Ngôn ngữ

Ngữ pháp chức năng hệ thống và đánh giá ngôn ngữ "phi chuẩn" của giới trẻ hiện nay theo quan điểm của Ngữ pháp chức năng hệ thống


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Văn Hiệp

Abstract: The paper presents generally the nature of Systemic Functional Grammar (SFG) and its evaluation on the non-standard Vietnamese used by the youth nowadays. SFG argues that language is a system of choices in expressing experiential meaning, personal meaning and textual meaning. SFG considers non-standard language used by teenagers as part of system of choices, which will be productive and will spread in many contexts of communication. Therefore, non-standard language will gradually degenerate and change Vietnamese badly. According to SFG, the situation of non-standard Vietnamese nowadays gives the alarm so that we need appropriate solutions to prevent bad languages and to encourage teenagers to use pure standard language accepted by community. Key words: non-standard; teenagers language; Systemic Functional Grammar; experiential function; interpersonal function; textual function; system of choices; register.

NGỮ PHÁP CHỨC NĂNG HỆ THỐNG VÀ ĐÁNH GIÁ NGÔN NGỮ “PHI CHUẨN” CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY THEO QUAN ĐIỂM CỦA NGỮ PHÁP CHỨC NĂNG HỆ THỐNG

(SYSTEMIC FUNCTIONAL GRAMMAR AND ITS EVALUATION ON THE NON-STANDARD VIETNAMESE USED BY TEENAGERS NOWADAYS FROM THE VIEWPOINT OF SYSTEMIC FUNCTIONAL GRAMMAR)

NGUYỄN VĂN HIỆP (GS.TS; Viện Ngôn ngữ học)

 1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, vấn đề phát triển và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt đang được đặt ra một cách cấp bách. Tiếng Việt phải phát triển để đáp ứng nhu cầu diễn đạt nhận thức chung của xã hội đang phát triển, nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phức tạp và tinh tế của người Việt trong bối cảnh cuộc cách mạng thông tin và bối cảnh toàn cầu hóa. Một loạt hình thức giao tiếp mới ra đời: điện thư, chát, mạng xã hội, v.v. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật cũng thúc đẩy sự phát triển song hành của tiếng Việt với tư cách là công cụ được chuẩn hóa để làm công cụ của tư duy và diễn đạt khoa học.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ấy cũng kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có những hệ lụy được xếp vào loại nghiêm trọng, đáng báo động. Khi gõ vào google cụm từ “Vấn đề bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”, trong vòng 0,24 giây chương trình tìm kiếm sẽ cho khoảng 8.300.000 kết quả. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên xuất hiện những bài viết báo động về sự tha hóa, méo mó của tiếng Việt, báo động về sự biến dạng đến nỗi không thể hiểu được khi tiếng Anh được dùng lẫn với tiếng mẹ đẻ. Nhiều bài báo với tiêu đề như “Tiếng Việt đang méo mó”, “Nỗi lo chính tả”, “Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Tiếng Việt thời nay: nên cười hay nên khóc”, “Nghĩ về tiếng Việt mạng xã hội”, “Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa”, “Cười ra nước mắt, tiếng Việt thời nay”,…đã phản ánh sự lo sợ của xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến lạc quan hơn, cho rằng những hiện tượng ngôn ngữ phi chuẩn như vậy chỉ là nhất thời, sẽ nhanh chóng bị “lỗi mốt” và lãng quên.

Tình trạng ngôn ngữ “phi chuẩn” như vậy cần được đánh giá từ nhiều góc độ lí thuyết ngôn ngữ học khác nhau, với những quan điểm có thể trái chiều. Trong bài viết này chúng tôi sẽ tóm tắt cốt lõi lí thuyết Ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday và áp dụng lí thuyết này vào việc đánh giá tiếng Việt của thế hệ @ hiện nay.

2. Ngữ pháp chức năng hệ thống và cách tiếp cận tín hiệu học về hệ thống ngôn ngữ

2.1. Dẫn nhập

Ngữ pháp chức năng hệ thống (Systemic Functional Grammar/SFG) do Halliday đề nghị có thể xem là cách tiếp cận tín hiệu học hệ thống về ngôn ngữ. Halliday được cho là chịu ảnh hưởng của trường phái London, với những đại diện xuất sắc như J.R Firth, Malinowski. Tư tưởng cốt lõi của cách tiếp cận này là xem ngôn ngữ như một hệ thống những sự lựa chọn có quan hệ với nhau để diễn đạt nghĩa, và ngôn ngữ đã tiến hóa để đảm bảo thực hiện được chức năng đó. Tính đa chiều kích (multidimensional architecture) của cấu trúc ngôn ngữ chính là sự phản ánh bản chất đa chiều kích của những mối quan hệ liên nhân, tính đa chiều kích của sự trải nghiệm mà con người có được về thế giới và tính đa chiều kích trong cách tổ chức thông điệp.

