Trong quá trình phát triển đó, để giao lưu văn hoá và hợp tác phát triển kinh tế, đa số đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã học và sử dụng tiếng Việt phổ thông để giao tiếp với người Việt và dần dần được sử dụng để nói chuyện với chính người cảu dân tộc mình trong quan hệ và hợp tác trong cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, nguy cơ chữ viết và tiếng bản ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế có thể dần dần bị mai một. Và vấn đề bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế càng trở nên bức thiết.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TIẾNG NÓI,
CHỮ VIẾT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở THỪA THIÊN - HUẾ
Trần Nguyễn Khánh Phong
THPT Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, Đảng ta luôn khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần của toàn xã hội. Để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng ta chủ trương tiến hành công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Và trong quá trình đó, luôn gặp những thách thức lớn đó là vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá nói chung, văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Làm thế nào để bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số là câu hỏi hoàn toàn không dễ dàng trả lời. Trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số thì giữ gìn và phát huy tiếng nói và chữ viết đóng vai trò hạt nhân của bản sắc văn hoá.
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi tập trung sinh sống của các dân tộc Tà ôi (bao gồm nhóm Pacô và Pahy) cư trú chủ yếu ở địa bàn huyện A Lưới và các xã Hồng Tiến, Bình Thành (thị xã Hương Trà) và xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), dân tộc Cơ Tu cư trú chủ yếu ở địa bàn huyện Nam Đông và các xã Hương Nguyên, Hương Lâm, Hồng Hạ, Hồng Thượng (huyện A Lưới). Các dân tộc này đều có tiếng nói riêng, về mặt chữ viết dân tộc Tà ôi và Cơ Tu là nằm trong 18 dân tộc có chữ viết theo hệ Latinh gồm: Hmông, Bru – Vân Kiều, Tà ôi, Cơ Tu, Giẻ – Triêng, Co, Xơ Đăng, Hrê, Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Mnông, Chu Ru, Raglai, Cơ Ho, Mạ, Xtiêng, Chơ Ro1.
Sau ngày thống nhất đất nước, cùng với việc chăm lo bảo vệ và phát triển toàn diện kinh tế xã hội của địa phương trong đó tập trung ưu tiên phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong quá trình phát triển đó, để giao lưu văn hoá và hợp tác phát triển kinh tế, đa số đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã học và sử dụng tiếng Việt phổ thông để giao tiếp với người Việt và dần dần được sử dụng để nói chuyện với chính người cảu dân tộc mình trong quan hệ và hợp tác trong cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, nguy cơ chữ viết và tiếng bản ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế có thể dần dần bị mai một. Và vấn đề bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế càng trở nên bức thiết.
2. Điểm qua tình hình công tác bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế từ trước đến nay
2. 1. Đối với việc dạy và học tiếng Tà ôi, Pacô
Nghiên cứu về các cấp độ ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ của dân tộc Tà ôi, Pacô có đến các công trình liên quan đến việc dạy tiếng của dân tộc này như sau:
– Bài ihoc cang Pacóh (Bài học tiếng Pacô)2. Công trình này thể hiện được mọt cách căn bản về việc học tiếng (có âm, từ, câu, bài đọc) nhưng chưa phản ánh đầy đủ hệ thống ngữ âm (nhất là các âm đặc biệt), ngữ pháp; cơ sở tư liệu là thổ ngữ Kếh – nâh (xã Hồng Quảng và xã Hồng Thượng, huyện A Lưới), không mang tính đại diện cho phương ngữ Pacô; chủ đề bài học chưa được phản ánh toàn diện.
– Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số lớp 1 và lớp 23. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy – học môn tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học, trong khi chưa có điều kiện dạy song ngữ. Hai cuốn sách này được biên soạn theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành dùng cho giáo viên dạy các lớp học sinh dân tộc thiểu số Tà ôi, Pacô và Cơ Tu. Cuốn sách rất dễ học, dễ hiểu thu được nhiều kết quả tốt.
– Sách học tiếng Pakoh – Ta ôih4. Cuốn sách này có nhiều ưu điểm về tính hệ thống, loogic, phản ánh khá toàn diện hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và cơ bản đáp ứng điều kiện của việc dạy – học tiếng Pakoh – Ta ôih (mặc dù các ví dụ minh hoạ trong sách đều là phương ngữ Pacô). Cơ sở tư liệu được sử dụng là phương ngữ Kốh – néh ở hầu hết các xã nói tiếng Pacô5 và đây được xem là phương ngữ phổ thông vùng.
