Abstract: This paper is going to elaborate on two main points: (1) to examine the Vietnamese Party and State‟s policy on ethnic minority languages, including the government‟s direction, plan and implementation; (2) to raise some issues which may serve as the scientific foundation to formulate the Vietnamese State and Party‟s policy on ethnic minority languages in the future, during the era of industrialization, modernization and global integration. The purpose of examining the State and Party‟s policy on ethnic minority languages is to raise some issues regarding ethnic minority language in Vietnam currently to contribute to the formulation of language policy in particular and ethnic policy in general to sustainably develop ethnic minority region. Key words: language policy; ethnic minority languages
NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ NGÔN NGỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGÔN NGỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ HIỆN NAY
(A REVIEW OF LANGUAGE POLICY OF THE PARTY AND THE STATE ON ETHNIC MINORITY LANGUAGES AND THEIR CURRENT ISSUES ARISING)
NGUYỄN VĂN KHANG (GS.TS; Viện Ngôn ngữ học)
1. Dẫn nhập
Khi nói "chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước Việt Nam" về ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói riêng, tức là khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam được khẳng định trong Hiến pháp “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vì thế, khái niệm “chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam” có thể được hiểu là toàn bộ chủ trương, đường lối của Đảng và các kế hoạch, biện pháp thực thi của Nhà nước (và các cơ quan được Đảng và Nhà nước uỷ quyền) về ngôn ngữ. Với chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã đưa ra các chính sách ngôn ngữ phù hợp với tình hình cụ thể của nước nhà ở từng giai đoạn lịch sử. Nhờ đó, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy để thực hiện chức năng giao tiếp trong nội bộ mỗi dân tộc. Nhìn lại chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) để từ đó nêu ra một số vấn đề cấp bách về ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam hiện nay, nhằm góp phần vào xây dựng chính sách ngôn ngữ DTTS, phát triển bền vững vùng DTTS .
2. Nhìn lại chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ dân tộc thiểu số
2.1. Chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ DTTS giai đoạn từ khi có Đảng đến năm 1954
2.1.1. Thời kì từ năm 1930 đến 1945, Đảng đã có những chủ trương đối với ngôn ngữ DTTS như sau: – Coi việc sử dụng tiếng mẹ đẻ là quyền của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam và coi vấn đề ngôn ngữ của các dân tộc là một nội dung của chính sách dân tộc. “Các dân tộc (...) được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá của mình” [Nghị quyết về công tác trong các dân tộc của Đại hội lần thứ nhất của Đảng tháng 3 năm 1935; Văn kiện Đảng, từ 27/10/1929 đến 7/4/1935, Hà Nội, 1964, tr.481]. “Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục của mình” [Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương (11-1940); Văn kiện Đảng, từ 25-1-1939 đến 2-9-1945, Hà Nội, 1963, tr.154].
– Các biện pháp để phát huy tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc là có thể ra báo, sử dụng tiếng mẹ để trong sinh hoạt. “Những địa phương có người dân tộc thiểu số, có người ngoại quốc phải ra báo bằng chữ của họ” [Văn kiện Đại hội Đảng, tập 5, tr.141].“Các xứ uỷ Ai Lao, Cao Miên và các tỉnh có người dân tộc thiểu số phải dùng đủ phương pháp mà xuất bản báo chương, truyền đơn và các tài liệu khác bằng chữ dân tộc thiểu số” ; “(....) được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá của mình (...) [Văn kiện Đại hội Đảng, tập 5, tr.199].
– Coi trọng vấn đề đoàn kết dân tộc, Đảng đã khẳng định một điều khái quát nhưng rất sâu sắc mà nội dung của nó đến nay vẫn giữ được giá trị đích thực là “Văn hoá của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại và được bảo đảm” [Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, tháng 5/1941, Văn kiện Đảng từ 25/1/1939 đến 2/9/1945, Hà Nội, 1963, tr.154].
– Cán bộ của Đảng tại vùng DTTS phải học để biết sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc tại đó đồng thời sử ngôn ngữ DTTS làm công cụ để tuyên truyền cách mạng. “Phải học tiếng của các dân tộc ấy, phải tìm cách ra sách báo bằng chữ của họ” [Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng (tháng 11/1939); Văn kiện Đảng, từ 25/1/1939 đến 2/9/1945, Hà Nội, 1963, tr.68].
2.1.2. Thời kì từ năm 1945 đến 1954 là thời Đảng đã giành được chính quyền nên chính sách ngôn ngữ DTTS thời kì này là chủ trương của Đảng và các kế hoạch thực thi của Nhà nước. Cụ thể:
– Chính sách ngôn ngữ DTTS của Đảng và Nhà nước Việt Nam được luật hoá trong các điều khoản của Hiến pháp, bao gồm: Quyền và nghĩa vụ sử dụng tiếng nói chữ viết; Quyền và nghĩa vụ phải biết tiếng Việt và chữ quốc ngữ; Quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong đó có bình đẳng về ngôn ngữ; Quyền sử dụng tiếng nói chữ viết của dân tộc mình (đối với dân tộc thiểu số).“Điều 3: Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc của mình; Điều 15: Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình ; Điều 18: Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ; Điều thứ 66: Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước toà án” [Hiến pháp 1946].
– Với chính sách đoàn kết dân tộc, chủ trương của Đảng là “Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc. Cải thiện đời sống cho các dân tộc thiểu số, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương thiểu số” [Nghị quyết Đại hộ Đảng, tháng 2/1951]. Chính sách này đảm bảo cho các dân tộc được quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong mọi lĩnh vực văn hóa xã hội, kinh tế chính trị.
– Dùng tiếng mẹ đẻ để hỗ trợ cho việc học tiếng Việt, chữ quốc ngữ. “Tuỳ từng nơi, có thể dùng vần quốc ngữ để phiên âm tiếng địa phương, coi đó như một thứ chữ mới của dân tộc thiểu số địa phương, có thể dùng để dạy bằng tiếng mẹ đẻ cho dân tộc đó. Song đồng thời vẫn dạy kèm tiếng phổ thông và chữ quốc ngữ” [Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 16 tháng 8 năm 1952, thi hành chính sách dân tộc thiểu số ở Khu Q.T].
– Tôn trọng tiếng nói chữ viết DTTS, tạo điều kiện để tiếng nói chữ viết DTTS phát huy tác dụng như dùng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt, trong giáo dục, sử dụng chữ viết dân tộc thiểu số trong dạy học, đặt chữ viết, Latinh hoá chữ viết (chữ Thái, chữ Mèo), xuất bản sách báo bằng chữ dân tộc (chữ Thái). “Tôn trọng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc”; “cải thiện đời sống cho các dân tộc thiểu số, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương thiểu số” [Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 8/1952]. Đó là:
1/ Dân tộc thiểu số nào có sẵn chữ viết rồi thì “dùng chữ viết ấy mà dạy trong các trường của họ ở các lớp dưới (cấp I trường phổ thông)” ;
2/ Dân tộc nào chưa có chữ viết thì có thể sử dụng chữ quốc ngữ để viết tiếng dân tộc hoặc đặt chữ Latinh. “(...) dùng chữ quốc ngữ phiên âm tiếng địa phương để dạy học”; “Đặt chữ viết cho dân tộc đó theo cách viết Latinh cho dễ học. “Đặt chữ Latinh cho đồng bào thiểu số” [Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ IV, miền Bắc Đông Dương, tập 9];
3/Đối với những dân tộc đã có chữ riêng như người Thái, v.v. thì cần ra sách, báo, truyền đơn, v.v. bằng chữ riêng của họ để dễ tuyên truyền giác ngộ họ [Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 16 tháng 8 năm 1952, thi hành chính sách dân tộc thiểu số ở Khu Q.T]. Theo đó, từ 1953 Bộ Giáo dục đã lần lượt giúp đỡ đồng bào Tày - Nùng, Mèo xây dựng chữ viết, giúp đỡ đồng bào Thái cải tiến chữ viết cũ.
