THỰC THỂ TRỜI TÂM LINH
TRONG THẾ GIỚI NHÂN QUẢ TRUYỆN KIỀU
QUA BÚT PHÁP NGUYỄN DU
GS.TSKH Nguyễn Lai
Từ trước đến nay, khi nói đến thế giới nhân quả trong truyện Kiều, chúng ta thường nghĩ đến trời. Coi trời như một thực thể tâm linh, và coi cho hay muôn sự tại trời như một nguyên nhân tâm linh bao trùm, chi phối mọi sự biến xảy ra trong cuộc đời đầy bất hạnh của Kiều. Nhưng thực ra, về một phương diện khác, dù sao, cũng phải thấy rằng sức sống cảm xúc thẩm mĩ đích thực của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, theo quy luật sâu xa vốn có của nó, không đơn giản chỉ là cái toát ra từ sự thuyết giải trừu tương mang tính định mệnh thông qua cho hay muôn sự tại trời của Nguyễn Du.
Chính vì thế, cũng không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà trong giảng dạy truyện Kiều, đã từ rất lâu, vượt qua nguyên nhân tâm linh cho hay muôn sự tại trời ấy, người ta đã vạch chỉ ra cái nguyên nhân xã hội đích thực sâu xa hơn và cũng trần thế hơn khi nói về chủ đề tư tưởng của tác phẩm : Truyên Kiều là tác phẩm tố cáo chế độ phong kiến thối nát chà đạp lên quyền sống của người phụ nữ…
Vì sao có cách quy nạp khác nhau này ?
Như đã đề cập,Truyên Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Khi đến với loại tác phẩm này, theo quy luật riêng của nó, dĩ nhiên bao giờ người ta cũng đến bằng đường dây biểu cảm thông qua sự rung động bằng sức sống hình tượng . Người ta không thể đến đơn thuần hoàn toàn bằng lí trí thông qua hệ thống những thuyết giải trừu tượng mang tính luận đề. Với người đọc, không có nguyên tắc trên thì không thể có cơ hội phát huy xúc cảm thẩm mĩ của chính riêng mình để đến đích thực với tác phẩm nghệ thuật chân chính. Chính vì vậy, ta có thể dễ dàng hiểu tại sao, đối với người đọc, khi thâm nhập vào cuộc đời đau khổ “ khi Vô Tích, khi Lâm Tri…nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương”…của Kiều, thì cái nguyên nhân trần thế đích thực kia đập mạnh vào cảm giác cảm xúc, lấn át cái nguyên nhân tâm linh cho hay muôn sự tại trời !
Như vậy, mặc dù Nguyễn Du cho hay muôn sự tại trời nhưng tác giả không thể nào lấy nguyên nhân tâm linh để hoàn toàn khống chế sức mạnh của nguyên nhân trần thế hiện lên theo đường dây biểu cảm trong trái tim người đọc . Nghĩ cho cùng, đó chính cũng là lí do vừa trực tiếp vừa sâu xa giúp ta giải thích vì sao khi đi vào Truyện Kiều, người đọc trách trời thì ít mà căm ghét bọn đầu trâu mặt ngựa vô lương đang hiện hữu ở trần thế này lại nhiều hơn !
Về một phương diện khác, khi đi cụ thể vào hướng lí giải trên, ta không thể không nhận biết cái mạch lô gic này ở ngòi bút Nguyễn Du. Trong cách lí giải của mình, thường hình như bao giờ Nguyễn Du cũng đăt nguyên nhân tâm linh ra trước. Nhưng về mặt miêu tả, qua bút pháp của mình, sau nguyên nhân tâm linh bao trùm ấy, Nguyễn Du không thể không diễn dịch kèm theo đó cái hệ quả rất trần thế làm xúc động lòng người . Chẳng hạn :
… Trời làm chi cực bấy trời
Đẻ ai vu thác cho người hợp tan..
… Phủ phàng chi bấy hóa công
Đầu xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng..
Có lẽ cũng chính vì vậy mà có người cho rằng Nguyễn Du vừa tâm linh vừa trần thế. Nguyến Du trách trời, trách hóa công. Nhưng dù vậy, ở đây, đập mạnh vào cảm xúc cảm giác chúng ta không phải trời. Mà đập mạnh vào cảm xúc cảm giác cuả chúng ta chính là hành vi khốn nạn của bọn quan lại sai nha và lũ đầu trâu mặt ngựa được Nguyễn Du miêu tả.
