TIẾNG HÀ NỘI TỪ GÓC NHÌN CỦA PHƯƠNG NGỮ XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ KIM LOAN
1. Tiếng Hà Nội với tư cách là một phương ngữ thành thị (dialecte citadin)
Tiếng Hà Nội, với tư cách là một biến thể của tiếng Việt toàn dân, trong những nghiên cứu về tiếng nói của thủ đô được gọi theo nhiều cách (tiếng thủ đô, bán phương ngữ, siêu phương ngữ, phương ngữ đặc biệt, phương ngữ tổng hợp, phương ngữ nhánh…), do tính đa dạng, tổng hòa của hó. Đã có nhiều ý kiến đặt thành vấn đề, liệu có nên coi tiếng Hà Nội là một phương nữ hay không? Thực ra, vấn đề ở đây chỉ là tên gọi. Bởi vì, trước hết, theo quan điểm của NNHXH, mọi biến thể của ngôn ngữ đều là phương ngữ dù trên bất kỳ khu vực địa lý nào. Mặt khác, “Trong tiếng Việt, từ “tiếng” khi đứng trước một địa danh thì có nghĩa là “ngôn ngữ” theo đúng nghĩa của từ. Thí dụ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Mường, tiếng Chăm… Nếu địa danh này là tên một vùng tương đối rộng lớn hoặc của một tỉnh, thành phố thì “tiếng” có nghĩa là cách phát âm hay biến thể ngôn ngữ của một quốc gia hay một dân tộc được sử dụng ở vùng hoặc tỉnh hay thành phố. Khi đó từ tiếng này có nghĩa là tiếng địa phương nói tắt (như trên đã nêu, thuật ngữ ngôn ngữ học gọi là phương ngữ). Thí dụ: tiếng miền Trung, tiếng miền Nam, tiếng miền Bắc, tiếng Nghệ An, tiếng Quảng Nam… do vậy, tiếng Hà Nội cũng đồng đẳng với các tên gọi này” (2). Song hình như chịu ảnh hưởng của quan niệm coi phương ngữ là hình thái thấp của ngôn ngữ, nên vẫn có những ý kiến cho rằng, cái ngôn ngữ được sử dụng ở thủ đô thì không được coi là phương ngữ nữa. Nhưng thực ra, quan niệm này mang màu sắc tư tưởng luận nhiều hơn là khoa học. Từ trước đến nay, tiếng Hà Nội vẫn được coi là một loại “di sản” văn hóa của tiếng Việt. Tuy không được đưa vào văn bản pháp quy, nhưng gần như mặc nhiên, nó được coi là thứ tiếng “chuẩn” trước hết của vùng phương ngữ Bắc Bộ, và sau nữa là của tiếng Việt toàn dân. Nhìn tổng quan về quá trình hình thanh củatiếng Hà Nội thì thấy rằng, tiếng Hà Nội trước hết được hình thành từ cái nền của ngôn ngữ “dân kẻ chợ” từ thế kỷ 17. Khi Lý Công Uẩn định đô ở địa bàn ngày nay là Hà Nội và nhà Lý chính thức biến nơi này thành kinh đô, thì đây trở thành trung tâm buôn bán sầm uất nhất trong các địa phương của Việt Nam thời bấy giờ. Nó thu hút cư dân từ bốn phương về đây làm ăn, sinh sống. Kinh thành Thăng Long xưa được chia làm hai không gian: khu vực Hoàng thành là phạm vi của vua chúa, quan lại triều thần và các thân tộc (hoàng thân quốc thích); khu vực còn lại là của những người kinh doanh, buôn bán và làm nghề thủ công… mà chúng ta vẫn gọi là khu vực “ba sáu phố phường”. Những người làm ăn, buôn bán trong “thành” thì gọi là thị dân. Với bối cảnh địa lý - xã hội như thế, chắc chắn tại kinh thành Thăng Long xưa đã hình thành nên một phương ngữ không giống bất cứ phương ngữ nào của tiếng Việt thời bấy giờ. Bởi vì, cư dân bốn phương kéo về đây làm ăn buôn bán cũng đồng nghĩa với việc nhập cư phương ngữ. Còn các phương ngữ ở đây tiếp xúc với nhau trong một bối cảnh không gian địa lý - xã hội đặc biệt, khác hẳn với bối cảnh trước khi những người nói các phương ngữ khác nhau đến đây. Đó là một không gian đa dạng hơn về cấu trúc vật chất, phức tạp hơn về cấu trúc xã hội. Với tư cách là phương tiện tổ chức kết cấu xã hội của cộng đồng người ở kinh thành, các phương ngữ luôn trong sự tiếp xúc với nhau. Cùng với thời gian, sự tiếp xúc này đã hình thành nên một loại biến thể ngôn ngữ mới. Loại biến thể này, trong quá trình tiếp xúc đã vay mượn những nét riêng của các phương ngữ khác và trở thành phương ngữ mới. Khi đã hoàn toàn là phương ngữ mới, nó giữ lại những nét tích cực tổng hợp được từ các phương ngữ khác trong tiếp xúc. Và đó chính là đặc điểm cơ bản của loại phương ngữ này. Vì thế, phương ngữ mới đã mất đi mối liên hệ với cộng đồng chủ thể cũ. Về mặt lịch sử, ban đầu, tiếng Hà Nội được hình thành trong bối cảnh ngôn ngữ - xã hội có những đặc điểm nổi bật sau:
- Có sự phân chia tầng bậc, loại hạng trong cộng đồng cư dân của không gian kinh thành (có giai cấp quý tộc bên cạnh tầng lớp bình dân thị dân).
