Ngôn ngữ

CÁCH VẬN DỤNG TỪ ĐỊA PHƯƠNG TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA SƠN NAM


14-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Nở -ThS. Nguyễn Thị Tuyết Hoa

Lớp từ vựng trong phương ngữ Nam Bộ được vận dụng để miêu tả trong truyện ngắn Sơn Nam rất đa dạng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu tìm hiểu một số lớp từ sau: lớp từ xưng hô, lớp từ định danh một số động vật, thực vật, lớp từ chỉ đặc điểm địa hình, hiện tượng tự nhiên, lớp từ chỉ vật thể nhân tạo được dùng phổ biến trong cách nói năng của người Nam Bộ.

CÁCH VẬN DỤNG TỪ ĐỊA PHƯƠNG TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA SƠN NAM

PGS.TS. Nguyễn Văn Nở

ThS. Nguyễn Thị Tuyết Hoa

Đại học Cần Thơ

 

Sơn Nam là một trong số những cây bút nổi tiếng của văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Ông không chỉ là một nhà văn đặc sắc mà còn là một nhà báo, nhà khảo cứu, nhà văn hoá Nam Bộ. Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn trong truyện ngắn của Sơn Nam là cách vận dụng ngôn ngữ của ông, đặc biệt là phương ngữ Nam Bộ. Lớp từ vựng trong phương ngữ Nam Bộ được vận dụng để miêu tả trong truyện ngắn Sơn Nam rất đa dạng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu tìm hiểu một số lớp từ sau: lớp từ xưng hô, lớp từ định danh một số động vật, thực vật, lớp từ chỉ đặc điểm địa hình, hiện tượng tự nhiên, lớp từ chỉ vật thể nhân tạo được dùng phổ biến trong cách nói năng của người Nam Bộ. Bởi lẽ đây là những lớp từ phản ánh trực tiếp đặc điểm vùng đất, cuộc sống lao động sản xuất, nét sinh hoạt văn hoá cùng cách ứng xử trong giao tiếp của người Nam Bộ.

1. Lớp từ xưng hô

Tiếng Việt vốn rất giàu đẹp và phong phú. Một trong những biểu hiện của sự phong phú đó là cách sử dụng lớp từ xưng hô trong giao tiếp của người Việt. Do nhiều yếu tố khách quan, cách xưng hô giữa các vùng, miền cũng có nhiều sự khác nhau. Chính sự khác nhau đó tạo nên bản sắc độc đáo cho các phương ngữ nói chung, phương ngữ Nam Bộ nói riêng. Cách xưng hô của người Nam Bộ rất đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm, và được Sơn Nam vận dụng linh hoạt trong truyện ngắn của ông. Tuỳ từng đối tượng giao tiếp, mối quan hệ tương ứng, hoàn cảnh cụ thể, tác giả để cho nhân vật có những cách xưng gọi khác nhau. Cách xưng hô ấy không chỉ phản ánh mối quan hệ trong giao tiếp mà còn phản ánh rất cụ thể, chính xác tâm trạng, trạng thái tình cảm của nhân vật giao tiếp ngay thời điểm phát ngôn. Trong truyện ngắn của Sơn Nam, ngoài đại từ dùng để xưng hô (tôi, tui, tao, mày, nó, hắn, ả,…) còn có các danh từ và danh ngữ được đưa vào một cách có chọn lọc trên cơ sở đặc tả thực tế sử dụng phương ngữ của vùng.

1.1. Cách xưng hô trong gia đình, thân tộc

Xét trong phạm vi quan hệ gia đình, thân tộc, các từ xưng hô được Sơn Nam sử dụng rất đa dạng, thể hiện chân thật cách xưng gọi phổ biến, quen thuộc trong gia đình người Nam Bộ. Trong mối quan hệ vợ chồng, tuỳ theo từng lứa tuổi, nhân vật của Sơn Nam thường có những cách gọi khác nhau. Đối với người trẻ tuổi, họ gọi nhau bằng cách xưng hô quen thuộc “anh – em”. Đối với những người đứng tuổi, họ lại có cách xưng gọi khác rất thân mật, đậm đà nghĩa tình vợ chồng như: ba nó, bà nó, má bầy trẻ, má mày, má nó, nhà tôi, ông nó,…

            Ví dụ:

            – Má nó ngủ hay thức? Nảy giờ có nghe không? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ rồi...” [10,  42]

            – “Tôi đây. Ảnh đâu rồi chị?

            – Nhà tôi đi “đốc tơ”. [10, 85]

            – “Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu cho họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản.” [10, 39]

            – Má bầy trẻ luộc thêm năm ba con nữa đi. Thầy đội chiếu cố tới nhà mình. Ếch đâu? Cu đâu? Kiếm rau ngổ rau răm về cho nhiều. Gần lung sen, rau mọc hoang cả đám. Nhớ không?” [7, 15]

            – “Uống rượu say, nói chuyện lung tung, làm hại nhà cửa. Ba nó thấy chưa?” [7, 19]

Trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, nếu người miền Bắc thường gọi con cái bằng “anh”“chị” thì người miền Nam lại có cách gọi gần gũi, thân mật, bình dân hơn: mầy, mậy, con Út, thằng Nhi, bầy trẻ, sắp nhỏ, tụi bây,...

            Ví dụ:

            – Tụi bây bốn đứa. Ba cho mỗi đứa...năm cắc. Hai đồng bạc đây.” [10, 90]

            – “Anh đưa vài miếng kẹo nữa để tôi đem về cho sắp nhỏ nó ăn.” [7, 161]

Xét trong quan hệ họ hàng, để chỉ các quan hệ họ hàng hai bên cha mẹ như: cô, cậu, dì, bác, chú,... người Nam Bộ thường xưng hô theo vai và thứ. Trong đó các yếu tố chỉ vai như: cô, cậu, dì,... là yếu tố chính, thứ là yếu tố phụ để phân biệt các thứ trong gia đình, chẳng hạn: bác Năm, chú Tư, thím Tư,... Cách xưng hô như thế làm tăng tình cảm thân mật trong mối quan hệ họ hàng.

