I. GIỚI THIỆU
Bài báo này rút ra từ kết quả của các nghiên cứu trước đây của chúng tôi về “đặc điểm tiếng Việt ở cộng đồng gốc Việt ở hải ngoại” (diasporic Vietnamese) vào những năm 2004-2006, tại Đại học Quốc Gia Úc. Trong khuôn khổ của hội nghị lần này, người viết chủ định nêu bậc những đặc trưng ngôn ngữ của tiếng Việt được sử dụng ở Úc châu để làm sáng tỏ các yếu tố xã hội, gắn liền với thực tế sử dụng trong từng nhóm cộng đồng. Cụ thể hơn, bài báo sẽ lần lượt đề cập đến các hiện tượng và phương thức chọn mã, chuyển mã và trộn mã của thế hệ thứ hai trong một số cộng đồng dân cư gốc Việt, từ kết quả của điều tra thực tế, mà nhiều phần của khảo sát này đã được tham luận tại “Hội Thảo về Giảng Dạy Tiếng Việt như Một Ngoại Ngữ” được tổ chức tại Phan Rang vào tháng 8 vừa qua.
I.1. Trong thế giới đa ngữ, đa văn hoá nơi mà tiếp xúc ngôn ngữ thường xuyên xảy ra và các thành viên trong cộng đồng thường có vốn ngữ năng không đồng nhất, thì khái niệm cộng đồng ngôn ngữ (speech community) ngày càng biến đổi (Lo 1999). Đến lượt mình, các nhóm ngôn ngữ hay cộng đồng ngôn ngữ này, kể cả các hộ gia đình, theo lập luận của một số nhà ngôn ngữ xã hội học, trong thực tế cũng không thể đồng nhất về mặt ngôn ngữ được (Barch 1969; Irvine 1987), cho dù các thành viên trong đó thường chia sẻ những định hướng hay giả định về chuẩn mực và những chỉa sẻ này có khác nhau ít nhiều về cấp độ. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về vốn ngôn ngữ ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng đã cho phép các thành viên chấp nhận lẫn nhau và từ đó, có thể giả định được những chuẩn tắc mới trong một không gian giao tế khác với xã hội ngôn ngữ trước đây của họ. Khái niệm đồng nhóm (co-membership) trong một cộng đồng ngôn ngữ cũng từ đó mà hình thành và quả nhiên, khái niệm cộng đồng ngôn ngữ cũng được khoác lên một diện mạo mới (Silverstein 1997). Chuyển mã, một trong những phương thức thể hiện khái niệm đồng nhóm, là hành vi mà người nói vừa biểu minh bản sắc nhóm lẫn bản sắc xã hội của mình (Ochs 1993) trong khi họ cùng chia sẻ với nhau những chuẩn mực mang tính biểu trưng trong một nội bộ nhóm. Do vậy, tương tác bằng chuyển mã cũng góp phần hình thành nên những giả định về nhóm (contingent validations) - về bản thân và các thành viên khác trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ. Ở bình diện rộng lớn hơn, các cộng đồng ngôn ngữ sẽ hình thành nên cái gọi là hình thái bản sắc cộng đồng xã hội (communalistic form of social affiliation) trên nền tảng ý niệm về cộng đồng trong nhận thức của các thành viên (Ratcliffe, 1994; Phinney, 1990). Và như vậy, những định hướng về chuẩn mực, về tiền giả định cũng như những ý niệm chia sẻ chung giữa các thành viên cũng biến đổi theo thời gian. Điều này tương tự với ý niệm về nhóm, nhận thức đồng nhóm trong một cộng đồng ngôn ngữ.
I.2. Cộng đồng gốc Việt sinh sống ở Úc châu với số dân hơn 200 ngàn người mà trong đó hơn 2/3 số người có quê hương cội nguồn là Việt Nam chủ yếu đến từ 3 làn sóng khác nhau, có thể tính từ mốc thời gian 1975-79, 1979-85 và sau 1985 (Thomas 1997), đó là không kể một số lượng nhỏ thuộc diện học bổng Columbo lưu lại Úc trước ngày 30/4/1975. So với làn sóng di dân thứ nhất khoảng hơn 30 ngàn người, và làn sóng thứ hai gần 50 ngàn người, làn sóng di dân thứ ba có khuynh hướng tăng đều cứ mỗi 5 năm. Chẩng hạn, chỉ riêng thời gian từ 1985-1990 con số này là hơn 38.000 người, và 1990-95 hơn 39.000 người do chính sách thông thoáng của chính phủ Úc dưới hình thức “đoàn tụ gia đình” và ở những năm về sau, từ 1995-2000 tuy số lượng này giảm nhưng có khuynh hướng là giữ đều trong khoảng hơn 12.000 người trong mỗi 5 năm. Đặc điểm của cư dân này là biến đổi từ diện di dân tị nạn chính trị, kinh tế sang đoàn tụ gia đình (Clyne 2003: 14) và sau này có cả diện tay nghề làm phong phú thêm thành phần dân cư và tình hình định sinh hoạt của những người gốc Việt tại đây. Tuy có một bộ phân sống thiếu tập trung, ngoài các thành phố như đẵ liệt kê, các cộng đồng gốc Việt (dù khác nhau về khía cạnh nhân khẩu học) vẫn có những điểm chung là tỉ lệ người nói tiếng Việt vẫn rất cao so với các cộng đồng di dân khác trên nước Úc, cho dù thái độ đối với ngôn ngữ cội nguồn của họ ít nhiều không đồng nhất.
I.3. Trong thực tế sử dụng, việc chuyển đổi từ ngôn ngữ cội nguồn sang ngôn ngữ tiếp cư không còn là vấn đề bàn cãi nữa, do lực đẩy của yêu cầu hội nhập xã hội như cơ hội việc làm, thằng tiến công việc, thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Không như ở những cộng đồng sắc dân khác ở Úc, hiện tượng chuyển đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh vẫn ghi nhận là rất thấp trong cộng đồng người Việt (Clyne 2003: 35). Điều đáng nói ở đây là trong bản thân cộng đồng Việt tỷ lệ người nói trẻ tuổi (dưới 14, sinh tại Úc) lại cao một cách vượt trội, xếp hàng thứ 2 sau cộng đồng Ý (mà lẽ ra, vẫn phải hàng thứ 5 theo tổng số có lượng người nói cao nhất), dù cho con số này tương quan rất ít với trình độ tiếng Anh và chiều dài định cư của họ.Tuy vậy hiện tượng này chỉ tồn tại trong miền giao tế gia đình mà thôi và tỏ ra thấp hơn ở miền giao tế trường học, cộng đồng hay ngoài xã hội (Thai 2005b).
Trên bình diện giao tế cộng đồng, việc chọn mã cho quá trình giao tế ở những cộng đồng di dân nói chung thường không chỉ giới hạn trong bình ngôn ngữ mà còn ở những khái niệm thuộc ý thức hệ, tính chất của các tiếp xúc xuyên văn hoá, và những quan niệm về bản sắc nữa (Barch, 1969; Irvine, 1987), cho dù các nhóm xã hội, hay nhỏ hơn là các gia đình di dân, thường không là những nhóm đồng nhất về ngôn ngữ (Lo 1999). Nhưng qua tiếp xúc, giao tế giữa các thành viên có vốn ngôn ngữ khác biệt mà các nhóm đã dần dần hình thành và, thậm chí, chuyển đổi những chuẩn mực được thừa nhận trong cộng đồng. Trong chiều hướng này, chính thái độ nhìn nhận và tiếp nhận lẫn nhau đã giúp cho các thành viên giả định được những gì là được phép, những gì là kiêng kỵ trong một không gian giao tế mới, có thể khác với vốn sống của họ trước đây; và như vậy, ở một bình diện rộng lớn hơn, các cộng đồng ngôn ngữ sẽ hình thành nên cái gọi là hình thái bản sắc cộng đồng xã hội (communalistic form of social affiliation) trên nền tảng ý niệm về cộng đồng trong nhận thức của các thành viên (Ratcliffe, 1994; Phinney, 1990). Do vậy, những định hướng về chuẩn mực, về tiền giả định cũng như những ý niệm chia sẻ chung giữa các thành viên cũng được nâng cao dần theo thời gian. Điều này tương tự với ý niệm về nhóm, nhận thức đồng nhóm trong một cộng đồng ngôn ngữ.
