Bài viết nghiên cứu chức năng tác động của thơ ca kháng chiến Việt Nam (1945-1975) qua những biến thể của cấu trúc so sánh.
CHỨC NĂNG TÁC ĐỘNG CỦA THƠ CA KHÁNG CHIẾN
VIỆT NAM (1945 – 1975) QUA CẤU TRÚC SO SÁNH
ThS. Lê Thị Phượng
Công ty cổ phần HSP Việt Nam
Từ xa xưa, thơ ca đã là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân loại, bởi nó đem lại cho con người những cảm xúc khác nhau qua sự cảm nhận những hình tượng nghệ thuật độc đáo. So sánh được xem là một thủ pháp nghệ thuật tinh tế, một thao tác thường xuyên và có ý thức, sử dụng tài tình các kiểu cấu trúc so sánh và các hình tượng so sánh. Đó là một cuộc “hôn phối kì diệu” giữa phần cấu trúc so sánh và phần hình tượng so sánh, hai phần này hoà quyện vào nhau đến mức khó có thể tách rời, làm tăng hiệu quả biểu cảm và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, giúp các thi sĩ có thể đưa tác phẩm của mình đi sâu vào tâm tưởng độc giả.
Việc nghiên cứu phương thức so sánh của thơ ca nói chung và chức năng tác động của thơ ca kháng chiến (1945 – 1975) nói riêng là một công việc không hề đơn giản nhưng đầy lí thú.
Trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa của cuộc chiến, Đất nước (Nguyễn Đình Thi/ Nguyễn Khoa Điềm), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Việt Bắc (Tố Hữu), Nhớ con sông quê Hương (Tế Hanh),... là những bài thơ hay mà mỗi chúng ta đều cảm thấy lòng mình như lắng lại trong nhịp điệu và tiết tấu du dương của nó với những cảm xúc riêng, khác để chiêm nghiệm, để bay cùng những yêu thương da diết về quê hương, những thù hận căm hờn về cuộc chiến tranh khốc liệt. Những thi phẩm ấy không chỉ mang lại một “giọng điệu” riêng, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Những bài thơ ấy đã vượt lên mưa bom bão đạn, chinh phục hàng triệu trái tim yêu thơ thuộc đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và rồi vang mãi cho tới ngày nay. Nhiều bài thơ còn được phổ thành những ca khúc rất “ngọt”, có thể kể đến bài: Trường Sơn đông – Trường Sơn tây (Phạm Tiến Duật); Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa); Vàm Cỏ Đông (Hoài Vũ); Sợi nhớ sợi thương (Thuý Bắc)…
Có nhiều quan niệm khác nhau về cấu trúc so sánh. Theo tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà trong cuốn giáo trình Phong cách học tiếng Việt, hình thức đầy đủ nhất của phương thức so sánh gồm 4 yếu tố:
– Cái cần được so sánh, kí hiệu là (A)
– Cơ sở so sánh, kí hiệu là (t)
– Từ so sánh, kí hiệu là (tss)
– Cái được dùng làm chuẩn để so sánh, kí hiệu là (B)
Ví dụ: Cổ tay em (A) trắng (t) như (tss) ngà (B)
Mô hình cấu trúc đầy đủ được đưa ra là: A (t) tss B
|
Tuy nhiên, trên thực tế, tuỳ từng trường hợp, các thi sĩ có thể đảo trật tự so sánh hoặc bớt một số yếu tố trong mô hình để nhấn mạnh những chủ ý riêng, tác động đến một khía cạnh nào đó. Cụ thể có 7 biến thể của mô hình cấu trúc so sánh trên:
1.1. Cấu trúc A + t + tss + B (Mô hình đầy đủ)
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa/Chiếc áo đỏ (A) rực (t) như (tss) than lửa (B) /Cháy không nguôi trước cảnh chia li. (Cuộc chia li màu đỏ – Nguyễn Mỹ)
Em (A) cũng mát lành (t) như (tss) trái cây mùa hạ (B) (Vườn trong phố – Lưu Quang Vũ)
Với 123/428 trường hợp, chiếm 28.7%, kiểu so sánh A+ t + tnss + B đã giúp tác giả nêu ra một sự vật cùng với một đặc tính nhất định của nó (A+t) để so sánh với một sự vật hiện tượng khác loại (B). Cách so sánh này có tác dụng gợi dẫn người nghe tới một đặc tính nhất định, thường là tồn tại hiển nhiên ở sự vật hiện tượng so sánh (B). Rốt cuộc sự so sánh mang lại hiệu quả là gán cho sự vật được so sánh (A) đặc tính này của (B), trong hoàn cảnh cụ thể của bài thơ.