… Người xách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi
Gìà giang một lão một trai
Một dây vô lại buộc hai thâm tình
… Rường cao rút ngược dây oan
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người
Và bao nhiêu những cảnh đau lòng như thế diễn ra trên mặt bằng của thế giới Truyện Kiều qua từng trang sách.Sau bọn quan lai sai nha là đến mụ Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh. Sau gã Sở Khanh là Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, là bọn Bạc Hà, Bạc Hạnh, v.v... Tất cả những thế lực của xã hội đen tối ấy thay nhau vùi dập cuộc đời Kiều, mang lại bao nỗi khổ đau, sầu thảm và nát tan trong tâm trạng Kiều:
.
… Khi tỉnh rựou lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Xưa sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan nát như hoa giữa đường.
Không có bọn đao phủ bằng xương bằng thịt thì làm sao có sự đau đớn trần thế ê chề ấy. Không có cái nguyên nhân trần thế gây bởi bọn vô lại trên thì làm sao người đọc có đủ căm phẩn oán hờn để nguyền rủa và tố cáo cái xã hộị phong kiến thối nát đang chà đạp lên quyền sống của người phụ nữ.. .
Tóm lại, khi nói tư tưởng nhân quả trong Truyện Kiều, từ góc độ người tiếp nhận tác phẩm theo đặc trưng riêng của nghệ thuật, thì vấn đề nhân quả ở đây không thể được xác định tách rời quy luật thẩm mĩ gắn liền với cảm xúc cá thể thông qua những cung bậc buồn, vui, giận, ghét vốn là những phản ứng từ tác động của hệ thống hình tượng nhân vật đuợc miêu tả một cách sinh động như cái đang diễn ra trong cuộc sống. Đây cũng là xuất phát điểm đầu tiên để chúng ta lí giải vì sao từ lâu, trong giảng dạy văn chương, khi kết luận về chủ đề tư tưởng của Truyện Kiêu, chúng ta không bị áp lực nhiều bởi sự thuyết giải ngoại đề theo hướng tâm linh về nhân quả cho hay muôn sự tại trời !..
*
Với Nguyễn Du, nói đến thực thể trời tâm linh trong cho hay muôn sự tại trời dĩ nhiên là nói đến só phận. Và nói đến số phận ở đây cũng chính là nói đến một thế lực mà hầu như con người khó thể cưỡng lại được.
Cho hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao...
Rõ ràng đây là cách giải thich thực thể tâm linh trời theo thuyết định mệnh với sự khẳng định và áp đặt sức mạnh của trời lên số phận con người. Tại đây, trong cách giải trình, có điều nghịch lí đáng nói hơn chính là sự vận hành cái lo gic rất riêng sau đây của chính nó : Không quy nguyên nhân gây ra đau khổ về phía thủ phạm, mà quy nguyên nhân gây ra đau khổ về phía chính bản thân khổ chủ (vốn được diễn dịch gắn liền với tài sắc thuộc về bẩm sinh của con người do trời sẵn định). Và khi tài sắc được hiểu là nguyên nhân trực tiếp đưa đến tai họa cho chính bản thân con người thì đó là cái nghiêp. Đúng vậy, tài sắc của Kiều chính là một cái nghiệp. Theo cách lí giải của học giả Trần Trọng Kim :” Chữ nghiệp của nhà Phật là dich theo cái nghĩa Karman (tiếng Phạn), tức là những việc đã làm kiếp trước kết thành cái quả của kiếp sau. Có cái nghiệp ấy nằm sẵn trong mình, cho nên từ lời nói đến tiếng đàn đánh ra đều có cái giọng đau đớn sầu khổ. Người đã có cái nghiệp như thế tất là đa tình đa cảm. Hai cái đó là cái mồi vô hình, cái dây vô hình đưa người ta vào đúng cái nghiệp của minh.”.( Lời tưa Trần Trọng Kim viêt cho Truyện Kiều ,Nxb, Tân Việt,Saigon,1941).
Vâng, cái nghiệp của Kiều là như thế đó ! Khi kẻ nào… đã mang lấy nghiệp vào thân… thì kẻ ấy…cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…!!!
