This contribution presents and analyzes the structure “Có + X”, which appears rather frequently in Vietnamese, so as to identify the subjects of specific sentences. This is an approach of study in the view of cognitive linguistics, from that to point out the appropriate semantic structure of the respective kinds of sentence.
1. Đặt vấn đề
Để tiến tới một giải pháp đơn giản, nhất quán và khả thi trong việc phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt, chúng tôi đã đề xuất một số cách tiếp cận vấn đề chủ ngữ trong các bài báo trước đây [Đỗ Hồng Dương 2008, 2010]. Trong bài báo này, chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp chủ ngữ của các câu thường được coi là câu tồn tại khái quát với mô hình cấu trúc “Có + X”.
Đây là những câu có từ “có” đứng đầu, và không có ngữ đoạn chỉ thời gian không gian đứng trước. Ví dụ:
(1) Có người.
(Tư liệu trực tiếp)
(2) Có quá nhiều người hạnh phúc trên báo rồi cũng chia tay trên báo.
(tintuconline.com, Tăng Thanh Hà: Với tôi, ngày hôm nay là ngày nắng đẹp)
(3) Có đôi tay thô bạo giật tung đứa bé trong tay người mẹ yếu ớt đến thảm hại.
(Dương Bình Nguyên, Miền đất hoa vàng)
(4) Có tiếng trở mình khe khẽ.
(Dương Bình Nguyên, Miền đất hoa vàng)
Hay những câu bắt đầu bằng “còn” cũng mang ý nghĩa tồn tại:
(5) Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt.
(Nam Cao, Một bữa no)
Kiểu câu trên thường được xếp vào kiểu câu tồn tại với ý nghĩa khái quát [Diệp Quang Ban 1998] và là một kiểu câu không có chủ ngữ. Ở đây chỉ có một sự thông báo về thực thể hay một sự tình tồn tại (sau vị từ “có”). Tuy nhiên, với tinh thần của lí thuyết điển mẫu, chúng tôi muốn đưa ra một cách giải thuyết khác.
Nếu như các cấu trúc tương tự như trên được bổ sung một ngữ đoạn chỉ địa điểm, thời gian ở trước, việc phân tích sẽ trở nên dễ dàng (xin xem [Đỗ Hồng Dương 2010]. Việc không xuất hiện các ngữ đoạn chỉ không gian, thời gian khiến câu tồn tại trên đây phải được xem xét ở một phương diện khác. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào cấu trúc ngữ pháp, kết cấu đặc biệt của trường hợp này sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phân tích.
Các câu như trên có thể được phân tích gồm hai phần: vị từ “có” (hoặc “còn”) và ngữ đoạn chỉ thực thể hoặc kết cấu C-V chỉ sự tình ở sau. Vị từ “có” mang chức năng thông báo sự tồn tại, có mặt của thực thể/sự tình. Còn ngữ đoạn hoặc kết cấu C-V chỉ thực thể/sự tình đảm nhận gánh nặng thông báo mới của câu.
Theo lí thuyết phân đoạn thực tại, hay cấu trúc thông tin của câu, câu được chia thành hai phần Nêu (thông tin cũ) và Báo (thông tin mới), và một câu, nếu không có những chỉ tố đánh dấu đặc biệt, thường phải tuỳ vào ngữ cảnh mới có thể xác định được đâu là phần Nêu và đâu là phần Báo. Giải quyết theo cấu trúc phân đoạn thực tại câu, các ví dụ trên có thể được hiểu là câu nói có thông tin gộp, với “có” là chỉ tố đánh dấu phân đoạn thực tại, và phần sau “có” là phần Báo (thông tin mới). Ở đây, phần Nêu đã bị loại bỏ vì không nằm trong tiêu điểm thông báo của câu. Sở dĩ có thể giải quyết như vậy bởi các câu trên, trong bối cảnh không-thời gian dựa trên toạ độ ngữ dụng ở đây-bây giờ đã rõ, là trả lời cho câu hỏi:
Có chuyện gì xảy ra? Hoặc Có cái gì đang tồn tại / xuất hiện?
