Bài viết này nhằm làm rõ một số thuật ngữ bao hàm khái niệm bên trong cần được hiểu chính xác, được xem như công cụ đầu tiên để phiên chuyển địa danh nước ngoài (ĐDNN) trên bản đồ thế giới. Cần hiểu rõ địa danh là gì, chuẩn hoá địa danh là gì, địa danh nước ngoài là gì, sao lại phải qua tiếng Việt,… Trong quá trình hội nhập với thế giới toàn cầu hoá hiện nay, sao chúng ta lại Việt Nam hoá địa danh toàn cầu trên bản đồ thế giới của chúng ta. Việc làm này đúng hay sai? Và sẽ làm như thế nào?
Địa danh nước ngoài trên bản đồ thế giới:
khái niệm, thuật ngữ và phương thức nhập nội địa danh
GS. Hoàng Thị Châu
1. Địa danh hay là tên địa lí (toponym, geographical name) là tên vùng, tên sông, tên núi, là tên gọi các đối tượng địa hình khác nhau, tên nơi cư trú, tên hành chính,… được con người đặt ra. Địa danh chứa những thông tin về tinh thần, văn hoá, xã hội, lịch sử, ngôn ngữ và chính trị. Qua những thông tin đó, có thể nhận ra được những đặc trưng về thiên nhiên, xã hội, trong quá khứ và hiện tại của những vùng có người cư trú và cả những hoang mạc, biển khơi không có người, ở trên hành tinh chúng ta. Một trong những đặc điểm nổi bật của địa danh là sự đa dạng về ngôn ngữ. Địa danh của dân tộc, quốc gia nào thông thường được đặt bằng ngôn ngữ của dân tộc, quốc gia đó. Nhưng không phải lúc nào và ở đâu cũng vậy. Trong lịch sử đã xảy ra nhiều cuộc di dân lớn và vô vàn cuộc xâm lược làm cho bản đồ địa danh trở nên phức tạp hơn nhiều về mặt ngôn ngữ. Do vậy, chúng ta thường gặp địa danh bằng các ngôn ngữ châu Âu như Pháp, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha ở một số nước châu Phi và châu Mĩ và nhiều nơi khác trên thế giới.
Địa danh thường đi kèm với danh pháp (geographical nomenclature), tức là danh từ chung chỉ đối tượng địa hình (chỉ những nơi, những vật cần được đặt tên): sông, núi, biển, đất nước, đường xá, cầu cống,… Danh pháp có khi được hiểu rộng là thuật ngữ địa lí, có khi được hiểu hẹp là từ chỉ đối tượng địa hình. Trong bài này sẽ dùng theo nghĩa sau. Những địa danh đầu tiên từ thời cổ đại thường chính là danh từ chung. Ví dụ: Ở châu Âu, sông Đanuýpchảy qua Đức, Áo gọi là Donau, qua Nga là Đunai với thượng nguồn là sông Đông có nghĩa là "nước (lã)". Cũng giống như vậy, ở châu Á, ngay tại nước ta, "Kông" trong tên sông Mêkôngchính là từ "sông" (sông mẹ) và tên sông Trường Giang theo từ điển Từ Hải thời cổ, tên chỉ đơn giản là Giang 江 được ghi cách đọc bằng chữ 工 (công). Như vậy là cả hai con sông lớn nhất ôm lấy cả một vùng Đông Nam Á đều có tên gọi ban đầu là sông nước, không khác gì cách đặt tên sông Đanuýp ở Trung Âu.
Nhưng mục đích của việc đặt tên địa danh là để phân biệt các đối tượng địa hình, sông này với sông kia, núi này với núi nọ, nên mỗi con sông, ngọn núi đều được đặt tên riêng. Vì thế mà về sau, những sông trên được thêm tên là Trường Giang ("Sông Dài") và Mêkông("Sông Mẹ"). Vì mục đích định danh, nên yêu cầu đầu tiên của địa danh là không trùng nhau. Địa danh các vùng dân cư thường không cần có danh pháp đi theo. Nhưng địa danh các đối tượng địa hình như biển, đảo, eo, vịnh,… thường kèm theo danh pháp vì nhiều khi cùng chung một tên để gọi như Biển Java, Đảo Java; Đảo Đài Loan, Eo Đài Loan. Hiện nay cókhuynh hướng gọi bằng nguyên ngữ không chỉ tên riêng mà cả danh pháp như: Trong World Atlas của Anh (1998) [3] viết là Laut Java, Baykal Ozero thay cho cách viết trước đây là Java Sea, Baykal Lake (tiếng Inđônêxia: "laut" = "biển"; tiếng Nga: "ozero" = "hồ").
