Ngôn ngữ

TIẾP NHẬN TÁC PHẨM VĂN HỌC, DIỄN NGÔN BÁO CHÍ TỪ LÍ THUYẾT HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NGÔN NGỮ


14-10-2020
Tác giả: Vũ Thị Hồng Tiệp

Khẳng định vai trò nền tảng quan trọng của ngôn ngữ, Khrapchenko cho rằng: “Nếu không có lớp ngôn ngữ đầu tiên vốn làm chỗ dựa cho con người hoạt động có định hướng, thì những loại ngôn ngữ nghệ thuật khác thuộc màu sắc, đường nét, âm thanh không có điều kiện trở thành hiện thực” [5, 281]. Sử dụng chất liệu là ngôn ngữ, tác phẩm văn học và diễn ngôn báo chí mang chức năng giao tiếp cơ bản của ngôn ngữ. Trong báo cáo này, từ lí thuyết hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, chúng tôi phân tích tính chất giao tiếp đặc biệt của hoạt động văn học và hoạt động báo chí. Từ đó chỉ ra những nhân tố giao tiếp quan trọng tham gia vào quá trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học và diễn ngôn báo chí.

TIẾP NHẬN TÁC PHẨM VĂN HỌC, DIỄN NGÔN BÁO CHÍ

TỪ LÍ THUYẾT HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NGÔN NGỮ

Vũ Thị Hồng Tiệp

 

Khẳng định vai trò nền tảng quan trọng của ngôn ngữ, Khrapchenko cho rằng: “Nếu không có lớp ngôn ngữ đầu tiên vốn làm chỗ dựa cho con người hoạt động có định hướng, thì những loại ngôn ngữ nghệ thuật khác thuộc màu sắc, đường nét, âm thanh không có điều kiện trở thành hiện thực” [5, 281]. Sử dụng chất liệu là ngôn ngữ, tác phẩm văn học và diễn ngôn báo chí mang chức năng giao tiếp cơ bản của ngôn ngữ. Trong báo cáo này, từ lí thuyết hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, chúng tôi phân tích tính chất giao tiếp đặc biệt của hoạt động văn học và hoạt động báo chí. Từ đó chỉ ra những nhân tố giao tiếp quan trọng tham gia vào quá trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học và diễn ngôn báo chí.

1. Hoạt động văn học, hoạt động báo chí là một hoạt động giao tiếp

Hoạt động văn học, hoạt động báo chí là hoạt động hình thành một tác phẩm văn chương, một diễn ngôn báo chí (bao gồm hoạt động sáng tạo của nhà văn, nhà báo và hoạt động tiếp nhận của độc giả). Hoạt động văn học và hoạt động báo chí có vai trò quan trọng, nó tác động tới toàn thể xã hội thông qua nhân tố người đọc.

Các hoạt động này mang bản chất giao tiếp. Chúng có nhiều điểm tương đồng với hoạt động giao tiếp ngôn ngữ nói chung. “Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là sự tiếp xúc giữa con người (nhóm người) với con người (nhóm người), trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin, bộc lộ tình cảm, yêu cầu hoạt động,… đồng thời thể hiện thái độ, cách đánh giá, cách ứng xử của các nhân vật giao tiếp đối với nội dung giao tiếp và giữa các nhân vật giao tiếp với nhau” [4, 12].

Văn chương trong bản chất là một sự giao tiếp trao đổi không ngừng nghỉ với mọi thời đại và mọi lớp người. Sáng tác văn chương là một nhu cầu giao tiếp, là hành động giao tiếp với đời sống, với mọi người và với chính bản thân chủ thể sáng tạo. Cũng ở đó, luôn luôn có người nói, người nghe; người chiêm nghiệm, suy ngẫm, đối thoại.

Báo chí là hoạt động thông tin giao tiếp xã hội mà nội dung giao tiếp ở đây chủ yếu là sự kiện và các vấn đề mà chủ thể và khách thể quan tâm. Thông qua thông tin, báo chí là phương tiện giao tiếp hiệu quả, kênh thông tin giao tiếp đại chúng, hàng ngày tạo cơ hội cho mỗi người, mỗi nhóm xã hội tiếp nhận thông tin và giao tiếp xã hội.

Sự tương đồng giữa hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, hoạt động văn học, hoạt động báo chí được thể hiện trên một số phương diện cơ bản sau đây:

1.1. Phương tiện giao tiếp

Hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, hoạt động văn học và hoạt động báo chí đều sử dụng một phương tiện giao tiếp quan trọng, đó chính là ngôn ngữ. Về mặt thời gian, ngôn ngữ ra đời sớm nhất từ khi xã hội hình thành. Về mặt không gian, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp phổ biến nhất. Đó là phương tiện giao tiếp hiệu quả nhất giúp con người thể hiện được mọi thông tin, tư tưởng, tình cảm… Phương tiện ngôn ngữ khi đi vào văn học và báo chí đã tự mở rộng nhiều phạm vi theo nguyên tắc tối đa của tín hiệu. Nó trở thành một tín hiệu năng động nhất, một loại mã tâm lí xã hội vừa hiện đại nhất vừa giàu truyền thống nhất. Nằm trong tính toàn vẹn của tác phẩm, các sản phẩm ngôn ngữ là một cấu trúc, có sự thống nhất của nhiều yếu tố mà ở đấy ngôn ngữ bao giờ cũng là yếu tố cơ sở.

