Tiêu đề nêu trên của bản tham luận buộc người viết ít nhất phải làm sáng tỏ mấy vấn đề sau: a) Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Tiếng Việt (TV) trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); b) Định hướng và nội dung dạy học tiếng Việt trong chương trình sau 2015; c) Chiến lược dạy học tiếng Việt cho học sinh trong nhà trường phổ thông như thế nào?
TIẾNG VIỆT TRONG CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG SAU 2015
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống
Vụ Giáo dục Phổ thông - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tiêu đề nêu trên của bản tham luận buộc người viết ít nhất phải làm sáng tỏ mấy vấn đề sau: a) Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Tiếng Việt (TV) trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); b) Định hướng và nội dung dạy học tiếng Việt trong chương trình sau 2015; c) Chiến lược dạy học tiếng Việt cho học sinh trong nhà trường phổ thông như thế nào?
1. Vị trí và tầm quan trọng của Tiếng Việt trong chương trình GDPT
Cho đến nay, không có bất kì chương trình GDPT của quốc gia nào lại không chú ý, đề cao và coi trọng dạy học ngôn ngữ quốc gia (chủ yếu là tiếng mẹ đẻ). Biết đọc, biết viết (literacy) là cơ sở và công cụ cho việc học những cái khác, những môn học khác. Ban đầu là học để biết đọc, biết viết và sau đó thông qua đọc và viết để học; học trong nhà trường, ngoài xã hội và học suốt đời. Cũng phải thông qua đọc và viết mà làm, thì làm mới có hiệu quả cao. Làm những công việc thô sơ, đơn giản đã thế; trong thế giới hiện đại, nhiều công việc không thể làm được nếu không có học, không được học; trong đó có khả năng “đọc ra”, “đọc thủng” văn bản để nắm được thông tin, những chỉ dẫn và ý nghĩa của thông điệp một cách chính xác; không phải chỉ ở những văn bản phức tạp chuyên sâu mà ngay từ một tờ rơi, đơn thuốc… Chính xuất phát từ tầm quan trọng này mà cho đến đầu thế kỉ XXI, yêu cầu biết đọc, biết viết cho tất cả mọi người vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng mà UNESCO1 kêu gọi tất cả các quốc gia hoàn thành vào năm 2015. Chính vì thế, hầu như tất cả các nước đều xác định đây là môn học độc lập, môn học công cụ. Chương trình Tiếng Nga của Cộng hoà Nga (2011) ghi rõ: “Trong nhà trường phổ thông, môn Tiếng Nga giữ vai trò chủ đạo. Bởi những thành tích của việc học tiếng Nga – trong nhiều trường hợp – quyết định kết quả học tập của học sinh ở các môn học khác, nó cũng như đảm bảo được việc thích nghi và thành công trong cộng đồng trẻ”2.
Mục tiêu bao trùm của Chương trình Tiếng Anh (2010) của Singapore là “Nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ lưu loát và các khả năng có thể có của học sinh, hướng tới việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả… Sự thành thạo của học sinh trong việc sử dụng ngôn ngữ được đánh giá bởi những kết quả học tập mà họ đạt được”3.
Như thế cũng như tiếng Nga ở nước Nga, việc dạy học tiếng Anh ở Singapore chú trọng vào năng lực sử dụng ngôn ngữ và đánh giá năng lực ấy không chỉ ở môn học này mà ở tất cả các “kết quả học tập mà họ đạt được”.