1.2. Cách xưng hô ngoài xã hội

Trong cách xưng hô ngoài xã hội, lớp từ chỉ quan hệ thân tộc như: chú, bác, cô, dì, dượng,... kết hợp với yếu tố thứ được sử dụng để xưng gọi khá phổ biến. Trong cuộc đối thoại, cả hai đối tượng giao tiếp (người mở thoại, người đáp thoại) đều dùng cách xưng hô bằng vai hoặc thứ bậc trong gia đình để đối đáp. Ví dụ: Trong truyện Con Bảy đưa đò, cách xưng hô của dì Bảy đối với khách thật thân mật. Khách gọi dì Bảy bằng “dì” và dì Bảy cũng xưng “dì” khi đáp lại lời của khách mặc dù giữa họ không có quan hệ huyết thống.

            “Lắm người khách tò mò:

            – Dì Bảy à, dượng Bảy đâu rồi! Sao ở đây không ai biết cả?

            Dì đáp:

            – Dượng Bảy đâu còn! Cũng như không. ... ở goá hàng chục năm rồi mấy cháu à...

            – Làm sao thịt heo của dì luộc ngon quá vậy? Chỉ cho chúng tôi học với.” [8, 244]

            Ngoài ra, cách xưng gọi của người Nam Bộ nói chung, trong truyện ngắn Sơn Nam nói riêng, thường dùng phần lớn là những danh ngữ được cấu tạo từ những tên riêng kèm theo các yếu tố như vai, thứ trong gia đình hoặc nghề nghiệp, chức vụ ngoài xã hội, thậm chí kèm theo cả đặc điểm về hình dáng, quê quán như: chú biện, bà bầu, ông hội đồng Tần, Năm Pho, chủ Hai, Năm Hến, thầy thông ngôn, ông Hương kiểm Lưu, ông hương giáo, hương ấp Thum, ông xã Tư, quan Tư Ca Rê, Tư Hoạch, Giáo Trích, Hai Đẹt, Lục Che, Giáo Phép, Năm Kiểu, bà phủ Ngọc, lão Mười Bạch, Tư Nếp, quan Hai Phẹt – Năng, Tư Cồ, Năm Bùn, ông Hai Don, ông già Lanh, ông Bang Lình, anh Tư Bình Thủy, thầy xã, ông Năm, Tư Cần, Bảy Vĩnh,…

Trong trường hợp người lớn tuổi nói với người nhỏ tuổi, nếu thân mật thì gọi bằng “con”, ít thân mật thì gọi bằng “cháu”, cũng có thể gọi bằng “thằng”, “thằng + thứ hoặc tên” (thằng Tặc, thằng Kìm, thằng Quỳnh, thằng Điệu,...) hay “con + thứ hoặc tên riêng” (con Út, con Bảy, con Hiếm,...). Ví dụ:

            – “Đâu! Thằng Điệu mày trả lời thử coi. Nghe qua mà phát nóng lạnh. Chẳng lẽ bọn con trai thua trí một cô gái?” [7, 279]

            – “Lí lịch của con Bảy ra sao? Chuyện đó lại càng khó hiểu.” [8, 236]

            – “Thứ gì ngộ quá vậy, dượng Hai?” [8, 74]

Bên cạnh đó, trong truyện ngắn của Sơn Nam còn có sự xuất hiện của những đại từ chỉ ngôi hồi chỉ vốn là danh từ chỉ quan hệ thân tộc như ổng, bả, chỉ, thẩy, cổ,… được dùng để chỉ ngôi thứ ba, số ít. Đây là kết quả của hiện tượng rút gọn âm hay nhập âm điển hình trong phương ngữ Nam Bộ. Trường hợp này chiếm một số lượng rất đáng kể. Ví dụ:

            – “Bạn tôi. Ngày thường, ảnh mạnh khoẻ như con trâu cui, hồi chiều, ăn cơm với cá kho chớ có ăn gì khó tiêu đâu?” [9, 299]

            – “Đâu phải tại tôi. Tại chị Hai đó. Hồi sáng, chỉ còn mạnh cùi cụi. Vậy mà chỉ vô mùng nằm, đắp mền, không biết đau chứng bịnh gì”. [8, 130]

            – “Mà quên! Ổng biểu tôi về trước cho bà con coi thử. Phần ổng mắc ở lại cúng “đất đai vương trạch” rồi đi bộ về sau.” [8, 91]

            – “Nói bậy đi. Hễ không tới thì chê người ta nhát, kiêu căng. Bây giờ người ta tới thì công kích. Thầy xã này là người có âm đức. Ba của thẩy, chú của thẩy hồi đó hiền lắm.” [10, 157]

Điều đáng lưu ý ở cách xưng gọi trong truyện ngắn của Sơn Nam là tác giả dùng rất nhiều từ: cha nội, thằng cha, mấy cha, các cha, thằng chả, con mẻ, đại ca,... để gọi đối tượng giao tiếp. Nếu là những người ngang hàng về tuổi tác thì cách gọi này thường thể hiện sự gần gũi, hàm ý đùa cợt. Nếu người nói kèm theo ngữ điệu nhấn mạnh ở các từ này thì nó lại có hàm ý mỉa mai, châm chọc, xem thường. Chính cách dùng những từ xưng hô này đã góp phần làm phong phú thêm cho lớp từ xưng hô trong phương ngữ Nam Bộ, phản ánh được nếp sống sinh hoạt tự do, thoải mái, không bị ràng buộc bởi một quy tắc, tôn ti trật tự nào trong cách nói năng cư xử của những người dân tứ xứ trong hành trình đi khẩn hoang vùng đất mới.