1.2. Nhân vật giao tiếp

Giao tiếp luôn tồn tại người phát và người nhận là các nhân vật giao tiếp. Trong giao tiếp hàng ngày có người nói, người nghe; người đọc, người viết. Trong văn chương và báo chí có thể phát và thể nhận là tác giả (nhà văn, nhà báo) và độc giả.

Trong giao tiếp ngôn ngữ, giữa người nói – người nghe có mối quan hệ tương tác. Người phát tin chủ động mở đầu cuộc giao tiếp, hình dung ra hình ảnh tinh thần của người nhận tin, trong quá trình phát tin lại điều chỉnh nội dung – hình thức của diễn ngôn để phù hợp với người nhận. Ngược lại, người nhận tin cũng có tác động đến người phát tin, phản hồi lại nội dung diễn ngôn. Người phát tin và người nhận tin nằm trong quan hệ trực tiếp cùng hiện diện, có mặt trong hoạt động giao tiếp.

Khi sáng tác văn học và viết báo; các tác giả cũng luôn luôn xác định rõ đối tượng độc giả để lựa chọn nội dung và hình thức sáng tác phù hợp. Đặc biệt độc giả luôn có sự giao tiếp, đồng sáng tạo với nhà văn trong tác phẩm và tương tác lại với nhà báo qua các bài báo. Tác giả và độc giả ở đây không trực tiếp cùng hiện diện mà có sự tác động qua lại lẫn nhau thông qua các sản phẩm giao tiếp là các diễn ngôn.

Diễn ngôn được quan niệm là một sự kiện hay quá trình giao tiếp thống nhất, trọn vẹn có mục đích trong hoàn cảnh giao tiếp và được thể hiện qua văn bản. Theo Nguyễn Hoà, diễn ngôn thực sự là đơn vị giao tiếp. Nó là đơn vị vì diễn ngôn mang tính chất cấu trúc, giao tiếp bởi đó là chức năng bẩm sinh của ngôn ngữ. Các đại diện chính như Brown & Yule (1983), Nunan (1993), Widdowson (1984) chịu ảnh hưởng của tư tưởng “ngôn ngữ là công cụ giao tiếp”, đều coi diễn ngôn như một quá trình tương tác giao tiếp và được thể hiện ở văn bản. Widdowson (1984:100): Diễn ngôn là một quá trình giao tiếp. Kết quả của quá trình này là sự thay đổi trong một sự thể: thông tin được chuyển tải, các ý định được làm sáng tỏ, sản phẩm của quá trình này là văn bản” [3, 42].

1.3. Quá trình giao tiếp

Giao tiếp ngôn ngữ bao gồm hai quá trình:

(1) Quá trình sản sinh và tạo lập diễn ngôn: do người phát tin thực hiện. Quá trình này còn được gọi là quá trình kí mã (đưa một nội dung thông tin vào trong kí hiệu).

(2) Quá trình tiếp nhận: quá trình lĩnh hội, quá trình này do người nhận tin thực hiện. Quá trình này còn được gọi là quá trình giải mã (lí giải kí hiệu từ đó rút ra nội dung, ý nghĩa). Người nói mã hoá nội dung, ý nghĩ thành tín hiệu ngôn ngữ. Người nghe lại diễn ra quá trình ngược lại, giải mã để nhận được nội dung, ý nghĩ.

 

Đối với hoạt động văn học, hoạt động báo chí tương ứng cũng tồn tại hai quá trình:

1–1’– Quá trình sáng tạo, sáng tác của tác giả (nhà văn, nhà báo)

2– 2’– Quá trình tiếp nhận của độc giả.

Tác giả văn học là chủ thể sáng tác, kí mã nội dung, ý nghĩa trong tác phẩm của mình. Độc giả khi tiếp nhận tác phẩm thì giải mã, sáng tạo, làm phong phú cho tác phẩm bằng những cảm thụ và đánh giá riêng của mình. Còn tác giả báo chí là những nhà báo truyền đạt thông tin tới người đọc; người đọc tiếp nhận thông tin và đánh giá, phản hồi lại.

1.4. Mục đích giao tiếp

Hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, hoạt động văn học, hoạt động báo chí đều có chung một mục đích là trao đổi thông tin, nhận thức, tình cảm giữa con người với con người. Kết quả của hoạt động giao tiếp, hoạt động báo chí là truyền đi thông tin, nhận thức, tình cảm. Kết quả của quá trình tiếp nhận văn học cũng là truyền đi thông tin, nhận thức, tình cảm nhưng ở hoạt động văn học mục đích thẩm mĩ là mục đích quan trọng; giao tiếp là giao tiếp thẩm mĩ đa chiều có định hướng tới Chân, Thiện, Mỹ.

1.5. Ngữ cảnh giao tiếp

Bất kì một hoạt động giao tiếp ngôn ngữ hay hoạt động văn học, hoạt động báo chí nào cũng đều diễn ra trong một ngữ cảnh, một bối cảnh nhất định. Đó chính là môi trường diễn ra hoạt động giao tiếp. Ngữ cảnh bao gồm hai loại:

(1) Ngữ cảnh rộng (ngữ cảnh văn hoá) bao gồm toàn bộ điều kiện về lịch sử, xã hội, văn hoá trong đó có phong tục tập quán, nếp cảm, nếp nghĩ của từng cộng đồng xã hội.

