Ngôn ngữ

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHU LAI


14-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thái

Hình ảnh người lính trong tiểu thuyết Chu Lai chủ yếu là sự đan cài thời gian, không gian giữa quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, ngôn ngữ của người kể chuyện không thể là đơn tuyến. Giọng văn với nhiều xúc cảm do âm điệu ngôn từ đem lại nhưng chủ yếu là âm hưởng trầm mặc, xót xa. Số phận người lính thời mở cửa hẳn là hạnh phúc không thể đong đầy.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ NGƯỜI KỂ CHUYỆN

TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHU LAI                                                                                     

ThS. Nguyễn Thị Thái

Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá

 

 

1. Ngôn ngữ người kể chuyện là ngôn ngữ tác giả hoặc của nhân vật được tác giả dùng để kể lại câu chuyện trong tác phẩm tự sự. Ngôn ngữ người kể chuyện là phương tiện cơ bản dùng để kể chuyện, miêu tả và bình giá các nhân vật, sự kiện, biến cố trong tác phẩm tự sự. Ngôn ngữ người kể chuyện không chỉ tái hiện cái được kể mà còn mang dấu ấn về cách nói, cách cảm thụ thế giới và thể hiện trí tuệ, tình cảm của người kể chuyện. Vì thế, việc tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ người kể chuyện không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu về tác giả, về nhân vật, về chủ đề tư tưởng của tác phẩm mà còn góp phần làm rõ đặc trưng ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật của tác phẩm.

Trong số các nhà văn đương đại, Chu Lai là người viết nhiều, viết khoẻ, viết tập trung vào mảng đề tài chiến tranh và người lính. Đọc tiểu thuyết Chu Lai, người ta khá dễ dàng nhận ra phong cách, giọng điệu riêng thể hiện trên nhiều mặt (không gian và thời gian, các kiểu nhân vật, tư tưởng tình cảm, các thông điệp gửi gắm), nhưng rõ nhất là bình diện ngôn ngữ. Phong cách ngôn ngữ bao trùm trong các tác phẩm của ông là thứ ngôn ngữ đa thanh, với nhiều sắc độ: tính chính luận, triết lí, với giọng điệu vừa có tính chiêm nghiệm vừa mang đầy chất lính, thô mộc, đời thường... Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị nhận xét: “Tác giả – người kể chuyện – khi thì trong hậu trường, khi đàng hoàng bước ra sân khấu, dưới ánh đèn, trước đám đông khán giả, biết đế, biết đệm, biết dừng lặng, biết mời gọi, biết đánh trống lảng, biết nhường lời và lại biết biểu hiện thành thực những cảm xúc, xúc động”.  Nếu như ở ngôn ngữ nhân vật, giọng văn Chu Lai vừa bốp chát, bụi bặm, vừa sắc cạnh, hóm hỉnh, đầy chất lính thì trong ngôn ngữ người kể chuyện, tiểu thuyết Chu Lai vẫn mang phong cách ngôn ngữ nhân vật nhưng trầm tĩnh, đầy nội tâm.

2. Hướng tới đời thường, rời khỏi cái nhìn sử thi, Chu Lai cũng đồng thời từ chối giọng điệu trang trọng để tìm đến giọng thân mật, suồng sã, trần trụi, đậm chất lính. Có thể nói đây là một trong những nét chủ đạo của giọng điệu trong hầu  hết các sáng tác của nhà văn. Chu Lai đã chọn cho mình một thứ ngôn từ thích hợp, phù hợp với giọng điệu chung đó. Ngôn ngữ người kể chuyện trong văn Chu Lai bao giờ cũng mạnh mẽ, rõ ràng, không có hiện tượng lưng chừng. Sở dĩ có đặc điểm này là do nhà văn luôn đẩy số phận của nhân vật đến tận cùng của nỗi đau, miêu tả chiến tranh như đúng bản chất khốc liệt của nó. Ngôn ngữ của tiểu thuyết Chu Lai như đi đến tận cùng mọi ngõ ngách của vấn đề. Bởi vậy, ngôn ngữ người kể chuyện mang tính đa thanh, soi tỏ, bao quát nhiều lĩnh vực trong cuộc sống giúp người đọc có thể tìm thấy nhiều vỉa tầng ý nghĩa, thú vị.

