Ngôn ngữ

Bàn thêm về các từ Thua, Nhường, Hờn, Ghen trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thị Tính

Là một kiệt tác của văn học Việt Nam trung đại, Truyện Kiều luôn có vị trí xứng đáng trong chương trình các cấp học. Đoạn trích Chị em Thuý Kiều được giảng dạy đã rất nhiều năm ở phổ thông và có không ít tác giả phân tích, bình luận, hướng dẫn thiết kế giáo án, cảm thụ... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn băn khoăn về cách hiểu các từ thua, nhường, hờn, ghen trong đoạn trích. Bài viết này đưa ra những sự kiến giải mới nhằm hiểu đúng các từ này nói riêng và tác phẩm Truyện Kiều nói chung.

BÀN THÊM VỀ CÁC TỪ THUA, NHƯỜNG, HỜN, GHEN TRONG ĐOẠN TRÍCH CHỊ EM THUÝ KIỀU

NGUYỄN THỊ TÍNH

1. Về cách hiểu các từ thua, nhường, hờn ghen phổ biến hiện nay
Về các từ này, Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1, năm 2012 trong phần “Đọc - hiểu văn bản” có câu hỏi số 5* (câu hỏi có dấu * dành cho HS khá giỏi) như sau: “Người ta thường nói: Sắc đẹp của Thuý Vân “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”, còn sắc đẹp của Thuý Kiều “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” là dự báo số phận của hai người. Theo em có đúng không? Tại sao lại như vậy?”. Sách cũng lưu ý: “Để trả lời câu hỏi này, cần lưu ý sắc thái biểu cảm khác nhau của các từ thua, nhường khi nói về Thuý Vân với các từ ghen, hờn khi nói về Thuý Kiều”(1).

Từ câu hỏi và sự gợi ý này, Sách giáo viên Ngữ Văn 9 viết: “Chân dung Thuý Vân là chân dung mang tính cách, số phận. Vẻ đẹp của Vân tạo sự hoà hợp, êm đềm với xung quanh, “mây thua”, “tuyết nhường” nên nàng sẽ có cuộc đời bình lặng, suôn sẻ”(2); “Chân dung Thuý Kiều cũng là chân dung mang tính cách, số phận. Vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hoá phải ghét ghen, vẻ đẹp khác phải đố kị- “hoa ghen”, “liễu hờn”- nên số phận nàng sẽ éo le, đau khổ.”(3)

 Trước đó, Sách Văn học lớp 9 năm 2001 dù không trực tiếp nêu những từ “thua, nhường, hờn, ghen” nhưng cũng có định hướng tương tự. Sách giáo khoa đưa ra câu hỏi: “Người ta thường nhận xét: “Vẻ đẹp của Thuý Vân là vẻ đẹp của một người con gái phúc phận. Em hãy phân tích điều đó qua cách miêu tả của tác giả?”(4). Sách giáo viên hướng dẫn bình giảng: “Đoạn trích miêu tả hai bức chân dung xinh đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều, đặc biệt là Thuý Kiều, nhân vật trung tâm của tác phẩm, đồng thời cũng dự báo tương lai sáng sủa của Thuý Vân và đặc biệt số phận “hồng nhan bạc mệnh” của Thuý Kiều”(5); “Thuý Vân tất sẽ có trong tương lai một cuộc sống yên vui, hạnh phúc”(6).

Cách hiểu và bình giảng như vậy là dựa trên hai căn cứ. Một là nghĩa của các từ “thua, nhường, hờn, ghen” trong từ điển và hai là từ việc xét tổng thể ở bề nổi của cuộc đời nhân vật. Về nghĩa của các từ “thua, nhường, hờn, ghen”, từ điển giải thích:

- “Thua: 1. Chịu để đối phương thắng: địch thua trận, thua bạc, thua kiện; 2. Kém, không bằng khi so đọ với đối tượng nào đó: Sức học của nó thua xa bạn bè”(7)
- “Nhường: Để cho người khác hưởng những quyền lợi của mình đang hưởng hoặc sẽ được hưởng: nhường cơm sẻ áo, nhường vé cho bạn đi xem.”(8)
- “Hờn: Tỏ thái độ không bằng lòng bằng hành động, thái độ ấm ức, giận dỗi: cháu bé ngủ dậy không ai dỗ, hờn mãi; Nỗi uất ức, căm giận sâu sắc: ngậm tủi, nuốt hờn; quyết rửa hờn”.(9)
- “Ghen: Tức tối, bực dọc vì thấy người khác hơn mình hoặc vì vợ hay chồng, người yêu thiếu chung thuỷ: ghen ăn tức ở, thấy nó làm ăn khá giả đâm phát ghen, đánh ghen, ghen bóng ghen gió, ghen lồng ghen lộn, cô ta hay ghen lắm.”(10)