2. Địa danh nước ngoài (foreign geographical names) khác với địa danh ngoại lai(exonyms). Địa danh nước ngoài là những địa danh nằm ngoài lãnh thổ nước mình hiện nay. Địa danh nước ngoài có thể bằng tiếng nước ngoài nguyên dạng. Nhưng trong thực tế, phần lớn đã biến dạng theo ngôn ngữ của những người sử dụng địa danh. Nếu nhìn vào Atlas Đức, Nhật, Anh (mới xuất bản), ta sẽ thấy tên nhiều thủ đô đều viết giống nhau đúng theo nguyên ngữ của những nước có thủ đô đó: Moskva, Warzsawa,… Đây là một khuynh hướng đang được Tổ chức Địa danh của Liên hợp quốc (UNGEGN) [5] khuyến khích. Trước đây, những tên này được viết khác nhau tuỳ từng nước như: Moscou, Varsovie (Pháp); Moskau, Warschau (Đức); Moscow, Warsaw (Anh);…
Những địa danh mang tính lịch sử thường là tên nước, tên thành phố cổ được gọi rất khác nhau theo từng ngôn ngữ. Tên nước Áo, tiếng Đức gọi là Österreich (có nghĩa là "Vương quốc phía Đông"), tiếng Pháp gọi lệch đi là Autriche, tiếng Anh gọi là Austria. Tên nước Phápxuất phát từ tên Đức: Frankreich (có nghĩa là "Vương quốc Phơrăng"), tiếng Pháp và tiếng Anh gọi là France. Toà án quốc tế thường họp ở Gravenhage - một thành phố ở Hà Lan còn có tên gọi là Den Haag. Tên này được chuyển sang tiếng Anh là The Hague, tiếng Đức là Der Haag, tiếng Pháp là La Haye [7]. Hiện nay, UNGEGN kêu gọi nên viết tên nước bằng nguyên ngữ và bằng những ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc [5:40]. Điều đó rất khó thực hiện. Vì tên nước thường có truyền thống lâu đời trong các ngôn ngữ nên không dễ gì bỏ tên quen dùng để thay bằng tên nguyên ngữ. Trong World Atlas của Anh vẫn dùng Austria, không dùng Österreich để gọi tên nước Áo; dùng Germany, không dùng Deutschland để gọi tên nước Đức. Do đó chúng ta có thể yên tâm gọi tên các nước Pháp, Đức, Anh, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên,… như lâu nay chúng ta vẫn quen dùng.
Khuynh hướng dùng tên và danh pháp bằng nguyên ngữ để viết những địa danh nước ngoài được UNGEGN khuyến khích và World Atlas của Anh thử nghiệm rất đáng được hoan nghênh, nhất là để thay thế những địa danh bằng tiếng châu Âu do chủ nghĩa thực dân cũ để lại trên hầu khắp thế giới. Nhưng khó có thể được vận dụng trong mọi trường hợp.
3. Thuật ngữ địa danh nước ngoài (viết tắt: ĐDNN) (foreign geographical names) vẫn được phân biệt với thuật ngữ địa danh ngoại lai (viết tắt: ĐDNL) (exonyms). ĐDNL thường có trong mỗi ngôn ngữ, do lịch sử di dân, chiến tranh xâm lược để lại. Trong tiếng Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu tìm ra có đến 1500 địa danh Ảrập là dấu vết thời kì xâm lược hàng mấy thế kỉ của người Ảrập trên đất Tây Ban Nha và đã biến Tây Ban Nha thành một nước đạo Hồi vào thế kỉ XIII. Từ thế kỉ XI, tiếng Ảrập đã trở thành ngôn ngữ văn hoá của Tây Ban Nha [10:174].
