Ngôn ngữ

TƯ DUY VĂN HOÁ TỪ TIỀN ĐỀ NGÔN NGỮ (Qua nguyên lí tín hiệu học của F. de Saussure)


14-10-2020
Tác giả: Nguyễn Lai, Nguyễn Văn Chính
TƯ DUY VĂN HOÁ TỪ TIỀN ĐỀ NGÔN NGỮ 
(Qua nguyên lí tín hiệu học của F. de Saussure)
     

GS. TS. NGUYỄN LAI, PGS. TS. NGUYỄN VĂN CHÍNH

ABSTRACT
For the authors, both culture and language are social mechanisms. Cultural products are mental representations in which language becomes verbal art works in order to show mental values of society.

Anh

GS Nguyễn Lai

Theo quan điểm của F. de Saussure, cũng như nhiều nhà khoa học xã hội khác thì ngôn ngữ và văn hoá đều là những thiết chế trừu tượng, chúng dần dần được hình thành cùng với sự phát triển của con người xã hội. Và đặc biệt, khi đề cập đến tiến trình này, không phải ngẫu nhiên mà F. Engels rất coi trọng tiền đề ngôn ngữ ngay trong chức năng kích thích của nó đối với quá trình hình thành phẩm chất con người xã hội: Con người vượt lên bản chất động vật của mình để trở thành con người xã hội, theo Engels, trước hết là nhờ lao động và sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ. [Dẫn theo Nguyễn Lai 2012:19] (Tiếc rằng, hình như vế nhấn mạnh cuối cùng đồng thời với lao động là ngôn ngữ, liên quan đến quá trình làm hình thành khả năng nhận thức -vốn là tiền đề sản sinh phẩm chất văn hoá đầu tiên đối với chính bản thể con người - chưa được chú ý khai thác đúng mức, ngay cả đối với một số nhà ngôn ngữ xã hội học nghiên cứu về văn hoá). Như vậy, theo cách nhấn mạnh của Engels, rõ ràng ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để giao tiếp và giao lưu văn hoá, mà thực ra, còn hơn thế - từ trong chiều sâu tiến trình lịch sử - nó còn là tiền đề tạo ra con người xã hội như một sản phẩm văn hoá (cultural product) để, từ xuất phát điểm này, con người tạo tiếp những tiền đề chủ quan và khách quan, làm hình thành cho mình nhiều dạng sản phẩm văn hoá tinh tế khác trong quá trình phát triển. Từ đó, nhìn rộng ra, phải chăng ta có thể hiểu: Nếu không có loại ngôn ngữ đầu tiên tạo sức sản sinh tư duy nhận thức nơi con người thì không thể có con người xã hộigắn liền với khả năng hoạt động định hướng, làm hình thành những phẩm chất nghệ sĩ, để từ cơ sở ấy, dần dần con người tạo ra nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật dưới dạng không còn là ngôn ngữ ban đầu như âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc… nằm trong đối tượng văn hoá.

Anh

PGS Nguyễn Văn Chính

Như vậy, rõ ràng, một số loại hình ngôn ngữ nghệ thuật thuộc phạm trù văn hoá, tuy cũng bắt đầu từ nền chung của loại ngôn ngữ sơ khởi vốn gắn với chức năng giao tiếp, nhưng những loại hình ngôn ngữ văn hoá này xuất hiện sau, và chúng không thể đồng nhất với loại ngôn ngữ đầu tiên. Đấy là một trong những chỗ phức tạp khó thấy nhất, liên quan đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá mà từ góc độ liên ngành, ta không thể không quan tâm. Theo chúng tôi, không phải tình cờ mà ngay từ chương mở đầu Giáo trình ngôn ngữ học đại cương nổi tiếng của mình, Saussure đã đặt vấn đề về chỗ phức tạp này như sau: “Ngôn ngữ học có liên quan chặt chẽ với các ngành khoa học khác không phải bao giờ cũng hiện ra rõ nét” [Saussure 1973: 27]. Và không dừng lại ở đó, đặc biệt khi nhìn nhận thiết chế chung giữa ngôn ngữ và văn hoá bằng con mắt tín hiệu học từ chiều sâu nhận thức triết học của mình, Saussure đã xác định vấn đề với tầm khái quát và triệt để hơn như sau: “Nếu muốn phát hiện bản chất sự thật của ngôn ngữ, trước hết phải xem nó ở những mặt cùng có chung với tất cả những hệ thống khác cùng loại. Làm như vậy, không chỉ soi sáng cho ngôn ngữ mà chẳng hạn - khi coi những nghi lễ, những phong tục… thuộc phạm vi văn hoá như những tín hiệu - thì những sự kiện này sẽ hiện ra dưới ánh sáng mới, và người ta thấy cần phải tập hợp chúng lại trong tín hiệu học và giải thích nó bằng quy luật của khoa học này” [Saussure 1973: 41]. (Chúng tôi nhấn mạnh: cần phải tập hợp chúng lại trong tín hiệu học và giải thích nó bằng quy luật của khoa học này!).