Các tác giả soạn sách căn cứ vào nghĩa đen của các từ này để bình về mức độ khác biệt về thái độ của thiên nhiên với hai chị em nàng Kiều. Các từ “thua, nhường” chỉ thái độ thoải mái nhường nhịn, còn “hờn, ghen” chỉ sự tức giận, đố kị gay gắt. Như vậy, sắc đẹp của Thuý Vân hài hoà, dung dị hơn sắc đẹp của Thuý Kiều, cho nên, thái độ của thiên nhiên với nàng là sẵn sàng “thua”, “nhường”. Còn với Thuý Kiều, cô đẹp đến mức thiên nhiên nổi giận, đố kị. Do đó, cuộc đời của hai cô cũng “mỗi người mỗi vẻ” như các nhà soạn sách đã viết: Thuý Vân phúc phận, còn Thuý Kiều bạc mệnh.

Về tổng thể ở bề nổi của cuộc đời nhân vật, chị em Thuý Kiều mỗi người mỗi phận. Thuý Kiều “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, sáu lần lấy chồng vẫn không xong, đi tu hai lần vẫn không trọn, hai lần tự tử mà không được chết… Còn Thuý Vân có cuộc sống phẳng lặng, không bị sóng gió đoạn trường thanh lâu, thanh y. Nàng được tất cả: làm vợ quan, có một đàn con đông đúc (Một cây cù mộc, một sân quế hoè), có cuộc sống sang giàu hơn người (Vinh hoa phú quý ai bì).

Từ hai căn cứ trên, các tác giả soạn sách đều khẳng định khi miêu tả nhan sắc của nhân vật, Nguyễn Du đã ngầm dự báo số phận của nhân vật qua cách dùng các từ “thua, nhường, hờn, ghen”. Thuý Vân được thiên nhiên "thua", "nhường" nên có cuộc đời êm đềm, phúc phận; Thuý Kiều bị "ghen", "hờn" nên thống khổ cả cuộc đời. Hiểu như vậy thực có thoả đáng hay không?

2. Hiểu đúng nghĩa của các từ thua, nhường, hờn, ghen
Phải nói rằng người đọc dễ thấy sự hợp lí của việc định hướng giảng bình các từ “hờn, ghen, thua, nhường” trong sách giáo khoa hiện hành.Tuy nhiên, chúng tôi còn băn khoăn vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Bỉ sắc tư phong và má hồng đánh ghen là quan niệm của người xưa. Bỉ sắc tư phong (Cái kia ít, cái này nhiều) là cách nói khác từ câu Phong vu bỉ, sắc vu thử (Nhiều về cái kia, ít về cái này), đều có nghĩa khái quát là "được cái này mất cái kia", thể hiện luật bù trừ. Giáo sư Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều cũng giải nghĩa: BỈ SẮC TƯ PHONG: Do câu "Phong vu bỉ sắc vu thử", nghĩa là dồi dào về cái này thì kém cỏi về cái kia. Tư cũng có nghĩa như thử là cái ấy, cái kia(11). Má hồng nghĩa gốc là hồng nhan, có thể chỉ sắc đẹp của cô gái trẻ đẹp / cô gái đẹp / tuổi trẻ / vẻ đẹp tươi nhuận của người trẻ tuổi nói chung. Còn trời xanh, ông xanh, xanh kia là do chữ “thanh thiên”. Trong câu Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, “trời xanh” đặt đối với “má hồng” hàm ý tu từ, tạo tương phản màu sắc cũng là nhằm nổi bật ý: trời cho thứ này thì lấy đi thứ khác.

 Do bỉ sắc tư phongmá hồng đánh ghen nên hồng nhan thì bạc phận, chữ tài liền với chữ tai một vần (dân gian còn có câu: ngu si hưởng thái bình). Theo căn cứ này, cả hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân đều là hồng nhan. Nguyễn Du đã khẳng định hai chị em nàng: Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Cùng là “mười phân vẹn mười”, thì đương nhiên Thuý Vân cũng là một “hồng nhan”, “anh hoa phát tiết ra ngoài” như Thuý Kiều, tại sao nói nàng không “mệnh bạc”?