Ở nước ta, một số địa danh đảo, vịnh do người Pháp đặt tên còn ghi lại trên các bản đồ cũ, nay đã được đặt tên lại, chẳng hạn ở Hải Phòng có các địa danh ngoại lai như:
- Grôttơ (Les Grottes): đảo Hang
- Xơmen (La Semelle): hòn Đế Giày (hay hòn Hài, hòn Guốc)
- Xyca (Baie des Cycas - cây phượng vĩ): vịnh, tùng Chàng
- Xtatuyetơ (Statuette): hòn Tượng Nhỏ, hòn Bụt
- Fua A Sô (Baie du Four à Chaux - lò vôi): vịnh, vụng Cái Giá. [8]
4. Địa danh Hán Việt của ta không phải là ĐDNL, mà lại là địa danh bản địa (endonyms), vì tiếng Hán với cách đọc Hán Việt, không phải trong thời kì Bắc thuộc, mà chính là bắt đầu từ thời kì độc lập, thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc, trở thành ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ hành chính của Việt Nam. Có cả một hệ thống đại địa danh từ tên lục địa, đại dương, tên nước, tên vùng, tên thủ đô, thành phố, tên sông, biển,… đều bằng tên Hán Việt. Ví dụ: Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Hi Mã Lạp Sơn, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì, Luân Đôn,… là địa danh toàn tên. Pháp, Anh, Đức, (châu) Âu, Á, Phi,… là địa danh Hán Việt gọi tắt. Tiếng Hán Việt ở Việt Nam cũng như tiếng Hán Nhật ở Nhật Bản, Hán Triều ở Triều Tiên có vai trò giống như tiếng Latinh ở châu Âu.
Địa danh trong nước với tên thuần Việt quả là rất ít so với tên Hán Việt và thường là tiểu địa danh: tên thôn xóm, gò đồi, khe suối, đầm hồ ở Việt Nam. Ví dụ: làng Láng, xóm Mả Tàu, gò Đống Đa,…
Trong nhiều tài liệu nước ngoài, đôi khi không có sự phân biệt rõ ràng, tế nhị giữa hai loại địa danh nước ngoài và ĐDNL và dùng như những từ đồng nghĩa.
5. Một công tác vô cùng quan trọng là chuẩn hoá địa danh. UNGEGN đã tổ chức 5 năm một lần hội nghị toàn thế giới về chuẩn hoá địa danh. Năm 2007 sẽ là cuộc họp thứ IX của Liên hợp quốc về chuẩn hoá địa danh.
"Danh mục ĐDNN bằng tiếng Slôvênia" (2001) cho chúng ta một định nghĩa về chuẩn hoá địa danh như sau: "Chuẩn hoá (Normalizing and Standardizing) thường được hiểu theo khía cạnh tiêu cực là thu hẹp, làm cho sắc nghĩa và phá lệ, hơn là hiểu đúng đó là một sự sắp xếp và hệ thống hoá nhằm giúp về mặt kĩ thuật để viết và nói sao cho ngôn ngữ được trong sáng hơn. ĐDNN bao gồm một phổ hệ rộng và có thể chia thành những địa danh hoàn toàn nước ngoài (foreign) và những địa danh hoàn toàn nhập nội (naturalized), tất nhiên với những biến thể chuyển tiếp. Trong việc nhập nội địa danh (naturalizing) khó mà lập ra được những quy tắc bao quát được mọi trường hợp" [9:3]. "Naturalizing" dịch đúng nghĩa là "nhập tịch", ta thường gọi là Việt Nam hoá địa danh nước ngoài. Do quan niệm như vậy mà tài liệu nói trên có tên là "Danh mục địa danh nước ngoài bằng tiếng Slôvênia". Điều đó chứng tỏ rằng việc phiên chuyển ĐDNN ra ngôn ngữ sử dụng là cần thiết, nhất là trong công tác chuẩn hoá ĐDNN, nhằm mục đích sắp xếp và hệ thống hoá ĐDNN để cho ngôn ngữ ngày càng trong sáng hơn.
Nhập nội hay Việt Nam hoá ĐDNN tạo cho chúng có nhiều khả năng hành chức như sau:
- Sử dụng trong các Atlas thế giới mang tính quốc tế;
- Sử dụng trong các Atlas trong nước dùng trong nhà trường;
- Sử dụng trong những hội thảo và báo cáo khoa học;
- Sử dụng trong truyền thông đại chúng hàng ngày và trên báo chí.