– Tài liệu học tiếng Pacô – Tà ôi.6 Tài liệu học tập này được biên soạn bởi giáo viên người dân tộc thiểu số, dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban Dân tộc tỉnh. Nhằm mục đích dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện và cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng.
2.2. Đối với việc dạy và học tiếng Cơ Tu
– Nôôq paraaq Katu, Katu dictionary (Katu – Vietnamese – English) 7 công trình này chỉ là sự đối dịch từ ngũ, không có ngữ cảnh làm rõ vị trí, chức năng của từ hoặc ngữ trong giao tiếp.
– Tiếng Ka Tu8. Công trình này tuy thiên về nghiên cứu khoa học nhưng lại phản ánh khá toàn diện hệ thống ngôn ngữ, chữ viết. Cơ sở tư liệu được sử dụng là phương ngữ Ka Tu Yâng (vùng trung), gồm các xã A Vương, A Tiêng, Dang, Lăng thuộc huyện Tây Giang, xã A Roi ở huyện Đông Giang, Zuôih ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây được xem là tiếng chuẩn, có thể áp dụng cho tất cả người nói tiếng Ka Tu ở các vùng Ka Tu Yal và Ka Tu Phơang. Cuốn sách này nhằm bổ sung tư liệu mới, cần thiết để nghiên cứu những vấn đề ngôn ngữ học lí thuyết, góp phần giải quyết những vấn đề về quan hệ lịch sử và loại hình học các ngôn ngữ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
– Tiếng thông dụng C’tu – Kinh và văn hoá làng C’tu 9, công trình là sự nỗ lực lớn của người Cơtu, bên cạnh truyền tải tiếng nói, chữ viết là sự giới thiệu về đặc trưng văn hoá của bản địa. Tuy nhiên, cuốn sách này còn bộ lộ những hạn chế đó là không phản ánh được quy luật và đặc trưng ngữ âm, ngữ pháp; bộ chữ viết này dựa vào bộ phận và cách ghi của chữ quốc ngữ.
– Từ điển Cơtu – Việt, Việt – Cơtu10, đây là công trình hợp tác khoa học giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian từ tháng 5.2004 đến tháng 6.2005. Đây là công trình đối dịch song ngữ, có ngữ cảnh làm tường minh vị trí, chức năng của từ, ngữ được đối dịch.
– Pơraq Kơtu (Tiếng Kơtu) 11, công trình này, tuy bộ chữ viết dựa vào bộ vần và cách ghi của chữ quốc ngữ nhưng cơ bản đáp ứng điều kiện của việc dạy – học tiếng Ka Tu, thể hiện đầy đủ âm – vần trong từ của tiếng Cơtu.
– Học tiếng Cơtu 12, đây là tập sách có nội dung biên soạn theo các chuyên đề giao tiếp trong các lĩnh vực giúp cho người học có thể giao tiếp với đồng bào khi về huyện, xã, thôn để triển khai các nhiệm vụ của tỉnh, ngành và đơn vị mình đồng thời tạo sự gần gũi, nâng cao tình đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên đây là cuốn sách chỉ phục vụ cho cán bộ người Việt chứ không phải là sách dành để dạy và học cho đồng bào Cơtu.
– Ngữ pháp tiếng Cơtu13, cuốn sách này giúp người học hình dung đầy đủ hơn về tiếng Cơtu, về ngữ âm và chữ viết Cơtu.
3. Vấn đề giáo dục song ngữ ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế
3.1. Giai đoạn từ năm 1976 – 1989
Sau năm 1975, đất nước được giải phóng, tỉnh Bình Trị Thiên được sáp nhập, lúc này dây chính sách dân tộc và chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số vùng núi Bình Trị Thiên được coi trọng. Kế thừa những thành quả về chính sách và phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số của toàn vùng trong chiến tranh như trường hợp ông Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ đã sáng chế ra chữ viết Pacô – Tà ôi từ năm 1947 và đến năm 1959 phát triển đến toàn diện dưới hình thức thành lập tờ tin tiếng Tà ôi để đặt ca dao, hò vè dạng song ngữ Việt – Tà ôi để tuyên truyền cách mạng cho người dân tộc thiểu số.
