Ngôn ngữ

Nghĩa đen và nghĩa bóng của các từ chỉ số


15-10-2020
Tác giả: Đào Thản

NGHĨA ĐEN VÀ NGHĨA BÓNG CỦA TỪ CHỈ SỐ

ĐÀO THẢN


Số từ có chức năng chính là biểu thị số lượng. Khi dùng để biểu thị số lượng đơn thuần, nó chỉ có giá trị như những con số. Những con số thì thường dễ gây ấn tượng khô khan, lạnh lùng, thế nhưng lại không phải là không có khả năng làm nảy sinh nhiều giá trị biểu cảm và những giá trị thẩm mỹ khác.

Có thể có những con số làm nức lòng người. Chẳng hạn, đó là những kỷ lục về năng suất, về kết quả mùa màng bội thu (kiện tướng nghìn caanm phong trào năm tấn, mười tấn,…). Cũng có những con số gây cho ta nỗi đau đớn, lòng căm thù… Tuy nhiên, cái tác động đến con người ở đây chủ yếu là các sự kiện thực tế được biểu thị bằng những con số chứ chưa phải là giá trị bản thân của chúng.


Số từ bắt đầu chứng tỏ giá trị gợi cảm của mình khi nó xuất hiện trong câu, trong lời, ít nhiều với tư cách là trọng tâm ngữ nghĩa của điều thông báo:

 

Ờ, đã chín năm rồi đấy nhỉ

Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Tố Hữu

"Ba ngàn ngày" thì cũng là thời gian chín năm, nhưng lại được coi như là một phát hiện mới, nhờ nó tác giả nhấn mạnh được một cách rất có hiệu quả điều mình muốn nói. Dường như với "ba ngàn ngày", chúng ta mới thấm thía hết ý nghĩa cũng như tầm vóc thời gian của sự nghiệp trường kỳ!


Một thí dụ khác tương tự, một trong những câu ca dao đầu tiên của cuộc kháng chiến:

Một đồng là một trăm xu,

Tiễn chàng lên chốn chiến khu nghàn trùng.

Chị vợ ngheo tiễn anh chồng vệ quốc quân lên chiến khu, về vật chất vẻn vẹn chỉ có chút tiền cầm tay ít ỏi ngần ấy. Nhưng với chị, đây là tất cả tấm lòng, tất cả tình nghĩa sâu nặng. Chỉ là một đồng thôi, nhưng giá trị của nó có thể so sánh với cả trăm nghìn. "Một đồng là một trăm…", phải rồi, số một phải được nhân lên thành số trăm cho xứng với nới khó khăn ngàn trùng mà người chồng đang trên đường đi tới.

Số từ như vậy là đã có tham dự vào các yếu tố biểu cảm. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn gắn liền với sự kiện, vẫn chưa thấy có sự khác biệt về chất với những con số làm nức lòng người ở trên. Hơn nữa, chúng vẫn là những con số "thật thà", nghĩa là vẫn còn biểu thị một số lượng thực. Một đồng bằng một trăm xu, một tá bằng mười hai, một chục bằng mười đơn vị; con số biểu cảm đâu có thật thà, chính xác đến như vậy. Cũng gọi là một chục, nhưng chục trái cây từ tay người bán đến tay người dùng lại không phải chỉ là mười quả, mà là mười hai, mười ba, thậm chí có khi tới những mười lăm quả. Đó mới là con số đặc biệt, con số của lòng thơm thảo, nhân hậu vốn đã thành một thứ thuần phong mỹ tục của xứ sở này. Đó cũng chính là chiều sâu văn hóa, văn minh trong nội dụng biểu cảm của những con số.

Cho nên, phải ở những số từ hoàn toàn chỉ được dùng và hiểu với nghĩa bóng thì giá trị đặc biệt của chúng mới được bộc lộ một cách đầy đủ.

"Trăm người như một", " Trăm hoa đua sắc", "Trăm ý một lòng", "Trăm mắt trăm tay", "Trăm dâu đổ đầu tằm", "Một trăm chỗ lệch", "Vả trăm đường", "Trăm nỗi lo toan"… Trăm đây không nhất thiết phải là con số một trăm cụ thể và chính xác. Đây chỉ là số từ biểu trưng cho số nhiều theo sự đánh giá và cách nói có tính chất phóng đại. Và rồi như sợ rằng con số trăm hãy còn quá gần với con số thực, có thể bị hiểu lầm là số thực, người ta bèn tiến xa thêm một bước trên con đường ngoa dụ, để dung nạp thêm đến cả các từ nghìn, vạn, muôn, triệu, trong những trường hợp khác, cũng với ý nghĩa và cách nói tương tự. "một nghìn lần không", "qua vạn nẻo đường", "tình yêu muôn thuở", "muôn đời không quên", "góp triệu bàn tay"… tất cả là những con số ngoa dụ, con số biểu trưng, chỉ có nghĩa là số nhiều với giá trị biểu cảm tuyệt đối.