            Ví dụ:

            – “Vô đây nhậu! Cha nội đi rồi hả? Đi thì cho cha nội đi tuốt!” [10, 59]

            – Các cha nói chơi mà làm thiệt hả?” [8, 43]

            – Thằng cha già này dám ăn dám nói. Cũng gọi là đủ bản lĩnh, như quế với gừng, càng già càng cay. Lát nữa sẽ hay. Bây giờ tới thằng nầy.” [9, 151]

            – Mấy chả gan mật cùng mình sao kìa! Hồi nào tới giờ họ chưa đặt chân tới xóm mình. Chắc có chuyện gì, mình ăn thua đậm.” [10, 157]

            – Con mẻ đó chưa biết ái tình là gì.” [9, 322]

            – “Tôi là Giáo Phép, “đại ca” cứ gọi tôi bằng em.” [9, 119]

“Bà con” là từ dùng để chỉ người trong quan hệ họ hàng thân thuộc. Trong truyện ngắn của Sơn Nam, từ “bà con” còn được dùng để chỉ chung những người chòm xóm, láng giềng, những người cư trú trong một làng, một xóm, không nhất thiết phải có quan hệ máu thịt. Trong cuộc trò chuyện, để chỉ chung một nhóm người nào đó, người ta cũng dùng từ “bà con”. Cách gọi trên vừa thể hiện được sự chân tình, gần gũi vừa phản ánh được sự hài hoà trong mối quan hệ giữa cá thể và tập thể. Đồng thời, phải chăng trong cách xưng gọi đó cũng thể hiện tình cảm tốt đẹp trong mối quan hệ giữa người với người, khát vọng được đùm bọc, cưu mang, sẻ chia của những người dân tứ chiếng.

            – “Bậy quá! Làm lỡ cuộc vui chơi của bà con anh em. Thôi làm một bản vọng cổ nghe coi!” [10, 159]

            – “Tư Hưng từ đầu xóm chạy lơn tơn về, lớn tiếng thanh minh: Bà con ơi! Tôi nhốt heo lại rồi. Chắc tại vợ tôi quên...Vợ tôi nó dại dột thì tôi chịu tội.” [8, 95]

            – “Chém ruồi ai dùng gươm vàng làm chi! Nói thiệt cho bà con thương, tôi đây cực chẳng đã mới ra nghề. Tôi biết trong số bà con đây có người tài giỏi hơn tôi nhưng giỏi về môn khác. Thứ bùa này ít ai biết...” [8, 192]

Tóm lại, lớp từ xưng hô được vận dụng trong truyện ngắn của Sơn Nam phong phú, đa dạng về cấu tạo. Bên cạnh lớp từ xưng hô có tính truyền thống, Sơn Nam còn đưa vào tác phẩm những từ xưng hô có tính khẩu ngữ cao (em cưng, đại ca, mấy cha, thằng chả, cha nội,…). Điều này làm cho cách xưng hô giữa các nhân vật mang màu sắc khẩu ngữ tự nhiên, đa dạng, phản ánh chân thực lối ứng xử mang tính bình dân, mộc mạc nhưng cũng đậm đà nghĩa tình của người dân Nam Bộ.

2.  Lớp từ định danh một số động, thực vật ở Nam Bộ

2.1. Trong truyện ngắn Sơn Nam, lớp từ địa phương chỉ động, thực vật xuất hiện với một số lượng đáng kể (86 từ, chiếm 9,2% trong tổng số lớp từ được khảo sát). Thông qua việc sử dụng lớp từ này, Sơn Nam đã tái hiện thật sinh động không gian đất rừng Nam Bộ trong thời kì đầu con người đi khai khẩn và xây dựng cuộc sống mới với bạt ngàn cây cối trong vẻ hoang sơ, kì bí. Hàng loạt các từ ngữ chỉ động vật được miêu tả góp phần làm phong phú không gian hệ sinh thái của vùng quê Tây Nam Bộ: ba khía, cua đinh, cá (cá sấu, cá hường, cá linh, cá lóc, cá nược, cá sặc, cá thia thia,…), chim (chàng bè, chó đồng, già sói, cúm núm, cu cườm, cồng cộc,…), rắn (rắn bông súng, rắn hổ đất, rắn mái gầm, rắn nẹp nia, rắn ri voi, rắn trun,…), cọp, xà niên (loại khỉ to con lông dài)...

Trong nhóm từ chỉ động vật nêu trên, từ chỉ các loài chim, cá, rắn xuất hiện nhiều nhất, đa dạng về chủng loại. Đây chủ yếu là những loài động vật gần gũi với cuộc sống lao động sản xuất của người dân Nam Bộ. Điều này cũng phần nào phản ánh được đặc điểm sinh sống của người dân nơi đây. Đó là cuộc sống thâm nhập vào tự nhiên, chinh phục tự nhiên để khai hoang lập ấp, xây dựng hạnh phúc trên cái gian khổ, khắc nghiệt của thời tiết, đất đai. Sống ở nơi rừng rậm hoang vu, sông ngòi dày đặc, họ đã biết gắn cuộc sống của mình với từng mùa nước, với từng cánh rừng tràm bát ngát hương hoa, hay những rừng hoang với bạc ngàn thú dữ để lam lũ lao động, vất vả kiếm kế sinh nhai bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản, bẫy chim thú và nghề ăn ong rừng.

Rừng U Minh thời mở đất là nơi quy tụ hàng chục ngàn sân chim lớn nhỏ. Chúng sinh sôi nảy nở khắp cành cây mặt đất: “Nào là sân Cái Nước, sân Thầy Quơn, sân Thứ Nhất, ấy là chưa kể sân ở ngoài rừng chưa ai đặt chân tới… Hàng vạn con chim bay về đây làm tổ tạo thành một thế giới náo nhiệt” [10, 209]. “Làm ổ trên cây thì có chim chàng , chim già sói, chim chó đồng. Làm ổ dưới đất thì có chim bồ nông là đáng kể” [10, 209]Chính sự phong phú, giàu có của những sân chim đã góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, một trong những nét đặc thù của sinh thái nông thôn của vùng cực Nam tổ quốc.