Bước đầu vận dụng nguyên lí tiếp cận trên, cơ chế chung nhất của ngôn ngữ và văn hoá có thể được ghi nhận như sau: (1) Nhìn chung, có thể nói, văn hoá là một thiết chế xã hội, ngôn ngữ cũng là một thiết chế xã hội. Giá trị nhận thức có được về chúng bao giờ cũng được quy định bởi tính ước lệ, vốn tạo ra bởi một cộng đồng xã hội xác định, gắn với một trạng thái không gian và thời gian xác định. (2) Và sản phẩm tinh thần mang theo giá trị tinh thần gắn với nhận thức trên là trừu tượng; nhưng mặt trừu tượng này bao giờ cũng phải được biểu hiện thông qua một dấu hiệu vật thể để người ta có thể cảm nhận theo một giá trị quy ước (conventional value) nào đó mang tính cộng đồng. Chẳng hạn, một kí hiệu ngôn ngữ, một đường nét kiến trúc, một di vật khảo cổ, một điệu múa dân gian, một cung cách chào hỏi, một tập tục cúng lễ, thậm chí một danh nhân văn hoá…(3) Tuy không giống nhau, nhưng giá trị tinh thần của những sản phẩm văn hoá khác nhau này đều cùng bị quy định bởi nguyên tắc ước lệ thông qua yếu tố tâm lí xã hội của phạm vi cộng đồng mà từ đó chúng xuất hiện. (4) Nếu loại bỏ những yếu tố ấy thì tự thân chúng không còn là tài sản văn hoá nữa. Lúc này chúng trở thành những cái xác không hồn, và giá trị của chúng lui về giá trị tự thân, hoàn toàn vật thể, thoát khỏi thiết chế hệ thống văn hoá.

Như vậy, nhìn chung về mặt nguyên tắc, hoạt động ngôn ngữ cũng như hoạt động văn hoá là một loại hoạt động tinh thần mang ý nghĩa tâm lí xã hội của cộng đồng; cả hai - dù xuất hiện dưới dạng sản phẩm cụ thể nào - đều được xác lập dựa trên cơ chế quy ước (conventional mechanism) từ nguyên tắc vừa đối lập vừa thống nhất trong tính chỉnh thể giữa yếu tố vật thể và yếu tố tinh thần của nguyên lí tín hiệu học.

Theo chúng tôi, mặt đồng nhất rất cơ bản của hiện tượng ngôn ngữ và hiện tượng văn hoá được đặt vào quỹ đạo của tín hiệu học để khảo sát theo tinh thần của Saussure như trên là cần thiết và xác đáng về mặt nguyên tắc khoa học. Vì theo hướng khảo sát này, tiền đề tâm lí xã hội gắn với phẩm chất nhân văn - vốn là cốt lõi của cơ chế hình thành văn hoá - chẳng những không bị coi nhẹ mà trái lại còn được đề cao. Đề cao trong việc dựa vào đó và lấy nó làm cơ sở phân giải để từ đó tìm ra mẫu số chung vừa bao quát vừa triệt để đối với cơ chế của sự hình thành ngôn ngữ và văn hoá theo tinh thần nguyên lí của chính Saussure. “Tất cả các giá trị ước định đếu không trùng làm một với yếu tố có thể cảm giác đươc” [Saussure 1973: 250]. Rõ ràng, đây là một trong những chỗ phức tạp khó thấy nhất nằm trong xuất phát điểm của nguyên tắc khoa học mang tính liên ngành. Khi nói đến cơ chế liên thông sâu kín nhất về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá về mặt cấu trúc, do vậy, những người nghiên cứu liên ngành theo hướng cập nhật nhất không thể không bắt đầu từ tầm nhìn trên.

