Trải qua các thời kì lịch sử, chữ Hán không những được Nhật hóa về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, mà còn hình thành một lớp từ hoạt động có hệ thống được người Nhật sử dụng như là các yếu tạo từ cơ bản làm phong phú cho từ vựng tiếng Nhật. Bài viết cung cấp thông tin vềvay mượn từ vựng và khái quát về từ mượn Hán trong tiếng Nhật.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VAY MƯỢN TỪ VỰNG
VÀ KHÁI QUÁT VỀ TỪ MƯỢN HÁN TRONG TIẾNG NHẬT
Trần Kiều Huế
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông
ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội
1. Một số vấn đề chung về vay mượn từ vựng trong tiếng Nhật
1.1. Hiện tượng vay mượn từ vựng
Nhu cầu giao tiếp giữa những người nói các ngôn ngữ khác nhau đã khiến cho yếu tố của ngôn ngữ này xuất hiện trong ngôn ngữ kia và ngược lại. Để du nhập được vào trong ngôn ngữ khác, các yếu tố này phải chịu sự chi phối của các qui tắc trong hệ thống ngôn ngữ. Hiện tượng vay mượn từ vựng như thế “diễn ra khác nhau giữa các ngôn ngữ khác nhau và khác nhau giữa các thời kì trong bản thân một ngôn ngữ” ([1]:10).
Hiện tượng vay mượn từ vựng là “hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ”, là “một trong những phương thức quan trọng để bổ sung vốn từ vựng của một ngôn ngữ”, là “hiện tượng của ngôn ngữ học xã hội” và “hiện tượng ngôn ngữ - văn hóa” ([1]:10).
Trước hết, vay mượn từ vựng là một phương thức phổ biến để bổ sung vốn từ trong các ngôn ngữ trên thế giới. Ngoài việc áp dụng các phương thức cấu tạo từ trong mỗi hệ thống ngôn ngữ để tạo từ mới thì việc vay mượn từ vựng là phương thức rất quan trọng và hữu ích trong việc biểu đạt các hiện tượng, khái niệm mới xuất hiện, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, “bùng nổ thông tin” như hiện nay.
Các từ vay mượn được đưa vào ngôn ngữ vay mượn với tư cách là các yếu tố cấu tạo từ, từ, cụm từ, hoặc có thể là mô hình cấu tạo từ mới. Ví dụ, tiếng Nhật đã tiếp nhận các đơn vị nói trên của tiếng Hán và tiếng Anh như:
- Các phụ tố (tiền tố, hậu tố): 未 vị, 不 bất, 無 vô, 非 phi, 新 tân, ~的 đích, ~語 ngữ, ~人 nhân, マルチ (multi: “đa”), アンチ (anti: “phản, chống”).
- Các từ: 偉大vĩ đại, 学術 học thuật, 工業 công nghiệp, 現代 hiện đại,メディア(media: “phương tiện thông tin”), バス (bus: “xe buýt”), テレホン(telephone: “điện thoại”), ガス (gas: “khí ga”),ソファ (sofa: “ghế sofa”), ホテル (hotel: “khách sạn”).
- Các thành ngữ: 不老長生 trường sinh bất lão, 正正堂堂 đường đường chính chính.
- Mô hình cấu tạo từ ghép chính - phụ yếu tố phụ đứng trước bổ nghĩa cho yếu tố sau: 晴空 thanh không (“trời xanh”), 新車 tân xa (“xe mới”), 深夜 thâm dạ (“đêm khuya”), 島国 đảo quốc, シルバーシート (silver seat: “ghế bạc”), ブルーチップ (blue chip: “cổ phần ưu đãi”).
Những đơn vị từ vựng này không những bổ sung những khái niệm mới còn thiếu trong hệ thống ngôn ngữ vay mượn, mà còn “có khả năng biến đổi cấu trúc trong thành phần từ vựng, lập lại trật tự ngữ nghĩa mới”[1]:15. Trong một ngôn ngữ bất kì, nếu thiếu đơn vị từ vựng để biểu đạt một đối tượng hay một khái niệm mới xuất hiện thì có thể vay mượn đơn vị tương ứng có trong một ngôn ngữ khác.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng các ngôn ngữ vẫn vay mượn những đơn vị từ ngữ vốn đã có từ mang nghĩa tương đương trong hệ thống từ vựng của mình để tạo thành các nhóm từ đồng nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Nhật có rất nhiều các nhóm đồng nghĩa:
- “trẻ em”: 子供/キッズ (kids) /チャイルド(child),
- “hạnh phúc”: 幸福/ ハッピ (happy)
- “phụ nữ, nữ”: 女/ 婦人/ガール (girl)/レディー (lady)
Các từ vay mượn trong tiếng Nhật thường được sử dụng với phạm vi nghĩa hẹp hơn so với trong ngôn ngữ nguồn thậm chí nhiều trường hợp khác hẳn với nghĩa gốc, hoặc được sử dụng với nghĩa hẹp hơn so với đơn vị từ vựng có nghĩa tương đương trong tiếng Nhật – đây chính là “sự phân hóa về ngữ nghĩa của từ vay mượn và những từ đồng nghĩa sẵn có trong ngôn ngữ đi vay” ([1]:25). “Sự phân hóa về ngữ nghĩa” như vậy, tạo nên những nét đặc thù có giá trị khu biệt từng yếu tố trong nhóm từ đồng nghĩa; đó chính là sắc thái biểu cảm của các từ. Ví dụ, một đơn vị từ vựng nào đó du nhập vào một ngôn ngữ mới cùng với các đơn vị đồng nghĩa, trái nghĩa vốn có của ngôn ngữ đó “lập thành các nhóm từ đồng nghĩa, và giữa chúng có sự phân bố lại nghĩa cũng như phạm vi sử dụng”. Ví dụ, từ “hot” trong tiếng Anh có nghĩa là “nóng” , khi vào tiếng Nhật nó được giới hạn nghĩa hẹp hơn so với các từ đồng nghĩa và thường chỉ được dùng để chỉ “nóng (đồ uống)” ....
