Ngôn ngữ

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM SƠN NAM


14-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Nở - ThS. Dương Thị Thuý Hằng

Vận dụng ngôn ngữ một cách thành thạo và điêu luyện, khéo léo mà không cầu kì, mộc mạc chân thành, giản dị, dễ hiểu mà không kém mượt mà, không làm mất đi tính thẩm mĩ của văn học là đặc điểm thành công trong việc vận dụng ngôn ngữ nói chung, thành ngữ tục ngữ nói riêng để sáng tác của nhà văn Sơn Nam.

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM SƠN NAM

(KHẢO SÁT QUA CÁCH VẬN DỤNG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ)   

PGS.TS. Nguyễn Văn Nở

ThS. Dương Thị Thuý Hằng

Đại học Cần Thơ

                                                               

          Nói đến nhân vật trong tác phẩm là nói đến con người được miêu tả bằng các phương tiện ngôn ngữ. Thông qua việc sáng tạo nhân vật, nhà văn thể hiện nhận thức suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó trong xã hội. Có nhiều cách khác nhau để xây dựng nhân vật như miêu tả ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, hành động, thái độ… Mỗi nhà văn có một sở trường riêng trong cách thức xây dựng nhân vật của mình. Bằng những nét chấm phá đơn sơ, Sơn Nam đã tạo nên một thế giới nhân vật vô cùng phong phú đa dạng. Nhà văn đã vận dụng nhiều phương tiện ngôn ngữ để xây dựng hình tượng nhân vật, trong đó có thành ngữ và tục ngữ. Vận dụng thành ngữ, tục ngữ đã giúp nhà văn tái hiện hình tượng nhân vật một cách chân thật, sinh động, gần gũi và cũng góp phần làm nên phong cách của tác giả.

1. Vận dụng thành ngữ, tục ngữ để miêu tả ngoại hình

Trong các sáng tác văn học của mình, Sơn Nam hiếm khi miêu tả các đặc điểm về diện mạo, hình thể của nhân vật. Các chi tiết này nếu có xuất hiện trong sáng tác văn học của ông thì đó chỉ là những nhận xét khái quát. Chẳng hạn để chỉ nhân vật cặp rằng Be trong Nhứt phá sơn lâm, tác giả miêu tả “… hắn mặc áo bành tô vàng, miệng ngậm ống vố” [tr.746]. Khi giới thiệu về Nguyên Hưu Henri trong Anh hùng rơm, tác giả viết: “Đó là một ông lạ mặt, người Việt Nam, mặc Âu phục, tay xách cặp da, hút ống vố” [tr.11]. Thậm chí một người tiếng tăm lừng lẫy như ông Năm Hên trong Bắt sấu rừng U Minh Hạ, tác giả chỉ miêu tả gián tiếp qua lời nhận xét của nhân vật khác “coi tướng của ổng ghê như tướng thầy pháp” [tr.92].

