Trong bối-cảnh đất nước ta từ bỏ nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong xu thế mở cửa hội nhập với không gian kinh tế khu vực và toàn cầu, trong điều kiện sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới, tiếng Việt đã không ngừng phát triển theo hướng hiện đại hoá, mở rộng chức năng, mở rộng phạm vi hoạt động. Để tiếng Việt tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta cần định ra chiến lược phát triển hợp lí, trong đó đặc biệt chú ý đến việc xác định các nguyên tắc xây dựng hệ thống thuật ngữ, đáp ứng kịp tốc độ phát triển khoa học kĩ thuật.
Đặc điểm của thuật ngữ tiếng Việt (phần 1)
PGS.TS. Hà Quang Năng
Nguồn: T/C Từ điển học & Bách khoa thư, số 2 (11-2009) và số 3 (1-2010))
Hơn nửa thế kỉ qua, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếng Việt đã có một vị thế quan trọng trong xã hội Việt Nam và trên trường quốc tế. Tiếng Việt giữ địa vị chính thống, được sử-dụng làm ngôn ngữ chung trong mọi hoạt động của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất và khoa học kĩ thuật công nghệ, đòi hỏi tiếng Việt cũng phải phát triển nhanh chóng, trước hết là trong lĩnh vực thuật ngữ khoa học. Trong lịch sử hiện đại nước ta đã từng có bốn lần tiếng Việt đứng trước yêu cầu phát triển nhanh chóng để thích hợp với sự chuyển mình của xã hội như vậy. Lần thứ nhất là đầu thế kỉ XX. Trước sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, giao thông, kinh tế, pháp luật… phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, sự phát triển của các ngành khoa học, sự du nhập văn hoá Âu châu, sự đổi mới trong nếp sinh hoạt, nếp nghĩ của một bộ phận dân cư… tiếng Việt đã có sự phát triển rất mạnh về từ vựng và cả một phần cú pháp. Đặc biệt, trong thời kì này, vốn liếng thuật ngữ khoa học ban đầu của nước ta đã được hình thành, chữ Quốc ngữ được truyền bá rộng rãi. Lần thứ hai là sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trước sự chuyển mình của đất nước ta từ một nước nửa phong kiến thuộc địa sang một nước cộng hoà dân chủ độc lập, với quan hệ xã hội kiểu mới, cách nghĩ mới, nếp sống mới của toàn bộ dân cư, với sự tăng nhanh số người tham gia đời sống, chính trị, văn hoá xã hội, tiếng Việt đã giữ vai trò ngôn ngữ quốc gia với sự mở rộng chức năng và sự dân chủ hoá, chữ viết trở thành thứ văn tự bắt-buộc phải học đối-với toàn thể dân cư. Lần thứ ba là những năm 60. Trước yêu-cầu của 3 cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá, cách-mạng khoa học kĩ thuật, trước sự phát triển mạnh mẽ của tất cả các ngành khoa học và giáo dục, sự phát triển giao lưu quốc tế, tiếng Việt đã hoàn thành quá trình hiện đại hoá, dân chủ hoá và mở rộng chức năng được bắt đầu từ hai giai đoạn trước. Trong hoàn cảnh đó, hệ thống thuật ngữ tiếng Việt đã có những bước phát triển vượt bậc. “Vào cuối thập kỉ 60, đầu thập kỉ 70, tổ thuật ngữ thuộc Uỷ ban Khoa học kĩ thuật Nhà nước (…) đã tổ chức biên soạn một loạt các từ điển đối dịch thuật ngữ cho hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội” [8, 20]. Đây là công sức của rất nhiều nhà khoa học ở miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ. “Những cuốn từ điển này có vai trò lịch sử rất quan trọng (…) đánh dấu một giai đoạn, một quá trình phát triển và bước đầu hoà nhập của khoa học Việt Nam với khoa học quốc tế, đồng thời góp phần chuẩn hoá thuật ngữ (…) phản ánh không khí sôi nổi của công việc chuẩn hoá thuật ngữ, chuẩn hoá tiếng Việt cuối thập kỉ 60, đầu thập kỉ 70” [8, 21]. Lần thứ tư là sau năm 1985. Trong bối-cảnh đất nước ta từ bỏ nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong xu thế mở cửa hội nhập với không gian kinh tế khu vực và toàn cầu, trong điều kiện sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới, tiếng Việt đã không ngừng phát triển theo hướng hiện đại hoá, mở rộng chức năng, mở rộng phạm vi hoạt động. Để tiếng Việt tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta cần định ra chiến lược phát triển hợp lí, trong đó đặc biệt chú ý đến việc xác định các nguyên tắc xây dựng hệ thống thuật ngữ, đáp ứng kịp tốc độ phát triển khoa học kĩ thuật. Trong giai đoạn này các từ điển thuật ngữ phát triển rầm rộ, đặc biệt là thuật ngữ của những ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghệ mới phát triển như tin học, điện tử viễn thông. “Các từ điển thuật ngữ chuyên ngành, ngoài chức năng phản ánh trình độ phát triển của khoa học, còn có chức năng chuẩn hoá và thống nhất thuật ngữ, thúc đẩy sự phát triển khoa học kĩ thuật trong nước, mở rộng sự giao lưu, học hỏi và hợp tác quốc tế” [8, 21]. Theo thống kê của Chu Bích Thu, tính từ 1994 đến tháng 6-1999 có 118 cuốn từ điển song ngữ thì có tới 55 cuốn là từ điển đối dịch thuật ngữ (chiếm khoảng 47%) [8, 21]. Số-lượng từ điển thuật ngữ của các ngành chuyên môn cũng thay đổi. Trong số 55 cuốn từ điển thuật ngữ đối chiếu xuất bản sau năm 1993 có tới 15 cuốn từ-điển thuật ngữ đối chiếu ngành kinh tế, phản ánh sự giao lưu thương mại khi có chính sách mở cửa. Với những ngành khoa học công nghệ mới phát triển như tin học, số lượng các từ điển đối chiếu tăng lên nhanh chóng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Cụ thể là “chỉ trong 5 năm (1994-1999) đã có 22 cuốn từ điển thuật ngữ đối chiếu được phát hành, trên tổng số 30 cuốn, tính từ 1973, năm mà cuốn từ điển tin học đầu tiên của Việt Nam được xuất bản” [8, 21]. Trải qua hơn nửa thế kỉ, thuật ngữ tiếng Việt đã có những bước phát triển nhanh chóng về số lượng. Đáng chú ý hơn, bên-cạnh mặt số lượng, thuật ngữ tiếng Việt đã thay đổi cả về chất.
