Ngôn ngữ

HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ TRONG TÁC PHẨM HỒ CHÍ MINH


14-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thanh Tú

Có thể hình dung cây đại thụ văn học Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vững chãi lực lưỡng là nhờ cắm rễ rất sâu vào mảnh đất văn hoá dân tộc, cần cù chăm chỉ hút những chất dinh dưỡng tinh hoa văn hoá của cha ông từ nghìn đời nay. Nhờ đó mà rất cường tráng, khoẻ mạnh. Cây đại thụ ấy lại luôn vươn cao cành lá sum suê để quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hoá thế giới đương đại. Do vậy mà luôn xanh tốt tươi mới. Hiện tượng song ngữ trong tác phẩm của Người là một minh chứng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ hay tiếng nước ngoài không ngoài một mục đích vì độc lập tự do dân tộc, vì quyền lợi, hạnh phúc của nhân dân.

HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ TRONG TÁC PHẨM HỒ CHÍ MINH

                                                                                  PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú

Tạp chí Văn nghệ Quân đội

 

Có một hiện tượng khá thú vị trong việc Hồ Chí Minh sử dụng ngôn ngữ là khi Người viết bằng tiếng nước ngoài cho người nước ngoài đọc thì thỉnh thoảng lại sử dụng một vài chữ tiếng Việt. Trên báo Le Paria số 4, ngày 1/7/1922, trong nguyên bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc tác giả dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt (1). Trên báo L’Humanité ngày 17/8/1922, trong nguyên bản bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà quê”, “quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt (2). Trong truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái” thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn cảnh cụ thể thì có thể đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc có thể là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ… Cũng như vậy, khi viết tiếng Việt tác giả lại dùng một vài từ tiếng nước ngoài, hoặc đang viết tiếng Hán lại chen vài câu tiếng Anh, đang viết tiếng Pháp lại có một từ hoặc câu tiếng Anh… Dĩ nhiên có mục đích riêng mà ở mục này chúng tôi cố gắng chứng minh và lí giải.

Có thể tạm khuôn vào hai nhóm, nhóm để mỉa mai đả kích, chế giễu và nhóm để tăng cường tình thân mật hữu nghị.

Ở nhóm mỉa mai đả kích, Người thường dùng một vài từ tiếng Anh hoặc âm Anh ngữ.

     Ngày 27/11/1940, Cứu vong nhật báo (Trung Quốc) có đăng bài Trò đùa dai của Rudơven tiên sinh, ngay tiêu đề bài báo đã có tính trêu cợt. Bài báo nói về việc Tổng thống Mỹ cử tướng Pơsinh mang quân sang giúp Pháp đánh quân xâm lược Đức. “Ngày đầu tiên đặt chân lên nước Pháp, việc đầu tiên tướng Pơsinh làm là dẫn tất cả nhân viên trong ban tham mưu và cử quân đội đến đặt vòng hoa trước mộ La Phayét. Vị nguyên soái Mỹ đã đọc trước mồ vị tướng Pháp một bài diễn từ có thể nói là tráng liệt nhất, hùng hồn nhất và cũng ngắn gọn nhất thế giới. Ông ta nói: "La Fayette – we are here!". Chỉ có bốn chữ, không nhiều hơn…”. Chả là vì La Fayette là một quận công của nước Pháp, từ năm 1777 mang quan đội Pháp sang giúp Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Còn “we are here!” (tiếng Anh) có nghĩa là: chúng tôi đang ở đây. Và lời giải thích của tác giả làm rõ bổ ngữ ẩn chúng tôi đang ở đây để làm gì:

   “Vẻn vẹn có mấy chữ mà ý nghĩa thật sâu xa. Có thể hiểu: “Chúng tôi đến để lấy đức trả đức” – thực ra là lấy oán trả “đức” –, cũng có thể hiểu: “Thế kỉ trước, các anh giúp chúng tôi đánh người Anh, đâu phải vì “nhân đạo công lí” quái gì, chẳng qua các anh muốn làm suy yếu thế lực của Anh. Nay chúng tôi giúp các anh đánh người Đức, cũng đâu phải vì “tự do dân chủ”, chẳng qua chúng tôi muốn thu hồi những món nợ của nước Mỹ. Dù sao, ơn huệ trước kia của các anh, chúng tôi giờ đã trả đủ, không bớt một chút xíu. Những món nợ hiện nay của phố Uôn, sau chiến tranh, các anh cũng phải hoàn trả đủ số” (3).