Những ví von trong mô hình cấu trúc đầy đủ này có lúc trang nhã, lạc quan, có lúc mãnh liệt, thẳng thừng. Khi nói về em, nói về tình yêu của đôi ta thì lời thơ nhẹ nhàng, ngọt ngào biết mấy, nhưng khi nói về kẻ thù, về cuộc chiến tàn khốc thì lời thơ lại mạnh mẽ, quyết liệt biết bao nhiêu. Được “ép” trong khuôn so sánh, cái giọng điệu ấy quả là có sức tác động không nhỏ đến đối tượng cảm thụ thơ ca giai đoạn này.
1.2. Cấu trúc: A + tss + B (Bớt cơ sở so sánh)
Nước (A) như ai nấu (B) /Chết cả cá cờ (Hạt gạo làng ta – Trần Đăng Khoa)
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển/Vẫn trở về lưu luyến bên sông (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)
...v.v.
Với 53/428 trường hợp chiếm 12.4%, kiểu so sánh này giúp tác giả đồng nhất hoặc tương tự hoá hai sự vật, hiện tượng khác loại (A và B) mặc dù chúng có rất nhiều đặc tính. Cách so sánh mở này buộc người nghe phải suy ngẫm, liên tưởng để chọn ra đặc tính nào (những đặc tính nào) là căn bản, được xem là tồn tại ở hai sự vật, hiện tượng khác loại này, để tác giả lấy đó làm căn cứ so sánh.
Lược bỏ đi yếu tố (t) cũng là dụng ý của các tác giả. Tình cảm của nhà thơ dành cho em, mẹ hay cảnh vật quê hương,… chỉ được tập trung cụ thể hoá bằng những hình ảnh rất “đắt” qua cấu trúc A + tss + B (không cần cơ sở so sánh). Nhìn vào hình ảnh (B) được thi sĩ dày công chọn lựa làm yếu tố so sánh là người đọc hiểu ngay được những ý nghĩa đặc trưng của yếu tố được so sánh (A). Những câu thơ trên được “nặn” gọn gàng trong khuôn cấu trúc khuyết (t) cũng không khó khăn trong việc truyền lực ảnh hưởng đến tinh thần và lí tưởng Cách mạng của toàn dân tộc ta. Rút ra từ cuộc sống đời thực, những câu thơ ấy đều đã thể hiện rất “ngọt”, “mạnh mẽ” tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi, những trải nghiệm và kỉ niệm khó quên của thời chiến,...
1.3. Cấu trúc A + B (Bớt cơ sở so sánh và từ so sánh)
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy (A) /Bầy chim non bơi lội trên sông (B) (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)
…v.v.
Đây là kiểu cấu trúc vắng yếu tố phương diện và yếu tố quan hệ, chỉ còn lại yếu tố được so sánh (A) và yếu tố so sánh (B) được đặt dưới hình thức đối chọi, và sự liên kết giữa chúng không được hiển ngôn, chỉ căn cứ vào khả năng liên tưởng. Cách so sánh này khiến người nghe phải tìm ra những đặc tính của A và những đặc tính của B để rồi tìm ra giao điểm của A và B tức là chọn ra đặc tính chung nhất của hai đối tượng. Không những thế, người nghe còn phải suy ngẫm để xác định quan hệ giữa A và B là quan hệ tương tự hay quan hệ ngang bằng. Kiểu cấu trúc A + B (Bớt cơ sở so sánh và từ so sánh) này xuất hiện trong các bài được khảo sát với 15/428 trường hợp, chiếm 3.5%.
Đối với kiểu cấu trúc so sánh cực gọn này, tuy các nhà thơ sử dụng không nhiều, nhưng một khi đã mượn đến nó để “đúc” ý thi sĩ thì giá trị nghệ thuật của câu thơ cũng được tăng lên. Ví như câu thơ trên: Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy (A) /Bầy chim non bơi lội trên sông (B), sự thiếu hụt yếu tố (t), (tss) không có gì đáng tiếc. Bởi nếu thêm hai yếu tố trên vào, biết đâu chừng sẽ vô hình chung phá vỡ nhịp điệu, tiết tấu, sự hiệp vần của hai câu thơ trên. Hơn nữa, hai hình ảnh tác giả chọn cho mô hình cấu trúc này rất tương xứng, rất đẹp: bạn bè tôi tụm năm tụm bảy – bầy chim non. Kỉ niệm tuổi thơ bên dòng sông quê hương cứ ùa về “nhanh, mau” trong kí ức của tác giả giống như sự “khuyết gọn” về cấu trúc của câu thơ vậy, gợi nên nỗi nhớ nhà tha thiết. Càng nhớ quê hương, anh – thi sĩ/đồng đội mình càng cố gắng chiến đấu, dẹp tan quân thù xâm lược.