- Thứ 2, Thuý Vân cũng là đàn bà như Thuý Kiều, mà Nguyễn Du bảo: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Đã là "lời chung" thì rõ ràng Thuý Vân cũng không thể ngoại lệ.

- Thứ 3, qua màn đoàn viên, Nguyễn Du đã thể hiện quan niệm về hạnh phúc khá sâu sắc, hiện đại. Nguyễn Du đã để Thuý Vân thổ lộ nỗi đau bi kịch vì sống với một người mình không yêu và cũng không yêu mình. Muốn bày tỏ gan ruột, Vân đã phải mượn rượu (Tàng tàng chén cúc dở say) để nói về tình cảnh bị ép buộc trớ trêu của mình (Vậy đem duyên chị buộc vào cho em). Giọng Vân mỗi lúc một thêm tủi:
Cũng là phận cải duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao.
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Ở bốn câu này, hai câu đầu, Thuý Vân nói về mình. Thuý Vân đề cập đến “phận”, “duyên”, “máu chảy ruột mềm” với ý: là việc chị ruột cậy nhờ, lại là trong lúc gia đình gặp biến cố, chị đã hi sinh thân mình, không lẽ em không có trách nhiệm, vậy nên cô buộc phải chấp nhận. Hai câu sau, Thuý Vân nói về Kim Trọng. Bao nhiêu nhớ thương, héo mòn, khát khao… của Kim Trọng dành cho Thuý Kiều, Thuý Vân cô lại trong một chữ “tình”. Mà đâu phải một khắc một chốc. Thuý Vân dùng liên tiếp những cụm từ và từ cả đếm được lẫn không đếm được để chỉ sự đằng đẵng, chồng chất: rày ước mai ao, mười lăm năm, biết bao. Cấu trúc “cũng là”, “những là” điệp lại khiến cho giọng Thuý Vân trở nên chì chiết, đau khổ. Thế thì hạnh phúc với Thuý Vân (và cũng là quan niệm của Nguyễn Du) không phải chỉ là có ông chồng làm quan, có một đàn con đông; hạnh phúc phải là được sống trong yêu thương, hoà hợp... Xét về góc độ tình yêu, Vân thiệt thòi, khổ đau. Đó là "bỉ sắc tư phong". Cho nên, “cái được và cái mất ở hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân không đơn giản qua ngòi bút Nguyễn Du thể hiện. Nếu lấy tình yêu làm hệ quy chiếu, thì Thuý Vân chẳng được gì, Thuý Kiều lại được tất cả tình yêu: của Kim Trọng, của Thúc Sinh, của Từ Hải dành cho nàng. Đành rằng, nhân gian có thể quan niệm tình là thứ mơ hồ, vô ảnh. Vợ chồng sinh con đẻ cái là quan trọng, là hiện hữu của hạnh phúc. Song từ một thế giới sâu thẳm khác, tình yêu lên tiếng và đòi được tôn vinh. Tình cảm thiêng liêng đó đòi được công bằng”(12). Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Thuý Vân không hẳn là một kiểu phụ nữ truyền thống trong xã hội phương Đông cổ đại, hôn nhân theo sự sắp đặt của bề trên và yên phận với nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Bề ngoài, nàng là phụ nữ đoan trang, nề nếp. Nhưng bên trong sâu thẳm tâm hồn nàng là niềm khát khao mãnh liệt được hưởng hạnh phúc yêu đương thực sự. Nàng đau khổ, tủi hổ cũng chính vì lẽ đó. Cho nên, căn cứ vào tư tưởng “bỉ sắc tư phong” và quan niệm về hạnh phúc của Nguyễn Du thì cần phải bàn lại nhận định Thuý Vân được hưởng cuộc đời êm đềm, phúc phận. Cuộc sống của Thuý Vân như biển cả lúc lặng sóng - chỉ phẳng lặng bề nổi bên ngoài, còn trong chiều sâu tâm hồn nàng là chất chứa những đợt sóng ngầm của nỗi buồn bã, tê tái.