- Trong một không gian tương đối khép kín về tiếp xúc (sau khi đã trở thành một đế đô tương đối ổn định, chính quyền trung ương cấm đoán những người từ nơi khác đến làm ăn sinh sống ở kinh đô) (3). Thế nên không hoặc ít có tiếp xúc giao lưu buôn bán với xã hội ngoài kinh thành.
- Chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa phương Bắc, cụ thể là văn hóa Hán.
- Phương ngữ thành thị của Hà Nội thuở ban đầu là sự hòa trộn các phương ngữ của cư dân tứ xứ với thổ ngữ của hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương.
Với tư cách là những nhân tố tác động, các đặc điểm về cấu trúc xã hội cộng đồng (bao gồm tầng lớp vua quan, quý tộc phong kiến và tầng lớp thị dân), không gian địa lí - xã hội (một không gian bị giới hạn bởi kiến trúc tường thành và mối quan hệ đóng kín của cộng đồng xã hội bên trong), mà theo thuật ngữ của các nhà ngôn ngữ học xã hội, đó là sự “địa phận hóa” (territorisation). Mặt khác là tác động của văn hóa Hán, đã góp phần hình thành nên một phương ngữ thành thị là tiếng Hà Nội. Một phương ngữ của 36 phố phườngđậm nét tương phản với phương ngữ nông thôn. Bởi trước hết, cộng đồng sử dụng nó là những người thuộc tầng lớp đại diện cho xã hội về mặt nhận thức, văn hóa. Điều này được thể hiện rõ qua sử dụng và ứng xử ngôn ngữ. Sau nữa, môi trường sử dụng ngôn ngữ gần như chỉ bó hẹp trong các nhóm cư dân thuộc cộng đồng của kinh thành (hệ quả của sự địa hóa). Và cuối cùng, ảnh hưởng của tiếng Hán (một loại ngôn ngữ bác học trong tương quan với ngôn ngữ chưa có văn tự là tiếng Việt ở thế kỷ XI, XII) (4). Rõ ràng là, trong môi trường có đặc tính chắt lọc về diện giao tiếp như thế, tiếp xúc giữa các phương ngữ, thổ ngữ đã hình thành nên một loại phương ngữ, mà theo như Mikhail Marshak (5), đó là loại phương ngữ mới. Phương ngữ này đã mất đi mối liên hệ với cộng đồng và được nhận thức như một cách nói tiêu chuẩn (standard) trong không gian địa lí đã hình thành nên nó. Loại PNTT ở Hà Nội được tạo ra theo cách này. Nó dần được củng cố địa vị và đi vào sử dụng ổn định cho đến khi địa bàn này được thay đổi bởi công cuộc đô thị hóa, theo đó, cùng với việc mở rộng địa bàn là sự nhập cư ngày một nhiều của những người dân từ nông thôn, và các tỉnh thành khác vào thủ đô. Có thể đưa ra một dẫn chứng khá hay và hữu ích để làm rõ hơn cho quan niệm về sự đồng tồn trong tiếng Hà Nội hai khái niệm PNTT và PNDT. Trong một công trình nghiên cứu về PNDT, Ibtissem Chachou (6) đã chứng minh tại thành phố cảngMostaganem của Algérie tồn tại hai cách nói: cách nói thành thị (le parler citadin)và cách nói đô thị (le parler urbain). Trong đó, cách nói đô thị là cách nói của người dân Mostaganem hiện tại, một cách nói được sinh ra từ những thay đổi của quá trình di dân, là sự pha trộn giữa cách nói của những người Mostaganem sở tại (thuật ngữ có tên là sédenteires), với cách nói của người dân du mục di cư từ nơi khác đến (được gọi là le parler nomade). Đây là cái cách mà người nghiên cứu gọi là sự nông thôn hóa (ruralisation) cách nói thành thị, nhằm đạt tới sự thống nhất trong thực hành giao tiếp giữa các nhóm người thuộc đồng đô thị. Bên cạnh cách nói đô thị, cách nói thành thị (được cho là bảo thủ), không như giả thiết của những nghiên cứu đi trước (là sẽ mất đi trước sự xuất hiện và ngày càng được