Năm 1983, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã cử Giáo sư Hoàng Tuệ cùng các nhà ngôn ngữ học đã cùng ông Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ soạn lại bộ chữ Pacô – Tà ôi làm thành tài liệu sách học tiếng Pacô – Tà ôi, đồng thời với thời gian đó bộ sách học tiếng Bru – Vân Kiều cũng ra đời. Với sự hình thành hai tập sách này đã nói rõ ý nghĩa của việc biên soạn 2 bộ chữ viết và vấn đề giáo dục song ngữ ho vùng dân tộc thiểu số Bình Trị Thiên lúc bấy giờ.
Khi 2 bộ sách ra đời, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã ban hành các quy định về việc ban hành chữ viết của đồng bào Bru – Vân Kiều và Pacô – Tà ôi ở Bình Trị Thiên14. Các quyết định đã nêu rõ: “Nay ban hành bộ chữ viết Bru – Vân Kiều/Pacô – Tà ôi từng bước nghiên cứu, phổ biến và sử dụng trong các hoạt động xã hội thông tin tuyên truyền văn hoá, giáo dục, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều/Pacô – Tà ôi tiếp thu tốt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước phát triển kinh tế và đời sống văn hoá xã hội trong địa phương”.
Hai bộ chữ này được các nhà biên soạn xây dựng theo nguyên tắc:
– Mỗi âm được ghi bằng một kí hiệu và dùng một kí hiệu để ghi một âm.
– Tôn trọng các đặc điểm ngữ âm của tiếng dân tộc đồng thời bảo đảm sự gần gũi với chữ quốc ngữ và chữ viết các dân tộc anh em khác.
– Dễ học, dễ nhớ, dễ đọc có thể đánh máy và in trên những máy thông thường.
Với nguyên tắc này sẽ giúp đồng bào dân tộc sau khi học chữ dân tộc mình sẽ học chữ quốc ngữ hoặc học chữ các dân tộc anh em khác một cách dễ dàng. Mặt khác, sự gần gũi giữa chữ quốc ngữ và chữ dân tộc cũng giúp cho đồng bào và cán bộ người Kinh học chữ dân tộc một cách thuận lợi.
Với thuận lợi đã có, ngay từ năm học 1981 – 1982, 1982 – 1983 vùng núi Bình Trị Thiên nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng việc giáo dục song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số được triển khai. Và xem dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc là dạy ngôn ngữ thứ hai như là một ngoại ngữ bên cạnh tiếng mẹ đẻ của họ, và căn cứ vào tình hình thực tế từ chương trình, sách giáo khoa, giáo viên và phương pháp giảng dạy.
Trong thời gian này, giáo viên là người Kinh ở vùng dân tộc và giáo viên là người dân tộc thiểu số đều có những hiểu biết về tiếng Việt và có năng lực sử dụng thành thạo tiếng Việt, nắm được các đặc điểm của tiếng dân tộc, biết và sử dụng tốt tiếng nói, chữ viết dân tộc bản địa. Nắm vững các phương pháp dạy tiếng nói chung và phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, nắm được các thao tác so sánh loại hình học về ngôn ngữ để sử dụng trong khi dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc.
Các giáo viên đã có sự liên hệ so sánh tiếng Việt với tiếng mẹ đẻ làm cho giờ học càng sinh động hơn, sự trao đổi từ vựng càng thêm phong phú và dạy tiếng Việt đã cung cấp cho học sinh và đồng bào các dân tộc thiểu số một công cụ có hiệu lực.
3.2. Từ năm 1989 đến năm 2011
Khi tỉnh Thừa Thiên - Huế được tái lập vào năm 1989 thì chương trình giáo dục song ngữ vùng dân tộc thiểu số vẫn được duy trì trên nên cũ của những năm trước. Tuy nhiên vấn đề tài liệu, chương trình có phần nghèo nàn hơn đặc biệt là phần ngôn ngữ Pacô – Tà ôi. Đứng trước thực tế khó khăn đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới đã tích cực tăng cường đào tạo cho các giáo viên làm quen với việc giáo dục song ngữ.