Mặt khác, theo Nguyễn Văn Khang, vay mượn từ vựng là “một hiện tượng ngôn ngữ học xã hội” nên hiện tượng này “luôn chịu tác động của các nhân tố ngôn ngữ - xã hội”. “Do đó, lớp từ nước ngoài được du nhập phụ thuộc rất nhiều vào sự tiếp xúc giữa các dân tộc, các thời kì tiếp xúc tình hình kinh tế - xã hội – chính trị..., con đường du nhập,...” [1]:11. Có thể thấy rõ điều này khi quan sát các từ vay mượn trong tiếng Nhật, bao gồm cả từ chữ Hán và các từ ngoại lai có nguồn gốc châu Âu. Tiếng Nhật từ thời trung cổ đến trung đại du nhập các từ ngoại lai chủ yếu qua con đường ngoại giao đi xứ sang Trung Hoa, học đạo Thiền, đạo Phật thời trung cổ của các nhà sư Nhật Bản nên các từ vay mượn thời kì này chủ yếu là các từ Hán có liên quan đến văn hóa Trung Hoa, đạo Thiền và đạo Phật các từ dùng trong kinh Phật, hoặc các vật dụng trong chùa. Thời kì sau 794-1192, do có sự tiếp xúc với các giáo sĩ truyền giáo và thuyền buôn Bồ Đào Nha nên thời kì này tiếng Nhật du nhập chủ yếu là các từ của tiếng Bồ Đào Nha các từ chỉ tên sản phẩm, hàng hóa và các từ thuộc ngôn ngữ khác, các từ chỉ địa danh nước ngoài thông qua tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha. Thời kì cận – hiện đại, tiếng Nhật tiếp nhận các khái niệm mới, các từ mới có nguồn gốc châu Âu một cách gián tiếp qua cách phỏng dịch sang chữ Hán. Đây là thời kì nước Nhật “mở cửa” tiếp nhận mạnh mẽ nền văn minh từ nước ngoài, xuất hiện một lượng lớn các từ được phỏng dịch bằng chữ Hán. Lớp từ mượn thời kì này chủ yếu thuộc về các lĩnh vực tư tưởng, giáo dục, kinh tế, khoa học. Đặc biệt, ngày nay do xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, kéo theo sự phổ cập của ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới – tiếng Anh - thì lớp từ mượn có nguồn gốc châu Âu chủ yếu là tiếng Anh được du nhập vào tiếng Nhật một cách trực tiếp không qua phỏng dịch bằng chữ Hán. Tuy nhiên, điều này cũng làm nảy sinh một vấn đề, đó là sự du nhập ồ ạt và sử dụng “bừa bãi” các từ ngoại lai chủ yếu là tiếng Anh trong tiếng Nhật. Vì vậy, có thể nói “các từ vay mượn là các kí hiệu ngôn ngữ - xã hội” vì chúng “phản ánh những biến động trong xã hội của ngôn ngữ đi vay” và thể hiện “những quan niệm khác nhau về cách vay mượn” ([1]: 12).
Bên cạnh đó, “tác động của chính trị” – “chính sách ngôn ngữ đối với việc tiếp nhận từ ngữ nước ngoài” cũng được xem là một nhân tố quan trọng tác động đến lớp từ vay mượn. Ví dụ, vào thời trung cổ và trung đại, do các triều đại Nhật Bản thời kì đó coi trọng vị trí của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao của mình, đặc biệt là chính sách muốn tiếp thu các thành tựu về tư tưởng, chính trị, văn hóa của nước lớn, nên tiếng Hán và chữ Hán được tiếp nhận mạnh mẽ. Đến thời kì của chế độ Mạc Phủ với chính sách bế quan, không thông thương với các nước châu Âu và chủ trương bài trừ Thiên chúa giáo thì các từ mượn chủ yếu từ tiếng Hà Lan [3]. Thời kì tiếp sau, do ảnh hưởng của sự cải cách mạnh mẽ thời Minh Trị thì lớp từ mượn của tiếng Nhật trở nên đa sắc màu và xuất hiện với số lượng lớn hơn các thời kì trước.
Mặt khác, khi nói về các con đường mượn của lớp từ vay mượn này, còn có khái niệm “mượn của mượn” hoặc “hình tá pháp” ([1]:19). Khái niệm này đúng với trường hợp các từ có nguồn gốc châu Âu được phỏng dịch sang chữ Hán “dịch sang tiếng Nhật và được ghi lại bằng văn tự Hán” và được đưa vào hệ thống từ vựng tiếng Nhật. Sau đó tiếng Hán mượn lại nguyên khối chính những từ phỏng dịch viết bằng chữ Hán và đọc theo cách đọc Hán Nhật đó của tiếng Nhật [1]:19. Các từ mới được tạo ra ở Nhật Bản bằng cách phỏng dịch như vậy tồn tại rất nhiều trong tiếng Nhật và được gọi là từ Hán - Nhật tạo.
1.2. Khái niệm vay mượn từ vựng
1.2.1. Một số vấn đề về tiếp xúc ngôn ngữ đối với vay mượn từ vựng
Nói đến vay mượn từ vựng thì không thể không nhắc đến tiếp xúc ngôn ngữ. Đây là hiện tượng ngôn ngữ phổ biến trong đời sống xã hội giao tiếp của con người” và tiếp xúc ngôn ngữ xảy ra “khi có hiện tượng song ngữ/ đa ngữ dưới tác động của các nhân tố ngôn ngữ - xã hội” ([1]:29).
