Ngôn ngữ

PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT CẢM XÚC TRONG PHÓNG SỰ “TÚP LỀU NÁT” CỦA NGUYỄN ĐỔNG CHI


15-10-2020
Tác giả: Huỳnh Thị Hồng Hạnh

Abstract: In the reportage "Túp lều nát", journalist Nguyen Tran Ai (aka Nguyen Dong Chi) meticulously collected each and every story and event at places he passed by; he observed, reported and shared with the miserable "grassroots" their misfortune and resentment; as well as expressed his indignation, painful irony and despise the cruel, heartless government and village officials who had pushed the common people to their dead end. The writing studied and described the modes of expressing emotion in the reportage, in order to highlight one of the specific characteristics of the Vietnamese reportage language in the early half of the 20th century, and Nguyen Dong Chi's contribution to this field. Key words: modes of expressing emotion; Túp lều nát; Nguyễn Đổng Chi.

CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT CẢM XÚC TRONG PHÓNG SỰ “TÚP LỀU NÁT” CỦA NGUYỄN ĐỔNG CHI

(MODES OF EXPRESSING EMOTION IN THE REPORTAGE "TÚP LỀU NÁT" BY NGUYEN DONG CHI)

 HUỲNH THỊ HỒNG HẠNH (TS; ĐH KHXH & NV, ĐHQG TP HCM)

1. Đặt vấn đề

 1.1. Trước khi trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, với bút hiệu Nguyễn Trần Ai, Nguyễn Đổng Chi đã bước vào làng báo bằng một tập phóng sự khá sắc sảo, hấp dẫn cả về nội dung phản ánh và văn phong. Có thể nói “Túp lều nát” của Nguyễn Đổng Chi là một tư liệu đáng quý không chỉ ở phương diện phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam trước năm 1945 mà còn đáng ghi nhận ở khía cạnh đóng góp cho sự phát triển và hoàn thiện của văn phong báo chí quốc ngữ thời kì đầu. Bài viết này đặt mục tiêu tìm hiểu các phương thức biểu đạt cảm xúc trong tập phóng sự “Túp lều nát” của Nguyễn Đổng Chi (Mộng Thương thư trai, Hà Tĩnh xuất bản lần thứ nhất vào năm 1937; nhà xuất bản Văn học in lần thứ hai vào năm 1999) như một nét đặc trưng cho phong cách ngôn ngữ phóng sự đương thời.

 1.2. Theo Huỳnh Dũng Nhân, “phóng sự là một thể tài báo chí, phản ánh những vấn đề thời sự có ý nghĩa chính trị xã hội, được bạn đọc quan tâm. Phóng sự có thể được viết bằng bút pháp mang tính chất văn học. Trong phóng sự có nhân vật và có cái tôi trần thuật, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ và đạt tới sự rung cảm cùng nội tâm tác giả về những vấn đề mà bài báo nêu ra.” [2; 42]. Trong “Các thể kí báo chí” (1992), Đức Dũng cũng cho rằng “phóng sự là thể loại đứng giữa văn học và báo chí, có khả năng trình bày, diễn tả những sự kiện, con người, tình huống điển hình thông qua cái tôi trần thuật, vừa tỉnh táo, vừa lí trí, vừa cảm xúc, với một bút pháp giàu chất văn học” [1; 60]. Cả hai ý kiến trên đều nhấn mạnh đến “chất văn học”, “sự rung cảm” và “cảm xúc” trong ngôn ngữ phóng sự. Ranh giới giữa báo chí và văn học trong ngôn ngữ phóng sự đầu thế kỉ XX có lẽ vẫn còn khá mong manh nên khi đọc tập “Túp lều nát” của Nguyễn Đổng Chi, người đọc cảm nhận một cách sâu sắc những cảm xúc phức tạp, đa dạng như giận dữ, uất ức, phẫn nộ, chua xót, cay đắng, đau buồn…trong từng câu chuyện, từng tình tiết, trong ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả. Dường như màu sắc cảm xúc văn học đã có phần lấn át tính sự kiện của báo chí trong từng trang viết của tập phóng sự.

2. Sự đa dạng của các hình thức biểu đạt cảm xúc trong tập “Túp lều nát”

2.1. Biểu đạt bằng các biện pháp tu từ

Nếu không kể lời đề tựa, tập phóng sự có tổng cộng 13 chương xoay quanh một chủ đề chung cuộc sống tăm tối, nghẹt thở, cùng cực của “loài động vật ngắn cổ” (tr.17) dưới “chế độ hào cường” (tr.49).