2.2. Chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ DTTS giai đoạn từ 1954-1975
1) Chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ DTTS được luật hoá trong Hiến pháp 1960 tại Điều 3 “Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói chữ viết, phát triển văn hoá dân tộc mình (...)” và Điều 102 “Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thuộc các dân tộc thiểu số có thể dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước Toà án”.
2) Chủ trương của Đảng là coi trọng và phát huy vai trò của ngôn ngữ DTTS (tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc). Cụ thể: – Có thể xoá mù chữ bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc bên cạnh việc xoá mù bằng tiếng Việt, chữ quốc ngữ. “Với những vùng đồng bào Tày - Nùng mà chưa biết chữ cần đẩy mạnh thanh toán bằng chữ Tày-Nùng." [Nghị quyết của Khu uỷ Việt Bắc số 50-NQ/KU, ngày 10/5/1962, Về phương hướng và nhiệm vụ năm 1962].
– Tiếp tục thực hiện chủ trương, các cán bộ làm việc ở vùng DTTS phải biết sử dụng tiếng của dân tộc đó. “Học tiếng địa phương, những cán bộ công tác ở địa phương nào bắt buộc phải học tiếng ở địa phương ấy để phục vụ công tác” [Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương khu Tây Bắc số 04/NQ-TB về việc tăng cường công tác tư tưởng, giáo dục, tổ chức, và sửa đổi lề lối làm việc].
– Đưa ra chủ trương xây dựng chữ dân tộc. “(....) Xây dựng chữ dân tộc ở những nơi cần thiết” [Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, ngày 05/9/1960].
– Xuất bản sách song ngữ tiếng Việt-tiếng DTTS. “Cần căn cứ vào đặc điểm của tình hình miền núi, trình độ chính trị và văn hoá của các dân tộc thiểu số mà xuất bản những sách, tranh ảnh, v.v. để giáo dục đường lối, chính sách, giáo dục văn hoá và nghệ thuật, phổ biến khoa học và kĩ thuật, bằng chữ phổ thông và chữ dân tộc.” [Chỉ thị của Ban Bí thư số 54-CT/TW, 01/10/1962, về vấn đề tăng cường công tác xuất bản].
3) Chính phủ đã có một số quyết định quan trọng về ngôn ngữ DTTS:
– Sắc lệnh số 230-SL ngày 29/4/1955 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành ngày 29/4/1955 về việc thành lập khu tự trị Thái Mèo. Trên tinh thần “các dân tộc đều có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong mọi việc”, về ngôn ngữ có quy định như sau: 1/ Quyết định về việc sử dụng tiếng Thái, chữ Thái cùng với tiếng Việt, chữ Việt tại khu tự trị Thái Mèo: Linh hoạt sử dụng tiếng Thái chữ Thái hoặc tiếng Việt, chữ quốc ngữ trong công việc hành chính, tuyên truyền giáo dục; 2/ Quyết định về phiên âm chữ dân tộc trong trường hợp chưa có chữ viết. “Điều 14: Chữ Thái và chữ quốc ngữ đều dùng trong công việc hành chính, tuyên truyền, giáo dục (trường hợp nào dùng chữ Thái tiện thì dùng chữ Thái; trường hợp nào dùng chữ quốc ngữ tiện thì dùng chữ quốc ngữ). Đối với các dân tộc không có chữ riêng, sẽ nghiên cứu cách phiên âm tiếng nói của các dân tộc đó" [Quyết định việc về việc thành lập khu tự trị Thái Mèo; Sắc lệnh số 230-SL ngày 29/4/1955 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành ngày 29/4/1955].
4) Để triển khai chính sách về ngôn ngữ các DTTS, Chính phủ và các cơ quan quản lí do Chính phủ uỷ quyền đã đưa ra các quyết định và các biện pháp thực thi. Trong đó đáng chú ý là 04 văn bản xếp theo thời gian, đó là: 1/ Nghị định số 206-CP ngày 27/11/1961 phê chuẩn các phương án chữ Tày-Nùng, chữ Thái và chữ Mèo và quy định việc dùng các loại chữ viết đó ở các địa phương; 2/ Thông tư số 14-TT ngày 12/4/1962 của Bộ Giáo dục về việc thi hành nghị định của Chính phủ về việc dùng chữ Tày-Nùng, chữ Thái và chữ Mèo của Hội đồng Chính phủ trong phạm vi cả nước (do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên kí); 3/ Quyết định 153/CP năm 1969 của Thủ tướng về việc xây dựng, cải tiến và sử dụng chữ viết của các dân tộc thiểu số (do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kí); 4/ Thông tư 19/TT (ngày 18/02/1972) hướng dẫn thực hiện Quyết định 153/CP của Chính phủ về việc “xây dựng, cải tiến và sử dụng chữ viết các dân tộc thiểu số”.
5) Chính phủ cùng với việc chỉ đạo đã đưa ra hàng loạt các biện pháp cụ thế đối với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS trên đất nuớc Việt Nam. Trong đó tập trung vào chữ viết: Xác lập chữ viết dân tộc thiểu số và việc dạy - học chữ viết này cho đồng bào DTTS và con em của họ. Giữa Nghị định 206/CP năm 1961 và Quyết định 53/CP năm 1969 có một điểm khác biệt là: Quyết định 53/CP năm 1969 nhấn mạnh cần cải tiến chữ Tày - Nùng, chữ Mèo để các bộ chữ này phát huy tác dụng trong văn hoá giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn; cần Latinh hoá chữ Thái cho gần với chữ phổ thông của cả nước; quyết định tạm ngừng dạy chữ Thái cải tiến trong các trường cấp I và thay vào đó là dạy thẳng chữ phổ thông trong các vùng đồng bào Thái từ các lớp đầu cấp. Cụ thể, việc triển khai chữ Tày - Nùng, chữ Thái và chữ Mèo có một số điểm đáng chú ý như sau:
– Đối với chữ Tày-Nùng: 1/ Chữ TàyNùng được Nhà nước ban hành vào năm 1961; 2/ Chữ Tày - Nùng được xây dựng trên cơ sở tiếng Tày vùng Thạch An-Cao Bằng; 3/Chữ Tày Nùng được xây dựng dựa vào bảng chữ cái quốc ngữ; 4/ Trong lĩnh vực văn hoá, nhiều sáng tác bằng chữ Tày Nùng đã xuất hiện; 5/ Trong giáo dục, từ năm học 1962-1963, chữ Tày- Nùng được giảng dạy trong nhà trường và hàng nghìn học sinh theo học, nhưng đến năm 1970, phong trào học chữ Tày-Nùng giảm dần; 6/Gọi là Chữ Tày - Nùng nhưng chữ này chủ yếu chỉ được dạyhọc ở vùng Tày, còn vùng Nùng tỏ ra không mặn mà gì với loại chữ viết này.