củng cố địa vị của cách nói đô thị), nó vẫn tồn tại trong giao tiếp của những gia đình được coi là “thị dân” (citadin) từ lâu đời ởMostaganem. Cụ thể, thông qua cách phát âm của người dân ở đây, người nghiên cứu đã chỉ ra đâu là hình thức đô thị, đâu là hình thức thành thị và đâu là hình thức nông thôn. Chẳng hạn, trong các gia đình được coi là thành thị (citadine) ở Mostaganem, phụ nữ (kể cả người giàu và người trẻ) có xu hướng sử dụng các từ giảm nhẹ (diminutif) không chỉ để chỉ người, hay vật có kích thước, tầm vóc bé nhỏ, mà còn với mục đích thể hiện tính lịch sử. Ví dụ: [etini kuyyes ma] (cho tôi xin một li nước nhỏ). Tuy nhiên, đối với những cô gái sinh ra trong một gia đình được coi là đô thị (urbaine), họ rất ít khi sử dụng, vì cho hình thức này là lỗi thời. Mặc dù vậy, cách nói giảm nhẹ mang tính thành thị này không hề bị mất đi, mà còn được vay mượn vào trong cách nói đô thị. Ví dụ vừa nêu đã phần nào cho thấy rằng, tiếng Hà Nội, nếu coi như một lối nói, một phong cách thì cũng có cái nền, hay “thành phần nòng cốt” là PNTT của 36 phố phường được sử dụng ổn định và duy trì trong suốt một thời gian dài, cho dù không phải là không có những biến đổi. Một sự biến đổi mang tính cách mạng trong ngôn ngữ là rất ít, vì cho dù biến đổi là đặc tính cố hữu của họ, song cũng không thể gạt bỏ đi tính bảo thủ của hệ thống và thói quen của những người sử dụng ngôn ngữ. Chính vì lí do này mà cho đến nay, trong khi người ta cho rằng, tiếng Hà Nội đã khác xưa rất nhiều, và cực đoan hơn là đã không còn như xưa, thì thi thoảng vẫn bắt gặp cách nói năng của ai đó, trong một cách biểu hiện nào đó cái phong cách (style) của người Hà Nội xưa (trong cung cách tiếp xúc, sử dụng từ ngữ…).
2. Tiếng Hà Nội với tư cách là một PNDT (dialecte urbain)
Trong suốt quá trình từ khi hình thành cho đến nay, địa bàn được gọi là Hà Nội luôn giữ vững hai đặc điểm mang tính chức năng và phẩm chất sau:
- Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
- Là địa bàn thu hút ngày một nhiều cư dân thuộc các vùng khác đến làm việc và sinh sống.
Những ý kiến đánh giá về tiếng Hà Nội như một biểu tượng về cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ, trong văn hóa như: di sản văn hóa, thanh lịch, tinh tế, êm ái, ngọt ngào… cũng như thái độ cảnh báo về sự mai một phẩm chất của nó là một thực tế. Tuy nhiên, còn có một thực tế khách quan nữa, đó là mọi ngôn ngữ đều biến đổi theo cách mà nó bị tác động bởi những nhân tố xã hội. Theo cách nhìn động và phát triển, tiếng Hà Nội ngày càng có phẩm chất của một phương ngữ mở (PNM). Đó là loại phương ngữ uyển chuyển, dễ tiếp nhận những nét mới. Hệ quả của sự tiếp nhận này làm cho loại PNM thay đổi nhanh chóng. Chính vì vậy, khái niệm thuần nhất (homogéneité) trong một phương ngữ đô thị hẳn khó lòng tồn tại, nhất lại là ở đô thị lớn. Bởi vì, nó luôn trong tình trạng luân phiên thay đổi, nhanh hay chậm là tùy thuộc tương đối nhiều vào sự thay đổi của xã hội. Vì thế, tiếng Hà Nội (như mọi người vẫn ca tụng, và coi là một “chuẩn mực”) trong so sánh với tiếng nói được sử dụng ở Hà Nội hiện nay, thực tế đã chỉ còn giống như một loại “cơ tầng”, phương ngữ. Không thể nói là một “phế tích”, nhưng rõ ràng dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận quá trình vận động tất yếu của ngôn ngữ với