Sự sắp xếp khả năng hành chức của ĐDNN theo thứ tự như trên phản ánh những yêu cầu từ cao đến thấp về tính hệ thống, tính đúng đắn, tính chính thức và tính hội nhập giữa quốc gia và quốc tế của địa danh là những yêu cầu tối cần thiết cho việc chuẩn hoá ĐDNN. Sự sắp xếp trên thể hiện rõ những yêu cầu cần đạt của ĐDNN để vẽ bản đồ và Atlas thế giới là cao nhất, chính là công việc chúng ta đang làm.
5.1. Tính hệ thống của địa danh liên quan đến tính hệ thống của ngôn ngữ. Do đó, mỗi nước có hệ thống ĐDNN riêng. Hệ thống ĐDNN trên các bản đồ của Pháp, khác của Đức, của Anh, của Slôvênia,… Ta không thể mượn ĐDNN, chẳng hạn của bản đồ thế giới của Anh hay Pháp, để làm bản đồ của Việt Nam. Và cũng không thể dùng địa danh bằng nguyên ngữ của mỗi nước tập hợp lại đưa lên bản đồ thế giới của Việt Nam, vì không thể dung hoà được các đặc điểm khác nhau của bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới, khác nhau về ngữ pháp, ngữ âm, về chữ viết,… dù cho đã Latinh hoá những bộ chữ không phải Latinh. Không kể những con chữ trong bộ chữ phiên âm quốc tế IPA, được quy định đọc thống nhất trên toàn thế giới, các con chữ Latinh trong các bộ chữ của những ngôn ngữ khác nhau đều đọc không giống nhau. Trên sách báo và các phương tiện truyền thông đại chúng, ĐDNN xuất hiện rời rạc, không yêu cầu tính hệ thống cao như trong bản đồ, nên tờ báo này có thể ghi bằng nguyên ngữ, tờ báo kia có thể ghi dưới dạng phiên âm, chuyển tự,… Việt Nam hoá ĐDNN thành hệ thống là một yêu cầu không thể thiếu được để làm bản đồ thế giới cho Việt Nam. Việt Nam hoá ĐDNN phải làm từ hai phía, trước tiên, một mặt phải nắm vững những đặc điểm và quy tắc về ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, chữ viết của tiếng Việt, sau đó là nắm vững các ngoại ngữ để tìm sự tương ứng giữa các ngoại ngữ với tiếng Việt trong từng phạm trù, quan trọng nhất là sự tương ứng về ngữ âm và chữ viết, để cuối cùng xác lập ra những quy tắc chuyển đổi từ những ngoại ngữ có tính phổ cập cao, chiếm tỉ lệ ĐDNN cao trên toàn thế giới. Chúng tôi đã chọn 9 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ảrập và Rumani(1) để lập ra các bảng chuyển đổi về ngữ âm và chữ viết ra tiếng Việt. Đây cũng chính là phương pháp chúng tôi áp dụng để thực hiện dự án này (xem 9 báo cáo tiếp theo về cách phiên chuyển 9 ngoại ngữ).
Có loại bản đồ thể hiện cùng một lúc 2 hệ thống địa danh. Do kĩ thuật ấn loát hiện đại, nhưng chính là do văn tự không theo tự dạng Latinh, nên Atlas thế giới của Nhật (2006) sử dụng 2 hệ thống địa danh: hệ thống địa danh bằng âm và chữ Nhật khối vuông và hệ thống địa danh tiếng Anh bằng chữ Latinh. Ví dụ: Tên nước Việt Nam, phía trên viết "Vietônamư xã hội chủ nghĩa cộng hoà quốc" (bằng chữ khối vuông) và phía dưới viết "Socialist Republic of Viet Nam" (bằng chữ Latinh).