I.4. Xét theo ý niệm giao tế hạn hẹp, một số nhà ngôn ngữ- nhân học lại cho rằng ý niệm về nhóm không hình thành một cách tự phát, mà trái lại, nó là một hệ quả của các tương tác giáp ranh giữa các nhóm tộc ngữ có vị trí thắng thế và không thắng thế nữa (Bister-Broosnen, 1998; Finger, 2001, Carli et al.2002). Do vậy, bản sắc xã hội nhóm cũng được phản ảnh qua việc lựa chọn ngôn ngữ và đến lượt mình trong bản thân mỗi nhóm đều ngầm định cái gọi là phương thức tương tác dựa trên mã chọn trong một khung chuẩn mực nào đó. Hay nói khác đi, việc chọn mã (code-choice), chuyển mã (code-switching) và trộn mã (code-mixing) trong từng cộng đồng ngôn ngữ, cần phải được xem xét trên nhiều cung bậc thuộc giới hạn vừa ngôn ngữ học, vừa xã hội học, chế ước bằng miền giao tế (Fishman, 1965; Greenfield, 1972, Parasher, 1980), mạng lưới xã hội (Gumperz, 1966; Poplack, 1977; Lipski, 1978; Milroy & Li, 1995), và mối tương liên với quá trình phát ngôn của các thành viên trong cộng đồng (Scotton & Wanjin, 1983; Myer-Scotton, 1988, 1993). Dù rằng, việc miêu tả hiện thực ngôn ngữ trong các cộng đồng di dân thường chú trọng đến các tác tố xã hội dẫn đến hiện tượng song ngữ hay đa ngữ, nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không đề cập đến thái độ đối với việc sử dụng mã như thế nào, nhất là những định kiến làm nên một “ốc đảo ngôn ngữ” ngay trong các cộng đồng di dân và, do vậy, dễ dàng dẫn đến hiện tượng rút lui khỏi tương tác xã hội của một số thành viên trong nhóm mỗi khi xuất hiện hiện tượng cọ xát, tiếp xúc giữa ngôn ngữ cộng đồng và ngôn ngữ sử dụng ở chính quốc (Thai 2005). Bài báo cáo này, bài viết này, quả thực không đi tìm lời đáp cho câu hỏi nêu ra, là tiếng Việt ở quê nhà, với tư cách là ngôn ngữ đích trong quá trình giáo dục ngôn ngữ- nhìn từ gốc độ sư phạm ngôn ngữ học, mà ngược lại, tiến hành khảo sát tiếng Việt đang sử dụng trong cộng đồng- đặc điểm vận hành của nó hầu xem xét trong chừng mực nào tiếng Việt cộng đồng (diasporic Vietnamese) được đưa vào giảng dạy.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng của nghiên cứu của chúng tôi là tiếng Việt sử dụng trong các cộng đồng gốc Việt, chủ yếu là khẩu ngữ của 28 người gốc Việt, ở độ tuổi từ 20-62, gồm 17 nam, 11 nữ có công việc khác nhau như: kỹ sư tin học, bác sĩ, nhà văn, giáo sư đại học, sinh viên, nhân viên bán hàng, phục vụ, thợ làm bánh, nội trợ v.v… Trong các đối tượng này chỉ có 7 người được coi là thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh và Việt (bilingual), tất cả đều có chiều dài định cư ở Úc ít nhất là 5 năm.
Tư liệu thu thập trên các đối tượng này là hơn 37 cuộc đối thoại, trao đổi tự nhiên về những chủ để xoay quanh sinh hoạt hằng ngày, những khía cạnh văn hoá xã hội của cuộc sống ở Úc.Ngôn ngữ trao đổi là tiếng Việt. Địa bàn cư trú của các đối tượng tham gia là vùng Mt.Pritchard (Bang New South Wales), Springvale (Bang Victoria), Belconnen, Gungalin (Thủ đô Canberra). Ngoài những quan sát tư nhiên, để thu ngắn khoảng cách xã hội và làm liên tục câu chuyện, người nghiên cứu có tham gia vào đối thoại hoặc chủ động phỏng vấn sơ bộ. Tổng độ dài của các cuộc đối thoại là gần 10 tiếng đồng hồ. Với từng cuộc đối thoại, chúng tôi ghi âm và phiên âm tất cả những từ, ngữ sử dụng trong suốt quá trình trao đổi, bao gồm danh từ, tính từ, phó từ, động từ hay bất kỳ đơn vị ngôn ngữ nào được sử dụng. Ngoài ra, hơn 120 văn bản dưới hình thức bài báo, mẫu quảng cáo, truyện ngắn, bản tin với các độ dài khác nhau trên các tờ báo lưu hành ở địa phương. 52 bảng biển thông báo, 40 băng và CD- video ca nhạc lưu hành trong cộng đồng hay trên mạng cũng nằm trong đối tượng khảo sát này. Điểm trọng tâm vẫn là đặc điểm từ vựng-cấu trúc và hiện tượng chuyển đổi ngôn ngữ trong tiếng Việt của cộng đồng.
III. BÀN LUẬN
III.1. Đặc điểm xã hội của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ cộng đồng
III.1.1. Nghiên cứu về các yếu tố và tính chất của quá trình duy trì ngôn ngữ ngoài tiếng Anh trong các cộng đồng di dân ở Úc cũng như ở các nước châu Âu, Mỹ đã không còn là đề tài mới mẻ nữa. Một số trong các công trình này nhấn mạnh đến tính lành mạnh của môi trường nhân văn hỗ trợ cho việc duy trì ngôn ngữ cộng đồng lẫn phát triển tính đa văn hoá như tinh thần đề cao bản sắc hay chính sách ngôn ngữ tích cực v.v… (Clyne, 1985; Haugen 1971, 1979; Smolicz & Harris 1976). Một số khác lại chú trọng đến yếu tố miền như là môi trường tự nhiên khi các chủ thể phát lời cảm thấy thoải mái lựa chọn ngôn ngữ mà những biến số như: tình huống, chủ để, phong cách, mối quan hệ liên nhân, địa điểm, phương thức và phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn này (Fishman 1965; Cooper 1969; Greenfield 1971, Sandkoff 1971). Tuy vậy, điểm chia sẻ chung ở các công trình này là nhiều gia đình (đặc biệt là gia đình có những thành viên thuộc thế hệ thứ nhất) muốn duy trì tiếng mẹ đẻ như một phương cách duy trì văn hoá truyền thống, trong khi các thế hệ tiếp theo của họ lại sử dụng tiếng Anh (với tư cách là ngôn ngữ của xã hội tiếp cư) như một mã duy nhất trong hoạt động giao tiếp thường nhật.
III.1.2. Dù đối đầu hay không trước hai khuynh huớng nghịch chiều này- hoặc duy trì sử dung ngôn ngữ mẹ đẻ, hoặc tiếp ứng ngôn ngữ tiếp cư- hiện tựơng vay muợn từ tiếng Anh vào ngôn ngữ nguồn cội được cho là phổ biến nhất, đặc biệt ở các cộng đồng di dân vùng đô thị (Haugen 1950; Myers-Scotton 1977; Meyers-Scotton & Jake 2000). Tuy nhiên mức độ vay mượn từ tiếng Anh đối với ngôn ngữ nguồn tuỳ thuộc trước hết vào điều kiện sinh hoạt cá nhân, mạng lưới xã hội, phong cách sống lẫn vốn ngữ năng của người nói (ở cả hai ngôn ngữ); và theo thời gian hiện tượng này hoạt động qua con đường cải biến, mở rộng, chuyển đổi và tái tạo nghĩa ngay trên ngôn ngữ nguồn. Quá trình này thường diễn ra ở những mức độ khác nhau do yếu tố giới tính- chẳng hạn như, đối với thế hệ thứ nhất, hầu như việc chuyển đổi mã xảy ra ở tần suất cao hơn trong nam giới trong khi nữ giới duy trì ngôn ngữ cộng đồng nhiều hơn (Clyne 2003). Trong một nghiên cứu so sánh hiện tượng duy trì và chuyển đổi ngôn ngữ trong cộng đồng người Đức, Hi Lạp, và Việt Nam ở Melbourne, Pauwels (1995) ghi nhận là phụ nữ ở cộng đồng Hi Lạp và Đức sử dụng ngôn ngữ LOTE nhiều hơn so với phụ nữ trong cộng đồng người Việt. Nhưng trong 3 nhóm đối tượng này, thì nhóm người gôc Ý có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ cội nguồn trong các miền khác nhau nhiều hơn 2 nhóm kia. Tuy vậy, trong miền chuyển di thì phụ nự Đức và Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai lại sử dụng ngôn ngữ cội nguồn nhiều hơn nam giới (Winter & Pauwels, 2000). Từ thực tế khảo sát, chúng tôi xin được bàn luận các hiện tượng vay mượn, chuyển di và chuyển đổi mã xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ và dụng học của tiếng Việt cộng đồng ở Úc như sau:
III.2. Đặc điểm ngôn ngữ học của tiếng Việt cộng đồng
III.2.1. Vay mượn (Borrowing)
III.2.1.a. Theo Myers-Scotton (2006), vay mượn là khuynh hướng tất yếu trong buổi ban đầu của bối cảnh tiếp xúc ngôn ngữ. Tiến trình vay mượn thường mang tính “một chiều” (one-way street) và khó xảy ra trường hợp hoàn trả giữa ngôn ngữ tiếp nhận (recipient language) và ngôn ngữ cho (donor language). Quá trình này hiển nhiên chưa từng là sự trao đổi bình đẳng (Myers-Scotton 2006: 209-11). Vay mượn ngôn ngữ, đến lượt mình, chủ yếu diễn ra trên cấp độ từ vựng (lexical borrowings). Hai hiện tượng thường xảy ra trong quá trình tiếp xúc song ngữ là giao thoa (interference) và đồng quy (convergence) khi ngôn ngữ cho để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến ngôn ngữ tiếp nhận (giao thoa) và trong ngôn ngữ tiếp nhận có sử dụng một số đơn vị vay mượn một số đơn vị có hình thái tương đồng với ngôn ngữ cho (đồng quy). Đồng quy ngôn ngữ thường xảy ra ở cấp độ âm vị, hình thái âm vị, ngôn điệu cũng như cú pháp.