Trong khi một số dòng ngữ pháp chức năng khác, như Ngữ pháp Vai và Quy chiếu của Van Valin và Lappola, phân biệt nghĩa (meaning) và chức năng (function) như có thể thấy qua tên gọi cuốn sách của hai tác giả này, do Cambridge University Press xuất bản năm 1977 “Syntax: Structure, Meaning and Function” thì Ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday đồng nhất nghĩa (meaning) với chức năng (function), như được thấy qua cách diễn đạt của G.Thompson, một môn đệ của Halliday:

“[…] trong cách tiếp cận chức năng đối với ngữ pháp, về cơ bản chúng ta đồng nhất nghĩa với chức năng” (in functional approaches to grammar we essentially equate meaning with function”) [G.Thompson 1996, 8].

Theo Halliday, ngữ pháp được miêu tả như các hệ thống các lựa chọn chứ không phải như các quy tắc. Hệ thống các lựa chọn này được xây dựng dựa trên luận điểm cho rằng mỗi cấu trúc ngữ pháp có liên quan đến một sự lựa chọn được lấy ra từ một tập hợp những khả năng có thể được miêu tả được, do đó, ngôn ngữ được xem là nguồn tạo nghĩa (Language is a meaning making resource). Đến lượt mình, nghĩa được xem là “có cơ sở xã hội” (socially based), và ngôn ngữ học chính là sự nghiên cứu về nghĩa trong xã hội (Linguistics is the study of meaning in society). G.Thompson giải thích rõ hơn như sau:

“Ngữ pháp chức năng khảo sát phạm vi những lựa chọn quan yếu, cả trong các kiểu nghĩa mà chúng ta có thể muốn diễn đạt (hay những chức năng mà chúng ta muốn thực hiện) lẫn những cách biểu đạt mà chúng ta có thể dùng để biểu đạt những kiểu nghĩa này; và khớp ghép hai tập hợp lựa chọn này với nhau” (Functional Grammar sets out to investigate what the range of relevant choices are, both in the kinds of meaning that we want to express (or functions that we might want to perform) and in the kinds of wordings that we can use to express these meanings; and to match these two sets of choices” [G.Thompson 1996, 8].

Các hệ thống trong ngữ pháp của Halliday đóng vai trò quan trọng trong việc kiến giải các loại nghĩa khác nhau và ngôn ngữ được tổ chức theo lối siêu chức năng. Chức năng tối thượng của ngôn ngữ là biểu đạt nghĩa trong đời sống xã hội, và để thực hiện chức năng này, tất cả ngôn ngữ đều có 3 thành tố nghĩa, như 3 nguồn lực để kiến giải kinh nghiệm (thành tố tư tưởng), để luật định các mối quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp (thành tố liên nhân), để cho phép các kiểu nghĩa có thể đi với nhau trong một văn bản mạch lạc (thành tố văn bản). Nói một cách khái quát, tất cả các kiểu nghĩa mà ngôn ngữ thể hiện cần được giải thích thông qua sự tham chiếu với ngữ cảnh xã hội và mục đích giao tiếp Ngữ pháp chức năng hệ thống cho rằng trong một cú (clause) có đến 3 cấu trúc dùng để thực hiện 3 chức năng khác nhau (cũng là 3 loại nghĩa khác nhau): chức năng kinh nghiệm, chức năng liên nhân và chức năng văn bản. Những chức năng này được gọi là các siêu chức năng (metafunc tion). Mỗi siêu chức năng như vậy được biểu đạt bằng một kiểu cấu trúc riêng và do đó trong một cú (clause) hiện diện đồng thời 3 loại cấu trúc khác nhau, lần lượt được gọi là cấu trúc nghĩa biểu hiện, cấu trúc thức và cấu trúc Đề-Thuyết.

Định ngữ “hệ thống” (systemic) trong tên gọi Ngữ pháp chức năng hệ thống nhấn mạnh đến tính hệ thống của những sự chọn lựa khả dụng (available) ở bất kì thời điểm nào trong một cuộc giao tiếp. Đó là hệ thống những sự lựa chọn đồng thời về từ vựng-ngữ pháp và ngữ nghĩa khả dụng để biểu thị nghĩa kinh nghiệm, nghĩa liên nhân và nghĩa văn bản. Nói cách khác, hệ thống ngôn ngữ, với tư cách là nguồn lực tạo nghĩa, cung cấp cho chúng ta những sự lựa chọn cần thiết, đảm bảo có thể biểu đạt các loại nghĩa khác nhau.

2.2. Các siêu chức năng trong ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday

2.2.1. Siêu chức năng kinh nghiệm

Theo siêu chức năng này, chúng ta sử dụng ngôn ngữ để nói về kinh nghiệm của chúng ta về thế giới, bao gồm cả thế giới trong tâm tưởng, để miêu tả các sự thể (event), tình trạng (state) và các thực thể tham gia vào các sự thể, tình trạng đó.

