Là một cây bút nữ gắn chặt với những cảm xúc tinh tế, sâu kín thường nhật của con người, Trần Thuỳ Mai đã xây dựng nên một thế giới nghệ thuật có sự va đập nhiều tiếng nói, nhiều khuôn mặt, đôi khi là sự dẫn dắt của xúc cảm đối với ngôn từ, sự lấn át từ tâm thức của thiên tính nữ trong tổ chức hình tượng, triển khai ý đồ nghệ thuật. Trong hai tập truyện ngắn Mưa đời sau và Đêm tái sinh của bà, từ ngữ chỉ hoạt động nói năng xuất hiện khá đậm đặc. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi hướng đến tìm hiểu từ ngữ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai nhằm xem xét đặc điểm của nhóm từ ngữ này và làm rõ tác dụng của nó đối với tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn.
TÌM HIỂU TỪ NGỮ CHỈ HOẠT ĐỘNG NÓI NĂNG
TRONG TRUYỆN NGẮN TRẦN THUỲ MAI
ThS. Lê Thị Cẩm Vân
Đại học Sư phạm Huế
1. Đặt vấn đề
Một trong những phương diện quan trọng cấu thành hình tượng nhân vật là hành vi ngôn ngữ của nhân vật đó. Đối với diễn ngôn truyện kể, người đọc có thể hình dung hành vi ngôn ngữ của nhân vật qua lời người kể chuyện, qua phát ngôn của chính nhân vật hoặc qua lời của một nhân vật khác, trong đó thường bao gồm các từ ngữ chỉ hoạt động nói năng.
Hành vi nói năng là căn cứ để nhận thức nhiều khía cạnh về nhân vật trong tương liên với những hành vi khác như tâm lí, tính cách, đặc điểm nhóm xã hội mà nhân vật thuộc vào, quan hệ của nhân vật với các nhân vật khác. Nằm trong chỉnh thể tác phẩm, nó cũng là phương tiện đắc lực thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, trực tiếp nhất là sự vận động hội thoại giữa các nhân vật. Và như một mắt xích trong trò chơi ngôn ngữ mà tác giả sử dụng để khai triển tư tưởng, nó cho biết về người tạo sinh ra nó, như một dấu hiệu hiển nhiên để nhận thấy anh ta như một người quen ngay cả khi có sự vận động mãnh liệt trong phong cách của kẻ sáng tạo.
Là một cây bút nữ gắn chặt với những cảm xúc tinh tế, sâu kín thường nhật của con người, Trần Thuỳ Mai đã xây dựng nên một thế giới nghệ thuật có sự va đập nhiều tiếng nói, nhiều khuôn mặt, đôi khi là sự dẫn dắt của xúc cảm đối với ngôn từ, sự lấn át từ tâm thức của thiên tính nữ trong tổ chức hình tượng, triển khai ý đồ nghệ thuật. Trong hai tập truyện ngắn Mưa đời sau và Đêm tái sinh của bà, từ ngữ chỉ hoạt động nói năng xuất hiện khá đậm đặc. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi hướng đến tìm hiểu từ ngữ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai nhằm xem xét đặc điểm của nhóm từ ngữ này và làm rõ tác dụng của nó đối với tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn.
2. Đặc điểm từ ngữ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai
Nói năng là một loại hoạt động đặc thù của con người. Do vậy mỗi ngôn ngữ đều có một vốn từ khá phong phú để biểu đạt loại hoạt động này. Ở đây chúng tôi hướng đến các từ ngữ chỉ hành động, tính chất của hoạt động nói năng và coi “im lặng” cũng là một dạng nói năng đặc biệt. Các danh từ chỉ sản phẩm của hoạt động nói năng chúng tôi không nghiên cứu.