Bên cạnh sự đa dạng của loài chim, sự giàu có của các loài cá cũng được Sơn Nam ghi lại trong rất nhiều truyện khác nhau: Ngày xưa tháng Chạp, Đảng xăm mình, Cao khỉ U Minh, Người mù giăng câu, Con cá chết dại, Kéo trúm,…Vào mùa khô, đìa nước cạn, “cá gom lại nổi đầu khít rịt như trái mù u” [7, 176], cá biển và cá nước lợ theo thuỷ triều mà vào sâu trong lòng sông. Ngược lại, vào mùa lụt, cá nước ngọt trôi theo nước ra xa vàm biển. Cá sinh sống nhiều ở các sông, các ao đìa với một số lượng vô kể: “Trong cái đìa sau trại, cá quậy nước nghe ầm ầm. Hàng ngàn con cá to đã gom vào đó” với những âm thanh “lào xào”, “lụp bụp”, “chép chép” vang dậy náo nhiệt cả ao, “hằng hà sa số cá lóc, cá trê cố vùng vẫy, toan lội trở ngược” [9, 83]. Chim và cá đồng là nguồn lợi đáng kể cho con người. Sự xuất hiện của lớp từ vựng chỉ hai loài động vật này vừa gợi ra được sự giàu có, ưu đãi của thiên nhiên đối với cuộc sống con người, vừa gợi được vẻ hoang sơ của vùng đất mới. Thiên nhiên ban tặng cho con người nhiều sản vật nhưng cũng sẵn sàng cướp đi sinh mạng của con người. Vùng đất ấy không chỉ có chim, cá mà còn có rắn (rắn bông súng, rắn hổ đất, rắn mái gầm, rắn nẹp nia, rắn ri voi, rắn trun,…), cọp, sấu. Đây là những loài động vật được Sơn Nam miêu tả thật tỉ mỉ, xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm, gợi lên hình ảnh một thiên nhiên hoang sơ, hùng mạnh trong buổi đầu gian nguy, đe doạ cuộc sống và tính mạng của con người. Vùng đất Nam Bộ khi xưa rắn nhiều vô kể, có loại rắn độc và rắn không độc. Loại rắn nguy hiểm nhất là rắn hổ đất, rắn mái gầm. Bên cạnh những loài rắn độc là những loại rắn vô hại, đem lại ích lợi cho cuộc sống con người là loại rắn ri voi: “Loại rắn ri voi, hàng hà sa số. Nó lội dưới sông rạch, trong rừng vào tháng ngập nước”, “Nó sống dưới nước, mỗi con to bằng bắp tay, cắn không chết ai cả” [8, 295]. Ngoài loài rắn, cọp và sấu cũng là nỗi ám ảnh thường trực của con người trong thời kì đi mở đất. Tuy không phải là loài động vật chỉ xuất hiện riêng ở vùng đất Nam Bộ nhưng sự xuất hiện của cọp và sấu với mức độ dày đặc trong các tác phẩm của Sơn Nam (Hát bội giữa rừng, Hai cõi U Minh, Hết thời oanh liệt, Con sấu cuối cùng, Sông Gành Hào, Hát bội giữa rừng, Bắt sấu rừng U Minh Hạ,…) đã góp phần khắc hoạ đậm nét vẻ hoang vu, tịch mịch, đầy hiểm nguy của một vùng đất mới. Trong truyện ngắn Hết thời oanh liệt, Sơn Nam đã ghi lại những trang văn đầy sống động về kí ức của con người về loài sấu và cọp: “Kì dư, ven sông Cái Lớn này toàn là rừng. Trên bờ có cọp, dưới sông có sấu. Mình chèo ghe ban ngày, trời chạng vạng nghe cọp rống, mấy ổng úp mặt xuống đất nên có tiếng dội” [9, 217]. Sấu sinh sôi nảy nở khắp nơi, sấu cư trú ở dưới sông, ở trong rừng. “Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng!” [8, 86]. Trong tác phẩm của Sơn Nam, hình ảnh “ông cọp”, “ông sấu” luôn gắn liền với đời sống người dân, chúng không chỉ có mặt trong mọi hoạt động lao động của con người trong môi trường tự nhiên mà chúng còn có mặt trong cả những hoạt động sinh hoạt vui chơi, giải trí, sinh hoạt tín ngưỡng của con người Nam Bộ. Tóm lại, thông qua lớp từ chỉ động vật được miêu tả trong các truyện ngắn, Sơn Nam đã làm sống dậy không khí chốn rừng thiêng nước độc trong buổi đầu khai phá với sự phong phú, giàu có về sản vật nhưng cũng lắm hiểm nguy.