– Đối với chữ Thái: 1/Từ năm 1954 đến 1959, chữ Thái đã qua 2 lần cải tiến; 2/ Năm 1961, sau khi được phê chuẩn, chữ Thái cải tiến đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống văn hoá, văn nghệ, phát thanh tuyên truyền; 3/ Vì có bản đúc in chữ Thái loại này nên nhiều tác phẩm cổ của dân tộc Thái được ấn hành; 4/ Bắt đầu từ năm 1962, chữ Thái được đưa vào giảng dạy trong giáo dục cấp I phổ thông. Tuy nhiên, sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân chỉ rầm rộ được 02 năm đầu (1962-1963) rồi xuống dần và đến năm 1968 thì chữ Thái cải tiến đã không phát huy được tác dụng; 5/ Theo Quyết định 153/CP (1969), việc dạy chữ Thái cải tiến trong nhà trường tạm dừng và toàn bộ các trường tiểu học thuộc vùng Thái cư trú đều dạy thẳng bằng chữ phổ thông. Sau khi Quyết định 153/CP được ban hành, một số trí thức Thái đã tiến hành Latinh hoá chữ Thái.
– Đối chữ chữ Mèo (H‟Mông, H Mông): 1/ Từ cuối những năm 50 của thế kỉ XX, chữ Mèo đã được quan tâm và vào năm 1960 Nhà nước đã chính thức ban hành và đưa vào sử dụng chữ Mèo; 2/ Chữ Mèo được xây dựng trên cơ sở ngữ âm tiếng Mèo Hoa (nay gọi là Mông Lềnh ở Sa Pa). Nghị định 206/CP 21/7/1961 đã phê chuẩn cả ba phương án chữ Mèo; 3/ Từ 1961-1970, có báo chữ Mèo; 4/ Thời gian từ năm 1962 đến 1968, chữ Mèo được người dân Mèo hưởng ứng, ủng hộ và tham gia học. Trong trường phổ thông, việc dạy - học chữ Mèo được tiến hành theo phương thức: Lớp vỡ lòng, lớp 1, 2 dạy - học chủ yếu bằng chữ Mèo; lớp 3, 4 chủ yếu học bằng tiếng Việt. Với phương thức này, trong các năm 1962-1965, kết quả học tập của học sinh Mèo rất khả quan. Đến năm 1970, chữ Mèo chỉ dạy - học theo cách giảm dần thời lượng: Ở lớp đầu cấp (lớp 1, 2) thì học nhiều và giảm dần ở lớp 3, đến lớp 4 thì dừng. Đến năm học khoá 1968-1969 thì bỏ hẳn việc dạy chữ Mèo. 6) Chủ trương của Đảng về ngôn ngữ ở Miền Nam giai đoạn này là: Chống lại chính sách ngu dân và đồng hoá dân tộc trong đó có đồng hoá ngôn ngữ của đế quốc Mĩ; đấu tranh để đảm bảo quyền bình đẳng về dân tộc trong đó có bình đẳng về ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Miền Nam Việt Nam; nâng cao trình độ văn hoá trong đó có trình độ tiếng Việt, chữ quốc ngữ cho mọi người dân bao gồm người dân tộc thiểu số.
– Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ngay sau khi thành lập, trong cương lĩnh của mình đã khẳng định quyền sử dụng tiếng nói chữ viết dân tộc, bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ các DTTS. “Các dân tộc ít người có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của mình để phát triển văn hoá và nghệ thuật dân tộc” [Cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb Giải phóng]. “Thực hiện chính sách đoàn kết bình đẳng giữa các dân tộc. Các dân tộc ít người có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của mình để phát triển văn hoá và nghệ thuật dân tộc” [Tuyên bố và chương trình hoạt động của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Nxb Giải phóng 1969]. “(...) Cố gắng phiên âm chữ dân tộc cho các dân tộc ít người có điều kiện mà hiện chưa có chữ (...) [Nghị quyết của Đại hội Đại biểu mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhứt , 16/02/1962 đến 03/3/1962].
– Tại các vùng giải phóng, các chữ BruVân Kiều, Pa Cô-Ta ôi, Cơ Tu, Ra glai,... đã ra đời. Chẳng hạn, tại các vùng giải phóng ở Bình Trị Thiên, Quảng Đà, từ Tây Nguyên đến các tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, chính quyền của Mặt trận giải phóng đã cho chế tác chữ viết Bru-Vân Kiều, Pa Cô, Ka Tu, Xơ đăng, Hrê, Co, Mnông, Stiêng; Tiến hành cải tiến các chữ đã có như chữ Ba na, Ê đê, Gia rai... Chính quyền Mặt trận đã phát động phong trào học, truyền bá, sử dụng các chữ dân tộc này và được người dân hưởng ứng. “Những nơi nào có chữ rồi thì mở ngay lớp học, ra báo, để duy trì và truyền bá bộ chữ của mình (...) những tỉnh lớn như Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Nam, (...) đều có báo viết bằng tiếng dân tộc. Việc dạy xen kẽ tiếng dân tộc và tiếng Kinh được thực hiện chủ yếu là ở cấp 1” [Thư Miền Nam].
2.3. Chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ DTTS giai đoạn từ 1975 nay
1) Giai đoạn này có 03 bản Hiến Pháp đó là Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (có sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. Tại Điều 5 của cả 03 bản Hiến pháp này đã khẳng định sự bình đẳng giữa các dân tộc trong đó có sự bình đẳng về ngôn ngữ và quyền ngôn ngữ của công dân Việt Nam “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhiều bộ luật đã ra đời, được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống, trong đó có Luật Giáo dục. Theo đó, ngôn ngữ là một trong những điều khoản trong Luật Giáo dục và được quy định như sau: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức trong nhà trường; các dân tộc thiểu số được quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của mình trong giáo dục; một số tiếng nuớc ngoài được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế là các ngoại ngữ trong nhà trường. “Điều 4: Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt. Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học” (Luật Phổ cập Giáo dục tiểu học;1991); “Điều 5. (...) Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ” (Luật Giáo dục;1998); “Điều 7. (...) 2. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ”. (Luật Giáo dục;2005).
2) Quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc rất rõ ràng và trước sau như một, đó là “(...) Tôn trọng tiếng nói và có chính sách đúng đắn về chữ viết đối với các dân tộc. Đặc biệt có chính sách khắc phục tình trạng suy giảm dân số đối với một số dân tộc ít người”. [Báo cáo chính trị của BCH TƯ khoá VI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII]. “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. (...) Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. [Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng]. “Về xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc: (...) Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mĩ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá. Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá của nhân loại” [Báo cáo của BCHTƯ Đảng khoá VIII về các văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, năm 2001]. “Chọn lọc, giữ gìn và nâng cao tinh hoa văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và của từng dân tộc; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc; tiếp thu những giá trị văn hoá, khoa học của nhân loại” [Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000]. “ (...) Tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. [Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 tại Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh]. Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số là tôn trọng và khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc học và sử dụng tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số, trước hết là tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. “Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tiếng nói, chữ viết của tất cả các dân tộc, và tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải học và dùng tiếng phổ thông và chữ quốc ngữ là ngôn ngữ chung của cả nước, để có điều kiện mau chóng tiếp thu kiến thức văn hoá, khoa học kĩ thuật” [Chỉ thị của Ban Bí thư Số 23-CT/TW, ngày 15/11/1977 về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam trong tình hình hiện nay]. “Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình” [Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc]. “Ngoài tiếng phổ thông, các dân tộc có chữ viết riêng được khuyến khích học chữ dân tộc” [Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010].