Tuy nhiên, khi mở rộng mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá theo cách nhấn mạnh của Engels từ chiều sâu – như trên đã có dịp đề cập – thì ngôn ngữ không chỉ là tiền đề tạo ra văn hoá, mà hơn thế, nó còn đem lại hoạt động và sức sống cho tư duy, cho cảm thụ, đem lại phẩm chất nghệ sĩ cho con người để từ đó con người có thể tạo ra văn hoá. Chắc chắn cũng không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà khi đề cập đến hiện tượng trên, nhiều nhà lí luận văn học có quan tâm đến ngôn ngữ học đã nhấn mạnh: “Nếu không có ngôn ngữ đầu tiên vốn làm chỗ dựa giúp cho con người hoạt động có định hướng trong xã hội thì những loại hình ngôn ngữ nghệ thuật thuộc màu sắc, âm thanh, đường nét... không thể trở thành hiện thực” [Khrapchenco 1985: 281]. Theo chúng tôi, nếu nhìn rộng ra thì phải chăng đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa giúp ta suy nghĩ để giải thích ngược lại, vì sao thông qua ngôn ngữ con người có thể giải mã được tất cả các loại hình nghệ thuật nằm trong phạm trù văn hoá. Và không phải từ một lí do nào khác, mà chính từ cơ sở của tiềm năng trên, ngôn ngữ trở thành một chất liệu tinh tế, có khả năng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ phản ánh một cách tổng hợp và toàn diện nhiều sắc màu văn hoá cùng với tiến trình miêu tả quá trình phát triển bộ mặt của cộng đồng xã hội như chúng ta thường thấy trong tác phẩm văn chương. Chính từ cấp độ tinh tế của sự sản sinh văn hoá này, ta có thể nói cụ thể hơn như sau: Ngôn ngữ vừa tạo ra phẩm chất văn hoá nơi con người đồng thời nó cũng chính là phương tiện có thể dùng để thể hiện những phẩm chất và sắc thái văn hoá tinh tế ấy cùng với sự phát huy tiềm năng nghệ sỹ của chính con người. Với chức năng này, rõ ràng ngôn ngữ càng tỏ rõ ưu thế tuyệt đối của mình về nhiều phương diện trong tiến trình phát triển văn hoá của cộng đồng, đặc biệt dễ thấy nhất là trong sáng tạo văn chương - một nguồn mạch quan trọng của quá trình phát huy phẩm chất nghệ sĩ tối ưu của con người trong đời sống văn hoá thông qua mạng lưới tinh tế của nhiều cấp độ liên thông. Về phương diện này, chúng ta có thể có rất nhiều minh chứng hết sức sinh động từ đời sống thực tiễn.

Truyện Kiềucủa thi hào Nguyễn Du là một ví dụ dễ thấy nhất. Như chúng ta biết, không có bức hoạ đích thực nào đính theo Truyện Kiều. Nhưng ở đây qua các chấm phá bằng ngôn từ, ta có những bức tranh đầy đủ cảnh sắc của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông:

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…;

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Ngoài tường lửa lựu lập loè đơm bông…;

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Cũng không có bức phù điêu hay pho tượng nào ở đây. Nhưng qua những từ “lẻn”, “mặt sắt đen sì”, “nhờn nhợt màu da”, “cao lớn đẫy đà”… ta có được rất nhiều nét tạo hình, tạo dáng, mỗi người một vẻ, trong những tình huống khác nhau, tưởng như ta có thể sờ mó được nhân vật cụ thể. Ta không nghe được tiếng đàn của Kiều trên trang giấy, nhưng không vì thế mà hiệu lực của tiếng đàn kia không đến đích thực với tâm trạng ta bằng những sắc thái tế nhị nhất. Cùng trong một tiếng tơ đồng/Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm, v.v. Nhưng thực ra, đối tượng tinh thần có liên quan đến đời sống văn hoá thông qua ngôn từ mà Truyện Kiều bao quát đâu chỉ dừng lại ở đó. Tại đây, hiện ra trước mắt chúng ta còn là cả một hệ thống thiết chế xã hội về mặt tập tục, luân thường đạo lí, về mặt quan niệm nhân sinh. Ta có tiết thanh minh với nấm mồ không hương khói làm xúc động lòng người. Cạnh đấy, nổi bật trong cảm nhận chúng ta là cả một đời tài sắc tự nguyện chịu tan nát đến não lòng vì phụng thờ chữ hiếu. Và bao trùm lên tất cả là một loạt những thuyết lí gắn với quan niệm về cuộc sống theo số phận tiền định cho hay muôn sự tại trời