Chủ đề của tập phóng sự được diễn đạt một cách hình ảnh bằng biện pháp phúng dụ ngay từ tiêu đề: “Túp lều nát”. Hình ảnh “túp lều nát” được mô tả với các chi tiết chân thực ngay từ lời tựa: “một túp lều sắp đổ (…), một túp lều không ra hồn, một túp lều nát (tr. 12) với “những đường xà, cột trụ nhìn ngoài trông vẫn bóng loáng, đẹp đẽ đấy, nhưng ta thử ấn tay vào một tí có phải nó rúm ró như cạp bánh đa không?” (tr.12). Và túp lều ấy “có vô vàn con mọt đã đục khoét thành rãnh, thành hang”, “trên nóc lều, một vài con chuột thấy bóng người đang chạy trốn nháo nhác” (tr.12). “Rồi còn hai mái lều. Hôm nay trời nắng. Bao nhiêu tia sáng chui qua chỗ hở dọi vào làm cho mắt các ngài nhìn thấy rõ mồn một. Nhưng nếu gặp phải hôm trời mưa thì than ôi! Các ngài sẽ bị ướt từ đỉnh đầu đến gót chân như chuột lột, dù đứng ở trong nhà.” (tr.13).

Song song với phúng dụ, các hình thức diễn đạt ẩn dụ cũng được ưu tiên sử dụng khiến cho câu văn phóng sự có thêm chiều sâu của sự liên tưởng. “Mùa gặt sưu thuế” (tr.26) thực sự là mùa “thu hoạch” của bọn tổng lí hào cường: “gặt sưu thuế giữa dân gian” (tr.25). Trong chuỗi hình ảnh ẩn dụ “mùa gặt của hương lí” (tr.25), cũng xuất hiện đầy đủ các công cụ phục vụ cho công việc “gặt hái” đặc biệt này: “một quản bút, một cái cùm nhỏ, con roi mây, cái thước tay và một chiếc kẹp tay” (tr.25). Không khí của “mùa gặt” đầy sôi động với những âm thanh “trống thúc như cháy nhà suốt đêm ngày” (tr.26), “cảnh lùng sục bắt sưu nặn thuế” (tr.26), “dọa nạt” (tr.29), “cùm kẹp” (tr.26) , “khảo của” (tr.30)… Có cả cảnh mặc cả đầy kịch tính “cò kè bớt một thêm hai” (tr.27) vì một bên thì “nói thách” (tr.27) còn một bên thì “trả rẻ” (tr.27). Lại có cả cảnh “tra khảo cho lòi của ra” (tr.30)… Hỗ trợ thêm cho những hình ảnh ẩn dụ về “mùa gặt” nhiều yếu tố kịch tính nêu trên, các biện pháp tu từ khác như: so sánh, tăng tiến, tương phản… đã góp phần mang lại cho câu văn những mô tả sống động về nỗi thống khổ của những phận người thấp cổ bé họng chỉ có thể “bán cốt lột xương” (tr.32) để đóng thuế nếu không thì đành chấp nhận “đút chân vào cùm” (tr.32).

