Lâu nay, khi tiếp cận phạm trù ẩn dụ khái niệm, chúng ta thường nặng về măt bình phẩm ý nghĩa được cảm thụ hơn là đi vào cơ chế hình thành cần được giải đáp theo hướng nêu trên. Qua thực tế khảo sát một số văn bản thơ, lần đầu tiên, chúng tôi thử đi vào thực thể của cái gọi là KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG nằm trong cơ chế cấu trúc ẩn dụ khái niệm theo cách xác định của Lakoff. “Khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng ; ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng”
THỬ XÁC ĐỊNH NHÂN TỐ “KHÁI NIỆM TRỪU TƯƠNG”
TRONG ẨN DỤ KHÁI NIỆM QUA CÁCH ĐẶT VẤN ĐỀ CỦA G. LAKOFF
Nguyễn Lai
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tiếp cận ẩn du khái niệm, trước hết không thể không nói đến hạt nhân khái niệm.Vì không có hạt nhân khái niệm thì không có tiền đề ngữ nghĩa cho việc hình thành ẩn dụ khái niệm về mặt cấu trúc. Nhận dạng cấu trúc ẩn dụ khái niệm trong văn bản diễn ngôn, do vậy, không đơn thuần chỉ là vấn đề hình thức. Hơn thế, tính tích hợp nội dung - hình thức ở đây bao giờ cũng phải thông qua năng lực tiếp nhận bằng con đường xúc cảm thẩm mĩ gắn với hình tượng. Từ đó, năng lực cảm thụ của người tiếp nhận cũng trở thành nhân tố quan trọng không thể không tính đến.
Mặt khác, khi nhận dạng ẩn dụ khái niêm, không thể không thấy rõ điều này : Khái niệm làm hạt nhân cho ẩn dụ khái niệm ở đây không phải là khái niệm mang tính biểu vật cụ thể, mà là khái niệm mang tính biểu niêm trừu tượng . Hay theo cách nói của Lakoff (1993), “Khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng ; ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG ” (9;75).
Vận dụng cơ chế trên vào thực tiễn nghiên cứu ẩn dụ khái niệm trong văn bản diễn ngôn, thường chúng tôi gặp mấy cái khó: 1/Thế nào gọi là“cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho khái niệm trừu tượng” ? 2/ Cơ chế “ cung cấp suy luận hình tượng hóa” ấy diễn ra như thế nào ?. 3/ Đặc biệt hơn, khi sự “suy luận hình tượng hóa khái niệm trừu tượng “ được hiện thực hóa trong thơ ca, thì cái gọi là khái niệm trừu tượng ấy thực chất là gì ? : Đó là một dạng ngữ mô tả tường minh ? một dạng ý niệm tiền đề ? hay là một biểu thức hàm nghĩa chủ đề ?!
Lâu nay, khi tiếp cận phạm trù ẩn dụ khái niệm, chúng ta thường nặng về măt bình phẩm ý nghĩa được cảm thụ hơn là đi vào cơ chế hình thành cần được giải đáp theo hướng nêu trên. Qua thực tế khảo sát một số văn bản thơ, lần đầu tiên, chúng tôi thử đi vào thực thể của cái gọi là KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG nằm trong cơ chế cấu trúc ẩn dụ khái niệm theo cách xác định của Lakoff. “Khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng ; ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng” (9;75).
2. KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG TRONG NGÔN NGỮ TỰ NHIÊN VÀ KHÁI NIỆM TRỪU TƯƠNG TRONG ẨN DU KHÁI NIÊM ( THEO CÁCH ĐẶT VẤN ĐỀ CỦA LAKOFF)
Trước hết, cần xét cơ chế hoạt động tư duy trong quá trình hình thành khái niệm. Nhìn chung, trong ngôn ngữ học, dù khái niệm cụ thể mang tính biểu vật hay khái niệm trừu tượng mang tính biểu niệm, sự hình thành của chúng nói chung bao giờ cũng là một quá trình nhận thức phổ biến đi từ cảm quan đến tư duy trừu tượng (cơ chế vốn luôn có vai trò quan trọng trong cấu trúc ý nghĩa ngôn ngữ tự nhiên). Còn cái gọi là “ khái niệm trừu tượng” trong ẩn dụ khái niệm theo cách đặt vấn đề của Lakoff, theo chúng tôi, trước hết, nó vốn vẫn là một sản phẩm ngôn ngữ tự nhiên của quá trình hình thành ngôn ngữ . Nhưng ở đây, từ tính năng hệ quả của quá trình hình thành, thực thể này được khảo sát trong tính năng tiền đề của một quá trình khác : Đó làTINH NĂNG TIỀN ĐỀ DẪN XUẤT HÌNH TƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ẨN DU . Nói khác, cách nêu vấn đề của Lakoff “Khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng : ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp câc suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng (9;75)”,thực chất là sự nhấn mạnh khái niệm trừu tượng trong tính năng tiền đề cùng với vai trò dẫn xuất hình tượng trong cơ chế hình thành ẩn dụ khái niệm
Từ đó, trong quá trình nghiên cứu, chúng ta không nên nhầm lẫn khái niệm trừu tượng trong tính năng hệ quả của quá trình hình thành ngôn ngữ tự nhiên với khái niệm trừu tượng trong tính năng tiền đề của quá trình thành ẩn dụ khái niệm . Bởi vì, sự tương tác giữa vùng nguồn và vùng đích trong hình thành ẩn dụ khái niệm bao giờ cũng gắn liền với quá trình vận dụng những tín hiệu ngôn ngữ đã được hình thành để tạo ra tín hiệu thẩm mĩ. Nó hoàn toàn khác với cơ chế tương tác ở cấp độ sơ khởi giữa các giác quan và bộ óc trong quá trình tư duy trừu tượng để làm hình thành tín hiệu ngôn ngữ.
