Sự tiếp xúc Chăm – Việt ở vùng Quảng Nam xảy ra trong hàng trăm năm và chắc chắn đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong ngôn ngữ của cư dân vùng Quảng Nam.
Tiếp biến ngôn ngữ Chăm - Việt ở Quảng Nam
Võ Văn Thắng
Trong hành trình Nam tiến
Tên gọi “Quảng Nam” xuất hiện từ thế kỷ 15 (1471) sau khi đại quân của vua Lê Thánh Tông vượt qua cửa biển và đường núi Hải Vân chiếm lĩnh quyền cai quản vùng đất này. Việc thiết lập Quảng Nam thừa tuyên đạo của vua Lê Thánh Tông năm 1471 đã kết thúc một thời gian dài đầy bất ổn tại đây. Trước đó, năm 1306, vua Champa là Chế Mân đã giao phần đất “hai châu Ô, Lý” (từ khoảng sông Thạch Hãn, Quảng Trị, đến sông Thu Bồn, Quảng Nam) cho vua Trần Anh Tông của Đại Việt như món quà sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân. Nhưng cả 100 năm tiếp theo vẫn là thời kỳ xảy ra nhiều tranh chấp, và cư dân là các nhóm tộc người đan xen.
|
Múa quạt tại Lễ hội Katê, làng Hữu Đức, Ninh Thuận, 2014 (ảnh minh họa). Ảnh: V.V.T |
Mãi cho đến năm 1403, sau khi Hồ Quý Ly đã lấy thêm được đất phía Nam sông Thu Bồn, đặt ra lộ Thăng Hoa (gồm các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa) thì sử mới nói đến đợt di dân của một lớp người từ phía Bắc vào theo đường biển: “Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa biên chế thành quân ngũ. Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện xem đất cho họ ở... Đến năm sau đưa vợ con đi theo, giữa đường, bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán”. Còn người Chiêm Thành cũng không phải bỏ đi hết: “Chiêm Thành thu lấy những dân phụ cận đưa về nước, người ở lại thì bổ làm quân”. Và đất châu Tư, Nghĩa mới chiếm được vẫn giao cho người Chiêm Thành trấn giữ, đó là Hiệu chính hầu Chế Ma Nô Đà Nan, con của Chế Bồng Nga.
Cũng cần phải nói thêm rằng chỉ mấy năm sau, khi quân Minh diệt nhà Hồ, đặt chính quyền xâm lược ở nước ta thì những lưu dân mới đến Thăng Hoa cũng bị cách ly hoàn toàn với quê hương phía Bắc của họ. Về tình hình Thăng Hoa thời kỳ này sử chép: “Phủ Thăng Hoa tuy (nhà Minh) có đặt quan, nhưng Chiêm Thành vẫn có trưởng lộ chiếm giữ cai trị, nên nhà Minh chỉ ghi tên không mà thôi”.
Từ những bối cảnh lịch sử đặc biệt đó, vùng đất Quảng Nam đã trải qua những thời kỳ tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau. Giữa thế kỷ 16, nhà nho Dương Văn An đã ghi nhận về phong tục vùng Thuận Hóa như sau: “Thói cũ lâu ngày, lối mới còn quá ít... Nói tiếng Chiêm thì có thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm thì có con gái làng Thủy Bạn”. Riêng về vùng Điện Bàn thời ấy, Dương Văn An viết “Đàn bà mặc áo Chiêm, con trai cầm quạt Tàu”.
Đi tìm sự tiếp biến
Trên cơ sở khảo sát phương ngữ Quảng Nam, sau đó đối chiếu với tiếng Chăm được ghi chép trong sách Tự điển Việt – Chăm, Bùi Khánh Thế (chủ biên), Nxb KHXH 1996, chúng tôi đưa một vài ví dụ như sau: Phương ngữ Quảng Nam/tiếng Chăm/tiếng phổ thông: bách (sạch bách)/baik, bông baik/?, sạch sành sanh; bận (mấy bận)/băng (tôm băng)/lần (mấy lần); cà rà/rah pah/quanh quẩn; câu mâu/kău mău/gây sự; chái/chaik/hè, hiên; gạt/kat/lừa, dối; khít/khip/chặt; lụt/haluh/mòn, cùn; ro ro/ro ro/trơn tru; lú/luk (?)/ngốc; tóp/iop/teo; rích (cũ rích, xưa rích)/rik/xưa; trắp/klăp/hộp; trã/klah/nồi đất; ni/ni/đây, này; nớ, tê/deh, têh/kia, đó v.v.