Phép so sánh tu từ cũng được sử dụng khá hiệu quả nhờ sức mạnh thông tin từ những hình ảnh sống động được đem ra so sánh: “dân quê như những khối căm hờn mà lì mặt” (tr.22), “dân là một cục tội muốn quăng vạ vật thế nào cũng được” hoặc “một bầy kiến muốn dẵm thế nào tùy ý” (tr.112), “những con sâu mọt ấy khôn ranh, liều lĩnh và biến hóa lợi hại vô cùng, chặt đầu này nó mọc đầu khác như những con quái vật trong tiểu thuyết Tàu” (tr.23), “Cảnh tượng diễn ra in hệt như cảnh tượng bọn trẻ con lăm le liếm chảo trong ngày hội Cát-tó. Rồi người ta vươn tay ra cướp, một vật lại văng ra khỏi cửa và lọt vào tay hai ông Lý khác. Lần này hai ông có sức mạnh tương đương nên giằng co nhau mãi không bên nào thắng bên nào” (tr.96), “một anh tổng lí là một cái máy để ép dân, ép cho ra xu, ép cho bẹp dí” (tr.112) … Tuy nhiên, phép tương phản mới là phép tu từ nổi bật nhất trong tập phóng sự. Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật sự đối lập giữa hai thành phần xã hội trong “túp lều nát”: bọn hương lí nhũng lạm và người dân quê khốn cùng. Có thể hình dung sự tương phản đó xuyên suốt trong cả 13 chương phóng sự: “3 hào bạc kia đút vào tráp ông Lý. Tên tráng nọ đút chân vào cùm.” (tr.32), “một đằng thì nôn nảy muốn có tiền ngay lập tức để thay cho sự trói trăn sự cùm kẹp, còn một đằng thì thong thả tỏ bộ không cần, tuy rằng trong bụng thèm mua muốn chết.” (tr.43)… Phép tăng tiến cũng được sử dụng khá hiệu quả bằng các cấu trúc câu: “không những A mà (còn) B”, “từ A cho đến B”, “A chưa chán lại còn B”… để biểu đạt sự khốn cùng của dân quê và sự tàn ác của hương lí: “Họ phải rủ nhau đi xứ khác ăn mày bởi vì không những mùa màng năm nay cúng sạch cho thần Hà Bá mà mùa màng năm ngoái cũng đi đời với nạn sâu keo.” (tr.34), “Cái gì người ta mua được là bán liền. Từ những của gia sản: ruộng nương, nồi đồng, mâm thau, áo quần, bát đĩa cho đến những con trâu, con bò là vật tay chân, cái bình hương, án thư là đồ kỉ niệm của cha ông, thậm chí con cái là máu mủ của mình mà cũng đành rứt tình đem cầm, đem bán đi, đặng mong cho đủ số tiền thuế, tiền sưu, nếu không tất chẳng được yên thân chỗ chôn nhau cắt rốn” (tr.43)… Hoặc đôi khi tăng tiến cũng chỉ đơn thuần là những mệnh đề được sắp xếp theo trình tự tăng dần về mặt mức độ tính chất của sự kiện, chẳng hạn như: “người ta chen nhau, lấn nhau, người ta tóa mồ hôi, người ta toạc áo. Cảnh tượng diễn ra in hệt như cảnh tượng bọn trẻ con lăm le liếm chảo trong ngày hội Cát-tó.” (tr.96).

 2.2. Biểu đạt bằng các từ ngữ giàu tính biểu cảm trong ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật

Song song với việc sử dụng các biện pháp tu từ, cảm xúc của tác giả trước hiện thực xã hội phản ánh trong bài báo còn được thể hiện khá hiệu quả ở các từ ngữ giàu tính biểu cảm không chỉ ở ngôn ngữ tác giả mà còn ở ngôn ngữ nhân vật. Tác giả xưng “tôi” khi trình bày, bàn luận về các vấn đề, các sự kiện được đề cập trong tác phẩm. Sự tự do thể hiện cái tôi trần thuật của người viết đã giúp cho ngôn ngữ phóng sự trở nên sinh động, giàu cảm xúc và dễ đi vào lòng người. Ngôn ngữ nhân vật thường xuất hiện xen kẽ với ngôn ngữ trần thuật của tác giả. Ngôn ngữ nhân vật có vai trò nhấn mạnh và khẳng định tính khách quan của sự kiện. Đây là ngôn ngữ của những đối tượng khác ngoài tác giả, bao gồm: ngôn ngữ nhân vật trực tiếp (lời nói được trích dẫn trực tiếp, xuất hiện trong những tình huống đàm thoại) và ngôn ngữ nhân vật gián tiếp (tác giả dùng lời của mình để diễn đạt lại nội dung phát ngôn của nhân vật).

- Ngôn ngữ nhân vật vừa mang đậm tính khẩu ngữ vừa dữ dội, khốc liệt một cách trần trụi được thể hiện qua những động từ mạnh hoặc các thán từ được sử dụng có chủ ý: “Họ nuốt đến hơn 100 bạc ngon lành” (tr.46); “Ăn cả! Chính tôi đây thú thiệt cũng phải tìm cách ăn nữa chớ nói ai. Quan trên ăn lên đầu Chánh Phó tổng, Chánh Phó tổng ăn lên đầu Lý trưởng, Lý trưởng đâm bổ ra ăn dân” (tr.51), “Kiện ra chúng nhét khoản này cho đinh thiếu, điền thiếu, khoản nọ nhét làm đình làm chùa. Nhưng vẫn còn tòi ra 60 quan không biết nhét vào đâu cho hết” (tr.52); “Nó mới nhằm vào những bọn có máu mặt đã trót lẩm của nó những miếng hẩu mà đến đòi lại tiền. Mấy tay chức sắc được đấm miệng rồi thấy nó giở giói ra thì há miệng mắc quai, đành đệ đơn xin xỏ quan trên” (tr.69); “Chúng tôi tìm tòi xiết được có chừng nấy. Mà lấy được của nó cũng dư khốn. Vợ nó với nó chạy ra tríu mãi…