(2) Ngữ cảnh hẹp (ngữ cảnh tình huống) đó là thời gian, địa điểm, tình huống diễn biến cụ thể trong giao tiếp.

Ngữ cảnh đóng vai trò quan trọng. Với người phát, ngữ cảnh là xuất phát điểm để sản sinh diễn ngôn. Với người nghe, ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội diễn ngôn.

2. Tính chất giao tiếp đặc biệt của hoạt động văn học, hoạt động báo chí

Cần phải quan niệm hoạt động văn học, hoạt động báo chí là một hoạt động giao tiếp, và là một hoạt động giao tiếp đặc biệt. Khi đó, chúng mới phát huy được tất cả mục đích, hiệu quả đối với cộng đồng xã hội và cộng đồng loài người nói chung. Khi đó, chúng ta mới thấy được vai trò quan trọng của các nhân tố giao tiếp trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học và diễn ngôn báo chí. Tính chất giao tiếp đặc biệt của hoạt động văn học và hoạt động báo chí được chúng tôi phân tích ở bốn nhân tố giao tiếp cơ bản: tác giả, độc giả, sản phẩm giao tiếp và ngữ cảnh.

2.1. Chủ thể giao tiếp – Tác giả (nhà văn, nhà báo)

a) Tác giả là những người làm ra văn bản ngôn từ, người sáng tạo ra các giá trị văn học mới. Trong văn học, tác giả có một số khác biệt với người phát tin trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ thông thường.

Trong tác phẩm, mối quan hệ giữa các nhân tố ngoài ngôn ngữ với hệ thống ngôn từ làm chất liệu và văn bản nghệ thuật (sản phẩm của hoạt động sáng tạo) không biểu hiện một cách trực tiếp mà được chuyển hoá vào hình tượng nghệ thuật. Tác giả phải xây dựng hình tượng nghệ thuật, gửi gắm vào đó những nhận thức mới, những cảm xúc, tình cảm nghệ thuật mới. Do đó, hình tượng nghệ thuật là phương tiện giao tiếp trung gian giữa tác giả và độc giả.

Trong tác phẩm, tác giả tiểu sử (con người trong cuộc đời với đặc điểm về cá tính, nghề nghiệp, gia đình,…) khác tác giả tác phẩm (người viết ra tác phẩm). Tác giả tác phẩm thể hiện những mơ ước, nguyện vọng muốn vươn tới của tác giả tiểu sử. “Nhà văn bao giờ cũng gửi gắm trong tác phẩm điều mà mình không được trong cuộc sống thực”. (Nguyễn Khải). Sáng tác của Nguyễn Tuân là biểu hiện của một cái Tôi nghệ sĩ tài hoa, ưa thích chủ nghĩa xê dịch, khao khát vươn tới cái Đẹp. Tác phẩm của Nam Cao là minh chứng cho con người của ông “trong nóng ngoài lạnh”.

Thông qua tác phẩm, tác giả văn học có khả năng giao tiếp vượt không gian và thời gian với trí tuệ tâm hồn của mọi lớp người từ đông tây kim cổ. Ta nghe thấy cuộc trò chuyện với trăng của Lý Bạch trong Bá tửu vân nguyệt, nghe lời tâm sự “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế em nay chán nửa rồi” của Tản Đà,  nghe Nguyễn Bỉnh Khiêm triết luận về Thói đời, nghe Nguyễn Công Trứ tự bạch “Kiếp sau xin chớ làm người”, nghe Hồ Xuân Hương đau đớn than thở “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, nghe Nguyễn Du tâm sự “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nghe Chí Phèo khao khát lương thiện: “Ai cho tao lương thiện”, nghe Tố Hữu kêu gọi Liên hiệp lại,…

Để sáng tạo và giao tiếp, tác giả phải luôn có một điểm nhìn. Điểm nhìn là nhân tố chi phối hình tượng nghệ thuật được tạo ra trong tác phẩm. Trong Lão Hạc, Nam Cao đã chọn điểm nhìn của nhân vật tôi để kể về cuộc đời lão Hạc. Ở đây có một sự thống nhất của ba yếu tố: chủ thể – người kể – nhân vật. Nhà văn không chỉ nhập vai mà thực sự hoá thân vào nhân vật ông giáo: “Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bì ổi,…”

b) Nhà báo – tác giả của những diễn ngôn báo chí là những người đóng nhiều vai giao tiếp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở những người làm báo cách mạng Việt Nam phải luôn đặt câu hỏi thường trực trong quá trình tác nghiệp: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Trong từng mối quan hệ với mục đích giao tiếp, nội dung giao tiếp, nhân vật giao tiếp nhất định; nhà báo đóng những vai giao tiếp khác nhau.

Khi bình luận về một vấn đề, một ngành; nhà báo phải có con mắt nhìn của tư lệnh ngành hoặc nhiều ngành để tham chiếu rút ra kết luận chính xác. Khi phản ánh, phát hiện một vấn đề mới; với con mắt của một nhà điều tra, một nhà xã hội học, nhà báo phải nắm bắt những việc cụ thể, từ những con người cụ thể trong hoàn cảnh thật cụ thể. Ngày nay, người làm báo không chỉ là “thư kí của thời đại” phản ánh hiện thực cuộc sống, mà quan trọng hơn phải đóng vai sẻ chia và kết nối xã hội.