và ngữ đoạn sau “có” chính là trả lời cho phần “chuyện gì xảy ra” hay “cái gì đang tồn tại / xuất hiện?”. Với cách giải quyết như vậy, “có” chỉ đơn thuần là một chỉ tố đánh dấu về mặt thông tin, phân đoạn thực tại, không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp của câu. Vậy, xét về mặt cấu trúc cú pháp, kết cấu đứng sau “có” mới là kết cấu chính trong cả câu.
2. Miêu tả kết cấu “Có + X”
Chúng tôi sẽ chia các ví dụ như trên thành 2 tiểu nhóm: i) nhóm 1 gồm các ví dụ tương đương (1); ii) nhóm 2 gồm các ví dụ tương đương (2), (3), (4), (5).
2.1. Nhóm 1: Sau “có” / “còn”là một từ hoặc một ngữ
Với các ví dụ như 1), ngữ đoạn sau “có” chỉ là một từ, thông báo sự có mặt của một loại thực thể trong ngữ cảnh (tương tự với các ví dụ: Có mưa, Có tiền, Có nước...). Và như vậy, các câu này được giải quyết giống các trường hợp câu đơn đặc biệt Mưa, Tiền, Nước... Vậy trường hợp các câu đơn đặc biệt sẽ được giải quyết như thế nào?
Câu đơn đặc biệt là “kiến trúc có một trung tâm cú pháp chính (có thể có thêm trung tâm cú pháp phụ), không chứa hay không hàm ẩn một trung tâm cú pháp thứ hai có quan hệ với nó như là quan hệ giữa chủ ngữ với vị ngữ” [Diệp Quang Ban 1998; 153]. Câu đơn đặc biệt khác với các câu đơn khuyết một thành phần ở chỗ, không thể khôi phục lại được thành phần bị khuyết. Thêm vào đó, các câu đơn đặc biệt chỉ có một thành phần câu và thành phần này không thể xác định được là chủ ngữ hay vị ngữ, đặc biệt là với các câu đơn đặc biệt được cấu tạo bởi một từ (nhiều trường hợp không phân biệt được về mặt từ loại). Vậy, việc khẳng định câu đơn đặc biệt là câu đơn không xác định được bộ phận có mặt trong câu là chủ ngữ hay vị ngữ có đi ngược lại với tinh thần của lí thuyết điển mẫu hay không?
Như đã có dịp nói, lí thuyết điển mẫu là lí thuyết phân định mức độ cao thấp xét về tư cách của các thành viên trong cùng một phạm trù, tức chối bỏ cách phân loại “có– không” trong học thuyết cổ điển của Aristotle. Việc khẳng định câu đơn đặc biệt chỉ bao gồm một thành phần nòng cốt, và thành phần đó không xác định được là chủ ngữ hay vị ngữ, không hề đi ngược lại với tinh thần của lí thuyết này. Bởi lẽ, một thành phần không thể xác định được tư cách, vai trò, chức năng của nó thì không thể xếp loại vào trong một phạm trù nào được. Thành phần duy nhất xuất hiện trong câu đơn đặc biệt do không được đặt trong mối quan hệ với các thành phần khác nên không thể thể hiện được chức vụ cú pháp của chúng trong câu. Và bởi vậy, đây là trường hợp duy nhất không thể xếp loại trong phạm trù thành phần câu được (chưa nói đến phạm trù chủ ngữ).