Dường như Sơn Nam không chú trọng đến việc miêu tả ngoại hình, kể cả đối với những nhân vật được tôn vinh là phái đẹp. Một cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi như con Lài trong truyện ngắn Cây huê xà chỉ được tác giả giới thiệu một cách ngắn gọn “con Lài là đứa con gái nhan sắc”. Tương tự như vậy, nhân vật con Bảy trong Con Bảy đưa đò, tác giả cũng chỉ miêu tả “… con Bảy có gương mặt chữ điền, đôi mắt đen lánh và vóc hình cao ráo” [tr.236]. Trong thế giới nhân vật nữ của Sơn Nam, có thể nói Hoàng Mai (Hương rừng) và cô Huôi (Bà Chúa Hòn) là hai người đẹp nhất. Ở hai nhân vật này, ngòi bút miêu tả của Sơn Nam có phần chăm chút hơn. Về Hoàng Mai, tác giả giới thiệu, cô có “làn da trắng trong leo lẻo”, “mái tóc đen huyền, má đỏ hây hây”, “miệng chúm chím hàm tiếu” [Hương rừng, tr.563]. Nét đẹp vương giả, kiêu sa ấy còn được tô điểm bằng thói quen chiêm ngưỡng, thưởng thức cội hoàng mai trước sân mỗi ngày, “… trong khi cả rừng U Minh này, mấy ai biết thưởng thức giống hoa vương giả, lạc loài ấy”. Còn cô Huôi thì “… đẹp tuyệt trần, vóc dáng cao ráo, nước da trắng mịn, trán cao, môi đỏ như thoa son, hai tay thật dài, gần chấm đầu gối” [Bà Chúa Hòntr.66]. Nhìn chung, đó là những chi tiết miêu tả ngoại hình hiếm hoi trong tác phẩm của Sơn Nam và những chi tiết ấy cũng không nhằm nêu lên một đặc điểm tính cách nào của nhân vật. Nhưng bù lại người đọc vẫn hoàn toàn hình dung ra các đặc điểm về diện mạo, tuổi tác, vóc dáng của nhân vật thông qua các thành ngữ, tục ngữ mà nhà văn sử dụng.

Chẳng hạn để nói về thân hình to lớn của Tư Cồ, tác giả dùng thành ngữ vai u thịt bắp trong ngữ cảnh: “Mới đây, trong xóm lại xuất hiện một tay anh hùng mới, gọi nôm na là Tư Cồ, vì hắn to lớn xác vai u thịt bắp [Ruộng Lò bom, tr.781]. Hay để nói về sự ốm yếu, xanh xao của cô Rit sau một thời gian tương tư, nhà văn dùng thành ngữ ốm o gầy mòn. “Hai Tâm gật đầu lia lịa: – Thức hoài, thức mãi điều đó mới nguy hại vì lần hồi cô ta ốm o gầy mòn khiến ông sếp kiểm lâm sanh nghi. Nhưng đó là chuyện về sau” [Mối tình đầm lai, tr.616]. Nói về cô Huôi, bên cạnh những chi tiết miêu tả nhà văn còn sử dụng thành ngữ tuyệt thế giai nhân để nhấn mạnh ấn tượng về nét đẹp của nhân vật cũng như uy lực của nó: “Để ở nhà sao được! Ta đâu thì nàng đó. Ta muốn vui say với nàng suốt ba tháng trường. Lần đầu tiên ta gặp một giai nhân tuyệt thế” [Bà Chúa Hòntr.93].

Một ngữ cảnh khác:

“Vừa ghé bến thấy đèn đuốc thắp sáng ở ngôi nhà giữa, tôi nghĩ thầm:

– Chắc là ông hương trưởng đã tiêu diêu nơi cõi thọ rồi!

Nhưng ổng chưa tắt thở. Ổng nằm dài trong buồng, dẹp lép như con khô mực [Cậu bảy Tiểu, tr.174].

Thành ngữ dẹp lép như con khô mực đã miêu tả một cách cụ thể và chân thực hình ảnh của một cụ già khi đã lìa đời.

Trong nhiều trường hợp, nhà văn sử dụng các thành ngữ, tục ngữ miêu tả ngoại hình để khắc hoạ một cảnh ngộ, một tình huống nào đó của nhân vật.

Từ ngực trở lên, qua hơi thở phơn phớt, lão ngỡ chỉ còn lớp da nhăn bọc xương khô. Bịnh lao hoành hành từ 10 năm qua đã giúp lão trút nhẹ lá phổi, duy còn đôi mắt và lỗ tai” [Một cuộc bể dâu, tr.626].

Lão Bích và thằng con trai đã lênh đênh nhiều ngày trên vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa nước nổi, không có thức ăn lại thêm bệnh lao hoành hành, lão chỉ có thể cảm nhận sự tồn tại của mình qua hơi thở nhẹ như không. Thành ngữ da nhăn bọc xương khô đã khắc hoạ một cách chân thật hình ảnh tiều tụy của lão Bích giữa mênh mông trời nước.