III.2.1.b. Clyne trong một số công trình nghiên cứu hiện tượng đa ngữ đã chỉ ra 3 phương thức mà người di dân sử dụng để xây dựng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong môi trường định cư mới là: hiện tự tạo ra từ mới, mở rộng nghĩa, và chuyển di (ở cấp độ cả từ vựng lẫn cấu trúc). Đến lượt mình, tạo lập từ mới (neologism) là phương thức, đồng thời, là tên gọi một sản phẩm được sáng tạo cho tiếng Anh vay mượn từ tiếng Pháp. Qua cứ liệu khảo sát, hiện tượng tạo từ mới xảy ra trong cộng đồng Việt là dựa trên đơn vị từ vựng vốn có của ngôn ngữ tiếp cư. Chẳng hạn, quan sát các trường hợp sau:
(1) đi làm pham (farm) (2) tách phom (form), ghép phom (3) ăn gueo-phe (welfare), ăn tít két (ticket) (4) làm neo (nail)
Trong các trường hợp trên, các từ ngữ tiếng Anh như farm, form, welfare, ticket, nail đã được Việt hóa với cách phát âm của người Việt (trong khảo sát). Tuy nhiên, nghĩa của các từ này được biến đổi quy theo nghĩa của bối cảnh trong ngôn ngữ nguồn. Chẳng hạn, “đi làm pham” (to work on a farm) không phải là “đi làm ở trang trại” hay “đi làm ruộng” như trong tiếng Việt; mà đây là công việc mang tính thời vụ, dù ở trang trại, nhưng là những công việc được trả tiền mặt (không phải đóng thuế) và thường dùng phổ biến trong thành phần kinh tế phi chính thức (informal sector). Hoặc từ “form” trong tiếng Anh có nghĩa là phiếu, tờ khai, hay mẫu kê khai, nhưng khi tổ hợp với động từ “tách” hay “ghép” thì nghĩa được chuyển đổi theo nghĩa của tiếng Anh nhưng trong bối cảnh của nước Úc, được dùng để biểu thị hành vi sống ly thân hoặc ly hôn, chính thức hoặc chưa chính thức (tách phom). Ngược lại ghép phom là hành vi kết hôn, hợp hôn, hoặc cùng chung sống chính thức với nhau như vợ chồng nhằm được thừa nhận hoặc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của nước này, như trợ cấp tài chính, xem xét khi khai thuế v.v…
Trong khi đó, trường hợp (3) và (4) có sự biến đổi nghĩa nhất định, qua con đường vay mượn bộ phận (chủ yếu là thành phần nòng cốt), chẳng hạn, từ welfare (có nghĩa là phúc lợi), và ticket (vé), nhưng được kết hợp với động từ “ăn” trong tiếng Việt (không tương đương về nghĩa với động từ eat trong tiếng Anh) nhằm tạo ra một nét nghĩa mới là “hưởng được chế độ an sinh, phúc lợi xã hội” như được trợ cấp thất nghiệp, hoặc tiền trợ cấp cho người già hay cho con cái ở tuổi vị thành niên v.v… Tương tự, “ăn tít-kẹt” có nghĩa là bị phạt tiền do có những vi phạm hành chánh như đậu xe sai quy định, lái xe quá tốc độ. Còn (4) có nghĩa là làm thợ móng tay như một nghề nghiệp (manicurist), chứ không đơn thuần là đi viện thẩm mỹ, làm đẹp móng tay v.v…
III.2.1.c. Có thể nói rằng, việc tạo lập từ mới bằng con đường vay mượn từ ngôn ngữ của xã hội tiếp cư thường là những đơn vị từ vựng có nền tảng văn hóa - xã hội khác với xã hội xuất cư (cultural borrowings), nhưng nhiều trong số tạo lập mới đó có hiện tượng vay mượn thành phần nòng cốt (core borrowings) trùng âm với các đơn vị nguồn. Chắng hạn như sóp (shop: cửa hàng), cao-sồ (council: hội đồng chính quyền), neo (nail: móng tay), búk (book: đăng ký), lêm (claim: kê khai), lét (flat: căn hộ) v.v… Trùng hợp với những học giả nghiên cứu song ngữ trước đây (Zentella, 1997; Simango, 2000), khảo sát ghi nhận được hiện tượng vay mượn văn hóa là do điều kiện sinh hoạt trong môi trường tiếp cư mới, buộc phải vay mượn cả nội hàm văn hóa của từ đó, trong khi đối với vay mượn bộ phận, mặc dù vẫn có những đơn vị từ vựng tương đương trong tiếng Việt, nhưng thuần túy là do ái lực của nền văn hóa thắng thế (sheer magnetism of the dominant culture) (Mougeon & Beniak, 1991).
III.2.1.d. Ngoài ra, trong thực tiển sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng Việt, một lượng đơn vi từ vựng lẫn cấu trúc được ghi nhận là được lưu dụng từ trước 1975 và ít thấy sử dụng trong nước nữa.Có khi, các đơn vị này có thể xem là “cổ” hoặc lỗi thời (archaism). Tình hình này chia sẻ với những kết qủa nghiên cứu của những người tỵ nạn Hungary, Croatia, Ba Lan, Latvia vào cuói thập niên 40-50 của thế kỷ trước là hoặc do ít hiểu biết được lượng từ vựng đương đại ở nước xuất cư hoặc không chấp nhận các đơn vị từ vựng gắn với diễn biến chính trị (Clyne 2003). Chẳng hạn, quan sát các trường hợp:
(5) Khởi đi từ sự thoả thuận này, môn tiếng Anh là môn học đầu tiên mà học sinh toàn quốc sẽ có chương trình học đồng nhất …
(Trường học trên toàn nước Úc sẽ có chương trình học thống nhất, Thời Báo, số 300, 21/7/2003)
(6) Sang Thương Vụ: Ủi dập. Cơ hội làm ăn rất tốt, không cạnh tranh, làm nhiều ăn nhiều… Cần tiền sang gấp. Xin liên lạc…
(Thời Báo-Vietnamese Community Newspaper, số 300, 21/7/ 2003)
(7) Ở bên Việt Nam ai có bỏ giấy bằng nhật trình…
(Tư Ếch Di Dân, Việt Luận Online, số 18/2/05)
(8) Nhà chức trách Úc đã kêu gọi sự giúp đỡ của công chúng ở Đức trong một cố gắng tìm ra căn cước của phụ nữ này.
(Một Phụ Nữ Sydney Bị Giam Giữ Nhầm Lẫn Trong Trại Di Trú, Nam Úc Thời Báo, 18/2/05)
Trong (5) - (8), các từ khởi đi, thương vụ, nhật trình có khuynh hướng ít sử dụng dần trong khẩu ngữ cũng như văn bản chính luận ở trong nước, nhưng ngược lại được sử dụng với tần số khá cao trong khẩu ngữ (nhất là các đối tượng trên 50 tuổi) và khá nhiều trong ngôn ngữ báo chí cộng đồng. Không ít các từ chỉ tên gọi các quốc gia hay các đơn vị liên quan đến tiền tệ vẫn được sử dụng nhiều như: Hoa Lục, Nam Dương, Nhật Bổn, Mạc Tư Khoa, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Ăng- Lê, Úc Đại Lợi, Úc Kim, Mỹ Kim, phân lời v.v…
III.2.1.e. Trái lại, tư liệu thu thập từ đối thoại lẫn phương tiện truyền thông cho thấy một lượng từ không nhỏ được xem là phổ biến ở quê nhà lại ít xuất hiện hay gần như không sử dụng ở cộng đồng, chẳng hạn, các từ như khẩn trương, phấn khởi, hồ hởi, mạnh dạn, nhận thức, đăng ký, quần chúng, bao cấp, hộ khẩu v.v… Tính lý do của hiện tượng này có thể xuất phát từ mối tương liên giữa nhu cầu và ý chí vốn là lực đẩy mang tính vừa bổ sung vừa loại bỏ, nhất là trong bối cảnh giao tế của những “người đơn ngữ” khi họ muốn lưu giữ những yếu tố nằm trong vốn ngữ năng của họ hoặc quyết tâm biến ngôn ngữ sử dụng thành “một phương tiện rất riêng” cho cộng đồng (Clyne 2003: 104).
III.2.1.f. Một điều ghi nhận thêm về hiện tượng vay mượn ngược (reverse core borrowing) là: vay mượn ít khi xảy ra theo chiều ngược lại như đã đề cập, song nó vẫn tồn tại dưới dạng một số rất ít từ ngữ quen thuộc trong một số ngôn ngữ qua tiếp xúc, chẳng hạn như những chuyên gia nói tiếng Anh sống ở Trung Quốc thường dùng từ “Guan-xi” để chỉ quan hệ thay cho “relationship”, người Anh nói “safari” mượn từ tiếng Ả Rập thay cho “journey” thì khảo sát chưa ghi nhận được đơn vị nào trong tiếng Anh được mượn từ tiếng Việt, ngoại trừ qua biển quảng cáo của một hiệu ăn sử dụng từ phở thay cho từ đồng âm “far” để biến thành ngữ “so far so good” thành “so phở so good” (IG 08) hoặc một số từ xưng gọi (chủ yếu là đại từ nhân xưng của tiếng Việt) mà chúng tôi sẽ đề cập sau.
