Ngôn ngữ

NHÌN LẠI NHÂN VẬT TỪ HẢI DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LÍ THUYẾT HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ


14-10-2020
Tác giả: Dương Thị Thuý Vinh

Trong bài viết này, dưới ánh sáng của lí thuyết hành động ngôn ngữ trong Ngôn ngữ học, chúng tôi muốn tìm về một Từ Hải “thực”, một Từ Hải “rất người” qua những lời nói của Từ, qua những hành động ngôn ngữ mà Từ đã thực hiện.

NHÌN LẠI NHÂN VẬT TỪ HẢI

DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LÍ THUYẾT HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ

                                                                                     ThS. Dương Thị Thuý Vinh

Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên

 

      1. Nhắc đến Từ Hải là nhắc đến người anh hùng cái thế, nhắc đến hình mẫu lí tưởng của Nguyễn Du. Và lâu nay, như quan niệm của Hoài Thanh, người ta vẫn đồng ý rằng Từ Hải là một con người “phi thường”, “là một nhân vật anh hùng ca”, “là một cái mộng”. [7, 75 – 76]

    Tuy thế, trong bài viết này, dưới ánh sáng của lí thuyết hành động ngôn ngữ trong Ngôn ngữ học, chúng tôi muốn tìm về một Từ Hải “thực”, một Từ Hải “rất người” qua những lời nói của Từ, qua những hành động ngôn ngữ mà Từ đã thực hiện.

     Như đã biết, hành động ngôn ngữ (hay hành vi ngôn ngữ, hành động nói, hành động ngôn từ) là một loại hành động của con người, được thực hiện bằng ngôn ngữ khi người ta nói (hay viết). Nhà ngôn ngữ học J.R. Searle đã phân biệt thành năm nhóm lớn: trình bày, điều khiển, cam kết, biểu cảm và tuyên bố. [2, 111 – 154]

     Mặt khác, theo cách thức thực hiện, hành động ngôn ngữ còn được Ngôn ngữ học phân biệt thành hành động ngôn ngữ trực tiếp và hành động ngôn ngữ gián tiếp. Hành động ngôn ngữ trực tiếp là các hành động được thực hiện đúng với điều kiện sử dụng, đúng với cái đích ở lời của chúng, ngược lại, hành động ngôn ngữ gián tiếp là một hành động trong đó người nói thực hiện một hành động ở lời này nhưng lại nhằm làm cho người nghe dựa vào những hiểu biết ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ chung cho cả hai người, suy ra hiệu lực ở lời của một hành động khác [2, 111 – 154].

      Về mặt hành động ngôn ngữ, các nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không khác gì con người trong đời sống hiện thực. Trong diễn biến của câu chuyện, các nhân vật thường xuyên thực hiện các hành động ngôn ngữ. [6, 32 – 35]

      2. Trong Truyện Kiều, Từ Hải đã để lại những ấn tượng rất sâu đậm, khó quên. Và một trong những điều để lại ấn tượng chính là những lời nói – là cách thực hiện các hành động ngôn ngữ.

       Trong tác phẩm, Từ Hải xuất hiện cả thảy trong năm tình huống. Trừ tình huống cuối cùng, còn lại trong bốn tình huống đầu, lời nói của Từ Hải đều được Nguyễn Du dẫn ra dưới dạng lời nói trực tiếp, trong đó Từ đã thực hiện một số hành động ngôn ngữ khác nhau.

       2.1. Từ Hải xuất hiện lần đầu tiên khi mà cuộc đời Thuý Kiều tưởng chừng đã chấm hết, không còn lối thoát. Đó là lúc Thuý Kiều phải làm gái lầu xanh lần thứ hai, phải sống trong cảnh “Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”. Nàng “vui là vui gượng kẻo là” và “nào biết có xuân là gì”. Đúng lúc đó, Từ Hải xuất hiện.

      Trước hết, Từ Hải xuất hiện khác hẳn với những khách làng chơi trước đó và cũng khác hẳn với những “đấng mày râu” đã qua cuộc đời nàng như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh và cả Kim Trọng. Từ Hải đã mở đầu cuộc gặp gỡ với Thuý Kiều bằng một hành động ngôn ngữ bộc lộ: thổ lộ một tình cảm chân thành và sự trân trọng đối với Thuý Kiều. Không mấy ai nghĩ rằng một con người to lớn, với dáng dấp võ biền lại có thể nói với một gái làng chơi với một tình cảm như vậy. Bằng lời nói của mình, Từ Hải đã bộc lộ cái duyên cớ hẹn đến với Thuý Kiều là ở tấm lòng, chứ không phải sự chơi bời vờ vật như bao kẻ khác:

Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ

Phải người trăng gió vật vờ hay sao!