 Một số thành ngữ khác cũng được Sơn Nam dung miêu tả diện mạo như: đẹp như đầm lai, đầu bạc hoa râm, ốm o gầy mòn, mình đồng da sắt, mặt rỗ hoa mè, mặt mốc chân phèn…

2. Vận dụng thành ngữ, tục ngữ để miêu tả trạng thái tình cảm nhân vật

Sơn Nam ít chú trọng miêu tả tâm trạng nhân vật. Nếu có thì đó chỉ là những trạng thái cảm xúc thoáng qua và gắn liền với những hành động cụ thể. Chẳng hạn trong Mùa len trâu, tác giả miêu tả rất cảm động tâm trạng của chú thím Tư Đinh, lúc thằng Nhi, con trai của chú thím đi len trâu đồng xa về. Sau khi nghe tiếng kêu vang dội của con, cả hai cùng “mừng quýnh, tốc mùng chạy ra”. Mừng vì được gặp con, thím mếu máo rồi vội vàng lau nước mắt, đi đốt lửa un cho trâu, nấu cơm cho thằng Nhi ăn, dọn mùng cho nó ngủ. Riêng chú Tư thì mãi “… im lặng, buồn buồn… chú thức tới khuya, thỉnh thoảng hé mùng dòm thằng Nhi”.

Nhìn chung, đó là những diễn biến tâm lí mang tính nhất thời, nhẹ nhàng, gắn liền với hiện tại chứ chưa phải là những dày vò đau đáu triền miên trong tâm hồn nhân vật. Bù lại, Sơn Nam đã dùng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ miêu tả tâm trạng, thái độ để xây dựng nhân vật. Với những thành ngữ, tục ngữ như vậy, nhà văn có thể miêu tả một cách sinh động và đầy đủ diễn biến của những cảm xúc tinh tế trong nội tâm nhân vật một cách gọn gàng, súc tích.

Đó là tâm trạng vui mừng khấp khởi của thằng Mến trước câu nói bâng quơ của lão Khăn Đen nhưng đầy hứa hẹn về một tương lai tươi sáng giữa nó và con Lài được thể hiện qua thành ngữ như mở cờ trong bụng. “Câu nói ấy do lão Khăn Đen thốt ra cho con Lài nghe nhưng thằng Mến mừng khấp khởi như mở cờ trong bụng. Tương lai của nó thật xán lạn” [Xóm Bàu Láng, tr.178]. Hay tâm trạng nhấp nhổm bồn chồn đứng ngồi không yên của cai tổng Biện khi cây súng của lão bị đánh cắp, được miêu tả một cách hình ảnh bằng thành ngữ cải biến như ngồi trong đống lửa. “Biểu tụi nó làm cho gấp. Nhà mình gặp tai nạn, bây giờ ngồi đây làm trò hề thì khổ quá, chết còn sướng hơn. Trời ơi! Mất cây súng rồi tao như ngồi trong đống lửa. Ma quỷ nhát tao còn lâu, tao chỉ sợ quan chủ tỉnh hạch hỏi” [Xóm Bàu Láng, tr.70]. Và còn nhiều thành ngữ, tục ngữ miêu tả trạng thái khác được nhà văn vận dụng, chẳng hạn để miêu tả tâm trạng bồn chồn lo lắng không yên của nhân vật, Sơn Nam sử dụng thành ngữ ăn không ngon ngủ không yên. Trạng thái sung sướng bất ngờ thì dùng thành ngữ chết đi sống lại, hay cảm giác đau đớn tột đỉnh trước một tin bất lành thì có thành ngữ sét đánh ngang đầu

Thành ngữ rởn tóc gáy miêu tả tâm trạng sợ hãi thái quá của ai đó được nhà văn vận dụng vào trong nhiều ngữ cảnh.