Xét về bản chất, tiếp xúc ngôn ngữ được bắt đầu từ việc học thêm một ngôn ngữ khác, như vậy khi học ngôn ngữ khác thì nội bộ trong một cá nhân đã bắt đầu hình thành quá trình tiếp xúc giữa hai hoặc hơn ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc học một ngôn ngữ khác này mới chỉ là điều kiện cần để tiếp xúc ngôn ngữ diễn ra, do đó, để tiếp xúc ngôn ngữ xảy ra còn cần phải được mở rộng ra toàn xã hội – đó chính là “sự khuếch tán ngôn ngữ” [1]:29. Ví dụ, thời kì đầu khi sách vở của Trung Quốc được đưa vào Nhật Bản cùng với chữ Hán, thì chỉ có giới tăng lữ và quí tộc học tiếng Hán và chữ Hán để đọc sách vở và kinh Phật [12]. Sau đó, do chính sách ngoại giao của triều đình Nhật Bản, sự phổ biến của Phật giáo và của các tư tưởng triết học Trung Quốc cổ đại qua con đường sách vở đã tạo cơ hội cho nhiều người dân Nhật Bản tiếp xúc với nền văn minh Trung Quốc nên tiếng Hán và chữ Hán trở nên phổ biến hơn đến tận các tầng lớp khác trong xã hội Nhật Bản thời kì này.
Mặt khác, tiếp xúc trong tiếp xúc ngôn ngữ được Nguyễn Văn Khang đề cập đến với hai khía cạnh: thứ nhất, là sự tiếp xúc ở mặt cấu trúc – là “mối quan hệ tương tác”, “sự tác động lẫn nhau giữa hai hoặc hơn hai ngôn ngữ trong bộ óc của một người” làm nảy sinh ảnh hưởng về mặt cấu trúc, tạo ra sự vay mượn, “thẩm thấu” các thành phần, phương thức, thay đổi các qui tắc, hệ thống và cấu trúc, có thể làm nảy sinh một ngôn ngữ mới; thứ hai, là “sự tiếp xúc ở mặt ứng dụng”, gây “hiện tượng đa ngữ” khi sử dụng đồng thời hoặc thay thế ([1]:30).
Tiếp xúc ngôn ngữ còn có “tính định hướng” thể hiện ở “hướng tác động”, “hướng ảnh hưởng” giữa các ngôn ngữ. Tính định hướng này phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố như: tính mục đích của việc học tập, tần số ứng dụng, mức độ thuần thục, bối cảnh ngôn ngữ, bối cảnh văn hóa, …. ([1]:30). Trong quá trình tiếp xúc, có nhiều khi một ngôn ngữ trở nên có “quyền lực” và có xu hướng xảy ra tác động một chiều từ ngôn ngữ “quyền lực” đó đến ngôn ngữ còn lại. Có thể nói, điều này rất đúng khi nói về trường hợp tiếng Hán thời kì đầu tiếp xúc với tiếng Nhật, lúc đó tiếng Nhật còn chưa có chữ viết.
Sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngôn ngữ trong quá trình tiếp xúc như vậy có thể làm nảy sinh ngôn ngữ trung gian interlanguage. Ngôn ngữ trung gian được hình thành từ sự ảnh hưởng của ngôn ngữ cơ sở tới ngôn ngữ đích, được coi là “quá trình động của việc học tập, tiếp thu ngôn ngữ và thường không ổn định do phụ thuộc vào quá trình học tập và sử dụng ngôn ngữ đích”. Ngôn ngữ trung gian được khuếch tán và chịu sự chi phối bởi “cấu trúc ngôn ngữ, tâm lí ngôn ngữ và thái độ ngôn ngữ” ([1]:31). Người học và sử dụng ngôn ngữ, trong quá trình giao tiếp sẽ sử dụng pha lẫn các yếu tố của hai hoặc hơn hai ngôn ngữ để giao tiếp. Cách giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ như vậy dần được phổ biến ra cộng đồng giao tiếp, làm xuất hiện yếu tố của một ngôn ngữ này ở trong một ngôn ngữ khác, như thế, “tiếp xúc ngôn ngữ làm nảy sinh hiện tượng vay mượn” [1]:32.
Tiếp xúc ngôn ngữ có thể xảy ra bằng các con đường khác nhau, trực tiếp và gián tiếp, được chia thành 3 kiểu tiếp xúc [1]:32. Đó là tiếp xúc do “ảnh hưởng của khẩu ngữ”, bởi có sự tiếp xúc giữa các cộng đồng nói các ngôn ngữ khác nhau; tiếp xúc do “ảnh hưởng của sách vở”; tiếp xúc do “ảnh hưởng của cả khẩu ngữ và sách vở”. Dịch thuật cũng được cho là một trong những kiểu tiếp xúc do ảnh hưởng sách vở, và bắt buộc các ngôn ngữ đó phải có chữ viết.
1.2.2. Về thuật ngữ “từ vay mượn”
Các đơn vị từ vựng du nhập vào các ngôn ngữ do hiện tượng vay mượn được gọi là “từ vay mượn”. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau và cách dùng từ trong các ngôn ngữ khác nhau, nên có rất nhiều thuật ngữ được sử dụng để chỉ lớp từ này. Trong tiếng Anh có một số thuật ngữ được dùng như sau: “loan” “từ mượn”, “từ ngoại lai”, “loan word” “từ ngoại lai”, “loan translation/ calque” “phỏng dịch, dịch, can-ke ngữ nghĩa”, “loan blends” “từ hỗn hợp ngoại lai”, “borrowed/ borrowing word” “từ mượn”, “từ vay mượn”, “hybrid word” “từ hỗn chủng”, “alien word” và “foreign word” “từ nước ngoài” [1]:27.
