dụ 19 mà có từ chỉ chủ thể thì đó là kiểu câu biểu hiện sự tình động (hành động), chứ không phải sự tình tĩnh: Xe, anh ấy đã chữa xong.

- Không có các từ ngữ thể hiện tốc độ ở trước hay sau vị từ. Chẳng hạn, không thể nói hay viết: *Xe đã dần dần chữa xong.

- Cần có từ ngữ thể hiện kết quả, sự hoàn thành, mức độ, hay các hoàn cảnh về thời gian, không gian. Nghĩa là, ngoài vị từ và thành tố đi trước vị từ, kết cấu này đòi hỏi có mặt của thành tố thứ ba. Không thể có những phát ngôn kiểu *Xe chữa, *Nguyễn Duy sinh (lưu ý rằng Nguyễn Duy là tác giả đàn ông), *Cò ngà buộc, *Cò trắng chất… mà trong đó vị từ xuất hiện với tư cách thể hiện vị tố hành động của một sự tình.

Hiện tượng chuyển hoá từ vị từ mang đặc trưng động (biểu hiện sự tình hành động hay quá trình) sang vị từ mang đặc trưng - động (biểu hiện sự tình tình thế, trạng thái) dễ thấy hơn trong trường hợp có một chuỗi câu, ở đó phần lớn là các vị từ mang đặc trưng -động, và xen kẽ hay kế tiếp là một vị từ chuyển hoá từ động sang tĩnh. Quan sát ví dụ sau:

(22) Gương mặt căng. Da đỏ hồng. Tai to như tai Phật. Mái tóc cắt ngắn, loáng thoáng vài ba sợi bạc. (Trần Đăng Khoa)

Trong đoạn trên, nối tiếp sau 3 sự tình được thể hiện bằng 3 vị từ mang đặc trưng tĩnh (căng, hồng, to), là một sự tình được biểu hiện bằng một vị từ chuyển hoá từ đặc trưng động sang đặc trưng tĩnh (cắt).

Sự chuyển hoá từ động sang tĩnh của vị từ cũng gặp thấy ở những ngôn ngữ khác. Nếu liên hệ với các ngôn ngữ cùng loại hình hay khác loại hình với tiếng Việt thì ta sẽ thấy có những sự tương đồng và khác biệt. Ss các câu tương đương:

(23) Tiếng Việt: Thư đã viết xong.

(24) Tiếng Hán: Xìn xie hăo le.

(25) Tiếng Nga: Писимо написано.

Ta thấy, tương tự như ở tiếng Việt, vị từ xie (viết) trong tiếng Hán chuyển hoá để thể hiện sự tình trạng thái (tình thế) mà không thay đổi về hình thái, tuy rất cần sự có mặt của thành tố chỉ kết quả, sự hoàn thành (hăo le好了). Còn ở tiếng Nga, vị từ tương ứng tuy cùng gốc nhưng cần những sự thay đổi về hình thái: từ động từ написать(biến đổi theo ngôi, số, giống, thời) sang tính động từ написано(pritsatie - hình thái vừa mang đặc điểm của động từ, vừa mang đặc điểm của tính từ (biến đổi theo giống, số, thời, nhưng không theo ngôi). Những trường hợp như thế cho thấy sự tương đồng về hướng chuyển hoá và chức năng (mục đích) chuyển hoá nhưng khác nhau về cách thức và phương tiện.

6. Kết luận

Trong hoạt động hành chức, vị từ tiếng Việt có thể chuyển hoá để biểu hiện những loại sự tình khác nhau về đặc trưng (+/- động). Trong sự chuyển hoá đó vị từ cần sự hỗ trợ của các yếu tố bên ngoài như yếu tố biểu thị tốc độ, yếu tố chỉ hướng, yếu tố ngữ pháp hoá (khi chuyển từ đặc tính tĩnh sang đặc tính động), hoặc cần được sử dụng trong những kết cấu đặc thù (kết cấu câu tồn tại định vị, kết cấu câu tình thế) với những điều kiện khắt khe về các thành tố (khi chuyển từ đặc tính động sang đặc tính tĩnh).(*)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Diệp Quang Ban, Ngữ pháp Việt Nam, phần Câu, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2004.
[2] Dik S. C., Ngữ pháp chức năng. NXB Đại học Quốc gia, TP HCM, 2005.
[3] Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, q. I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
[4] Nguyễn Thị Quy, Vị từ hành động trong tiếng Việt và các tham tố của nó (so sánh với tiếng Nga và tiếng Anh), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
[5] Nguyễn Minh Thuyết, Câu không chủ ngữ với tân ngữ đứng đầu, “Ngôn ngữ”, s. 1, 1981.
[6] Bùi Minh Toán – Đinh Trọng Lạc, Tiếng Việt, t. 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997.
[7] Trung tâm Khoa học xã hội & Nhân văn Quốc gia, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

 


(*) Bài viết này đã được hiệu chỉnh từ báo cáo KH gửi Hội thảo KH Quốc tế Ngôn ngữ học Liên Á năm 2004 tại HàNội (BMT).

Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 4(12)/2011.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020