Siêu chức năng kinh nghiệm kiến tạo và phản ánh kiến tạo của chúng ta về thế giới, về “hiện thực” (reality), có liên quan đến “trường” (field) của diễn ngôn. Phân tích câu nói từ góc độ siêu chức năng kinh nghiệm sẽ liên quan đến việc lựa chọn hệ thống chuyển tác (transitivity), đó là lựa chọn các kiểu quá trình (process types), các kiểu tham thể (participant types), các kiểu chu cảnh (circumstance types).

Hệ thống chuyển tác thể hiện siêu chức năng kinh nghiệm được hiển thị thông qua cấu trúc nghĩa biểu hiện. Theo cấu trúc nghĩa biểu hiện, cú được phân chia thành: QUÁ TRÌNH + tham thể (bắt buộc) + cảnh huống (không bắt buộc).

Ngôn ngữ cung cấp những lựa chọn khác nhau để biểu đạt các kiểu quá trình khác nhau. Tùy vào bản chất của các quá trình khác nhau mà cấu trúc nghĩa biểu hiện sẽ khác nhau.

Theo Halliday, có 6 kiểu quá trình khác nhau là: quá trình vật chất, quá trình tinh thần, quá trình quan hệ, quá trình nói năng, quá trình ứng xử và quá trình hành vi. Dựa trên 6 kiểu quá trình này với cấu trúc tương thích (các cấu trúc chuyển tác khác nhau), ngôn ngữ cung cấp những sự lựa chọn để người nói có thể biểu đạt các loại kinh nghiệm khác nhau và trình bày về thế giới.

2.2.2. Siêu chức năng liên nhân

Theo siêu chức năng này, chúng ta dùng ngôn ngữ để tương tác với người khác. Rõ ràng, chúng ta sử dụng ngôn ngữ không phải theo lối một chiều (one-way) mà là theo lối hai chiều (two-way). Chúng ta nói điều gì đó với người khác bao giờ cũng có mục đích: để xác lập và duy trì các mối quan hệ xã hội; để tác động đến thái độ và cách ứng xử của người khác; để thể hiện quan điểm của chúng ta về thế giới; để kêu gọi hay làm thay đổi quan điểm của người đối thoại; để yêu cầu người đối thoại cung cấp thông tin, v.v.

Có thể nói, khi tương tác là bản chất của sự dụng ngôn thì chắc chắn ngữ pháp của ngôn ngữ phải có một thành tố đảm bảo cho chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ để tương tác. Theo Halliday (1994), siêu chức năng liên nhân liên quan đến không khí (tenor) hay tính tương tác (interactivity) của diễn ngôn. Đến lượt mình, không khí (tenor) hay tính tương tác (interactivity) được diễn giải qua 3 thành tố là sự thể hiện cá nhân của người nói hay người viết (speaker/writer persona), khoảng cách xã hội (social distance) và vị thế xã hội tương đối (relative social status).

Sự thể hiện cá nhân của người nói hay người viết (speaker/writer persona) được thực hiện thông qua cách dùng từ ngữ mang tính đánh giá. Theo Lí thuyết Khung đánh giá (Appraisal Framework) của J.R Martin và Peter White (2005), một lí thuyết phát triển trong khung lí thuyết Ngữ pháp chức năng hệ thống, thì từ ngữ thể hiện sự đánh giá của người nói hay người viết có thể được xem xét ở các góc độ Thái độ (Attitute), Tăng giảm (Graduation) và Dấn thân (Engagement).

 Với Thái độ, người nói hay người viết trực tiếp bày tỏ thái độ tích cực hay tiêu cực đối với người khác, đối với các sự vật, hiện tượng, sự kiện hoặc tác động để người khác có cùng thái độ với mình.

Với Tăng giảm, người nói điều biến (tăng hay giảm) mức độ xác quyết, làm mờ hoặc làm rõ ranh giới các phạm trù ngữ nghĩa mà người nói muốn biểu đạt.

Với Dấn thân, người nói hay người viết hướng mình vào đối thoại hay tranh luận với những gì người khác đã nói hay có thể đã nói trước đó.

Khoảng cách xã hội (social distance) chỉ mức độ gần gũi của các bên giao tiếp. Chẳng hạn, việc dùng các đại từ nhân xưng “mày”, “tao” hay dùng tên biệt hiệu (nickname) cho thấy mức độ thân mật, việc dùng các danh xưng chức vụ như “giáo sư”, “giám đốc”, “thiếu tướng” cho thấy mức độ quan cách, khách khí giữa các bên giao tiếp.

Vị thế xã hội tương đối (relative social status) cho biết các bên giao tiếp có ngang hàng với nhau hay không, xét về quyền lực hay mức độ hiểu biết về đối tượng, vấn đề đang được bàn luận. Chẳng hạn, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong cơ quan được xem là không ngang hàng (cấp dưới phục tùng cấp trên). Hoặc trong các hành động ngôn từ (speech acts), vị thế xã hội tương đối được biểu thị qua việc ai là người hỏi, ai là người trả lời, ai là người được chọn chủ đề giao tiếp, điều khiển lượt lời, v.v.

Chẳng hạn, với câu nói: “Liệu tôi có thể nhờ anh giới thiệu một cuốn sách mới về ngữ pháp chức năng không?”