những hệ quả sinh ra từ đó. Điều đó có nghĩa là, trong sự vận động, thường thì nhân tố mới xuất hiện sẽ dần làm suy yếu hay làm mất đi nhân tố hiện tồn không còn phù hợp. Cùng với những biến động ở hầu khắp các phương diện, lĩnh vực của đất nước và tác động vô cùng lớn của công cuộc đô thị hóa, diện mạo văn hóa của Hà Nội đã có nhiều thay đổi sâu sắc, trong đó ngôn ngữ là yếu tố dễ nhìn thấy nhất. Vì nó là một trong những yếu tố cơ bản làm nên không gian văn hóa đặc thù của đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng. Và cũng dễ hiểu khi ngày nay, trong cách nói năng của người Hà Nội, sự kiểu cách có phần phức tạp đã nhường chỗ cho một phong cách hiện đại, ngắn gọn, súc tích hơn, và có màu sắc lí tính hơn. Nhưng điều quan trọng là, tất cả những đặc điểm ngữ âm của tiếng Hà Nội (phát âm rõ cả 6 thanh, không có sự phân biệt tr/ch, s/x…) vẫn còn nguyên. Đó chính là biểu hiện tích cực của sự giao thoa trong tiếp xúc phương ngữ. Sau những luân phiên tiếp xúc và hòa trộn giữa các phương ngữ, tiếng Hà Nội vẫn bảo lưu những nét ngữ âm tích cực được tổng hợp từ các phương ngữ. Việc thiếu vắng những phụ âm (tr, s, gi, r) trong khi nói tiếng Hà Nội, không nói lên sự khiếm khuyết trong hệ thống âm vị của phương ngữ, mà thực ra đó chỉ là biểu hiện phong cách đặc thù của loại PNTT mà thôi. Chức năng phản ánh của ngôn ngữ luôn được khẳng định trong tương quan hiệp biến xã hội - ngôn ngữ. Xã hội thay đổi, ngôn ngữ thay đổi. Vì thế, các nhà nghiên cứu hoàn toàn có cơ sở để đưa ra một khả năng là “có một tiếng Hà Nội trước đây và một tiếng Hà Nội hôm nay” (7), hay cho rằng: “sẽ không có một khái niệm về tiếng Hà Nội chung mà chỉ có một tiếng Hà Nội ở từng giai đoạn lịch sử” (8). Nếu giả định của các nghiên cứu là có lí, thì “tiếng Hà Nội” ngày nay phải là một phương ngữ đô thị (dialecte urbain). Bởi vì, tất cả những đặc điểm của một phương ngữ đô thị (mà phần lớn các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận) đều hội tụ ở tiếng Hà Nội. Tuy nhiên, tương quan hiệp biến xã hội - ngôn ngữ chẳng mấy khi đồng biến trong cùng thời điểm. Tiến trình phát triển của ngôn ngữ không cùng nhịp điệu với những hiện tượng xã hội xảy ra. Chính vì vậy, khó có thể xác lập quan hệ tương liên giữa sự phát triển của ngôn ngữ từ những thực hành giao tiếp ngôn ngữ với sự thay đổi của xã hội. Có lẽ đó cũng là một trong những lí do giải thích vì sao xác định khái niệm tiếng Hà Nội ngày một trở nên khó khăn hơn dưới góc độ lịch sử. Song, có điều chắc chắn là, tiếng Hà Nội ngày nay khác tiếng Hà Nội ngày xưa. Bởi vì, ngôn ngữ thì biến đổi không ngừng. Vì thế, một ngôn ngữ ở hai thời điểm khác nhau sẽ không giống nhau. F. Saussure từng cho rằng, chẳng ai trong chúng ta nói cùng một thứ ngôn ngữ. Điều này cũng giống như chân lí đã từng được khẳng định, chẳng ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Mặt khác, với tư cách là một nhân tố làm biến đổi ngôn ngữ, không gian thay đổi của Hà Nội với những hệ quả phát sinh từ đó cũng góp phần làm cho tiếng Hà Nội ngày nay, cũng như về sau càng xa dần với tiếng Hà Nội ngày xưa. Nhưng, dù thế nào đi nữa, tiếng Hà Nội, hay PNDT Hà Nội, cho đến nay vẫn bao chứa trong nó nền tảng của loại PNTT mà chúng ta vẫn gọi là tiếng thủ đô, hay nói khác đi là tiếng của Hà Nội 36 phố phường.