Năm học 2002 – 2003 các trường Tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên - Huế được tiếp nhận bộ tài liệu Hướng dẫn tập nói tiếng Việt cho học sinh dân tộc (Mông Ký Slay, chủ biên), bộ sách này nhằm cung cấp một vốn từ ngữ, một vốn câu cơ bản, tối thiểu cho các em tập nói tiếng Việt.
Với chủ trương dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, giáo dục song ngữ trong giai đoạn này được Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế, Ban Dân tộc tỉnh và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam chú trọng. Các tài liệu về giảng dạy song ngữ được xuất bản gồm: Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, 2 cho học sinh dân tộc Pacô, Tà ôi trên địa bàn miền núi của tỉnh. Chương trình được triển khai dưới hình thức dạy kết hợp đã thực sự đem lại nhiều kiến thức cho học sinh, các em linh hoạt hơn trong giao tiếp và tiếp thu tinh hoa văn hoá bản địa.
Song song với việc giáo dục song ngữ trong trường học thì giáo dục song ngữ cho cộng đồng được chú trọng. Trong thời gian qua trên địa bàn vùng núi của tỉnh đã có 10 lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho người Kinh là những cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, bộ đội biên phòng, giáo viên mầm non. Kết quả thu được có 350 học viên tham gia học tập. Việc triển khai chương trình này là có sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Ngày 05/11/2009, tại Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế tổ chức khai giảng lớp học tiếng Pacô dành cho 37 giáo viên hiện đang công tác tại trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Lớp học mỗi tuần 2 buổi, kéo dài 8 tháng với mục đích giúp những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số có điều kiện hiểu hơn về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Và ngày 17/09/2011 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện A Lưới đã tổ chức cấp chứng chỉ lớp học tiếng Pacô – Tà ôi cho 40 học viên.
Cơ sở để hình thành giáo dục song ngữ gồm có; môi trường giáo dục, môi trường công sở, phạm vi gia đình và nhận thức của lớp trẻ. Đới với môi trường giáo dục, học sinh các cấp có cơ hội tốt nhất để có thêm vốn ngôn ngữ trong đời sống giao tiếp của mình. Và việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc đạt hiệu quả thì người giáo viên phải có những ưu điểm là biết tiếng dân tộc, tâm lí và phong tục tập quán dân tộc một cách thuần thục để chuyển ngữ một cách dễ dàng.
Đối với môi trường công sở nhờ có các lớp dạy và học tiếng dân tộc thiểu số nên các cán bộ dễ dàng truyền đạt các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.
Đối với phạm vi gia đình và nhận thức của lớp trẻ nhà trường đã cố gắng giảng bài giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn vốn từ ngữ cổ của cư dân bản địa. Người giáo viên đứng lớp biết tiếng dân tộc có nhiệm vụ giáo dục vấn đề này sao cho có hiệu quả.
Ai cũng biết giáo dục song ngữ là một hoạt động rất nhạy cảm đòi hỏi một đội ngũ không chỉ các nhà khoa học có kiến thức và kinh nghiệm mà cả những người dân tham gia. Vậy nên việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học ở miền núi Thừa Thiên - Huế sẽ gặp nhiều thách thức, điều đầu tiên là hàng rào ngôn ngữ – tiếng phổ thông/tiếng dân tộc, tiếng Việt vẫn là sự thách đố đối với các em học sinh dân tộc thiểu số khi bước vào lớp 1. Cho nên, người giáo viên đứng lớp cần có những giải pháp gì để các em học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng?
4. Kết luận
Đứng trước thực trạng tuyệt đại bộ phận người dân đều có cả bố lẫn mẹ đều là người dân tộc thiểu số, bao gồm các học sinh, sinh viên, giáo viên ở các trường dân tộc nội trú, các cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, các cán bộ công chức trên địa bàn hai huyện A Lưới, Nam Đông thì tỉ lệ nói không thành thạo, thậm chí không biết nói tiếng của dân tộc mình hoặc không biết chữ viết của dân tộc mình là khá cao.
Nguyên nhân của tình trạng nói và viết không thành thạo tiếng dân tộc mình do thường xuyên giao tiếp với người Việt nên cả trong gia đình và ngoài xã hội đồng bào dân tộc thiểu số đều sử dụng tiếng Việt phổ thông.