Nhiều tác giả còn cho các cấu trúc như câu tồn tại cũng thuộc phạm trù câu đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, phạm trù câu đơn đặc biệt chỉ bao gồm các câu có duy nhất một thành phần (một từ, một ngữ đoạn) và không thể xác định được là chủ ngữ hay vị ngữ, còn các trường hợp như:
Đi đầu là công nhân
Cháy nhà
Nhiều người quá
...
không thể coi là câu đơn đặc biệt, bởi chúng tôi vẫn xác định được tư cách thành phần chủ ngữ của chúng. Điều này có thể được lập luận như sau.
Tiếng Việt là ngôn ngữ có trật tự SVO điển hình (trong đó O có thể xuất hiện hoặc không, tuỳ vào V là nội động hay ngoại động). Tuy nhiên trong một số trường hợp, vì mục đích ngữ nghĩa, ngữ dụng mà các tác giả có thể đảo ngược vị trí của trật tự này, đẩy thành phần vị ngữ lên đầu câu và chủ ngữ ra sau vị ngữ. Đây là một “mô hình nghịch đảo”, “một biểu hiện của quá trình ngữ pháp hoá, hình thành một cấu trúc có khả năng đảm nhiệm các chức năng: i) giới thiệu thực thể mới trong diễn ngôn; ii) nhấn mạnh và iii) liên kết văn bản” [Nguyễn Văn Hiệp 2008: 248].
Như vậy, các trường hợp chủ ngữ đảo trí được thực hiện nhằm giới thiệu chính thực thể được thể hiện trong chủ ngữ đó, và nhấn mạnh tính chất diễn ra ở vị ngữ với người đọc/người nghe. Có thể chia thành hai nhóm:
* Nhóm 1: Trường hợp các câu nhấn mạnh sự kiện
(6) Đã qua rồi cái thời các tác phẩm văn học nổi tiếng mang đậm tính nhân văn trở thành sách "gối đầu gường” của giới trẻ.
(Điện tử Tổ quốc, Văn hoá đọc đang xuống cấp)
(7) Thảm hại thay những luống hoa dập nát.
(Tuổi trẻ, Phố hoa và người Tràng An)
(8) Lại nhốn nháo, cuống cuồng cả đám người vừa ổn định trước cửa ra vào.
(Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội)
(9) Chạy hết cá tao rồi.
(dẫn theo [Nguyễn Văn Hiệp 2009; 157])
Chúng tôi tán thành quan điểm của Nguyễn Văn Hiệp [Nguyễn Văn Hiệp 2009: 157] xếp các câu trên vào các câu có chủ ngữ đảo trí. Lý giải cho điều này, có thể viện đến ý kiến của Nguyễn Minh Thuyết, rằng việc đảo kết cấu phụ thuộc vào mục đích phát ngôn, nhấn mạnh sự kiện, đồng thời trong cấu trúc phân đoạn thực tại câu “chủ ngữ đứng trước đóng vai trò phần nêu, còn chủ ngữ đứng sau thì nằm vào phần báo, và thường là điểm quan trọng của bộ phận ấy” (dẫn theo [Nguyễn Văn Hiệp 2009: 157]).
* Nhóm 2: Trường hợp các câu cảnh báo
Đây là trường hợp các câu nêu lên sự kiện có thể xảy ra (hoặc thông báo sự kiện đang xảy ra) để cảnh báo nguy cơ với người khác. Đối với trường hợp các câu này, vị từ thể hiện một sự tình có hậu quả tiêu cực, tác động đến một thực thể khác.
(10) Ngã nó bây giờ!
(11) Rách áo!
(12) Vỡ bát!
(13) Rơi đồ kìa!
(tư liệu trực tiếp)
Xét mối quan hệ giữa vị từ và danh từ đằng sau: phần danh từ đằng sau chỉ thực thể chịu tác động của quá trình được nêu ở vị từ. Đối với kiểu sự tình này, có một điều gì đang xảy ra tác động vào thực thể đứng sau, như thể có một tác nhân đang thực hiện một hành động nào đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc (ngã, rách, vỡ, rơi...) tác động trực tiếp đến thực thể đứng sau (thực thể trở thành bị thể). Rõ ràng, khi đảo ngược vị trí của các thành tố này, sự tình sẽ có ý nghĩa khác biệt:
(10a) Nó ngã bây giờ!