3. Tiếng Hà Nội trong quan hệ với ngôn ngữ toàn dân
3.1 Vị trí của tiếng Hà Nội trong tương quan với các phương ngữ tiếng Việt
Như đã biết, tiếng Hà Nội là một trong các phương ngữ của tiếng Việt (hay còn có thể gọi là “tiểu phương ngữ”, vì dẫu sao thì, về mặt địa lí, Hà Nội cũng là một trong những tỉnh thành của miền Bắc). Là phương ngữ, nhưng tiếng Hà Nội có những đặc biệt khác với các phương ngữ của tiếng Việt ở những mặt sau đây:
- Tương quan về vị trí: Trong tiếng Việt chuẩn, giới Việt ngữ học chia ra hai loại biến thể tiêu biểu, đó là tiếng Hà Nội, và tiếng Sài Gòncủa Tp. HCM. Hai biến thể này thực chất là hai PNDT. Song tiếng Hà Nội lại được coi là phương ngữ tiêu biểu nhất trong tương quan so sánh với các phương ngữ của tiếng Việt. Bởi vì bao gồm trong nó không chỉ biến thể ngôn ngữ chuẩn mực của tiếng Việt toàn dân, hay tiếng Việt văn học,mà còn có cả các biến thể không chuẩn (như thổ ngữ của các địa bàn xung quanh: Đông Anh, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh… (Từ Liêm). Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa với việc mở rộng địa bàn Hà Nội đã làm cho bức tranh ngôn ngữ của Thủ đô vốn đã phức tạp, nay lại còn phức tạp hơn. Bởi trong tương lai, vấn đề ngôn ngữ ở không gian được gọi chung là Hà Nội không chỉ thuần túy là tiếp xúc phương ngữ, mà còn là tiếp xúc ngôn ngữ. Ảnh hưởng của ngôn ngữ đô thị tác động tới xã hội đa ngữ ở những vùng đang được đô thị hóa như thế nào cũng đặt ra hai vấn đề, đó là: “1. Tương tác giữa tiếng Việt chung (còn gọi là tiếng Việt toàn dân) với tiếng Việt phương ngữ và sự tương tác giữa các phương ngữ Việt Nam với nhau; 2. Tương tác giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số” (9). Có lẽ vì thế, đã có nhà nghiên cứu cho rằng: “không nên đồng nhất hai tên gọi tiếng Hà Nội và tiếng Thủ đô” (10). Vì “tiếng Thủ đô - thành phần nòng cốt của tiếng Hà Nội, chính là chuẩn mực của tiếng Việt toàn dân, hay nó chính là tiếng Việt văn học” (11). Nếu nhất trí với quan niệm về tiếng Thủ đô như vừa nêu, tiếng Hà Nội còn một đặc điểm khác biệt trong tương quan so sánh với phương ngữ tiếng Việt khác ở chỗ, xét về thành phần cấu tạo, tiếng Hà Nội gồm hai bộ phận: một là thành phần nòng cốt là tiếng Thủ đô (chuẩn mực của tiếng Việt toàn dân, hay tiếng Việt văn học), và phần kia là bộ phận bao gồm trong đó cả những biến thể không chuẩn như đã nêu trên. Hai bộ phận này sẽ ảnh hưởng lẫn nhau trong sự tương tác ngôn ngữ - xã hội giữa các nhóm xã hội của cộng đồng đô thị.
- Về phương diện ngữ âm: Đây là điểm quan sát đầu tiên khi tìm hiểu về sự biến đổi của một ngôn ngữ. Như đã biết, tiếng Hà Nội rất gần gũi với tiếng Việt toàn dân. Trước hết, khi phát âm, tiếng Hà Nội được phát âm đầy đủ cả 6 thanh. Đặc điểm này, đa phần các phương ngữ Bắc bộ đều có, nhưng thể hiện ở tiếng Hà Nội là rõ ràng nhất. Điều này cũng phần nào phản ánh tính ưu việt của phương ngữ đô thị có bề dày phát triển và ổn định, nhờ có sự tổng hợp và bảo lưu những nét tích cực của các phương ngữ trong tiếp xúc. Nhìn chung tiếng Hà Nội không có sự phân biệt giữa các phụ âm (tr/ch, s/x, g/r/d). Tuy nhiên, chúng vẫn có sự phân biệt khi lời nói được hiện thực hóa trên chữ viết. Sở dĩ nói “nhìn chung” không có sự phân biệt là vì, qua tìm hiểu một số người lớn tuổi thuộc lớp người được coi là “Hà Nội gốc” thì tình hình lại không phải như vậy. Có nghĩa là khi nói, số người này vẫn có sự phân biệt đối với những phụ âm vừa nêu. Điều này một lần nữa nói lên rằng, khi hòa trộn và tổng hợp các nét trong quá trình tiếp xúc phương ngữ, việc “nhược hóa” trong cách phát âm các phụ âm quặt lưỡi và phụ âm rung là biểu hiện của sự lựa chọn phong cách đối với thứ tiếng nói được sử dụng ở kinh kì trước đây, và