Bá Vạn nằm trên bộ ván, cứ thao thức trong khi hai anh em Thừa và Thiếu xuống bến tắm rửa. Chó sủa ma văng vẳng trong đêm thâu, Bá Vạn rởn tóc gáy từng chập khi thấy một con đom đóm từ ngoài sân phía núi Mo So bay vào” [Bà chúa Hòn, tr.211].

Sau khi giết chết cậu Hai Điền trên núi Mo So thì cảm giác bất an cứ luôn quấy rứt trong lòng Bá Vạn. Trong ngữ cảnh trên ngoại trừ thành ngữ rởn tóc gáy, nhà văn không sử dụng bất kì phương tiện biểu đạt nào khác để miêu trạng thái tâm lí đó của nhân vật. Lão lo lắng rồi sợ hãi vì xét cho cùng đó cũng là một mạng người mà chính lão đã gián tiếp giết chết.

Lão Nhị rởn tóc gáy. Phải chăng cậu Hai đã nghe ngóng được câu chuyện ban nãy? Nếu cậu Hai biết được âm mưu đốt nhà của Hai Lành công việc càng thêm rắc rối” [Xóm Bàu Láng, tr.149].

Là một kẻ yếu bóng vía nhưng vì người bạn già là Hai Lành mà Lão Nhị dám làm những chuyện nguy hiểm, đó là giúp Hai Lành trả thù cai tổng Biện. Nên khi nghe cậu Hai nói những câu bâng quơ lão cũng đã giật mình lo sợ xa xôi. Thành ngữ rởn tóc gáy đã thâu tóm được tất cả các trạng thái tâm lí đó của lão.

Hai thành ngữ lạnh như đồng và lạnh như tiền dùng để chỉ thái độ vô tâm hờ hững lạnh lùng thiếu ân cần, thiếu niềm nở trước một ai hay một vấn đề của người nào đó được nhà văn sử dụng trong hai ngữ cảnh với hai sắc thái biểu cảm trái ngược nhau.

Nhưng phó hương quản Hem bước vào lạy cụ, gương mặt chú lạnh như đồng, gợn chút gì buồn bã” [Chiếc ghe ngo, tr.207].

Theo tục lệ, mỗi năm người Khmer chỉ đua ghe ngo một lần vào dịp lễ cúng trăng 15 tháng 10 nhưng vì theo lệnh của quan đốc phủ quận Gò Quao, sư cụ Tăng Liên, phó hương quản Hem và các trai tráng trong làng phải đem ghe ra đua để chào mừng một ngày lễ lớn nào đó của Tây. Đây là chuyện cực chẳng đã nhưng dẫu sao đua ghe cũng là sự say mê và niềm kiêu hãnh của tất cả mọi người. Sau biết bao nỗ lực cuối cùng họ cũng giành được thắng lợi. Họ nhận thưởng và phần thưởng của họ là “một lá cờ tam sắc to tướng”. Sư cụ Tăng Liên quay mặt ngậm ngùi, buồn bã, gương mặt chú phó hương quản thì lạnh như đồng, chú trơ ra và hoàn toàn vô cảm. Quả thật trong hoàn cảnh này con người chỉ có thể lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau trong lòng.

Vì muốn giữ cho cuộc hôn nhân do mình sắp đặt được vẹn toàn tốt đẹp nên cai tổng Biện nhất định không để cho con trai mình ra khỏi nhà trước lời kêu cứu thảm thiết của Hai Lành (con gái Hai Lành vì yêu cậu Hai và vì không chịu được nhục nhã nên đã tự tử). Thành ngữ lạnh như tiền được sử dụng trong trường hợp này đã miêu tả thái độ lạnh lùng, vô cảm đến tàn nhẫn của cai tổng Biện: “Rồi cậu Hai đạp mạnh vào cánh cửa cái: – Khoá rồi hả? Lão Nhị đưa chìa khoá cho tôi! Lão Nhị liếc về phía gia chủ. Cai tổng Biện đứng đó, lạnh như tiền.” [Xóm Bàu Láng, tr.81].