Như vậy, nhìn chung về mặt cơ chế tư duy, ta có thể khái quát a) Khái niệm trừu tượng (trong lĩnh vực hình thành tín hiệu ngôn ngữ tự nhiên ) nằm trong cơ chế tư duy lô gic; b) Khái niệm truu tượng trong ẩn dụ khái niệm ( thuộc lĩnh vực hình thành tín hiệu thẩm mĩ) nằm trong cơ chế tư duy hình tượng .
Đấy là chỗ tinh tế thuộc về chiều sâu giữa hai cơ chế tư duy. Phải chăng, làm sáng tỏ vấn đề theo hướng định vị trên, ta mới có điều kiện xác định rõ phẩm chất và vai trò hạt nhân của khái niệm trừu tượng trong tính năng gấy khiến hình tượng tại cơ chế hình thành ẩn dụ khái niệm theo cách nhìn của Lakoff..Tại đây, rõ ràng, khi thực thi chức năng “cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho khái niệm trừu tượng”, chính ẩn dụ khái niệm – dù muốn dù không – đã tạo ra sức sống xúc cảm thẩm mĩ và trở thành hiện thân của phương thức tư duy hình tượng. Vì, như chúng ta biết, ẩn dụ không chỉ là vấn đề ngôn ngữ mà là vấn đề cấu trúc khái niệm. Và cấu trúc khái niệmở đây - theo Lakoff “ không chỉ là vấn đề trí thức, mà nó bao hàm tất cả những chiều kích tự nhiên cuả trải nghiêm giác quan ( hình dáng, màu sắc, chất liệu, âm thanh v.v.) vốn không những cấu trúc nên những trải nghiệm bình thường mà cả những trải nghiệm thẩm mĩ (1;176) Hiểu được đầy đủ đặc trưng cấu trúc khái niệm của ẩn dụ theo tầm nhìn trên của Lakòff ta mới trở lại thấu rõ hơn vì sao Lakoff đặc biệt coi trọng tiền đề “ suy luận hình tượng hóa” khái niệm trừu tương.tại cơ chế hình thành ẩn dụ khái niệm.
Tóm lại, qua cách hiểu trên, ta có thể một lần nữa khẳng đinh : Cách nêu vấn đề của Lakoff “Khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng; ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp câc suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng”, thực chất, chính là sự nhấn mạnh khái niệm trừu tượng trong tính năng tiền đề cùng với vai trò dẫn xuất hình tượng vốn rất quan trọng của nótrong cơ chế hình thành ẩn dụ khái niệm .
3. KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG CỦA LAKOFF TRONG TÍNH NĂNG TIỀN ĐỀ VÀ TÍNH NĂNG HỆ QUẢ
Đi vào thực tế khảo sát, từ nguyên lí trên, đâu tiên chúng tôi có thể khẳng đinh: Cái gọi là KHAÍ NIỆM TRỪU TƯƠNG nằm trong cách nhìn của Lakoff, thực ra, không dễ xác định. Vì đây không phải là một ngữ mô tả, mà trước hết nó chỉ là một “khái niệm nguồn” mang tính tiền đề của quá trình hình thành ẩn dụ ( Fauconnier gọi là khái niệm tiền đề - Richard goi là bản thể (tenor) đối lập với dụ thể ( vehicle). Dạng khái niệm nguồn mang tính xuất phát theo cách nêu của Lakoff này, dĩ nhiên, là cái đang trong trạng thái chưa được lắp đầy bằng những “suy luận hình tượng hóa”. Theo chúng tôi, đây là điểm quan trọng cần đặc biệt lưu ý. Trong khảo sát, nếu không đứng trên thế động để xác định một cách có ý thức ranh giới này thì ta khó thấy rõ được thực chất trạng thái của cái gọi là khái niêm trừu tượng liên quan đến ẩn dụ khái niệm theo cách đặt vấn đề của Lakoff .