1. Vài nét về sự hình thành và phát triển của thuật ngữ tiếng Việt
2. Các con đường xây dựng thuật ngữ tiếng Việt
2.1. Thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường
Con đường thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là con đường biến đổi và phát triển nghĩa của từ để tạo ra một nghĩa mới (nghĩa thuật ngữ). Thực chất nghĩa thuật ngữ đó là một nghĩa phái sinh trên cơ sở nghĩa ban đầu của từ ngữ thông thường hoặc trên cơ sở một hay một vài nét nghĩa cơ bản trong cấu trúc biểu niệm của từ. Khả năng biến dạng ý nghĩa của từ nhiều nghĩa thông thường (nghĩa biểu niệm) có thể đi đến giới hạn là nghĩa thuật ngữ. Đó là trường hợp mặt biểu hiện (vỏ ngữ âm) của từ và cái biểu vật giữ nguyên không thay đổi, còn ý nghĩa thì thay đổi. Theo Ju. X. Stepanov, những ý nghĩa thay đổi nằm trong bước chuyển từ quan niệm này sang khái niệm đơn giản rồi sau đó phát triển và làm phong phú thêm khái niệm đó. Sự khác nhau về ý nghĩa đó được A. A. Potebnja phân biệt thành hai loại – ý nghĩa gần nhất và ý nghĩa tiếp theo. “Khi nói đến ý nghĩa của từ thì nói chung, ta phân biệt hai cái khác nhau; một là cái mà ngôn ngữ học nghiên cứu gọi là ý nghĩa gần nhất của từ; hai là cái mà khoa học khác phải nghiên cứu gọi là ý nghĩa tiếp theo của từ” [12, 45]. Theo cách hiểu này thì từ mặt trăng có nghĩa gần là “một tinh tú toả sáng ban đêm; tháng”, còn ý nghĩa xa, nghĩa thuật ngữ là một khái niệm “vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, phản chiếu ánh sáng của Mặt Trời và chiếu sáng Trái Đất về ban đêm, có hình dạng nhìn thấy thay đổi dần từng ngày – từ khuyết đến tròn và ngược lại” [9, 621]. Trong quá trình biến đổi, phát triển nghĩa của từ nhiều nghĩa, ý nghĩa thuật ngữ vẫn còn nằm lại trong hệ thống ý nghĩa của từ xuất phát của ngôn ngữ chung. Ý nghĩa thuật ngữ này vẫn còn gắn liền với một ý nghĩa nào đó của từ ngữ thông thường. Quá trình phát triển các ý nghĩa của từ nhiều nghĩa theo hướng từ nghĩa thông thường đến nghĩa thuật ngữ chính là quá trình biến đổi nghĩa từ vựng của từ thông thường theo hướng từ nghĩa biểu thị (denotational meaning) thuộc tầng nghĩa thực tiễn (pratical stratum) chuyển thành nghĩa biểu niệm khái niệm khoa học (scientific concept) thuộc tầng nghĩa trí tuệ (intellectual stratum) theo quan niệm của Lê Quang Thiêm [7, 1-10]. Có thể nêu ra hàng loạt ví dụ về quá trình biến đổi và phát triển nghĩa của từ thông thường để tạo ra một nghĩa phái sinh là nghĩa thuật ngữ.
No là một tính từ có nghĩa thông thường là “Ở trạng thái nhu cầu sinh lí về ăn uống được thoả mãn đầy đủ. Bữa no bữa đói. No cơm ấm áo” [9, 731]. Từ nghĩa gốc, nghĩa cơ bản này, no được dùng với nghĩa chuyển là nghĩa thuật ngữ để biểu thị các chất hoá học “(Hợp chất hữu cơ) không thể kết hợp thêm nguyên tố nào nữa. Methan là một carbuar no” [9, 731]. Trong trường hợp này, giữa nghĩa gốc, nghĩa cơ bản và nghĩa thuật ngữ còn nhận rõ mối quan hệ dựa trên một nét chung “ở trạng thái đủ, thoả mãn” để đảm bảo sự tương đồng, hay tương cận về những thuộc tính của các sự vật, hiện tượng được phản ánh trong khái niệm do từ ngữ biểu thị.
Thực chất của phương thức này là sử dụng những yếu tố và mô hình cấu tạo từ vựng tiếng Việt để dịch nghĩa những thuật ngữ tương ứng trong tiếng nước ngoài. Ví dụ: cầu truyền hình là sự sao phỏng của TV bridge, trong đó truyền hình tương ứng với TV, còn cầu tương ứng với bridge. Cũng vậy, giáo dục cộng đồnglà sự sao phỏng của community college, trong đó giáo dục tương ứng với college, còn cộng đồng tương ứng với community. Thể khí là sao phỏng của corps gazeux, hay gaseous body, gazoobraznoje telo, trong đó thể tương ứng với body, corps, telo, còn khí tương ứng với gazeux, gaseous và gzoobraznoje. Hàng loạt các thuật ngữ nước ngoài được sử dụng trong tiếng Việt theo phương thức sao phỏng cấu tạo từ và sao phỏng ý nghĩa.
2.2. Sao phỏng và dịch nghĩa
Sao phỏng cấu tạo từ là quá trình dùng chất liệu của tiếng Việt để cấu tạo một đơn vị từ vựng dựa theo mô hình kết cấu của đơn vị tương ứng trong tiếng nước ngoài. Thực chất của phương thức này là dịch từng thành tố cấu tạo thuật ngữ hoặc từng từ trong thành phần cấu tạo thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Ví dụ: perestrojka: đổi mới; community college: giáo dục cộng đồng; online service: dịch vụ trực tuyến;distant learning: học tập từ xa…
Sao phỏng ý nghĩa là quá trình dịch khi người dịch không tìm được từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa tương đương với từ ngữ nước ngoài cần dịch, do đó người dịch phải tạo ra một từ ngữ khác trong ngôn ngữ của mình để diễn đạt ý nghĩa mới mẻ đó. Ví dụ: television: vô tuyến truyền hình; camera: máy quay phim; air plane: máy bay; keybroard: bàn phím,…
Vốn từ tiếng Việt hiện nay, trong đó vốn đã có rất nhiều yếu tố gốc Hán đã có mức độ Việt hoá rất cao, hoàn toàn có đầy đủ chất liệu và khả năng để cấu tạo nên phần lớn thuật ngữ khoa học mà vẫn đảm bảo tính chính xác lại vừa có tính hệ thống. Chính vì thế, hiện tượng các thuật ngữ Việt dần dần thay thế những thuật ngữ Hán đang diễn ra hàng ngày trên sách báo. Ví dụ: hàng không mẫu hạm thay bằng tàu sân bay; không phận thay bằng vùng trời; thuỷ âm thay bằng âm đầu; chung âm thay bằng âm cuối,…
“Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy thuật ngữ trong tiếng Việt, cũng như trong các ngôn ngữ đã phát triển khác hình thành nhờ ba con đường cơ bản là: 1) thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường; 2) cấu tạo những thuật ngữ tương ứng với thuật ngữ nước ngoài bằng phương thức sao phỏng và 3) mượn nguyên thuật ngữ nước ngoài (thường là những thuật ngữ có tính quốc tế” [2, 26].
Trong quá trình phát triển, thuật ngữ tiếng Việt ngày nay càng ngày càng dễ hiểu dễ dùng đối với quảng đại quần chúng. Rất nhiều các thuật ngữ tiếng Việt (như thuật ngữ kinh tế, các thuật ngữ thuộc lĩnh vực chính trị – xã hội, khoa học xã hội và nhân văn) được hình thành từ các từ ngữ đời sống hàng ngày. Nói cách khác, quá trình thuật ngữ hoá các từ ngữ thông thường đã làm giảm bớt tính bác học của thuật ngữ, làm cho chúng có một diện mạo “cận dân” hơn và gần gũi với quần chúng hơn. Ví dụ: rao bán, trả góp, tiền trao tay, giá đặt mua, giá chào… (thuật ngữ kinh tế); vùng sâu, vùng xa, học chay, khoanh nợ, xoá đói, chăm sóc sức khoẻ sinh sản… (thuật ngữ chính trị – xã hội), đĩa cứng, đĩa mềm, ổ cứng, chuột, tệp, cắt, sao chép, dán, mạng, kết nối, tải về,… (thuật ngữ tin học).