Tuỳ vào yêu cầu thông tin cần nắm bắt mà nhà báo hoà nhịp với hiện thực, với môi trường giao tiếp cụ thể. Khi đó, họ có thể là “hộ nghèo” hoặc “cận nghèo”, họ có thể là trưởng thôn, trưởng bản, thậm chí là kẻ “đào vàng lén lút” hay buôn lậu “than thổ phỉ”. Liều lĩnh hơn khi là khách chơi của vũ trường hay lân la bắt chuyện với những kẻ buôn bán, sử dụng ma tuý trái phép. Rồi khi họ là thường dân, thậm chí “phó thường dân”.

Tính chất đóng “nhiều vai giao tiếp” đặc biệt của nhà báo bắt nguồn từ nhu cầu thông tin của xã hội hiện đại. Cuộc sống mới với nhịp sống khẩn trương, công nghệ internet phát triển như vũ bão, thông tin hôm qua đã lạc hậu so với hôm nay, giờ trước, phút trước đã cũ so với giờ sau, khắc sau. Nếu như không lăn xả vào cuộc sống, nếu như không hiểu và nắm bắt chế độ chính sách, pháp luật, không cập nhật thông tin và tích hợp kiến thức thì nhà báo sẽ không có tác phẩm có hàm lượng, giá trị thông tin cao. Và nếu không đóng “nhiều vai” thì nhà báo sẽ không thể “tròn vai” nhà báo.

Song cũng cần khẳng định rằng bản thân các nhà báo luôn bị chi phối bởi một vai giao tiếp bao trùm. Đó chính là vai nhà báo với chỗ đứng trong một cơ quan báo chí cùng những tôn chỉ, đường lối, mục đích, kế hoạch… cụ thể. Chỗ đứng này sẽ chi phối quan điểm lập trường của nhà báo trong việc lựa chọn và xử lí thông tin. Khác với văn học, sản phẩm báo chí không đơn thuần là mỗi tác phẩm riêng lẻ của từng cá nhân mà là sản phẩm trọn vẹn của cả tờ soạn báo.

2.2. Chủ thể tiếp nhận – độc giả năng động

a) Độc giả là người đọc thực tế (đang tiến hành việc đọc) và người đọc trong quan niệm (quan niệm về người đọc được rút ra từ người đọc thực tế). Độc giả văn học có một số đặc điểm khác biệt với vai trò người nhận tin trong giao tiếp ngôn ngữ thông thường.

Về mặt số lượng, độc giả có số lượng không hạn định, vô số và chừng nào tác phẩm văn học còn tồn tại thì các thế hệ độc giả vẫn còn nối tiếp nhau. Sáng tác Truyện Kiều chỉ có tác giả Nguyễn Du nhưng số lượng độc giả của Truyện Kiều vẫn không ngừng được tăng lên qua các thế hệ hôm nay và mai sau.

Độc giả cách biệt với tác giả về thời gian, không gian. Giữa tác giả và độc giả vẫn có mối quan hệ tương tác nhưng sự tương tác đó không diễn ra trực tiếp, trực diện mà gián tiếp thông qua tác phẩm văn học. Giữa tác giả Nguyễn Du và độc giả của Truyện Kiều là một sự cách biệt lớn về không và thời gian (hàng trăm năm) nhưng họ đã cùng gặp nhau ở những trang viết đầy xúc động về cuộc đời Thuý Kiều.

Độc giả thực chất là một trong nhiều nhân vật giao tiếp tiềm ẩn (tồn tại như một tiềm năng chi phối hoạt động sáng tạo của tác giả) và là nhân vật giao tiếp tiềm năng phổ biến nhấtngười hoàn thiện quá trình sáng tạo, giao tiếp văn học. L. Tônxtôi rút ra: “Qua kinh nghiệm viết văn của tôi, tôi biết rằng sự cố gắng và chất lượng của tác phẩm mà tôi đã viết phụ thuộc vào kinh nghiệm đã định sẵn thuộc về độc giả”.

Năng động chủ quan của người tiếp nhận là chiếc chìa khoá mở cánh cửa đầu tiên để đi vào ngôi nhà tạo nghĩa của quá trình tiếp nhận văn học. Quá trình tưởng tượng gắn với tính năng động nơi chủ thể tiếp nhận được phát huy tối đa để tạo ra thế giới hình tượng thẩm mĩ, sức sống cho tác phẩm văn học. Hình ảnh người phụ nữ trong Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều: Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái /Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/ Những người đàn bà xuống gánh nước sông/ Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt/ Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi/ Bàn tay kia bấu vào mây trắng… qua những nét tạo hình về hình ảnh, dáng vẻ xấu xí, nhàu nhò của ngón chân, móng, tóc...; sự năng động nơi chủ thể người đọc có thể xây dựng hình tượng người phụ nữ: biểu tượng cho sự cam chịu, nhẫn nhục của người phụ nữ Việt Nam ngàn đời nhưng đồng thời cũng có sức sống mạnh mẽ và mãnh liệt (bàn tay bám vào đầu đòn gánh, bàn tay kia vào mây trắng).