5.2. Chức năng định danh của địa danh không cho phép nhầm lẫn và trùng lặp địa danh.Tính chính xác của địa danh trên bản đồ càng phải cao hơn trong các loại tài liệu và văn bản khác. Sự hạn chế của hệ thống phụ âm đầu và nhất là phụ âm cuối của tiếng Việt về cả âm và chữ dễ tạo ra nhiều nhầm lẫn. Ví dụ: Phải phiên chuyển thế nào để không nhầm lẫn hai tên khác nhau của thủ đô hai nước khác nhau: DHAKA (thủ đô của BANGLADESH) và DAKAR (thủ đô của SENEGAL). Nếu Việt Nam hoá hoàn toàn theo ngữ âm tiếng Việt, hai tên sẽ trùng nhau (đều là ĐAKA), nếu theo cả chính tả tiếng Việt sẽ là ĐACA. Do vậy, phải phá lệ, như không dùng "c, k, q" theo chính tả tiếng Việt, mà dùng theo nguyên ngữ, phải bổ sung thêm một số phụ âm cuối như "r, l, h" chẳng hạn (có trong nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam). Điều này chúng tôi sẽ trình bày trong một báo cáo khác. Nhưng chỉ một ví dụ trên cũng đủ thấy việc nhập nội (Việt Nam hoá) ĐDNN khó khăn như thế nào, để đảm bảo tính chính xác, không gây nhầm lẫn và trùng lặp địa danh.
Trường hợp tên gọi Vịnh Bắc Bộ - một địa danh có tính lịch sử: "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" - có thể do các cơ quan có thẩm quyền của ta chưa kịp gửi danh mục địa danh và bản đồ Việt Nam cho UNGEGN, nên trong bản đồ thế giới của các nước viết theo 2 cách, một là dịch nghĩa: Golf von Nordvietnam (Atlas Đức), Gulf of Tonkin (Danh mục Slôvênia); hai là giữ nguyên dạng, nhưng theo kiểu phiên âm Trung Quốc, chứ không theo nguyên ngữ tiếng Việt: Beibu Wan (Atlas Anh).
5.3. Tính chính thức của ĐDNN vô cùng quan trọng trong công tác lập bản đồ. Thử điểm lại xem những cơ quan nào thường treo bản đồ thay cho tranh trang trí trên tường: các văn phòng của Bộ Ngoại giao, Hàng không Việt Nam, công ti du lịch, các toà soạn báo chí, đài truyền thanh, truyền hình,… Mọi người xem đấy là mẫu mực để viết địa danh nước ngoài.
Tính chính thức của ĐDNN đôi khi có thể vi phạm tính hệ thống và tính truyền thống. Do thoả thuận về ngoại giao song phương với các nước, ta đã lấy tên nguyên dạng Italia vàÔxtrâylia thay cho Ý và Úc - là những tên Hán Việt viết tắt đã quen dùng, nằm trong hệ thống địa danh Hán Việt truyền thống chỉ tên nước. Do quan hệ song phương giữa nước ta với các nước trên thế giới nên việc thay đổi tên nước trên bản đồ đều phải thông qua Bộ Ngoại giao để được sự đồng ý của nước bạn. Lúc ấy tên mới thành chính thức.
5.4. Tính hội nhập quốc gia với quốc tế cũng là một điểm rất đáng được quan tâm. Một số quốc gia vây quanh những biển, hồ lớn thường có những mâu thuẫn về chính trị, ngoại giao do địa danh gây ra. Qua vị trí địa lí của các nước xung quanh các đối tượng địa hình đó, có thể biết được địa danh xuất phát từ đâu. Bắc Hải (North Sea) nằm về phía đông của nước Anh, phía tây của Đan Mạch, phía nam của Na Uy và phía bắc của Tây Đức và Hà Lan. Như vậy, những người đầu tiên gọi tên Bắc Hải có lẽ là Hà Lan và Đức, về sau các nước khác gọi theo. Không xa Bắc Hải, nằm về phía đông của Đan Mạch là Biển Đông, còn gọi là Biển Baltic. Nó nằm về phía bắc của Ba Lan và Đông Đức, phía tây của các nước được mệnh danh là các nước vùng Baltic: Lithuania, Latvia, Extônia. Người Đức và Đan Mạch gọi nó là Biển Đông. Những nước ở gần như Ba Lan, Nga,… ở xa như Việt Nam đều gọi là Biển Baltic. Trong văn học Nga, có một cuốn tiểu thuyết được nhiều người yêu thích có tiêu đề là "Bầu trời Bantích".
Cuộc chiến tranh Vùng Vịnh giữa các nước theo đạo Hồi đã gây ra cuộc tranh chấp tên gọi: Vịnh Ba Tư như xưa nay trong sử sách và bản đồ đều ghi nhận, hay là Vịnh Ảrập, vì bên bờ phía đông của Vịnh là Iran (Ba Tư), nhưng bên bờ vịnh phía tây là các nước Ảrập: Kuwait, Ảrập Xêut, Qatar. Kế sách của giới ngoại giao chúng ta là tránh tên riêng và dùng danh pháp để gọi: Vùng Vịnh.