Trong chiến tranh không tránh khỏi đau thương mất mát. Những người lính ngoài chiến trường hay những người lính trở về từ cuộc chiến trong cuộc sống thời bình dù phải cận kề với cái chết hay giáp mặt với những khó khăn, gai góc của cuộc sống thường nhật họ vẫn không bi quan. Chu Lai luôn tạo cho giọng điệu của người kể chuyện một tinh thần lạc quan. Chất hài hước, vui nhộn đóng vai trò quan trọng để tạo nên tinh thần này và đó cũng là chất giọng riêng khá đặc sắc của Chu Lai. Vượt qua tiếng gầm gào của đạn bom là những nụ cười đan xen sảng khoái. Đó là những câu chuyện vui dẫn người đọc vào những tình huống truyện rất tự nhiên của người kể chuyện: “... Ngôi nhà mái ngói có khoảnh sân thơm ngát mùi mít chín và mùi nhang cháy dở kia rồi. Tối đen. Nóng hỉm. Phập phồng...

 Thưa bạn đọc! Đọc tới đây chắc các bạn sẽ cười nhạo mà bảo rằng, vớ vẩn làm gì có nóng hỉm, làm gì có phập phồng, tức là làm gì có hơi thở cuộc sống cái đực, vợ chồng trong đó, tức là người đàn bà ấy vẫn nhòn nhõn nằm một mình, còn gã đàn ông đẹp đẽ kia ư, sau mọi chuyện vừa xảy ra có ngu dại, có lên cơn cuồng dục đến mấy cũng chả bao giờ chui đầu vào đấy cả, trừ trường hợp gã đã quá chán sống. Vớ vẩn! Kiểu này lại muốn dẫn nhau vào cõi cụp lạc, giật gân hòng câu khách đây. Vâng, quả là oan gia cho người kể chuyện. Bởi lẽ cuộc sống nó có những điều bất ngờ nhiều khi đến vô lí mà nếu nói không khéo có khi lại trở thành vô duyên, trở thành giả tạo. Và như thế là tại người viết kém cỏi chứ cuộc sống vốn dĩ nó vẫn cứ như thế, bao giờ cũng thế. Xin bạn đọc một chữ thể tất và đại xá”  [Ba lần và một lần, tr.75].

 Trong Ăn mày dĩ vãng khi nhận xét về cách miêu tả nhân vật Hai Hùng, một số người cho rằng nếu người kể chuyện đừng để nhân vật Hùng quá thảm hại thì tác phẩm sẽ thành công hơn. Nhưng theo chúng tôi, đây chính là nét khác biệt tạo nên đặc trưng nghệ thuật trong bút pháp Chu Lai. Nếu nhân vật này cũng chỉ là kẻ kém cỏi trong đời thường, bình thường như bao người khác thì sẽ na ná như rất nhiều nhân vật khác. Một Hai Hùng “quái nhân” ở hình hài như thế, mới mang mặc cảm nặng nề và nhận mình như một cánh chim phiêu bạt. Một hình dáng tiều tuỵ như thế, thiếu sức sống như thế mới đối lập một cách triệt để với lòng thuỷ chung quá khứ bền bỉ, kiên cường mà anh luôn mang theo, đối lập cả với Hai Hùng “người rừng” năm xưa nữa. Đó mới chính là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Cũng trong tác phẩm này không ít lần nhà văn tạo được một cảm giác như sờ nắm được hiện vật qua ngôn ngữ, kể cả khi ông miêu tả những thứ không có hình hài: “Mùi cá, mùi mắm, mùi nước đái, mùi xào nấu, mùi sông nước, mùi lưu manh, đĩ điếm lãng vảng cả đêm bủa vây lấy tôi, muốn nuốt chửng, hoà tan thể xác tôi vào cảnh đời bụi bặm và trường tồn ấy. Thì tôi đã rữa ra trong hàng trăm những cảnh đời đen bạc uế tạp rồi đó sao”  [tr.50].