Tất nhiên, để biểu thị những khái niệm khoa học chung, người Việt đã sử dụng những yếu tố và phương thức cấu tạo từ vốn có của tiếng Việt để tạo thành thuật ngữ. Các yếu tố tham gia cấu tạo thuật ngữ đều là những yếu tố có nghĩa, tức là những yếu tố có tư cách làm hình vị (kiểu như máy, nửa, hoá, thể…). Về nguồn gốc, các yếu tố này có thể là thuần Việt, có thể là Hán – Việt. Thực tế cho thấy, rất nhiều thuật ngữ trong lĩnh vực chính trị – xã hội (như triết học, chính trị, kinh tế, luật pháp, thương mại…) được chuyển dịch sang tiếng Việt bằng các yếu tố Hán Việt (mâu thuẫn, tư bản chủ nghĩa, giá trị thặng dư, thị trường hối đoái, tín dụng, cạnh tranh, cổ phần, phụ cấp sinh đẻ…). Các thuật ngữ nước ngoài được chuyển dịch sang tiếng Việt vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, nguyên tắc của thuật ngữ – đó là tính một nghĩa và tính chặt chẽ về cấu trúc. Ví dụ: telephone: điện thoại; formule: công thức; reaction: phản ứng; electron: điện tử; telecommunication: viễn thông…
Cấu tạo thuật ngữ theo phương thức sao phỏng một mặt đòi hỏi phải có kiến thức sâu về tiếng Việt và tiếng nước ngoài, mặt khác, phải có những hiểu biết sâu về chuyên ngành mà thuật ngữ được sử dụng. Trong quá trình chuyển dịch thuật ngữ nước ngoài, đã có một số thuật ngữ phù hợp bằng tiếng Việt được đặt ra dựa trên nghĩa của thuật ngữ nước ngoài. Tuy nhiên, thuật ngữ phù hợp (là từ đơn, từ ghép) được đặt ra bằng tiếng Việt có số lượng rất ít, không đảm bảo tính hệ thống của thuật ngữ tiếng Việt. Chẳng hạn, trong hệ thống thuật ngữ tin học – viễn thông, số lượng thuật ngữ phù hợp được đặt ra bằng tiếng Việt chỉ chiếm “chưa đầy 1% (250 thuật ngữ / 30.000 thuật ngữ) trong hệ thống thuật ngữ tin học – viễn thông tiếng Việt” [6, 51]. Trong thuật ngữ ngành thương mại, “số thuật ngữ có hình thức cấu tạo là từ (…) chỉ chiếm 2,3% (100/4252)” [1, 74]. Thực tế cho thấy, tồn tại hai khả năng dịch nghĩa những thuật ngữ tương ứng trong tiếng nước ngoài – đó là dịch có tương đương và dịch không có tương đương. Nếu có tương đương thì mới có thể chuyển dịch một cách chính xác. Trường hợp này thực sự đã đạt được việc đặt thuật ngữ phù hợp hoàn toàn bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, việc có tương đương trong dịch thuật ngữ cũng có mức độ khác nhau. Có thể xảy ra các cấp độ sau đây trên cơ sở độ chính xác về nội dung ngữ nghĩa được chuyển tải và số lượng các phương án đạt được khi dịch thuật ngữ.
- Tương đương 1-1, tức là một thuật ngữ gốc chỉ có duy nhất một thuật ngữ dịch tương đương. Đây là trường hợp lí tưởng khi dịch thuật ngữ. Ví dụ: export – xuất khẩu; import – nhập khẩu; exchange – ngoại tệ;tax – thuế…
- Tương đương 1- >1, tức là khi có một thuật ngữ gốc nhưng có nhiều hơn một thuật ngữ dịch tương đương. Ví dụ: transfer – chuyển giao, chuyển nhượng, chuyển ngân, sang tên, điều động, chuyển vận, sự dời chuyển; industrial relation – quan hệ tư bản, lao động, quan hệ lao tư, quan hệ chủ nợ, quan hệ con người trong xí nghiệp; turkey contract – hợp đồng chìa khoá trao tay, hợp đồng mở khoá bao thầu toàn bộ (thuật ngữ kinh tế thương mại); acces – truy cập, truy nhập, truy xuất, truy đạt; computer – máy tính điện tử, máy điện toán, máy tính, máy vi tính; acceptor – mạch nhận, mạch cộng hưởng nối tiếp, nguyên tử nhận, phần tử nhận (thuật ngữ điện tử – tin học); co-occurrence – sự đồng hiện, sự cùng xuất hiện; core rule – quy tắc lõi, quy tắc hạt nhân; place – vị trí, chỗ, nơi chốn (thuật ngữ ngôn ngữ học).
- Tương đương >1 – 1, xảy ra khi trong ngôn ngữ gốc có nhiều thuật ngữ chỉ một khái niệm khoa học, nhưng chỉ có một thuật ngữ dịch tương đương. Ví dụ: calculator, computer – máy tính; symbol, icon – biểu tượng;cell, accumulator, battery – nguồn điện (thuật ngữ tin học – viễn thông).
- Tương đương >1 – >1, xảy ra khi trong cả ngôn ngữ gốc lẫn ngôn ngữ dùng để dịch thuật ngữ đều có nhiều đơn vị từ vựng cùng chỉ một khái niệm. Ví dụ: co-ordinated, clauses, sentencces, constructions, predicates – tiểu cú đẳng kết, kết cấu đẳng kết, câu đẳng kết, vị ngữ đẳng kết; resonance cavity, chamber – cộng minh trường, khoang cộng minh; minor theme, topic – tiểu chủ đề, đề cấp dưới (thuật ngữ ngôn ngữ học); dot printer, matrix printer, mosaie printer – máy in điểm, máy in ma trận; component, inplement, device, equipment – linh kiện, dụng cụ, thiết bị, chi tiết máy; connect, contact, link – kết nối, liên lạc, nối (thuật ngữ điện tử – tin học).
Có thể khẳng định rằng số lượng các thuật ngữ tiếng Việt được tạo ra theo phương thức sao phỏng và dịch nghĩa chiếm tỉ lệ không nhỏ trong hệ thống thuật ngữ tiếng Việt. Rất nhiều thuật ngữ chính trị – xã hội, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn, thuật ngữ khoa học kĩ thuật trong tiếng Việt đều được tạo ra bằng phương thức này. Cụ thể là, trong hơn mười năm trở lại đây, nhiều thuật ngữ tin học – viễn thông tiếng Việt được dịch ra từ tiếng Anh, Mĩ là hơn 25.000 đơn vị, trong đó những thuật ngữ có tương đương chiếm số lượng lớn nhất, “chiếm 56,91% với 17073 thuật ngữ”. [6, 55-58]
2.3. Tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài
Cùng với sự phát triển của tiếng Việt, nhiều thuật ngữ nước ngoài, đã có mặt trong hệ thống thuật ngữ tiếng Việt. Các thuật ngữ loại này có số lượng ngày càng nhiều, đặc biệt là trong các ngành khoa học kĩ thuật – công nghệ và khoa học tự nhiên. Khuynh hướng tiếp nhận thẳng các thuật ngữ có nguồn gốc Ấn – Âu đặc biệt mạnh trong thời gian gần đây, nhất là trong các ngành khoa học tự nhiên như hoá học, địa chất học và dược học. Đặc trưng của lớp thuật ngữ đang xét là có tính quốc tế cao cả về mặt hình thái cũng như mặt ngữ nghĩa. Tuy nhiên các thuật ngữ nước ngoài khi được tiếp nhận vào tiếng Việt đã được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, có cách đọc và cách viết khác nhau. Đây là một bất cập trong việc tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài nói riêng, các từ ngữ vay mượn nước ngoài nói chung trong tiếng Việt. Nhìn một cách tổng quát, có hai cách cơ bản xử lí các thuật ngữ nước ngoài trong tiếng Việt (trừ cách sao phỏng hay dịch nghĩa đã nêu trên) – đó là dùng chất liệu tiếng Việt để phiên âm, chuyển tự các thuật ngữ nước ngoài và giữ nguyên dạng thuật ngữ nước ngoài (chủ yếu là các thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Anh/ Mĩ, Pháp, các ngôn ngữ có chữ viết sử dụng chữ cái Latin).