(11a) Áo rách!
(12a) Bát vỡ!
(13a) Đồ rơi kìa!
Trong trường hợp này “ngã”, “rách”, “vỡ”, “rơi” phản ánh trạng thái của thực thể, và lúc đó các thực thể trở thành chủ thể của trạng thái “rách”, “vỡ”...
Sau khi cân nhắc, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng đây là trường hợp chủ ngữ đảo trí, và vị trí đứng sau của nhóm chủ ngữ này là cố định không thể thay đổi được. Bởi lẽ, cấu trúc thuận của các câu này phản ánh một sự tình đơn thuần, còn cấu trúc đảo nhấn mạnh tới hậu quả mà thực thể được nêu ở chủ ngữ phải trải qua. Những câu cảnh báo với trật tự chủ ngữ bị đảo này đều là những câu có thông báo gộp, hay chỉ có phần báo.
2.2. Nhóm 2: sau “có”, “còn”là một kết cấu C-V
(14) Có quá nhiều người hạnh phúc trên báo rồi cũng chia tay trên báo.
(15) Có đôi tay thô bạo giật tung đứa bé trong tay người mẹ yếu ớt đến thảm hại.
(16) Có tiếng trở mình khe khẽ.
(17) Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt.
Cách giải quyết kiểu câu nói trên của Diệp Quang Ban [Diệp Quang Ban 1998: 147] là coi cụm “có + danh từ” là chủ ngữ, phần “vị từ/ngữ vị từ” đằng sau là vị ngữ. Từ “có” trong trường hợp này mang nghĩa phiếm định chứ không phải thực từ mang nghĩa “tồn tại” giống như trường hợp nhóm 1. Lí do được đưa ra là đối với những câu sau “có” là kết cấu CV, có thể bỏ từ “có” để thêm từ “thì” vào giữa (sau danh từ hay cụm danh từ đứng trước, và trước vị từ hay cụm vị từ đứng sau) mà câu tự nó trong hoàn cảnh đó vẫn có nghĩa thích hợp.
Vấn đề đặt ra ở đây là, đối với các kiểu câu có cấu trúc như trên, nên hiểu ranh giới phân đoạn thực tại câu như thế nào? Có hai khả năng phân tích:
Nếu cấu trúc phân đoạn thực tại được hiểu như (1) thì chủ ngữ sẽ tương ứng với phần nêu (tức là sẽ có cấu trúc Có + danh từ/danh ngữ), nếu cấu trúc phân đoạn thực tại được hiểu như (2) thì “có” không còn thuộc vào bộ phận nòng cốt của câu nữa.
Chúng tôi cho rằng, “có” bản thân nó có hai ý nghĩa hạt nhân: tồn tại và sở hữu. Với các câu trên đây, “có” khó lòng được hiểu với nghĩa sở hữu, bởi vậy chỉ còn khả năng hiểu “có” với ý nghĩa tồn tại. Đối với các câu sau “có” là một từ hoặc một ngữ, thì việc khẳng định tồn tại cái gì là điều đơn giản. Tuy nhiên, nếu sau “có” là một kết cấu CV thì nên hiểu “tồn tại” thực thể hay “tồn tại” sự tình? Chúng tôi nghiêng về ý kiến, sau “có” là một sự tình, và “có” chính là một chỉ tố đánh dấu phân đoạn thực tại câu, nêu lên sự tồn tại của sự tình được biểu thị bằng một kết cấu CV.