 3. Đi sâu vào số phận con người, khám phá những dằn vặt, trăn trở, giằng xé nội tâm con người trong quá trình nhận thức, diễn biến tình cảm, ngôn ngữ người kể chuyện chuyển sang giọng điệu ngậm ngùi, xót xa đến mãnh liệt, dữ dội. Giọng điệu này góp phần khẳng định nét độc đáo trong phong cách của Chu Lai: “Trước mặt, ngay dưới chân tôi là một nấm mồ nhỏ xíu mới đắp, còn nóng mùi đất. Trên mồ đặt một bát cơm với quả trứng mà cơn mưa hồi chiều đã làm cho nó nhão nhoét đi. Con tôi... thằng Đức bé bỏng của tôi đang nằm dưới đó, chỉ cách một sải tay, âm thầm, lạnh lẽo, xung quanh đều là đất!... Con có biết má đang ở cạnh con đây không, con? Dậy... Dậy đi con! Gọi má một tiếng đi!... Ôm lấy cổ má đi! Con tôi... sao không nghe thấy con ho? Má về đây mà con ngủ hoài vậy ư?... Tôi nằm xoài ra, hai tay ôm chặt lấy nấm mồ... Tôi điên dại cào mười đầu ngón tay vào đất xước máu. Đến lúc ấy nước mắt tôi mới trào ra, trào ra không dừng được nữa... Đức ơi!... Con tha tội cho má! Con đừng trách má! Từ lúc đẻ con ra, má đã làm khổ con, đã làm con vất vả... má không có sữa, má lại còn lôi con đi hết chỗ này đến chỗ khác. Thương má, hiểu má, đừng oán má nghe con! Má đâu có muốn thế, má đâu có bỏ mặc con để đi tìm cái vui, cái sướng cho riêng má... Má đi đánh giặc để má con mình mau được ở bên nhau. Đời má cũng lận đận lắm nhưng mỗi lần nghĩ đến con... nghĩ đến cái ngày má được dắt tay con chạy trên mặt lộ là má lại quên đi... Bây giờ, Đức ơi! Không còn con nữa, vĩnh viễn mất con rồi, đời má còn có nghĩa gì nữa... Con yếu ớt, con bé bỏng của má! Sao con không chờ má cùng đi? Sao con không chờ gặp mặt ba?... Má đã hứa với ba tới đây cả hai sẽ về với con, sẽ đón con ra rừng để ngày ngày có má có con... Nay con đi rồi, ba về, ba biết tìm đâu ra con? Đức ơi...!”  [Sông xa, tr.264 – 265]. Những trang văn thấm đẫm nước mắt của sự chia ly sinh tử. Chu Lai đã sử dụng ngôn ngữ nói để làm nổi bật cảm giác bàng hoàng, trống rỗng đến rợn người đến tận cùng nỗi đau của người mẹ mất con trong hoàn cảnh chiến tranh. Có lẽ những trang viết về nỗi đau đến tột cùng đó là bằng chứng sống động và đau xót nhất để tố cáo tội ác mà chiến tranh đã gây ra.

  Vũ Nguyên (Cuộc đời dài lắm) là một giám đốc có năng lực, hết lòng yêu thương con người, nhưng vì hoàn cảnh bị trói buộc trong cuộc sống gia đình. Cuộc hôn nhân không tình yêu không đem lại cho anh hạnh phúc, nhiều lúc anh muốn thoát ra nhưng không được. Chu Lai dùng giọng khắc khoải, day dứt buồn để nói lên cảm giác bất lực, thất bại trong đời sống vợ chồng của Vũ Nguyên: “Chao ôi! Cuộc đời vui ít buồn nhiều... lớn lên đi bộ đội, hết giặc trở về nhà đã có một cô gái chờ sẵn để làm vợ theo ý mẹ, chục năm hành quân chỉ có máu không có đàn bà, chỉ có chôn nhau không có tình yêu, anh lính nào chẳng dễ dàng gật đầu khi có một cô gái muốn gắn bó với mình. Mười năm... cứ là con gái là tuyệt hết, cứ là đàn bà là có giá trị, cần gì phải thổn thức yêu đương. Thế là hôn nhân là cứ mỗi buổi sáng ngủ dậy, lại thấy hình ảnh trong mắt nhau loãng nhạt đi một chút. Anh vùi đầu vào sách. Chị lại khao khát một chất đàn ông năng nổ. Bắt đầu khinh nhau, xúc phạm nhau, thậm chí nằm bên nhau, mỗi người theo đuổi một thế giới tâm tình riêng của mình. Nhưng lại không thể bỏ nhau, chục lần viết đơn là chục lần xé. Đứa con ngây thơ không có tội tình gì đã chắp nối níu buộc lại mảnh vá. Tình chồng vợ không còn. Nghĩa tao khang cũng hết. Nhưng cứ thích quản lí nhau như quản lí một tài sản, không ít đêm họp hành về muộn, da thịt anh đã trở thành đối tác cho mấy móng tay người đàn bà cả ghen cào xé...”  [tr.75 – 76].