Phiên âm là ghi lại cách phát âm các từ ngữ của một ngôn ngữ bằng hệ thống kí hiệu riêng hoặc bằng hệ thống chữ cái của một ngôn ngữ khác [9,779]. Các thuật ngữ nước ngoài được tiếp nhận vào tiếng Việt bằng con đường phiên âm tức là dùng hệ thống chữ cái tiếng Việt để ghi lại cách phát âm các thuật ngữ này theo cách phiên âm ngữ âm học (phát âm thế nào thì ghi lại như thế). Nhưng vì chưa có những nguyên tắc xử lí chung thống nhất nên một thuật ngữ nước ngoài khi vào tiếng Việt đã được thể hiện (đọc và viết) dưới nhiều dạng khác nhau. Ví dụ: glucose – glucô, glu-cô-da, glucos, gơ-lu-cô-dơ, glu-cô; computer – com-piu-tơ, căm-piu-tơ, cơm-piu-tơ; acid – axit, a-xít…
Chuyển tự là chuyển cách viết từ ngữ bằng một hệ thống chữ cái này thành cách viết bằng một hệ thống chữ cái khác, theo quy tắc tương ứng giữa hai hệ thống chữ cái. [22, 189]. Chuyển tự thường chỉ áp dụng đối với các ngôn ngữ không sử dụng hệ thống chữ cái Latin như tiếng Nga (sử dụng chữ Ki-rin): орбита – orbita; спутник – sputnic; комсомол – komsomol; интеркосмос – intekosmos, v.v.
Giữ nguyên dạng gốc thường áp dụng cho những từ ngữ nước ngoài nói chung, thuật ngữ nước ngoài nói riêng của những ngôn ngữ có chữ viết sử dụng hệ thống chữ cái Latin. Ví dụ: radio, chat, computer, website, catalogue, menu, marketing, download,…
Phương thức tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt (cả ba hình thức: phiên âm, chuyển tự và nguyên dạng) được áp dụng nhiều hay ít là phụ thuộc vào tốc độ phát triển thuật ngữ của từng chuyên ngành, vào đặc điểm thuật ngữ của từng lĩnh vực chuyên môn, từng ngành khoa học. Kết quả khảo sát và thống kê của chúng tôi cho thấy, trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực chính trị – xã hội các thuật ngữ nước ngoài xuất hiện với tần số rất thấp. Cụ thể là:
- Trong 1781 lượt thuật ngữ chính trị – xã hội được thống kê trong 45 trang Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, thuật ngữ nước ngoài chỉ xuất hiện 3 lần, chiếm tỉ lệ 0,57%. [5]
- Trong 346 thuật ngữ chính trị – xã hội được thu thập ở các Nghị quyết trong Văn kiện Đảng toàn tập (tập 8, 1945-1947) chỉ có 2 thuật ngữ nước ngoài. [5]
Trong khi đó, ở các ngành khoa học công nghệ, thuật ngữ ngoại nhập xuất hiện với tần số nhiều hơn. Chẳng hạn, ở ngành tin học – viễn thông, những thuật ngữ ngoại nhập dưới hình thức phiên âm và mượn nguyên dạng chiếm tỉ lệ khá cao. Kết quả thống kê, khảo sát tình hình sử dụng thuật ngữ tin học – viễn thông có nguồn gốc ngoại nhập trên các tạp chí chuyên ngành từ những năm 60 cho tới những năm gần đây (1966 – 2004) cho thấy: trong 765 thuật ngữ được khảo sát năm 1966 chỉ có 72 thuật ngữ được phiên chuyển (chiếm 9,41%) và 8 thuật ngữ nguyên dạng (chiếm 1,12%) thì đến năm 1987, trong 1224 thuật ngữ được khảo sát, số lượng thuật ngữ được phiên chuyển là 102 (chiếm 8,33%), thuật ngữ nguyên dạng là 78 (chiếm 6,42%); và đến năm 2004, trong 9326 thuật ngữ được khảo sát, số lượng thuật ngữ được phiên chuyển chỉ có 49 đơn vị (chiếm 0,52%), trong khi đó thuật ngữ nguyên dạng đã lên tới 1.293 đơn vị (chiếm 13,66%) [6, 49].
Bảng trên cho thấy các thuật ngữ tin học – viễn thông ngoại nhập vào tiếng Việt dưới dạng phiên âm và phiên chuyển tăng dần trong những thập kỉ 60 và 70 của thế kỉ XX, và giảm dần từ những thập kỉ 80 cho đến nay. Trong khi đó, thuật ngữ tin học – viễn thông ngoại nhập dưới hình thức nguyên dạng lại có số lượng tăng dần từ những năm 60 của thế kỉ XX cho đến nay.
Tuy nhiên, trong quá trình vay mượn thuật ngữ nước ngoài, xu hướng Việt hoá vẫn chiếm ưu thế. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong cách phiên chuyển thuật ngữ Ấn – Âu (bên cạnh xu hướng sao phỏng hoặc dịch nghĩa thuật ngữ là phương thức chủ đạo trong xây dựng thuật ngữ tiếng Việt). Ví dụ:
sulfur được phiên chuyển thành sunfua/sunphua
wonfram được phiên chuyển thành vonfram/vônphram
aspirin được phiên chuyển thành atpirin/axpirin
antena được phiên chuyển thành ăngten
relay được phiên chuyển thành rơle
jack được phiên chuyển thành giắc
modul được phiên chuyển thành môđun
… … …
Trong hơn nửa thế kỉ qua, với nhiều phương thức cấu tạo khác nhau, thuật ngữ tiếng Việt đã góp phần làm cho tiếng Việt phát triển và phong phú thêm không những về mặt từ vựng mà cả về mặt ngữ âm và ngữ pháp. Sự đa dạng về hình thức cấu tạo, sự phong phú về nguồn gốc của thuật ngữ tiếng Việt đã làm cho khả năng phát triển từ mới của tiếng Việt trở nên hết sức dồi dào.
3. Đặc điểm cấu tạo của thuật ngữ tiếng Việt
3.1. Về số lượng các yếu tố cấu tạo
Có thể khẳng định rằng thuật ngữ tiếng Việt có cấu tạo đa dạng về hình thức, phong phú về kiểu cấu tạo. Đơn vị cơ sở để cấu tạo thuật ngữ trong tiếng Việt là ngữ tố. Đó là đơn vị giới hạn cuối cùng khi phân tích thành tố trực tiếp trong tiếng Việt. Kết quả thống kê thuật ngữ trong nhiều ngành khoa học khác nhau cho thấy, về mặt hình thức cấu tạo, có thể phân ra thành thuật ngữ có hình thức cấu tạo là từ (chỉ gồm một ngữ tố) và thuật ngữ có hình thức cấu tạo là ngữ định danh (là cụm từ được từ vựng hoá gồm từ hai ngữ tố trở lên).
Kết quả khảo sát hệ thuật ngữ của một số ngành khoa học (khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn) cho thấy:
Trong 30.000 thuật ngữ tin học - viễn thông tiếng Việt thuật ngữ có hình thức là từ đơn có 1.393 đơn vị, chiếm 5,83%; là từ ghép có 5763 đơn vị, chiếm 19,21%; là ngữ định danh có 22.831 đơn vị, chiếm 74,92%. [6, 78].
Trong 1.100 thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn thu được trong 1.060 trang văn kiện Đại hội Đảng lần thứ hai và lần thứ ba có đặc điểm cấu tạo đơn tiết chiếm 1,27%; hai âm tiết chiếm 56,36%; ba âm tiết chiếm 11,82%; bốn âm tiết chiếm 23,64%; năm âm tiết chiếm 3,55%...[5].