Trong tiếng Nhật, thuật ngữ “từ vay mượn” được dùng để chỉ chung các từ có nguồn gốc nước ngoài nhưng đã được Nhật hóa về hình thức ngữ âm, chữ viết, hình thái – cấu trúc và ngữ nghĩa. Lớp từ này lại được chia nhỏ thành hai nhóm là từ ngoại lai và từ Hán.
1.2.3. Các cách vay mượn từ vựng
Một yếu tố của ngôn ngữ khác du nhập vào ngôn ngữ nào đó và trở thành từ mượn của ngôn ngữ đó khi “đã được đồng hóa dưới áp lực hệ thống cấu trúc của ngôn ngữ đi vay” [1]:45 về hình thức ngữ âm, ngữ pháp, nghĩa thay đổi hoặc không thay đổi. Có nhiều cách vay mượn khác nhau.
- Mượn nguyên cách phát âm nước ngoài: giữ nguyên cách viết con chữ. Tuy nhiên, hầu hết các từ mượn kiểu này đều được phát âm không giống như phát âm trong ngôn ngữ gốc vì đã được điều chỉnh để gần với cách phát âm trong ngôn ngữ đi vay. Ví dụ, trong cách vay mượn của tiếng Việt, một số từ trong tiếng Anh tuy giữ nguyên dạng chữ viết nhưng đã đươc phát âm khác so với cách phát âm trong ngôn ngữ gốc khác phần nguyên âm, hoặc các phụ âm cuối thường bị lược bỏ - để gần giống với cách phát âm các phụ âm cuối của tiếngViệt như “chat”, “game online”, …
- Phỏng âm: là cách tạo phát âm mới cho các từ ngữ vay mượn dựa trên phát âm trong ngôn ngữ gốc trên nguyên tắc tối đa gần phát âm gốc. Ví dụ, khi tiếp nhận các từ tiếng Anh, trong tiếng Nhật thường xuất hiện hiện tượng “âm tiết hóa” hoặc “đa tiết hóa”: [shok-ku] “shock”, [hot to] ”hot”. Phương thức vay mượn này được gọi là “phiên âm”. Tuy nhiên, đối với tiếng Nhật thì đây còn gọi là phương thức “chuyển tự”, do tiếng Anh và tiếng Nhật “không cùng hệ văn tự”. Trong phương thức này còn có cách kết hợp cả âm và nghĩa, đặc biệt trong cách vay mượn từ tiếng Hán. Kiểu mượn này còn để lại trong một số từ chỉ tên nước trong tiếng Nhật, ví dụ: Đức 独, Pháp 仏, Ấn Độ 印, ....
- Thay đổi hoàn toàn vỏ ngữ âm: là cách mượn theo cách dịch nghĩa. Trong tiếng Nhật thì đây là cách mượn phổ biến đối với các từ có nguồn gốc châu Âu gián tiếp qua hình thức phỏng dịch bằng chữ Hán, ví dụ: 電子計算機 computer, 卓球 pingpon, 電話 telephone, 経済 economy, 社会 society, … Cách thức mượn như thế này được gọi là can-ke ngữ nghĩa dịch nghĩa Nguyễn Văn Khang, [1]:51.
- Giữ nguyên hình thái cấu trúc thường xảy ra giữa các ngôn ngữ thuộc cùng loại hình hoặc có sự giống nhau về mô hình cấu tạo từ. Ví dụ, các từ Hán Việt du nhập vào tiếng Việt nhờ cách đọc Hán Việt là các từ đơn tiết bút 筆, đạo 道, đông 冬, băng 氷 . Mô hình chính phụ, trong đó yếu tố phụ đứng trước mang nghĩa hạn định cho yếu tố đứng sau; ví dụ, trong tiếng Nhật: 難問, 朝食, 広義, 美人, ....
- Mượn toàn bộ nội dung ngữ nghĩa: thường là các thuật ngữ chuyên môn.
- Mượn nghĩa hoặc một số nghĩa: đối với các từ tiếng Anh, thông thường tiếng Nhật chỉ mượn nghĩa thứ hai.
- Mượn có thay đổi ở mức độ nhất định về nghĩa: ví dụ, tiếng Nhật mượn “my home” nhưng sử dụng với nghĩa “chỉ những gì là thuộc về sở hữu riêng của một cá nhân”.
2. Khái quát về từ mượn Hán trong tiếng Nhật
Trong lịch sử phát triển của tiếng Nhật, từ mượn Hán đã trở thành một bộ phận vô cùng quan trọng trong hệ thống từ vựng tiếng Nhật. Các yếu tố Hán đã trải qua một quá trình Nhật hóa theo các bình diện ngôn ngữ dưới sự chi phối của hệ thống các qui tắc của tiếng Nhật. Quá trình đó lại chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của hàng loạt các nhân tố, trong đó nổi lên hai nhân tố vô cùng quan trọng và tất yếu, đó là nhân tố xã hội và nhân tố ngôn ngữ. Hiện tượng vay mượn từ vựng “luôn chịu tác động của các nhân tố ngôn ngữ – xã hội”. Theo Nguyễn Văn Khang [1], dưới tác động của các nhân tố này, các đơn vị từ vựng nước ngoài du nhập vào ngôn ngữ nào đó ở các thời kì khác nhau, bằng các con đường khác nhau và tồn tại ở các dạng khác nhau. Ví dụ như trong tiếng Nhật có nhiều trường hợp cùng một chữ Hán nhưng có nhiều âm đọc khác nhau do được du nhập ở các thời kì khác nhau. Dưới tác động của các nhân tố ngôn ngữ – xã hội, tiếp xúc ngôn ngữ xảy ra khi có hiện tượng song ngữ/đa ngữ Nguyễn Văn Khang, [1]:29.