3) Cụm từ “bảo tồn và phát huy” ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc được chính thức đưa vào trong văn kiện của Đảng: “phải bảo tồn và phát huy tiếng nói chữ viết các dân tộc thiểu số". [Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc]. Trên tinh thần đó, Đảng đã có những chỉ đạo cụ thể đối với từng vấn về tiếng nói chữ viết DTTS và phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Đó là: 1/Tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng nguyện vọng của người DTTS trong việc kết hợp học xen kẽ chữ quốc ngữ và chữ dân tộc. “Chú ý giải quyết tốt nhu cầu của một số dân tộc về học chữ dân tộc mình xen kẽ với học chữ phổ thông” [Nghị quyết của Bộ chính trị Số 22-NQ/TW, ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi]; 2/ Tạo điều kiện thuận lợi cho người DTTS có nguyện vọng học chữ dân tộc của họ. “Đối với đồng bào có nhu cầu học chữ dân tộc, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc học tập của đồng bào đạt hiệu quả thiết thực” [Nghị quyết của Bộ chính trị Số 22-NQ/TW, ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi]. Chỉ đạo về tình hình tiếng nói chữ viết DTTS khi miền Nam mới được giải phóng, Đảng chủ trương, đối với những ngôn ngữ đã có chữ viết thì có thể dạy, xoá mù cho đồng bào bằng chữ viết dân tộc, tổ chức dạy chữ cho đồng bào dân tộc. “Đối với những dân tộc ít người đã có chữ viết riêng, các ngành có trách nhiệm và các địa phương phải thực hiện những điều đã được quy định trong Nghị quyết 153-CP của Hội đồng Chính phủ phù hợp với tình hình miền Nam” [Chỉ thị của Ban Bí thư Số 23-CT/TW, ngày 15/11/1977].
– Tăng cường phát huy tiếng nói chữ viết DTTS trong giao tiếp xã hội như sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hoạt động văn hoá xã hội. “Tăng cường các hình thức hoạt động văn hoá như phát hành sách báo, phát thanh, triển lãm, văn công, điện ảnh, đèn chiếu...; chú ý sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc và các hình thức hoạt động lưu động để đi sâu vào các vùng cao, xa xôi, hẻo lánh” [Chỉ thị của Ban Bí thư Số 23-CT/TW, ngày 15/11/1977 về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam trong tình hình hiện nay]. “Dùng tiếng nói dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng đồng bào dân tộc” [Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010].
– Căn cứ vào tình hình cụ thể, Đảng đã có chủ trương với một số ngôn ngữ cụ thể như tiếng Hoa, tiếng Khơ me, tiếng Chăm. “Bảo đảm cho người Hoa hưởng mọi quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng văn hoá, chữ viết, tạo điều kiện để bà con người Hoa yên tâm làm ăn, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam và vun đắp quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Tôn trọng văn hoá, tôn giáo của đồng bào Khơme, có chính sách giúp đỡ bà con người Khơme về đời sống, nhất là ở những vùng đồng bào có nhiều khó khăn” [Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ngày 27/6/1991]. “Tiếp tục thực hiện việc dạy chữ Chăm cổ, tái bản bộ sách giáo khoa chữ Chăm đáp ứng nhu cầu các trường học ở bậc tiểu học. Tiếp tục công trình nghiên cứu Latinh hoá chữ Chăm đáp ứng nguyện vọng đồng bào Chăm ở An Giang.” [Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000]. “Có chế độ trợ cấp thích đáng cho đội ngũ giáo viên người Chăm, nhất là đối với giáo viên dạy song ngữ.” [Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000].
4) Chính phủ đã có có các biện pháp thực thi kịp thời đối với công tác ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Cụ thể:
– Quyết định 53-CP ngày 22/02/1980 của Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết các dân tộc thiểu số như sau:
+ Chủ trương: 1/ Tiếng nói và chữ viết của mỗi DTTS ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước. Ở các vùng DTTS, tiếng và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tiếng và chữ phổ thông; 2/ Các DTTS chưa có chữ viết đều được giúp đỡ xây dựng chữ viết theo hệ chữ Latinh; cần xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết dân tộc theo bộ vần, gần gũi với bộ vần chữ phổ thông; 3/ Các DTTS đã có chữ viết kiểu cổ, nếu có yêu cầu, thì được giúp đỡ xây dựng chữ viết mới theo hệ chữ Latinh; 4/ Ở vùng DTTS, chữ dân tộc được dạy xen kẽ với chữ phổ thông ở cấp I trong các trường phổ thông và bổ túc văn hoá; ở cấp II của các trường phổ thông thuộc vùng đồng bào DTTS, nếu đã có chữ viết dân tộc, có thể tổ chức dạy môn ngữ văn dân tộc; những cán bộ và giáo viên hoạt động ở vùng DTTS nhất thiết phải học tiếng và chữ của DTTS nơi mình công tác; 5/ Sưu tầm và khai thác vốn văn hoá, văn nghệ của các DTTS; cần dùng cả chữ dân tộc và chữ phổ thông trong việc phổ biến những tác phẩm văn học của các DTTS, nhất là những tác phẩm tiêu biểu; 6/ Các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học có liên quan cần đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về ngôn ngữ các DTTS, đẩy mạnh công tác nghiên cứu tiếng nói, chữ viết, văn học,... của các DTTS; 7/ Trong giao dịch thư tín và trong đơn từ quan hệ với các cơ quan Nhà nước, đồng bào các DTTS được dùng chữ viết dân tộc.
+ Tổ chức thực hiện: 1/ Các tỉnh xây dựng kế hoạch dạy chữ phổ thông và chữ dân tộc thích hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của từng vùng, từng dân tộc; 2/ Xây dựng chương trình học, soạn giáo trình và những sách giáo khoa cần thiết bằng chữ dân tộc; 3/ Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn kế hoạch và phương pháp dạy xen kẽ chữ dân tộc với chữ phổ thông trong các trường, lớp phổ thông và bổ túc văn hoá cho sát hợp với tình hình.
– Chính phủ đã có những bước đi cụ thể trong giáo dục bằng tiếng dân tộc. Chẳng hạn, Quyết định số 326/2003/QĐ-TTg ngày 17/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2005 có 7 dự án. Trong 7 dự án của chương trình có dự án 2 là đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa. Dự án này tập trung vào các nội dung, trong đó về biên soạn sách dạy tiếng dân tộc cho trẻ em dân tộc và dự án về dạy tiếng dân tộc.
– Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo về việc các cán bộ công tác tại vùng DTTS phải biết tiếng DTTS như quyết định số 253/QĐTTg ngày 05/03/2003 và quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 07/01/2004, Chỉ thị số 38/2004/CT-TTG ngày 09/11/2004.