Có thể nêu lên một số nhận xét sau đây:
Ở tất cả các ngành khoa học được khảo sát, dù là khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ hay khoa học xã hội và nhân văn, các thuật ngữ có cấu tạo đơn tiết (một âm tiết) luôn có số lượng ít, chiếm một tỉ lệ rất thấp. Trong 30.000 thuật ngữ tin học - viễn thông, thuật ngữ là từ đơn chỉ chiếm 5,83% (1.398/30.000). Trong 1.159 thuật ngữ tin học phổ thông, thuật ngữ có cấu tạo đơn tiết chiếm 9,32% (108/1.159). Trong 4.252 thuật ngữ thương mại tiếng Việt, thuật ngữ đơn âm chiếm 2,3% (100/4.252). Trong 334 thuật ngữ chính trị - xã hội thông kê được trong Luật hôn nhân và gia đình, thuật ngữ đơn âm tiết là 12,3% (41/334). Trong 900 thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn thống kê được trong các Thông tư của Chính phủ năm 2003, thuật ngữ đơn tiết chỉ chiếm 5% (45/900).
Các thuật ngữ có hình thức cấu tạo đa ngữ tố chiếm số lượng lớn ở tất cả các hệ thuật ngữ thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là các thuật ngữ gồm hai, ba và bốn ngữ tố. Ví dụ: Trong 30.000 thuật ngữ tin học viễn thông là ngữ định danh, các thuật ngữ có hai ngữ tố là 4.454 đơn vị (18,57%), có ba, bốn và năm ngữ tố là 11.695 đơn vị (48,76%). Trong 1100 thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn, các thuật ngữ có hai ngữ tố chiếm 56,36%, ba ngữ tố chiếm 11,82% và bốn ngữ tố chiếm 23,64%.
Các thuật ngữ có từ năm ngữ tố trở lên có số lượng ít, chiếm tỉ lệ không đáng kể (tổng số các thuật ngữ có từ 6 ngữ tố trở lên chỉ chiếm dưới 10% tổng số các thuật ngữ đã được thống kê thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau). Điều này có nghĩa rằng, những người đặt thuật ngữ đã chú ý nhiều đến lĩnh vực cấu tạo của thuật ngữ. Ta thấy rằng, số lượng âm tiết trong thuật ngữ tỉ lệ nghịch với số lượng thuật ngữ, nghĩa là số lượng âm tiết trong một thuật ngữ càng lớn thì số lượng thuật ngữ đáp ứng càng giảm. Bởi vì, trí nhớ của con người là có hạn, nên kích thước một thuật ngữ (tức một khái niệm) phải đảm bảo cho trí nhớ, tri nhận của con người một cách dễ dàng. Do đó, đặt thuật ngữ vừa phải đảm bảo phản ánh chính xác khái niệm, lại vừa bảo đảm tính ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
3.2. Nguồn gốc các yếu tố cấu tạo thuật ngữ
Từ ba con đường này, lẽ đương nhiên, các thuật ngữ tiếng Việt sẽ có nguồn gốc khác nhau. Kết quả khảo sát và thống kê thuật ngữ tiếng Việt cho phép khẳng định rằng các thuật ngữ tiếng Việt có nguồn gốc thuần Việt, Hán - Việt và Ấn - Âu. Tuy nhiên, trong từng ngành khoa học cụ thể, trong từng lĩnh vực khác nhau, số lượng thuật ngữ có nguồn gốc khác nhau trong các lĩnh vực khoa học khác nhau là không như nhau.
Dựa vào kết quả điều tra, khảo sát và thống kê thuật ngữ tiếng Việt thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau do dự án Điều tra các ngôn ngữ ở Việt Nam tiến hành trong thời gian 2001-2005 và dựa vào kết quả nghiên cứu thuật ngữ của một số luận văn, luận án mà chúng tôi có được, có thể khẳng định rằng, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các thuật ngữ chính trị - xã hội, thuật ngữ các ngành khoa học xã hội và nhân văn chủ yếu được tạo thành từ các ngữ tố có nguồn gốc Hán - Việt, tiếp đến là các thuật ngữ thuần Việt, còn các thuật ngữ có nguồn gốc Ấn - Âu chiếm tỉ lệ rất thấp, số lượng vô cùng ít ỏi. Trong khi đó, trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, các yếu tố Hán - Việt vẫn đóng vai trò chính trong cấu tạo thuật ngữ. Bên cạnh đó số lượng các ngữ tố có nguồn gốc Ấn - Âu được dùng để cấu tạo thuật ngữ trong tiếng Việt ngày càng gia tăng. Có thể nêu ra một vài số liệu để chứng minh cho nhận xét trên đây.
Trong 23.985 thuật ngữ tin học - viễn thông, số lượng các thuật ngữ có nguồn gốc thuần Việt chiếm một tỉ lệ không lớn, khoảng 11,45% (2.746/23.985): đèn, đầu vào, chuột, tệp, ổ, cắt, khoá, dây trời, dây nói, nén...
Số lượng các thuật ngữ được tạo thành từ các ngữ tố có nguồn gốc Hán - Việt tuy có ít hơn so với số lượng thuật ngữ thuộc các ngành khoa học xã hội, song vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể, khoảng 68,74% (16.487/ 23.985) tổng số thành tố được khảo sát theo từ điển chuyên ngành, ví dụ: nam châm hội tụ, hệ số biến áp, siêu dẫn, hữu tỉ, khuếch đại, đẳng tín hiệu, mã vĩ mô...
Thuật ngữ có nguồn gốc Ấn - Âu tuy có nhưng số liệu cũng rất hạn chế [6,139-141].
Trong 4.252 thuật ngữ thương mại tiếng Việt, thuật ngữ là từ thuần Việt chiếm tỉ lệ 8,30% (353/4.252), thuật ngữ là từ Hán - Việt chiếm 46,73% (1.987/4.252), thuật ngữ có nguồn gốc vay mượn từ ngôn ngữ Ấn - Âu bằng cách phiên âm, chuyển tự chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,5% (21/ 4252) (ca-ta-lô, ác-bít, mác-két-tinh, pa-lét, các-ten,...), thuật ngữ được cấu tạo bằng các yếu tố hỗn hợp (gồm yếu tố Hán - Việt kết hợp với yếu tố thuần Việt và yếu tố Ấn - Âu) chiếm tỉ lệ 44,47% (1.891/ 4.252) [1, 77]. Có thể thấy tuyệt đại đa số thuật ngữ thương mại tiếng Việt là những từ ngữ Hán - Việt, số thuật ngữ là từ ngữ thuần Việt chiếm tỉ lệ ít hơn, còn số thuật ngữ là từ ngữ mượn Ấn - Âu thì hầu như không đáng kể. Điều này cho thấy về mặt nguồn gốc sự phân bố thuật ngữ thương mại tiếng Việt đã có những điểm khác biệt cơ bản so với thuật ngữ tin học - viễn thông.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, hầu hết các thuật ngữ đều có nguồn gốc Hán - Việt. Những thuật ngữ có nguồn gốc thuần Việt xuất hiện với tỉ lệ thấp. Những thuật ngữ có nguồn gốc Ấn - Âu hầu như không xuất hiện trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Chẳng hạn, trong 334 thuật ngữ chính trị - xã hội thu thập được trong Luật Hôn nhân và gia đình, các thuật ngữ có nguồn gốc Hán - Việt chiếm số lượng lớn nhất: 85,81% (284/ 334) (pháp luật, hôn nhân, đăng kí, bình đẳng, nuôi dưỡng, cưỡng ép...). Các thuật ngữ có nguồn gốc thuần Việt chiếm tỉ lệ thấp: 14,9% (50/ 334) (mẹ nuôi, con gái, con nuôi, nhà, tên, họ...). Không có các thuật ngữ có nguồn gốc Ấn - Âu [5].