Tiếp xúc giữa tiếng Hán và tiếng Nhật dưới đây, gọi là tiếp xúc Hán – Nhật cũng chịu sự chi phối của các nhân tố ngôn ngữ – xã hội như thế. Kết quả của quá trình tiếp xúc này là sự hình thành hệ thống chữ viết của tiếng Nhật, là sự du nhập và tồn tại số lượng lớn các chữ Hán, từ Hán như một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hệ thống từ vựng tiếng Nhật ngày nay. Đặc biệt, sự ăn sâu bám rễ của các chữ Hán trong tiếng Nhật ở từng cấp độ ngôn ngữ đã khiến phần lớn người Nhật Bản không coi từ Hán Nhật là các yếu tố vay mượn. “Tiếp xúc ngôn ngữ là một phương diện của tiếp xúc văn hóa và sự giao thoa ngôn ngữ là một mặt của quá trình lan tỏa và tiếp xúc văn hóa” ([1]:21).
Chữ Hán là phương tiện biểu đạt của tiếng Hán và được truyền bá ra nước ngoài để truyền bá văn hóa của người Trung Quốc. Do đó, chữ Hán có sự thay đổi vượt ra ngoài khuôn khổ của tiếng Hán, vừa là yếu tố truyền thống truyền bá văn hóa, vừa là yếu tố góp phần tạo ra những yếu tố văn hóa mới. Đặc biệt, chữ Hán vốn là phương tiện biểu đạt ngôn ngữ của một dân tộc có trình độ văn hóa cao hơn và do đó “sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ của dân tộc có trình độ văn hóa thấp hơn; cụ thể, ở đây là tiếng Nhật thông thường qua các kênh giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, văn học” ([1]:33). Đặc biệt, trước khi có sự du nhập chữ Hán, tiếng Nhật chưa có chữ viết nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và dễ tiếp thu các yếu tố của tiếng Hán.
2.1. Các nhân tố xã hội ảnh hưởng đến tiếp xúc Hán – Nhật
Có thể nói quá trình tiếp xúc Hán – Nhật xảy ra đồng thời với các thời kì trong lịch sử hình thành và phát triển của tiếng Nhật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nghiên cứu lịch sử tiếng Nhật theo 5 giai đoạn để có thể tìm hiểu chi tiết những ảnh hưởng về mặt xã hội và ngôn ngữ tác động đến quá trình tiếp xúc Hán – Nhật nói chung cũng như sự đồng hóa của các yếu tố Hán trong tiếng Nhật nói riêng; làm rõ những ảnh hưởng của chữ Hán đối với tiếng Nhật đặc biệt, chữ Hán có liên quan trực tiếp đến sự ra đời chữ viết của Nhật Bản và cách tiếp nhận của hệ thống tiếng Nhật đối với chữ Hán.
Trong Nihonshoki cũng ghi là khoảng năm 285, Luận ngữ, “Thiên tự văn” được đưa vào Nhật Bản nên cho rằng chữ Hán bắt đầu được đưa vào Nhật Bản vào khoảng thời gian từ thế kỉ thứ 4 đến thế kỉ thứ 5. Vì đây là khoảng thời gian rất nhiều sách vở của Trung Quốc được đưa vào và truyền bá ở Nhật Bản ([9]). Thời kì này, chữ Hán còn được những người Nhật từ Trung Quốc về và những người thuộc tầng lớp trí thức Nhật Bản quí tộc, tăng lữ, học giả sử dụng trong văn viết vì tiếng Nhật thời kì này vẫn chưa có chữ viết ([5]). Cũng có ý kiến khác cho rằng, khoảng cuối thời gian này, chữ Hán bắt đầu được đưa vào Nhật Bản qua bán đảo Triều Tiên.
Người Nhật đọc chữ Hán và văn Hán bằng âm on (âm Hán) theo cách phát âm của người Hán, các chữ hoặc từ Hán như vậy được gọi là “Jion” ([5]). Đồng thời, các chữ Hán được dịch sang tiếng Nhật và được đọc theo âm kun (âm Nhật). Ví dụ, từ Hán 秋được dịch và đọc thành “aki” (“mùa thu”) trong tiếng Nhật và do vậy từ Hán 秋 có thêm cách đọc kun là “aki” bên cạnh cách đọc on là “shuu”. Từ “aki” trong tiếng Nhật được viết bằng chữ 秋. Quá trình đọcdịch-mượn chữ Hán như vậy đã hình thành một sợi dây liên hệ giữa tiếng Nhật và chữ Hán. Điều này thúc đẩy xu hướng cố định hóa cách đọc cho chữ Hán theo âm kun. Khác với tiếng Hán, tiếng Nhật sử dụng chữ Hán không theo cách của người Hán mà lại lấy từ tiếng Nhật để dịch nghĩa chữ Hán, sau đó sử dụng âm kun đã dùng để dịch làm âm đọc cho chính chữ Hán đó, tiếp sau lại sử dụng chính các chữ Hán này để viết lại các từ thuần Nhật đã dùng để dịch. Những chữ Hán được dùng để viết các từ thuần Nhật - tức là những chữ Hán được đọc theo vỏ ngữ âm của các từ thuần Nhật dùng để dịch nghĩa bản thân chữ Hán đó như vậy được gọi là Jikun trái với Jion đã nêu trên [8].