Tuyệt đại bộ phận đối tượng được khảo sát đều bày tỏ nguyện vọng có trường lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho người dân tộc thiểu số, có sách học song ngữ tiếng Việt phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hoá tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho con cháu sau này.
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Thừa Thiên Huế mà hầu như phổ biến đối với vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số trong cả nước. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ–CP ngày 15/07/2010 về việc quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, do vậy tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những định hướng bảo tồn cụ thể qua các việc làm sau:
Giải pháp 1: Giáo viên miền núi phải biết tiếng dân tộc. Vấn đề này tùy thuộc vào ý thức tự giác, tự học của giáo viên và mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn Tài liệu phương pháp dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công chức, được tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 04 tới 07/08/2011.
Giải pháp 2: Không dông dài khi giảng giải một vấn đề, giảng từ từ, lời lẽ rành mạch rõ ràng vì năng lực cảm thụ kiến thức của các em học sinh rất chậm. Giáo viên cần lồng ghép song ngữ để các em dễ liên hệ thực tế.
Giải pháp 3: Có thái độ gần gũi, quan tâm động viên học sinh dân tộc để các em tự tin, năng động hơn khi học, trả bài. Và người giáo viên nên thực hiện phương thức trao đổi ngôn ngữ, đây là việc làm hiệu quả nhất khi giáo dục song ngữ. Người giáo viên biết được vốn từ vựng dân tộc và học sinh thì bảo tồn được vốn từ ngữ bản địa của mình.
Giải pháp 4: Thường xuyên lồng ghép kể vài mẫu chuyện về phong tục tập quán dân tộc bản địa so sánh với phong tục tập quán người Việt, có như vậy khiến các em học sinh thích tìm hiểu hơn về văn hoá dân gian và ngôn ngữ của dân tộc mình.
Giải pháp 5: Cần có những mẹo nhỏ hướng dẫn các em học sinh dân tộc xếp từ vựng theo dạng song ngữ để các em học càng dễ thuộc, dễ nhớ vừa lưu loát cả 2 thứ ngôn ngữ Việt/tiếng dân tộc.
Ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lập đề án đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt 2 bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số Pacô – Tà ôi và Cơtu để sớm được đưa vào dạy trong trường học một cách đại trà. Đồng thời Ban dân tộc cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ngành văn hoá huyện A Lưới cũng đã tiến hành chuyển dịch 20 ca khúc cách mạng cũng như ca khúc hát về quê hương A Lưới sang tiếng Pacô –Tà ôi gồm các ca khúc như: A Lưới tự hào, Trên đỉnh núi, Bên suối em chờ, Em đi ươm lại mầm xanh, Giữ trọn niềm tin (Nhạc sĩ Hoàng Nguyên), Tình đất, A Lưới quê em đổi mới, Màu xanh tình em (Nhạc sĩ Mai Vi), Tôi là con của rừng, Người Pacô hát mừng Điện Biên (Nhạc sĩ Minh Phương), Cánh chim đầu đàn, Người con gái Pacô (Nhạc sĩ Trí Thanh), Đường về quê em, Khúc hát bản làng, Trở lại A So (Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương), Lời ru trên nương (Nhạc sĩ Trần Hoàn), Nắng vàng lên (Nhạc sĩ Đoàn Lan Hương), Đảng đã cho ta một mùa xuân (Nhạc sĩ Phạm Tuyên), A Lưới khúc tình ca (Nhạc sĩ Lê Phùng), Đảng cộng sản Việt Nam (Nhạc sĩ Đỗ Minh).
Qua việc làm này nhằm truyên truyền và giúp bà con các dân tộc thiểu số hiểu sâu hơn về nội dung, ý nghĩa của các ca khúc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước và tăng thêm lòng tự hào tự tôn dân tộc, thêm vững tin vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Và gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã hợp tác với Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam để tiến hành biên soạn Từ điển Việt – Pacô – Tà ôi, Pacô – Tà ôi – Việt15.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khổng Diễn (2002), Đa dạng vùng và dân tộc – Khả năng giải quyết trên phương diện văn hoá của Nhà nước, Tạp chí Dân tộc học, số 1 (115).
2. Trần Nguyễn Khánh Phong (2003), Thầy Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ, người con ưu tú của dân tộc Tà ôi, Tạp chí Văn hoá các dân tộc, số 3.