Nếu nguyên nhân xã hội được quy về cái nghiệp thì dĩ nhiên cái nghiệp gắn liền với nguyên nhân bẩm sinh ở đây luôn được diễn dịch gắn với vấn đề tiền đinh, tiền kiếp nằm trong sự bao trùm của nhân quả …
... Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu
… Tài tinh chi lắm cho trời đất ghen
Chũ tài cùng với chữ tai một vần
… Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Từ góc độ nào đó, chúng ta có thể hiểu tài sắc vốn là lợi thế của con người. Trong cuộc sống thực tế, tài sắc gắn liền với truân chuyên nếu có chăng vốn chỉ là cá biệt. Nhưng chính ở đây, qua cách giải thích theo hướng “tâm linh hóa”, nó đã được khái quát thành vấn đề phổ biến. Và cũng chính ở đây, còn một điều trớ trêu đáng nói hơn : Mặc dù thế lực xã hội đen tối là nguyên nhân vùi dập tài sắc vốn được ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du vạch trần, nhưng đồng thời cũng chính tại đây, hình như nó lại bị tầm nhìn triết học của Nguyễn Du “ tâm linh hóa” trong cách giải thích, khiến cho thực thể trời tâm linh được hiểunhưmột sức manh vô hình đứng sau thế lực xã hội đen tối . Đó chính là lúc tội lỗi do những thế lực đen tối gây ra được giải thích quy về phía khổ chủ thông qua cái điệp khúc “ hồng nhan bạc mệnh” mang tính hướng nội , láy đi láy lại triền miên trong tâm trạng xót xa của Kiều
… Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu !
… Tẻ vui cũng một kiếp người
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru ?
… Phận sao phận bạc như vôi
Khăng khăng giữ lấy kiếp người hồng nhan…
… Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung !
………
Rõ ràng Nguyễn Du tâm linh hoá trong cách giải thích số phận Kiều. Nhưng không vì thế mà nỗi đau của Kiều không làm lay động đến tâm can người đọc . Vì sao vậy ? Vì qua ngòi bút của Nguyễn Du, Kiều đã bao nhiêu lần cố vượt lên định mệnh của chính mình. Nhưng càng cố vượt lên định mệnh bao nhiêu thì Kiều càng bị vùi dập và phũ phàng bấy nhiêu… Không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà khi viết tựa cho truỵện Kiều, năm 1925, học giả Trần Trọng Kim khẳng định …“Kiều cố sức bao nhiêu thì đau khổ lại đến với nàng bấy nhiêu. Người ta càng biết rõ lòng hiếu thảo của nàng, càng trông thấy nàng có sức vật lôn với cái đinh mênh… Cái phần tốt phần hay của Kiều là ở chỗ, dù khổ sở như thế nào, nàng cũng giữ được cái tâm trong sạch, cái bụng nhân nghĩa và cái sức cố gắng phấn đấu với nghiệp chướng của mình. Cái giá trị con người ta ở đời cốt là ở chỗ ấy, mà cái nhân cách con người ta có rõ rệt ra, là cũng ở chỗ ấy” ( Lời tựa Trần Trọng Kim viết cho Tuyện Kiều, Nxb Tân Viêt, Saigon,1941)..
Vâng, Rằng hồng nhan tự thuở xưa Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu ?!
Đến đây, từ những xúc động dồn nén trong trái tim người đọc, phải chăng ta có thể hỏi rằng : Nếu điều bạc mệnh không chừa kiếp hồng nhan là cái vốn bẩm sinh, thì không lẽ điều bạc mệnh không thể chừa cái lòng hiếu nghĩa và sự cố gắng vượt qua định mệnh để thể hiện lòng hiếu nghĩa trung trinh hết mực của nàng Kiều ?! Và cũng thế…Khi nói đến nhân quả, dù theo hướng tâm linh của Trời Phật, thì cũng phải nói đến một chút công bằng nào đó của Trời Phật theo cái châm ngôn nhân quả “ ở hiền gặp lành” của chính nhà Phật chứ ! Chẳng lẽ ngoại trừ Kiều ?! Chẳng lẽ thế gian đang hiện hữu này lại hoàn toàn vô cảm, không thể xót thương lòng hiếu nghĩa hết mực trung trinh của nàng Kiều.?! Và ..chẳng lẽ thế gian này không đủ sáng suốt coi đó như là cái nhân giữa cuộc đời trần thế để từ đó cân bằng lại - bằng một cái quả nào đó cũng trần thế - cho người xấu số ?!