Từ những số liệu nêu trên có thể khẳng định rằng thuật ngữ tiếng Việt được tạo thành từ các yếu tố có nguồn gốc Hán - Việt chiếm tỉ lệ lớn trong cả lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ lẫn khoa học xã hội và nhân văn. Các yếu tố Hán - Việt là nguồn quan trọng tạo nên chất liệu để tạo nên hệ thống thuật ngữ trong tiếng Việt. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ, số lượng các yếu tố Hán - Việt tham gia vào cấu tạo thuật ngữ tuy có ít hơn so với số lượng thuật ngữ thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn, song vẫn chiếm tỉ lệ cao. Điều này cho thấy khả năng to lớn của tiếng Việt trong quá trình tạo thuật ngữ bằng nội lực của mình thông qua việc sử dụng các yếu tố, các đơn vị có nguồn gốc Hán - Việt và thuần Việt sẵn có của tiếng Việt.
Cũng cần phải nói thêm rằng, tuy các yếu tố Hán Việt đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc xây dựng hệ thống thuật ngữ tiếng Việt, nhưng trong một số trường hợp cũng chính yếu tố này cũng gây khó khăn cho người sử dụng, đặc biệt là những người sử dụng thuộc thế hệ trẻ, những người đang ngày càng xa dần với những hiểu biết và kiến thức có liên quan đến văn hoá Hán. Trên thực tế, trước sự lấn át của ngôn ngữ và văn hoá phương Tây, đặc biệt là ngôn ngữ và văn hoá Anh/Mỹ, sự ảnh hưởng của nền văn hoá và ngôn ngữ Hán ở Việt Nam ngày càng yếu đi. Kết quả là, những hiểu biết về ý nghĩa các từ ngữ Hán - Việt của người Việt ngày một hạn chế, đặc biệt là đối với giới trẻ. Vì vậy, những thuật ngữ có nguồn gốc Hán - Việt, kiểu: (sốt) hồi quy, (bệnh) thống phong (chứng), khẩu cam, lương huyết, ngôn ngữ khuất chiết, sở chỉ, sở biểu... có thể gây khó khăn cho người sử dụng. Khi dịch các thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Việt có sử dụng các yếu tố Hán - Việt, “để bảo đảm tính chính xác của thuật ngữ, nhiều khi người cung cấp thuật ngữ phải “diễn nôm” thuật ngữ mình đưa ra để người tiếp nhận có thể hiểu đúng thuật ngữ đó. Ví dụ: confoc với bảo giác (confocmal); nón nửa tối với nón bán dạ (penumbra); phép nhân lôgíc với phép hội (conjunction);thi sai (parallax); [6, 140-141].
Trong hệ thống thuật ngữ tiếng Việt, bên cạnh những thuật ngữ được tạo thành từ những yếu tố cùng nguồn gốc còn có các thuật ngữ được tạo ra bằng cách kết hợp các yếu tố hỗn hợp. Đó là các thuật ngữ được tạo ra bằng cách ghép các yếu tố Hán - Việt với các yếu tố thuần Việt hoặc các yếu tố Hán - Việt với các yếu tố Ấn - Âu. Trong các lĩnh vực khoa học khác nhau đều có mặt một số lượng đáng kể các thuật ngữ hỗn hợp này. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, các thuật ngữ kiểu: hàng rào thuế quan, hợp đồng thuê chở, vẫn tải biển, bán kí gửi, giá tự do, mua đầu cơ, chi phí lưu kho... là những thuật ngữ hỗn hợp được tạo ra bằng các yếu tố Hán - Việt kết hợp với các yếu tố thuần Việt; chỉ số Đao Giôn, tàu chở xà lan, bán theo ca-ta-lô,... là những thuật ngữ hỗn hợp được tạo ra bằng các yếu tố Hán - Việt (hoặc thuần Việt) với các yếu tố Ấn - Âu. Trong lĩnh vực tin học có khá nhiều thuật ngữ sử dụng xen kẽ cả yếu tố Ấn - Âu (Anh) lẫn yếu tố Việt và Hán - Việt: byte thấp, đĩa logic, phím enter, tab kí tự, từ khoá internet, virus máy tính, dòng menu, card màn hình... Việc sử dụng linh hoạt các yếu tố có nguồn gốc khác nhau trong quá trình tạo thuật ngữ đã làm cho diện mạo thuật ngữ tiếng Việt trở nên đa dạng và phong phú.
3.3. Hình thức cấu tạo thuật ngữ
Thuật ngữ không phải là những từ vựng biệt lập, mà là những bộ phận riêng của ngôn ngữ thống nhất. Do vậy, thuật ngữ tiếng Việt, trước hết là các đơn vị từ vựng, được tạo nên bằng các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt. Kết quả điều tra, thu thập và thống kê thuật ngữ tiếng Việt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau cho phép khẳng định rằng, các đơn vị thuật ngữ có thể là từ (từ đơn, từ ghép, từ láy) và những cụm từ (ngữ định danh), trong đó thuật ngữ là ngữ định danh chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy những khái niệm do thuật ngữ khoa học biểu thị thường phải sử dụng tổ hợp nhiều đơn vị ngôn ngữ mới phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung khái niệm. Do đó, những thuật ngữ khoa học có hình thức cấu tạo là cụm từ (ngữ định danh) bao giờ cũng có số lượng vượt trội so với các thuật ngữ là từ (từ đơn và từ ghép). Điều này cũng phản ánh một thực trạng của thuật ngữ tiếng Việt - đó là vấn đề đặt thuật ngữ. Các thuật ngữ là cụm từ (ngữ định danh) thường có hình thức cấu tạo lỏng lẻo, bao gồm số lượng âm tiết lớn nên không đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức cấu tạo giống như từ. Có một nghịch lí là các thuật ngữ có hình thức là cụm từ (ngữ định danh) tuy có cấu trúc lỏng lẻo nhưng nội dung ý nghĩa chuyên môn do chúng thể hiện lại rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, các thuật ngữ có hình thức cấu tạo là cụm từ (ngữ định danh) có số lượng và sự phân bố không giống nhau trong hệ thống thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau. Các thuật ngữ chính trị - xã hội, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn có hình thức cấu tạo là từ (từ đơn - từ ghép) có số lượng lớn, trong đó chủ yếu là những thuật ngữ là từ ghép, đặc biệt là từ ghép chính phụ. Các thuật ngữ có hình thức cấu tạo là cụm từ (ngữ định danh) lại có số lượng ít, chiếm tỉ lệ khiêm tốn. Trong 2.501 thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn thu thập được trong báo Nhân Dân giai đoạn 1951-1975 có tới 1.705 thuật ngữ là từ (trong đó có 49 thuật ngữ là từ đơn, 1.656 thuật ngữ là từ ghép), chỉ có 798 thuật ngữ có cấu tạo là cụm từ, chiếm 31,9%. [5]. Trong 1.781 lượt thuật ngữ chính trị - xã hội thu thập được ở Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX có tới 1.561 thuật ngữ là từ, chiếm 87,65%, còn thuật ngữ là cụm từ chỉ có 220 đơn vị, chiếm 12,35%. [5].
Trong khi đó, các thuật ngữ khoa học thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ có cấu tạo là cụm từ (ngữ định danh) lại có số lượng vượt trội. Trong 1.159 thuật ngữ tin học phổ thông thu thập được trong các sách về tin học xuất bản trong hai thập niên cuối thế kỉ XX có đến 90,68% (1.051/ 1.159) thuật ngữ có hình thức cấu tạo là ngữ định danh. Trong khi đó các thuật ngữ tin học phổ thông có cấu tạo là từ chỉ chiếm có 9,32% (108/ 1.159) [11, 284].