Chủ thể tiếp nhận với thế hoàn toàn chủ động biến “thành phẩm” thành tác phẩm. Người đọc ấn tượng với cách xây dựng hình tượng thơ ở Đò Lèn của Nguyễn Duy: Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất/Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiềnThánh với Phật rủ nhau đi đâu mấtBà tôi đi bán trứng ở ga Lèn. Tự nhặt ra cho mình những hình tượng: bom Mĩ, nhà bà, đền Sòng, chùa chiền, thánh Phật, ga Lèn…; độc giả cảm nhận cái cao cả kết hợp với cái bình thường, nét văn hoá tâm linh pha trộn với văn hoá vật chất đời thường. Có hai thế giới tồn tại trong tâm khản: thế giới của tiên Phật và thế giới của bà – tương phản với nhau. Một cậu bé ngỡ ngàng trước sự tan vỡ thế giới cổ tích thần tiên diệu kì, bị trả lại thế giới thực tại với nhận thức bản chất của cuộc đời: bà tôi cơ cực thế!

Chủ thể tiếp nhận thâm nhập vào tác phẩm theo thế “đồng sáng tạo” và đồng điệu với tác giả. Trong Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên rút ra một chân lí: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hoá hồn. Bất giác ta cảm thấy hình như tác giả đã nói hộ ta một điều gì đó, đã đánh thức từ tình cảm sâu kín của ta một chân lí ít nhiều ta đã từng trăn trở. Hay khi đồng điệu tối đa về mặt cảm xúc, khi thâm nhập và cảm thụ đầy đủ độ sâu của Truyện Kiều, người đọc không thể phân biệt đâu là điệu cảm của tác giả, đâu là điệu cảm của nhân vật và đâu là điệu cảm của chính mình qua những câu thơ:… Nghĩ đời mà ngán cho đời/Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

Vai trò to lớn của chủ thể tiếp nhận buộc người đọc phải luôn trau dồi vốn sống, vốn văn hoá và ngôn ngữ để lĩnh hội tác phẩm và giao tiếp trong tác phẩm. Đại thi hào Gớt từng nói: “Ai muốn hiểu nhà thơ thì cần phải đến đất nước của các nhà thơ”. Đất nước của các nhà thơ ở đây không chỉ đơn thuần là miền địa lí không gian. Đây còn là tất cả độ sâu và chiều dài của lịch sử xã hội, của truyền thống văn hoá văn minh cùng với bao nhiêu yếu tố khác… mà trước hết thì vốn từ bao giờ cũng là cái nôi, là bầu sữa thứ hai của nhà thơ. Ở đó, ngôn ngữ không chỉ là ngữ nghĩa mà trong nó còn có một kho tàng kiến thức, một gia tài truyền thống văn hoá văn minh và cả một chiều sâu thẩm mĩ mà muốn chiếm lĩnh được nó người đọc phải luôn tự nâng mình lên một cách toàn diện.

b) Độc giả báo chí ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn của mình. “Không có độc giả thì không có báo chí”, đó là lời phát biểu của thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong Hội thảo Khảo sát độc giả báo chí ở Việt Nam. Thời đại truyền thông mới đã mở ra với đặc điểm cơ bản là công chúng không còn là những độc giả bị động, họ chủ động tham gia quá trình chọn lọc, sản xuất, bình luận và phát tán nội dung thông tin báo chí.

Đặc biệt, hiện nay, báo điện tử đang nở rộ khắp nơi trên thế giới. Sự phát triển của báo điện tử không chỉ cho thấy sự nhạy bén của độc giả trước ưu thế của báo điện tử (thông tin cập nhật nhanh, các tính năng trực tuyến…); sâu xa hơn, nó cho thấy nhu cầu mới của độc giả thời đại kĩ thuật số: có thể truy cập tin bất cứ lúc nào họ cần, họ muốn được “cá nhân hoá” tin tức mà họ đọc và bình luận về thông tin ngay khi đọc xong…

Mới đây, một cô gái biệt danh “Bà Tưng” cùng đoạn clip ngắn “thả rông vòng một”, với công cụ mạng xã hội Facebook và các kĩ thuật PR không phức tạp đã làm huyên náo cả truyền thông chính thống lẫn phi chính thống. Sự việc này đặt ra một vấn đề lớn hơn chuyện đạo đức của một cô gái. Quá trình truyền thông giờ đây không còn là sự phát tán một chiều, mà là sự tương tác hai chiều và đa chiều. Kỉ nguyên dân chủ hoá thông tin được nhà nghiên cứu truyền thông Joshua Meyrowitz nhận định từ năm 1985 đã mở ra, cho phép “những người thấp nhất trong nấc thang xã hội cũng có thể tiếp cận với lượng thông tin lớn” và “tăng cường các cơ hội để thông tin được chia sẻ theo chiều ngang” thay vì phải đi qua các kênh phát chính thống theo chiều dọc (theo Khánh Duy, Vietnamnet).

Ở thời đại báo in, độc giả chỉ có quyền đọc lặng lẽ. Ở thời đại phát thanh, thính giả chỉ có quyền nghe lặng lẽ. Ở thời đại truyền hình, khán giả chỉ có quyền xem lặng lẽ. Thời đại Internet phá vỡ mọi lặng lẽ. Độc giả sẽ không còn chịu “ngồi im” nữa để nghe báo đài muốn phát gì thì phát, nói gì thì nói, viết gì thì viết.