– Cung cấp sách dạy chữ dân tộc cho các trường cấp I có yêu cầu [Chỉ thị của thủ tướng Chính phủ số 525/TTG về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế xã hội miền núi ngày 2/11/1993].
– Tiếp tục phát triển phát thanh và truyền hình ở miền núi và vùng dân tộc: hết năm 1995, hoàn chỉnh việc phủ sóng truyền hình cho các huyện; nâng cao chất lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc, đi vào các nội dung thiết thực như hướng dẫn kĩ thuật sản xuất, sinh hoạt theo nếp sống mới, chống các hủ tục mê tín dị đoan,...; sản xuất nhiều máy thu thanh loại nhỏ, giá rẻ để đủ bán cho đồng bào (có thể áp dụng chính sách trợ giá đối với một số vùng quá khó khăn) [Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 525/TTG về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế xã hội miền núi ngày 2/11/1993].
– Quyết định số 1637/QĐ-TTG ngày 31/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về nội dung của các báo tạp chí cho vùng DTTS: Ngôn ngữ thể hiện trong Bản tin ảnh Dân tộc và miền núi, số chuyên đề Dân tộc và miền núi của Thông tấn xã Việt Nam: tiếng Việt, Khơ me, Gia rai, Ba na, Ê đê; Ngôn ngữ thể hiện trong Chuyên đề của báo Thiếu niên tiền phong: tiếng Việt, mỗi số báo ít nhất có 2 trang tiếng DTTS; Ngôn ngữ thể hiện trong Chuyên đề của báo Nhi đồng: tiếng Việt, các trang truyện tranh và thơ in thêm bằng tiếng một số các DTTS.
- Quyết định số 124/2003/QĐ-TTG ngày 17/06/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo tồn phát triển văn hoá các DTTS ở Việt Nam (thời gian thực hiện Đề án là từ năm 2003 đến năm 2010): Cùng với việc phổ cập tiếng Việt, cần sử dụng rộng rãi hơn tiếng nói, chữ viết của từng dân tộc trong việc truyền bá, giao lưu văn hoá, thông tin kinh tế khoa học - kĩ thuật, luật pháp, trong vùng đồng bào DTTS.
5) Thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ về ngôn ngữ dân tộc thiểu số, các bộ ngành, địa phương đã cụ thể hoá bằng các quyết định cụ thể. Chẳng hạn:
– Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thông tư cụ thể để triển khai chủ trương của Đảng và quyết định của Chính phủ về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là các thông tư ngày 03/2/1997 số 01/1997/TTGDĐT về hướng dẫn việc dạy tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số. Nội dung chủ yếu của thông tư này là: 1/ Triển khai dạy học môn tiếng dân tộc (bao gồm tiếng nói, chữ viết) trong các trường lớp mẫu giáo, các trường tiểu học, các lớp xoá mù chữ và bổ túc văn hoá tại các vùng dân tộc thiểu số; 2/ Việc dạy học tiếng dân tộc phải thực hiện theo những bước đi vững chắc (như phải có được sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân, có cơ sở vật chất đảm bảo, có giáo viên, sách vở,...);3/ Tiếng dân tộc được giảng dạy như một môn học, bình đẳng với các môn học khác; 4/ Đa dạng hoá các hình thức dạy học tiếng dân tộc; 5/ Xây dựng chương trình bộ môn tiếng dân tộc, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu dạy học cần thiết; 6/ Đối với các thứ chữ theo hệ Latinh thì bộ môn tiếng dân tộc được bắt đầu dạy từ lớp 3, sau khi học sinh đã học xong và nắm được bộ vần quốc ngữ để tránh tình trạng học sinh nhỏ tuổi ở lớp 1 và 2 phải học hai bộ vần trong cùng một lúc; 7/ Đối với chữ viết cổ truyền (Hoa, Khơ me, Chăm, Thái) do hệ thống ký hiệu chữ viết, cách cấu tạo âmvần khác với chữ quốc ngữ, việc thanh toán bộ vần đòi hỏi nhiều thời gian nên có thể triển khai dạy từ lớp 1 để sau khi học xong tiểu học, học sinh biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ tương đối thành thạo; 8/ Môn học tiếng dân tộc được đưa vào kế hoạch dạy học chung: ở tiểu học, mỗi tuần dạy 4 tiết; 9/ Tiến hành chỉnh lí, biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc cho phù hợp với nội dung chương trình và kế hoạch dạy học theo quy định; 10/ Các loại chương trình bộ môn tiếng dân tộc phải được Hội đồng cấp Bộ thẩm định và ban hành chính thức; 11/ Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc; 12/ Xác định mức độ dạy học tiếng dân tộc; 13/ Trong bậc giáo dục mầm non: ở các lớp mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, việc dạy học được tiến hành chủ yếu bằng tiếng dân tộc; đối với các lớp mẫu giáo lớn tuổi, thông qua chương trình dạy học, bằng các hình thức ngôn ngữ giao tiếp, giới thiệu thơ ca dân gian bằng tiếng dân tộc cho các em; bên cạnh đó cần chú trọng dạy tập nói tiếng Việt để giúp các em chuyển sang học lớp 1 được thuận lợi; 14/ Trong bậc giáo dục phổ thông: ở bậc tiểu học, dạy cho học sinh biết đọc, biết viết tương đối thành thạo và vững chắc chữ viết dân tộc nhằm giúp các em có cơ sở ban đầu để tự học, tự nâng cao trình độ về tiếng nói, chữ viết mẹ đẻ sau này; 15/ Trong ngành học giáo dục thường xuyên: tiến hành xoá mù chữ dân tộc cho các đối tượng lớn tuổi không có điều kiện xoá mù chữ bằng chữ quốc ngữ; với các đối tượng là cán bộ xã, bản, thôn ấp và thanh niên từ 15-25 tuổi sau khi được xoá mù chữ và bổ túc văn hoá bằng tiếng và chữ phổ thông, khuyến khích họ học thêm chữ dân tộc để sử dụng trong công tác và trong đời sống tại địa phương; 16/ Ngoài việc giảng dạy trong nhà trường, tiếng và chữ dân tộc cần được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội địa phương vùng dân tộc thiểu số thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, xuất bản các loại sách báo địa phương,...
– Đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên dạy tiếng dân tộc, chương trình học tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc.
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định số 02/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/01/2006 về việc ban hành chương trình khung đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ viết) gồm tiếng Chăm, tiếng Gia rai, tiếng H‟mông, tiếng Khơ me: Quyết định số 29/2006/QĐ-BGDĐT ngày 04/07/2006 về việc ban hành chương trình tiếng Chăm dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm cho cán bộ công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi; Quyết định số 37/2006/QĐ-BGDĐT ngày 28/08/2006 về việc ban hành Chương trình tiếng Gia rai dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Gia rai cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; Quyết định số 46/2006/QĐBGDĐT ngày 23/10/2006 về việc ban hành Chương trình tiếng Khơ me dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Khơ me cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc.