Từ góc độ nghĩa kinh nghiệm thì câu này nói về việc giới thiệu một cuốn sách mới về ngữ pháp chức năng.

Từ góc độ nghĩa liên nhân, ngữ đoạn “Liệu tôi có thể nhờ anh” thể hiện một lời nhờ lịch sự (theo lí thuyết hành động ngôn từ thì hành động “nhờ” thuộc vào nhóm “cầu khiến”). Như vậy, trong một câu nói như vừa dẫn trên đây, có thể tách ra hai loại nghĩa: nghĩa kinh nghiệm và nghĩa liên nhân.

Siêu chức năng liên nhân được biểu thị thông qua cấu trúc thức. Theo cấu trúc thức, cú được chia Phần thức (Mood) và Phần dư (Residue).

Đối với tiếng Anh, Phần thức sẽ gồm Chủ ngữ (Subject) và bộ phận hữu tận (Finite) của động từ.

Trong tiếng Việt, Diệp Quang Ban (2004) đã áp dụng mô hình của Halliday để phân tích câu tiếng Việt một cách toàn diện theo ba siêu chức năng (siêu chức năng kinh nghiệm, siêu chức năng liên nhân và siêu chức năng văn bản). Tác giả có lẽ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề thức của câu tiếng Việt. Diệp Quang Ban cho rằng trong những ngôn ngữ biến hình, cấu trúc thức thể hiện trước hết ở sự biến hình của động từ theo thức (mood) và thức của động từ là hiện tượng thuộc phạm trù cú pháp-hình thái học. Còn trong những ngôn ngữ như tiếng Việt, động từ không biến hình, người ta chỉ có thể nói đến thức của câu (sentence mood): “Thức của câu là giá trị tình thái của các kiểu câu trong sử dụng” [Diệp Quang Ban 2004, 39]. Áp dụng quan niệm của Halliday về cấu trúc thể hiện siêu chức năng liên nhân, Diệp Quang Ban cho rằng thức của câu tiếng Việt được diễn đạt bằng những dấu hiệu hình thức (những yếu tố ngôn ngữ) ít nhiều có tính chất chuyên dụng, với tên gọi là biểu thức thức (mood expressions), đó là “một số hư từ, một số phụ từ và một số bán thực từ” [Diệp Quang Ban 2004, 40]. Phần còn lại trong câu có quan hệ với biểu thức thức được gọi là phần dư (Residue).

Trở lại với khái niệm Chủ ngữ của Halliday, cần phân biệt chủ ngữ của Halliday với Chủ ngữ của ngữ pháp truyền thống. Chủ ngữ theo ngữ pháp truyền thống chỉ đối tượng, thực thể được thông báo (is predicated) trong phần còn lại của câu. Quan điểm này được áp dụng cho nhiều cách tiếp cận khác đối với việc miêu tả ngữ pháp của câu. Với quan điểm như vậy, câu được xem như là “nói về” (about) Chủ ngữ. Tuy nhiên, với cách tiếp cận chức năng của Halliday thì Chủ ngữ được đặt trong bình diện liên nhân.

Trong tiếng Anh, Chủ ngữ được Halliday xác định một cách đơn giản như là yếu tố được nhắc lại trong câu hỏi chắp (Tag question).

Ví dụ:

- She is beautiful, isn’t she?

- You think she is beautiful, don’t you?

Trong hai ví dụ vừa dẫn, “She” và “You” lần lượt là Chủ ngữ của câu, bằng chứng là chúng được nhắc lại trong câu hỏi chắp.

 Đối với phần lớn các câu, tuy quan điểm về Chủ ngữ của Halliday và các khuynh hướng ngữ pháp khác là khác nhau, nhưng kết quả xác định Chủ ngữ lại giống nhau. Đối với hai câu vừa dẫn, các khuynh hướng ngữ pháp dùng khái niệm “Chủ ngữ” đều xác định “She” và “You” là Chủ ngữ.

Tuy nhiên, trong kiểu câu sau đây thì sự khác biệt trong quan niệm Chủ ngữ của Halliday với các ngữ pháp khác lại được bộc lộ rất rõ:

- I think she is beautiful. (Tôi nghĩ cô ấy đẹp).

Các khuynh hướng ngữ pháp đều thiên về quan điểm cho rằng “I” là Chủ ngữ của câu này. Trong khi đó, Halliday lại xác định Chủ ngữ của câu này là “she” chứ không phải “I”, bằng chứng là “she” được nhắc lại trong câu hỏi chắp:

- I think she is beautiful, isn’t she?

Chính qua ví dụ này, chúng ta thấy được điểm độc đáo của Halliday khi xếp Chủ ngữ vào bình diện liên nhân của câu. Khi nói “I think she is beautiful” thì điều mà tôi muốn trao đổi với người nghe (trao đổi thông tin), để xem người nghe có đồng ý hay phản đối, đó là “She is beautiful or not”, tức “Cô ấy đẹp hay không đẹp”, chứ không phải là “I think so or I don‟t think so”, tức “Tôi có nghĩ như vậy hay không nghĩ như vậy”.