Là hai ngôn ngữ khác nhau, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử cũng khác nhau nên nghĩa của các từ trong hai ngôn ngữ không thể tương ứng, trùng khớp hoàn toàn với nhau [8]. Tiếng Hán vốn có lịch sử phát triển lâu đời với một lượng từ vựng rất lớn được tạo ra bởi chữ Hán. Trong đó, mỗi một chữ Hán diễn đạt một nghĩa nhất định, tạo nên sự khu biệt tinh tế về nghĩa giữa các từ với nhau. Khác với tiếng Hán, tiếng Nhật có lượng từ vựng ít, trong đó có rất nhiều từ thuần Nhật chủ yếu là động từ biểu thị các đối tượng không cụ thể; do đó, với tiếng Nhật “thô sơ” như vậy không thể có sự tương ứng chính xác với từng chữ Hán đặc biệt là với các chữ Hán vốn phân biệt nhau chỉ bởi một nét nghĩa rất nhỏ, nên có rất nhiều trường hợp các chữ Hán gần nghĩa được đọc bằng cùng một từ tiếng Nhật hoặc nhiều chữ Hán được sử dụng để ghi một từ một âm đọc của tiếng Nhật nhằm cố định hóa nghĩa của từ [5]: . Ví dụ, “ageru” được dùng để đọc các chữ Hán 挙, 上, 揚; “tsuku”: 突, 付, 就, 着, 衝, 点.
Theo Okutsu Keiichiro các chữ Hán được đưa vào Nhật Bản giai đoạn này cũng bắt đầu bị thay đổi: “người Nhật đã sử dụng chữ Hán để ghi tiếng Nhật”. Đây là các chữ Hán Manyoogana – các chữ Hán được sử dụng để ghi lại các bài thơ Nhật trong tuyển tập thơ Manyooshuu. Ví dụ, “hana” 花: “bông hoa” được viết bằng chữ Hán 波奈, “hito” “người” được viết bằng chữ 必登,... Cách sử dụng chữ Hán kiểu này không liên quan đến nghĩa mà chỉ dùng cách đọc on của chữ Hán.
Mặt khác, do có sự giao lưu với Trung Quốc trên nhiều bình diện nên trong tiếng Nhật, không chỉ dừng lại ở việc vay mượn chữ Hán như thời kì trước đó mà lúc này đã bắt đầu có sự vay mượn ở cấp độ từ - đó là mượn nguyên khối các từ Hán.
Bắt đầu nảy sinh sự phức tạp trong việc ghi lại tiếng Nhật bằng chữ Hán vào thời kì trung cổ 794-1192. Đặc biệt, khi ghi những từ thuần Nhật đa âm tiết do mỗi chữ Hán chỉ tương ứng với một âm trong từ đa âm nên khi viết một từ phải viết nhiều chữ Hán tương ứng cho các âm của từ đó. Do vậy, một số học giả đã dựa vào chữ Hán để sáng chế ra một thứ chữ riêng cho người Nhật, có thể đáp ứng được việc phiên âm tiếng Nhật - chữ Katakana. Bộ chữ Katakana được tạo ra bằng cách lược bỏ một phần nét chữ của chữ Hán. Ví dụ: 伊 → イ [i], 天 → テ [te], 加 → カ [ka].
Vào thời kì này, “chế độ mới được đánh dấu trước hết bằng sự thay đổi phong cách tôn sùng đạo Phật” như là “quốc giáo” ([6]:80) do đó từ Hán chủ yếu là các từ dùng trong Phật giáo trở nên phổ cập ở Nhật Bản. Ví dụ: [neNzu] 数珠 “tràng hạt”.
Thời kì trung đại 1192 – 1603 nổi bật tình trạng không thống nhất rối loạn trong việc sử dụng chữ Kana. Do có sự biến đổi về mặt ngữ âm trong bản thân tiếng Nhật nên xảy ra sự không tương ứng giữa chữ viết và phát âm, tức là chữ viết không thể hiện chính xác phát âm tiếng Nhật. Bên cạnh đó, xuất hiện xu hướng gia tăng việc sử dụng một kiểu chữ được gọi là ateji, đây là cách mượn âm on hoặc âm Kun của chữ Hán để ghi lại âm của các từ thuần Nhật. Ví dụ: từ [medetashi] “vui, đáng mừng” được ghi lại bằng các chữ Hán 芽me 出de 度taishi, và [arigatai] “đáng quí” được ghi bằng các chữ Hán theo âm đọc on của những chữ Hán này 有ari難gata.
Đây cũng là thời kì các nhà sư Nhật Bản học đạo thiền ở Trung Quốc đã mang về Nhật rất nhiều các từ Hán đọc theo âm Đường. Ví dụ: [aNdoN] 行燈, [isu] 椅子, [manju:] 饅頭...
Thời kì cận đại 1603- 1868 chữ Hán rất được coi trọng nên sử dụng rộng rãi; khuynh hướng này gây ra tình trạng dùng sai chữ Hán 恥→耻. Mặt khác, do chính quyền Mạc Phủ Bakufu chủ trương chính sách bế quan tỏa cảng để giữ đất nước ổn định giống Trung Quốc theo đạo Khổng, triệt để bài ngoại ([7]: 79). Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ Nhật. Chính vì áp dụng chính sách cai trị đất nước theo đạo Khổng nên vào thời kì này, chữ Hán được phổ biến hơn thời kì trước, lan tỏa sâu rộng vào đời sống sinh hoạt của người Nhật.