3. Trần Nguyễn Khánh Phong (2008): Đời sống song ngữ của người Tà ôi. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 3.
4. Trần Nguyễn Khánh Phong (2010): Mẹo nhỏ giúp giáo viên học tiếng Tà ôi. Tạp chí Giáo dục, số 235, kì 1 tháng 4/2010.
5. Trần Nguyễn Khánh Phong: Giáo dục song ngữ ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bài tham gia Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”. Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội, 11/05/2013).
6. Hoàng Tuệ (1986), Sách học tiếng Pakôh – Taôih, UBND tỉnh Bình Trị Thiên, Huế.
7. Lê A, Mông Ký Slay, Đào Nam Sơn, Đào Ngọc (1993): Phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc ở trường tiểu học (Ứng dụng vào lớp ghép). Tài liệu đào tạo bồi dưỡng giáo sinh và giáo viên tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo viên, Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Sửu (2001), Để việc giảng dạy học sinh dân tộc đạt hiệu quả, Tập san Giáo dục Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế, số 20/11/2001.
9. Bùi Chỉ (1993), Văn hoá dân tộc với ngôn ngữ dân tộc, Trong sách: Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
10. Viện Ngôn ngữ học (1984), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách ngôn ngữ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
11. Nguyễn Thị Sửu (2003), Đặc điểm cấu tạo từ tiếng Tà ôi, Luận văn Thạc sĩ Khoa học ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Huế.
12. Hoàng Thị Châu (2001), Xây dựng bộ chữ phiên âm cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
1 Khổng Diễn (2002), Đa dạng vùng và dân tộc - Khả năng giải quyết trên phương diện văn hoá của Nhà nước, Tạp chí Dân tộc học, số 1 (115), tr 10.
2 Cubuat and Richard Watson: Bài ihoc cang Pacóh (Bài học tiếng Pacô), SIL, NXB Manila, 1976.
3 Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông, Hoàng Huy Lập: Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số. Lớp 1, NXB Thuận Hoá, Huế, 2002.
4 UBND tỉnh Bình Trị Thiên, Giáo sư Hoàng Tuệ chủ nhiệm công trình: Sách học tiếng Pakoh - Ta Ôih. Huế, 1986.
5 Bao gồm các xã của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế là: Hồng Thuỷ, Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Hồng Bắc, thị trấn A Lưới, Hồng Quảng, Hồng Thượng, Phú Vinh, Đông Sơn.
6 Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Tài liệu dạy và học tiếng Pacô - Tà ôi. Tập 1. 2004.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Tài liệu dạy và học tiếng Pacô - Tà ôi. Tập 2. 2005.
7 Nancy A.Costello, Nôôq paraaq Katu, Katu dictionary (Katu - Vietnamese - English), SIL, NXB Manila, 1991
8 Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tiếng Ka Tu, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
9 Bh’riu Liếc: Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hoá làng C’tu. Tây Giang….
10 : Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi: Từ điển Cơtu - Việt, Việt - Cơtu. Quảng Nam, 2007.
11 Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi: Pơraq Kơtu (Tiếng Kơtu). Quảng Nam, 2007.
12 Phan Thị Xuân Bốn: Học tiếng Cơtu. Quảng Nam, 2005.
13 Tạ Văn Thông, Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi: Ngữ pháp tiếng Cơtu. Quảng Nam, 2005.
14 UBND tỉnh Bình Trị Thiên: Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành bộ chữ viết của đồng bào Bru - Vân Kiều, số 1473QĐ/UB, Huế ngày 05/08/1985.
Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành bộ chữ viết của đồng bào Pacô - Tà ôi, số 1474QĐ/UB, Huế ngày 05/08/1985.
15 Cơ quan đăng kí dự tuyển: Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam, chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Tạ Văn Thông, Phó Chủ nhiệm TS. Nguyễn Thị Sửu. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2014.
Tên của các dân tộc ít người có sự không thống nhất khi ghi bằng chữ viết giữa các tác giả có tài liệu được trích dẫn cho bài nghiên cứu này; thí dụ: Tà Ôi, Ta Ôi, Tà ôi, Tàôi, Ta Ôih; Pacô, Pakôh…; Cơ Tu, Ka Tu, Katu, Kơ Tu, C’tu, Cơtu;… chúng tôi dẫn chứng theo lối thể hiện của các tác giả được trích dẫn tài liệu.