 4. Đi theo xu hướng phát triển chung của tiểu thuyết sau 1975, ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Chu Lai cũng có rất nhiều câu, nhiều đoạn mang tính chất thông dụng như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Những vấn đề tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày nay được đưa vào tác phẩm một cách rất tự nhiên. Ngôn ngữ của tiểu thuyết Chu Lai đã mang cả mùi vị số phận cuộc đời. Nó không diễn tả cái bình lặng êm xuôi của cuộc sống mà ẩn chứa bên trong là những cơn xoáy lốc của dòng đời trong mỗi số phận nhân vật mà nhà văn đã tạo ra.

 Trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại, có nhiều tác phẩm đã sử dụng vốn từ thông tục. Ở Chu Lai, vốn từ ấy được sử dụng khá dày đặc trong các tiểu thuyết. Sự bố trí hợp lí ngôn từ thông tục đã tạo nên cái nhìn chân thực hơn, gần gũi hơn giữa khoảng  cách người đọc và tác phẩm. Đọc tác phẩm Chu Lai, ta có cảm giác nhà văn không gò ép nhân vật của mình trong một khuôn khổ nào. Họ nói năng rất thoải mái, rất tự nhiên bằng cái giọng vừa bốp chát, bụi bặm vừa sắc cạnh hóm hỉnh. Bạn bè, đồng đội xưng hô với nhau chủ yếu là mày tao. Những kiểu đối đáp bỗ bã, văng tục như “cảm ơn mẹ gì?”, “vậy cái con khỉ”, “cách thức con mẹ gì”...  [Ăn mày dĩ vãng, tr.205 – 265] xuất hiện khá nhiều lần trong các tác phẩm. Ngay cả cái nhu cầu tối thiểu của con người buộc phải kìm nén khi đang trong vòng vây nguy hiểm của bom đạn, nhưng qua giọng văn Chu Lai, vấn đề đó lại biến thành một thứ âm thanh đầy chất lính: “... Rồi giữa cái im lặng mênh mông đó, một tiếng xoè bật ra hân hoan, mới mở nhưng lại tắt ngay. Im lặng sâu hơn. Như vĩnh cửu. Như không cùng... Rồi lại xoè. Tiếng xoè dài hơn một  chút. Rồi lại tắt... Lại xoè... Tắt... Xoè... Xoè... Tắt!”  [Ăn mày dĩ vãng, tr.222 – 223].

Sự tàn khốc của chiến tranh khiến những người can trường nhất cũng có khi lung lạc yếu lòng. Chu Lai đã hướng ngòi bút của mình thẳng vào tâm lí rất con người ấy ở Tuấn trong một trận đánh, với một suy nghĩ nông cạn, tiêu cực. Tuấn đã giơ hai tay lên miệng hầm với mục đích để pháo địch tiện đứt tay và như thế sẽ được về với mẹ. Hai Hùng đánh Tuấn. Tuấn vặc lại: “– Anh đánh đéo gì tôi? Mẹ anh chứ! Thế trận càn tháng trước thằng con mẹ nào chúi đầu xuống hầm một chân cứ giơ lên hứng đạn? Thằng nào? Thằng giơ chân tưởng oai hơn thằng giơ tay à? Lên mặt à?” [Ăn mày dĩ vãng, tr.107].

 Miêu tả chiến tranh, Chu Lai đã miêu tả đúng bản chất bi kịch của nó. Nhà văn đã đặc tả những chi tiết đắt để bộc lộ ý đồ nghệ thuật đó: “Thốt kêu lên một tiếng kêu rất khẽ, anh khuỵu xuống, hai tay băng chặt lấy mắt, cây súng còn nguyên đạn tuột rời khỏi vai, máu và đất trào qua kẽ ngón tay rỏ tong tả xuống cỏ... Khi anh bỏ tay ra, bên mắt trái đã biến thành một cái hốc đỏ lòm và từ đó, theo mấy sợi gân nhớt nhầy, con mắt bị khoét thủng đang thõng xuống, treo tòng teng trên gò má... Hiểu ra được chuyện gì, anh hộc lên một tiếng không ra đau đớn, cũng không ra uất hận, rồi bằng một động tác gần như điên loạn, lại gần như có chủ ý, anh quýnh quáng nhét trở lại con mắt vào tròng. Cùng với bọt máu, con mắt lại truồi ra, lủng lẳng. Không còn cách nào khác, anh đưa tay giật mạnh. Con mắt rời ra. Anh vung tay định ném đi đâu đó thật xa nhưng rồi lại thõng xuống thả rơi vào cỏ. Máu tiếp tục chảy, tràn xuống cằm, xuống cổ, tràn luôn sang cả con mắt lành bên phải. Và rồi không hiểu sao giống như kẻ mù loà, anh lại cuống quýt quờ tìm trong cỏ, nhặt lại con mắt đã trắng xác đang trừng trừng nhìn lên, dính đầy đất, mở khuy áo ngực, bỏ thỏm vào đó, gài lại hẳn hoi rồi mới chịu ngã vật người xuống...  [Ba lần và một lần, tr.60 – 61].