IG 08
III.2.2. Chuyển di (Transference)
III.2.2.a. Chuyển di thường xảy ra trên các cung bậc khác nhau: ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, hình thái và ngôn điệu. Đối với các ngôn ngữ “di dân” (migrant languages), chuyển di từ vựng thường đa dạng, nhiều thành tố (multiple transference) và là đối tượng nghiên cứu sâu rộng của nhiều học giả, mà điển hình tiên phong trong lãnh vực này là Haugen (1953), Weinreich (1953), và gần đây là Clyne (2003), Meyers-Scotton (2006). Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, theo Clyne (1979), là vốn ngôn ngữ cá nhân (idolect) của thế hệ di dân thứ nhất cọ xát với “tình hình tiếp xúc hỗn nhập” vùng đô thị (urban melting-pot situation). Hiện tượng chuyển di nói chung có thể trùng lặp ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng thời, chúng tác động lẫn nhau hoặc có thể làm nẩy sinh những biến thể ngôn ngữ (Clyne 2003: 111).
Trong tư liệu của mình, chúng tôi ghi nhận hiện tượng chuyển di từ vựng (lexical transference) xuất phát từ việc người nói không tìm thấy đơn vị tương đương trong ngôn ngữ mẹ đẻ để định danh những đối tượng, sự vật hay khái niệm tìm thấy ở xã hội mới, ngay từ những ngày đầu định cư. Hiện tượng này được ghi nhận trên cả hai đối tượng, song ngữ và đơn ngữ; và hầu như theo kết quả phân tích các đối thoại của kho tư liệu, chuyển đổi từ vựng không nhất thiết tương ứng với trình độ thông thạo tiếng Anh của đối tượng. Mặc khác, trong một số trường hợp nó còn biểu thị một phong cách nói năng mới, khu biệt với lối nói truyền thống trong ngôn ngữ xuất cư trước đây.
III.2.2.b. Các phạm trù chuyển di từ vựng vào tiếng Việt trong cộng đồng thường rơi vào các miền giao tế ở gia đình, trường học, sinh hoạt thường nhật như mua sắm, làm vườn, giải trí và một phần trăm rất thấp ở miền giao tiếp công sở. Chẳng hạn, quan sát hiện tượng sau:
(8)sóp thịt, sóp hoa, sóp vải, sóp Tàu (chỉ tiệm thực phẩm Á châu hay Việt Nam), sóp nail, làm ga-đờn (garden), ờ-kao-tờn (accountant), xen-tờ-lin (Centerlink), thết- ờ guê (take-away), lin nhà (cleaning), thằng bôi (boy), con gơ (girl), phom (form) (điền form, khai form), stem điêu- tì (stamp duty, kao sồ (council), ốt stơ-đi (Aus Study), đai ợt (diet), (phờ) lét (flat), rết (rate), lum-bờ/lum mờ (plumber)
III.2.2.c. Một đặc điểm khác của quá trình chuyển đổi này là số lượng từ vựng chỉ nếp sống hiện đại được ghi nhận là trội, nhưng lại xuất hiện nhiều ở vốn ngữ năng của người có chiều dài định cư ngắn, đồng thời, có gốc xuất cư là từ vùng nông thôn Việt Nam.Chẳng hạn nhóm từ chỉ sinh hoạt giải trí như:
(9) đi lấp (go to clubs), kéo máy (đánh bài trên máy ở sòng bài), ka-si-nô (casino), pa-ti (party), đi/lấy ho-li-đêy (take holidays), thuê lét (rent a flat), đì-pô-sít (deposit), tiền ren (rent), in-tơ-rịt fri (interest-free), ê-dừn (real estate agent), lóc- kờ (locker), goa rốp (wardrobe), đúp bồ ga ra (double garage), bờ rít vơ nia (brick veneer), đi bớt (going by bus), pê chéc (pay-check), bi-zi-nịt (business), goa răn ti (warranty), in-sua- răn (insurance), công trắc (contract), in-péc-sờn (inspection) v.v...
III.2.2.d. Trên phương diện từ loại, tư liệu của chúng tôi cho thấy trong tổng số đơn vị chuyển di tỷ lệ danh từ chiếm cao nhất (gần 80%) (Thai 2005) do mối liên hệ trực tiếp giũa hình thức và nội dung của từ (Haugen 1953: 406); Clyne 1985: 95). Về mặt hình thái, chuyển di này thường có hiện tượng vừa chuyển di nguyên dạng vào trong ngôn ngữ cộng đồng (transversion) và có thể tồn tại dưới hình thức là các lối nói khuôn thức ngang câu, các ngữ hay thành ngữ. Chẳng hạn:
(10) personal issue, private matters, cash-on-hand, brandnew-in-the-box, first come first serve, walk-in walk-out, so far so good, buy one get one free v.v…
Trong khi đó, từ loại động từ ghi nhận trong tư liệu khảo sát có tần số cao thứ hai, kế đến là tính từ, phó từ, thán từ ở cả hai đối tượng đơn ngữ và song ngữ. Chẳng hạn:
(11) các động từ: lin (clean), bút (book), thết (take), rân (run), mé nịt (manage), hen-đồ (handle), điêu (deal), thết ô-vờ (take over), li (lease), seo (sell), ruy lắt (relax), lút áp-(tờ) (look after), thết-ke (take care), ke (care), nờ-gô-shi-ết (negotiate),rin (ring/ call), ko (call), phôn (phone), ken-sồ (cancel), guốc pạt-thai (work part time)/ phun-thai (full time), ga-răn-ti (guarantee), phơ-gét (forget), ít no (ignore), phài nen (finance)
(12) các tính từ nhưi-zì (easy), bi-zì (busy), hép-pi (happy), lất-kì (lucky), te-ri-bồ (terrible), sốc (shocked), nai (nice), ke-fun (careful), xếp (safe), gút (good), phờ ri/ phi (free) hay trong tư liệu đối thoại:
Con gơ đó lất ki ghê. Xấu mà sống hép pi lắm nghe. Được thằng bồ thiệt nai (CR 27 b)
(13) các yếu tố mào đầu, đưa đẩy, hoặc thán từ: geo (well), ế-nì guê (anyway), ô mai gót (Oh my Gosh!), só-rì nghe (sorry!)
Hầu như, cứ liệu không phát hiện trường hợp chuyển di nào của từ loại giới từ và liên từ vào tiếng Việt. Điều đặc biệt ghi nhận trong cứ liệu là hiện tượng chuyển di của hai đại từ nhân xưng “you” và “me” được sử dụng rộng rãi trong giao tế đối thoại, bỏ qua biến đổi ngữ pháp của ngôn ngữ cho. Chẳng hạn, trong đối thoại ghi nhận:
(14) Đại từ nhân xưng: Ê, Tài, ngày mai du (You)lấy xe của mi (me) mà đi làm (CR 18)
III.2.2.e. Ngoài ra, đối với chuyển di trên cấp độ âm vị và ngôn điệu, theo phân tích tư liệu, có hiện tượng tạo ra một lexem gần giống như hình thức nguyên dạng của tiếng Anh, đồng thời, có khuynh hướng loại bỏ một số phụ âm đầu như /f/ trong “lét” của “flat”, /c/ trong “lêm” của “claim” hoặc một số phụ âm cuối như /k/, /z/, /s/ như trong “chéc” của “check” “li” của “lease”, “phài –nen” của “finance” và /dz/ trong mé-nị của “manage”, “chên” của “change”. Điều này tương thích với nhận xét của Rayfiled (1970) và Clyne (1976, 1980,1985) là trong khi chuyển di từ vựng thường diễn ra từ ngôn ngữ tiếp cư đến ngôn ngữ cộng đồng, song, chuyển di âm vị trong đối tượng thuộc thế hệ thứ nhất thường theo đường ngược lại.
III.2.2.f. Trên cấp độ cú pháp, cứ liệu ghi nhận một số chuyển di từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà ít tìm thấy trong khẩu ngữ thường đàm, mà thay vào đó ở một số văn bản chính luận, hay một số đối tượng học thức thuộc thế hệ di dân thứ nhất. Phổ biến nhất là việc sử dụng thể bị động trong tiếng Anh như:
(15) - Bà đã đi ra khỏi bệnh viện Manly trong năm ngoái và đi đến Queensland, cuối cùng được tìm thấy bởi thổ dân Úc tại Coen, thuộc miền Bắc Queensland, ngày 31 tháng 3 năm ngoái.
- Người ta tin rằng nó chẳng bao giờ được kiểm tra bới các nhân viên di trú.
(Một Phụ Nữ Sydney Bị Giam Giữ Nhầm Lẫn Trong Trại Di Trú, Nam Úc Thời Báo, 18/2/ 05)
- Một quyết định chính thức của đảng Tự Do sẽ không được đưa ra cho tới khi cuộc họp của đảng ở NSW về vấn đề này.