2.2. Cùng với lớp từ chỉ động vật là lớp từ chỉ thực vật gắn liền với vùng đất này, đó là: ô rô, cóc kèn, bình bát, bòng bong, bồn bồn, dây choại, dừa nước, đế, gừa, huê xà, lác, bàng, lứt, me nước, mốp, mù u, năn,… Góp phần làm phong phú hệ sinh thái của vùng rừng ngập mặn là các loài thực vật: tràm, đước, vẹt, dừa nước, mắm, bần,… Đây là những loài thực vật đặc trưng, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái của vùng. “Mắm”, “đước” và “tràm” là ba loại cây khai hoang, mở đất, có vai trò lấn biển, giữ và bồi đắp cho đất rừng, có khả năng chịu đựng được sóng gió mà vẫn xanh tươi “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước, mái nhà ai”. Chúng biểu tượng cho sự kiên cường, mạnh mẽ, gan góc của những con người tiên phong đi “xâm rừng lấn biển”. Cả ba loại cây đều cho gỗ với nhiều giá trị sử dụng. Nếu cây mắm và cây đước là biểu tượng cho linh hồn của rừng sác Cà Mau thì cây tràm được Sơn Nam miêu tả thật đẹp như là một đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ, là biểu tượng cho vẻ đẹp hoang sơ mà quyến rũ của đất rừng phương Nam. Hiếm có loài cây nào lại gắn bó lâu dài, lại bền rễ với một vùng đất nhiễm phèn nặng như cây tràm. Rừng tràm lúc thay lá, lá cây tràm rụng nhiều trên mặt đất nên khi gặp mưa xuống liền phân huỷ, ngấm qua than bùn, chảy xuống kênh, rạch nhuộm một màu đỏ sậm. Những dòng kênh, con rạch ở đây nhuộm một màu đỏ bầm tựa như màu trái mồng tơi chín trông thật kì thú, bắt mắt. Đó là nét đặc trưng độc đáo của rừng U Minh Thượng, nếu “không có nước đỏ, không phải là U Minh”. Nước đỏ rừng tràm nhiều dưỡng chất, không ô nhiễm, không bẩn mà vẫn ngọt mát, đặc biệt là giàu chất đạm, giúp cho các loài động, thực vật trên lâm phần sinh sôi phát triển, nhất là nguồn lợi cá đồng. Rừng tràm lúc hoa nở lại là điều kiện thuận lợi để cho ong sinh sôi và tồn tại đem lại nguồn lợi lớn về mật ong, sáp ong cho con người. Ngoài những từ định danh chỉ nhóm thực vật nói trên, trong tác phẩm của Sơn Nam còn có rất nhiều từ chỉ những sản vật đặc trưng của vùng: sầu riêng, măng cụt, mận (mận sọc xanh, mận hồng đào, mận sọc đỏ), khóm, khoai môn, khoai mì, đào lộn hột, bưởi thanh trà, chôm chôm, chuối cau, chuối hột,… Sự phong phú của các loại sản vật này phản ánh sự ưu đãi của thiên nhiên đối với cuộc sống con người. Những vườn cây ăn trái xanh mướt quanh năm trĩu quả đã tạo nên những đặc điểm văn hoá miệt vườn vô cùng hấp dẫn cho vùng Tây Nam Bộ.

3. Lớp từ chỉ đặc điểm địa hình, hiện tượng tự nhiên ở Nam Bộ

Môi trường sinh thái của Nam Bộ là môi trường sông nước, kênh rạch có cả một hệ thống nhịp điệu từng mùa như mùa mưa, mùa khô, nước lên, nước xuống quy định nhịp sống của con người từ làm lụng, sinh hoạt đến vui chơi, giải trí. Từng con nước, từng kiểu gió, từng con rạch gắn chặt với đời sống của người dân vùng sông nước. Người dân xem con nước để tính giờ, xem ngọn gió để đoán thời tiết, nhìn kênh rạch để trù tính vụ cá tôm. Dấu ấn về sông nước, kênh rạch, các hiện tượng chỉ tình trạng vận động của con nước còn in đậm trong hệ thống từ chỉ đặc điểm địa hình, hiện tượng tự nhiên ở Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam. Đó là nhóm tên gọi phản ánh đặc điểm địa hình sông nước ở Nam Bộ: kinh, lạch, rộc, vàm, xẻo, rạch, lung, bàu, trấp, giáp nước, mương, ngọn cùng, ngọn kinh, ngọn rạch,… Đó còn là nhóm tên gọi phản ánh địa hình đất liền: gò, hòn, gành, cù lao, giồng, doi, vồ đá,… và nhóm tên gọi chỉ hiện tượng tự nhiên có liên quan đến sự vận động của dòng nước và các kiểu gió: nước dậy, nước đứng, nước nổi, nước giựt, nước lên, nước lớn, nước lụt, nước ngập, nước ròng, gió chướng, gió nồm, gió trở ngọn,…         

3.1. Lớp từ chỉ đặc điểm địa hình, hiện tượng tự nhiên trong truyện ngắn Sơn Nam nói riêng, phương ngữ Nam Bộ nói chung thật đa dạng về phạm trù phản ánh.“Giáp nước” là chỗ gặp nhau giữa hai dòng nước, khi nước lớn từ hai con sông chảy vào hai đầu cửa kinh, rạch.“Lạch” là dòng nước chảy của tự nhiên, có thể nhỏ hoặc lớn, có thể là rạch hoặc sông. Nhỏ hơn “lạch” là “xẻo”“xẻo” là lạch nhỏ, địa hình lõm, tự nhiên, có dòng chảy, nhỏ hơn rạch. Để chỉ vùng nước có mảng lớn gồm nhiều loại dây hoang, cỏ dại, bám thành giề nổi dày trên mặt nước, phương ngữ Nam Bộ có từ “trấp”,… Đó không chỉ là những từ định danh được hình thành một cách có cảm tính để gọi tên sự vật, hiện tượng của người Nam Bộ mà ít nhiều nó còn thể hiện sự gắn bó sâu sắc trong đời sống của con người đối với thiên nhiên. Sự phong phú về tên gọi các trạng thái của nước, cũng như tên các khu trũng, chứa nước, các dải đất ven vùng chứa nước khiến cho người đọc có thể hình dung miền đất cực Nam của Tổ quốc là một miền đất “trời nước bao la”“tư bề sóng gió”“tư bề là nước”. Địa thế sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của con người Nam Bộ, góp phần hình thành nên những tập quán lao động sản xuất, lối sống, tính cách,… của con người Nam Bộ, hình thành nên một nền “văn minh sông nước”. Thích ứng với một thiên nhiên đồng bằng đa dạng, nền nông nghiệp ở đây cũng rất đa dạng: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, làm thủ công nghiệp trong đó nghề trồng lúa nước là chủ yếu. Đặc điểm định cư của những người dân ở đây cũng bị chi phối bởi đặc điểm địa hình. Họ cư trú chủ yếu ở ven sông rạch, nơi nào có kinh, có rạch là họ cắm dùi, dựng lều, vỡ đất. Cư trú ven sông đã tạo thuận lợi cho việc ổn định cuộc sống, thuận lợi trong việc di chuyển bằng đường thuỷ, trồng trọt, tưới tiêu, trao đổi hàng hoá, đánh bắt thuỷ hải sản,…