2.1. Xét về mặt ý nghĩa, theo quan sát của chúng tôi trên ngữ liệu thu thập được, có thể phân chia từ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai làm 3 nhóm:
a. Nhóm có ý nghĩa chỉ hành động của hoạt động nói năng: chê, xin, dặn, mắng, hỏi, mời, chào, đòi, thổ lộ,…
Ví dụ: Tôi những muốn thổ lộ nỗi lo lắng của tôi cho chị nghe nhưng xấu hổ không sao nói được. (Chị Hai ơi)
b. Nhóm có ý nghĩa chỉ tính chất của hoạt động nói năng: tính chất của giọng nói: (tiếng nói) trầm ấm, (giọng) khàn đục, (buông mấy tiếng) đanh, gọn,…; tốc độ của hành động nói năng: (nói) thong thả, chậm rãi, (nói) liến thoắng,…; độ lớn của tiếng nói: (hét) to,(nói) nhỏ, v.v…; tính chất của nội dung câu nói: (nói) ngờ nghệch,…; thái độ của người phát ngôn: (giọng) buồn, cáu kỉnh, bực dọc, dịu dàng,…
Ví dụ: Ngân đối với tôi thực chẳng ngọt ngào, nhưng không hiểu sao trong giọng nói bực dọc cáu kỉnh vẫn có một âm hưởng trầm trầm, buồn buồn, dịu dàng,… (Đêm tái sinh)
c. Nhóm có ý nghĩa vừa chỉ tính chất vừa chỉ hành động của hoạt động nói năng: thì thầm, xì xào, bô bô, láu táu, xuýt xoa, nghẹn ngào,…
Ví dụ: “Một ngày kia anh sẽ là một hoạ sĩ vĩ đại”. Cô thì thầm với vẻ yêu thương sùng kính. (Người bán linh hồn)
Nhóm (a) tồn tại phổ biến cả trong lời người kể chuyện lẫn lời thoại của nhân vật. Nhóm (b) và (c) chủ yếu tồn tại trong ngôn ngữ người kể chuyện, có vai trò quan trọng trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật. Do thiên về miêu tả tính chất của hoạt động nói năng nên nhóm (b) chủ yếu được dùng trong ngôn ngữ trần thuật mà ít khi xuất hiện trong lời thoại nhân vật. Nếu có, chúng thể hiện sự đánh giá của người nói về hành vi nói năng của người cùng tham gia hội thoại hoặc về tính chất của nội dung phát ngôn xuất hiện trước đó.
Căn cứ vào sự hình thành và phát triển của nghĩa, có thể chia từ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai là hai loại: loại mang nghĩa gốc và loại mang nghĩa phái sinh. Loại mang nghĩa gốc lại có thể phân thành hai nhóm nhỏ: theo hướng khái quát hoá, có những từ chỉ hoạt động nói năng chung như bàn tán, đồn đại, quát tháo, cãi cọ, hỏi han, nói năng,…; theo hướng cụ thể hoá, có những kết hợp được cấu thành bởi một yếu tố chỉ hoạt động nói năng trong vai trò yếu tố cơ sở và một yếu tố khác cụ thể hoá hoạt động đó ra như nói đón, nói ngang, nói thách, nói dối, nói chơi, … Loại mang nghĩa phái sinh vốn là những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất khác trong đời sống con người được mở rộng nghĩa để chỉ hoạt động nói năng. Sự mở rộng nghĩa được thực hiện theo cơ chế ẩn dụ và hoán dụ. Ví dụ: chống chế, cắt ngang, dẻo quẹo, gần xa, đổ vạ, bào chữa,… Đáng chú ý là những kết hợp gồm một yếu tố được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ và một yếu tố chỉ cơ quan cấu âm của con người/ chỉ sản phẩm của hoạt động nói năng/ chỉ cơ quan thính giác tiếp nhận âm thanh do hoạt động nói năng tạo ra được dùng theo lối hoán dụ để chỉ hoạt động nói năng. Ví dụ: tặc lưỡi, dẻo mồm, ấm khẩu, ác khẩu, buột miệng, chỏ mồm, mở miệng, rỉ tai, bắt lời, tiếp lời,…
2.2. Xét về phương diện kết hợp và chức năng ngữ pháp, khi đi vào văn bản, những từ chỉ hoạt động nói năng được chúng tôi phân nhóm ở trên có đặc điểm như sau:
Nhóm (a), (c) chủ yếu đảm nhiệm chức năng vị ngữ trong câu và giữ vai trò trung tâm trong ngữ vị từ chỉ hoạt động nói năng khi trước nó không xuất hiện một vị từ khác, trong trường hợp ngược lại, khi đứng sau một vị từ khác, nó giữ vai trò bổ ngữ. Ví dụ: Tôi thì thầm trong lúc ôm ghì lấy nàng (Chăn Tha), Cậu đừng hỏi, tôi không nói đâu (Lửa của khoảnh khắc) .