(Tự Do Không Tranh Cử Werria, Nam Úc Thời Báo, 19/2/05)
III.2.2.g. Cuối cùng, trên bình diện dụng học, ngoài hiện tượng phổ biến là vay mượn đại trà hai đại từ nhân xưng “you” và “me” như đã nói ở trên, hình thức chuyển đổi trật tự trong tên người (trật tự đảo giữa họ và tên như “Tai Van Dang”, thay cho “Đặng Văn Tài”, hay sự xuất hiện đột biến với tần số sử dụng cao một số hành vi cám ơn và xin lỗi là đáng chú ý.Song, chuyển đổi ngôn điệu vào tiếng Việt là khuynh hướng thanh điệu hóa với hiện tượng xuống giọng ở cuối (tonalization with falling at end) được xem là nét đặc thù. Chẳng hạn, tư liệu ghi nhận hiện tượng xuống giọng với thanh huyền ở cuối như:
(16) tít-sìu (tissue), gưng-ga-lìn (Gungalin), hen-rì (Henry), mơ-nì (money), ken-sồ (cancel), kao-sồ (council), i-zì (easy) v.v…
hoặc, một số ít trường hợp có giọng xuống ở cuối với thanh nặng như:
(17) Ki-pẹc (Kippax), den-tịt (dentist) v.v.
III.3. Phương thức dụng mã của tiếng Việt cộng đồng và con đường hình thành bản sắc
III.3.1. Thích ứng hay hoà nhập (integration) là quá trình gắn liền đối với mọi hoạt động vay mượn trong bối cảnh tiếp xúc ngôn ngữ. Haugen (1953) đã phân biệt quá trình vay mượn hoặc du nhập (borrowing hay importation) với chuyển đổi (switching) trên cơ sở nhìn vào bộ ba “vay mượn”/ “thích ứng”/ “chuyển đổi”.Thích ứng tạo ra tính liên tục giữa yếu tố trung tâm và thành phần ngoại biên (center-periphery continuum), nêu rõ mức độ chấp nhận của một đơn vị vay mượn mới trên một ngôn ngữ tiếp nhận (Clyne 2003). Các kiểu loại thích ứng thường ghi nhận là thích ứng ngữ nghĩa, ngữ âm, hình thái, cú pháp và ngôn điệu. Song, từ thực tế khảo sát, trên tiếng Việt, với tư cách là ngôn ngữ tiếp nhận, thích ứng ở cấp độ từ vựng và cú pháp không là điều gây chú ý do tính chất loại hình học của ngôn ngữ đơn lập này.Chẳng hạn quan sát các phát ngôn sau, ta thấy:
(18) - Du đã book (+0) bác sĩ cho mi chưa vậy? (CR 18a)
(không có hiện tượng biến đổi ngữ pháp (thì quá khứ) đối với book)
- Cho mình 2 sandwich (+0) đi nhé! (CR 37)
(Không có biến đổi ngữ pháp hình thức số nhiều đối với sandwich).
Hiện tượng nổi trội này cũng là nguyên nhân làm nẩy sinh sự chuyển đổi hay trộn mã trong bối cảnh tiếp xúc ngôn ngữ của người Việt ở các nơi nói chung, và ở Úc nói riêng, đôi khi có phần tùy tiện, phi chuẩn mực. Chẳng hạn hiện tượng thích ứng sau từ một mẫu quảng cáo trên báo địa phương trong tư liệu: (IG 23)
IG 23
Từ mẫu quảng cáo này, điều ghi nhận là thích ứng trên cở sở vay mượn và biến đổi chính tả khác xa với thành phần trung tâm, như “complete” trở thành “komplit” trong khi “kitchen” giữ nguyên như dạng ban đầu của tiếng Anh “kitchens” dưới hình thức ngữ pháp số nhiều. Ngược lại, một mẩu quảng cáo khác (IG 14) xuất hiện ở một trung tâm mua sắm, có độ thích ứng dễ chấp nhận. Ở đây có hiện tượng mở rộng nghĩa ở từ “shop” sang “doanh nghiệp”, mà đích thực đó là “business sale” (sang doanh nghiệp). Thêm vào đó, cụm từ “walk in walk out) lại được chuyển di nguyên dạng vừa từ vựng, vừa cú pháp (lexicosyntactic) nhằm chuyển đổi nội hàm nghĩa của một phương thức thực hiện (diễn ra ngay khi thanh toán).
IG 14
Hoặc tương tự, mẫu quảng cáo sau (IG 26) của một nhà hàng món ăn tự chọn, và thực khách ăn theo nhu cầu, theo nghĩa “bao bụng” hay gọi là “buffet” hoặc “all you can eat” là hiện tượng hoà nhập, thích ứng dễ chấp nhận, như:
IG 26
Mặc khác, cứ liệu cho thấy ở những miền giao tế chuyên biệt tồn tại khá nhiều hiện tượng thích ứng mang tính “gần-như- thay-thế” các đơn vị ngôn ngữ tiếng mẹ đẽ do yêu cầu đòi buộc của bối cảnh xã hội; nghĩa là, việc sử dụng những đơn vị vay mượn là phương cách duy nhất có. Chẳng hạn trong quảng cáo sau (IG 33), dịch vụ kiểm tra xe để cấp phiếu kiểm tra (pink slip) là một trong những yêu cầu của đăng kiểm lưu hành xe cơ giới nhằm chuyển đổi giấy phép lưu hành hoặc chuyển đổi sở hữu phương tiện giao thông thường chỉ thực hiện ở một số ga-ra được uỷ thác- nơi có các dịch vụ bảo dưỡng khác như thay nhớt, thay các bộ phận xe như lọc khí, bình xăng phun điện từ (EFI service), làm máy (reconditioning engine), cân vành và tay lái (wheel alignment), hoặc dịch vụ bào dưỡng theo nhật ký sử dụng của các xe đang trong thời gian bảo hành (service logbook under warranty) v.v… là những đơn vị từ vựng thích ứng toàn phần nói lên tính chuyên nghiệp của đơn vị cung cấp dịch vụ, đồng thời, phản ảnh một cách chính xác yêu cầu của cộng đồng vốn có những nhu cầu, sinh hoạt khác với môi trường xuất cư của họ trước đây.
IG 33
III.3.2. Chuyển đổi ngôn ngữ hay chuyển mã (code-switching) được xem là tiến trình thực hiện chức năng ngôn bản (Gumper 1964; Alvarez- Caccamo 1998, Meeuwis & Blommaert 1998) mà qua đó việc chuyển đổi hay biến đổi mã không nhất thiết tạo nghĩa trong giao tiếp (Clyne 2003: 70). Sau một thời diễn ra nhiều tranh luận gay gắt giới học giả dường như đã thống nhất trong lập luận khi phân biệt giữa vay mượn (diễn ra ở cấp độ từ), chuyển mã (ở cấp độ rộng trên từ hay liên câu) (Myers-Scotton 1992; Treffers- Daller 1994; Backus 1996; Mahootian 1996; Boyd 1997) và trộn mã (code-mixing) (ở nội bộ câu) (McClure 1977; Kachru 1978; Sridhar 1978; Plaff 1979). Từ kết quả khảo sát, đề tài ghi nhận là có sự trùng khớp với khuynh hướng chung đã nghiên cứu trước đây trong các cộng đồng, đó là hiện tượng chuyển mã từ ngôn ngữ cộng đồng sang tiếng Anh và khuynh hướng ngược lại (trong giới trẻ, nhất là khi có mặt hay vắng mặt thành viên người lớn). Chẳng hạn, một đối tượng trong phỏng vấn của chúng tôi thổ lộ về chiến lược chọn mã như sau:
Extract 1:
“Nếu người đó lớn hơn thì mình phải dùng tiếng Việt, nó không có rude, còn nếu mình cứ như là “Hey, how’re you going?” thấy như là … là không có đúng… như là với người lớn, thì mình “thưa chú, thưa bác”, nó không có rude… còn nếu như mình cứ you, me, I thì mình hổng có…em nhớ khi hồi nhỏ, thì bà ngoại em nói “hổng có you, me, I gì hết, hổng có… tôn trọng người lớn gì hết trơn há.” Bởi zậy, em thấy với người lớn là phải “thưa chú, thưa bác, thưa cô…” (h)
(đối tượng nữ, tuổi 18, sinh viên) CR 18
Nhiều đối tượng trong cứ liệu thổ lộ rằng họ cũng cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn mã ban đầu, nhất là đối tượng trẻ. Một trong những nguyên nhân này là do sự khó khăn trong việc xác định từ xưng gọi thích ứng trong tiếng Việt, vốn được chế ước chặt chẽ hơn so với “you” và “me” trong tiếng Anh. Đến lượt mình, các từ này cũng là tác tố kích bẩy cho việc chuyển mã. Phân tích hội thoại (CA), ghi nhận trong một băng video lưu hành trong cộng đồng như sau:
Extract 2
A: Cái này me tặng cho you nè. Me giữ một cái, you giữ một cái. Chừng nào you nhìn thấy nó, you nghĩ tới me.
B: À, you lucky hơn me nhiều lắm: vì you có ba nè, you có má nè. Mỗi lần me đi học về, me buồn lắm. Me khóc hoài à… Er. Má me nói me là …hổng có me, là má me kills herself. Rồi ba me nói me là Ba me thương me với Má me nhiều nhất trên đời.
A: Oh, oh, nhưng mà Ba you xạo quá à. Nếu mà, Ba you thương you với Má you luôn há, thì Ba you đâu có đi theo girlfriend làm chi đâu? Mỗi tối, me cũng pray to God, để cho Ba me đừng có giống Ba you. Nếu mà Ba me mà giống Ba you, thì me sẽ mất Ba me. Chừng nào you qua bên A-lá s kà, you nhớ gọi cho me nhe. Oh, có cái tấm hình này để me tặng cho you. Tấm hình này nè, gia đình của me với you đi trên chiếc tàu nè.