Tuy nhiên, cũng vào thời kì này, người Nhật nhận thấy sự bất cập trong việc sử dụng chữ Hán để viết các văn bản các văn bản viết bẳng chữ Hán theo ngữ pháp của tiếng Hán được gọi là Hán văn. Đặc biệt, việc dùng chữ Hán để viết các yếu tố ngữ pháp của tiếng Nhật trợ từ, dạng thức biến đổi ngữ pháp của động từ,... gặp rất nhiều khó khăn nên người Nhật bắt đầu dùng các văn bản có các yếu tố tiếng Nhật được viết bằng chữ Kana xen lẫn với chữ Hán.
Sang đến đầu thời kì cận – hiện đại 1868 – nay, người Nhật vẫn mượn chữ Hán và sử dụng âm đọc Hán của các chữ Hán này để ghi các từ vay mượn có nguồn gốc từ tiếng châu Âu, hoặc để ghi các địa danh, tên người nước ngoài. Ví dụ: [kurabu]: 俱楽部 club “câu lạc bộ”, [furaNsu]: 仏蘭西 Pháp, [doitsu]: 独逸 “Đức”. Chữ Hán bắt đầu được đưa ra bàn luận nhiều về việc giới hạn số lượng, cách sử dụng. “Bảng chữ Hán đương dụng” được công bố năm 1946, tiếp theo, đến năm 1981 “Bảng chữ Hán thường dụng” được công bố, qui định các chữ Hán được sử dụng phổ biến trong tiếng Nhật.
2. 2. Các nhân tố ngôn ngữ ảnh hưởng đến tiếp xúc Hán – Nhật
Khi xét các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp xúc Hán - Việt, Nguyễn Văn Khang đặc biệt chú trọng hai nhân tố: đặc điểm loại hình học của hai ngôn ngữ và “vai trò của chữ Hán”. Tương tự, trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng trình bày về đặc điểm loại hình học của hai ngôn ngữ và vai trò của chữ Hán đối với tiếng Nhật như là hai nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tiếp xúc Hán – Nhật ([1]).
2.2.1. Đặc điểm loại hình học của tiếng Nhật và tiếng Hán
Tiếng Nhật là ngôn ngữ chắp dính phách tính, có cấu trúc âm tiết mở, không có thanh điệu, ý nghĩa ngữ pháp được thể hiện bằng hệ thống các trợ từ chức năng ngữ pháp và phương thức biến hình của động từ và tính từ. Tiếng Hán là ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, có thanh điệu, chủ yếu là âm tiết đóng, ý nghĩa ngữ pháp được thể hiện bằng phương thức trật tự từ. Tuy khác nhau về loại hình, nhưng các chữ Hán vẫn du nhập, ăn sâu bám rễ và trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hệ thống từ vựng của tiếng Nhật .
Chữ Hán của tiếng Hán là chữ biểu ý, mỗi một chữ đều có nghĩa và biểu thị một từ, và là một từ đơn âm tiết nên trong tiếng Hán có khá nhiều từ đồng âm. Do đó, đối với một ngôn ngữ có cấu trúc âm tiết khá đơn giản như tiếng Nhật thì phát âm của tiếng Hán trở nên quá phức tạp để thể hiện được tất cả các từ đơn âm tiết trong tiếng Hán. Vì vậy, hiện tượng đồng âm trong chữ Hán Nhật là rất phổ biến. Theo kết quả khảo sát, 2.264 chữ Hán Nhật được đọc với 288 âm Hán Nhật trong khi đó âm Hán Việt tương ứng là 1.381 âm.
Trong quá trình đồng hóa tiếng Hán để trở thành từ vay mượn của tiếng Nhật, âm vị trong phát âm của các chữ Hán được đơn giản hóa về thanh điệu, thanh mẫu, vận mẫu, phụ âm cuối. Trong tiếng Hán, tuy phụ âm đầu và phụ âm cuối không phải là những yếu tố bắt buộc, nhưng thông thường, mỗi một âm tiết một từ, một chữ được cấu tạo bởi một thanh mẫu phụ âm đầu cũng có trường hợp không có, một âm chính, một phụ âm cuối và thanh điệu. Tiếng Hán thời Tùy Đường thời kì này ở Nhật Bản việc học tiếng Hán rất thịnh hành có số lượng vần vận mẫu là 206, số lượng phụ âm đầu thanh mẫu được chia thành 7 loại âm chính âm môi, âm lưỡi, âm ngạc, âm răng, âm hầu, âm nửa lưỡi, âm nửa răng bao gồm 36 âm Vận kính, thời Tống và có 4 thanh là thanh 1 (平) , thanh 2 (上), thanh 3 (去), thanh 4 (入). Thời kì này, trong tiếng Nhật, âm ngắt được dùng để đọc các âm Hán có thanh 4 (入) và các âm có thanh điệu này được Nhật hóa như sau ([5]:174):
Như vậy, trong quá trình đồng hóa các từ Hán về mặt ngữ âm đã diễn ra sự tác động của các yếu tố Hán đối với hệ thống âm vị tiếng Nhật, cũng như sự tác động chi phối của các nguyên tắc trong hệ thống âm vị tiếng Nhật đối với cách phát âm các từ Hán khi được đưa vào tiếng Nhật. Điều này đã tạo nền tảng thuận lợi cho việc tiếp nhận và Nhật hóa các từ Hán.
Về phương thức cấu tạo từ, ban đầu, người Nhật chịu ảnh hưởng của sách vở, các tác phẩm văn học, văn bản hành chính đương thời của Trung Quốc và áp dụng trong văn viết về ngữ pháp, ... nên phương thức tạo từ phương thức ghép theo trật tự ngữ pháp tiếng Hán ảnh hưởng lớn và trở thành một trong những phương thức tạo từ cơ bản trong tiếng Nhật. Mặt khác, trước kia người Nhật đã dùng chữ Hán để ghi lại tiếng Nhật, nên đã mượn nguyên rất nhiều các từ ghép Hán, sau đó tạo ra các từ mới theo mô hình của các từ Hán. Chính vì vậy, các từ Hán có thể dễ dàng du nhập vào hệ thống từ vựng của tiếng Nhật.