2.2.3. Siêu chức năng văn bản

Theo siêu chức năng này, chúng ta tổ chức câu nói như một thông điệp (message) sao cho phù hợp với những thông điệp đi trước và đi sau nó, cũng như phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp rộng hơn.

Với siêu chức năng văn bản, câu nói được xem như là nguồn lực để tổ chức thông điệp, tức ngôn ngữ cung cấp những lựa chọn về cấu trúc để tổ chức thông điệp. Nguyên tắc tổ chức câu nói như một thông điệp dựa trên các cơ sở sau đây:

- Ngôn ngữ, bao gồm các câu nói, mang tính hình tuyến.

- Vì thế, thông điệp cũng được tổ chức theo hình tuyến.

- Tính hình tuyến có nghĩa là câu nói sẽ có thành tố khởi đầu và thành tố kết thúc.

Theo nguyên tắc này, câu nói với tư cách là một thông điệp sẽ được bắt đầu bằng Đề (Theme) và kết thúc bằng Thuyết (Rheme). Hay nói cách khác, siêu chức năng văn bản được biểu thị thông qua cấu trúc Đề- Thuyết.

Vấn đề là có nhiều loại Đề khác nhau. Theo Halliday, có 3 loại Đề sau đây: Đề chủ để (Topical Theme), Đề văn bản (Textual Theme) và Đề liên nhân (Interpersonal Theme).

Đề chủ đề có thể không đánh dấu (unmarked), đó là trường hợp Đề đồng thời là Chủ ngữ của câu. Đề chủ đề có thể được đánh dấu (marked), đó là trường hợp Đề không phải là Chủ ngữ của câu.

Đề văn bản dùng để kết nối các câu về mặt lô gic. Loại Đề này được thể hiện bằng các từ ngữ kết nối.

Đề liên nhân dùng để hiện thực hóa nghĩa liên nhân của Đề. Nó được thể hiện ở dạng hô ngữ (Vocative) hay các phương tiện biểu thị tình thái tương thích.

Có thể thấy, ngôn ngữ có những kiểu cấu trúc khác nhau, cung cấp các lựa chọn cho người nói/người viết biểu thị các loại nghĩa khác nhau là nghĩa kinh nghiệm, nghĩa liên nhân và nghĩa văn bản.

Các cấu trúc này cung cấp những lựa chọn biểu đạt nghĩa cho người sử dụng, tức các lựa chọn này là những lựa chọn mang nghĩa. Suy cho cùng, các cấu trúc này là cơ sở để xem xét cách thức làm thế nào mà nghĩa được tạo ra và được hiểu.

Những cách biểu đạt “phi chuẩn” về thực chất là những lựa chọn của những lớp người nhất định trong xã hội, xét từ góc độ Ngữ pháp chức năng hệ thống thì chúng đều là những cách diễn đạt thể hiện những nội dung ngữ nghĩa nhất định, tức chúng là những cách lựa chọn “có lí do” chứ không phải là võ đoán. Nhìn từ góc độ Ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday, ngôn ngữ của giới trẻ Việt Nam hiện nay, với những biểu hiện “phi chuẩn” có thể xem là một loại ngữ vực (register), phản ánh những đặc trưng về trường (lớp trẻ nói về những chủ đề gì, trường g ắn với siêu chức năng kinh nghiệm), về không khí (quan hệ giữa những người thuộc thế hệ @, không khí gắn với siêu chức năng liên nhân) và cách thức (dạng ngôn ngữ phi chính thức của giới trẻ, cách thức gắn với siêu chức năng văn bản).

Theo Halliday, bất kì một sản phẩm ngôn ngữ nào cũng là kết quả của sự thể hiện 3 siêu chức năng của ngôn ngữ và mang dấu ấn của những biến (variable) thuộc về 3 siêu chức năng này. Ông gọi dấu ấn đó là những đặc trưng về ngữ vực (register).

Nói môt ̣ cách khái quát nhất, ngữ vực được xem như là tổng thể của những đặc trưng liên quan đến: (i) trường (field) gắn với chức năng kinh nghiệm; (ii) không khí (tenor) gắn với chức năng liên nhân và (iii) cách thức (mode) gắn với chức năng văn bản.

Halliday và Hasan [1985, 41] định nghĩa ngữ vực là “biến thể ngôn ngữ theo cách sử dụng” (variation according to use). Còn Thompson thì giải thích rõ hơn các chiều kích của ngữ vực như sau: “Có 3 chiều kích của biến thể đặc trưng cho mọi ngữ vực: vấn đề đang được bàn tới (được gọi là “trường”), các nhân vật giao tiếp có liên quan và mối quan hệ giữa họ (được gọi là “không khí”) và cách thức mà ngôn ngữ hành chức trong sự kiện tương tác, tức ngôn ngữ được viết ra hay nói ra (được gọi là “thức”). Việc có đến 3 chiều kích như vậy không phải là ngẫu nhiên, bởi lẽ mỗi chiều kích như vậy tương ứng với một siêu chức năng: trường chủ yếu quyết định nghĩa kinh nghiệm được trình bày; không khí chủ yếu quyết định nghĩa liên nhân; còn thức chủ yếu quyết định nghĩa văn bản” [Thompson 1996, 36].