Một điều đáng lưu ý về mặt phong cách là do có giá trị biểu cảm tuyệt đối ấy, cho nên những cách dùng số từ như vậy, ta thường bắt gặp nhiều hơn cả trong hình thức ngôn ngữ thơ:


Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ

(Ca dao)

Dùng dằng khi bước chân ra

Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần

(Nguyễn Du)


Cả hai câu thơ đều dùng biện pháp đối sánh một cách có dụng ý các cặp số từ biểu thị giá trị thực với số từ có giá trị biểu cảm tuyệt đối. Nhờ vậy, ở câu ca dao chúng ta có cái đối lập sắc sảo giữa bia đá với bia miệng, còn ở câu thơ của Nguyễn Du, nỗi cực thân của nàng Kiều phải đi bán mình khi kể lại với chàng Kim đã được tô đậm thêm cái khía cạnh đấu tranh nội tâm day dứt.

Trong dãy số đếm thông thường có quan hệ trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của con người thì các số trăm, nghìn, vạn,… cũng là những con số đủ lớn. Cho nên khi chúng được dùng để biểu trưng cho số nhiều với giá trị khái quát và biểu cảm như trên, không có gì là khó hiểu. Điều đáng ngạc nhiên hơn là còn có những con số khác, cũng được dùng với chức năng và giá trị tương đương, nhưng lại là những con số rất bé. Số tám chẳng hạn, tuy không thật phổ biến, nhưng cũng để lại cho chúng ta một vài thí dụ khá tiêu biểu về cách nói hài hước dân gian, mang nặng tính chất khẩu ngữ thông tục: "Xong từ tám đời", "tám tổng ăn cũng không hết", "lỗ mũi em tám gánh lông" (ca dao). Đặc biệt với số chín, chúng ta có cả một loạt dẫn chứng phong phú trong tài liệu tục ngữ ca dao vào loại xưa nhất:
 

- Ba bò chín trâu,

- Chín đụn mười trâu,

- Ba chìn bảy nổi chín lênh đênh,

- Một nghề thì kín, chín nghề thì hở,

- Một sự nhịn là chín sự lành,



Thực ra, nếu chỉ dùng trong quan hệ so sánh với một thì các số ba, năm, bảy cũng có lúc biểu thị được số nhiều như vậy, chứ không riêng gì số chín:

 

Một cây làm chăng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

(Ca dao)


Ba đầu sáu tay, ba chìm bảy nổi, ba chốn bốn nơi, năm lần bảy lượt,… Điều đáng chú ý là số chín còn được dùng như tự nó có một giá trị độc lập, không cần phải so sánh với những số ít hơn:

Họ chín đời còn hơn người dưng

- Ba gian nhà rạ lòa xòa,

- Phải duyên coi tựa chín tòa gỗ lim.

- Khi không thì chẳng ai nhìn

Đến khi đỗ trạng, chín nghìn chị em.

- Chiều chiều ra đứng cửa sau

Ngó về quê mẹ ruột đâu chín chiều.

- Nhất cao là chín từng mây…


Quả nhiên, số chín đã từng mang ý nghĩa là số nhiều tuyệt đối, giống như số trăm, số nghìn trong cách nói ngày nay. Và mặc dù chưa thể rút ra được một kết luận gì sâu hơn về vai trò của số chín trong hệ thống số đếm của người xưa cũng như trong phong tục tập quán và cả trong tôn giáo tín ngưỡng nữa - bí ẩn của số chín còn cần được khám phá - chúng ta vẫn có quyền nghĩ rằng sự kiện lý thú này không thể không gắn với một nét thuộc về văn hóa - lịch sử, trong truyền thống quá khứ của dân tộc hoặc của một vài dân tộc có quan hệ tiếp xúc gần gũi nhau. Nobert Viner, trong một cuốn sách của mình, có nói đến cái đẹp, cái "thẩm mỹ toán học" của những con số. Theo nhà toán học người Mỹ này thì những con số có thể là "giá trị văn hóa và thẩm mỹ", chúng có liên quan đến những khái niệm ví như sắc đẹp, sức mạnh và nguồn cảm hứng, bowirvif bản thân chúng đã giúp vào việc hình thành một khái niệm mới và toàn diện hơn về thế giới.

Chúng ta không nói đến những con số toán học, chúng ta chỉ muốn biết đến đôi điều bí ẩn của số từ trong cách dùng đặc biệt của nó. Nhưng số từ và những con số toán học, lẽ nào lại không có chút liên quan gì với nhau trong những giá trị văn hóa và thẩm mỹ.

Nguồn: Một sợi rơm vàng, NXB Trẻ, 2001

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020