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình cấp tiểu học các tiếng Ê đê, tiếng Chăm, tiếng H‟mông, tiếng Gia rai, tiếng Ba na, Khơ me: Quyết định số 48/2007/QĐ-BGDĐT ngày 29/08/2007 về việc ban hành Chương trình tiếng Ê đê cấp tiểu học; Quyết định số 48/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2008 về việc ban hành Chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học; Quyết định số 75/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2008 về việc ban hành Chương trình tiếng Hmông cấp tiểu học; Quyết định số 76/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29/08/2008 về việc ban hành Chương trình tiếng Gia rai cấp tiểu học; Quyết định số 77/2008/QĐ-BGDĐT 26/12/2008 về việc ban hành tạm thời chương trình tiếng Khơ me ở tiểu học và trung học cơ sở. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 03/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/01/2006 về Chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ viết) cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số; Quyết định số 44/2006/QĐ-BGDĐT ngày 23/10/2006, Chương trình dạy tiếng H‟mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, gồm tiếng H‟mông.
– Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh-truyền hình của các tỉnh đã quyết định phát sóng bằng tiếng dân tộc. Chẳng hạn, ngay từ những năm 80 của thế kỉ XX, Đài tiếng nói Việt Nam đã có Quyết định số 215/QĐ/ĐFT ngày 28/8/1980 của Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam về việc thành lập Phòng phát thanh chương trình tiếng Khơ me; từ ngày 1/1/2005, chương trình phát thanh tiếng Chăm được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam; ngày 8/6/2004 Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã kí Quyết định số 622/QĐTHVN về ban hành chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ban Truyền hình tiếng dân tộc Chương trình VTV5, đó là phát sóng tiếng dân tộc (Thái, H‟mông, Chăm, Khơ me, Ra glai, Cơ ho, Ê đê, Xơ đăng, Gia rai,..); các đài phát thanh truyền hình địa phương cũng xây dựng chương trình phát sóng bằng tiếng dan tộc.
– Một số địa phương chủ động xây dựng chữ viết cho một số dân tộc thuộc địa bàn của tỉnh mình và sử dụng chữ viết đó trong dạy học, trong phát sóng bằng tiếng dân tộc, trong biên soạn từ điển song ngữ Việt-tiếng dân tộc. Ví dụ, chương trình phát sóng tiếng Chăm của tỉnh Phú Yên không sử dụng chữ Chăm đã có mà xây dựng chữ Chăm Latinh riêng; tỉnh Bình Định cũng xây dựng chữ Chăm riêng.
2.4. Nhận xét chung
1) Chính sách của Đảng và Nhà nước ta về ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ DTTS nói riêng luôn nhất quán, đó là:
– Coi chính sách ngôn ngữ là một trong những quốc sách trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam. Khẳng định vị thế và chức năng giao tiếp quốc gia của tiếng Việt, Chính sách của Đảng và Nhà nước là tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo vệ, phát triển và hiện đại hoá tiếng Việt đồng thời làm cho tiếng Việt trở thành công cụ giao tiếp chung của toàn dân tộc Việt Nam, giúp cho việc nâng cao dân trí của người dân Việt Nam. Vì thế, xoá mù chữ và chống tái mù chữ bằng tiếng Việt cho mọi người dân Việt Nam là nhiệm vụ xuyên suốt mọi thời kì.
– Khẳng định sự bình đẳng về dân tộc trong đó có bình đẳng về ngôn ngữ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có chính sách bảo tồn và phát huy tiếng nói chữ viết của 53 dân tộc thiểu số: Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của của 53 dân tộc thiểu số luôn đặt trong mối quan hệ với tiếng Việt, và ngược lại, việc bảo vệ và phát triển chức năng quốc gia của tiếng Việt luôn đặt trong mối quan hệ với tiếng dân tộc thiểu số. Nhờ có chính sách này mà hầu hết người dân tộc thiểu số đều có khả năng song ngữ tiếng Việttiếng mẹ đẻ.
– Chú trọng tới vai trò của ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong đời sống ở vùng dân tộc, ngay từ khi đấu tranh giành chính quyền cho đến nay, Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương, theo đó là có chế độ ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang học tập và biết sử dụng tiếng nói chữ viết dân tộc tại tại nơi công tác, đóng quân.
– Để bảo tồn và phát huy tiếng nói nói chữ viết các dân tộc, Đảng và Nhà nước đã đưa ra hàng loạt các chủ trương, biện pháp phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, trong đó tập trung vào 3 nội dung lớn: 1/ Vấn đề chữ viết của các ngôn ngữ dân tộc, bao gồm việc chế tác, cải tiến và sử dụng chúng; 2/ Vấn đề giáo dục tiếng dân tộc/mẹ đẻ trong nhà trường và ngoài xã hội; 3/Vấn đề phát sóng bằng tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương (trên VTV, VOV) và của mỗi địa phương. Nhìn lại chính sách ngôn ngữ DTTS của Đảng và Nhà nuớc ta trong suốt tiến trình lịch sử, có thể đưa ra một nhận định chung là: Từ góc độ ngôn ngữ, có thể thấy, đây là những chủ trương, đường lối đúng đắn cùng với những biện pháp thực thi hữu hiệu, phù hợp với bối cảnh ngôn ngữ xã hội Việt Nam về ngôn ngữ DTTS ở từng giai đoạn. Nhờ đó, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam được bảo tồn và phát huy. Từ góc độ hiệu quả xã hội, có thể khẳng định rằng, nhờ có những chính sách này, các dân tộc ở thiểu số ở Việt Nam có được sự bình đẳng dân tộc trong đó có sự bình đẳng về ngôn ngữ, theo đó, tiếng nói chữ viết của các dân tộc ở Việt Nam đã góp phần cho bản sắc văn hoá Việt Nam đậm đà, đa sắc màu.
2) Tuy nhiên, cũng chính từ quá trình thực thi chính sách này, còn thấy rất nhiều việc phải làm. Trong đó đáng chú ý là:
– Còn có sự bất cập giữa chính sách và thực thi chính sách. Nói cách khác, từ chính sách đến thực thi cũng như từ chính sách đến việc luật hoá những nội dung về ngôn ngữ có thể luật hoá được còn có khoảng cách, nếu không muốn nói là khoảng trống. Còn có sự không phù hợp ở một số nội dung của chính sách với cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn: Vấn đề chế tác, cải tiến chữ viết dân tộc thiếu số được giao cho các tỉnh tự quyết định đang gây ra tính trạng “loạn” chữ viết dân tộc thiểu số (một dân tộc có thể ở mỗi tỉnh sử dụng một loại chữ viết). Vấn đề giáo dục tiếng dân tộc thiểu số, cũng như giáo dục song ngữ tiếng Việt-tiếng dân tộc đang có chiều hướng phát triển nhưng lại chưa tính đến các nhân tố về cảnh huống ngôn ngữ tại vùng dân tộc thiểu số như cư trú đan xen, sự khác nhau về phương ngữ, về chữ viết và chưa được khảo sát, đánh giá về hiệu quả của công việc này. Vấn đề phát sóng tiếng dân tộc trên phát thanh truyền hình chưa tính đến thái độ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như hiệu quả của chương trình phát sóng. – Chưa có sự phân biệt giữa đường hướng mang tính chiến lược lâu dài với nhiệm vụ trước mắt trong việc thực thi chính sách về ngôn ngữ. Chẳng hạn, việc yêu cầu các cán bộ công chức, lực lượng an ninh, quốc phòng cần học và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số tại nơi công tác là một chủ trương đúng, nhất quán từ trước đến nay, nhưng việc thực thi còn hạn chế và đang có nguy cơ mang tính hình thức. Lí do là vì, có một vài nơi đã xuất hiện tình trạng thay vì việc học để giao tiếp thì việc học chỉ mang tính hình thức để có chứng chỉ thi nâng ngạch (thay cho ngoại ngữ).