Như vậy, do không chỉ mượn từ nguyên khối mà người Nhật còn mượn cả các yếu tố tạo từ chữ Hán cũng như phương thức tạo từ để tạo ra một lượng lớn các từ Hán được gọi là các từ Hán - Nhật tạo. Mặc dù khác nhau về loại hình nhưng các từ mượn Hán vẫn có thể xâm nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Nhật và hoạt động như các từ thuần Nhật nhờ vào hệ thống các phương tiện ngữ pháp trợ từ, trợ động từ, tiếp tố để biến đổi hình thái phù hợp với chức năng ngữ pháp tính từ, động từ, phó từ, ....
2.2.2. Vai trò của chữ Hán đối với tiếng Nhật
Chữ Hán có vai trò rất lớn đối với tiếng Nhật, bởi vì giai đoạn đầu - khi tiếp xúc với tiếng tiếng Hán - tiếng Nhật được coi là chưa có chữ viết, nên “về mặt lí thuyết thì ngôn ngữ có chữ viết sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngôn ngữ chưa có chữ viết” [1]:80. Do đó, chữ Hán là phương tiện vô cùng quan trọng trong việc đọc và viết; tác động sâu sắc đến tư duy, tâm hồn người Nhật.
Các từ Hán Nhật - Nhật tạo xuất hiện ngày càng nhiều, trong số đó có nhiều từ được tạo ra để phỏng dịch các thuật ngữ, khái niệm du nhập từ nước ngoài chủ yếu là từ các nước Âu Mỹ. Thậm chí, ngay cả khi trong tiếng Nhật đã có từ ngoại lai biểu thị một khái niệm nào đó, nhưng để phổ biến nghĩa và cách sử dụng của bản thân từ đó thì người Nhật vẫn phải sử dụng từ Hán để diễn giải nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Nhật sử dụng các từ như セキュリティー security: “sự an toàn”, グローバル global: “toàn cầu” nhưng vẫn sử dụng song song các từ dịch bằng chữ Hán như 安全, 地球規模.
Thực tế, do từ Hán có khả năng truyền đạt cao, hơn nữa, chữ Hán có lịch sử lâu đời ở Nhật Bản nên khi được diễn đạt bằng chữ Hán quen thuộc thì dù là các từ biểu thị sự vật, khái niệm mới thì vẫn có thể được hiểu một cách tương đối dễ dàng. Đặ biệt, ngay cả các từ biểu thị những khái niệm mới mang tính chuyên môn tức là những từ thuộc lớp từ vựng cao cấp trong tiếng Nhật được tạo ra bằng cách ghép các chữ Hán thông dụng vẫn trở nên dễ hiểu đối với người Nhật và những người biết chữ Hán. Các từ Hán được đề xuất để thay thế các từ ngoại lai được coi là khó hiểu.
Ví dụ: Từ セットバック: có nghĩa là “việc xây dựng nhà cửa phải lùi vào trong so với mặt đường”.
Từ thay thế: 壁面後退 (“ mặt tường lùi ra sau”), 敷地後退, 後退建築, 後退
Từ Hán có tính phân tích biểu thị đối tượng một cách chi tiết hơn các từ thuần Nhật, hình thức ngắn gọn, khả năng diễn đạt súc tích, chính xác, chặt chẽ hơn; nên so với từ thuần Nhật tương ứng có tính khẩu ngữ cao thì từ Hán có tính chặt chẽ, chuyên môn, mang tính chất văn viết. Do đó, bên cạnh các từ ngoại lai, từ Hán có vai trò quan trọng trong việc bổ sung cho hệ thống từ vựng tiếng Nhật một lớp từ mang tính học thuật, chuyên môn.
Như vậy, trải qua các thời kì lịch sử, chữ Hán không những được Nhật hóa về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, mà còn hình thành một lớp từ hoạt động có hệ thống được người Nhật sử dụng như là các yếu tạo từ cơ bản làm phong phú cho từ vựng tiếng Nhật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Văn Khang, Từ ngoại lai trong tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2007.
[2] Trần Kiều Huế, Khảo sát từ ngoại lai tiếng Anh trong tiếng Nhật có liên hệ với tiếng Việt, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ, 2007.
[3] 真田信治 Sanada Nobuhiro 『よく わか る 日 本 語史』アルク, 1999.
[4] 秋元美晴 Akimoto Miharu 『よく わか る 語彙』 (Từ vựng tiếng Nhật), アルク, 2002.
[5] 佐藤喜代冶編 Sato Kiyoji, 『漢字 講座1漢字 とは』 Tập bài giảng về Hán tự 1 - Chữ Hán 明治書院, 1988.
[6] George Sansom, Lịch sử Nhật Bản, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
[7] George Sansom, Lịch sử Nhật Bản, tập 3, NXB Khoa học xã hội, Hà N ội, 1994
[8] 佐藤喜代冶編 (Sato Kiyoji Chủ biên), 『漢 字 講 座2 - 漢字研究の歩み』 Tập bài giảng về Hán tự 2 - Những chặng đường nghiên cứu chữ Hán, 明治書院, 1989.
[9] 佐藤喜代冶編(Sato Kiyoji Chủ biên), 『漢字講座3 - 漢字と日本語』 Tập bài giảng về Hán tự 3 Hán tự và tiếng Nhật 明治書院, 1987.
Nguồn: T.K. Huế./ Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ 28 (2012) 255-265