 - Các thành ngữ, quán ngữ được lồng vào trong lời các nhân vật một cách sinh động và uyển chuyển: trôi sông lạc chợ (tr.38), ăn to nói nậy (tr.23), tơ bờ tất bật (tr.32), bán cốt lột xương (tr.32), tác oai tác phúc (tr.52), tan cửa nát nhà (tr.68), vô hồi kì trận (tr.57), (có mà) điều đình cái ma trơi (tr.75), cháy thành vạ lây (tr.76), đi đêm cũng có ngày gặp ma (tr.85), vu oan giá họa (tr.87), dễ như trở bàn tay (tr.87), như quả bóng xì hơi (tr.89), mười tám cũng ừ, mười tư cũng gật, c… trật cũng xong (tr.89-90), cười rơi nước mắt (tr.97), bẻ mặt ra trái (tr.99), cơm nắm mắm đùm (tr.99), đòn xóc hai đầu (tr.99)…

- Cái cười, cái khóc của từng nhân vật trong tập phóng sự cũng được đặc tả bằng những từ ngữ gợi tả dữ dội và sắc nét không ai giống ai.

+ Khóc: van khóc (tr.26), mếu máo rên xiết (tr.30), khóc rưng rức (tr.40), từng hạt nước mắt thỉnh thoảng lăn trên gò má, rơi xuống bộ ngực đánh phập phồng (tr.93), nức nở khan vài tiếng (tr.88-89)…Đôi khi cái khóc lại được lột tả sống động bằng cách phối hợp với thủ pháp tăng tiến: “cái khuôn mặt giận dữ hắn chuyển sang mếu máo rầu rĩ một cách mau mắn. Rồi hắn khóc. Hắn bụm mặt nức nở một lát rồi bỗng bật lên khóc hu hu. Hắn kể lể những chuyện gì mà vì tiếng khóc to hơn đã trấn áp mất đi. Từng hạt nước mắt tràn ra, rơi xuống má rồi theo những đường nhăn nhó mà chảy đi mất. Ngực hắn thổn thức lên ầm ầm…” (tr.18).

+ Cười: cười nhăn nhó (114), gượng cười (tr.21), nổi lên một loạt cười (tr.27), có dáng tươi cười (tr.28), cười ngặt, cười nghẽo như người điên (tr.38), cười một tràng rung rung cả thớ thịt núng nính trên má (t.44), cười gằn (tr.46), phì cười (tr.105), cười thầm (tr.66), cười ha hả (tr.67), cười sằng sặc (tr.71), cười thành tiếng (tr.71), tủm tỉm cười (tr.74), cười một hồi như nức nở (tr.84), vỗ tay cười lớn (tr.92), cười rơi nước mắt (tr.97), cười nhạt (tr.102), cười nụ (tr.107), cười lớn tiếng (tr.108), cười gượng (tr.108), hác họng ra cười (tr.108), cười ngất (tr.112)…

Trong cái khóc cười của con người có cái gai góc ngôn từ của tác giả tập phóng sự. Cái bi cái hài xen lẫn trong từng trang viết, cuộc sống của những con người cách ta gần cả trăm năm nhưng vẫn hiện lên trước mắt ta với những nỗi đau, nỗi uất hận, cùng cực tưởng như còn tươi mới.

Có thể thấy, cái yêu cái ghét của người viết phóng sự cũng được bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ tác giả và gián tiếp qua ngôn ngữ nhân vật. Bọn “tổng lí nhũng lạm” (tr.73), “những kẻ thừa hành vô lương” (tr.75), “đám xôi thịt” (tr.42), luôn phải “chấm mút mới sống được” (tr.48) đã “đóng bè với nhau” (tr.56), “làm nhiều chuyện trùm lấp khốn nạn” (tr.54), luôn “sinh chuyện để kiếm chác” (tr.101), làm “điên đảo sách tịch” (tr.53), “thả ngón độc” (tr.54), để “được đấm miệng” (tr.69), được “lẩm” “những miếng hẩu” (tr.69). Và thậm chí đó còn là “bọn tổng lí dâm ác, giết người dễ như trở bàn tay” (tr.87)… Trong khi đó, những “người nhà quê khốn nạn” (tr.75), “bẽn lẽn, chất phác”, “bàn tay chai mòn của họ suốt đời chỉ biết cầm cày cầm cuốc” (tr.99), luôn trong tình trạng “đói đến bủng beo da mặt” (tr. 101), cả đời “xớn xác” (tr.50), “è cổ ra chịu” (tr.52) “lệ làng khó thở” (tr.68), “tan cửa nát nhà vì đình đám” (tr.68), bị “vu oan giá họa” (tr.87) mà “ù ù cạc cạc không biết gì hết” (tr.92).