3.2. Sông nước mênh mông, dồi dào phù sa ưu đãi cho con người nhiều loại thuỷ hải sản, đất đai tươi tốt với những vườn cây trái xum xuê nhưng cũng đem lại cho con người lắm gian nan, đặc biệt vào mùa nước nổi. Hệ thống từ chỉ sự vận động của dòng nước trong truyện ngắn Sơn Nam rất phong phú (nước nổi, nước giựt, nước ròng, nước dậy, nước lụt,…), ứng với mỗi kiểu vận động của dòng nước là một nỗi khó khăn cho cuộc sống con người. Mỗi năm, nước lên vài tháng rồi giựt xuống. Đến mùa nước nổi, có những nơi người dân phải sống giữa bốn bề sông nước. Ở truyện Mùa len trâu, cảnh sông nước bao la này làm cho con người phải điêu đứng, nhất là nhiều khi con nước quá lớn “Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Đất bên kia bình thường xem hùng vĩ thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước” [10, 37]. “Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách” [10, 38]. Khi nước lên, nước chảy rất hăng, tràn lan từ bờ sông Hậu Giang ra vịnh Xiêm La, chảy mãi về hướng Tây, nước “ngập cả đồng ruộng, sâu cỡ hai thước, mênh mông không bờ bến như biển khơi” [10, 13]. Cuộc sống của những người dân nơi đây thực sự khốn đốn vì nước tràn bờ sông Hậu chảy qua, nước trên trời tuôn xuống, gió biển lại triền miên thổi lộng về nên nếu “Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở” [10, 38]. Biển nước mênh mông như con ác thú khổng lồ đã nuốt đi biết bao sinh mạng con người trong mùa nước nổi, trong đó có cha thằng Kìm trong Một cuộc biển dâu. Những người chết trong mùa nước nổi không có chỗ chôn, phải lấy vật nặng chèn thây xuống nước, chờ nước rút mới chôn cất được. Mùa nước đã nhấn chìm cuộc sống của biết bao gia đình trong lụt lội “gió thổi mạnh trôi nhà trôi cửa” [10, 38], trâu bò không có cỏ ăn, không còn nơi để ở, phải “len” đi nơi khác sống tạm qua mùa. Vì vậy, tới mùa nước giựt, đất ruộng rải rác lủ khủ xương người ta với xương trâu, thứ trâu len đi xa bị bệnh mà chết dọc đường. Người cày ruộng “lấp đất lại, cho lúa sạ mọc lên” rồi “cứ tưởng đó là xương của người đời Bàn Cổ” [10, 19].

            Nhìn chung, lớp từ chỉ đặc điểm địa hình, hiện tượng tự nhiên trong truyện ngắn Sơn Nam nói riêng, phương ngữ Nam Bộ nói chung thật đa dạng. Lớp từ này chủ yếu được hình thành dựa trên cảm tính, nhờ vào sự quan sát đặc điểm thực tế của sự vật, hiện tượng để gọi tên. Lớp từ này đã phản ánh sinh động đặc điểm địa hình của vùng đất Nam Bộ, nơi được mệnh danh là “xứ sở của những dòng sông” và cuộc sống sinh hoạt của con người ở vùng đất ấy.

4. Lớp từ chỉ vật thể nhân tạo

Lớp từ chỉ vật thể nhân tạo trong truyện ngắn của Sơn Nam chiếm một số lượng rất lớn (122 từ, chiếm 12,8% số lượng từ vựng được khảo sát), bao gồm nhóm từ chỉ công cụ lao động, nhóm từ chỉ phương tiện di chuyển, nhóm từ chỉ đồ dùng trong sinh hoạt.

4.1. Nhóm từ chỉ công cụ lao độngnò, nò khơi, nò cạn, trúm, rập, rạo, xáng múc, xuổng, dây đỏi, mác thông, lụp, phảng, cù nèo, nóp, súng cà nông,… Lớp từ này không nhiều nhưng phần nào đã phản ánh được đặc điểm cuộc sống lao động của con người Nam Bộ lúc bấy giờ. Trong buổi khẩn hoang, con người sống chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt thuỷ hải sản và nghề săn bắt, khai thác sản vật tự nhiên với những công cụ rất thô sơ. Phảng và cù nèo là hai loại “nông cụ chiến lược” dùng để phát cỏ trong nghề nông lúc bấy giờ. Phảng là một loại dao phát cỏ, lưỡi bằng sắt to bản, được uốn cong ở phần cán, cán ngắn vừa tay cầm, dùng để phát cỏ. Đây là một loại nông cụ “phổ biến từ miền ruộng cao ở miền Đông Nam Bộ, đến nơi tận cùng của đồng bằng sông Cửu Long” [5, 123]. Cù nèo là một loại nông cụ bằng gỗ hình cái móc dùng để gạt cỏ khi phát. Vùng Tây Nam Bộ lúc bấy giờ đất rộng mênh mông với đầy cỏ nước mặn, cỏ bắc, cỏ lác, cỏ ống, cỏ cú, cỏ năn,… người thưa thớt, trâu bò lại thiếu nên việc phát cỏ để làm ruộng là điều vô cùng cần thiết. Sự xuất hiện của nhóm từ chỉ công cụ này đã gợi lên những gian khổ một thời trong nghề nông mà người dân phải trải qua trong quá trình khai phá. Sống ở vùng sông nước mênh mông với nguồn lợi cá tôm dồi dào, con người cần chế tạo ra những công cụ để đánh bắt thuỷ hải sản. Những công cụ đánh bắt thô sơ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để bắt lươn, người ta dùng ống trúm, đó là ống tre dài khoảng 1 mét, có đặt hom bên trong dùng để bắt lươn. Để bắt cá, người ta dùng nò, rạo, xịp,… Rạo là một khung bao được làm bằng tre để chất chà, nhử cá tôm. Nò là cái lờ, dụng cụ để bắt cá, hình trụ đứng được đan bằng tre, có xẻ một đường từ trên xuống theo dạng tam giác để cá vào mà không ra được. Ngoài ra, người ta còn dùng dụng cụ đánh bắt cá bằng dạng lưới đẩy có hai càng hình chữ V, gọi là xịpNò, trúm, rạo, xịp… là những công cụ thiết yếu được dùng trong hoạt động đánh bắt cá.