Tuy nhiên, trước khi bàn đến các đặc điểm ngữ vực của ngôn ngữ thế hệ @, cần phân biệt các thuật ngữ ngữ vực (register), thể loại (genre) và phong cách (style), vốn là 3 thuật ngữ dễ nhầm lẫn với nhau.

Ba thuật ngữ này đều dùng để chỉ những khác biệt của các biến thể văn bản. Tuy nhiên, chúng có những khác biệt nhất định. Ngữ vực là kết hợp của đặc trưng ngôn ngữ và ngữ cảnh sử dụng của biến thể. Thể loại thì giống với ngữ vực ở chỗ bao hàm cả những miêu tả về mục đích và ngữ cảnh tình huống, nhưng nhấn mạnh vào các cấu trúc mang tính quy ước (chẳng hạn, thể loại thư tín có những quy ước về bắt đầu và kết thúc, hợp đồng cũng có cấu trúc mang tính quy ước về các bên tham gia hợp đồng, các điều khoản ràng buộc cho mỗi bên và điều khoản xử lí tranh chấp). Còn phong cách thì giống với ngữ vực ở sự nhấn mạnh vào các đặc trưng ngôn ngữ của văn bản, nhưng những đặc trưng này không phải có nguyên do về chức năng hay ngữ cảnh sử dụng, mà là phản ánh những ưa thích về thẩm mĩ, gắn với những tác giả cụ thể hay những giai đoạn lịch sử cụ thể [D. Biber and S. Conrad 2009, 14].

3. Đánh giá ngôn ngữ “phi chuẩn” của thế hệ @ theo các đặc trưng ngữ vực

3.1. Đặc trưng về trường (field) của ngôn ngữ thế hệ @

Những hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn” của thế hệ @ chủ yếu được bắt gặp trong những tình huống giao tiếp đời thường, trong đó họ nói về cuộc sống muôn hình muôn vẻ của họ về thể thao, âm nhạc, thần tượng, quan hệ bạn bè, quan hệ tình yêu,... Một số lĩnh vực mới xuất hiện trong đời sống xã hội Việt Nam như công nghệ thông tin, một số lĩnh vực giải trí, thời trang hiện đại, giáo dục tiếng Anh,... cũng được các bạn trẻ quan tâm, lấy làm nội dung giao tiếp. Những chủ đề như vậy giới trẻ thường có những cách nói mới mẻ, gây ấn tượng; hiện tượng vay mượn, chuyển mã, trộn mã thường được sử dụng như một sự tất yếu để bổ sung những thiếu hụt vào kho từ vựng tiếng Việt.

Trong số các lĩnh vực thời thượng được giới trẻ quan tâm thì trường từ vựng thuộc lĩnh vực liên quan đến văn hóa, giải trí và công nghệ thông tin là các lĩnh vực có nhiều từ tiếng Anh xuất hiện hơn cả. Đây là lĩnh vực giới trẻ quan tâm nhất, là lĩnh vực thể hiện rõ nhất trình độ tiếng Anh đang ngày càng được nâng cao của giới trẻ, đồng thời cho thấy xu hướng quốc tế hóa đang dần dần hình thành trong đời sống của người Việt Nam. Hệ quả là có nhiều từ tiếng Anh đã trở nên phổ biến trong đời sống, được dùng nhiều và trở nên quen thuộc.

Nói chung, xét về góc độ "trường", các chủ đề giao tiếp của giới trẻ, tự bản thân nó, cho phép có những hiện tượng ngôn ngữ phá cách, "phi chuẩn". Tư liệu cho thấy, những hiện tượng phi chuẩn của lớp trẻ được thấy trong giao tiếp giữa những người trẻ với nhau, trong không khí giao tiếp thân mật, thoải mái, nhiều khi thấm đẫm màu sắc trêu đùa, mua vui, cho phép sự thể hiện cá nhân, cho phép thể hiện “đẳng cấp”. Môi trường giao tiếp như vậy cho phép giới trẻ học hỏi, đua đòi nhau để sáng tạo những kí hiệu lạ, độc đáo, “không đụng hàng”. Dĩ nhiên, khi nói về những chủ đề nghiêm túc, chẳng hạn khi nói về tình cảm yêu nước, nói về trách nhiệm của lớp trẻ đối với chủ quyền và tương lai của đất nước, thì những hiện tượng ngôn ngữ phá cách, "phi chuẩn" như vậy sẽ không phù hợp.