3. Những vấn đề đặt ra đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số hiện nay góp phần phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số
3.1. Những nét mới về cảnh huống các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay
1) Quá trình di dân đã và đang tạo nên sự phân bố lại về mặt địa-xã hội của các dân tộc. Theo đó là diễn biến của một quá trình thay đổi cảnh huống ngôn ngữ truyền thống ở Việt Nam ở vùng dân tộc thiểu số. Nhìn một cách tổng quát, ngoại trừ sự di chuyển lẻ tẻ của một số cá thể hoặc một số gia đình dân tộc thiểu số đến thành phố do yêu cầu của công việc thì sự di dân chủ yếu là sự di chuyển mang tính cộng đồng của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc vào các vùng phía Nam (chủ yếu là các vùng dân tộc thiểu số) lập nghiệp. Chẳng hạn, nhiều dân tộc thiểu số ở phía Bắc như dân tộc Hmông, Dao, Tày, Thái,...hiện đang định cư thành các làng, các xóm tại các tỉnh phía Nam.
2) Quá trình đô thị hoá với sự xuất hiện các khu công nghiệp tại các vùng dân tộc thiểu số làm cho có sự di chuyển của một số lượng lớn người Việt /Kinh đến đó làm việc và sinh sống. Hai hiện tượng di dân này tạo nên tính cộng cư, đan xen đa dân tộc vốn đã có nay càng mạnh thêm tại các vùng dân tộc thiểu số, từ đó tạo nên một xã hội đa ngữ, phá vỡ dần tính bền chặt của các tiểu cộng đồng, nhất là các tiểu cộng đồng đơn dân tộc ngay ở tại các xóm bản. Hệ quả dẫn đến đối với ngôn ngữ là, về mặt chức năng giao tiếp, người ta phải tìm đến một ngôn ngữ chung mà ngôn ngữ chung đó là tiếng Việt. Nhờ đó, tiếng Việt được người dân ở đây sử dụng nhiều hơn, tốt lên và tất nhiên, việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số thì đang có xu hướng giảm đi. Cùng với đó, lại có một quá trình diễn biến khác: quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá cũng làm cho một số tiểu cộng đồng dân tộc thiểu số lùi sâu vào phía trong rừng núi, vùng cao, cách xa đô thị, tạo nên cuộc sống có phần biệt lập trong đó có ngôn ngữ. Điều này giúp giải thích vì sao một số ít tiểu cộng đồng dân tộc thiểu số còn rất hạn chế về năng lực tiếng Việt.
3) Đời sống xã hội chung đang tác động mạnh đến cảnh huống các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, trong đó có ngôn ngữ. Chẳng hạn:
- Nhiều người dân tộc thiểu số thoát li nương rẫy, buôn làng lên thành phố, trị trấn công tác, làm ăn, buôn bán,...đã mang về cho buôn làng đời sống tinh thần mới trong đó có tiếng Việt. Chương trình phát sóng tiếng Việt trên phát thanh, truyền hình đang ngày một phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều chương trình thu hút sự quan tâm của người dân tộc thiểu số như chương trình khuyến nông, các chương trình quảng cáo bắt mắt thu hút sự chú ý của bà con; các chương trình văn nghệ, vui chơi giải trí bằng tiếng Việt thu hút sự quan tâm, hào hứng của mọi người, nhất là giới trẻ dân tộc thiểu số. Tất cả các nhân tố này đang tác động mạnh tới việc sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số: phạm vi giao tiếp của tiếng Việt được mở rộng. Có thể nói, nếu như trước đây, ngôn ngữ sử dụng trong phạm vi giao tiếp gia đình người dân tộc thiểu số là tiếng dân tộc thiểu số (tiếng mẹ đẻ của họ) thì giờ đây có cả tiếng Việt, thậm chí tiếng Việt dang có chiều hướng được sử dụng ngày càng phổ phiến trong số đông gia đình người dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, không ít gia đình vợ chồng đều thuộc một dân tộc ít người nhưng lại đa phần là sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp gia đình.
- Một đặc điểm nữa có thể nhận thấy là, xu hướng trộn mã, chuyển mã trong giao tiếp ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện: người dân tộc thiểu số khi đang nói tiếng mẹ đẻ có thể chuyển sang nói tiếng Việt và ngượi lại; các yếu tố của tiếng Việt (từ ngữ, cách diễn đạt bằng tiếng Việt) được sử dụng nhiều trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Xu hướng sử dụng ngôn ngữ kiểu này đang xuất hiện nhiều ở các cộng đồng người dân tộc thiểu số cư trú gần huyện lị, gần các trục đường quốc lộ.
4) Có thể thấy, đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số hiện nay, dưới tác động của các nhân tố xã hội thì cảnh huống ngôn ngữ giữa các dân tộc, thậm chí trong nội bộ một dân tộc cũng khác nhau, đó là: 1/ Sự khác nhau về việc phân bố chức năng giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; 2/ Sự khác nhau về năng lực tiếng Việt giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số; 3/ Sự khác nhau về hệ quả của sự tương tác giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và giữa các ngôn ngữ dân tộc thiểu số;...Chính đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự khác nhau ngày một xa giữa các phương ngữ của một ngôn ngữ dân tộc thiểu số.
5) Đối với chữ viết của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số thì tình hình tỏ ra phức tạp hơn nhiều:
- Đối với những ngôn ngữ chưa có chữ viết, người dân có thể tự ý tạo ra các loại chữ viết riêng dựa vào âm đọc của địa phương mình. Tiếng Mường là một ví dụ: để ghi lại tiếng Mường, người Mường đã tự tạo ra chữ Mường (thường là sử dụng các cách viết của chữ quốc ngữ để ghi lại; có khi còn tạo ra cả chữ nôm Mường).
- Đối với một số ngôn ngữ có mấy kiểu chữ viết thì người ở mỗi vùng, thậm chí chính quyền ở mỗi tỉnh, căn cứ vào quy định trong Quyết định 53/CP để có thể lựa chọn chữ viết này mà không lựa chọn chữ viết nọ, thậm chí có thể tạo ra loại chữ viết mới. Ví dụ, trong khi cộng đồng Chăm Ninh Thuận (và cả Bình Thuận) chấp nhận sử dụng loại chữ viết Chăm dùng để in sách giáo khoa cho học sinh học thì cộng đồng Chăm An Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung lại chấp nhận một loại chữ viết khác là chữ Chăm Arâp gắn với đạo Islam; còn người Chăm Hroi ở Phú Yên lại đang cố gắng tạo ra một loại chữ Chăm Latinh mà không sử dụng chữ Chăm Latinh của Bình Định. Như vậy, các nhân tố nhân tố xã hộingôn ngữ đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống ngôn ngữ tại các vùng dân tộc thiểu số ở các mức độ khác nhau. Đáng chú ý là:
- Nếu như cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam trước đây chủ yếu là sự phân bố về chức năng giữa tiếng Việt (thực hiện chức năng của ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức, giao tiếp chung trong cả nước) với các ngôn ngữ dân thiểu số (thực hiện chức năng giao tiếp trong nội bộ dân tộc) thì giờ đây do yếu tố toàn cầu hoá và hội nhập, sự phân bố chức năng trên phải được chia sẻ cho một ngôn ngữ mang tính quốc tế hiện nay là tiếng Anh. Xét ở mặt lí thuyết và pháp lí, giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ này có sự phân công rõ ràng về vị thế và chức năng. Nhưng, thực tế sử dụng thì giữa chúng lại đang có sự “lấn” nhau cục bộ về chức năng do nhu cầu về giao tiếp.