Ý thức được sứ mệnh mang tính “công cụ, phương tiện” quyết định chất lượng giáo dục của ngôn ngữ quốc gia trong chương trình giáo dục phổ thông, vào năm 2010 Hội đồng các Thống đốc và Giám đốc giáo dục các bang của Hoa Kỳ đã phải ngồi lại với nhau để thống nhất Chuẩn chung cốt lõi về tiếng môn Anh cùng với những yêu cầu đọc/viết tối thiểu (litercy) cho các môn học khác, với mục đích “để phát triển và hỗ trợ các kĩ năng học trên đại học và đi tìm việc làm về đọc, viết, nói, nghe và diễn đạt ngôn ngữ… Chuẩn đưa ra các yêu cầu chung chẳng những cho môn Tiếng Anh nghệ thuật (ELA) mà còn cho các môn Lịch sử/nghiên cứu xã hội, Khoa học tự nhiên và kĩ thuật…”4
Với Việt Nam, việc nhấn mạnh vai trò công cụ của tiếng Việt cũng đã đặt ra từ lâu và trong nhiều văn bản chương trình môn học này từ tiểu học đến THPT. Nhưng trong thực tiễn dạy học, dường như tiếng Việt chỉ được chú ý tập trung cao độ ở cấp tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp. Ở các lớp này nếu không biết đọc, biết viết thì không thể học lên cao hơn. Và do vậy việc coi tiếng Việt như là công cụ, phương tiện là tất yếu, không có gì phải bàn cãi, tranh luận cả. Vấn đề chỉ xuất hiện khi HS càng học lên cao (THCS và THPT, ĐH–CĐ…) thì dường như tiếng Việt không được coi trọng nữa. Dường như hầu hết mọi người bằng lòng với vốn tiếng Việt ở trình độ tối thiểu (literacy) đã được trang bị ở Tiểu học cộng với bản năng tiếng mẹ đẻ của mình. Càng lớn lên, họ càng cảm thấy không cần học tiếng Việt nữa cũng được, miễn là đọc được, viết được tiếng Việt. Tình trạng cứ nhìn vào mặt chữ trên trang giấy đọc được ra tiếng Việt là coi như đã biết đọc, đã hiểu văn bản… là rất phổ biến. Rất nhiều người không phân biệt được “mù chữ” và “mù văn”. Trong khi cuộc sống, khoa học – công nghệ vẫn phát triển liên tục, mạnh mẽ. Để giao tiếp có hiệu quả trong thế giới hiện đại, các kĩ năng ngôn ngữ cần được trang bị và rèn luyện liên tục, không ngưng nghỉ. Chính cuộc sống hiện đại đòi hỏi chương trình GD nhiều nước phải bổ sung thêm các kĩ năng mới, ngoài 4 kĩ năng cơ bản (đọc, nghe, nói viết) cần có thêm quan sát (viewing) và trình bày (presenting). Trong xu thế đó, ngay cả yêu cầu của trình độ literacy cũng phải thay đổi và ngày càng được mở rộng. Theo PISA5, định nghĩa về đọc và đọc–hiểu có sự thay đổi theo thời gian và điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của từng quốc gia. Khái niệm học và đặc biệt là học suốt đời đòi hỏi phải mở rộng cách hiểu về đọc hiểu. Xác định tầm quan trọng của năng lực này, OECD cho rằng “Đọc hiểu không chỉ là một yêu cầu của suốt thời kì tuổi thơ trong nhà trường phổ thông mà nó còn là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, mở rộng những kiến thức, kĩ năng và chiến lược của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời khi họ tham gia vào các hoạt động ở những tình huống khác nhau, trong mối quan hệ với người xung quanh, cũng như trong cộng đồng.”6.
Không phải chỉ có đọc – hiểu, mỗi kĩ năng đều có nhiều thang bậc, yêu cầu, trình độ rất khác nhau mà literacy chỉ là tối thiểu, là bước khởi đầu.
Chương trình giáo dục nói chung và môn Ngữ văn Việt Nam qua các thời kì lịch sử không phải là không thấy, không coi trọng vấn đề ấy, nhưng các giải pháp và chiến lược dạy học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông từ trước tới nay lại chưa phù hợp, chưa có hiệu quả cao, ít nhất trên các phương diện lớn sau đây:
Một là mục tiêu và đối tượng dạy học tiếng Việt cho nhà trường phổ thông được xác định nhiều khi chưa phù hợp.
Hai là tiếng Việt bị dạy tách biệt với văn học như một môn học / phần riêng, CT Ngữ văn (THCS và THPT) sau 2000 thực hiện tích hợp nhưng vẫn thiếu triệt để và còn nhiều chỗ gượng ép.
Ba là nội dung chương trình tiếng Việt trong nhà trường phổ thông như là môn Ngôn ngữ học, Việt ngữ học thu nhỏ của các đại học chuyên ngành.
Bốn là việc rèn luyện các kĩ năng tiếng Việt dường như chỉ khoán trắng cho môn tiếng Việt – Văn học; các môn học và các hoạt động GD khác dường như không có liên quan và không phải chịu trách nhiệm gì.