Mặt khác, khi khái niệm trừu tượng ở vào trạng thái “được lắp đầy bằng những suy luận hình tượng hóa” để trở thành hạt nhân của ẩn dụ khái niệm thì hiệu lực của nó bao giờ cũng được xác lập theo hướng hàm nghĩa thông qua chủ đề ( = hàm nghĩa chủ đề ). Theo quy luật, dạng chủ đề mang tính hàm nghĩa không trực tiếp hiển ngôn này thường được nhận biết thông qua con đường cảm thụ thẩm mĩ gắn liền với sự suy luận hình tượng mang tính quy nạp đối với người tiếp nhận.
Theo chúng tôi, có lẽ chỉ có nhận thức theo hướng như thế, ta mới có điều kiện suy rộng thêm để sáng rõ : a/ vì sao khái niệm là hạt nhân của ẩn dụ khái niệm chỉ có thể là “ khái niệm trừu tượng” và b/ vì sao tại đây điều kiện tiên quyết đặt ra cho sự hình thành ẩn dụ khái niệm phải là cung cấp “các suy luận hình tượng hóa “ cho khái niệm trừu tượng ( theo cách đặt vấn đề của Lakoff).
Từ đó, rõ ràng, trong tính thực thể của nó, cơ chế tạo nghĩa ở đây là cơ chế hàm ẩn theo hướng tư duy hình tượng thông qua chủ đề. Suy cho cùng, có lẽ không ngẫu nhiên mà ngay từ thời xa xưa, khi đề cập đến ẩn dụ, Aristotle đã quan tâm đến cách tạo nghĩa theo hướng chủ đề của ẩn dụ.(7;65) Hay nói theo cách khuyến cáo hiên nay của M.Black (2009) “ Hàm nghĩa thật sự của ẩn dụ không tách rời với ý nghĩa chủ đề trong mối quan hệ với khả năng nhận thức của người tiếp nhận”(7;60). Cách nhận thức bản chất ẩn dụ theo hướng tư duy hình tượng trong mối quan hệ với chủ đề này được không ít những nhà nghiên cứu ẩn du quan tâm ( Richards (1936), Michael (1998), Fauconnier (2002)…) ( mặc dù ở ta chủ điểm này chưa được lưu ý đúng mức ).Từ đó, nếu so với cách nhìn từ góc độ tạo nghĩa của Black thì có lẽ cách xác định của Lakoff (khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng, ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng) chỉ mới nhấn mạnh ở khái niệm trừu tượng mặt tiềm năng gây khiến tư duy hình tượng trong tính năng tiền đề, chưa chú ý đến tính năng hệ quảvới sắc thái hàm nghĩa chủ đề của ẩn dụ khái niệm ( mặc dù, theo quy luật chung, cách tạo nghĩa bằng hình tượng luôn phải thông qua chủ đề ) .
4. KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG TRONG TÍNH NĂNG HỆ QUẢ VÀ CƠ CHẾ ”SUY LUẬN HÌNH TƯỢNG HÓA”
Như vậy, trong cách xác định khái niệm trừu tương mà ta muốn hướng tới, bên cạnh cách hiểu khái niệm trừu tượng trong tính năng tiền đề theo cách nhìn của Lakoff, ta không thể không làm rõ tính năng hệ quả của nó trong cơ chế suy luận hình tượng hóa .