- Nếu như trước đây, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số thực hiện chức năng giao tiếp trong nội bộ dân tộc gắn với sự ổn định theo vùng miền thì giờ đây đang có sự thay đổi mạnh dưới tác động của tiếng Việt và sự xuất hiện của các ngôn ngữ dân tộc mới do sự di dân của những người dân tộc thiểu số từ nơi khác đến.
3.2. Những vấn đề đặt ra đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số hiện nay
Vấn đề ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có thể được nhìn nhận ở hai góc độ vĩ mô và vi mô. Ở tầm vĩ mô, phát huy chức năng của tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc thiểu số là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, cần đặt chúng trong mối quan hệ với ngôn ngữ quốc gia tiếng Việt như tại Điều 5.3 của Hiến pháp 2013 đã ghi rõ: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Đó là việc phải giải quyết cho được mối quan hệ về vị thế, chức năng giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam và với tiếng Anh. Bởi cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay đang nổi lên đặc điểm này. Đây là một nội dung thường thống nhất ở mặt lí thuyết nhưng khó khăn ở việc xử lí thực tế. Lí do chính là ở tính hai mặt của mối quan hệ này:
- Việc nhấn mạnh vị thế, chức năng quốc gia của tiếng Việt sẽ làm cho tiếng Việt có điều kiện phát triển, phát huy cao độ được chức năng của mình trong giao tiếp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, sự mở rộng và phát huy mạnh mẽ vị thế và chức năng của tiếng Việt rất dễ kéo theo sự thu hẹp dần chức năng giao tiếp của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và cũng làm hạn chế năng lực tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung của người Việt.
- Phát huy chức năng của tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc thiểu số là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh đến mức cực đoan sẽ làm cho người dân tộc thiểu số một mặt sẽ hạn chế về năng lực tiếng Việt, mặt khác, có thể gây tác động về mặt dân tộc. Như đã biết, tiếng nói chữ viết của mỗi dân tộc là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất, nổi trội, dễ nhận ra nhất trong việc xác định thành phần dân tộc, khẳng định sự tồn tại của một dân tộc. Vì thế, cần hết sức chú ý tới nhân tố nhạy cảm này nhưng không quên rằng, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, góp phần vào sự thống nhất của một quốc gia. Ở tầm vi mô, cần tập trung vào những vấn đề sau: chức năng giao tiếp của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; sử dụng, cải tiến và chế tác chữ viết; giáo dục song ngữ; phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số; v.v. Cụ thể:
– Việc bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải được thể hiện ở việc duy trì cho được chức năng của ngôn ngữ dân tộc thiểu số với tư cách là tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng của họ khi mà hàng loạt các nhân tố khách quan và chủ quan (thái độ ngôn ngữ) đang làm thu hẹp dần chức năng của các ngôn ngữ này. Căn cứ vào cảnh huống ngôn ngữ để xây dựng các mô hình song ngữ/đa ngữ tiếng dân tộctiếng Việt trong giao tiếp ở từng cộng đồng cụ thể
– Việc bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải tạo ra sự thống nhất trong đa dạng hay sự đa dạng trong thống nhất ở chính ngay mỗi cộng đồng ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Thống nhất tức là giữ vững một ngôn ngữ dân tộc thiểu số chung cho dù các phương ngữ của mỗi ngôn ngữ này có khác nhau, thuộc các vùng địa lí khác nhau. Đa dạng tức là không thống nhất một cách cứng nhắc mà tạo điều kiện cho các phương ngữ của mỗi ngôn ngữ này tồn tại và phát huy được chức năng giao tiếp của mình.
– Những việc làm cụ thể để bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam cần phải được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất của dân tộc đó, tránh tạo ra “tính cát cứ” địa phương để làm mờ dần tính thống nhất của ngôn ngữ này (và cũng là nguy cơ chia tách dân tộc đó).
– Việc lựa chọn “tiếng” của một ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong giáo dục hay trên sóng phát thanh, truyền hình phải làm sao vừa đảm bảo về yêu cầu nghe hiểu thông tin vừa đảm bảo tính đoàn kết trong dân tộc. Đây là vấn đề thuộc về thái độ ngôn ngữ liên quan đến ý thức tộc người và ý thức bản địa.
– Việc chế tác, cải tiến, lựa chọn chữ viết đối với ngôn ngữ dân tộc thiểu số cần phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định: Cần tránh để dẫn đến tình trạng một dân tộc có thể sử dụng các chữ viết khác nhau do thuộc các địa phận hành chính khác nhau. Nếu như vậy, về lâu dài sẽ có nguy cơ chia tách dân tộc; Cần tính toán các điều kiện khi một bộ chữ dân tộc thiểu số ra đời, để bộ chữ này có thể duy trì sự tồn tại và sau đó là phát triển như phổ biến, dạy học, in ấn, xuất bản,…; Việc chế tác, cải tiến chữ viết dân tộc thiểu số cần được tiến hành trên cơ sở khoa học của ngôn ngữ học, tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng chế tác tuỳ tiện, chắp vá,...cho ra đời những bộ chữ thiếu khoa học, què quặt, không hoàn chỉnh.
– Có chính sách và biện pháp cụ thể để bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, trong đó có các phương ngữ của các ngôn ngữ này nói chung, đặc biệt là các tiếng dân tộc thiểu số (ngôn ngữ, phương ngữ) có nguy cơ bị tiêu vong.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO CHÍNH
1. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hoặc liên quan đến ngôn ngữ (Tài liệu nội bộ của Đề tài “Chính ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước Việt Nam qua các thời kì”, 2010).
2. Nguyễn Văn Khang (chủ nhiệm):
1/ Bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết Chăm trong tình mới. Đề tài cấp Bộ, nghiệm thu năm 2006;
2/ Khảo sát, nghiên cứu vai trò của tiếng nói chữ viết Chăm trong đời sống xã hội Chăm hiện nay: Thực trạng và giải pháp. Đề tài cấp Bộ, nghiệm thu năm 2008.
3. Viện Ngôn ngữ học (2009), Chính sách của Đảng và Nhà nuớc Việt Nam về Ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế (Kỉ yếu tóm tắt Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc).
4. Viện Ngôn ngữ học (2013), Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập (Kỉ yếu tóm tắt Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc).
5. Nguyễn Văn Khang, Bùi Thị Minh Yến (đồng chủ nhiệm), Nghiên cứu khảo sát thái độ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số đối với tiếng nói, chữ viết sử dụng trong giáo dục và trên sóng phát thành truyền hình phục vụ cho việc xây dựng luật ngôn ngữ ở Việt Nam. Nhiệm vụ cấp Bộ, nghiệm thu năm 2012.
6. Nguyễn Văn Khang (2014), Chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Số 1 (231)-2015