vì thế trở thành một trong những đặc điểm có tính đặc thù của tiếng Thủ đô ngày nay. So với các phương ngữ khác của hai vùng phương ngữ Trung, Nam bộ, tiếng Hà Nội “giầu vần hơn cả: 17 âm chính (nguyên âm), 8 âm cuối (bán nguyên âm), có 169 vần; ít phụ âm hơn cả” (12). Trong khi phương ngữ của hai vùng Trung, Nam bộ (chủ yếu là Nam bộ) có sự lẫn lộn ở một số phụ âm đầu, vần và phụ âm cuối một số âm tiết như: h - g (huy hoàng = guy goàng, hoành tráng = goằn tráng…), v - z (vũ = zõ), q - g (xí quách = xí goắt)…; n - ng (ăn = ăng), nh - n (anh = ăn, bình = bừn…), t - k (bất = bấc, thống nhất - thống nhức)…
- Về phương diện từ vựng: Với ưu thế về vị thế chính trị, tiếng Hà Nội hơn hẳn các phương ngữ khác về cơ hội tích tụ văn hóa. Trong quá trình tiếp xúc và giao lưu rộng rãi về mọi phương diện với các địa bàn tỉnh thành trên cả nước, cộng vào đó là sự tiếp xúc, hợp tác về văn hóa, khoa học kĩ thuật với nước ngoài đã diễn ra trong lịch sử và vẫn đang tiếp diễn, vốn từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt đã trở nên vô cùng phong phú và đa dạng, nhờ có sự tiếp nhận một cách có chọn lọc, cùng với việc phổ thong hóa các từ ngữ của các dân tộc thiểu số trên các vùng lãnh thổ Việt Nam và từ nước ngoài. Trong tiếng Hà Nội ngày nay, những từ ngữ cổ hầu như không còn được sử dụng. Thay vào đó là những từ ngữ mới. Trong khi nhiều phương ngữ của hai vùng Trung, Nam vẫn lưu lại nhiều từ cổ, và chúng thực sự trở thành các từ ngữ địa phương của vùng phương ngữ. Chẳng hạn, trong tiếng miền Nam có từ bông (hoa), trái (quả),ngã (đổ bệnh)… hay trong phương ngữ Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh), người ta vẫn dùng các từ ngái (xa), mô (đâu), ni (này)… là những từ cổ rất đặc trưng của hai vùng miền của Việt Nam. Hiện tượng lưu lại các từ cổ trong hệ thống từ vựng của hai vùng phương ngữ này chính là cái chỉ báo về tính bảo thủ do ít có sự tiếp xúc và giao thao ngôn ngữ - văn hóa với bên ngoài của phương ngữ có tên làphương ngữ đóng như đã nêu ở trên.
- Về phương diện ngữ pháp: Về phương diện này có thể thấy, cách diễn đạt của tiếng Hà Nội có tính chất chung và phổ biến, hay nói đúng hơn là tính thống nhất của tiếng Việt trên cơ sở phương ngữ Bắc mà tiếng Hà Nội là tiêu biểu. Trong khi ở các phương ngữ khác vẫn còn giữ lại nhiều lối nói cổ, hay các cấu trúc cú pháp Hán - Việt, thì tiếng Hà Nội đã có sự cách tân nhiều ở cấu trúc ngữ pháp.
Với tất cả những đặc điểm mang tính ưu việt nổi trội ở các phương diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp như thế, việc coi tiếng Hà Nội là một phương ngữ tiêu biểu, và mặc nhiên thừa nhận nó là chuẩn mực hẳn cũng không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện một số ý kiến chưa nhất trí với việc thừa nhận tiếng Hà Nội là tiếng nói chuẩn. Những ý kiến này dựa trên sự phân tích đặc điểm ngữ âm giữa ba phương ngữ của ba vùng (Bắc, Trung, Nam), từ đó suy ra những điểm lợi, hại đối với việc lấy tiếng nào là chuẩn. Trong các trường ở miền Bắc, ở cấp tiểu học, khi dạy cho học sinh tập đọc, giáo viên thường hướng dẫn cho các em đọc phân biệt các phụ âm (tr/ch, s/x, g/r/d). Nhưng khi thực hành giao tiếp, chẳng bao giờ các em có sự phân biệt các phụ âm như đã được hướng dẫn. Hay cũng muốn góp phần vào việc xây dựng một thứ tiếng nói chuẩn mực hơn cho tiếng Hà Nội, gần đây, trên đài truyền hình trung ương có hiện tượng là, một số phát thanh viên, khi đọc bản tin đã có cách phát âm phân biệt tr/ch, s/x. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, hiện tượng này không xuất hiện nữa. Như đã biết, chuẩn là khái niệm mang tính xã hội công nhận. Vì thế, thực tế sẽ chứng minh tiếng Hà Nội có phải là chuẩn hay không trên cơ sở những ưu thế của nó.