Trong 30.000 thuật ngữ tin học - viễn thông tiếng Việt, thuật ngữ có cấu tạo là cụm từ (ngữ định danh) là 22.831 đơn vị, chiếm 74,92%, trong khi đó, thuật ngữ có cấu tạo là từ chỉ có 7.169 đơn vị, chiếm 25,08% (trong đó từ đơn là 1.393 đơn vị, chiếm 5,83%, từ ghép là 5.763 đơn vị, chiếm 19,21%, từ láy có 13 đơn vị, chiếm 0,04%) [6, 78].
Các thuật ngữ thuộc lĩnh vực tin học có cấu tạo là cụm từ thường mang tính định nghĩa, giải thích nhiều hơn là định danh. Sự xuất hiện của các thuật ngữ tin học trong tiếng Việt có hình thức dài và cực dài ngày càng xuất hiện nhiều. Điều đó, một mặt, phản ánh tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành khoa học - công nghệ này, mặt khác, cũng phản ánh những khó khăn mà nó gây ra trong việc đáp ứng nhu cầu đặt thuật ngữ và cung cấp đầy đủ thuật ngữ mới với số lượng khổng lồ. Khi nói về hình thức cấu tạo của thuật ngữ, yêu cầu ngắn gọn thường được nhắc tới đầu tiên. Điều này cũng dễ hiểu, vì thuật ngữ có hình thức ngắn gọn giúp cho người sử dụng dễ thuộc, dễ nhớ, dễ sử dụng. “Trong ngôn ngữ, thuật ngữ khoa học cũng như danh từ, mang tính chất định danh. Tính chất này đòi hỏi thuật ngữ phải ngắn gọn về hình thức (...). Những thuật ngữ dài dòng thường mang tính chất định nghĩa, không những làm cho hệ thống thuật ngữ bị lỏng lẻo, mà có khi còn làm lu mờ ít nhiều hoặc thậm chí phá vỡ mất tính chất thuật ngữ của bản thân nó” [10, 63]. Quả đúng như vậy, những thuật ngữ kiểu như: trạm điều khiển bộ điều hành thứ cấp căn bản, các công cụ có khả năng lập trình tự động, máy tính số với bộ lưu trữ lập địa chỉ bằng bàn phím và được điều khiển bằng chương trình (thuật ngữ tin học viễn thông, 6, 68 - 69); điều khoản miễn bồi thường đình công, quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng (thuật ngữ thương mại, 1,76)... đã phá vỡ tính chất thuật ngữ của bản thân chúng. Đây thực sự là những đoản ngữ miêu tả nhiều hơn là thuật ngữ. Bàn về nguyên lí xây dựng thuật ngữ khoa học, D. S. Lotte đã cho rằng: “số lượng tổng cộng của các thành tố thuật ngữ thành phần (thí dụ, thuật ngữ từ tổ chỉ có thể là các tổ hợp hai, ba và hãn hữu là bốn yếu tố vì sự cồng kềnh khiến cho chúng sẽ không được chấp nhận trong thực tế thuật ngữ)” [4, 33]. Đồng thời ông cũng khẳng định: “cùng với tính chính xác, tính ngắn gọn của thuật ngữ là một giá trị lớn của nó. Trong các tài liệu và trong thực tế hàng ngày, khái niệm (thuật ngữ) càng được dùng bao nhiêu thì tính ngắn gọn càng có ý nghĩa lớn bấy nhiêu” [4, 59].
Trong quá trình tạo thuật ngữ, ghép là phương thức quan trọng góp phần tạo ra số lượng lớn các thuật ngữ, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành khoa học. Trong tiếng Việt, các thuật ngữ khoa học có thể là các từ ghép theo quan hệ đẳng lập, có thể là từ ghép theo quan hệ chính phụ. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng số lượng thuật ngữ là từ ghép theo quan hệ chính phụ vẫn chiếm đa số. Điều này hoàn toàn có thể lí giải bởi vì từ những thuật ngữ cơ bản có thể tạo nên rất nhiều các thuật ngữ phái sinh.
Đáng chú ý là, phương thức ghép được vận dụng rất linh hoạt bằng cách kết hợp các yếu tố có nguồn gốc khác nhau lại với nhau. Những cách kết hợp thông thường các yếu tố thuần Việt, Hán - Việt và hỗn hợp các yếu tố Việt - Hán, Hán - Việt đã được vận dụng triệt để để tạo ra hàng loạt các thuật ngữ trong các ngành khoa học khác nhau. Những năm gần đây, nhiều thuật ngữ của các ngành khoa học đã được tạo ra bằng phương cách ghép lai. Đây là phương thức ghép ngày càng phổ biến trong quá trình xây dựng thuật ngữ tiếng Việt. Đó là các thuật ngữ được tạo ra theo lối hỗn hợp các yếu tố Hán - Việt hoặc thuần Việt kết hợp lẫn với các yếu tố gốc Ấn - Âu (có thể được phiên âm hay nguyên dạng). Ví dụ, mác két tinh xuất khẩu, chỉ số Đao Giôn, quy tắc Hagơ, bán theo ca-ta-lô (thuật ngữ kinh tế - thương mại), virus mạng, sóng radio, nhiễu rada, máy ngắm lade, phim home, lôgic học, lí luận Mác - Lênin, phái mensêvich, phần tử Tơ-rô-xki,...
4. Một số vấn đề đặt ra trong chuẩn hoá thuật ngữ tiếng Việt
Sau hơn nửa thế kỉ hình thành và phát triển, thuật ngữ tiếng Việt đã tiến những bước dài cả về mặt số lượng và mặt chất lượng. Bằng chất liệu của mình, tiếng Việt đã chứng minh hùng hồn về khả năng sáng tạo và cấu tạo thuật ngữ mới. Các yếu tố Hán - Việt của tiếng Việt đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc xây dựng hệ thuật ngữ tiếng Việt nói chung. Những thập niên cuối thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI là thời kì phát triển mạnh mẽ nhất của thuật ngữ tiếng Việt. Chính sự phát triển quá nóng và có tính “đột biến” như vậy đã bộc lộ những bất cập trong công tác xây dựng và phát triển thuật ngữ ở nước ta. Những nội dung cần được chú trọng khi thực hiện chuẩn hoá thuật ngữ tiếng Việt nói chung, chuẩn hoá thuật ngữ từng chuyên ngành khoa học nói riêng là những vấn đề sau:
a. Việc ưu tiên sử dụng chất liệu tiếng Việt để xây dựng thuật ngữ tiếng Việt là định hướng đúng. Nhờ đó các thuật ngữ khoa học được cấu tạo bằng tiếng Việt luôn chiếm số lượng lớn trong hệ thống thuật ngữ của tất cả các ngành, các lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trên thế giới, hệ thống thuật ngữ tiếng Việt của những ngành khoa học công nghệ (như tin học, điện tử, viễn thông,...), các ngành kinh tế, thương mại, ngân hàng dù đã vay mượn rất nhiều thuật ngữ nước ngoài bằng con đường sao phỏng, phiên chuyển, nhưng vẫn còn nhiều thuật ngữ ngoại nhập ở hình thức nguyên dạng. Điều này thực sự đã tạo một rào cản vô hình đối với nhiều người muốn tiếp cận ngành khoa học công nghệ hiện đại (như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử), hoặc các ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của nước ta (như ngân hàng, thương mại, kinh tế, luật pháp,...).
b. Khi tiếp nhận các thuật ngữ ngoại nhập vào tiếng Việt còn có sự thiếu thống nhất trong việc phiên âm, chuyển tự các thuật ngữ. Sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất và tuỳ tiện trong cách thể hiện các thuật ngữ ngoại nhập dưới hình thức phiên âm hay chuyển tự cũng gây những trở ngại, khó khăn không nhỏ cho người sử dụng. Ví dụ: ắc-quy, ac quy, ăcquy; com-pu-tơ, computer, căm-piu-tơ; ăng-ten, anten, angten; email, i-meo, meo, i-mên; xì-căng-đan...