1.4. Cấu trúc t + tnss + B (Bớt yếu tố được so sánh)
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/Sao xót xa như rụng bàn tay (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Lặng yên như bếp lửa (Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)
…v.v.
Xuất hiện với 40/428 trường hợp, chiếm 9.3%, kiểu so sánh này, A – sự vật hiện tượng, thường là chủ thể trữ tình được giấu đi, chỉ nêu lên một đặc tính (chẳng hạn là xót xa). Đó là một sự vật hiện tượng phiếm định, được ngầm hiểu có thể là người nói, là người kia, là cả hai, hoặc ai đó... Là ai hay chẳng là ai cả? Điều đó làm cho người đọc cảm nhận rằng, lời thơ như lời tự truyện của tác giả. Tức là người đọc có thể chỉ là nghe người khác kể chuyện của họ, hoặc nghe kể về câu chuyện của chính mình. Điều đó tạo một sự liên tưởng và thành cơ sở của sự đồng cảm giữa người đọc và tác giả. Độc giả đọc, cảm nhận và như sống cùng cảm xúc của các thi sĩ. thi sĩ buồn – độc giả buồn; thi sĩ yêu – độc giả yêu; thi sĩ nổi máu căm hờn – độc giả cũng nổi máu căm hờn; thi sĩ nhớ nhà – độc giả nhớ nhà;…v.v. Như vậy, há chẳng phải chức năng tác động trong kiểu cấu trúc này rất mãnh liệt sao? Đây quả đúng là một kiểu so sánh tinh tế và hiệu quả.
1.5. Cấu trúc A + (tnss1 + B1) + (tnss2 + B2) (Bớt cơ sở so sánh)
Hai ta như sen mùa hạ, như cúc mùa thu/Như tháng Mười hồng, tháng Năm nhãn. (Vườn xưa – Tế Hanh)
Phố phường như nấm như măng giữa trời (Việt Bắc – Tố Hữu)
…v.v.
Nếu kiểu so sánh A + tss + B chỉ đồng nhất hoặc tương tự hoá hai sự vật hiện tượng khác loại, thì kiểu A + (tnss1 + B1) + (tnss2 + B2) ... đã đưa người nghe tới những khả năng đa dạng hơn và yêu cầu đoán định trên cơ sở liên tưởng chọn lọc, liên kết nhiều đặc tính ở nhiều sự vật khác loại.
Điều đó giống như cách giải câu đố: Các vật vừa giống cái này, lại vừa giống cái kia, và cái kia nữa..., đó là gì. Cách so sánh một sự vật hiện tượng với nhiều sự vật hiện tượng đưa người nghe tới một chuỗi liên tưởng, lần nữa, lại một lần nữa, nhấn mạnh thêm nữa, giải nghĩa cho yếu tố được so sánh (A) .
Đối với các câu thơ trên, khi nói về (A): hai ta, em, mẹ, gian khổ, buồn, vui, chiến tranh tàn khốc, niềm tin thắng lợi,… tác giả không chỉ dùng (tnss1 + B1) mà còn dùng đến (tnss2 + B2), (tnss3 + B3) để nhấn mạnh, mở rộng trường liên tưởng, nghĩa đặc trưng cho (A). Biện pháp so sánh này trở thành một trong những biện pháp quan trọng giúp tác giả khẳng định được giá trị tác động không nhỏ của nó đến tinh thần và khí thế của cuộc chiến.
Kiểu so sánh A + (tnss1 + B1) + (tnss2 + B2) này xuất hiện với 52/428 trường hợp, chiếm 12.1%.
1.6. Thêm cặp từ hô ứng: “bao nhiêu”, “bấy nhiêu”
Rễ siêng không ngại đất nghèo/Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù (Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
Mình đi, mình lại nhớ mình/Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu… (Việt Bắc – Tố Hữu)
…v.v.