Nhóm (b): Những từ có ý nghĩa chỉ tính chất của giọng nói chủ yếu đảm nhiệm vai trò định ngữ trong ngữ danh từ cụ thể hoá đặc trưng giọng nói của nhân vật hoặc giữ vai trò vị ngữ trong câu mô tả giọng nói của nhân vật. Ví dụ: Cha tôi mắt sáng, mũi cao, tiếng nói trầm ấm,… (Thương nhớ hoàng lan). Những từ có ý nghĩa chỉ tốc độ của hành động nói năng thường kết hợp với vị từ chỉ hành động nói năng ở phía trước hoặc phía sau, theo đó nó giữ chức năng làm trung tâm của ngữ vị từ chỉ hoạt động nói năng hoặc làm bổ ngữ. Ví dụ: Nó nói thong thả, chậm rãi, như thể kể chuyện của người khác. (Ngôi đền sống), những từ có ý nghĩa chỉ độ lớn của tiếng nói thường kết hợp với vị từ chỉ hành động nói năng trong vai trò bổ ngữ. Ví dụ: hét lớn, kêu to. Những từ chỉ thái độ của người phát ngôn, thường đứng trước vị từ chỉ hành động nói năng làm trung tâm của ngữ (tần ngần bảo, lưỡng lự bảo) hoặc làm định ngữ trong ngữ danh từ mô tả giọng nói của nhân vật (Ngân nói, giọng trầm, buồn, cáu kỉnh – Đêm tái sinh). Những từ chỉ tính chất của nội dung câu nói thường giữ vai trò định ngữ trong ngữ danh từ hoặc giữ vai trò vị ngữ trong câu đánh giá về phát ngôn trước đó của nhân vật (Câu hỏi có thể nói là sỗ sàng và ngớ ngẩn đối với lần gặp gỡ đầu tiên,... – Thuốc ba màu).
Riêng nhóm (c), vốn là những từ chỉ tính chất của hoạt động nói năng, thường đi sau các vị từ chỉ hành động nói năng để bổ nghĩa cho vị từ đó. Ví dụ: nói thì thầm, nói liến thoắng,… Về sau chúng được chuyển loại để chỉ hoạt động nói năng, khi xuất hiện trong câu chúng thường giữ vai trò vị ngữ.
2.3. Xét về phạm vi sử dụng, trong số từ ngữ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai mà chúng tôi khảo sát, có hai nhóm đáng chú ý là nhóm các từ ngữ địa phương và nhóm các biệt ngữ dùng trong Phật giáo và chốn cung đình. Các từ địa phương (biểu, nạt, kêu (= gọi tên),…), đặc biệt là các dạng láy như dặn lui dặn tới, nhắc tới nhắc lui, nói cạnh nói khoé, bắt ne bắt nét, chắt lằn chắt lưỡi,… đã tạo cho truyện ngắn Trần Thuỳ Mai một chất giọng riêng, gợi lên không gian và luật tắc giao tiếp đậm màu sắc của con người xứ Huế. Các biệt ngữ Phật giáo (tụng kinh, thuyết pháp, trì tụng, cầu an, niệm chú,…) dựng lên một không gian tín ngưỡng bàng bạc, thiêng liêng, thanh u; các biệt ngữ dùng trong đời sống vua quan xưa (tâu, trình, bẩm, can, bệ kiến, truyền, đàm luận,…) đem lại cho tác phẩm màu sắc lịch sử khắc nghiệt, dữ dội và ám ảnh. Nói chung đây là những nhóm từ khơi gợi và chuyên chở nhiều yếu tố văn hoá cho tác phẩm, góp phần tạo nên giọng điệu riêng cho của tác giả.
Ngoài ra trong hội thoại, bên cạnh lời nói là phương tiện chính để chuyển tải thông tin hoặc đích giao tiếp, người nói còn sử dụng các hành vi phi ngôn ngữ. Những hành vi này “xuất hiện song song với ngôn ngữ nói, hoà lẫn vào ngôn ngữ nói và cùng với ngôn ngữ nói hình thành nên một hệ thống giao tiếp trọn vẹn” [Arbefcombic, dẫn theo 1, 223]. Khảo sát truyện ngắn Trần Thuỳ Mai chúng tôi nhận thấy các hành vi phi ngôn ngữ như lắc đầu, gật đầu, nhếch mép, bĩu môi, xua tay, trợn mắt, v.v… không chỉ có chức năng kèm lời hoặc thay thế cho từ ngữ chỉ hoạt động nói năng mà còn là yếu tố bộc lộ tâm lí, tính cách nhân vật và là một yếu tố tham gia vào cuộc thoại, thúc đẩy hay chuyển hướng cuộc thoại. Đặc biệt hành vi lắc đầu chuyển tải khá nhiều thông điệp, nó có thể biểu thị sự không đồng ý, không chấp thuận, phản đối, từ chối trả lời, từ chối lời đề nghị.