c. Sự thiếu thống nhất và thiếu chính xác trong việc dịch các thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Việt. Dịch thuật ngữ nước ngoài ra tiếng Việt phải được coi là giải pháp tối ưu trong quá trình xây dựng và phát triển thuật ngữ tiếng Việt. Phải luôn luôn coi việc dịch thuật ngữ nước ngoài ra tiếng mẹ đẻ là một việc tối cần thiết trong việc phát triển nền khoa học - kĩ thuật - công nghệ của Việt Nam. Trong lĩnh vực này tuy đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng vẫn còn tình trạng chưa thống nhất và thiếu chính xác, đôi khi diễn đạt dài dòng, khó hiểu. Một trong những biểu hiện của tình trạng chưa thống nhất và thiếu chính xác trong dịch thuật ngữ nước ngoài là hiện tượng đồng nghĩa thuật ngữ còn khá phổ biến trong hệ thuật ngữ của nhiều ngành khoa học, nhiều lĩnh vực khoa học. Hiện tượng đồng nghĩa thuật ngữ biểu thị sự không thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ. Điều này là “có hại và cần phải được loại bỏ, tức là ứng với mỗi khái niệm cần gắn với một thuật ngữ mà thôi” [4,28] và “tính chính xác của hệ thống thuật ngữ đòi hỏi sự loại trừ không những các thuật ngữ đa nghĩa và các thành tố thuật ngữ đa nghĩa mà còn đòi hỏi cả việc loại trừ các thuật ngữ đồng nghĩa lẫn các thành tố thuật ngữ đồng nghĩa” [4, 29]. Có thể nêu ra một vài ví dụ:
- thuật ngữ tin học: data bus: tuyến dữ liệu, kênh dữ liệu; computer: máy điện toán, máy vi tính, máy tính; file: tệp, tập, tập tin,...
- thuật ngữ kinh tế - thương mại: industrical relation: quan hệ tư bản, quan hệ lao tư, quan hệ chủ nợ, quan hệ con người trong xí nghiệp; transfer: sự rời chuyển, chuyển giao, sang tên, chuyển nhượng, chuyển ngân, điều động, chuyển vận; turn round: thời gian bốc dỡ hàng, chu chuyển, quay vòng, thời gian chuyển hàng;turkey contract: hợp đồng chìa khoá trao tay, hợp đồng mở khoá bao thầu toàn bộ.
- thuật ngữ tin học - viễn thông: adaptor / adapter: bộ thích ứng, bộ phận gá lắp, đầu lọc tiếng, ống lồng, chi tiết, chuyển tiếp, đầu nối, phần nối, hớp nối, bộ nắn điện...; acceptor: tâm nhận, phần tử nhận, mạch nhận, vật nhận, nguyên tử nhận...; access: lối vào, sự cho vào, đến gần, đường vào, sự truy nhập, sự truy xuất, sự thâm nhập, truy cập...
Một biểu hiện nữa của tình trạng thiếu thống nhất trong cách dịch thuật ngữ là cách diễn đạt dài dòng, khó hiểu. Nói cách khác, nhiều trường hợp dịch chưa chọn được thuật ngữ Việt tương ứng nên buộc phải diễn đạt theo lối giải thích làm mất đi tính hoàn chỉnh về hình thức. Ví dụ: make-up: tiền lãi chênh lệch sau khi trừ chi phí.
Những vấn đề tồn tại trên đây cho thấy sự thiếu vắng một định hướng rõ ràng trong việc xây dựng thuật ngữ tiếng Việt trong những năm gần đây. Những quy định đã có trong công tác xây dựng và chuẩn hoá thuật ngữ tiếng Việt đã không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của hệ thống thuật ngữ tiếng Việt nói chung, hệ thống thuật ngữ của các ngành khoa học - kĩ thuật - công nghệ hiện đại nói riêng. Sự thiếu vắng một bản quy ước chuẩn mực cho việc tiếp nhận các thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt, việc thiếu vắng những nguyên tắc cụ thể, nhất quán về xây dựng và chuẩn hoá thuật ngữ tiếng Việt cũng như việc thiếu một tổ chức, một cơ quan chuyển trách nhiệm theo dõi điển chế thuật ngữ là nguyên nhân của sự phát triển thuật ngữ tiếng Việt một cách tự do, tự phát và đôi khi tuỳ tiện trong thời gian qua đã làm hạn chế hiệu quả sử dụng của thuật ngữ.
Trải qua hơn nửa thế kỉ, thuật ngữ tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ vô cùng, có sự thay đổi không những về số lượng, mà cả về chất lượng, không chỉ về hình thức mà cả về nội dung. Tuỳ từng giai đoạn lịch sử, tuỳ hoàn cảnh xã hội mà thuật ngữ của từng ngành có sự phát triển khác nhau. Những năm 50 của thế kỉ XX trở đi, hệ thống thuật ngữ chính trị - xã hội, triết học phát triển mạnh, thời kì kháng chiến đã tạo điều kiện cho thuật ngữ quân sự phát triển. Từ những năm của thập niên 90 của thế kỉ XX trở lại đây, sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế của nước ta, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã thúc đẩy thuật ngữ kinh tế, thương mại, tin học, viễn thông phát triển vượt bậc. Trong sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của thuật ngữ hơn nửa thế kỉ qua, có nơi, có lúc, sự phát triển ồ ạt đã không tránh khỏi những hiện tượng chưa thật sự phù hợp, thậm chí không lành mạnh. Tuy nhiên, về cơ bản, thuật ngữ tiếng Việt đã có định hướng phát triển đúng, dần dần đã đi vào con đường khoa học, dân tộc, đại chúng, làm cho từ vựng tiếng Việt thêm phong phú, góp phần giữ gìn và phát huy khả năng to lớn và tính trong sáng của tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Bích Hà (1999), Mấy nhận xét về đặc điểm thuật ngữ thương mại tiếng Việt, Ngôn ngữ, s.6, tr.73-80.
[2] Hoàng Văn Hành (1983), Về sự hình thành và phát triển thuật ngữ tiếng Việt, Ngôn ngữ, s.4, tr.26-34.
[3] Nguyễn Văn Khang (2000), Chuẩn hoá thuật ngữ nhìn lại từ góc độ bối cảnh xã hội, Ngôn ngữ, s.1, tr.46-54.
[4] Lotte D. S., Nguyên lí xây dựng thuật ngữ khoa học kĩ thuật. Tài liệu dịch Viện Ngôn ngữ học, 1975.
[5] Sản phẩm trung gian của Dự án Điều tra tổng thể các ngôn ngữ ở Việt Nam (2001 – 2005) (Các báo cáo kết quả điều tra, nhận xét tư liệu).
[6] Nguyễn Thị Kim Thanh (2005), Khảo sát hệ thuật ngữ tin học – viễn thông tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[7] Lê Quang Thiêm (2006), Tầng nghĩa và kiểu nghĩa chức năng từ vựng, Ngôn ngữ, s.3, tr.1-10.
[8] Chu Bích Thu (2001), Giới thiệu sơ lược về từ điển và từ điển học Việt Nam, Ngôn ngữ, s.14, tr.16.
[9] Từ điển tiếng Việt (1988), Hoàng Phê chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 1988; tái bản năm 1992, 1994, sau 1994 đã được NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học tái bản nhiều lần.
[10] Về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học (1977), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[11] Phạm Hùng Việt, Nguyễn Thị Huyền (2001), Nhận xét về đặc điểm thuật ngữ tin học phổ thông trong tiếng Việt, Trong Những vấn đề ngôn ngữ học. Kỉ yếu Hội nghị khoa học Viện Ngôn ngữ học, tr.283-290.
[12] Xtêpanov. Ju. X (1977), Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, NXB Đại học & THCN, Hà Nội.