Năm là phương pháp dạy học tiếng Việt một thời chủ yếu theo quan điểm cấu trúc tĩnh, gần đây tuy đã thay đổi theo hướng giao tiếp nhưng quán tính của cách dạy cũ vẫn rất nặng nề, các yếu tố đổi mới chưa đồng bộ nên hiệu quả vẫn thấp.
Sáu là việc thi cử, kiểm tra – đánh giá còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc ứng xử với tiếng Việt và cách đánh giá năng lực tiếng Việt.
Từ vị trí và vai trò quan trọng của việc dạy ngôn ngữ quốc gia trong CTGDPT, nhìn lại tổng quát hiện trạng dạy học tiếng Việt không thể không thúc đẩy việc đổi mới dạy học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông trong giai đoạn tới.
2. Định hướng dạy học tiếng Việt trong chương trình sau 2015
Từ sau nghị quyết XI của Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Bộ GD&ĐT đang khẩn trương cùng một lúc chuẩn bị 2 đề án để trình Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Một là Đề án Đổi mới căn bản – toàn diện giáo dục và đạo tạo Việt Nam và hai là Đổi mới chương trình và sách giáo khoa GD phổ thông. Sau khi 02 đề án được phê duyệt sẽ tiến hành xây dựng Chương trình các môn học, trong đó có môn Ngữ văn. Từ những quan điểm và định hướng lớn đã tương đối ổn định và đồng thuận, chúng tôi xin nêu lên một số suy nghĩ nhằm cụ thể hoá những tư tưởng đổi mới ấy vào vấn đề xây dựng nội dung và chiến lược dạy học tiếng Việt trong chương trình GDPT sắp tới.
2.1. Chương trình GDPT sau 2015 sẽ được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 thành một hệ thống nhất quán, liên thông, gắn bó nhằm tránh trùng lặp và thiếu tính phát triển. Vì thế các môn học nói chung và Ngữ văn nói riêng cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Tương ứng với CT là chuẩn cần đạt theo nhiều mức độ tương ứng với từng cấp/ lớp, phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Cấu trúc chương trình sẽ vừa đồng tâm, vừa tuyến tính; nhưng ưu tiên cho tuyến tính (nhất là về nội dung) nhằm tránh lặp lại các đơn vị kiến thức không cần thiết giữa các lớp, các cấp. Nếu lặp lại phải thấy rõ sự tiếp nối và phát triển. Như thế với tiếng Việt, cần hình dung ra tổng số các đơn vị tri thức và kĩ năng thiết yếu nhất cần trang bị cho một HS phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Từ đó mới thiết kế ma trận nội dung dạy học cho toàn cấp/ lớp như một quy hoạch tổng thể bảo đảm tính khoa học và phù hợp với mục tiêu cần đạt của CT.
2.2. Chương trình GDPT sau 2015 đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực, lấy việc hình thành và phát triển năng lực cho người học làm mục tiêu trực tiếp; không lấy nội dung, chạy theo nội dung là chính như CT hiện hành. CT theo năng lực chú trọng việc HS làm được, thực hành được; biết vận dụng những gì đã học vào phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Trong các năng lực (năng lực chung và chuyên biệt) cần hình thành và phát triển cho mọi HS là năng lực giao tiếp ngôn ngữ – một năng lực mang tính công cụ hết sức quan trọng không thể thiếu đối với mỗi con người. Bên cạnh đó là năng lực xúc cảm người (human emotion) để HS biết thông cảm sẻ chia, tương thân, tương ái; biết trân trọng những tình cảm và hành vi nhân văn, cao đẹp; biết xúc động, biết yêu thương, căm giận… Cả hai năng lực này tiếng Việt đều đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Giao tiếp ngôn ngữ muốn có hiệu quả theo yêu cầu phát triển năng lực, người học cần biết vận dụng thành thạo các kĩ năng cơ bản (đọc, nghe, viết, nói, quan sát, trình bày) vào/ trong cuộc sống hàng ngày ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải là việc nhớ máy móc một mớ lí thuyết về các đơn vị tiếng Việt. Năng lực xúc cảm cũng không phải tự nhiên mà có, nó hình thành bằng nhiều con đường trong đó có việc đọc – hiểu văn bản. Đọc nhiều tác phẩm văn học, thấu hiểu nội dung các thông điệp nhân văn trong đó sẽ làm cho HS dẫn dần có khả năng xúc cảm, đồng cảm, thấu hiểu và dĩ nhiên điều đó cần phải vận dụng, thực hành với các tình huống hàng ngày.