Về phương diện này, trước hết, chúng tôi hiểu rằng “suy luận hình tượng hoá” không đơn giản chỉ là quá trình minh hoạ các khái niệm trừu tượng sẵn có bằng con đường đơn thuần lí tính. Về thực chất, đây chính là quá trình đào sâu và rộng mở độ tinh tế của các trường tri giác trong cách nhận thức thế giới một cách chủ động và có định hướng thẩm mĩ của con người. Tại đây, tính biểu cảm thẩm mĩ được xác lập không thể tách rời với thế giới trải nghiệm - một thế giới trải nghiệm được cá thể hoá và trực giác hoá cao độ trên tất cả các cung bậc tri giác để hướng tới hình tượng. Không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà khi nói về lí thuyết sơ đồ hình tượng,Johnson cho rằng ở cấp độ nhận thức, trải nghiệm tri giác (thể hiện qua những sơ đồ hình tượng phái sinh từ các trải nghiệm) được tổ chức trực tiếp thông qua cơ thể con người (10;9) Theo chúng tôi, không thấy được tầm quan trọng của vai trò trải nghiệm tri giác được thực thi trong cấp độ nhận thức theo hướng nhìn của Johnson thì không thể nhận rõ được thế nào là sự tích hợp của hình tượng để từ đó hiểu thấu đáo được cơ chế “suy luận hình tượng hoá” của Lakoff.Tại đây, cơ chế này không đơn thuần chỉ là vấn đề lí tính nhưng nó cũng không đơn giản chỉ là bản năng.Trái lại, đây là một quá trình cảm thụ có định hướng - vâng, một thứ định hướng tích hợp giữa thế giới cảm tính và lí tính vốn được tiến hành một cách năng động từ sự tinh tế có được của chính con người (và chỉ ở con người mới có !). Hiện tượng phức tạp này, từ góc độ lí luận thần kinh học trong ngôn ngữ, Lakoff bước đầu đã chỉ rõ như sau… Suy luận trừu tượng được hình tượng hóa của ẩn dụ khái niệm nhờ vào các phóng chiếu ẩn dụ từ vùng cụ thể (vùng nguồn) lên vùng trừu tượng (vùng đích). Sự phóng chiếu liên thông có tính cấu trúc giữa vùng nguồn và vùng đích này được thực hiện gắn liền với sự hình thành nên các đường dây thần kinh nối liền giữa vùng cảm nhận tri giác với các vùng khác trong não bộ con người.(10;9)
Đến đây, khi đã hiểu cái gọi là “ khái niệm trừu tượng “ của Lakoff trong tính năng tiền đề và cả trong tính năng hệ quả (với quá trình hình thành của nó), ta mới trở lại nhận thức đầy đủ hơn bản chất hạt nhân khái niệm trong cơ chế ẩn dụ khái niệm (vốn có tiền đề từ khái niệm trừu tượng). Và từ tầm nhìn tích hợp trên, ta có điều kiện lí giải thấu đáo hơn : vì sao ẩn dụ khái niệm luôn trở thành hiện thân cho sức mạnh hình tượng của thế giới thi ca. !
Cuối cùng, từ những gì bước đầu được phân tích, ta có thể ghi nhận:
(1) Nếu so với cách nhìn của Black, thì cái được Lakoff gọi là “khái niệm trừu tượng” chỉ mới là một khái niệm tiền đề thuộc về miền nguồn trong quá trình hình thành ẩn dụ. Chỉ khi được lắp đầy bằng những “suy luận hình tượng hóa”, nó mới đích thực trở thành ẩn dụ khái niệm. Và khi ở trạng thái này, sức sống của nó không phải là sức sống hiển ngôn của một ngữ mô tả, mà đấy là một biểu thức hàm nghĩa chủ đề.
2) Hiểu được thực trạng trên, ta mới có điều kiện nhận rõ đích thực hơn thế nào là khái niệm trừu tượng và vì sao “khái niệm trừu tượng” khi được lắp đầy bằng “ những suy luận hình tượng hóa” để trở thành hạt nhân hình tượng của ẩn dụ khái niệm thì, ẩn dụ - Ở ĐÂY, TẠI CƠ CHẾ NÀY- đã có thể vượt khỏi cái gọi là “biện pháp tu từ” với thế so sánh tương đương về mặt từ vựng (như vốn từ lâu chúng ta bị ám ảnh). Nói khác, chính tại cơ chế này, lần đầu tiên – bằng lợi thế của sức mạnh tư duy hình tượng (chứ không phải một áp lực nào khác!) - ẩn dụ không còn là THỦ PHÁP TU TỪ, mà nó đã tự bộc lộ đích thực là PHƯƠNG THỨC TƯ DUY - tạo ra nguồn xúc cảm thẩm mĩ cho thế giới thơ ca
(3) Chính từ đó, ta càng hiểu rõ thêm, vì sao qua ẩn dụ khái niệm, ta có thể đi vào bản chất năng động tiêu biểu nhất của thế giới ẩn dụ trong thơ ca để từ đó có ý thức rõ hơn về một dạng cơ chế ẩn dụ rất rộng mở, hiện thân cho sức mạnh sáng tạo hình tượng…
5. KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG TRONG TÍNH NĂNG HỆ QUẢ VỚI CÁC DẠNG HÀM NGHĨA CHỦ ĐỀ TRONG ẨN DỤ KHÁI NIỆM
Sau khi phân giới hai tính năng có thể có của khái niệm trừu tượng trong ẩn dụ khái niệm, chúng tôi đi vào KHÁI NIỆM TRỪU TƯỢNG TRONG TÍNH NĂNG HỆ QUẢ qua một số cấu trúc thơ ca . Trong tính năng này, khi được coi như là một dấu hiệu hàm nghĩa chủ đề nằm trong quá trinh khảo sát , thì – về mặt cấu trúc – khái niệm trừu tượng có thể xuất hiện dưới nhiều dạng : 1/ dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề hoàn toàn tan biến trong hình tương của cấu trúc ẩn dụ, 2/ dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề hiện nguyên hình như một ngữ mô tả 3/ dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề được cụ thể hóa bằng nhiều lớp khái niệm cùng trường .
1. Dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề hoàn toàn tan biến trong hình tương qua cơ chế cấu trúc
Từ cách giới thuyết trên, qua nghiên cứu, chúng tôi thử nêu 2 ví du tương đối tiêu biêủ cho dạng khái niệm trừu tượng không có sự hiển ngôn trực tiếp trong cấu trúc ẩn dụ khái niệm
Ví dụ 1
… Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng
( Thu rừng - Huy Cận)
Ví dụ 2
… Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
(Thề non nước -Tản Đà)
Nếu từ quá trình cảm nhận đầy đủ văn bản Thu rừng và Thề non nước rồi trở lại phân tích cấu trúc thì, với những trường hợp trên, bước đầu ta có thể nói được rằng : Cả hai ẩn dụ đều có hàm nghĩa chủ đề là CÔ ĐƠN. Đúng hơn, tại đây, khái niệm trừu tượng CÔ ĐƠN đã được nhà thơ “ suy luận hình tượng hóa” qua hình tượng thiên nhiên theo cách trải nghiệm của chính riêng minh .
Nói khác, khái niệm trừu tượng CÔ ĐƠN (không hiển ngôn ) ở đây là ý niệm tiền để, là cảm hứng nguồn của Tản Đà và Huy Cân. Qua trải nghiêm của riêng minh, Tản Đà “suy luận hình tượng hóa” nó theo hương ..nước non năng một lời thề, nước đi đi mãi hông về cùng non..Trong lúc đó, cũng bằng trải nghiệm riêng, nhưng Huy Cân lai…sắc trời trôi nhạt dưới khe, chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng…Rõ ràng, ở đây, trong sáng tạo thơ ca, đối với nhà thơ, chẳng những cách tư duy ẩn dụ keo theo cách biểu đạt ẩn dụ mà còn cả … cách biểu đạt ẩn dụ luôn kéo theo dấu vết trảỉ nghiệm cá thể riêng biệt của người nghệ sĩ vào hình tượng..
Như vậy, rõ ràng, nếu “ ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp câc suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng” thì khái niệm trừu tượng ở đây được ngầm hiểu chính là sự CÔ ĐƠN ( đúng hơn là tâm trạng cô đơn đau đời mang ý nghĩa xã hội của nhà thơ trong dòng thơ lãng mạn). Tại đây, khái niệm trừu tượng CÔ ĐƠNđược bút pháp lãng mạn hiện thực hóa vào đối tượng thiên nhiên, qua đó, tác giả đã hóa thân vào thiên nhiên đồng thời biến thiên nhiên thành nạn nhân của sự CÔ ĐƠN. Không hiểu được tâm trạng và bút pháp trên của nhà thơ thì ta không thể có ý niệm trừu tưong CÔ ĐƠN để từ đó có thể nhân ra đâu là xuất phát điểm của quá trình “cung cấp sự suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng“ trong kiến tạo ẩn dụ. Trạng thái “ suy luận hình tượng hóa “ thực chất là một hoạt động nhận thức mới Theo Fauconnier (2002), “Đây là quá trình lấy ý nghĩa khái niệm làm điểm xuất phát, thông qua hình thức ngôn ngữ, tìm ra cấu trúc ngữ nghĩa với sự tri nhận và phân tích tinh tế sự hình thành khái niệm mới” (7;77) Hay, đúng như Lakoff đã nêu :” Chỉ có ẩn dụ mới có khả năng tạo ra cách hiểu mới, và điều này rõ nhất trong các ẩn du thơ ca, khi ngôn ngữ là một phương tiện làm cho các ẩn dụ khái niệm mới được hình thành” (1;176 ) Như vậy, có thể nói, khi nhà thơ tư duy bằng ẩn dụ hóa khái niêm, thì, chính trong luc ẩn dụ hóa khái niệm đẻ tư duy ấy – dù muốn dù không – là nhà thơ đã dùng từ ngữ được ẩn dụ hóa để diến đạt . Và ở trạng thái này, đúng vậy,“ cách tư duy ẩn dụ đã kéo theo cách biểu đạt ẩn dụ”, vì vậy,“chỉ có qua sự tường minh bằng ngôn từ trong cách biểu đạt ẩn dụ, ta mới nhận ra đích thực đâu là cái mới trong cách tư duy ẩn du” (7;76)…
Cuối cùng, khi được lắp dây bằng “những suy luận hình tượng hóa” thì khái niêm trừu tượng CÔ ĐƠN được nhận thức như là một dạng hàm nghĩa chủ đề. Tại đây, nó được cấu trúc hóa theo hướng không dễ trực tiếp nhận biêt. nếu không gắn nó với ý nghĩa tác phẩm và bút pháp của tác giả trong mối liên hệ với văn cảnh xã hội từ chiều sâu ( theo cách phân tích của phê bình diễn ngôn hiện nay!). Trong trường hợp này, nếu phân tích theo cách hiểu của Black , có lẽ ta cần nhấn mạnh hai điều :
(1) CÔ ĐƠN (không tường minh) chính là hàm nghĩa chủ đề thật sự của cả 2 ẩn dụ khái niệm ( + Sắc trời trôi nhạt dưới khe Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lung…+ Nước non nặng một lời thề Nước đi đi mãi không về cùng non…)
(2) Và đặc biêt, CÔ ĐƠN được tạo nghĩa không tách rời với hướng hàm nghĩa chủ đề ở đây chỉ có thể trở thành hiện thực qua khả năng nhân thức chủ quan của chính người tiếp nhận.