Báo chí nhanh chóng hội nhập với đối tượng độc giả mới mẻ, năng động này. Quá trình này được nhà nghiên cứu truyền thông Henry Jenskin gọi là nền văn hoá tích hợp, trong đó truyền thông là sự kết hợp giữa “cả quá trình định hướng từ trên xuống của cơ quan truyền thông và định hướng từ dưới lên của người tiêu dùng”.

Những độc giả hiện đại không chỉ là người tiếp nhận tin tức một cách thụ động, mà họ muốn tự phân tích, bình luận giống như những nhà báo thực sự (citizen journalism). Vì thế, người làm báo không thể “áp đặt” ý kiến của mình qua các bài viết. Thay vào đó, họ phải tạo ra, phát triển cuộc đối thoại bình đẳng với độc giả, và gây dựng nơi độc giả niềm tin vào sự khách quan, hoặc sự chủ quan không giấu diếm của mình…

2.3. Sản phẩm giao tiếp – tính vận động, tương tác cao

a) Tính chất giao tiếp của văn học đồng thời chỉ ra: tác phẩm văn học chỉ xuất hiện trong sự vận động và tồn tại trong sự vận động. Tác phẩm văn học là sản phẩm của cuộc vận động giao tiếp giữa tác giả và độc giả với hai quá trình: sáng tạo tác phẩm (tác giả) và tiếp nhận tác phẩm (độc giả): Tác giả ® văn bản ®  độc giả ®  tác phẩm. J. Paul Sartre đã từng ví tác phẩm văn học như một con quay để khẳng định tính chất vận động của nó: “Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ, nó chỉ có thể xuất hiện trong hoạt động. Muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một hoạt động cụ thể được gọi là sự đọc và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra nó chỉ còn có thể là những vệt đen trên tờ giấy trắng”.

Tác phẩm văn học chỉ tồn tại trong sự vận động của sự đọc (quá trình lĩnh hội, giao tiếp, tiếp nhận tác phẩm), chừng nào sự đọc còn tiếp tục thì tác phẩm văn học còn kéo dài. Không có độc giả, không có quá trình tiếp nhận, không có sự đọc, không có sự vận động thì tác phẩm văn học chỉ là một cái xác không hồn, là mực đen trên tờ giấy trắng (tác phẩm chết). Ví dụ một hình ảnh quen thuộc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Bản thân trạng thái cảnh vật được miêu tả đã hoá vào nỗi đau của nhân vật, bộc lộ tâm tình. Nếu người đọc trong quá trình tiếp nhận không giao tiếp đồng cảm (nơi chính mình) để vươn tới sự đồng cảm tương ứng (nơi nhân vật, nơi tác giả) thì những dòng chữ kia chỉ mang tính chất ngoại cảnh. Và nó cũng không thể mang chất chiêm nghiệm của tác giả Nguyễn Du trong toàn bộ Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầuNgười buồn cảnh  vui đâu bao giờ”.

Hay những câu thơ của Tản Đà và Huy Cận: Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non (Tản Đà);… Sắc trời trôi nhạt dưới khe/Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng (Huy Cận). Sự tiếp nhận bằng thao tác so sánh của độc giả sẽ chỉ ra giá trị nghệ thuật của những câu thơ trên. Ngôn ngữ bình thường ta bắt gặp “nước chảy”, “chim bay” nhưng trong câu thơ của Tản Đà và Huy Cận là “nước đi”, “chim đi”. Chạy, bay, hay đi đều có khả năng thể hiện sự dời chỗ trong không gian. Nhưng sự thể hiện bằng “đi” mang lại sắc thái hoá cao độ cho chủ thể vận động, làm cho chim và nước trở nên có tâm hồn. Chim và nước ở đây đã chủ động trong sự chia ly, rời bỏ nên trạng thái cô lẻ của non và của cành nhuốm màu tang thương hơn. Thiên nhiên ở đây bị cách điệu theo dòng cảm xúc: bất lực – xa lánh – cô đơn. Từ sáng tạo “nước đi”, “chim đi” của tác giả đến sự cảm nhận trạng thái tâm lí cô đơn nơi người đọc chính là một sự vận động tiếp nhận làm sống dậy sức sống tiềm tàng của những câu thơ. Và vì thế, tác phẩm văn học chỉ sống nếu có sự vận động giao tiếp từ quá trình sáng tạo đến quá trình lĩnh hội tác phẩm.

            b) Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng, ra đời do nhu cầu thông tin – giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Đây vừa là nơi tiếp nhận thông tin vừa là nơi có thể bày tỏ ý kiến của công chúng. Sản phẩm báo chí tác động đến công chúng xã hội tạo ra hiệu lực giao tiếp – tương tác trực tiếp tới độc giả. Tính tương tác này xuất phát từ nhận thức rằng thông tin mà nhà báo đưa ra chỉ là một lát cắt, một khía cạnh nhỏ trong cả mảng thông tin lớn, vì thế nó cần được tiếp nối, được bổ sung, được làm rõ để bảo đảm tính đa dạng, phong phú, nhiều chiều, đáp ứng sự chờ đợi của công chúng...