2.3. Chương trình GDPT sau 2015 coi trọng tích hợp và phân hoá: tích hợp cao ở các lớp thấp và phân hoá dần/ sâu ở các lớp trên (THPT). CT Tiếng Việt – Ngữ văn hiện hành đã thực hiện theo hướng tích hợp, nhưng như trên đã nêu còn chưa triệt để và nhiều chỗ gượng ép. Một trong những nguyên nhân là do xác định trục tích hợp thiếu nhất quán xuyên suốt. Tiểu học tích hợp theo các chủ đề, THCS tích hợp theo 6 kiểu văn bản và THPT lại tích hợp theo đặc điểm của các cụm thể loại của từng thời kÌ lịch sử văn học. Do các định hướng của CTGDPT sau 2015 (chỉnh thể xuyên suốt, phát triển năng lực và tích hợp) CT môn Ngữ văn lần này nên theo cấu trúc tích hợp mới. Đó là lấy trục kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ (đọc, nghe, viết, nói, quan sát, trình bày) làm trục xuyên suốt từ lớp 1đến lớp 12. Điều này phù hợp với xu thế xây dựng CT môn học Ngữ văn của nhiều nước trên thế giới. Trên mặt bằng chung bắt buộc về năng lực đọc, viết, nghe, nói… này; việc phân hoá sâu dần được thực hiện bằng các chủ đề tự chọn về đọc văn (tác phẩm, tác giả, lịch sử văn học, lí luận văn học); về tiếng Việt và làm văn để HS tự lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích của mình.
2.4. Hệ quả của các định hướng nêu trên
a) Cần đổi mới mục tiêu môn học; chuyển từ việc cung cấp kiến thức được coi là mục tiêu số một (như CT hiện hành) sang ưu tiên cho việc hình thành và phát triển năng lực; cụ thể là năng lực giao tiếp ngôn ngữ; năng lực xúc cảm người và các năng lực đặc thù. Chú trọng năng lực sử dụng tiếng Việt chứ không nghiêng về trang bị kiến thức tiếng Việt, nhất là kiến thức hàn lâm. Thông qua việc phát triển năng lực Ngữ văn mà hình thành, bồi dưỡng các phẩm chất cao đẹp, nhân văn cho người học.
b) Việc lựa chọn kiến thức (văn học, tiếng Việt…) cần cơ bản, hiện đại nhưng phải hướng tới phục vụ cho yêu cầu phát triển năng lực, tránh kinh viện, không thiết thực và không quá chú trọng tính hệ thống (hệ thống lịch sử văn học, hệ thống ngôn ngữ…). Tất cả các tác phẩm/ văn bản văn học không theo lịch sử văn học mà theo yêu cầu mức độ khác nhau của các kĩ năng, đặc biệt là kĩ năng đọc–hiểu. Việc xác định nội dung môn học vừa phải chú ý mục tiêu GD, đáp ứng yêu cầu của giáo dục; vừa quan tâm đến nhu cầu, sở thích của cá nhân người học và người dạy.
c) Chuẩn kết quả cần đạt của CT Ngữ văn được xây dựng theo yêu cầu năng lực giao tiếp thông qua 4 kĩ năng với các mức độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp; từ dễ đến khó. Chương trình và chuẩn được xây dựng theo hướng mở, chỉ nêu định hướng và yêu cầu khái quát cần đạt không quy định quá chi tiết mà để khoảng trống cho tác giả SGK và quyền tự chọn của người GV.
d) Kiến thức văn học (tác giả, tác phẩm) được cung cấp chủ yếu thông qua hệ thống văn bản dùng để phát triển kĩ năng đọc và năng lực đọc hiểu. Đọc hiểu với nhiều kiểu loại văn bản chứ không chỉ mình văn bản văn học. Văn học vừa là một trong những nguồn ngữ liệu quan trọng để học tiếng, vừa là đối tượng tìm hiểu, khám phá, thưởng thức...