Có thể nói các thành ngữ, tục ngữ miêu tả tính cách đã góp phần làm cho thế giới nhân vật trong sáng tác của Sơn Nam trở nên sinh động và đầy đủ hơn. Mặc dù nhân vật là những con người trực tính, nói là làm nhưng ở họ cũng có những nỗi niềm, những trăn trở trước các vấn đề của cuộc sống. Hay nói cách khác, lớp thành ngữ, tục ngữ này đã làm cho thế giới nhân vật trong sáng tác của Sơn Nam thêm phần chân thật, gần gũi và sống động.

3. Vận dụng thành ngữ, tục ngữ miêu tả hành động

Hành động hiểu theo nghĩa thông thường là chỉ sự vận động nói chung như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, ngủ, nghỉ… Trong thực tế khi cần diễn đạt một trạng thái vận động của một người, ngoài cách nói thông thường ta còn có cách nói của thành ngữ, tục ngữ. Chẳng hạn để nói về một việc làm có tính chất giả tạo, vờ vịt, tạm thời để vượt qua một khó khăn nào đó, ta có thành ngữ giả dại qua ải. “Bá Vạn nói gắt: – Đừng nói bậy bạ. Đêm rồi tao nằm chiêm bao thấy nhiều chuyện lạ, khi thức dậy quên ráo trọi. Tao nhớ thằng Thiếu quá chừng. Hổm rày tao giả dại qua ải, mày đừng hiểu lầm” [Bà chúa Hòn, tr.167]. Với văn học, cách miêu tả này lại càng cần thiết nó giúp miêu tả ngắn gọn nhưng vẫn bao quát một hành động nào đó của nhân vật như trường hợp thành ngữ giả ngây giả dại được sử dụng trong ngữ cảnh sau: “Như vậy là theo Tây rồi! Một kiểu theo Tây hơi sạch sẽ, nhứt là khi thấy vài cụ già ngồi làm cỏ vườn cây ăn trái hai bên đường. Trai tơ gái lứa đều vắng, các cụ hiên ngang ở lại, giả ngây giả dại” [Hai ông già, tr.473].

Xét hai ngữ cảnh sau:

(1) “Suốt đêm ấy cai tổng Biện thao thức trong khi cậu Hai ngáy như sấm” [Xóm Bàu Láng, tr.179]

     (2) “Nói xong con Lài lấy cái mền trải ra, trùm lên mình cậu Hai, kín cả đầu:

– Đó! Cậu Hai ngủ như chết.” [Xóm Bàu Láng, tr.310]

Nếu ta nói: “Cậu Hai ngủ” hay “cậu Hai ngáy” thì vẫn đủ nghĩa nhưng ngủ như chết và ngáy như sấm lại khác. Nó không chỉ nêu lên hành động mà còn miêu tả tính chất của hành động ấy. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ miêu tả hành động còn giúp người đọc hình dung tưởng tượng một cách rõ ràng cụ thể các trạng thái, tư thế vận động của nhân vật mà nhà văn đang thể hiện.

Trong một số trường hợp nhà văn còn dùng thành ngữ để bổ sung nét nghĩa cho một hoạt động cụ thể nào đó. Ví dụ thành ngữ nhanh như chớp trong ngữ cảnh: “Nhanh như chớp, Tư Lập rút lui, ngồi khuất sau bụi mật cật, thằng Kìm nhìn trước mặt. Hàng cây rung rinh rẽ ra…” [Hương rừng, tr.576]. Đây là thành ngữ có tần số xuất hiện nhiều nhất. Thành ngữ nhanh như chớp chỉ một việc làm nhanh chóng tức thời và bất ngờ, nó không có khả năng đứng độc lập về nghĩa nên trong các ngữ cảnh nhà văn đặt nó ở vị trí đầu câu hoặc đầu đoạn để nhấn mạnh một hoạt động sẽ được nêu ngay sau đó.