Theo tác giả Hoàng Anh [1; 75], tác phẩm báo chí thường có kết cấu mở để thu hút sự tham gia của công chúng vào quá trình thông tin. Nhờ tính tương tác cao, báo chí cho phép độc giả dễ dàng gửi ý kiến của mình tới toà soạn và những ý kiến như vậy có thể được biên tập và công bố tức thì (ở báo mạng điện tử). Có rất nhiều cách để công chúng tham gia vào quy trình thông tin trong báo chí, phổ biến hơn cả là ba cách. Thứ nhất là dạng lấy ý kiến độc giả. Thứ hai là dạng độc giả giao lưu với một nhân vật nổi tiếng nào đó. Thứ ba là mời độc giả tham gia vào diễn đàn nhằm thảo luận về một vấn đề thời sự đang được quan tâm rộng rãi trong xã hội.

Kết cấu mở của các tác phẩm báo chí là nhân tố quan trọng giúp toà soạn, nhà báo giao tiếp, tương tác với độc giả và ngược lại. Thông qua các ban Bạn đọc, Hộp thư, Đường dây nóng, mục Góp ý kiến, bình luận… trên tất cả các loại hình báo chí, bạn đọc không có thể những phát biểu, thể hiện ý kiến và nguyện vọng của mình về những vấn đề quan tâm mà còn có thể tham gia trực tiếp vào quá trình làm báo. Vì thế, tính tương tác độc đáo này là một trong những yếu tố tạo nên tính hấp dẫn, khả năng thu hút bạn đọc – yếu tố sống còn cho sự tồn tại của các tờ báo đương đại.

2.4. Ngữ cảnh giao tiếp

a) Ngữ cảnh trong hoạt động văn học mang một số đặc điểm riêng, khác biệt với ngữ cảnh thông thường. Đó là sự thống hợp của các mối quan hệ  [4; 41]: 1– Chủ thể – đối tượng (biểu hiện quan niệm, cách tri nhận về thực tại, vấn đề vai giao tiếp trong hoạt động văn học); 2– Chủ thể – ngôn từ (chi phối thao tác lựa chọn, kết hợp, các thủ pháp ngôn từ). 3– Ngôn từ – đối tượng (hiệu lực biểu đạt, hiệu quả tu từ). 4– Ngôn từ – hoàn cảnh giao tiếp (đặc trưng chức năng, diện mạo, phong cách của ngôn từ trong sự biểu hiện thông tin thẩm mĩ về đối tượng và chủ thể). 5– Ngôn từ – ngôn từ (mối quan hệ tương tác ngữ nghĩa và chức năng trong một ngữ đoạn nhất định hoặc trong toàn văn bản.

Trong hoạt động văn học, đại đa số trường hợp ngữ cảnh của quá trình sáng tạo khác biệt với ngữ cảnh của quá trình tiếp nhận (khác với ngữ cảnh giao tiếp thông thường, ngữ cảnh của quá trình tạo lập và lĩnh hội diễn ngôn thường đồng nhất). Điều này thể hiện trong sự khác biệt về thời gian văn hoá và không gian văn hoá.

Khi nhân vật Đôn Kihôtê mới xuất hiện, người Tây Ban Nha cho đó là một anh chàng điên. Người Pháp thế kỉ XVII, cho đó là một con người trọng đạo đức, có lí tính. Thế kỉ XVIII, người Anh lại nhấn mạnh khía cạnh lí tính cực đoan gạt bỏ mọi nhận thức cảm tính của nhân vật này. Thế kỉ XIX ở Nga, Bêlinxki cho nhân vật điển hình này như là sự hạ bệ của các anh hùng xa thực tế. Và đến Mác thì nhân vật này như muốn diễn lại vai trò hiệp sĩ đã lỗi thời trong xã hội tư sản…Sở dĩ có sự khác nhau như vậy, là vì Đôn Kihôtê ra đời trong bối cảnh văn hoá lịch sử của thời Phục hưng ở Tây Ban Nha. Trong những bối cảnh văn hoá lịch sử thời kì khác đã tạo nên những cảm nhận khác nhau.

Ngữ cảnh đối với văn học không thể bỏ qua mối quan hệ liên văn bản với các tác phẩm khác.”Mưa Thuận Thành” của Hoàng Cầm trong mối quan hệ với ca dao đã khắc hoạ thân phận người phụ nữ: Hạt mưa chèo bẻo/Nhạt nắng xiên khoai/Hạt mưa hoa nhài/Tàn đêm kĩ nữ/Hạt mưa sành sứ/Vỡ gạch Bát Tràng/Hai mảnh đa mang. Hạt mưa trong ca dao gắn liền với thân phận người phụ nữ: tính chất nhỏ bé (hạt), tính chất bất định (không gian của hạt mưa), không tự quyết định được số phận của mình. Trong một cấu trúc ngôn ngữ hàm súc, đa nghĩa; nếu không có mối quan hệ với ca dao thì hạt mưa gắn liền với sự sống, với từng thân phận con người Kinh Bắc từ hồng hoang đến bây giờ… sẽ không đầy đủ cung bậc đến thế!

b) Trong hoạt động báo chí, để độc giả hiểu đúng thông tin, cần thiết và bắt buộc phải hướng tới sự đồng nhất ngữ cảnh của quá trình tạo lập diễn ngôn (nhà báo) và ngữ cảnh của quá trình tiếp nhận, lĩnh hội diễn ngôn (độc giả). Điều đặc biệt, nhà báo là người cung cấp thông tin về hoàn cảnh giao tiếp cho độc giả. Mở đầu các bài báo, các yếu tố về thời gian, không gian, sự kiện cụ thể bao giờ cũng được đề cập đến đầu tiên. Tính chất đầy đủ, chính xác về hoàn cảnh giao tiếp là yêu cầu bắt buộc của báo chí.