e) Kiến thức ngôn ngữ được hình thành cũng chủ yếu qua việc rèn luyện các kĩ năng, rút ra từ thực hành kĩ năng giao tiếp; giúp người học sử dụng các kĩ năng giao tiếp một cách có ý thức, hiểu biết, lí giải được các hiện tượng ngôn ngữ trong tiếp nhận và tạo lập (sản sinh) văn bản (nói và viết).
h) Định hướng lấy người học làm trung tâm được thực hiện đồng bộ từ việc lựa chọn các văn bản đọc phù hợp với lứa tuổi, sở thích, thị hiếu của các em đến các yêu cầu tạo lập các loại văn bản thiết thực và gần gũi trong cuộc sống; từ phương pháp dạy cho HS cách học, cách đọc hiểu mà hình thành năng lực tự học, tự đọc; thực hiện cách kiểm tra, đánh giá theo hướng mở, khuyến khích sáng tạo, dám thể hiện cá tính...
i) Coi trọng đánh giá năng lực Ngữ văn trên cả hai bình diện: ý tưởng sáng tạo và khả năng diễn đạt, thể hiện/ trình bày ý tưởng đó một cách sáng sủa mạch lạc (cả nói và viết).
3. Chiến lược dạy học tiếng Việt
Với mục tiêu và định hướng nội dung dạy học tiếng Việt như trên, cần xác định được một chiến lược dạy học phù hợp. Chiến lược ấy thể hiện trên nhiều bình diện, nhưng chủ yếu xoay quanh phương pháp và tư liệu dạy học tiếng Việt.
3.1. Về Phương pháp dạy học tiếng Việt
Theo tinh thần mới việc dạy học tiếng Việt sẽ chịu sự chi phối của các tư tưởng và quan điểm sau:
– Phát huy tính chủ động tích cực của người học. Với tiếng Việt quan điểm này cần được quán triệt mạnh mẽ hơn theo tinh thần dạy học tiếng Việt cho người bản ngữ, bản thân HS có bản năng/ trực cảm ngôn ngữ và một vốn liếng khá phong phú về tiếng Việt, khác hẳn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Vì thế cần khai thác và chủ yếu đưa HS vào các tình huống ngôn ngữ và yêu cầu vận dụng tiếng Việt.
– Dạy học theo nguyên tắc và yêu cầu tích hợp. Với quan điểm này, các đơn vị và hiện tượng tiếng Việt gắn bó chặt chẽ với các văn bản ngữ liệu (văn học, cận văn học, không phải văn bản văn học) khai thác các đơn vị tiếng Việt đồng thời chính là khai thác giá trị của văn bản (thông điệp nội dung, giá trị hình thức), làm sáng tỏ văn bản; ngược lại giá trị và ý nghĩa của nội dung văn bản sẽ soi sáng cho vai trò và tác dụng của các yếu tố ngôn ngữ.
– Góp phần hình thành và phát triển năng lực. Quan điểm này yêu cầu dạy học tiếng Việt cần chú ý khẳng năng vận dụng kiến thức tiếng Việt vào thực tiễn cuộc sống, nhằm hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua hai nhóm kĩ năng lớn: a) tiếp nhận gồm đọc, nghe, quan sát và b) tạo lập gồm nói, viết, trình bày. Không nghiêng về trang bị kiến thức Ngôn ngữ và Việt ngữ học theo hướng quá chú trọng tính hệ thống, hàn lâm.
– Tiếp tục thực hiện tốt dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp. Hình thành năng lực giao tiếp tất yếu phải sử dụng PPDH theo quan điểm giao tiếp. Linh hồn của quan điểm này là đưa HS vào các tình huống giao tiếp hàng ngày trong cuộc sống để sử dụng các đơn vị tiếng Việt một cách phù hợp và có hiệu quả. Theo cách đó tiếng Việt sẽ thể hiện được sự giàu có và vẻ đẹp của nó một cách sinh động, phong phú và biến hoá linh hoạt; chứ không phải là các đơn vị ngôn ngữ chết nằm trong một cấu trúc cứng nhắc.
3.2. Về tư liệu, ngữ liệu học tiếng Việt
– Tổ chức dạy học theo các kĩ năng cơ bản, ngữ liệu học tập bao gồm hai nguồn chính: Văn bản văn học và các loại văn bản khác (không phải văn học, nhiều nước gọi là văn bản thông tin).