Biển Đông nằm ở phía đông nước ta, tên này còn ít nước biết đến. Trong Danh mục của Slôvênia [9] ghi nhận 3 tên nguyên ngữ: Nan Hai, Bien Dong, Laut Cina Selatan (tiếng Inđônêxia) và dịch ra tiếng Slôvênia là Južnokitajsko morje (tức là Biển Hoa Nam), tên này thường được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng trong nhiều bản đồ và Atlas thế giới, chẳng hạn trong Atlas Đức là: Südchinesisches Meer.
Trên tất cả, vấn đề hội nhập quốc gia với quốc tế là phiên chuyển ĐDNN ra tiếng Việt, là Việt Nam hoá làm sao để người Việt Nam đọc và viết gần đúng ĐDNN, để khi nói lên, người nước ngoài hiểu là họ gọi tên nước mình, thành phố, sông, núi ở quê hương mình.
6. Các phương thức nhập nội ĐDNN vào tiếng Việt (= phiên chuyển ĐDNN ra tiếng Việt)
Như ở trên đã nói, ĐDNN là một phổ hệ rộng từ những tên hoàn toàn nước ngoài đến những tên hoàn toàn hội nhập, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Dưới đây là phân loại theo thứ tự ngược lại.
6.1. Những tên hoàn toàn Việt Nam được nhập nội bằng cách dịch nghĩa (translation), có thể là toàn bộ hay bộ phận, có thể là trực tiếp hay gián tiếp qua tiếng Hán.
- Dịch nghĩa toàn bộ và trực tiếp: Biển Đen, Biển Đỏ,…
- Dịch nghĩa toàn bộ và gián tiếp qua tiếng Hán: Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Cựu Thế Giới,…
- Dịch nghĩa bộ phận: Tân Ghinê, Đông Timo,…
6.2. Những tên phiên âm (transcription) được thực hiện theo 2 cách: trực tiếp và gián tiếp qua tiếng Hán:
- Phiên âm trực tiếp: Italia, Ôxtrâylia, Viên, Pari,…
- Phiên âm gián tiếp nguyên tên: Ấn Độ, Phần Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…
- Phiên âm gián tiếp viết tắt tên: các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga,… các châu Úc, Phi, Á, Âu,…
Phiên âm trực tiếp là một công việc khó khăn nhất, vì ngữ âm của các ngôn ngữ trên thế giới rất đa dạng và rất khác với tiếng Việt. Muốn làm được việc này cần hiểu biết sâu sắc ngữ âm nhiều ngoại ngữ và cả ngữ âm tiếng Việt.
6.3. Những tên chuyển tự (transliteration) có 2 loại:
Chuyển tự từ các văn tự không phải Latinh sang chữ Latinh còn gọi là Latinh hoá(Latinization hay Romanization), như từ các bộ chữ khối vuông gốc Hán, các bộ chữ gốc Ấn Độ, gốc Ảrập, gốc Hi Lạp,… Những địa danh với các loại văn tự này hầu hết đã được Latinh hoá và chuẩn hoá thông qua UNGEGN. Chúng ta thường tiếp cận dưới dạng này:Peking/Beijing, Bāgdhād, Irāq, Yahamoto,…
Chuyển tự từ các bộ chữ Latinh khác nhau ra chữ Việt có nghĩa là thay thế một số con chữ. Vì bộ chữ Việt hạn chế hơn bộ chữ Latinh và có nhiều nét khác biệt, ví dụ: chữ "x" Việt, vốn là chữ ghi âm [ks] trong tiếng Latinh và các ngôn ngữ Pháp, Anh,… (như examen, oxygen, example), tương ứng với "s" Latinh và IPA; "s" Việt tương ứng với "sh" [∫]; "d" Việt tương ứng "z",… cho nên cần phải chuyển tự và cũng cần bổ sung một số con chữ trong bảng chữ quốc ngữ (chúng tôi sẽ nói đến vấn đề này trong bài sau). Kiểu chuyển tự này vẫn thấy trong ĐDNN các nước khác. Trong tiếng Đức, chữ "v" đọc là [f], "w" - [v] nên địa danh có "v" đều chuyển tự thành "w", như: Moskwa, Warzsawa,…