Qua những ví dụ này, chúng ta thấy có 2 nhóm chính: một nhóm gồm các từ được phương ngữ Quảng Nam vay mượn ở tiếng Chăm như ni, tê, vằng, trã, trách...; một nhóm gồm các từ được ghép với một từ đồng nghĩa tiếng Việt, trong đó yếu tố ngữ nghĩa của từ gốc Chăm lu mờ dần, trở thành một yếu tố bổ sung một nét nghĩa cho từ chính tiếng Việt, thường mang ý nghĩa nhấn mạnh, tăng cường, ví dụ: sạch bách (sạch sành sanh), trắng bong (rất trắng), cũ rích (rất cũ)...
Ngoài ra, các địa danh cũng thường phản ánh hoặc bảo lưu lâu dài những yếu tố ngôn ngữ của những cư dân cổ xưa từng cư trú tại một khu vực. Tại vùng Quảng Nam, bên cạnh các địa danh có thể giải thích ngữ nghĩa rõ ràng bằng tiếng Việt phổ thông còn có không ít các địa danh khó giải thích, trong đó có một số địa danh phát sinh sự tiếp biến Việt – Chăm trong những thế kỷ trước.
Có những địa danh bao gồm các yếu tố từ vựng dễ xác định nguồn gốc Chăm. Đó là địa danh “Bồng Miêu” (mỏ vàng Bồng Miêu); “bôn” trong tiếng Chăm có nghĩa là “đồi”, “mưh” có nghĩa là “vàng”. Như vậy, cư dân ở đây đã sử dụng tiếng Chăm để gọi vùng đất này là “Bồng Miêu” (đồi vàng, núi vàng). Trong tiếng Chăm, từ “Ian/Yan” có nghĩa là “thần linh”; hiện nay nhiều xứ đất ở các địa phương ở Quảng Nam được gọi là “Bà Dàng xứ”. Trong tiếng Chăm, “Pô” là từ tôn vinh, xưng gọi các vị thần; hiện nay ở Quảng Nam có các miếu thờ “Bô Bô phu nhân”, có núi “Bồ Bồ” và các địa danh khác chứa yếu tố “Bồ”, như “Bồ Mưng”, “Bồ Bảng”, “Thạch Bồ”...
Một trường hợp thu hút nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu là các địa danh có yếu tố “Đà/Trà” như Trà Kiệu, Trà Na, Trà Ngâm, Đà Nẵng, Đà Câu, Đà Ly... Đối với các địa danh này, sự phát sinh, tiếp biến, chuyển hóa đã qua nhiều tầng lớp, có thể xảy ra trước cả giai đoạn Champa, nằm trong sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ Môn Khmer và Malay Polynesien ở miền Trung Việt Nam. “Đà/Trà” có thể được chuyển hóa từ “Đạ/Dak” trong các ngôn ngữ Môn Khmer, có nghĩa gốc là “Nước”, nghĩa phái sinh là “sông”, “xứ sở”, “đất nước”; nhưng “Đà/Trà” cũng có khả năng được chuyển hóa từ “Ia/Ya” trong các ngôn ngữ Malay Polynesien, cũng có ý nghĩa là “Nước”, nghĩa phái sinh là “sông”, “xứ sở”, “đất nước”. Về sự chuyển hóa từ âm “d/y” thành “đ” trong tiếng Quảng Nam và tiếng Việt nói chung là điều có thể xảy ra và có nhiều ví dụ, như cây da/cây đa; cái đĩa/cái dĩa; con dao/con đao;... (xem Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi, Nxb Đà Nẵng 1997).
Ngoài ra còn một số địa danh lạ ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn chưa có được sự giải thích từ nguyên thỏa đáng, như các địa danh “Câu Đê”, “La Bông”, “La Hường”, “Nô Cố” v.v. cần nghiên cứu thêm.
Nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201411/tiep-bien-ngon-ngu-cham-viet-o-quang-nam-562063/