Như vậy, trong mối quan hệ với văn hoá, ngôn ngữ ở đây, khi đã hoá thân vào nghệ thuật, nó vượt khỏi chức năng sơ đẳng ban đầu để dựng lên một bức tranh tổng hợp vô cùng sinh động về bộ mặt tinh thần của xã hội. Nếu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ không mang theo trong nó những mạch ngầm có liên quan đến bộ mặt văn hoá tinh thần trên nhiều quy mô và từ nhiều cấp độ liên thông như chúng ta thử phát hiện thì chắc chắn nó không còn là một tác phẩm nghệ thuật.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ ở mức độ tinh tế, ngôn ngữ ở đây được xác định trước hết như là một loại mã tâm lí xã hội đặc biệt, nó là một bảo vật “vừa cổ vừa kim”, nó gắn chặt với truyền thống văn hoá văn minh và đặc trưng dân tộc, nó có vai trò gợi dẫn cảm nghĩ trên cơ sở không tách rời khỏi tiền đề thẩm mĩ của cộng đồng. Nhiều nhà lí luận cho rằng chính kho tàng hình tượng ngôn ngữ có sự cộng đồng lớn hơn so với các đặc điểm khác (như tâm lí và tính cách nhân vật) đối với những nền văn hoá khác nhau nhưng có tính chất chung. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà khi đi vào thi pháp, người ta mở ra nhiều bình diện để khảo sát những chức năng khác nhau của ngôn ngữ, và chính ở chỗ ngôn ngữ hoá thân và chịu sự quay vòng nhiều nhất này, ranh giới sáng tạo của nhà văn được ghi nhận một cách có nhiều chứng minh nhất trong mối quan hệ với các mạch ngầm văn hoá của cộng đồng.

Không lạ gì nữa, chẳng hạn, khi ta đọc Truyện Kiều:

Thanh minh trong tiết tháng ba
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà!

Từ ngữ ở đây là gì? Phải chăng đó là một tín hiệu về phong tục tập quán. Và, cũng như vậy, khi ta đọc: Lấy câu vận mệnh nguôi dần nhớ thương… Quả đây là một nét hiện thực trong tâm trạng của Kiều. Nhưng, nghĩ cho cùng, tâm trạng này đâu tách khỏi tiền đề tâm lí xã hội gắn với quan niệm về “số phận” của cộng đồng xã hội Việt Nam vào những thời điểm nào đó. Như vậy, dù cho có thông thạo ngôn ngữ đến đâu, nếu người đọc không hiểu được tiền đề tâm lí gắn với nhận thức của xã hội về số phận thì làm sao có thể hiểu được hoàn cảnh để thâm nhập vào sự an ủi sâu kín nhất nơi nỗi lòng của Kiều… Nói khác, nếu người đọc tác phẩm vì lẽ gì đó mà chưa bắt nhập được vào mặt bằng văn hoá chung được kết tinh thông qua những mạch ngầm ngôn ngữ theo hướng nói trên thì những rung động về mặt thẩm mỹ sẽ không có đủ độ sâu để thưởng thức những gì gọi là tính hiện thực vốn có đích thực nơi tác phẩm ấy để hoà nhập vào tâm thức của cộng đồng.

Cũng không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà khi luận giải vấn đề trên, nhiều người thường nhắc đến lời khuyên của đại thi hào Goethe: “Ai muốn hiểu nhà thơ thì cần phải đến đất nước nhà thơ. Đất nước nhà thơ ở đây chắc chắn không chỉ đơn thuần là miền địa lí không gian. Mà đây là độ dài và chiều sâu lịch sử xã hội gắn với truyền thống văn hoá văn minh cùng với bao nhiêu những yếu tố khác vốn từ bao đời là chiếc nôi, là bầu sữa mẹ thứ hai của nhà thơ. Và tất cả những cái ấy, dù muốn dù không, qua bao đời, chúng ta kết tinh thành thơ, thành nhạc, thành hoạ cho ngôn ngữ trong sắc thái cộng đồng, và chính nó là cái cầu chung để nâng cao và mở rộng mạch ngầm văn hoá cho ngôn ngữ cộng đồng trong quy trình phát triển.