Việc xuất hiện 29/428 trường hợp, chiếm 6.8%, các cặp từ hô ứng “bao nhiêu – bấy nhiêu” trong so sánh cũng có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chức năng tác động của thơ ca đối với độc giả. “Bao nhiêu” thường kết hợp với những yếu tố “ngoài con người”, còn “bấy nhiêu” thường xuất hiện cùng với những “yếu tố thuộc con người”. Khó có thể nói hết được: sự ấm áp của lòng mẹ, sự ngọt ngào của môi em, đức tính cần cù, lam lũ, tình yêu quê hương Tổ quốc, sự chiến đấu anh dũng nơi chiến hào, trận tuyến của toàn quân dân ta,… nên các nhà thơ đã quyết định mượn các hình ảnh biểu trưng không xác định số/loại “ngoài con người” để biểu thị. Lấy cái “vô hạn/nhiều” để ví cho cái cụ thể “thuộc về con người”.
Ví như câu trên, nhà thơ muốn nói rằng: Dù cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt đến mấy, nhờ bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tre (dân tộc Việt Nam – con người Việt Nam – em/mẹ/anh/…) cũng sẽ vượt lên được, ít sẽ nên nhiều, đất nghèo sẽ nên màu mỡ (đoàn kết sẽ tạo thành sức mạnh để mang hoà bình về cho dân tộc).
1.7. Dùng “là” làm từ so sánh: A là B
Nứa mai mình gửi quê nhà/Nước non đâu cũng là ta với mình (Việt Bắc – Tố Hữu)
Ơi cơn mưa quê hương/Mưa là khúc nhạc của bài ca êm ái (Nhớ mưa quê hương – Lê Anh Xuân)
Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh (Vườn trong phố – Lưu Quang Vũ)
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm (Núi Đôi – Vũ Cao)
Nước quả dưa này là mồ hôi mẹ chắt/Tôi mang theo tình thương của mẹ và cứ cồn cào nghĩ ngợi (Đi dọc miền Trung – Phạm Đình Ân)
…v.v.
Với 107/428 trường hợp, chiếm 25%, từ so sánh ngang bằng “là” thổi vào những câu thơ trên một giọng điệu khẳng định: em – hoa trên núi; nước quả dưa – mồ hôi mẹ; tâm hồn tôi – buổi trưa hè;… Những yếu tố so sánh: hoa trên đỉnh núi (đẹp, quý hiếm); mồ hôi mẹ (tảo tần, lam lũ); … đều rất cụ thể, rất rõ ràng, mang đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế. Đối với anh, em thật đẹp, nghĩ về em là anh thấy tự hào, thêm nhựa sống, them sức mạnh để chiến đấu. Khi ăn dưa, nhìn thấy nước dưa, con nhớ mẹ. Để nhận được quả dưa này nơi tiền tuyến, mẹ – hậu phương của chúng con đã phải đổ biết bao mồ hôi mới gặt hái và gửi ra được cho chúng con. Với lối ví von kiểu đó, các câu thơ không ngừng tạo ra những tác động mạnh đến tinh thần chiến đấu của các anh chiến sĩ cụ Hồ nơi chiến hào, trận địa. Tình yêu nơi hậu phương như một bàn đạp, tạo sức mạnh cho họ chiến đấu để mang quà độc lập về tặng những người thân yêu.
1.8. Đảo trật tự so sánh: [tss + B + A] (bớt cơ sở so sánh) hoặc [A + tss + B + t]
Như (tss) chồi biếc gặp mưa xuân (B), như chim én say trời (B) /Em mải mê đi (A), đi giữa bao người (Bài thơ về hạnh phúc – Bùi Minh Quốc)
Đây con sông (A) như dòng lịch sử (B) / Sáng ngời (t) lên từ thuở Cha ông (Vàm Cỏ Đông – Hoài Vũ)
…v.v.
Theo kết quả nghiên cứu của nhiều thể loại, tất cả các loại cấu trúc đảo, loại nào cũng đậm chất “dụng ý” của tác giả. Trong thơ ca cũng vậy. Không chỉ vì sự phối hợp hoàn hảo về mặt hình thức: nhịp điệu, tiết tấu, hiệp vần,… mà còn vì những chủ ý, nhấn mạnh riêng về mặt ngữ nghĩa.
Với sự xuất hiện 9/428 trường hợp, chiếm 2%, các thi sĩ cho xuất hiện yếu tố so sánh trước như một lối nói rào đón sự ra đời của (A) /(t). Nhờ thế, độc giả hoàn toàn có thể đoán định được một cách rõ ràng hoặc đôi chút mơ hồ về (A) /(t). Sự xuất hiện sau đó của (A) /(t) ví như: “em mải mê đi” như một hành vi nhắc lại, nhấn mạnh bản chất của sự việc, hiện tượng.