– Văn bản đọc hiểu cho kĩ năng đọc tuyển lựa theo thể loại văn học và kiểu văn bản, số lượng không nhiều, ưu tiên chất lượng văn bản. Các văn bản này chỉ là ngữ liệu để dạy và học trên lớp nhằm hình thành các kĩ năng giao tiếp và phương pháp đọc hiểu, năng lực tiếp nhận văn bản; không thi vào các văn bản này.
– Bên cạnh sách học trên lớp, cần có bộ sách văn tuyển7 cung cấp một số lượng lớn các văn bản– tác phẩm tương ứng với mỗi thể loại đã học để HS đọc ở nhà và là ngữ liệu để ra đề thi, kiểm tra nhằm đánh Giá khách quan năng lực vận dụng sáng tạo của HS trong học tập Ngữ văn.
3.3. Rèn luyện và phát triển năng lực tiếng Việt không chỉ mình môn Ngữ văn
Như phần đầu đã nêu, tiếng Việt là công cụ giao tiếp nói chung và là phương tiện học tập cho tất cả các môn học, trước hết hết là nói, viết và trình bày. Môn học nào cũng cần phải sử dụng Tiếng Việt theo quy tắc chung và yêu cầu đặc thù của mỗi môn học (hệ thống thuật ngữ, khái niệm, cách diễn đạt, mô tả…). Vì thế tất cả các môn học đều có trách nhiệm rèn luyện và phát triển tiếng Việt; cần ghi vào chương trình tổng quát cũng như chương trình các môn học yêu cầu về sử dụng tiếng Việt trong môn học đó và cần được đánh giá trong khi chấm bài thi, kiếm tra ở các môn học này. Trong các văn bản đọc – hiểu cần chú ý tính đa dạng của các kiểu văn bản và các chủ đề nội dung khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực. Tiến tới biên soạn các tuyển tập văn bản đọc – hiểu theo các lĩnh vực/ môn học như nhiều nước đã làm, nhất là Hoa Kỳ.
Trong cuốn Ngôn ngữ văn học lớp 108 của bang California (Hoa Kỳ) bên cạnh việc hướng dẫn Đọc các thể loại khác nhau (truyện ngắn, thơ, kịch, và không hư cấu), HS còn được học cách Đọc các dạng thức khác nhau (một văn bản trên mạng; một bài báo, tạp chí; một cuốn sách giáo khoa (Reading a texbook); một trang web; một bản hướng dẫn kĩ thuật; bản hướng dẫn nấu ăn, chế biến thực phẩm; bản hướng dẫn điều khiển TV...). Chỉ riêng dạy kĩ năng đọc hiểu (reading comprehension) đã có đến mấy chục cuốn dạy cách đọc: đọc hiểu văn bản hư cấu; đọc hiểu văn bản không hư cấu; đọc hiểu ngôn ngữ tượng trưng; đọc hiểu các văn bản khoa học; đọc giữa các giòng; đọc đoán trước kết quả; đọc nắm tư tưởng chính; đọc chi tiết; đọc theo văn cảnh – văn mạch; kĩ năng đọc hiểu9....
Điểm cuối cần nói ở đây chính là cần chú ý giúp HS học tiếng Việt ngay trong việc biên soạn sách giáo khoa. Chưa nói nội dung, cách thức, chỉ nói riêng phần phụ lục (index) ở cuối cuốn sách Ngôn ngữ văn học lớp 10 của bang Califorrnia đã dày gần 100 trang, nêu Ngân hàng tư liệu cho HS (Student Resource Bank) như: sổ tay đọc hiểu; sổ tay viết, sổ tay giao tiếp, sổ tay ngữ pháp10, bảng tra cứu thuật ngữ văn học, bảng tra các từ được hiểu trong tiếng Anh và Tây Ban Nha; danh mục các tranh, ảnh nghệ thuật (được sử dụng trong sách); danh mục các kĩ năng, danh mục tên tác phẩm và tác gỉa; lời cảm ơn và chứng nhận bản quyền các tranh ảnh nghệ thuật được dùng trong sách.