Như vậy, nếu xem khái niệm trừu tượng CÔ ĐƠN là một dạng hàm nghĩa chủ đề của ẩn dụ khái niệm thì rõ ràng, tại đây, nó không còn ở trạng thái tiền đề, mà nó chính là hệ quả, tức là cái được hình thành một cách tích hợp cùng với quá trinh suy luận hình tượng hóa . Sở dĩ như vậy là vì, tại đây , nói theo Lakoff , “ẩn dụ xuất phất từ một miền ban đầu tương đối quen thuộc ánh xạ đến miền không quen thuộc và khó giải thích”(7;77)
2. Dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề với trạng thái hiển ngôn trong cấu trúc ẩn dụ khái niệm
Theo nguyên tắc tạo nghĩa với hướng hàm nghĩa chủ đề của loại hình nghệ thuật ngôn từ nói chung (bao hảm cả ẩn dụ khái niêm) thì khái niệm trừu tương - với dạng hàm nghĩa chủ đề trong ẩn dụ khái niệm - phần lớn không trực tiêp xuất hiện dưới hình thái hiển ngôn . Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát diễn ngôn thơ ca, không phải không có trường hợp khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề xuất hiện với dạng trực tiếp hiển ngôn. Chẳng hạn PHŨ PHÀNG trong ẩn dụ khái niệm nằm ở khổ thơ sau tại Truyện Kiều :
… PHŨ PHÀNG chi bấy hóa công
Ngày xanh mòn mõi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng
( Kiều - Nguyễn Du))
Khái niệm trừu tượng PHŨ PHÀNG trong trường hợp này, thực ra không hẳn là một ngữ mô tả bình thường. Có thể hiểu đây vẫn chỉ là dấu hiệu hiển ngôn cho một sự hàm nghĩa chủ đề .Tại đây, nếu khảo sát từ bình diện cấu trúc ngôn ngữ để trở lại cảm nhận hình tượng thì, khi xuất hiên, khái niệm trừu tượng PHŨ PHÀNG này có 2 vai : (1) vai chủ điểm cho quá trình diễn dịch , (2) đồng thời cũng là vai hàm nghĩa chủ đề cho quá trình quy nạp.
Như vậy, khái niệm trừu tượng PHŨ PHANG ( đúng hơn là sự bị phũ phàng trong bất hạnh ) ở đây, trên bề mặt cấu trúc văn bản, rõ ràng, đã được “ suy luận hình tượng hóa “ theo hướng diễn dịch :
… PHŨ PHÀNG chi bấy hóa công
Ngày xanh mòn mõi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng
( Kiều_- Nguyễn Du)
Và một ví du tương tự tiếp theo qua khái niệm trừu tương BẼ BÀNG Khái niệm trừu tượng BẼ BÀNG ở đây, trên bề măt cấu trúc, vẫn được “ suy luận hình tượng hóa “ theo hướng diễn dich :
… BẼ BÀNG mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày mong mai chờ.