B: OK. Chừng nào đến đó, me gọi cho you liền. Er. Me kiếm hình đẹp đẹp há, me gởi cho you….
VCD HB 4
(Bối cảnh của 2 đối tượng trẻ em, ở độ tuổi 10-12, chủ để xoay quanh việc người cha có bạn gái)
Ở lượt đáp, chiến lược tương tác của đối tượng B có nhiều thời cơ để chuyển đổi, nhờ vào các yếu tố như “me” với tư cách là từ kích đẩy (trigger-word) thường kéo theo hiện tượng chuyển/trộn mã như “má me kills herself”. Tương tự, ở lượt khởi tiếp theo, đối tượng A, được hậu thuẫn bằng các biểu hiện do đối tượng tiếp lời (B) khai mở, và do vậy, việc chuyển di được diễn ra dễ dàng hơn so với lượt khởi đầu tiên. Ngoài đại từ xưng hô “you” và “me” thích ứng với hình thức ngữ pháp của tiếng Việt, hơn là tiếng Anh, chúng ta ghi nhận việc chuyển di lớp từ cảm thán “Oh, oh!”, chuyển đổi từ vựng dưới hình thức ngữ động từ “pray to God”, và chuyển đổi thanh điệu xuống thấp “A-las-kà” v.v… Tóm lại, trong chiến lược dụng mã những thành phần chuyển di hay kết trộn (transference or mixing constituents) từ tiếng Anh đã nêu là những nội dung của ngôn ngữ cho (embedded language) nhưng trong quá trình chuyển mã, trộn mã lại mang hình thức của ngôn ngữ tiếp nhận vận hành (matrix language) (Meyers-Scotton 1992).
III.3.3. Yếu tố bản sắc
III.3.3.a. Chuyển mã không luôn luôn phân bố đều trong một cộng đồng ngôn ngữ (Gumpez 1982; Bourdieu 1982), mặc dù các thành phần trong cộng đồng/ nhóm có thể chia sẻ cùng thang giá trị. Một trong những động cơ chuyển đổi hay trộn mã xuất phát từ vốn ngữ năng của từng thành viên (Heller 1995). Thực hiện hành vi chuyển mã, các thành viên đang dấn thân vào cuộc chơi trong một thị trường (marketplace), theo cách lập luận của Bourdieu, được chế ước bằng những quy luật của thống mạng (network) theo như quan niệm của Gumpez. Họ tìm cách sử dụng những tài nguyên sẵn có (available resources) để giải quyết những hạn chế hay rào cản có thể gặp phải. Luôn luôn, ở những bối cảnh song ngữ, quá trình thương lượng được xem như là thường trực và các chủ thể phát lời buộc phải lựa chọn một chiến lược hành xử tượng hợp với những điều “buộc phải làm” và “có bổn phận phải làm” trên nền tảng của hệ giá trị chia sẻ trong nhóm (Thai 2006). Mẫu trích từ cứ liệu sau đây có thể minh hoạ cho nhận định này, biểu thị thái độ đối với ngôn ngữ cội nguồn ở miền giao tiếp gia đình khi đối tượng phải loại bỏ tiếng Anh vốn dễ dàng cho giao tiếp đồng nhóm.
Extract 3
“Er, trong gia đình em thì er, em phải dùng tiếng Viêt, bởi vì ba mẹ em đã dạy em từ nhỏ là luôn luôn ở nhà phải dùng tiếng Việt… er nhưng có những chuyện mà em không dịch được thì em phải chêm vào tiếng Anh…à… luôn luôn phải nói tiếng Việt ở nhà. Ở ngoài nếu như là gặp người Việt, nếu là người lớn thì em xài, em dùng tiếng Việt. Còn nếu là nhỏ, nếu là còn trẻ trẻ hoặc bằng tuổi em, thì em dùng tiếng Anh. Tại vì ở nhà em, em chỉ có nói chuyện với ba mẹ em thôi, với lại với gia đình thì không có biết, giống như là giao tiếp với người trẻ như bằng tuổi em á, thì I don’t know, không biết xưng là sao là sao… you know, completely different words… với lại với gia đình thì dạ, thưa, I’m always successful, but with friends, thì em không biết nói sao sao… yeah!... completely different words.”
(đối tượng nữ, sinh viên, tuổi 20) CR 33a
Rõ ràng, trộn mã bằng việc “chêm vào tiếng Anh” trong trường hợp trên là phương thức khắc phục giao thoa ở đối tượng song ngữ nhưng không phải bằng con đường ngược lại. Thái độ tuân thủ theo lễ giáo gia đình ở đây cũng gắn liền với quyết định chọn mã, hoặc chuyển mã của đối tượng này. Nổi bật hơn, động thái chuyển mã trước những đối tượng khác biệt là hệ quả của quá trình phân tích, dò xét phương thức “we-code” và “they-code, theo Gumpez, nhằm bảo tồn mối quan hệ trong những bối cảnh thân mật (informal) đồng nhóm (in-group) hoặc ít thân mật ngoài nhóm (less personal out-group) III.3.3.b. Ngược lại, việc lựa chọn ngôn ngữ cội nguồn ngay từ ban đầu cũng là hình thức biểu minh bản sắc nhóm. Theo Myers-Scotton (1988), người nói cần phải có phải nhận biết nhanh nhạy về những kiểu loại tương tác ước lệ (interaction type of conventionalized exchange), gọi là nhận biết hệ thống tính trội (markness metric).Trường hợp ghi nhận sau đây trong cứ liệu, lại lần nữa khẳng định cho lý thuyết về tính trội của Myer-Scotton. Trong khi trộn mã hay chuyển mã trong bối cảnh này là biểu hiện của mối quan hệ tương thân, thì việc chọn mã cội nguồn cũng có thể được ngầm ẩn như một biện pháp tự vệ nhóm.
Extract 4
“Theo em, em nghĩ là bắt đầu tiếng Anh, nhưng nếu mà mình trở nên thân há, thì theo em, em sẽ dùng hai ngôn ngữ. Vi dùng hai ngôn ngữ như là khi mình nói You, Me, thì it sounds so more egalitarian, nhưng mà khi mình muốn có một conversation mà không muốn share chung between both of us và không muốn những người xung quanh nghe thì bắt đầu nói tiếng Việt. So you know, we can keep it as a secret. Như vậy thông thường thì nói tiếng Việt chỉ vì không muốn người khác nghe”.
(Đối tượng là nữ, song ngữ, sinh viên, tuổi 18-20) CR 33b
III.3.3.c. Mặc khác, chọn, chuyển mã theo tình huống là phương thức phổ biến ở thực tế đa ngữ của Úc châu. Vì khi các thành viên “không thoả mãn với một trong hai bản sắc hoặc gắn liền với hành vi nói năng của (trong một ngôn ngữ) hoặc với việc tương tác với người khác (bằng thứ tiếng khác)… họ sẽ cảm nhận được niềm tưởng thưởng cho cả hai bản sắc” (Myerscotton 1993b: 122). Tuy nhiên trường hợp sau đây lại chứng minh khác biệt: việc chọn mã ở bối cảnh đa ngữ không hoàn toàn là một lựa chọn nổi trội (code-switching itself as an unmarked choice), mà thay vào đó, nó trở thành một lựa chọn bình thường, tạo nhiều bản sắc được trân quý nhiều hơn (more positively evaluated identities).
Extract 5
“Vì đất nước này có rất nhiều ngôn ngữ mà ai nếu muốn thì cũng nói giống như they speak their own languages.Giống như ngày xưa, khi học cùng high school hồi còn nhỏ há, you more like behaving mình..còn bây giờ thì mình holding up to… your values.You know, you don’t care what people think about you. So you do what you would like to do and what comes easy to you.... thì em nghĩ không có gì sai khi nói tiếng Việt trong đám đông mà họ không hiểu em.Tức là không nghĩ là mình try not to be so rude nếu mà họ không… không say chung với mình. Ví dụ như mình có người bạn là người Việt thì mình nói tiếng Việt để mình không exclude họ out. Còn nếu như là họ different người ngoài, thì tại sao mình phải care?”
(Đối tượng nam, sinh viên, tuổi 20-22) CR 34a
III.3.3.d. Cuối cùng, chuyển mã không những gắn liền với vốn ngữ năng của từng cá nhân, yếu tố bản sắc mà còn biểu minh cho thái độ và hệ giá trị của toàn nhóm đối với mã chọn nữa. Khi tiếng Việt hành chức như một mã chọn trong cộng đồng sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện chức năng xã hội của mình là gắn kết, lưu giữ những giá trị ngoài ngôn ngữ. Tuy nhiên, do thiếu vắng điều kiện tương tác liên quốc, mà nói đúng hơn, là mối liên hệ với xã hội xuất cư, tiếng nói của cộng đồng di dân vẫn có ít nhiều những khác biệt với tiếng Việt ở quê nhà. Điều này dễ tạo ra hiện tượng ít thông hiểu hay thái độ xa lạ đối với ngôn ngữ đang sử dụng ở quê nhà. Cảm nhận sau đây do một đối tượng trong cứ liệu chia sẻ, đồng thời, là điểm nhấn của nghiên cứu nhỏ này, trước khi quay sang lời kết.