3.2. Đặc trưng về không khí (tenor) của ngôn ngữ thế hệ @

Như chúng ta đều biết, về mặt tâm lí lứa tuổi, giới trẻ là nhóm thích chứng tỏ bản thân, muốn được khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những điều mới lạ. Lớp trẻ luôn luôn muốn làm mới, muốn được mọi người chú ý. Chẳng hạn, trong cách ăn mặc, giới trẻ tỏ ra nhanh nhạy với các xu hướng, phong cách mới. Thậm chí một bộ phận thích bắt chước cách ăn mặc, làm tóc theo mốt mới nhất (đôi khi là bụi bặm, lập dị, phản cảm,…) của thần tượng, một phần để thể hiện sự hâm mộ, phần khác là để gây sự chú ý. Có hiểu đặc điểm tâm lí này mới hiểu được tại sao hiện nay nhiều bạn gái rất ưa chuộng cách phối đồ theo "phong cách tomboy" (ăn mặc như con trai) rất cá tính, năng động và khỏe khoắn, thay vì mặc đầm xòe nữ tính kiểu truyền thống. Dĩ nhiên, ngoài việc thể hiện cái tôi của mình bằng cách ăn mặc, kiểu tóc, các trò giải trí,… thì ngôn ngữ cũng là một trong số những cách để giới trẻ khẳng định "đẳng cấp" và cá tính của mình. Thậm chí, một số bạn còn cho rằng đó là "bộ nhận diện thương hiệu" của tuổi "teen".

Do đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, giới trẻ là tầng lớp dễ bị cuốn theo trào lưu mới, nhất là những trào lưu mang đặc trưng phong cách lứa tuổi. Thông thường, việc theo trào lưu được giới trẻ xem là phù hợp, không lạc hậu hay dị biệt. Điều này thể hiện trên mọi lĩnh vực và ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, việc sử dụng ngôn ngữ là một cách đánh dấu nhóm xã hội. Lớp trẻ cảm thấy thoải mái, thấy được xem như là người cùng nhóm khi cùng sử dụng những hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn”.

Chẳng hạn, trong một cuộc giao tiếp, khi nghe bạn mình sử dụng các câu được tạo ra nhờ sự hiệp vần, hài thanh: Chuẩn không cần chỉnh, Cướp trên giàn mướp, Nhục như con trùng trục,… thì người trẻ thường cố gắng sử dụng cách nói tương tự: Chán như con gián, Buồn như con chuồn chuồn,… Hay nếu trong khi chát, đối tác dùng kí hiệu “2” để chào (số 2 được đọc là “hai”, giống cách đọc của từ chào hỏi thân mật trong tiếng Anh “Hi!” thì nếu người chát lại dùng cách chào bình thường sẽ bị coi là “nhà quê”, không sành điệu.

Về mặt tâm lí sử dụng, có thể đặt ra một loạt các câu hỏi về động cơ thúc đẩy giới trẻ sử dụng chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt? Tại sao một số khác lại thích cách nói chệch chuẩn đi và cố tình sử dụng như vậy? Câu trả lời dễ nhận được sự đồng thuận, đó là do giới trẻ thích thể hiện bản thân, làm cho người tiếp nhận có thể đánh giá về khả năng hiểu biết, trình độ ngoại ngữ, mức độ "sành điệu", độ "sang" của người nói,… Theo đó, nói "đi shopping" nghe sành điệu, nghe sang hơn nói “đi mua sắm”. Ngược lại, trong cách nói chêm xen tiếng Anh, thì cách nói chệch chuẩn lại xuất phát từ ý thức "Việt hóa" những từ tiếng Anh cho gần gũi, giảm bớt mức độ thể hiện "đẳng cấp cá nhân", tạo sự vui vẻ hoặc cũng có thể là do không chắc chắn về cách phát âm chuẩn.

3.3. Đặc trưng về cách thức (mode) của ngôn ngữ thế hệ @

Lớp trẻ hiện nay sống trong thời đại “nhịp sống số”, mọi thứ đều diễn ra với tốc độ chóng mặt. Vì thế người ta không thể hát chậm rãi ngân nga như xưa (như Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn), và trong đa số trường hợp không thể nói năng dài dòng, rườm rà như trước.

Đặc biệt sự phát triển của khoa học công nghệ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới ngôn ngữ giới trẻ. Từ khi điện thoại di động (đặc biệt là điện thoại thông minh) và máy tính xách tay, máy tính bảng xuất hiện, khoảng cách giữa con người với con người được rút ngắn, mọi trao đổi liên lạc đều trở nên thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng qua các mạng không dây hay qua đường truyền internet. Các phương tiện giao tiếp này giúp con người trao đổi thông tin hay bộc lộ cảm xúc cá nhân qua lời nói, hình ảnh một cách nhanh chóng, với nhiều hình thức giao tiếp khác nhau như nhắn tin, gửi email, chat,… Giới trẻ đã không ngừng dựa vào những tính năng này mà sáng tạo và phổ biến ngôn ngữ của riêng mình, trong đó có những hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn”.