Từ chỗ sâu thẳm trong tâm thức của người đoc, rõ ràng hiếu nghĩa của Kiều là một phẩm chất nhân bản. Một phẩm chất nhân bản vừa cá nhân vừa xã hội cao đẹp nhất của Kiều. Hiếu nghĩa là sức mạnh nhất quán vừa là động lực xã hội của Kiều. Nếu quả ở đời có mối liên hệ nhân quả theo phương châm của nhà Phật “ở hiền gặp lành” thì, dù sao, đây cũng chính là lúc cuộc đời của Kiều phải được đền bù …
Vâng, cuối cùng, đây có lẽ cũng là lúc người đọc không vô cảm trước số phận của Kiều có thể mong chờ và đòi hỏi sự định vị lại ngòi bút của chính tác giả…
Chúng ta có thể nghĩ rằng nếu thực thể trời trong cho hay muôn sự tại trời là một sự trải nghiệm tâm linh chưa thật hoàn chỉnh và chưa thật sự trần thế đối với thế giới con người thì phải chăng… đến đây, và giờ đây…trong phần còn lại của Truyện Kiều… Nguyễn Du phải làm cho thực thể tâm linh trời trở thành một TRẢI NGHIỆM VỪA TÂM LINH VỪA TRẦN THẾ sao cho nhân bản hơn và gắn bó hơn với số phận con người hơn …!!!
*
Đúng vậy! Để đáp ứng sự mong chờ “rất trần thế” của người đọc...đoạn tái hồi Kim Trọng xuất hiên…Có thể nói, đên đây, ngòi bút Nguyễn Du đã bắt đầu TRẦN THẾ HÓA LẠI THẾ GIỚI TÂM LINH..
Qua ngòi bút của Nguyễn Du, giờ đây Trời Phật trong Truyện Kiều đã hiện lên với một tâm thế khác. Rõ ràng trời trong cho hay muôn sự tại trời không còn là một thực thể tâm linh vô cảm trước số phận con người…
. …Tâm thành đã thấu đến trời
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân
…Đoạn trường rút sổ tên ra
…. Khi nên Trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau
Đây là lúc cánh cửa mở ra cho sự xuất hiện đoạn tái hồi Kim Trọng! Nguyển Du bổ sung đoạn tái hồi Kim Trọng vào cốt truyện gốc là một chứng cớ : Vâng, chứng cớ vể mối liên hệ đi từ tâm linh trở về trần thế trong trái tim nhân ái… và cả trong bút pháp nghệ thuật của mình…Cốt truyện gốc không có đoạn tái hồi Kim Trong. Nguyễn Du bổ sung một cách sáng tạo đoạn này vào cốt truyện Thanh tâm tài nhân. Tại đây, nhà đại văn hào Nguyễn Du của chúng ta phán xử sự đời không phải bằng một sự chiêm nghiệm đơn thuần tâm linh mà là bằng một trái tim vừa tâm linh vừa trần thế của người nghệ sĩ .Có thể nói đến đây, ở đây, và giờ đây, cái gọi là tâm linh …với Nguyễn Du, đã trở thành một thứ tâm linh có lí tính. Và lí tính ở đây (theo cách nói của Lênin) rõ ràng “ là một thứ lí tính có cơ sở cảm tính một cách vững chắc” từ trái tim trần thế đích thực của con người !...
Có người cho rằng đoạn tái hồi Kim trọng chỉ là một biện pháp nghệ thuật. Theo tôi, nói như thế không sai nhưng chưa đủ. Và nói như thế đúng nhưng còn hời hợt. Nói như thế phải chăng là chúng ta chưa tôn vinh đúng mức giá trị nhân văn sâu sắc trong việc “trần thế hóa cái thề giới tâm linh” từ chỗ sâu thẩm nhất nơi trái tim nghệ thuật của nhà nhân văn - nghệ sĩ thiên tài Nguyễn Du ( qua sự sáng tạo thêm đoạn tái hồi Kim Trọng ) !
Phải, không có gì quá tuyệt tác trong đoạn tái hồi Kim Trọng. Nhưng, nếu không có đoạn tái hồi Kim Trọng mà Nguyễn Du bổ sung, thì với người đọc ý nghĩa xã hội nhân văn của Truyên Kiều chưa đủ rõ. Đặc biệt, nếu không có sự sáng tạo này thì mạch chủ đề tư tưởng sâu kín nhất ẩn trong cái lô gic Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài nơi Truyện Kiềukhông thể có được; và nếu có chăng, nó không đủ sức nặng hình tượng thẩm mĩ theo đúng quy luật văn chương để giải tỏa nỗi bức xúc đang cần được giải tỏa nơi trái tim người đọc …
...Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Phải chăng, ở chỗ kết thúc này, trong trái tim lớn của Nguyễn Du, và qua cái khẩu khí phán xét nhân quả của chính Nguyễn Du , hình như ta có thể cảm nhận được một chút gì thiêng liêng của tâm linh đã chan hòa vào cái thiêng liêng của trần thế, nếu không nói là “tâm linh đã được trần thế hóa”.