Người ta thường đề cập đến cấu trúc tin của một văn bản báo chí gồm những yếu tố quan trọng 5W và 1H: (5W: Ai? (Who?), Cái gì? (What?), Khi nào? (When?), Ở đâu? (Where?), Tại sao? (Why?) và 1H: Như thế nào? (How?). Câu chuyện nghề nghiệp của William Caldwell – nhà báo được giải thưởng Pulitzer của Mĩ đã nhấn mạnh điều này. Ông từng nhắc đến một đoạn dẫn nhập mà ông cho là hay nhất từ em trai vào năm 1922 khi ông còn là một biên tập viên bình thường của một tuần báo địa phương. Trên đường về, em trai đã chạy đến đón ông vừa khóc và nói: “Cha đã chết đuối sáng nay ở hồ George”. Ông phát hiện câu nói của người em là một lời dẫn nhập hoàn hảo. Trong đó, “danh từ, động từ, vị ngữ, dấu chấm câu và ai – cái gì – khi nào – ở đâu – cùng khởi động”.

Ngữ cảnh báo chí đặc biệt chính là căn cứ để nhà báo tạo ra các hàm ý. Trên mặt báo, có những điều không được phép nói, không tiện nói ra hoặc nói thẳng chưa chắc đã đạt hiệu quả cao bằng những lời nói tế nhị, chứa đựng hàm ý. Ngữ cảnh báo chí khi đó có thể bộc lộ được những thông tin không công khai trên giấy trắng mực đen.

GS. Nguyễn Đức Dân từng đưa ra những dẫn chứng thú vị về những trường hợp “ý tại ngôn ngoại” biểu hiện những thông tin chìm của ngôn ngữ báo chí có được do ngữ cảnh  [2]. Bình thường câu “Ngọn lửa đã tắt vì ông X” không có hàm ý gì. Thế nhưng, trong tình huống thủ tướng Đức G. Schroeder đến đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị phát xít giết hại trong chiến tranh thì lại khác. Trong lễ tưởng niệm, thủ tướng G. Schroeder định vặn nút điều chỉnh để khơi sáng thêm ngọn lửa trên Đài tưởng niệm. Loay hoay thế nào, ngọn lửa lại leo lét rồi tắt. Một người thợ phải dùng quẹt gas mồi lại ngọn lửa. Ngay hôm sau, bản tin của một phóng viên hãng Reuters với hàng tít “Ngọn lửa Holocaust đã tắt vì ông Schroeder” xuất hiện trên các báo điện tử khắp thế giới (TT, 03/11/2000) .

Nhà báo thậm chí có thể “lợi dụng” ngữ cảnh để tạo ra thông tin theo ý muốn. Một giáo chủ nọ lần đầu đến New York, nghe nói rất dễ bị các nhà báo gài bẫy nên ông rất thận trọng trong nói năng. Ông vừa xuống sân bay, một nhà báo tới hỏi: “Cha có định tới dạ hội không?” Giáo chủ muốn tránh trả lời liền cười hỏi lại: “New York có dạ hội phải không?” Thế là ngày hôm sau có một tờ báo đăng một tít lớn: “Câu hỏi đầu tiên khi giáo chủ xuống sân bay là: New York có dạ hội phải không?”. Trong trường hợp này, nhà báo có thể viết như vậy mà giáo chủ không thể bác bỏ được.

3. Kết luận

Xuất phát từ lí thuyết hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, chúng tôi khẳng định hoạt động văn học và hoạt động báo chí không những là một hoạt động giao tiếp mà còn là một hoạt động giao tiếp đặc biệt. Trên cơ sở quan niệm đó, chúng tôi nhận thấy tác phẩm văn học và diễn ngôn báo chí là một sự vận động, có tính tương tác cao mà chủ thể giao tiếp là tác giả có những đặc tính riêng còn chủ thể tiếp nhận độc giả thì có vai trò rất năng động trong quá trình đọc, tiếp nhận, phản hồi và đánh giá các sản phẩm này. Với tư cách là sản phẩm của một hoạt động giao tiếp đặc biệt, các văn bản văn học và báo chí đã tạo nên sự kì diệu, tính hấp dẫn, ma lực, tính huyền   sự bất tử (từ dùng của  [4]) .

 

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

1.   Hoàng Anh (2008), Những kĩ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, NXB ĐHQG, HN.

2.   Nguyễn Đức Dân (2004), Ý tại ngôn ngoại những thông tin chìm trong ngôn ngữ báo chí, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.

3.   Nguyễn Hoà (2006), Phân tích diễn ngôn phê phán: lí luận và phương pháp, NXB ĐHQG Hà Nội, in lần thứ 2, Hà Nội.

4.   Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Thị Ngân Hoa (2003), Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, NXB Đại học Sư phạm.

5.   Khrapchenko M.B. (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020