4. Đánh giá chung

Ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday xem ngôn ngữ như một nguồn lực tạo nghĩa. Ngôn ngữ đã tiến hóa để có được những cấu trúc khác nhau, làm cơ sở lựa chọn để chúng ta có thể biểu đạt nghĩa kinh nghiệm, nghĩa liên nhân và nghĩa văn bản. Như đã phân tích trên đây, cách nói “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay có những mặt tích cực và những mặt tiêu cực. Nhưng bất luận là tích cực hay tiêu cực thì theo góc nhìn của ngữ pháp chức năng, những cách nói như vậy đều tồn tại một cách khách quan, là cơ sở nguyên liệu cho các lựa chọn tiếp theo. Nói cách khác, đối với Ngữ pháp chức năng thì ngôn ngữ “phi chuẩn” cũng là một phần của hệ thống các chọn lựa, và sẽ có tính sản sinh, được nhân lên trong nhiều tình huống giao tiếp khác. Như vậy, nếu như hiện tượng “phi chuẩn” tích cực có thể có những đóng góp tốt cho ngôn ngữ thì những hiện tượng “phi chuẩn” tiêu cực sẽ dần dần làm tha hóa, biến đổi hệ thống ngôn ngữ theo chiều hướng xấu. Vì vậy, từ cách tiếp cận của Ngữ pháp chức năng hệ thống, thực trạng ngôn ngữ “phi chuẩn” tiêu cực của lớp trẻ hiện nay là đáng báo động, cần có những biện pháp để ngăn ngừa, giáo dục lớp trẻ tìm về những cách nói trong sáng, chuẩn mực, được cộng đồng chấp nhận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. TÀI LIỆU NƯỚC NGOÀI

1. Biber D. and Conrad S. (2009), Register, genre and style. Cambridge University Press.

2. Halliday M.A.K. (1985), An introduction to functional grammar, London: Arnold.

3. Martin J.R and P. White (2005), The language of evaluation: appraisal in English, Palgrave Macmillan Press.

4. Nguyen Thuy Nga (2013), Language contact and English borrowings in a Vietnamese Magazine for Teenagers. PhD thesis, The University of Queensland.

 5. Siewierska A. (1991), Functional grammar, London and New York: Routledge.

6. Halliday và Hasan (1985), Language, context and text: Aspects of language in a social semiotic perspective. Deakin University Press/OUP: Geelong/Oxford.

7. Thompson G (1996), Introducing functional grammar. Routledge Publisher.

II. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

8. Diệp Quang Ban (2004), Ngữ pháp Việt Nam- Phần câu, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

 9. Đỗ Hữu Châu (2000), Xã hội Việt Nam hiện nay, tiếng Việt hiện nay và sự nghiệp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1, tr. 1-8.

10. Phạm Văn Đồng (1966), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tạp chí Học tập, Số tháng 4/1966.

11. Phạm Văn Đồng (1980), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1, tr.1-5.

12. Phạm Văn Đồng (1999), Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 6, tr.1-8.

13. Nguyễn Văn Khang (2008), Những vấn đề của chuẩn hoá ngôn ngữ và chuẩn hóa tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 12.

14. Nguyễn Văn Khang (2009), Những vấn đề của chuẩn hóa ngôn ngữ và chuẩn hóa tiếng Việt (tiếp), Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1.

15. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

16. Nguyễn Ngọc Ly (2011), Ngôn ngữ tuổi teen, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, Số 6, tr 46 – 48.

17. Hoàng Phê (1979), Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 3.

18. Đoàn Thiện Thuật (2002), Giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hóa tiếng Việt, Kỉ yếu Hội nghị Bảo vệ và phát triển tiếng Việt trong thời kì công nghiệp hóa và hiện đại hóa (tập 2), TP Hồ Chí Minh.

19. Trần Ngọc Thêm (2010), "Về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ và bảo tồn văn hóa trong kỉ nguyên toàn cầu hóa", Tạp chí Ngôn ngữ, Số 9.

20. Phạm Văn Tình (2009), Ngôn ngữ blog và văn hóa blog, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, Số 9 (167), tr.44 - 48.

21. Phạm Văn Tình (2011), Về cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ": Nên lắng nghe giới trẻ, http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vecuon-sach-sat-thu-dau-mung-mu-nen-lang-nghegioi-tre-n20111026062453355.htm.

22. Nguyễn Đức Tồn (2003), Tạp chí "Ngôn ngữ" với công cuộc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", Tạp chí Ngôn ngữ, Số 7.

23. Hoàng Tuệ (1983), Nhìn lại công việc chuẩn hóa tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1.

24. Hoàng Tuệ (1995), Chuẩn ngôn ngữ – Bó buộc và lựa chọn - Ổn định và phát triển; in lại trong Ngôn ngữ và Đời sống xã hội - văn hoá, Nxb Giáo dục, 1996, tr. 124-141.

25. Ủy ban Khoa học Xã hội (1983), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội.

 26. Hoàng Văn Vân (2005), Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt: mô tả theo quan điểm ngữ pháp chức năng hệ thống. Nxb Khoa học xã hội.

27. Viện Ngôn ngữ học (1981), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ; Nxb KHXH, Hà Nội.

 

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Số 1 (231)-2015

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020