Rồi Từ dùng một lời nói dưới dạng nghi vấn:

Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

nhưng với việc dùng mỹ từ “má đào” và điển tích vốn mang nét nghĩa dương tính “mắt xanh”, lời nói ấy thực chất lại hàm chứa sự khẳng định và trân trọng phẩm giá cũng như sự tinh thông của nàng Kiều. Thật là lời nói của một con người khoáng đạt, một kẻ trượng phu: hỏi (dùng hình thức có không?) mà lại là để khen ngợi, để trân trọng. Cho nên Kiều không thể trả lời (có hay không) mà chỉ còn biết cảm tạ “người dạy quá lời” và tin tưởng rằng “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”.

Thế rồi, qua những lời tâm tình trong buổi gặp gỡ đầu tiên, “đấng anh hào” Từ Hải nhanh chóng và rất hài lòng nhận ra rằng Kiều chính là “tri kỉ” của mình. Buổi gặp gỡ đầu tiên đã đi đến đỉnh điểm bằng những hành động ngôn ngữ tích cực, dương tính trong lời nói của Từ Hải – những hành động ngợi ca (khen) và ước kết thật là cao đẹp (tuy không hề có những động từ tường minh: hứa, hẹn, hay cam kết, mà chỉ được thể hiện và lĩnh hội một cách gián tiếp):

Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.

Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

       Như vậy, ở lần xuất hiện đầu tiên, trong lời nói của mình với Thuý Kiều, Từ Hải chủ yếu đã thực hiện hai loại hành động ngôn ngữ: bộc lộ (thổ lộ tình cảm của mình và ngợi khen Thuý Kiều) và cam kết (hứa hẹn). Và cả hai đã được thể hiện một cách tế nhị: thường không dùng động từ ngôn hành hoặc ẩn dưới dạng một lời nghi vấn.

       2.2. Lần thứ hai Từ Hải xuất hiện và thực hiện hoạt động giao tiếp ngôn ngữ là khi Từ “động lòng bốn phương” để rồi lại “Thanh gươm yên ngựa thẳng đường ruổi rong”, đành phải tạm biệt Thuý Kiều sau “nửa năm hương lửa đương nồng”. Thuý Kiều thỉnh cầu xin được đi theo. Trước tình huống này, Từ Hải không bịn rịn, không mềm yếu mà vẫn “dứt áo ra đi” nhưng Từ cũng đã tìm lời lẽ ân tình để thực hiện hành động ngôn ngữ giải thích, động viên, an ủi Thuý Kiều. Từ đã dựa trên tình cảm, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai người (tâm phúc tương tri) và lại dùng hình thức của dạng câu nghi vấn, nhưng không phải để trách cứ, mà để nhắc nhở, khơi gợi Thuý Kiều cần phải thoát ra khỏi cái thói “nữ nhi thường tình” để hướng tới cái lớn lao, cái phi thường. Lời nói của Từ vừa nhắc nhở, vừa động viên, lại vừa thể hiện một niềm tin sắt đá vào sự nghiệp của mình và một cam kết sắt son đối với Thuý Kiều:

Từ rằng tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chinh dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!

     Đây là lần Từ Hải nói một mạch dài nhất. Bởi vì trong cảnh chia li, biết bao điều cần nói, muốn nói. Nhưng, như đã thấy, Từ vừa phân tích, giảng giải cho Thuý Kiều cảm thông, vừa động viên, an ủi, vừa tự tin vẽ ra viễn cảnh huy hoàng và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Như thế, trong tình huống này, các hành động ngôn ngữ của Từ Hải vẫn thể hiện rõ chí khí quật cường của một bậc trượng phu, nhưng vẫn không hề bỏ qua những tâm tư tình cảm đời thường của một con người.

    2.3. Lần thứ ba Từ Hải phát ngôn là khi chiến thắng trở về và “thân nghinh cửa ngoài” để đón Thuý Kiều lúc nàng được quân lính và cung nga thể nữ rước đến. Từ Hải lại cũng dùng một loạt lời nói ở dạng nghi vấn, nhưng tất nhiên cũng không nhằm mục đích để hỏi, mà chính là để gián tiếp thực hiện hành động khẳng định, minh chứng cho tình cảm “cá nước duyên ưa” của mình đối với Thuý Kiều, khẳng định sự nhất quán với lời cam kết trước đây, và cũng để thể hiện nỗi vui mừng khôn xiết vì đã đáp ứng được sự chờ mong của Thuý Kiều:

Cười rằng: “Cá nước duyên ưa,

Nhớ lời nói những bao giờ hay chăng?

Anh hùng mới biết anh hùng,

Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?

       Vì thế đối với những “câu hỏi” này, Thuý Kiều không cần và cũng không thể trả lời, mà chỉ còn biết thú nhận sự “ngây thơ” trước đây của mình và cảm tạ vì đã được “bóng cây” che chở cho thân phận “cát đằng” của mình.