Như vậy, các câu trên sẽ được coi là một thông báo gộp với “có” là chỉ tố đánh dấu phân đoạn thực tại, và kết cấu CV đằng sau chính là kết cấu ngữ pháp chính của câu. Xét các ví dụ trên:
Theo đó, chủ ngữ trong kết cấu CV đứng sau “có” được coi là chủ ngữ của câu. Tương tự, chủ ngữ trong ví dụ (3) là “đôi tay thô bạo”, chủ ngữ trong ví dụ (4) là “tiếng trở mình”, chủ ngữ trong (5) là “mình bà lão”.
Bản thân các câu trong nhóm này đã là các câu không trọn vẹn, bởi đây là các câu có thông báo gộp, gồm hai bộ phận “chỉ tố đánh dấu phân đoạn thực tại” + kết cấu CV.
3. Kết luận
Cách làm của chúng tôi hướng tới sự đơn giản trong việc nhận diện thành phần chủ ngữ trong tiếng Việt. Sự đơn giản trong giải pháp là hệ luận của cách tiếp cận mà chúng tôi lựa chọn, cách tiếp cận dựa trên ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học chức năng. Trái với cách tiếp cận hình thức thiên về miêu tả chặt chẽ, chi tiết và kết quả thường rất phức tạp, cách tiếp cận chức năng và tri nhận có thể phức tạp trong quá trình nghiên cứu nhưng bao giờ cũng hướng tới giải pháp và kết quả đơn giản, thống nhất, dễ áp dụng trong mọi trường hợp. Sự nhất quán trong cách giải thuyết cho rằng “có” trong kết cấu “Có + X” là chỉ tố đánh dấu phân đoạn thực tại đã mang lại sự đơn giản cho việc miêu tả kết cấu này. Chính sự đơn giản này làm nên đặc trưng của ngôn ngữ học chức năng và tri nhận.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Diệp Quang Ban (1998), Một số vấn đề về câu tồn tại trong tiếng Việt,NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2] Đỗ Hồng Dương (2008), “Bước đầu áp dụng lí thuyết điển mẫu vào nghiên cứu thành phần chủ ngữ trong câu tiếng Việt”, Ngôn ngữ, s. 11-2008.
[3] Đỗ Hồng Dương (2010), “Một cách tiếp cận chủ ngữ từ góc độ loại hình học”, Ngôn ngữ, s. 2-2010.
[4] Đỗ Hồng Dương (2010), “Về chủ ngữ trong một số kiểu câu có thành tố chỉ không gian đứng đầu”, Ngôn ngữ, s.11-2010.
[5] Lê Đông, Những bài giảng về Ngữ dụng học, Tài liệu ghi chép.
[6] M. A. K Halliday (2001), Dẫn luận Ngữ pháp chức năng (Bản dịch của Hoàng Văn Vân), NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
[7] Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, quyển 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[8] Nguyễn Văn Hiệp (2008), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp,NXB Giáo dục, Hà Nội.
[9] Nguyễn Văn Hiệp (2009), Cú pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[10] Nguyễn Văn Hiệp (2009), “Về một số giải pháp miêu tả bình diện kết học của câu”, Ngôn ngữ, s. 11-2009.
[11] Nguyễn Văn Hiệp (2010), “Câu đặc biệt trong tiếng Việt nhìn từ lí thuyết điển mẫu (Prototype)”, Ngôn ngữ, s.6-2010.
[12] Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận – Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt,NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[13] Nguyễn Minh Thuyết – Nguyễn Văn Hiệp (1998), Thành phần câu tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[14] Dik S.M. (1989), The theory of functional grammar (Part I: The structure of the clause). Functional Grammar, Mouton de Gruyter, Berlin.
[15] Lee, David (2001), Cognitive Linguistics – An Introduction, Oxford University Press, Oxford.
[16] Michael Lumsden (1990), Existential sentences (their structure and meaning), Routledge, London.
[17] Tallerman, Maggie (1998), Understanding Syntax, Arnold Publisher, London.
[18] Taylor, John (1995), Linguistic categorization – Prototype in Linguistic Theory, Clarendon Press, Oxford.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 6 (14)/2011.