*
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Như chúng ta biết, trong Truyện Kiều, theo thống kê, có đến gần 50 chữ trời.Trong đó 30 là trời gắn với sức sống của phong cảnh thiên nhiên. Còn lại, gần 20 lần, trời như là một biểu thức quy chiếu về sắc thái tâm linh theo hướng định mệnh. Nhưng hai chữ trời dùng trong kết luận cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa là hai chữ trời lần đầu tiên được dùng trong thế lặp đối lập. Cách dùng trời gần trời xa với thế ghép đối lập trái nghĩa gần – xa nằm trong văn cảnh thực này, ít nhiều hình như đã trung hòa và giải tỏa bớt cái “sắc thái định mệnh quá linh thiêng ” theo hướng nhìn tâm linh cho hay muôn sự tại trời vốn có của Truyện Kiều. Giờ đây, trong cảm thức người đọc, trời gần trời xa không phải là ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên, cũng không còn nguyên hình là một ẩn dụ về sức mạnh tuyệt đối của định mênh nữa, mà – vâng, trong tâm thức người đọc – hình như đó chỉ là một biểu thức quy chiếu (refering expression) về một sắc thái gián tiếp bắt đầu tự phủ định cái “quá linh thiêng của chính mình” nơi thực thể tâm linh : Trời !
Cũng như vậy, nhưng từ một góc độ khác, ta có thể mạnh dạn nói rõ hơn rằng : Tại đây, trong lòng người đọc, ở chỗ mà sức mạnh trần thế có thể đươc bừng sáng lên một cách rõ ràng này – ở chỗ mà sức mạnh xã hội có thể lấn át sức manh tâm linh trong cách xét đoán nhân quả này – vâng, và ở chỗ mà người đọc cảm thấy không cần phải có một ông trời tâm linh này, thì, tuy dù Nguyễn Du vẫn cho trời xuất hiện, và trời gần trời xa xuất hiện ở đây – qua bút pháp của Nguyễn Du – chắc chắn không còn hoàn toàn là một ông trời tâm linh, một ông trời định mênh, mà là một ông trời trần thế !!!…
Và cuối cùng, khi đã cảm nhận được điều này trong sự rộng mở sức mạnh cảm hứng để chủ động phán xét thực thể trời tâm linh ở cung bậc “trần thế” kia, chắc chắn người đọc sẽ dế dàng hiểu được, vì sao trong phần tóm tắt Truyện Kiều để giớithuyết với người đọc, Nguyễn Du có thể đi xa hơn. Vâng, tại đây, bằng một giọng điệu tổng luận khá mỉa mai, Nguyễn Du chẳng những “trần thế hóa” mà thậm chí còn chủ động “ trần tục hóa” với một cung bậc cực đoan hơn về một ông trời “quen thói đánh ghen”vốn đã từng được chính Nguyễn Du “tâm linh hóa” …
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trãi qua những cuộc bễ dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh QUEN THÓI má hồng ĐÁNH GHEN !
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
*
Tóm lại, nhìn chung về mặt nghệ thuật, nếu đứng từ nguyên tắc tiếp nhận để chủ động xem xét một cách tổng quan cách xác lập và lí giải mối liên hệ nhân quả trong thế giới Truyện Kiều thông qua sức mạnh của đường dây biểu cảm, phải chăng ta có thể hiểu được rằng : Nguyễn Du đã tận dụng tối đa phương thức “tâm linh hóa thế giới trần thế “để khai triển chủ đề Truyện Kiều ; nhưng mặt khác, để mở rộng ý nghĩa xã hội của chủ đề, trong kết thúc, Nguyễn Du đã chủ động “trần thế hóa lại thế giới tâm linh” trong bút pháp và trong xu hướng nghệ thuật của chính mình…Chính từ đó, ta có thể khẳng định thêm : THỰC THỂ TRỜI TÂM LINH kết hợp được cùng lúc trong bản thân nó sự thể hiên đồng thời phẩm chất của hai thế giới – thế giới tâm linh và thế giới trần thế - thực ra cuối cùng cũng chí là một loại hình tượng – vâng, một loại hình tượng không phải của một thế giới xa lạ nào khác, mà đích thực là sản phẩm tinh thần của chính thế giới con người !
Tài liêu tham khảo :
Trần Đình Sử : Những thế giới trong nghệ thuật thơ, H. 1997
Nguyễn Phan Cảnh : Ngôn ngữ thơ , H. 2006
I.R, Galpẻin : Văn bản với tư cách là đối tượng của ngôn ngữ học, H. 87
Nguyễn Lai : Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học. H. 98