Trên báo Nhân dân, số 974, ngày 4/11/1956, với bút danh C.B, tác giả có Thư gửi Tổng thống Mỹ. Lá thư bắt đầu bằng lời chào một âm tiết: Sir, nghĩa là “Ngài”. Thư dừng lại bằng một sở hữu cách: “Yours”. Thời điểm này Tổng thống Mỹ là Aixenhao, một tổng thống hiếu chiến chủ trương gây chiến ở Việt Nam. Nội dung thư tác giả kết tội Aixenhao có âm mưu biến Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Vì không kí tên thật Hồ Chí Minh nên đây là một lá thư của một công dân Việt Nam bình thường, bỏ qua nghi thức ngoại giao để trở thành lời tố cáo, lên án. Lời mở thư không hề lịch sự, cuối thư là một từ đầy ẩn ý, có thể “tôi” (tác giả C.B) là bạn của Ngài, và cũng có thể là những người chiến thắng (của) Ngài nếu Ngài có dã tâm xâm lược đất nước chúng tôi. Hình như đoạn cuối lá thư muốn làm rõ cái ẩn ý ấy: “Nhân dân Việt Nam kiên quyết đoàn kết đấu tranh để thống nhất non sông gấm vóc của tổ tiên để lại cho mình, để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (4). Trong Thư gửi ông Kennơđi, Tổng thống mới của Mỹ, mở đầu Người viết:

     Đia xơ, tiếng Anh “Dear sir” có nghĩa là “Thưa ông” (5). Trong Thư không dán gửi Lord Heath trong Chính phủ Anh cũng mở đầu bằng Đia xơ, trong thư có dùng hai chữ: You lie có nghĩa “Ngài nói dối, nói láo”.

Trong Trả lời ông Menxphin Thượng nghị sĩ Mỹ, cũng mở đầu bằng Đia xơ, trong nội dung trả lời có chen từ OK: “Ông đề nghị bàn chuyện hoà bình. OK, nhưng:...”, cuối bài có từ Greetings có nghĩa là “xin chào” (6). Cuối bài báo Mỹ hoạt động hoà bình giả để mở rộng chiến tranh thật, là lời đối thoại: Do you understand, Zoon? Có nghĩa là Zoon, có hiểu không? (7). Trong chùm bài Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ, với bút danh Đ.X tác giả dùng tiếng Anh nhại lại lời của Tổng thống Mỹ: “Cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ còn múa mồm nói: Pháp chắc thắng lợi ở Điện Biên Phủ – Eisenhower predicts Điên Biên Phu victory” (8).

 Ở nhóm sau có: trong bài Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc có câu: “Bác cũng phát nương làm xuốn như các anh em khác” (9). “Xuốn”, âm tiếng Xiêm có nghĩa là vườn.

Lời chào mừng trong buổi đón tiếp vua Lào Xri Xavang Vátthana ở cuối bài có câu: “Việt – Lào Xamăckhi mặnnhưn”, có nghĩa là “Việt Lào đoàn kết muôn năm” (10). Bài diễn văn trong buổi chiêu đãi vua Lào, Người cũng dùng: “Paxaxôn Việt – Lào Xamăckhi mặnnhưn” (11), có nghĩa là “Nhân dân Việt Lào đoàn kết muôn năm”. Trong Lời cảm ơn trong buổi chiêu đãi do Vua Lào tổ chức, Người cũng nhắc lại:

     “… Chúc hoà bình thế giới.

       Paxaxôn Việt – Lào Xamăckhi mặnnhưn!” (12).