Tạo ra những mô hình cấu trúc loại này để đạt được những “dụng ý” quả không dễ dàng chút nào. “Đảo” để: giới thiệu ca ngợi (đối với bài thơ ngợi quên hương, con người, dân tộc Việt Nam); bày tỏ sự căm hờn bầy giặc đói (đối với bài thơ thù giặc) trước, sau đó lại một lần nữa nhấn mạnh để ca ngợi/để tăng khí thế chiến đấu/…
Trong 8 kiểu cấu trúc so sánh được đa số các nhà thơ sử dụng, kiểu cấu trúc A + t + tnss + B được ưa dùng nhất, tiếp đó là kiểu dùng “là” làm từ so sánh: A là B.
Các kiểu cấu trúc còn lại: A + tnss + B; A + (tnss1 + B1) + (tnss2 + B2); đảo trật tự so sánh [tss + B + A] (bớt cơ sở so sánh) hoặc [A + tss + B + t]; thêm cặp từ hô ứng “bao nhiêu”, “bấy nhiêu”; t + tnss + B (Bớt yếu tố được so sánh); A + B (Bớt cơ sở so sánh và từ so sánh), tuy số lượt sử dụng không nhiều, nhưng chính những biến thể đặc biệt này đã thể hiện được sự biến hoá sinh động và kì thú trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật của các nhà thơ.
Tựu trung lại, trong qua trình sáng tạo ngôn từ nghệ thuật, so sánh có thể được coi là một phương thức biểu cảm đặc biệt. Phương thức này xuất hiện trong nhiều bài thơ kháng chiến với nhiều kiểu loại đa dạng, góp phần thể hiện cá tính sáng tạo riêng của các thi sĩ về mặt hình thái cấu trúc cũng như về mặt ngữ nghĩa.
Hình tượng nghệ thuật được các thi sĩ xây dựng và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, trong đó so sánh là một trong những phương thức quan trọng. Bằng so sánh, các nhà thơ đã vẽ nên những bức tranh vừa cụ thể vừa khái quát về cuộc sống, về con người và về cuộc chiến.
Hình ảnh “mẹ, em” là những hình tượng đẹp, nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các nhà thơ có thể viết lên những bài thơ bất hủ. Ba hình tượng “mẹ, em, anh” cứ trở đi trở lại trong nhiều thi phẩm, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Với việc ý thức rõ ràng tính chất của thời chiến, các nhà thơ đã rất sắc sảo khi kiệm lời bằng cách mượn những hình ảnh độc đáo để thể hiện cuộc chiến bi thương và nỗi buồn xé ruột trong những cảnh chia tay: mẹ tiễn con – vợ tiễn chồng – em tiễn anh.
Qua kết quả khảo sát, chúng ta có thể hiểu hơn phần nào tâm trạng, cảm xúc và nỗi lòng của hình tượng “tôi” – “anh” – một hiện thân của tác giả hay chính những đồng đội mình, mãnh liệt trong tình yêu nước, yêu làng quê, yêu mẹ và em, nguyện xông pha nơi chiến tuyến, đem chiến thắng, hoà bình về cho dân tộc.
Kết quả của việc nghiên cứu chức năng tác động của phương thức so sánh trong thơ ca kháng chiến là minh chứng cho khả năng tìm hiểu giá trị của văn bản nghệ thuật dưới góc nhìn ngôn ngữ học. Để có thể hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về chức năng tác động của thơ ca kháng chiến, ta cần tiếp tục nghiên cứu ở những khía cạnh khác nữa: chức năng tác động được thể hiện qua không gian và thời gian nghệ thuật, qua cách tổ chức câu thơ và lời thơ, qua hệ thống cái tôi trữ tình, qua hệ thống hình tượng nghệ thuật tiêu biểu,… Ngoài phương thức so sánh, cũng cần tìm hiểu thêm về các phương thức tu từ khác: ẩn dụ, tượng trưng, nhân hoá, hoán dụ…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ 20, NXB Giáo dục, 2007.
2. Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà (1998), Giáo trình Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Thị Phương Thuỳ, Một vài nét về sự chuyển biến và cách tân của cấu trúc thơ từ 1945 đến 1975 trên tư liệu thơ của một số nhà thơ – nhà giáo, tạp chí Ngôn ngữ, số tháng 11, 2005, tr.51 - 67.
4. Hoài Thanh (1951), Nói chuyện thơ kháng chiến, Văn nghệ, Việt Bắc.
5. Mai Hương (2001), Thơ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh cách mạng, Tạp chí Văn học số 06.