Từ cách nhìn hàm lượng văn hoá nằm trong ngôn ngữ văn học với những cấp độ trên, nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, khi đi vào khẳng định và lí giải chân giá trị của những tác phẩm ngôn từ, họ không tách rời nó khỏi thế liên thông từ những tiền đề văn hoá bao quát. Người đang được thế giới ngưỡng mộ về phương diện này là Bakhtin. Tác giả chỉ rõ vấn đề như sau: “Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hoá. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ nền văn hoá của thời đại trong đó nó tồn tại” [Bakhtin 1992: 362]. Và sau đó, tại một chỗ khác, ông còn tiếp tục cảnh báo cụ thể hơn: “Văn hoá như một dòng thác chảy mạnh ở chiều sâu thật sự có tác động đến nhà văn, nhưng đôi khi chính nhà nghiên cứu không hay biết. Lối tiếp cận như vậy không thể giúp ta đi sâu vào những tác phẩm lớn, và khi đã thoát li khỏi tính liên thông từ những mạch ngầm văn hoá như thế thì bản thân văn học hiện ra rất nhỏ bé, không có gì đáng để ý.” [Bakhtin 1992: 363]

Hiểu được những điều bao quát và sâu sắc vừa đặt ra của Bakhtin, chúng ta càng sáng tỏ thêm vì sao những tác giả văn học lớn hầu hết là những nhà văn hoá lớn, và từ đó cũng nói được, trước khi là một tác giả văn học lớn, dù ý thức hay không, chắc chắn họ là người am hiểu sâu sắc cuộc sống tinh thần về nhiều mặt, từ quá khứ đến hiện tại, nhờ sự chuyển tải văn hoá qua ngôn ngữ của cộng đồng mà họ đang gắn bó. Và đặc biệt trong quá trình tự mở rộng các trường tri giác trở thành “một khí quan nhạy bén của cộng đồng” mà họ là người phát ngôn ấy thì - từ trong chiều sâu tâm thức của mình - chắc chắn ở họ khó có sự phân biệt thật rạch ròi đâu là phạm vi hoạt động của ngôn ngữ và đâu là phạm vi hoạt động của văn hoá. Vì trong trường hợp này chúng vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau, chúng luôn luôn ngầm ẩn chuyển hoá liên thông với nhau trên nhiều quy mô và qua nhiều cấp độ trong không gian và cả trong thời gian.

Với cách nhìn bước đầu về mối quan hệ liên thông giữa ngôn ngữ và văn hoá, ta có thể ghi nhận được như sau:

1/ Nhìn chung, từ góc nhìn cấu trúc, có thể nói văn hoá là một thiết chế xã hội, ngôn ngữ cũng là thiết chế xã hội. Giá trị nhận thức có thể có được về chúng bao giờ cũng bị quy định bởi tính ước lệ gắn liền với yếu tố tâm lí xã hội, vốn được tạo ra bởi những cộng đồng xác định.

2/ Và sản phẩm văn hoá mang theo giá trị tinh thần gắn với nhận thức trên là trừu tượng; nhưng mặt trừu tượng này bao giờ cũng phải được biểu hiện thông qua một dấu hiệu vật thể để người ta có thể cảm nhận theo một ước lệ nào đó mang tính cộng đồng từ nguyên lí tín hiệu học.

3/ Trong khi ngôn ngữ hoá thân thành tác phẩm nghệ thuật ngôn từ để phản ánh một cách tổng hợp và sinh động bộ mặt tinh thần của cộng đồng xã hội thì chính ngôn ngữ đã vô tình xác lập những mạch ngầm văn hoá khác nhau trên nhiều cấp độ để tạo thành những dòng chảy xiết liên thông ngay trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ để lôi cuốn người đọc. Tại giao điểm tích hợp này, ngôn ngữ và văn hoá luôn luôn là một phạm trù biện chứng, liên thông đồng thời mãi mãi là một loại thực thể phức hợp sắc màu tương trưng cho tính hoà đồng và cộng hưởng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Saussure, F.de, 1973, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (dịch), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[2] Bakhtin, M., 1992, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (dịch), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

[3] Khrapchenco M.B., 1985, Sáng tạo nghệ thuật - hiện thực – con người (dịch), NXB Hội nhà văn, Hà Nội.

[4] Nguyễn Lai, 2012, Nhận thức trong mối quan hệ giữa tư duy và hoạt động thực tiễn, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 2 (34), 3-2015.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020