Cái yêu cái ghét, cái khóc cái cười của tác giả phóng sự được biểu đạt một cách đầy cảm xúc thông qua ngôn từ giàu tính biểu cảm đã thổi vào tập phóng sự những tình cảm đậm đà màu sắc nhân văn.

2.3. Biểu đạt bằng các câu cảm thán

Ngoài các biện pháp tu từ và các từ ngữ biểu cảm, câu cảm thán cũng thường xuyên được tác giả sử dụng để bộc lộ cảm xúc trước các nghịch cảnh diễn ra trước mắt: “Trời ôi! Trời ở mô? (tr.17), “Khốn nạn lắm thầy ôi!” (tr.22), “Kiện à. Khốn nạn lắm!” (tr.24); “Khổ lắm chú ạ!” (tr.88), “Trời ôi! Chú oan lắm” (tr.92), “Có mà điều đình cái ma trơi!” (tr.75)… Có khi câu cảm thán lại được dùng như câu chuyển tiếp đoạn: “Nếu chỉ có thế rồi thôi thì cuộc tiễn đưa nó đẹp đẽ và nhã nhặn biết bao nhiêu. (…) Nhưng, nhưng than ôi, mấy ai đọc đến chữ ngờ. Rồi đó, quan đồn vào tư thất soạn sửa đồ đạc, các ông Lý nhân tiện đứng ngó quan từ một cái của sổ lớn. (…)” (tr.95). Tiếp theo đó là cảnh tượng hỗn loạn bi hài, nhục nhã “cười rơi nước mắt” (tr.97) được tường thuật lại từ góc nhìn sắc cạnh của người viết phóng sự. Biểu đạt cảm xúc bằng câu cảm thán không còn là phương thức được thường xuyên sử dụng trong phóng sự hiện đại. Tuy nhiên, đây là một nét đặc trưng khá nổi bật của ngôn ngữ phóng sự thời kì đầu.

3. Kết luận

Phóng sự là một thể loại có sự đan xen giữa báo chí và văn học. Trong phóng sự, đặc biệt là thể loại phóng sự nhiều kì có sự giao thoa giữa phóng sự vấn đề và phóng sự điều tra như tập “Túp lều nát”, khi câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, cảm xúc của nhân vật hòa quyện với cảm xúc của tác giả đã mang lại sự tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lí trí của người đọc. Tìm hiểu về các phương thức biểu đạt cảm xúc trong “Túp lều nát”, chúng ta không chỉ phát hiện sự sắc sảo, linh hoạt trong ngòi bút phóng sự của nhà báo Nguyễn Đổng Chi và những đóng góp của ông cho nền báo chí Việt Nam thời kì đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng ngôn từ mà còn cảm nhận được tấm lòng ấm áp, trái tim nhân ái của người làm báo dành cho những “dân đen” khốn cùng đang chết dần chết mòn vì nạn nhũng lạm của bọn hương lí. Có thể hiện nay các nhà báo luôn hết sức cân nhắc khi sử dụng các phương thức biểu cảm trong các tác phẩm báo chí để khỏi làm ảnh hưởng đến tính khách quan của ngôn ngữ tường thuật sự kiện, nhưng sự hiện diện của tiếng nói cảm xúc từ trái tim chân thành đồng cảm với những hoàn cảnh cơ cực của những thân phận khốn cùng luôn cần thiết trên những trang phóng sự. Với tập phóng sự “Túp lều nát”, người ta không chỉ biết đến Nguyễn Đổng Chi như một học giả hàng đầu về lĩnh vực folklore mà còn là một cây bút phóng sự giàu xúc cảm đầu thế kỉ XX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đức Dũng (1998), Các thể kí báo chí, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

2. Huỳnh Dũng Nhân (2007), Phóng sự - Từ giảng đường đến trang viết, Nxb Thông tấn, TP. HCM.

3. Đinh Trọng Lạc (chủ biên)- Nguyễn Thái Hòa (1997), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Cù Đình Tú (2002), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, TP.HCM.

 

Nguồn: Ngôn ngữ và đời sống, Số 4 (234)-2015

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020