Tương tự, thành ngữ như cái máy được dùng để bổ sung ý nghĩa cho một hoạt động có tính chất tự phát, hoàn toàn không nằm trong chủ ý của nhân vật. “Hôm sau, ông Năm Tự nằm mê man tại nhà, cơm ăn không trôi, phải nuốt cháo cầm hơi. Nhưng khi có ông Hai Cháy tới, ông Năm ngồi dậy như cái máy” [Con heo khịt, tr.250]. Sau một ngày ròng rã đơn thương độc mã chiến đấu với con heo khịt, cuối cùng nhờ sự trợ giúp kịp thời của ông Hai Cháy nên ông Năm Tự mới thoát được nguy hiểm và hạ được con heo khịt. Ngữ cảnh trên miêu tả hình ảnh thảm hại của ông Năm sau chiến tích giết con khịt, vậy mà khi thấy ông Hai Cháy đến, ông Năm đã bật ngồi dậy như cái máy. Cảm giác về cuộc chiến sinh tử hôm qua vẫn còn ám ảnh ông và vì muốn nghe ngóng tình hình của con khịt nên ông đã bật ngồi dậy như quên mất tất cả các cảm giác đau đớn, mệt mỏi trong mình.

Trong nhiều trường hợp, tác giả sử dụng thành ngữ như những cụm động từ để miêu tả một hoạt động cụ thể nào đó. Chẳng hạn:

Hai Khoánh hiểu rằng hắn quan sát địa thế, tìm nơi an toàn nhứt. Rồi hắn trở xuống đất, cố sức trèo lên gành đá trắng.

– Được rồi! Mình đi nom theo, hắn sẽ giựt mình. Hắn như con cọp hoang. Trước khi đánh cọp mình nên biết cọp làm ổ ở chỗ nào rồi mới điệu hổ li sơn” [Cái va li bí mật, tr.143]

Điêu hổ li sơn có nghĩa là lập mưu kế dụ đối phương rời khỏi hoàn cảnh vốn có lợi để dễ chinh phục, dễ đánh thắng. Trong ngữ cảnh trên, Hai Khoánh đang theo dõi tên Hi để biết chính xác nơi ở của con người này, rồi sau đó hắn mới thực hiện điệu hổ li sơn, tức là dụ tên Hi rời khỏi chỗ trú và nhân cơ hội đánh cắp cái va li bí mật. Như vậy thành ngữ điệu hổ li sơn được dùng như một cụm động từ vừa nêu lên hành động vừa miêu tả cách thức của hành động ấy.

Có trường hợp Sơn Nam miêu tả nhân vật bằng hành động, qua hành động tính cách nhân vật được thể hiện. Trong tiểu thuyết Bà Chúa Hòn, khi nhà văn khắc hoạ tính cách dịu dàng, đằm thắm nhưng vô cùng sâu sắc của cô Huôi thì những nét bản chất hung bạo, dốt nát, kiêu căng và tàn nhẫn của thằng Cẩu càng được tô đậm. Đặc điểm tính cách này được thể hiện trong từng thái độ, ngôn ngữ… đặc biệt là trong hành động của y.

Cậu Cẩu rít lên:

– Ư… nhục nhã quá! Tao muốn cho mày sống để làm gì? Bá Vạn giết cuộc đời con gái của mày. Tao phải giết mày, xé xác mày mà ăn tươi nuốt sống, phải mày không?” [tr.367]

Xí Vĩnh là cô vợ mà thằng Cẩu nhặt được ở Vàm Rầy, nhưng vì ghen tức với Bá Vạn, hắn đã đe doạ, đánh đập và cuối cùng là xử tử Xí Vĩnh. Trong ngữ cảnh trên, tác giả đã dẫn ra một loạt các hành động khát máu của thằng Cẩu: giết mày, xé xác mày và đỉnh cao của nó là ăn tươi nuốt sống. Thành ngữ ăn tươi nuốt sống biểu trưng cho một hành động có tính chất tàn bạo được sử dụng trong ngữ cảnh trên như là một sự tổng kết bản chất hung hăng, vô lí và bất nhân của thằng Cẩu.