      Trong Lời phát biểu trong buổi lễ tiễn Vua Lào, trước khi dừng cũng có một câu tiếng Lào: “Xavátđi” có nghĩa là “Chào mạnh khoẻ” (13).

     Đầu tháng 2/1958 Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Đảng ta đi thăm Ấn Độ, đáp từ tại sân bay, sau khi đọc những khẩu hiệu hoà bình bằng tiếng Việt, cuối bài Người nói bằng tiếng Ấn: “Panch Sheela!” (14).

“Panch Sheela” có nghĩa là 5 nguyên tắc chung sống hoà bình mà lúc bấy giờ một số nước châu Á đang theo đuổi. “Panch Sheela” lại được Người nhắc lại trong buổi tiệc do Tổng thống Ấn Độ chiêu đãi (15). Trong Diễn văn tại cuộc mít tinh của nhân dân Niu Đêli, cuối bài Người nói bằng tiếng Ấn: “Việt Nam – Hinđi bhai bhai!” (16).

“Việt Nam – Hinđi bhai bhai!” có nghĩa là Việt Nam – Ấn Độ là anh em! Trước khi rời Ấn sang thăm Miến Điện, trong một cuộc nói chuyện, Người nói:

     “Hoà bình thế giới muôn năm!

      Jai Hindi!” (17). “Jai Hindi!”, tiếng Ấn có nghĩa là “Ấn Độ muôn năm”.

      Tháng 6/1959, Tổng thống Inđônêxia Xucácnô sang thăm Việt Nam, Hồ Chí Minh thật khiêm tốn, chân tình nói: “Về phần tôi, tôi hết sức vui mừng được gặp lại Bung Cácnô…”. Tiếng Inđônêxia, “bung” có nghĩa là “anh cả”. Cuối bài diễn văn chào mừng Tổng thống, Hồ Chí Minh nói: “Hiđúp Bung Cácnô! Mớcđơca!” (18).

Tiếng Inđônêxia “Hiđúp” có nghĩa là muôn năm; “Mớcđơca” có nghĩa là “độc lập”. Trong diễn văn tiễn Tổng thống Xucácnô, Hồ Chí Minh nhờ Tổng thống: “Riêng Paman Hồ thì nhờ Bung Cácnô chuyển cho tất cả anh em, chị em Inđônêxia lời chúc phúc chân thành nhất,…” (19). “Paman” có nghĩa là “bác”. Bác Hồ tự xưng mình là “bác”, không gọi là “Tổng thống” mà gọi “bung” (anh cả) để đưa cuộc tiễn đưa ngoại giao trở về sắc thái gia đình anh em bịn rịn lưu luyến.

Có thể hình dung cây đại thụ văn học Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vững chãi lực lưỡng là nhờ cắm rễ rất sâu vào mảnh đất văn hoá dân tộc, cần cù chăm chỉ hút những chất dinh dưỡng tinh hoa văn hoá của cha ông từ nghìn đời nay. Nhờ đó mà rất cường tráng, khoẻ mạnh. Cây đại thụ ấy lại luôn vươn cao cành lá sum suê để quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hoá thế giới đương đại. Do vậy mà luôn xanh tốt tươi mới. Hiện tượng song ngữ trong tác phẩm của Người là một minh chứng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ hay tiếng nước ngoài không ngoài một mục đích vì độc lập tự do dân tộc, vì quyền lợi, hạnh phúc của nhân dân.

Ghi chú:

 (1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1994, 2002, Tập 1, tr 86; (2) Tập 1, tr 105); (3) Tập 3, tr 178, 179; (4) Tập 8, tr 266); (5) Tập 10, tr 273; (6)Tập 12, tr 88; (7) Tập 12, tr 13; (8) Tập 7, tr 290; (9) Tập 10, tr 24; (10) Tập 11, tr 36; (11) Tập 11, tr 41; (12) Tập 11, tr 43; (13) Tập 11, tr 45; (14) Tập 9, tr 37; (15) Tập 9, tr 46; (16) Tập 9, tr 42; (17) Tập 9, tr 63; (18) Tập 9, tr 465; (19) Tập 9, tr 479).

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020