3.2 Tiếng Hà Nội trong quan hệ với tiếng Việt toàn dân
Là một biến thể tiêu biểu nhất trong số các biến thể của tiếng Việt, tiếng Hà Nội mà nòng cốt là tiếng Thủ đô, hay còn gọi là tiếng Việt chuẩn mực, tiếng Việt văn học được coi là ngôn ngữ lí tưởng đối với sự duy trì và phát triển của tiếng Việt toàn dân. Bởi tiếng Việt chuẩn toàn dân bao gồm trong nó mọi quy tắc có tính bắt buộc đối với mọi tầng lớp xã hội trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những đề xuất về sự lựa chọn cách phát âm của tiếng Việt chuẩn. Song trên thực tế, từ xưa đến nay, một cách mặc nhiên, người ta coi cách phát âm của tiếng Hà Nội (hay chính xác hơn là “giọng” Hà Nội), phương ngữ tiêu biểu nhất của vùng phương ngữ Bắc là chuẩn dựa trên những ưu thế về ngữ âm của nó như đã phân tích. Nhưng, chuẩn ngữ âm của tiếng Hà Nội vẫn chỉ được thể hiện ở cách viết mà chưa được thể hiện ở chuẩn phát âm. Mặt khác, tiếng Hà Nội lại tập hợp được hầu như tất cả các chuẩn mực, thể hiện sự thống nhất cao về nguyên tắc trong tương quan so sánh với các phương ngữ của tiếng Việt. Đó là, ngữ pháp tiếng Hà Nội chính là ngữ pháp của tiếng Việt toàn dân. Về từ vựng, tuyệt đại đa số từ vựng trong tiếng Hà Nội, về cơ bản có nghĩa như nhau, được lấy làm cơ sở cho việc xây dựng ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học của tiếng Việt là loại ngôn ngữ dựa trên nền tảng của khu vực văn hóa thuộc vùng lưu vực sông Hồng (văn hóa của nền văn minh từ thời lập quốc). Mặc dù vậy, ngôn ngữ văn học của tiếng Việt cũng chỉ dựa chủ yếu vào ngôn ngữ văn hóa của vùng đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất ở các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật. Những lợi thế đó là điều kiện thuận lợi cho việc ra đời một phương ngữ có tính chọn lọc cao, gần với chuẩn mực của ngôn ngữ văn học cũng như ngôn ngữ toàn dân.
Từ góc độ chức năng, NNHXH phân biệt ngôn ngữ và phương ngữ ở phạm vi sử dụng. Phương ngữ được coi là biến thể của ngôn ngữ, và “sự phát triển của nó chưa đạt đến mức tiêu chuẩn hóa”. Thậm chí Haugen (1966) (13) đã coi phương ngữ thuộc về “dưới chuẩn”. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, Haugen cũng đã chỉ ra rằng, “phương ngữ và ngôn ngữ là những thuật ngữ trừu tượng”. Soi lại vào tiếng Hà Nội thì thấy, nếu theo quan niệm của Haugen, coi phương ngữ là cái “dưới chuẩn”, thì làm sao có thể xếp tiếng Hà Nộivào vị trí của ngôn ngữ học và là một biến thể tiêu chuẩn của tiếng Việt toàn dân. Song, PNHXH đã đưa ra một giải pháp cho sự bế tắc này. Đó là khi nó phân biệt hai loại biến thể (tiêu chuẩn và phi tiêu chuẩn) trong sự khu biệt với nhau dưới những ảnh hưởng của tác động xã hội. “Biến thể tiêu chuẩn được xây dựng trên sự phát triển nhờ quá trình chuẩn hóa”. Trong đó, “Phương ngữ mà biến thể tiêu chuẩn lấy làm cơ sở thường là phương ngữ của khu vực có ảnh hưởng lớn nhất trong toàn xã hội” (14). Trong tiếng Việt, khái niệmtiếng Việt toàn dân, hay tiếng Việt chuẩn, cho đến nay còn có những ý kiến khác nhau. Nhưng trên thực tế, từ bấy lâu nay, người ta vẫn lấy phương ngữ Bắc mà đại diện là tiếng Hà Nội làm cơ sở. Điều này là một minh chứng cho nhận định về khu vực có tầm ảnh hưởng đối với việc chọn biến thể tiêu chuẩn của PNHXH. Khi bàn về ngôn ngữ văn học và tiếng địa phương, F. de Saussure cho rằng, những lí do chọn phương ngữ này hay khác làm phương tiện giao lưu giữa các cộng động người trong một dân tộc là khác nhau, “khi thì người ta thiên về phương ngôn của miền nào văn minh hơn cả, khi thì người ta chọn phương ngôn của tỉnh có quyền thống lĩnh về chính trị và là nơi chính quyền trung ương đặt trụ sở; có khi lại là một triều đình buộc dân tộc phải theo tiếng nói của mình” (15). Xét về tiêu chí, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, hẳn là tiếng Hà Nội không nằm ngoài những yêu cầu đã được đưa ra đối với một phương ngữ đại diện được chọn làm biến thể tiêu chuẩn của ngôn ngữ toàn dân. Ngày nay, mặc dù chưa có văn bản chính thức nào quy định tiếng Hà Nội là chuẩn chung cho cả nước, nhưng