      2.4. Lần thứ tư Từ hiện ra khi “sánh với phu nhân cùng ngồi” trong cảnh “báo ân báo oán”. Lần này, Từ rất ít lời. Bởi vì, ngay từ đầu, Từ đã chủ động giao phó (hành động ngôn ngữ thuộc nhóm điều khiển, thể hiện qua động từ mặc) mọi công việc cho nàng Kiều:

Từ rằng: “Ân oán hai bên

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh”.

      Và ngay cả khi Thuý Kiều đề xuất ý kiến về thứ tự “báo ân rồi sẽ trả thù”, Từ cũng chỉ nói gọn ghẽ và dứt khoát, thể hiện hành động ngôn ngữ phó thác của mình: “Việc ấy phó cho mặc nàng”. Như thế, ngay trong tình huống của sự trừng phạt, có cảnh “máu rơi thịt nát tan tành”, với hành động phó thác hoàn toàn của Từ Hải cho Thuý Kiều, ta lại càng thấy bản tính quảng đại, khoáng đạt, tin tưởng ở người tri kỉ của mình. So với ba lần trước thì đây là lần Từ Hải không dùng dạng câu nghi vấn, tức không dùng cách thức gián tiếp, mà trực tiếp và dõng dạc dùng các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm điều khiển (giao phó) thông qua các động từ ngôn hành là mặc, phó. Điều đó thích hợp với phong thái uy nghiêm của một đại vương ở chốn pháp trường.

        2.5. Lần cuối cùng Từ Hải xuất hiện là một tình huống thật sự đặc biệt, thật sự ấn tượng. Không phải chỉ vì đó là tình huống kết liễu cuộc đời và sự nghiệp của Từ, mà còn vì xét theo hành động ngôn ngữ, đây là lần duy nhất Từ hiện diện mà không nói năng, không thực hiện hành động ngôn ngữ nào. Mọi tình tiết diễn biến, ta chỉ được biết qua hành động ngôn ngữ trình bày (kể chuyện) của tác giả và qua lời lẽ của Thuý Kiều. Từ Hải có suy nghĩ rất nhiều, có cân nhắc suy tính rất lung về lẽ thiệt hơn giữa công hay hàng, nhưng rồi khi nghe lời nói “mặn mà” của Thuý Kiều, Từ đã trở thế công ra thế hàng. Đánh giá về sự kiện này, về những suy tính và lời khuyên ra hàng của Thuý Kiều, về sự thay đổi của Từ Hải, về mưu mô và sự phản trắc của Hồ Tôn Hiến, ngành Kiều học ở nước ta đã có nhiều ý kiến phong phú và chắc chắn vẫn còn tiếp tục mở ra những hướng tiếp cận mới. Tuy nhiên, điều đó vượt ra ngoài khuôn khổ đề tài của bài viết này. Chỉ xin nói rằng, về mặt hành động ngôn ngữ, trong tình huống bi thương và đau xót này, Từ Hải không hề thực hiện một hành động ngôn ngữ nào, một điều khác hẳn với những lần xuất hiện trước và khác cả với cuộc sống thông thường hàng ngày của con người.

     3. Qua sự phân tích về hành động ngôn ngữ của nhân vật Từ Hải trên đây, một lần nữa có thể khẳng định: Từ Hải là một nhân vật phi thường, đồng thời cũng là một con người rất đời thường. Điều đó thể hiện qua những lời nói của Từ ở những cảnh huống khác nhau: khi gặp gỡ kết giao, khi ra đi chiến trận, khi thắng lợi trở về, và cả khi tham dự nơi pháp trường để báo ân, báo oán cho thân nhân. Từ Hải đã nói năng rất linh hoạt, thực hiện nhiều hành động ngôn ngữ khác nhau, theo những cách thức khác nhau, trong đó tuỳ theo cảnh huống mà Từ dùng cách thức trực tiếp hay gián tiếp với những sắc thái tinh vi, tế nhị, rất thích hợp với tâm lí, tình cảm trong giao tiếp. Con người Từ Hải không phải chỉ là con người của những hành động “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, mà cũng còn là con người của những hành động ngôn ngữ có hiệu quả lớn trong giao tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Đào Duy Anh (1974), Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội.

2.   Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục.

3.   Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, tập 1, NXB Giáo dục.

4.   Phan Ngọc (2001), Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện KiềuNXB Thanh niên.

5.   Bùi Minh Toán (2012), Ngôn ngữ với văn chương, NXB Giáo dục.

6.   Dương Thị Thuý Vinh (2013), Hành động ngôn ngữ và con người Sở Khanh trong Truyện KiềuTạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 6 (212).

7.   Nhiều tác giả (Hoài Phương tuyển chọn và biên soạn) (2005), Truyện Kiều, những lời bình, NXB Văn hoá nghệ thuật.                                                 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020