Trong thời khẩn hoang, đa số những người dân ở đây sống bằng nghề đốn củi lậu thuế, ăn ong rừng. Rừng rậm âm u, đầy muỗi mòng, rắn rít, thú dữ. Con người cần có những công cụ để tự vệ khi gặp heo rừng, chồn beo. Ná lẫy, mác thông, nóp,… là những công cụ gắn liền với việc đi rừng để săn bắt của con người. Nhìn chung, đây là các loại công cụ lao động thô sơ, dễ làm nhưng thật cần thiết trong quá trình khai thác những nguồn lợi mà thiên nhiên ban tặng.

4.2. Nhóm từ chỉ phương tiện di chuyển bao gồm những từ chỉ phương tiện di chuyển trên sông nước và phương tiện di chuyển trên đất liền. Trong đó, nhóm từ chỉ phương tiện hoạt động trên sông nước chiếm ưu thế về số lượng.

Nhóm thứ nhất là những từ chỉ phương tiện hoạt động trên sông nước: ghe bầu, ghe lườn, ghe ngo, ghe thương hồ, tam bản, xuồng ba lá, xuồng lường,… Ứng với mỗi cách định danh là một sự khác nhau về đặc điểm hình dáng, chức năng của chúng.
Ghe bầu là loại ghe lớn, có phần bụng phình ra khá lớn, dùng đi lại trên những sông, kênh lớn. Đây là loại ghe có từ lâu đời, khoảng cuối thế kỉ XVII, những lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đã dùng để di chuyển trong quá trình di dân vào Nam. Ghe lườn là loại ghe có thân nhỏ, dài, dùng để chở khách. Ghe thương hồ là ghe lớn chở hàng của giới buôn bán, kinh doanh,… Sự đa dạng của các loại phương tiện này là do nhu cầu cuộc sống, đặc điểm địa hình quy định.

Có thể nói miền Tây Nam Bộ là nơi hội tụ của những kênh rạch, sông ngòi. Gắn bó với cảnh sông nước ấy chính là những chiếc ghe, chiếc xuồng, là những vật dụng quý giá không thể thiếu được của người dân vùng sông nước trong kế sinh nhai. Đó vừa là phương tiện di chuyển, vừa là phương tiện làm ăn, buôn bán của những con người tứ xứ. Mỗi chiếc ghe thương hồ là một cửa hiệu: khi là gian hàng tạp hoá, khi là “cửa hàng sửa chữa đồ điện tử”, có lúc lại là mái nhà neo tạm trên sông rạch. Từ những người dân bình thường đến những kẻ tứ cố vô thân, rời bỏ quê hương tha phương kiếm sống chỉ với một chiếc ghe chất đầy hàng hoá, nay ở chỗ này, mai chỗ khác, họ đã len lỏi vào tận những con kinh, con rạch, những đường nước hẹp để bán hàng hoá kiếm kế sinh nhai: “Để cung cấp cho nhu cầu của ghe xuồng qua lại, nhiều người bày ra hình thức mua bán lưu động, bán chè cháo, bán bánh canh, giao hàng tận ghe xuồng hoặc nhà của thân chủ. Tiệm tạp hoá cũng được tổ chức theo chiến thuật lưu động, gọi là ghe “trà vải”. Dưới ghe ngoài hai món trà tàu vải bô, còn đủ thứ đường đậu, tương chao, kim chỉ, đèn cầy, hộp quẹt, củ hành, đậu phộng, kẹo, bánh in. Ai muốn mua thì cứ gọi to. Ghe “trà vải” liền cặp bến để phục vụ thân chủ. Và khi tạm biệt, chèo lênh đênh trên sông nước, chủ ghe “trà vải” lại rao hàng bằng một hồi tù và nghe não nuột.” [10, 220]. Không chỉ vậy, ghe, xuồng còn là phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản của người dân vùng sông nước: câu tôm, câu cá, giăng lưới, cất vó, đặt lọp, xây nò, đóng đáy cọc, chài lưới, thả câu,... Ngoài ra, nó còn tham gia vào đời sống sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Nó là phương tiện để truyền tải văn hoá dân gian đi khắp nơi. Hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng lênh đênh trên sông nước, gắn bó suốt đời với cư dân miền Tây Nam Bộ là nguồn cảm hứng vô tận, là mạch nguồn cảm xúc để xuất hiện những điệu hò, câu hát tạo nên sắc thái văn hoá riêng của văn minh miệt vườn. Ghe, xuồng còn được dùng làm sân khấu để hò đối đáp trên sông, để hát huê tình. Nó như là một chứng nhân của biết bao mối tình được ươm mầm trên vùng sông nước. Đó là mối tình được sinh ra qua những câu hò tha thiết trên sông của dì Bảy với người khách lạ trong truyện Con Bảy đưa đò. Trong tâm thức của người Khmer ở vùng Nam Bộ, chiếc ghe còn trở thành một vật linh thiêng, gắn liền với không gian tâm linh của con người. Nó là hiện thân của “rắn thần Naga, linh hiển lắm” nên họ thờ cúng như thờ một vị thần. Chiếc ghe ngo được chọn làm phương tiện để thi đua giữa các chùa trong những ngày lễ hội truyền thống. Nó là biểu tượng cho niềm tự hào, cho sự vinh dự của chùa, là một vẻ đẹp văn hoá độc đáo của vùng sông nước.