Một quan sát của chúng tôi trên ngữ liệu khảo sát được là số lượng và số lượt từ ngữ chỉ hoạt động nói năng trong lời trần thuật về nhân vật, lời thoại của nhân vật và lời nhân vật khác nói về nhân vật đó tỉ lệ thuận với vai trò của nhân vật trong tác phẩm. Trong Thuốc ba màu, từ ngữ chỉ hoạt động nói năng của nhân vật nữ chính Akiko xuất hiện đậm đặc, khác với Quỷ trong trăng, nơi các từ ngữ chỉ hoạt động nói năng xuất hiện trong lời trần thuật về nhiều nhân vật và phân tán dưới cái nhìn của nhiều phát ngôn nhân, câu chuyện vì thế không tuôn chảy theo một mạch như Thuốc ba màu mà gây cảm giác đó là những mảng ghép hội thoại dù cùng được đặt ở ngôi kể chính là ngôi 1.
3. Tác dụng của từ ngữ chỉ hoạt động nói năng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai
3.1. Tổ chức hội thoại
Giao tiếp là một hoạt động rất phức tạp. Trong thực tế giao tiếp, tuỳ đối tượng cùng tham gia giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, thoại trường,… mà có thể người nói lựa chọn cách diễn đạt, thái độ nói năng khác nhau, trong đó bao hàm cả sự lựa chọn từ ngữ chỉ hoạt động nói năng.
Khi đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, việc sử dụng từ ngữ chỉ hoạt động nói năng cũng như việc tổ chức hội thoại chịu sự chi phối của ý đồ nghệ thuật của tác giả. Ngoài quy luật vận động tự nhiên của văn hoá giao tiếp, sự vận động của hội thoại mang tính chủ quan của người viết. Với trường hợp Trần Thuỳ Mai, hình thức hội thoại được sử dụng như một biện pháp để bộc lộ nội tâm của nhân vật. Do vậy đôi khi lời thoại trong truyện ngắn của bà tựa như một lời tâm tình dài. Điều này chi phối không nhỏ tới việc tổ chức hội thoại cũng như việc lựa chọn từ ngữ chỉ hoạt động nói năng để mô tả, trần thuật (trong lời người kể chuyện) và đối thoại (trong ngôn ngữ nhân vật).
Quan sát đoạn thoại giữa giáo sư Thanh – người nghiên cứu văn học dân gian và bà Lài – người nổi tiếng ca hò một thời trong tác phẩm Dòng suối cạn nguồn, trước đó ông Thanh đề nghị bà kể lại chuyện hò hát ngày trước:
– Chuyện hò hát ngày xưa, nói thiệt với thầy tui không còn nhớ. Già rồi, lẫn lộn cả rồi. Thầy bỏ lỗi...
– Xin lỗi bác, bác cho chúng tôi hỏi một vài câu nhỏ thôi. Bác cho biết, ngày xưa bác thường đối đáp với những ai trong làng?
Nét mặt bà Lài như chùng xuống, bà lặng im rất lâu rồi nhìn ra nơi khác:
– Dạ... gặp đâu hát đó, có chi mà nhớ thầy.
có thể thấy trong lời đáp của bà Lài có hành vi rào đón biểu đạt bởi từ chỉ hoạt động nói năng nói thiệt báo hiệu cho sự vi phạm phương châm hội thoại. Người nghe có thể rút ra được từ câu nói của bà lời từ chối và niềm mong muốn chấm dứt đề tài hội thoại này. Nhận thức được điều đó, song do vẫn muốn tiếp tục cuộc thoại, ông Thanh đã mở lời xin lỗi, vì ông biết mình đang ép buộc người nghe vào màn hội thoại mà người đó muốn tránh. Kết hợp hành vi xin lỗi với vị từ ngôn hành hỏi, người nói ràng buộc bà Lài vào tình huống phải tiếp tục cuộc thoại về vấn đề mà cả hai đều biết rõ bà Lài không muốn. Sự im lặng rất lâu của bà Lài là một phản ứng ngôn ngữ tự nhiên dự báo cho một điều bất thường, có tác động mạnh đến tâm lí nhân vật, và đó hẳn là lí do cho sự từ chối và lảng tránh gợi lại chuyện xưa của bà. Sử dụng ngôn ngữ và cử chỉ không lời, Trần Thuỳ Mai đã gợi lên miền kí ức thăm thẳm của nhân vật. Như vậy, rõ ràng từ ngữ chỉ hoạt động nói năng góp phần không nhỏ vào việc tổ chức hội thoại giữa các nhân vật trong tác phẩm.