Vậy phải hiểu những từ hờn, ghen, thua nhường thế nào? Theo chúng tôi, hờn, ghen, thua, nhường... của đoạn trích nằm trong công thức hoa nhường nguyệt thẹn thường được dùng để miêu tả kiều nữ của văn học trung đại. Đặc điểm của văn học trung đại là tính công thức, ước lệ. Cho nên Thuý Vân, Thuý Kiều cũng giống hệt các giai nhân khác trong Cung oán ngâm khúc và các truyện Nôm. Cô nào cũng “quốc sắc, thiên hương”, "nghiêng nước, nghiêng thành", "chim sa, cá lặn", "như hoa, như ngọc", “như núi mùa xuân, nước mùa thu”... Dưới đây là vài ví dụ chứng tỏ điều đó:

- Cô cung nữ (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều):
Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá,
Vẻ phù dung một đoá khoe tươi.
Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.
Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
Khoé thu ba gợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng lơ trời nhạn ngẩn ngơ sa.
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.

- Nàng Nhuỵ Châu (Truyện Song Tinh -  Nguyễn Hữu Hào):
Vóc mai hình liễu nõn nà,
Hoa nhường trăng thẹn nhạn sa cá chìm.
(...) Đài gương hoa ánh, đáy hồ nguyệt in. 
Dày dày da ngọc tuyết ken,
Mày nga khói đượm tóc tiên mây  lồng. 
Gót sen đua nở bạch hồng,
 Sóng ngời mắt phượng,  tình bong má đào.

- Nàng Thôi Oanh Oanh (Truyện Tây sương - Lý Văn Phức):
Người đâu yểu điệu thanh tân,
Vẻ hoa đằm thắm, sắc xuân não nùng.
Nghiêng mình uốn éo gió đông,
Khúc rồng khi lặn, cánh hồng khi bay.
(…)Mày trăng vằng vặc, tóc mây rà rà.
Ngập ngừng khi chửa nói ra,
Thức hồng hớn hở, miệng hoa khêu cười.
- Cô Tấm (Tấm Cám):
Mây thua nước tóc, tuyết nhường sánh đôi
- Nàng Man Nương (Sự tích đức Phật chùa Dâu):
Dung nghi tư chất khác thường,
Nguyệt cung thuỷ thái tựa đường tiên bay.

Nói chung, giai nhân nào trong văn học trung đại cũng là do “khuôn trời”, “khuôn xanh”, “khuôn thiêng” tạo nên. Họ chung đúc khí sắc của trời đất. Vẻ đẹp của họ luôn được khắc hoạ qua lối dùng các so sánh ẩn dụ sóng đôi: tóc mây, da tuyết, mặt hoa, mắt phượng, mày ngày, vóc mai, mình liễu… Trên khuôn mẫu chung ấy, ở mỗi tác giả, trong các tác phẩm lại có các cách phác hoạ khác nhau, hoặc tô đậm phương diện này, hoặc nhấn mạnh phẩm chất khác.

Do đó, những từ hờn, ghen, thua, nhường đơn thuần là lối khắc hoạ chung của văn học trung đại. Những từ này chỉ mức độ đẹp của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân trong sự so sánh với thiên nhiên. Ý nghĩa của nó là: chị em Thuý Vân, Thuý Kiều đẹp hơn cả thiên nhiên. Cả hai nàng đều là những “hồng nhan” tuyệt đỉnh. Vì thế, các từ hờn, ghen, thua, nhường không có ý biểu thị sự hơn kém, chênh lệch trong thái độ của thiên nhiên giữa Thúy Kiều với Thúy Vân. Với chủ đề bỉ sắc tư phong, phần đầu tác phẩm, Nguyễn Du giới thiệu hồng nhan của hai chị em Thuý Kiều; phần sau là bạc mệnh của hai chị em, cũng “mỗi người mỗi vẻ”!

3. Đề xuất cách phân tích đoạn trích Chị em Thuý Kiều 
Theo chúng tôi, phân tích đoạn trích Chị em Thuý Kiều, cần chú ý đến tính công thức ước lệ trong miêu tả ngoại hình giai nhân của văn học trung đại: “hoa ngường nguyệt thẹn”, "chim sa, cá lặn”, “nghiêng nước, nghiêng thành"… Mặt khác, cần chú trọng vào ý mỗi người mỗi vẻ của tác giả. Vẫn là dùng các công thức ước lệ chung của văn học trung đại, nhưng bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã khắc hoạ được hai vẻ đẹp riêng biệt. Thuý Vân sở hữu cái đẹp khoẻ khoắn (đầy đặn), tươi tắn (nở nang); cái đẹp rực rỡ, căng tràn nhựa sống từ bên trong toả rạng ra bên ngoài (cười, thốt). Nguyễn Du tả vẻ đẹp bên ngoài (nước tóc, màu da), rồi tô đậm nụ cười, tiếng nói của nàng (hoa cười, ngọc thốt) để khắc hoạ một Thuý Vân như hoa đúng độ nở tươi sắc, nồng hương nhất! Còn Thuý Kiều được trời cho một vẻ đẹp “sắc sảo, mặn mà”. Nàng như núi mùa xuân, nước mùa thu. Đó là cái đẹp có chiều sâu của cái duyên, cái tình, cái tâm. Thuý Kiều “Càng nhìn càng ưa”, “Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”. Còn Thuý Vân là rực rỡ, thắm sắc rõ ràng! Mỗi chị em một vẻ não nùng riêng là ở đó.