Nhóm thứ hai là những từ ngữ chỉ phương tiện di chuyển trên đất liền gồm các loại xe có máy móc, dùng xăng dầu thay cho sức vận động của con người như: xe hơi, xe đò, xe lôi, xe máy,… và các loại cầu cầu váncầu khỉ. “Xe lôi” là xe có bộ phận chở khách được gắn vào sau xe đạp hoặc xe gắn máy. “Xe hơi” là ô tô, là từ dùng để chỉ chung loại xe từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ. Còn “xe đò” là loại xe lớn dùng để chuyên chở hành khách đi lại ở các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện. Trong ngôn ngữ toàn dân, từ tương đương với “xe đò” là “xe khách”. Dựa vào đặc điểm sông nước của vùng đồng bằng Nam Bộ, “đò” là một phương tiện dùng để chở khách, đây là một phương tiện không thể thiếu để đi lại của những người dân ở đây, đặc biệt khi giao thông đường bộ chưa phát triển thì đây là phương tiện cực kì quan trọng, gần như là duy nhất để đi lại. Có lẽ vì vậy mà trong phương ngữ Nam Bộ, những phương tiện có chức năng dùng để chuyên chở khách đều được gắn với từ “đò” (tàu đò, xe đò). Gắn liền với địa hình sông, rạch chằng chịt, cầu ván và cầu khỉ là hai loại phương tiện phổ biến, đặc trưng phục vụ cho việc đi lại ở một vùng đất lắm sông nhiều rạch. Cuộc sống lao động vất vả, thiếu thốn, con người đã biết tận dụng những vật liệu có sẵn như tràm, tre, dừa, đước… để bắc những cây cầu tạm bợ qua mương, rạch để tiện cho việc đi lại. “Hai người qua cây cầu khỉ, đến miếu ông Tà rồi theo đường mòn giữa hai hàng tre già mát rượi” [9, 195]. “Tuy vậy, khi thấy cậu Hai bước xuống cầu ván, cũng đành quăng điếu thuốc cháy dở xuống nước” [10, 130]. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, hình ảnh những chiếc cầu ván, cầu khỉ không còn phổ biến nhưng nó vẫn in đậm trong tiềm thức con người qua lời ca tiếng hát, qua những hoài niệm về một vùng đất còn nghèo nàn, lạc hậu khi xưa.

4.3.  Nhóm từ chỉ đồ dùng

Trong nhóm từ chỉ vật thể nhân tạo, nhóm từ chỉ đồ dùng chiếm số lượng nhiều nhất, bao gồm: bàn nạo, bao bố, bao bố tời, bình tích, bồ, bộ ván, bộ vạt, cà ràng, cà ròn, cần xé, chai, chén, dầu cù là, dĩa, đờn kìm, đờn cò, phèng la, đèn cầy, gáo, đũa bếp, gióng, hòm, hộp quẹt, khạp, lá chằm, lu, mền, máy chụp hình, máy hát, mùng, muỗng, nạng, nón nỉ, ống dòm, ống điếu, ống vố, thuốc rê, trang, vịm, bóp, bóp đầm, cà rá, khăn đóng, quần cụt, bà ba, vải xiêm, xà lỏn, xà rông,… Đây là những từ định danh chỉ những vật dụng được dùng trong sinh hoạt gắn liền với nhu cầu ăn, mặc, ở, sinh hoạt giải trí của con người Nam Bộ.

Tóm lại, lớp từ định danh chỉ những công cụ lao động, phương tiện đi lại và những vật dụng dùng trong sinh hoạt trong phương ngữ Nam Bộ rất đa dạng. Lớp từ này được Sơn Nam vận dụng trong tác phẩm và góp phần phản ánh một cách chân thật, sinh động đặc điểm sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân Nam Bộ lúc bấy giờ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Nguyễn Văn Ái (1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

2.   Nguyễn Phú Cường (2007), Đặc trưng phương ngữ Nam Bộ qua Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, Ngữ học trẻ, tr.301 – 304.

3.   Trần Phỏng Diều (2004), Ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn của Sơn Nam,  Ngôn ngữ và Đời sống, Số 10, tr.24 – 26.

4.   Nguyễn Đức Dương, Trần Thị Ngọc Lang (1983), Mấy nhận xét bước đầu về những khác biệt từ vựng – ngữ nghĩa giữa phương ngữ miền Nam và tiếng Việt toàn dân, Ngôn ngữ,  1/1983, tr.47 – 51.

5.   Trần Thị Ngọc Lang (1995), Phương ngữ Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội.

6.   Nguyễn Văn Nở, Dương Thị Thuý Hằng (2010), Thành ngữ, tục ngữ cải biên trong tác phẩm Sơn Nam, Ngôn ngữ và Đời sống, Số 11,  tr.41 – 45.

7.        Hoàng Phê (Chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng.

8.   Vương Hồng Sển (1993), Tự vị Tiếng Việt miền Nam, NXB Văn hoá.

9.        Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Từ điển đối chiếu từ địa phương, NXB Giáo dục.

 

NGUỒN NGỮ LIỆU

1. Sơn Nam, Văn minh miệt vườn, NXB Văn hoá, 1992.

2. Sơn Nam, Cá tính miền Nam, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1997.

3. Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh H, 1997.

4. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, tập 1, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1998.

5. Sơn Nam, Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2000

6. Sơn Nam, 26 truyện ngắn của Sơn Nam, NXB Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2000.

7. Sơn Nam, Biển cỏ miền Tây và Hình bóng cũ, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2006.

8. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, Tập 1, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2009.

9. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, Tập 2, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2009.

10. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, Tập 3, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2009.

11. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2009.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020