6.4. Công việc chính trong việc phiên chuyển (thuật ngữ này chỉ có riêng trong tiếng Việt) ĐDNN từ các ngôn ngữ có văn tự Latinh hoặc Latinh hoá là phiên âm kết hợp với chuyển tự. Ví dụ, với địa danh đã Latinh hoá qua tiếng Anh: Afghanistan. Việt hoá cả âm lẫn chữ thành Apganixtan (chuyển âm thành [f] thành [p] và chuyển tự "s" thành "x". Nguyên ngữ là Afğānistān trong tiếng Pashto và Afqânestân trong tiếng Dari - đây là hai ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Thao tác trên gọi bằng từ "phiên chuyển" là đúng nhất. Trong phiên chuyển ĐDNN ra tiếng Việt, người ta ít khi tách rời việc phiên âm và chuyển tự. Hơn nữa, phiên âm và chuyển tự ở đây không có nghĩa là chuyển đổi một đối một như ta vừa thấy mà có thể thêm, bớt âm, chữ, cụm chữ, âm tiết. Chúng ta sẽ thấy điều này trong bảng những quy tắc phiên chuyển và trong danh mục các địa danh phiên chuyển sau này. Nhưng dù phiên chuyển bằng cách nào, kết quả vẫn không được quá xa với địa danh gốc, với sự cố gắng tối đa bám sát địa danh gốc, nhất là ngữ âm.
Một điều cần lưu ý là do ảnh hưởng của tiếng Pháp mà vần -an cuối từ trong nhiều ĐDNN đều bị đọc sai là -ăng, hiện nay, trên đài truyền hình vẫn phát âm sai như vậy:Apganixtan đọc sai thành Apganixtăng, cũng như: Xudan - Xuđăng, Liban/Libanon - Libăng,… Tuy nhiên, tên những nước trong Liên Xô cũ có vần cuối -an như Uzơbêkixtan, Kazăcxtan,… nhờ ảnh hưởng của tiếng Nga mà tránh được cách đọc sai trên.
7. Tổ chức Địa danh của Liên hợp quốc (UNGEGN) chủ trương chuẩn hoá địa danh nước ngoài cũng như địa danh các dân tộc thiểu số theo khuynh hướng viết và đọc đúng theo địa danh nguyên dạng. Nguyên tắc này vừa tỏ ra tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và dân tộc về mặt ngôn ngữ, vừa là biện pháp hữu hiệu để thống nhất cách viết và đọc địa danh rất đa dạng hiện nay, đến nỗi khi nghe người nước ngoài gọi tên nước mình, thành phố, quê hương mình mà mình không hề hay biết.
Nhiều nước đã và đang cố gắng thực hiện chủ trương đúng đắn này. Việt Nam cũng đang chuẩn hoá ĐDNN và địa danh các dân tộc thiểu số theo phương hướng này, với sự cố gắng phiên chuyển làm sao để một mặt gần đúng với cách phát âm và cách viết của ĐDNN, mặt khác phải phù hợp với âm và chữ tiếng Việt.
Tên các nước và thủ đô thường có nhiều cách gọi khác nhau theo truyền thống, trong sử sách của các nước khác nhau, hơn là tiểu địa danh: tên các thành phố nhỏ, thị trấn không có những di tích lịch sử, những điểm văn hoá nổi tiếng.
Về tên thủ đô, hiện nay trong Atlas thế giới của nhiều nước như Atlas Anh, Đức, Nhật,… đều viết theo nguyên dạng, tên cũ viết trong ngoặc đơn:
Về tên nước vì có truyền thống quá lâu đời nên không dễ thay đổi, bỏ tên cũ gọi theo tên nguyên dạng, nhất là đối với những nước châu Âu, có tên gắn liền với lịch sử thế giới. Trong các Atlas thế giới vẫn giữ tên cũ:
Tiếng Anh |
Tiếng Đức |
Tiếng Pháp |
Tiếng Việt |
England |
Gross Britannien |
Angleterre |
nước Anh |
Germany |
Deutschland |
Allemagne |
nước Đức |
Austria |
Österreich |
Autriche |
nước Áo |
Switzerland |
Schweiz |
Suisse |
nước Thuỵ Sĩ |
Ở nước ta, việc đổi tên nước bằng tiếng Hán Việt sang tên bằng nguyên ngữ là một việc khó thực hiện, trừ khi các nước có tên yêu cầu thay đổi như Italia, Ôxtrâylia,… không chỉ vì thói quen mà còn vì tính hệ thống và tính truyền thống của địa danh Hán Việt.