  Trong chiến tranh, cái chết nào, sự hisinh nào cũng đều đau đớn. Cái chết của cô giao liên trong một cảnh huống trớ trêu đau đớn đến tận cùng: “Khi chúng tôi bám ra được đến nơi, Thu chỉ còn là một cái xác loã lồ, chân tay dẹo dọ nằm trong một tư thế kì dị. Rừng xanh, đất xanh, trời xanh... Da thịt sao trắng thế? Mái tóc xoải dài, chấm ngọn xuống suối, đen đến tức tưởi. Tưởng như cô đang nằm ngủ hớ hênh sau một đêm giao liên dẫn khách kiệt sức và sắp tỉnh dậy, cười thẹn thùng, vấn lại tóc, nếu như giữa cặp đùi trắng muốt hơi chãng ra của cô, ở chỗ kín không có một chiếc cọc sần sùi, vạt nhọn cắm sâu vào, xuyên tới đất... Máu đỏ như son nhểu xuống tận bắp chân, bắn từng giọt lên bụng, lên gò ngực vẫn no tròn cái sự sống mới nứt tạo thành những cánh bằng lăng ma quái vừa ở đâu đó trên cao rụng xuống”  [Ba lần và một lần, tr.143]. Cái chết trong chiến tranh thảm khốc được tác giả dựng lại bằng ngôn ngữ hiện thực đầy đau đớn. Nỗi đau in đậm trong cuộc chiến ấy vắt sang thời bình bằng một gam màu không kém phần sắc nét. Cái chết của Sáu Nguyện trong Ba lần và một lần gây cho người đọc nỗi ám ảnh, kinh hoàng “một thi thể người nát bươm, xẹp lép... một đôi con mắt vẫn còn nguyên vẹn, mở to nhìn lên bầu trời như ngơ ngác hỏi: Tại sao lại thế này?  [tr.357].

            5. Ngôn ngữ người kể chuyện sử dụng những gam màu dữ dội sắc nét trong cách tả, cách thể hiện tâm trạng nhân vật ở mọi lúc mọi nơi. Đồng thời nhà văn sử dụng luân phiên các điểm nhìn, khi thì điểm nhìn nhân vật, khi lại là điểm nhìn người kể chuyện tạo ra sự đa dạng các bình diện miêu tả. Điểm nhìn người kể chuyện tạo ra cái nhìn chung, bao quát các sự kiện, điều khiển, sắp xếp các chi tiết, hành động, còn khi nhà văn trao điểm nhìn trần thuật cho nhân vật tức là hướng ngòi bút theo cái nhìn của nhân vật, đi sâu vào đời sống bên trong của nhân vật, để nhân vật tự giãi bày gan ruột của mình, nhân vật hiện lên đúng với bản chất của chính nó. Ví dụ đoạn miêu tả Đăng Điền đấu tranh tư tưởng trong Cuộc đời dài lắm: “bố hắn làm nghề rừng, chết vì rừng, đến hắn cũng sống với rừng, yêu rừng, thề gắn bó cả đời với rừng cao su này, chính vì thế mà hắn đốt rừng, không phải vì rừng mà vì một kẻ khác, đó là Vũ Nguyên” [tr.103].

Bên cạnh cách tả thực trong bút pháp nghệ thuật, ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Chu Lai còn mang phong cách khoẻ khoắn, sắc cạnh, gân guốc. Phong cách ngôn ngữ này phù hợp với một nhà văn luôn đấu tranh đến cùng để lột trần cái xấu cái ác, cái cơ hội ra khỏi cuộc sống. Ở Vòng tròn bội bạc, người đọc không thể quên được giọng kết án đanh thép của Linh dành cho Nguyễn Quách: “Đây là toàn bộ những chứng cứ về hoạt động tồi tệ của anh! Cầm lấy! Cầm lấy mà lo đối phó, lo xuyên tạc như bản chất anh vốn có. Khác anh, tôi không có thói quen đánh lén, tôi ưa đánh vỗ mặt. Tôi quẳng nó cho anh. Tuy vậy, tôi báo trước, dù anh có phá phách thế nào, tôi cũng sẽ làm đến cùng và nhất định sẽ thắng. Tốt hơn hết là anh tự trói anh lại cùng với thằng giết người, cái thằng đang dùng chỉ, dùng cây để mua rẻ linh hồn anh. Nhất định các anh không chạy thoát được đâu, mà dù đời này các anh thoát được thì đời sau con cháu các anh cũng phải hứng chịu” [tr.395].