Extract 6
“Em nghĩ cái tiếng Việt ở đây khác hẳn với bên Việt Nam chứ. Ở đây nếu có muốn giữ thì anh phảinot forget cáiidentity before 1975. So they want to keep identity but not as a whole.Với lại, em cũng không hiểu…yeah, nhưng mà đổi qúa hoặc some more hiện đại giống như bên Việt Nam ở bên kia, thì có người ở đây suy nghĩ như làyou wanna… wanna following the wave, becoming traitors pretty much.Vì vậy ở đây lúc nào cũng giữ lại cái identity của người Việt before the war and I think it’s a separate identity”. CR 35b
IV. KẾT LUẬN
IV.1. Từ thực tế khảo sát này, có thể nói ngay rằng, tiếng Việt sử dụng ở cộng đồng gốc Việt có những đặc điểm khác với tiếng Việt sử dụng ở quê nhà do sự có mặt của các yếu tố vay mượn, chuyển di và thích ứng với ngôn ngữ của xã hội tiếp cư. Những hiện tượng này thường xuất phát từ nền tảng văn hoá- xã hội khu biệt và cho phép tiếng Việt cộng đồng vận hành một cách tự nhiên, đa dạng và linh hoạt trong sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng. Nền tảng văn hoá - xã hội ở từng địa phương, đến lượt mình, cùng với mạng lưới xã hội của cá nhân, nhóm cộng đồng đã làm cho tiếng Việt ở từng vùng địa lý ít nhiều bổ sung thêm những biến thể; chẳng hạn như tiếng Việt ở vùng Sydney phần nào mang những yếu tố từ vựng khác biệt với tiếng Việt ở Perth hay Tasmania và tương tự, tiếng Việt ở Úc có nhiều thành tố từ vựng, ngữ âm-hình thái khác với tiếng Việt ở Nhật, Nga hay Mỹ.
IV.2. Do tính chất loại hình, so với các ngôn ngữ cộng đồng khác, tiếng Việt cộng đồng mở rộng một cách đáng kể cho hiện tượng vay mượn, thích ứng cũng như chuyển mã và trộn mã. Vì lẽ đó, tiếng Việt cộng đồng nói chung thường có những biến thể từ hoàn cảnh kinh tế-xã hội (practice-based variations) khác biệt với tiếng Việt đang sử dụng ở quê nhà. Khi hành chức, tiếng Việt trong từng cộng đồng cũng có mang những yếu tố đặc thù, do vôn ngữ năng cá nhân, chiều dài đinh cư, bề dày trải nghiệm và thái độ đối với việc hội nhập xã hội của bản thân các thành viên sử dụng.Kết quả cứ liệu cho thấy, mức thông thạo ngôn ngữ tiếp cư càng cao, thì hiện tượng thích ứng ngữ âm trong tiếng Việt càng thấp, mà thay vào đó, xảy ra hiện tượng chuyển di, chuyển mã hoặc trộn mã với tiếng của xã hội tiếp nhận. Các hiện tượng ngôn ngữ này đích thực là tấm gương phản chiếu bản sắc của người sử dụng, nói lên thái độ của người nói đối với hiện thực xã hội (cộng đồng), đối với ngôn ngữ của xã hội tiếp cư lẫn ngôn ngữ cội nguồn.
IV.3. Điều không loại trừ là tình hình khu biệt giữa tiếng Việt cộng đồng (diasporic Vietnamese) và tiếng Việt ở quê nhà (Vietnamese in the homeland) có thể thu ngắn được tùy thuộc vào các yếu tố ngoài ngôn ngữ như mối quan hệ liên quốc (transnational links) của các cá nhân, nhóm cộng đồng và mói quan hệ giữa các cộng đồng hải ngoại với nhau và giữa các cộng đồng hải ngoại với các cộng đồng trong nước. Do vậy, duy trì, gìn giữ và phát triển bản sắc tiếng Việt (trong bối cảnh song ngữ hay đã ngữ) như một phương thức để duy trì văn hóa Việt ở cộng đồng là quá trình chia sẻ không chỉ ở trong nội bộ cộng đồng mà còn ở toàn xã hội ngôn ngữ Việt nói chung, diễn ra dưới nhiều hình thức và tầng bậc khác nhau, từ cấp quốc gia đến cộng đồng, có sự tiếp sức của các cấp chính phủ ở xã hội tiếp cư lẫn xã hội xuất cư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
ABS (Australian Bureau of Statistics) (1996-2005).Census of the Commonwealth of Australia, Canberra.
Auer, P. (1984). Bilingual conversation. John Benjamins, Amsterdam.
Auer, P.(1991). Bilingualism in/as Social Action: A Sequential Approach to Code-Switching.Paper for the Symposium on Code-Switching in Bilingual studies.European Science. Foundation Network on Code-Switching and Language Contact, Strasbourg, pp. 319-352.
Auer, P.(1995). The Pragmatics of code-switching: a sequential approach. In: L. Milroy & P. Muysken (Eds.), One speaker, two languages: cross disciplinary perspectives on codeswitching. Cambridge University Press, pp.136-57.
Auer, P.(Ed.). (1998). Code-Switching in Conversation: Language, Interaction and Identity. Routledge, London.
Auer, P. (2005). A Postscript: code-switching and social identity. Journal of Pragmatics 37, 403-410.
Barth, F. (1969). Ethnic groups and boundaries: The social organization of culture difference.Boston: Little, Brown.
BIR (Burreau of Immigration and Population Research) (1994). Community Profiles: Vietnam-born, Statistics Division. Bister-Broosen, H. (1988). Sprachkontakle und Sprachattituden Jugendlicher im Elasass und in Baden. Frankfurt: Lang. Bourdieu, P.(1982). Ce que parler veut dire. Paris: Fayard.
Brown, B. (2003). Code-convergent borrowing in Louisina French.Jounal of Linguistics 7 (1).
Brown, R.W. & Gilman, A. (1960). The pronouns of ower and solidarity. In T. A Sebok (ed.). Style in language. Cambridge: 53-76.
Cameron, D. (1990). Demythologizing sociolinguistics: why language does not reflect society.In: Joseph, J. E., Taylor, T. J. (Eds), Ideologies of language, London, Routledge, pp.73-93.
Carli, A., Sussi, E. & Kaudidi- Basa, M. (2002). History and stories: identity construction on the Italian-Slovene border, in Meinhof, U.H.(ed.). Living (with) borders. Identity Discourses on East-West Borders in Europe.Aldershot: Ashgate, 33-52.
Cashman, H.(2005). Identity at play: language preference and group membership in bilingual talk in interaction.Journal of Pragmatics 37, 301-315.
Cicourel, A. (1980). Three Models of discourse analysis: the role of social structure. Discourse Process, 3: 102- 32. Clyne, M. (1967). Transference and Triggering. The Hague.
________ (1970).Some aspects of the bilingualism and language maintenance of Australian born children of German-speaking parents. ITL 9: 35-47.
________ (1976). Australia Talks.Pacific Linguistics D. 23. Canberra.
________ (1985). Multilingual Australia. Melbourne: River Seine Publications.
________ (2003). Dynamics of Language Contact.Cambridge University Press.
Clyne, M., Fernadez, S.& Grey, F. (2005). Languages taken at school and languages spoken in the community-A comparative perspective. Australian Applied Linguistic Review Issue 1.
Cooper, R. L. (1969). How can we measure the roles which a bilingual’s languages play in his everyday behaviour? In L. A. Kelly (ed.). The description and measurement of bilingualism: 92-208.
Finger, B.(2001). Sprachenwahl in der grenzuberschreintenden Kommunikation zwischen Sudbaden und dem Elsass in Carli, A. (ed.) Aspetti Linguistici e Interculturali del Bilinguismo. Milan: Franco Angeli: 251- 406.
Fishman, J. A. (1965). Who speaks what language to whom and when? Linguistique 2: 67-88.
(1971). Sociolinguistics: A brief introduction. Newbury House, Rowley, MA.
Gafaranga, J.(1999).Language choice as a significant aspect of talk organization.The orderliness of language alternation.Text 19, 201-325.
Gafaranga, J.(2001). Linguistic identity in talk-in interaction: order in bilingual conversation.Journal of Pragmatics 33, 1901-25. Gafaranga, J.& Torras, M.C. (2001). Language versus medium in the study of bilingual conversation. International Journal of Bilingualsim 5, 195-219.
Gafaranga, J. (2005). Demythologisig language alternation studies: conversational structure v. social structure in bilingual interaction.Journal of Pragmatics 37, 281-300.
Gal, S. (1988). The political economy of code choice.In Heller (1988), 245-63. (1989). Language and political economy. Annual Review of Anthropology, 18: 345-67.
Giddens, A.(1984). The constitution of society. Cambridge: Polity Press.
Gitelman, Z. (1995). Immigration and identity: The resettlement and impact of Soviet immigrants on Israel politics and society, Los-Angeles, CA: The Susan and David Wilstein Institute of Jewish Policy Studies.
Greenfield, L. (1972). Situational measures of normative language views in relation to person, place and topic mong Puerto Rican bilinguals.In: Fishman, J. (Ed.), Advances in the Sociology of Language, vol.1. Mouton, The Hague, pp. 17-35.11.
Gumperz, J. J. (1966). On the ethnology of linguistic change.In: Bright, W. (Ed.). Sociolinguistics: Proceedings of the UCLA Sociolinguistic Conference, 1964, The Hague, pp. 27-49.
(1982). Discourse strategies.Cambridge: Polity Press.