Có thể thấy, để xác định một chiến lược đúng đắn nhằm cải thiện chất lượng dạy học tiếng Việt, trong nhà trường phổ thông, cần chuẩn bị và tiến hành đồng bộ ở tất cả các yếu tố của quá trình dạy học; không những thế còn phải chú ý đến mối quan hệ của tiếng Việt với toàn bộ các môn học và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường cũng như gia đình và ngoài xã hội.
Thay cho lời kết
Khoa Ngữ văn nói riêng và các Đại học Sư phạm nói chung là nơi đào tạo ra hàng loạt giáo viên phổ thông các cấp. Những giáo viên này sẽ phải trực tiếp đối mặt với chương trình và sách giáo khoa mới sau 2015. Lâu nay giữa việc đào tạo giáo viên và thực tiễn yêu cầu dạy học ở nhà trường phổ thông thường có một khoảng cách khá xa cả nội dung lẫn phương pháp dạy học. Cần tạo ra mối liên thông và sự gắn bó hơn nữa giữa đào tạo và thị trường sử dụng. Chính vì thế việc nhìn nhận rõ vai trò, vị trí, nội dung và chiến lược dạy học tiếng Việt – Ngữ văn đặng chuẩn bị và đi trước một bước trong việc đào tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng được những yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới sau 2015 là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Hi vọng với một số phác thảo chính yếu về tiếng Việt trong chương trình GD sau 2015 nêu trong báo cáo này, các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn các Đại học sư phạm cùng tiếp tục suy nghĩ để đổi mới nội dung cũng như phương pháp, hình thức đào tạo giáo viên Ngữ văn trong thời gian tới.
Hà Nội, tháng 8/2013
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ GD&ĐT (2013): Đề án Đổi mới cản bản toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.
2. Bộ GD&ĐT (2013): Đề án Đổi mới chương trình và SGK GDPT sau 2015.
3. Bộ GD&ĐT (2006): Chương trình GDPT – môn Ngữ văn.
4. Bộ GD&ĐT (2013): Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở nhà trường phổ thống Việt Nam – NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. California Teacher’s Edition, Mc. Dougal Littell (2002) – The Language of Literature – Grade 10.
6. California Departement of education (2009) – English language arts content standards for California puplic schools Kindergarten though grade Twelve –
7. Council of Chief State School Officers and the National Governors Association (2010) – The Common Core State Standards for English Language Arts & Literacy in History/Social Studies, Science, and Technical Subjects
8. Ministry of Education Singapore: The English Language Syllabus 2010 for Primary (Foundation) and Secondary (Normal [Technical]).
9. Российский общеобразовательный портал – http://mon.gov.ru
10. OECD – The PISA 2003 & PISA 2009 – Assessment Framework (Reading).
1 UNESCO- Education for all - www.wikipedia.org
2 Российский общеобразовательный портал - http://mon.gov.ru
3 Curriculum Planning and Development Division - Ministry of Education Singapore: The English Language Syllabus 2010 for Primary (Foundation) and Secondary (Normal [Technical])
4 Council of Chief State School Officers (CCSSO) and the National Governors Association (NGA) (2010) - The Common Core State Standards for English Language Arts & Literacy in History/Social Studies, Science, and Technical Subjects
5 OECD - Programme for International Student Assessment (PISA)
6 OECD - The PISA 2003 - Assessment Framework (Reading)
7 Ở bang California (Hoa Kỳ), đi kèm với SGK Văn học, là bộ tuyển tập “Văn học dành cho lứa tuổi từ mẫu giáo lớn đến lớp 12”, theo đó HS lớp 8 phải đọc 1 triệu từ/ năm, HS lớp 11&12 phải đọc 2 triệu từ/năm bao gồm một số lượng lớn tác phẩm cổ điển và hiện đại. (English language arts content standards for California puplic schools Kindergarten though grade Twelve – California Departement of education – reposted June 9/2009)
8 The Language of Literature – 2002, California Teacher’s Edition, Grade 10 - Mc. Dougal Littell - a Houghton Mifflin Company - USA
9 http://www.teacherseditioneducational.com
10 Cuốn Văn học Mỹ còn có thêm sổ tay nghiên cứu, sổ tay từ vựng và chính tả, sổ tay nói và nghe, sổ tay truyền thông (Media Handbook) ...