Chúng tôi muốn nói thêm, Nguyễn Du khi miêu tả tài năng của nàng Kiều cũng dùng các công thức chung của văn học trung đại: tài cầm, kì, thi, hoạ. Các giai nhân trong văn học trung đại cũng đều có những tài chung như vậy. Cô cung nữ (Cung oán ngâm khúc): 
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.
Cờ tiên rượu thánh ai đang,
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm.
Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã,
Địch lầu thu dường gã Tiêu Lang.
Dẫu nghề tay múa miệng xang,
Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng.
- Nàng Nhuỵ Châu (Truyện Song Tinh):
Phương phi vừa thuở trâm cài,
Giỏi nghề thêu dệt, trổ tài phú thơ.
(...) Bút Vương khuôn dạm nên đồ…
- Nàng Hồng Ngọc (Ngọc Kiều Lê tân truyện - Lí Văn Phức):
Tài thì thư hoạ thi tao,
Thổ ra cẩm tú nói vào châu cơ.
và nhiều cô gái khác đều “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai” như vậy!
Từ những điều trên, chúng tôi đề nghị giảng dạy đoạn trích Chị em Thuý Kiều nên chú ý khai thác đặc trưng công thức, ước lệ của văn học trung đại và kiểu nhân vật tài tử, giai nhân sắc - tài - tình của văn học thế kỉ XVIII - XIX.

Kết luận
Nói chung, các từ thua, nhường, hờn, ghen là nằm trong công thức ước lệ “hoa nhường nguyệt thẹn” dùng để miêu tả giai nhân của văn học trung đại - các nàng đẹp hơn cả hoa và nguyệt. Do vậy, những từ này khó phân tích theo nghĩa đen của từ điển để nhận định: cái đẹp của Thuý Vân là hài hoà êm đềm với thiên nhiên; cái đẹp của Thuý Kiều khiến thiên nhiên nổi giận, đố kị. Trong kiệt tác Truyện Kiều, các từ này đều nhằm khẳng định cả Thuý Vân, Thuý Kiều đều là những hồng nhan và ngầm dự báo các nàng sẽ bạc phận. Mỗi người mỗi vẻ hồng nhan nên phận mỗi nàng cũng bạc mỗi vẻ. Như vậy mới đúng với sự công bằng của tạo hoá: bỉ sắc tư phong. Do đó, khi giảng dạy đoạn trích Chị em Thuý Kiều ở trường phổ thông cần bình giảng đúng ý nghĩa của những từ này để học sinh hiểu sâu hơn về kiệt tác Truyện Kiều trong môi trường văn hoá thời trung đại.
Tài liệu tham khảo
(1) Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1 (2012), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 83.
(2) Sách giáo viên Ngữ Văn 9 tập 1 (2012), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 83.
(3) Sách giáo viên Ngữ Văn 9 tập 1 (2012), sđd, trang 84.
(4) Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1 (2001), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 79.
(5) Sách giáo viên Ngữ Văn 9 tập 1 (2001), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 79.
(6) Sách giáo viên Ngữ Văn 9 tập 1 (2001), sđd, trang 80.
(7) Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, trang 1597.
(8) Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, sđd, trang 1267.
(9) Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, sđd, trang 846.
(10) Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, sđd, trang 716.
(11) Đào Duy Anh (1974), Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 35.
(12) Nguyễn Thị Nhàn (2009), Thi pháp cốt truyện truyện thơ Nôm và Truyện Kiều, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, trang 293.


Nguồn: Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương tuyển chọn (2015),  Đại thi hào dân tộc danh nhân văn hoá Nguyễn Du - Kỉ yếu Hội thảo khoa học Kỉ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh - Trường ĐHKHXH&NV, Khoa Văn học và Ngôn ngữ;  Nxb. ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020