Chân trời góc biển bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai…
(Kiều – Nguyễn Du)
Khái niêm trừu tượng PHŨ PHÀNG (ví dụ 1) và BẼ BÀNG (ví dụ 2) ở đây đều có 2 vai : (1) vai mở đầu cho quá trình diễn dịch, (2) đồng thời cũng chính là vai hàm nghĩa chủ đề cho quá trình quy nạp. Khi ở chức năng 2, PHŨ PHÀNG và BẼ BÀNG nên được coi là những ký hiệu hiển ngôn cho sự hàm nghĩa chủ đề, không nên hiểu đấy chỉ là ngữ mô tả thông thường. Tại đây, theo chúng tôi, do vậy, cũng cần đặc biệt chú ý điều này : Tuy không phải là ngữ mô tả, nhưng thông thường, khi đứng ở vị trí đầu cấu trúc, chúng được coi như là một điểm tựa chi phối quá trình khai triển chủ đề theo định hướng vừa diễn dịch vừa quy nạp qua nhiều cung bậc tương tác giữa cảm xúc và trí tuệ. (Phải chăng, nghĩ cho cùng, cơ chế hai mặt này chính là tiền đề từ chiều sâu đã quy định phẩm chất trừu tượng tất yếu cần có của đơn vị khái niệm trừu tượng trong ẩn dụ khái niệm từ cách nhìn của Lakoff ?!)
3. Dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề được hiện thực hóa qua nhiều cung bậc khái niệm cụ thể có cùng phạm vi trường nghĩa
Loại này rất phổ biến, dễ tìm thấy và dễ nhận dạng vì chúng được vận dụng nhiều trong cách khai triển thơ ca. Khảo sát loại cấu trúc này, chúng tôi không thể không chú ý đến sự hóa thân của khái niệm trừu tượng mang tính chủ đề vào nhiều cấp độ khác nhau được phân bố trong cách xác lập cấu trúc. Tại đây, sự hiển ngôn của các dạng khái niệm cụ thể ( cấp độ thấp) trực tiếp mang tính cảm giác, cảm xúc, ấn tượng. Chúng vốn là những yếu tố có cùng phạm vi trường nghĩa và liên thông với khái niệm trừu tượng nhưng lại nằm ở cấp độ cụ thể giàu tính trực giác. Tại đây, chúng chính là nhân chứng thực thi chức năng “ cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho khái niệm trừu tượng”để tạo nghĩa theo hướng xúc cảm thẩm mĩ đối với người đọc
. Ví dụ khái niệm trừu tượng BẤT HẠNH. Khái niệm trừu tượng này có thể được cụ thể theo nhiều cấp độ :
BẤT HẠNH => CÔ ĐƠN => BƠ VƠ
( bơ vơ, cô đơn và bất hạnh có cùng trường khái niệm nhưng bơ vơ là sự cụ thể hóa trạng thái cô đơn và bất hạnh : BẤT HẠNH > CÔ ĐƠN > BƠ VƠ )
Có thể nói, khái niệm trừu tượng CÔ ĐƠN ở những câu thơ sau được hình thành cùng với quá trình “ suy luận hình tượng hóa” bằng nét nghĩa cùng trường ở cung bậc thấp :
Ví dụ 1.
Trời đông vừa rạng ngàn dâu
BƠ VƠ nào đã biết đâu là nhà !
( Kiều - Nguyễn Du)
Ví dụ 2.
Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá
Hai người nhưng không bớt BƠ VƠ
(Trăng - Xuân Diệu)
Trong những câu thơ trên, BƠ VƠ chính là hiện thân và là sự trực giac hóa của CÔ ĐƠN. Như vậy, khái niệm trừu tượng có vai trò hạt nhân đối với hai cấu trúc ẩn dụ trên nên được hiểu là CÔ ĐƠN hơn là BƠ VƠ. Tại đây, BƠ VƠ là sự trực giác hóa và cụ thể hóa trạng thái CÔ ĐƠN. Theo chúng tôi, nêú không có sự suy luận hình tượng hóa trong mối liên hệ với chủ đề của tác phẩm thì ta khó thấy được tính chất liên thông cùng trường nghĩa giữa BẤT HẠNH, CÔ ĐƠN và BƠ VƠ
Và cũng theo tinh thần trên, khái niệm trừu tượng LÒNG TIN và TINH THẦN LẠC QUAN được cụ thể hóa bằng NIỀM VUI qua hai ẩn dụ khái niệm sau :
Ví dụ 1/
Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới
Bạn đời ơi VUI chút với trời hồng (Tố Hữu)
Ví dụ 2/
Ngày mai tất cả sẽ là chung
Tất cả sẽ là VUI và ánh sáng (Tố Hữu)
Tại đây, nếu không dựa vào cơ chế “suy luận hình tượng hóa” thì ta khó thấy mối quan hệ liên thông giữa LÒNG TIN > TINH THẦN LẠC QUAN > NIỀM VUI ( cũng như khó thấy mối liên hệ giữa BẤT HẠNH > CÔ ĐƠN > BƠ VƠ). Đối với nhà thơ, thế giới cảm tính và thế giới lí tính ở đây – trong tính hiện thực của nó – không bao giờ bị chia tách một cách siêu hình. Hay nói theo cách diễn đạt của Lenin…Cảm tính chính là cái lí tính được thấy trước, và lí tính chính là cái cảm tính được hiểu biết ( BKTH tr. 532). Quy luật này phải chăng cũng chính là chìa khóa giúp ta có cơ sở suy nghĩ để giải mã chẳng những mối liên thông cấp độ giữa các trường nghĩa trong cách khai triển ẩn dụ, mà hơn thế, nó còn làm ta nhân rõ thêm bản chất của hiện tương suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng.