Hasselmo, N. (1970). Code-switching and modes of speaking. In: G.Gilbert (Ed.), Texas Studies in Bilingualism, Berlin: de Gruyter, pp. 179-209.
Haugen, E. (1950). The analysis of linguistics borrowing. Language 26: 210-31.
_________ (1953). The Norwegian language in America. Vol.2. Philadelphia.
_________ (1971). The Ecology of Language. The Linguistic Reporter 13: 19-26.
_________ (1979). Bilingualism.Language Contact and Immigrant Languages in the United States. In: J. Fishman (ed.) Advances in the Study of Societal Multilingualism. The Hague: 1-111.
Heller, M. (1990). The politics of codeswitching: processes and consequences of ethnic mobilization. Paper at the third workshop of the European Science Foundation Network on Codeswitching and Language Contact, Brussels.
(1995). Code-switching and the politics of language.In Milroy, L. & Muysken, P. One Speaker, Two Languages. Cambridge University Press.
Ho-Dac, T. (1997). Vietnamese-English bilinguals in Melbourne: Social relationships in the code-switching of personal pronouns. In: Thao-Le Quynh-Le (Eds.). Language, society and culture 2, University of Tasmania.
Ho-Dac, T. (2003). Vietnamese-English Bilingualism: Pattern of Code-Switching. London, Routledge Curzon.
Irvine, J. T. (1987). Domains of description in the ethnography of speaking: A restrospective on the “Speech community”. In Richard Bauman, Judith T.Irvine and Susan U. Phillips (eds.) Perfromances, Speech Community and Genre. Working and Proceedings of the Center for Psychosocial Studies 11 (Chicago: Center for Psychosocial Studies): 13-14.
Li, W. (1994). Three Generations, Two Languages, One Family: Language Choice and Language Shift in a Chinese Community in Britain.Multilingual Matters, Clevedon.
Li, W. (2002). What do you want me to say? On the conversation analysis approach to bilingual interaction.Language in Society 31, 159-180.
Li, W. (2005). Starting from the right place: introduction to the special issue on Conversational Code-switching.Journal of Pragmatics 37, 275-279.
Li, W. & Milroy, L. (1995). Conversational code-switching in a Chinese community in Britain: a sequential analysis.Journal of Pragmatics 23, 281-299.
Lipski, J. M. (1978). Code-switching and the problem of bilingual competence.In: M.Paradis (Ed.), Aspect of Bilingualism.Columbia: Hornbeam Press, 253-63.
Lo, A.(1999).Codeswitching, speech community membership, and the construction of ethnic identity. Journal of Sociolinguistics 3: 461- 479.
Milroy, L. (1987). Language and social networks.Oxford: Basil Blackwell.
Milroy, L.& Li, W. (1995). A social network approach to code-switching: the example of a bilingual community in Britain. In: L.Milroy & P.Muysken (Eds.), One speaker, two languages: cross disciplinary perspectives on code-switching. Cambridge University Press, pp. 136-57.
Mougeon, R. & Beniak, E. (1991). Linguistic consequences of language contact and restriction: The case of French in Ontario, Canada.Oxford: Clarendon.
Moya, J.C. (1988). Cousins and strangers.Spanish Immigrants in Buenos Aires, 1850-1930. Berkeley: University of California Press.
Myers-Scotton, C. (1986). Diglossia and code-switching. In J. Fishman et al. eds., The Fergusonian impact. Berlin: Mouton de Gruyter, II, 403-17.
(1988). Code-switching as indexical of social negotiations. In: M. Heller (Ed.), Code-switching: Anthropological and Sociolinguistic Perspective.Berlin: Mouton de Gruyter.
(1993). Common and uncommon ground: social and structural factors in code-switching.Language in Society 22, pp. 475-503.
(2006). Multiple voice: An introduction to bilingualism.MA: Blackwell Publishing. Myers-Scotton, C. & Jake, L. L. (2000). Explaining aspects of code-switching and their Implications.In Nicol (ed.)
Parasher, S. N. (1980).Mother-tongue-English diglossia: a case study of educated Indian bilinguals’ language use. Anthropological Linguistics 22, 151-168.
Paulwels, A. (1995). Linguistic practices and language maintenance among bilingual women and men in Australia. Nordlyd 11: 21-50.
Phinney, J. S. (1990). Ethnic and identity in adolescents and adults: review of research.Psychological Bulletin, 108 (3): 499- 514.
Poplack, S. (1977). Quantitative analysis of constraints on code-switching.New York: Centro de Estudios Puertorriquenos.
Poplack, S., Sankoff, D. & Miller, C. (1988). The social and linguistic processes of borrowing and assimilation. Linguistics 26: 47-104.
Ratcliffe, P. (1994). Conceptualizing “race”, ethnicity and nation: towards a comparative perspective, in Ratcliffe, P. (ed.). “Race”, ethnicity and nation.International Perspectives on Social Conflict.London: University College London Press, 2- 25.
Rayfield, J.R.(1970).The language of bilingual community.The Hague.
Reitz, J.(1980).The survival of ethnic groups, Toronto: McGraw-Hill-Ryerson.
Remennick, L. (2004). Language acquisition, ethnicity and social integration among former Soviet immigrants of the 1990s in Israel. Ethnic and Racial Studies, Vol.27, No. 3: 431-54.
Sacks, H., Schegloff, E.A.& Fefferson, G. (1974). A simpliest systematics for the organization of turn-taking for conversation. Language 50 (4), 696-735.
Sankoff, G. (1971). Language use in multilingual societies: Some alternative approaches. In: J. Pride & J. Homes (ed.). Sociolinguistics.Harmonsworth: Middlesex: 33-52.
Sankoff, G., Poplack, S. & Vanniarajan, S. (1990). The case of the nonce loan in Tamil. Language Variation and change 2: 71-101.
Sebba, M.& Wootton, T. (1988). We, they and identity: sequential vs. identity-related explanations in code-switching. In: Auer, P. (Ed.), Code-Switching in Conversation: Language, Interaction and Identity. Routledge, London, pp. 321-348. 12
Schegloff, E. A. (1968). Sequencing in conversation openings. American Anthropologist 70, 1075-95.
Schegloff, E. A. & Sacks, H.(1973). Opening up closings. Semiotica 8, 289-327.
Scotton, C. M. & Wanjin, Z. (1983).Tongzhi in China: language change and its conversational consequences.Language in Society 12, 477-94.
Simango, S.R.(2000).“My madam is fine”: The adaptation of English loans in Chichewa. Journal of Muticultural Development 21: 487-507.
Smolicz, J. J. & Harris, R. D. (1976). Ethnic Languages and Immigrant Youth. In Clyne (1976). Australia Talks.131- 75.
Suurenbroek, F. & Schrover, M. (2005). A separate language, a separate identity? Organization of Frisian Migrants in Amsterdam in the Late Nineteenth and Early Twentieth Centuries. Journal of Ethnic and Migration Studies, Vol.31, No.5: 991-1005.
Thai, B. D. (2005a). Preliminary observations on Vietnamese as a “migrant language”. In: Papers from the 15th meeting of the Southeast Asian Linguistics Society, Research School of Asia Pacific Studies. Canberra: The Australian National University.
(2005b). Code choice and Code Convergent Borrowing in Canberra Vietnamese.In Le, T. (ed.) Proceedings of The International Conference on Critical Discourse Analysis: Theory into Research.Tasmania: University of Tasmania.
(2006a). Separate language – separate identity? The politics of Diasporic Vietnamese through code-switching and code mixing, Proceedings of ASAA 16th meeting, Australia, 26-29 June, 2006.
(2006b). From Code-choice to Code-mixing and A Separate Language: Identities of “Diasporic Vietnamese”, Proceedings of The 7th Asean Inter-University Conference on “Human Welfare, Peace and Sustainable Development”, Vietnam National University, Hanoi.
(2007a). Towards the Policy on Teaching Vietnamese as a heritage language to the Overseas Vietnamese. Southeast Asian Studies Journal 2/2007. Hanoi: National Academy of Social Sciences.
(2007b). Mixed language, mixed identities? The Mechanisms of Ethnic Retention and Cultural Reproduction in Later-Generation Vietnamese Immigrants in Australia, E.Proceedings of Redesigning Pedagogy: Knowledge, Culture and Understanding Conference at NTU, Singapore, 28-30 May.
Thomas, M. (1997). Dreams in the shadows: Vietnamese-Australian lives in transition. St Leonards, N. S. W.: Allen & Unwin, 1999.
Wei, Z. (2005). Code-choice in bidialectal interaction: the choice between Putonhua and Cantonese in a radio phone-in program in Shenzhen.Journal of Pragmatics 37, 355-74.
Wenreich, U. (1953). Languages in contact.New York Linguistic Circle of New York.
Winter, J. & Paulwels, A. (2000). Gender and language contact: research in the Australian Context. Journal of Mutilingual and Multicultural Development 21: 508-22.
Williams, A. (2005). Fighting words and challenging expectations: language alternation and social roles in a family dispute.Journal of Pragmatics 37, 317-28.
Woodlard, K. (1985). Language variation and cultural hegemony: toward an integration of sociolinguistic and social theory. American Ethnologist, 12: 738-48.
Zentella, A. C. (1977). Growing up bilingual: Puerto Rico Children in New York. Malden, MA: Blackwell.
Nguồn: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, 2008
|