Trên đây là một số vấn đề cơ sở lí luận và thực tiễn xử lí ĐDNN mà chúng tôi rút ra được từ kinh nghiệm các nước qua một số Atlas thế giới, từ điển, danh mục ĐDNN cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21. Vận dụng vào tình hình Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, để lập bản đồ thế giới của Việt Nam, ĐDNN không thể xử lí tuỳ tiện, phiên chuyển rời rạc từng địa danh. ĐDNN cần được xây dựng thành hệ thống bằng phương pháp hội nhập: lập các quy tắc phiên chuyển địa danh từ những ngôn ngữ có phạm vi phổ cập rộng trên thế giới, như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Ảrập ra tiếng Việt; và sau đó, hệ thống hoá lại để phiên chuyển và cuối cùng xây dựng được một hệ thống ĐDNN thống nhất và chuẩn mực cho việc lập bản đồ thế giới của Việt Nam, và sẽ là mẫu mực cho các cơ quan ngôn luận, truyền thông đại chúng. Không dừng lại ở đó, các quy tắc phiên chuyển này sẽ còn tiếp tục được vận dụng để xử lí các địa danh khác trong tương lai.
_____________
(1) Ngoại trừ tiếng Rumani, các ngôn ngữ còn lại trong số này đều là những ngôn ngữ có phạm vi phổ cập rộng rãi trên thế giới, xét cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Tại sao chúng tôi không chọn chữ Hán – một trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc, ngôn ngữ của một quốc gia rộng lớn với dân số bằng một phần năm dân số thế giới. Vì rằng, địa danh Trung Quốc đã được Hán Việt hoá từ lâu trong sử sách và trong ngôn ngữ hằng ngày của nhân dân. Chúng tồn tại bên cạnh mảng ĐDNN và mảng địa danh trong nước bằng tiếng Hán Việt đã nói trên. Do áp lực của tính hệ thống và tính truyền thống, nên rất khó thay thế những địa danh Hán Việt quen thuộc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu,… bằng những tên phiên âm Latinh như Beijing, Shanghai, Suzhou,… Tuy biết rằng đó mới là những địa danh chính thức của Trung Quốc và được dùng trên khắp thế giới. Nếu kĩ thuật bàn đồ cho phép viết địa danh kép thì viết tên chính thức và chua thêm tên Hán Việt, vì nó có lượng thông tin cao hơn hẳn những tên phiên âm rất lạ tai đối với người Việt.
BẢN ĐỒ VÀ SÁCH THAM KHẢO
A. Bản đồ
- World - Japan Atlas. Nxb Teikuko Shoin, Japan, 2006.
- Worldwide OAG Flight Atlas. OAG Official Airline Guides, May-November, 2005.
- William R. Mead. World Atlas. Nxb Bramley Books, London, 1998.
- Zentralinstitut für Geschichte. Atlas zur Geschichte (T.2). Nxb VEB Hermann Haack, Leipzig, 1978.
B. Sách
- Eighth United Nations Conference on Standardization of Geographical Names. Berlin, 27 August-5 September, 2002.
- Từ điển địa danh nước ngoài. Nxb Nedra, Moskva, 1986 (tiếng Nga).
- Thế giới sử tiểu từ điển. Nxb Yamakawa, Tokyo, 2004 (tiếng Nhật).
- Ngô Đăng Lợi (chủ biên). Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng. Nxb Hải Phòng, 1998.
- Surveying and Mapping Authority of the Republic of Slovenia. A list of Foreign Geographical Names in Slovene Language. January, 2001.
- Walter, Henziette. L'Aventure des Langues en Occident. Nxb Robert Laffont, 1994.
Nguồn: http://ngonngu.net/index.php?p=270
Atlas Anh |
Praha (Prague) |
Wien (Vienna) |
Lisboa (Lisbon) |
Moskva (Moscow),… |
Atlas Đức |
Praha (Prag) |
Wien |
Lisboa |
Moskva (Moskau),… |