3.2. Khắc hoạ tính cách, tâm lí nhân vật
Nổi bật trong thế giới nhân vật của Trần Thuỳ Mai là những con người sống nội tâm trầm lặng, khép kín, nhiều u ẩn. Song không vì thế mà nó trở thành thanh âm duy nhất. Vẫn có sự đối lập giữa những nhân vật đầy cá tính, gai góc với những nhân vật điển hình cho phong cách truyện ngắn của bà. Hai tuyến nhân vật này gắn liền với hai hệ thống từ ngữ chỉ hoạt động nói năng khác nhau.
Để xây dựng một bà Hải (Tháng tư trở lại) sắc sảo, cá tính, quyết đoán, Trần Thuỳ Mai sử dụng từ ngữ chỉ hoạt động nói năng có sắc thái mạnh với tần số xuất hiện nhiều hơn hẳn so với các nhân vật khác trong truyện. Đây là con người có giọng nói điềm đạm, chững chạc, cương nghị, con người luôn trong thế chủ động với hành vi mở lời nói trước. Là con dâu đảm lược, lại làm cán bộ nhà nước, ông Hải chồng bà phạm tội tày đình có mang với người phụ nữ khác, nhân vật này hoàn toàn có lợi thế trong giao tiếp. Cái cách ngọt nhạt trả lời và cười khẩy buông sõng cho thấy bà luôn đứng trên người khác, được người khác tôn trọng.
Khác với bà Hải, nhân vật Tống Nương trong Án lục người đàn bà họ Tống chỉ xuất hiện với ba từ ngữ chỉ hoạt động nói năng nhận xét, khái quát hành vi nói năng của nhân vật này (lí sự đanh thép, nỏ mồm trong lời của viên quan đô sát và phản bác trong lời người kể chuyện) song người đọc vẫn có thể hình dung về một con người thông minh, sắc sảo, đầy cá tính.
Để khắc hoạ một con người thô lỗ, hời hợt, thực dụng kiểu nhân vật Sơn trong Người điên vì hoa, Trần Thuỳ Mai sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động nói năng được đánh giá tiêu cực, vi phạm các nguyên tắc lịch sự trong giao tiếp như quát, cười đắc chí, một câu nói có đến hai lời hứa, nổi tiếng như cồn về những lời hứa hẹn.
Ngược lại với dạng nhân vật trên là những con người sống nội tâm với hành vi nói năng đặc thù bởi các cử chỉ phi ngôn và thái độ im lặng, câm nín xuất hiện trong đa số tác phẩm của bà (Thị trấn hoa quỳ vàng, Non nước mùa đông, Trò chơi cấm, Suối bạc, Dòng suối cạn nguồn, Chuyện cũ ở quê nhà,...). Trần Thuỳ Mai có duyên với những nhân vật nữ mong manh, yếu ớt, thụ động, bị ràng buộc nặng bởi các tập tục, quy tắc ứng xử, lặng lẽ, u buồn, có đời sống tâm lí nhiều u ẩn. Từ ngữ chỉ hoạt động nói năng của họ thường là kết hợp từ phủ định + (vị từ tính thái) + động từ chỉ hoạt động nói năng. Kết hợp phủ định này bộc lộ rõ tính thụ động, cam chịu trong tính cách và cả những thiệt thòi trong cuộc sống mà họ phải chấp nhận. Hành vi phi ngôn điển hình cho kiểu nhân vật này là hành vi biểu thị ý phủ định (lắc đầu). Người đàn bà trong Thập tự hoa là một ví dụ. Trong khi bé Mi con chị luôn reo lên, hét lên, phá lên cười thì ngược lại, người mẹ này lặng lẽ, âm thầm với những cái gật đầu, lắc đầu, nói như khẩn cầu, nói vừa như giải thích, vừa như thổ lộ, nghẹn không nói được. Tâm hồn chị luôn trĩu nặng quá khứ, một quá khứ mà theo chị đó là cây thập tự mà mỗi đời người phải mang.
Vãi Thông trong Lửa của khoảnh khắc cũng vậy. Bao trùm lên cuộc đời của nhân vật này là một sự im lặng quằn quại, đau đớn. Ám ảnh trong toàn bộ câu chuyện là tiếng thì thầm cầu nguyện, lẩm bẩm tụng kinh của người đàn bà sống nửa tu hành nửa trần tục. Tất cả hành vi ngôn ngữ của nhân vật dồn vào đôi mắt khắc khoải nhìn vào quá khứ, vào những lời cầu nguyện.