6. MẤY KẾT LUẬN CHUNG
1. Ẩn du khái niệm được hình thành không thể tách khỏi hạt nhân khái niệm trừu tượng. Nhìn chung, khái niệm trừu tượng trong ẩn dụ khái niệm, về bản chất, không phải là một loại ngữ mô tả sẵn có. Thực chất, nó là một dạng hàm nghĩa chủ đề được xác lập bằng con đường suy luận hình tượng hóa, vốn là sản phẩm tất yếu của quá trình tạo nghĩa theo hướng ánh xạ. ( Chính vì được tạo nghĩa theo phương thức ánh xạ, nên trong quá trình xuất hiện, nó có thể được khảo sát theo nhiều góc độ khác nhau ) .
2. Không nhận rõ cơ chế trên, ta không thể hiểu được đặc tính vừa tiền đề vừa hệ quả gắn với quá trình hình thành của nó trong cấu trúc ẩn dụ khái niệm. Chỉ qua cách nhìn này ta mới có thể nhận ra rằng : Cách xác định của Lakoff “Khái niệm cũng có thể cụ thể và cũng có thể trừu tượng : ẩn dụ khái niệm có nhiệm vụ cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho các khái niệm trừu tượng”, thực chất là sự nhấn mạnh khái niệm trừu tượng trong tính năng tiền đề cùng với vai trò dẫn xuất hình tượng vốn rất quan trong của nó trong quá trình hình thành ẩn dụ ..
3/ Và tại đây, khi đã hiểu đầy đủ khái niệm trừu tương trong chức năng hệ quả như là một dạng hàm nghĩa chủ đề của ẩn dụ khái niệm thì, từ thực tế khảo sát ( qua những cách thể hiện khác nhau có thể có về mặt hình thái cấu trúc của nó ) , ta có thể ghi nhận thành 3 dạng : (1) dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề không trục tiếp hiển ngôn (2) dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề trực tiếp hiển ngôn (3) dạng khái niệm trừu tượng hàm nghĩa chủ đề được phân bố qua cấp độ trung gian cùng trườngkhái niệm..
4/ Cuối cùng, dù xét dạng khái niệm trừu tương nào trong cấu trúc ẩn dụ khái niệm chúng ta đều phải tiếp nhận nó theo con đường cảm thụ văn chương . Vì bản chất ẩn dụ khái niệm là một hình thái nghệ thuật ngôn từ tạo nghĩa theo định hướng hàm nghĩa chủ đề thông qua con đường truyền cảm bằng sự suy luận hình tượng hóa. Và tại đây, cần luôn nhớ rằng – theo Black – “ hàm nghĩa thật sự của n dụ luôn không tách rời với ý nghĩa chủ đề trong mối quan hệ với khả năng nhận thức của người tiếp nhận” ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ M. Lakoff & G.Johnson Metaphors we live by, University of Chocago Press,1980
2/ M.Lakoff The comtemporary theory of metaphor Cambridge University Press,1993
3/ I.A.Richards. The Philosophy of Rhetoric, Oxford University Press, 1936
4/ G. Fauconnier Mappings in Thought and language, 1997
5/ G. Fauconnier The way we think (Basis Books) New York 2002
6/ M. Black Metaphor and Thougt Cambridge University Press. 1998
7/ Trịnh Thanh Huệ Nghiên cứu ẩn dụ phương Tây T/c Ngôn ngữ số 01/2012 (từ tr.63 – 80)
8.Nguyễn Hoà Hệ hình nhận thức trong nghiên cứu ngôn ngư T/c Ngôn ngữ số 1/07/.
9 Đào Thị Hà Ninh, G.Lakoff và một số vấn đề về ngôn ngữ học tri nhận T/c Ngôn ngữ số 5/05 (từ tr. 69 – 75)
10/ Nguyễn Lai Cảm nhận và suy nghĩ về ẩn dụ khái niệm trong thế giới thơ ca T/c Ngôn ngữ số 10/09 (từ tr. 1 – 10)