trên thực tế, các cơ quan truyền thông đại chúng, từ trung ương đến địa phương trên toàn quốc đều sử dụng thứ tiếng Việt chuẩn mực với đầy đủ những đặc điểm về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp vốn có của tiếng Hà Nội. Sở dĩ tiếng Hà Nội cứ được mặc nhiên thừa nhận là tiếng nói chuẩn so với các phương ngữ trên cả nước, vì ngoài những tiêu chí nổi trội thuần túy ngôn ngữ, nó còn có sự “hậu thuẫn” đủ để duy trì vị trí của một phương ngữ có vai trò thống nhất ngôn ngữ nhờ những thái độ đánh giá tích cực qua cảm nhận của những người nói thuộc địa phương khác trên cả nước. Điều tra xã hội học về cảm nhận và thái độ của sinh viên ở Huế trong sự nhìn nhận tiếng Việt chuẩn qua vai trò của tiếng Hà Nội cho thấy, dù vẫn có những khác biệt so với tiếng Việt toàn dân (hay tiếng Việt tiêu chuẩn), nhưng tiếng Hà Nội vẫn được coi là gần chuẩn nhất. Bằng chứng là, trong số những sinh viên học tại Huế được hỏi ý kiến về tiếng Hà Nội, thì đa số đều cho rằng, “Tiếng Hà Nội là tiếng Việt chuẩn” (39,46%), hay “Tiếng Hà Nội là tiếng gần chuẩn” (46,76%) (16). Thừa nhận điều này thực ra cũng phù hợp với một thực tế tất yếu về sự phát triển của thứ tiếng nói hội tụ đầy đủ những ưu thế và vị thế của nó trong tương quan với các phương ngữ của tiếng Việt toàn dân. Ngay từ đầu và cho đến ngày nay, Thủ đô Hà Nội, trong so sánh với các địa phương khác của cả nước, luôn là nơi hội tụ đầy đủ và đa dạng nhất những điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp và chắt lọc một thứ tiếng nói được coi là chuẩn mực. Với những điều kiện và đặc điểm nổi trội như vậy, tiếng Hà Nội chính là phương ngữ góp phần vào việc thống nhất ngôn ngữ toàn dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Leila Messaoudi (2003), Parler citadins, parler urbain: Quelles differences?; Cortil - Wodon: axditions Modulaires Euro ojennes.
2. Nguyễn Đức Tồn (2008), Về các khái niệm: tiếng Hà Nội, tiếng Thủ dô trong mối quan hệ với những khái niệm có liên quan (Ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ văn học, phương ngữ, phương ngữ đô thị, phương ngữ nông thôn); Ngôn ngữ số 5, tr 21 - 22.
3. Nguyễn Thị Kim Loan (2007), Tiếng nói thủ đô qua các thời kỳ tr 192 - 206. Ngôn ngữ văn hóa Hà Nội; Nxb ĐHQG HN.
4. Nguyễn Văn Khang (2007), Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục; tr 71 - 72.
5. Mikhail Marshak, Représentations sociolinguistique des variétés de l’arabe parlé à Beyrouth: observations prélimineires. Truy cập:http://ifpo.revues.org/index121.html.
6. Ibtissem Chachou (2009), Remarques sur le parler urbain de Mostaganem. Synergies Algérie N0 4, pp. 69 - 81.
7. Đinh Văn Đức (2000), Bước đầu nhận xét về “tiếng Hà Nội” qua hai xóm mà tôi đã ở. Ngôn ngữ & Văn hóa 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
8. Nguyễn Văn Khang (2000), Khái niệm về “tiếng Hà Nội”. Ngôn ngữ & văn hóa 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
9. Nguyễn Văn Khang (2005), Đô thị hóa với vấn đề sử dụng ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay. T/c Xã hội học, số 4, tr 3.
10. Nguyễn Đức Tồn (2008), Về các khái niệm: Tiếng Hà Nội, tiếng Thủ đô trong mối quan hệ với những khái niệm có liên quan (Ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ văn học, phương ngữ, phương ngữ đô thị, phương ngữ nông thôn). Ngôn ngữ số 5, tr 21 - 22.
11. Nguyễn Đức Tồn (xem chú thích 10).
12. Nguyễn Trọng Báu (2000), Tiếng Hà Nội và vấn đề chuẩn tiếng Việt toàn dân, Ngôn ngữ & văn hóa 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội & Khoa Ngôn ngữ học (ĐHKHXH & NVQG); tr.28
13. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội những vấn đề cơ bản. Nxb KHXH; tr 109.
14. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội những vấn đề cơ bản. Nxb KHXH tr 119.
15. Ferdimand de Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb KHXH; tr 330.
16. Nguyễn Thị Ngân Hà (2004), Tiếng Hà Nội trong sinh viên học tại Huế; Tiếng Hà Nội trong mối quan hệ với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Nxb Lao động.