  Có lúc ngôn ngữ người kể chuyện lại bụi bặm, nhạo đời: “Hết chiến tranh, thằng lính mất giá nhưng bộ đồ lính vẫn còn giá lắm đấy chị ạ! Từ ông lão cày ruộng đến cậu sinh viên, từ kẻ trấn lột trên tàu đến đứa ăn trộm phân đêm, từ thằng buôn xe máy đến con phe phẩy... tất cả đều mặc tuốt như một thứ bảo lãnh nhân phẩm bên trong”. Lại có những liên tưởng so sánh tạo nên sự ám ảnh như đoạn tả người phụ nữ trong rừng cao su: “Thức dậy đi làm từ lúc còn tối đất, đến buổi sữa dâng tức trong ngực chẳng thể đáo về cho con bú, đành chỉ nặn sữa phun vào gốc cây chứ còn biết làm sao! Sữa cao su chảy từng giọt, sữa người tia từng dòng. Trong quạnh quẽ hai dòng sữa trộn vào nhau trắng như khăn tang, tức tưởi”.

6. Nét nổi bật tạo nên một trong những âm hưởng chủ đạo trong ngôn ngữ người kể chuyện của tiểu thuyết Chu Lai là lối văn trầm tĩnh, đầy nội tâm, giàu chất triết lí. Bước ra từ cuộc chiến tranh, Chu Lai đã chắt từ trong những trải nghiệm của mình về cuộc chiến để đưa vào trong tác phẩm. Thực chất đó là mạch chảy của sự sống, của tâm hồn. Ngòi bút của nhà văn đượm chất triết lí, suy nghiệm rút ra từ cuộc sống. Chính vì vậy, nó gần gũi với độc giả tạo nên những dư ba trong lòng người đọc. Lời tâm sự của Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) không chỉ chất chứa sự ngậm ngùi chua xót mà còn có cả một triết lí chính xác về chiến tranh: “Chiến tranh... nó là cái gì nếu không phải là ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà chưa đến lượt mình” [tr.29]. Mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật của Chu Lai đều hiện thân cho một kiểu triết lí của ông. Có nhân vật phản diện đặt cạnh nhân vật chính diện để làm rõ chất triết lí trong cuộc đời. Linh và Sáu Nguyện là nhân vật tiêu biểu cho kiểu triết lí dù đã là người lính thì ở thời nào cũng không đội trời chung với cái ác. Ba Sương sai lầm vì một bước không tự chủ được mình để lâm vào cảnh sống vay, chết gửi suốt đời. Hà Thương, Vũ Nguyên đắm mình về miền vô định của triết lí sâu xa: “Cuộc đời dài lắm nhưng cuộc đời cũng chóng vánh làm sao!”.

7. Hình ảnh người lính trong tiểu thuyết Chu Lai chủ yếu là sự đan cài thời gian, không gian giữa quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, ngôn ngữ của người kể chuyện không thể là đơn tuyến. Giọng văn với nhiều xúc cảm do âm điệu ngôn từ đem lại nhưng chủ yếu là âm hưởng trầm mặc, xót xa. Số phận người lính thời mở cửa hẳn là hạnh phúc không thể đong đầy. Và như vậy, chìm trong dòng cảm xúc lắng đọng với nhiều nỗi ưu tư kia chính là khi ta được sống cùng với tác giả và nhân vật của ông. Tất cả sẽ góp phần tạo nên sức sống cho hình ảnh người lính trong tiểu thuyết Chu Lai. Và qua những phân tích bước đầu trên, bài viết phần nào làm rõ một số đặc trưng phong cách ngôn ngữ người kể chuyện trong các sáng tác của nhà văn Chu Lai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        M. Bakhtin (1998), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn.

2.        Vũ Bằng (1996), Khảo về tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn.

3.        Phan Cự Đệ (2001), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục.

4.        N.I. Niculin (2001), Về vấn đề văn học những năm chiến tranh, VNQĐ.

5.        Tư liệu trích dẫn: Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần, Vòng tròn bội bạc. (Tiểu thuyết của Chu Lai)

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020