Điển hình cho kiểu nhân vật này trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai có lẽ là Quyên trong Cánh cửa thứ chín. Nhân vật này gần như ngừng mọi giao tiếp, cho dù được thôi thúc mãnh liệt, tất cả với chị cũng chỉ là định nói, sẽ nói. Chỉ qua hình thức cách biệt không gian – điện thoại, Quyên mới có thể thổ lộ, diễn tả những đột biến nhỏ, vốn rất bình thường với người khác, của mình. Trần Thuỳ Mai tập trung chọn lọc từ chỉ hoạt động nói năng đặc trưng cho hai nhân vật trong tác phẩm: Quyên – ngôn ngữ hội thoại chỉ là những tiếng vang không âm sắc và chồng nàng, Hoà, với giọng bình thản như mọi câu nói vào mọi giờ. Bốn bức tường khép kín và cơ hội giao tiếp duy nhất với người chồng như vậy cùng những sự biến khác trong cuộc đời đẩy nhân vật nữ này vào góc tối của câm nín, nguyên nhân của u uất và căn bệnh thống kinh hành hạ nàng. Cánh cửa thứ chín mở ra, giải thoát cho nàng hay chỉ khép thêm một đường chân trời mà nàng đã từng mơ tưởng? Nhân vật từ chối bước ra khỏi cánh cổng tù hãm cuộc đời nàng, và đó là lựa chọn của riêng nàng, hồ như không cần lời giải thích, và ngược lại, không cần cả lời buộc tội.
Với dạng nhân vật này, Trần Thuỳ Mai không khi nào sử dụng từ ngữ chỉ hoạt động nói năng mang âm sắc vui, âm lượng lớn cho họ. Những con người đó bung mở mọi giác quan để thu nhận thế giới trong im lặng. Họ từ chối hành ngôn vì nỗi đau, khước từ đối thoại vì sự bất đồng trong tâm thức, tư duy và lối sống, một sự đối lập dữ dội hiện diện trong sự im lặng vô ngôn. Đó chính là khoảng lặng đầy sức nặng trong truyện ngắn của nữ sĩ, nơi khơi gợi chất nữ tính khó tả và lan toả nhiều dư ba vùng miền.
4. Kết luận
Như vậy từ ngữ chỉ hoạt động nói năng có vai trò quan trọng trong việc tổ chức ngôn từ của một tác phẩm văn học. Nó là cánh cửa thú vị để đi vào thế giới bên trong của nhân vật, một phương tiện đắc lực để khắc hoạ nhân vật sinh động cả về tâm lí, tính cách và các mối quan hệ. Việc sử dụng thường xuyên kiểu kết cấu phủ định cho vị từ chỉ hoạt động nói năng, hành vi phi ngôn bộc lộ ý phủ định, hành vi ngôn ngữ im lặng đã tạo nên màu sắc riêng cho thế giới nhân vật Trần Thuỳ Mai. Nhóm các biệt ngữ sử dụng trong Phật giáo và đời sống cung đình cùng những từ ngữ chỉ hoạt động nói năng mang màu sắc địa phương cũng ấn định một hơi thở riêng cho phong cách văn chương của cây bút này.
Chuyên đi vào những vùng tâm tư sâu kín, mô tả lại một cách dịu dàng những chấn động tâm lí của con người, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai khiến người ta nghĩ tới bản thể âm của nước, mềm, sâu và rỉ mãi vào chốn xa xăm nhiều vết thương, nhiều ẩn ức của người nữ. Truyện của bà do vậy để lại ấn tượng sâu đậm cho những ai tìm kiếm một sự thanh tẩy nhẹ nhàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu (2009), Đại cương ngôn ngữ học (tập hai) – Ngữ dụng học, NXB Giáo dục.
2. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, NXB Giáo dục.
3. Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB Giáo dục.
4. Cao Xuân Hạo (chủ biên, 2005), Ngữ pháp chức năng tiếng Việt quyển 2 – Ngữ đoạn và từ loại, NXB Giáo dục.
5. Jakovson (Trần Duy Châu biên khảo, 2008), Thi học và ngữ học, NXB Văn học.
NGỮ LIỆU KHẢO SÁT
1. Trần Thuỳ Mai (2004), Đêm tái sinh, NXB Thuận Hoá.
2. Trần Thuỳ Mai (2005), Mưa đời sau, NXB Văn nghệ.