Ông Năm Hên, người bắt sấu bằng tay không nổi tiếng ở rừng U Minh Hạ, ông bắt sấu chỉ vì một tâm nguyện: đem lại cuộc sống yên lành cho người dân. Cả đời ông đã sống và thực hiện nguyện vọng ấy một cách âm thầm lặng lẽ mà không hề cầu danh, cầu lợi. Thành ngữ không trống không kèn chỉ một việc làm âm thầm, lặng lẽ, không để ai biết đến được dùng trong ngữ cảnh sau càng có tác dụng khắc hoạ nét tính cách cao quý đó của ông. “Hồi xưa cháu nên nhớ bác làm nghề này vì miễn cưỡng. Hôm nay bác muốn tự ý bỏ nghề không trống không kèn.” [Con sấu cuối cùng, tr.309]

Lão Khăn Đen, một tay giang hồ lão luyện, là chúa đảng nổi danh khắp vùng Rạch Giá, Hà Tiên. Cùng với các nhân vật như ông Năm Hên, chú Tư Đức, ông Năm Tự… hình ảnh lão Khăn Đen đã góp phần làm đầy đủ và sinh động thêm về những con người nông dân Nam Bộ. Đó là những con người cần cù, lam lũ, chân chất, giản dị nhưng lại vô cùng khôn ngoan dũng cảm. Nói về sự già dặn kinh nghiệm, đầy mưu mẹo của lão, nhà văn dùng thành ngữ đa mưu túc trí và để miêu tả sự gan dạ dám vào sinh ra tử của lão ta lại bắt gặp thành ngữ vào hang hùm.

Hai Lành đứng chen vào đám người tò mò, phục thầm lão Khăn Đen, rõ ràng là tay đầy đủ bản lĩnh, dám xông vào hang hùm để giết cọp…” [Xóm Bàu Láng, tr.160].

Thành ngữ vào hang hùm định danh cho một hoạt động có tính chất phiêu lưu và nguy hiểm. Ở đây sự gan góc và dũng cảm của lão Khăn Đen  được thể hiện qua suy nghĩ của Hai Lành bằng thành ngữ vào hang hùm.

Giọng nói lơ lửng của đội Vinh khiến lão Khăn Đen tin tưởng nơi kế hoạch của mình: vào hang hùm để giết bọn ác thú” [Xóm Bàu Láng, tr.340]. Thành ngữ vào hang hùm trong ngữ cảnh này được dùng như cụm động từ để chỉ một hành động đang và sẽ diễn ra. Nó làm cho hình tượng của lão Khăn Đen trở nên nổi bật hơn khi đây là lời của lão tự nhủ với mình về kế hoạch mạo hiểm do chính lão thực hiện để kết thúc tất cả các tranh chấp.

Thành ngữ xuất quỷ nhập thần chỉ những hành động có tính chất bất ngờ, khi bổ sung ý nghĩa cho danh từ nó chỉ có nghĩa ca ngợi tài năng của một ai đó. Chẳng hạn “Thằng Mến đáp: – Đừng lo. Chưa chắc tụi nó bắt được! Ông Hai là người xuất quỷ nhập thần” [Xóm Bàu Láng, tr.250]. Nhưng khi làm vị ngữ độc lập trong câu,  thì nó lại chỉ những hành động khác thường. “Còn lão Khăn Đen thì xuất quỷ nhập thần không chỗ chê. Lúc lâm nguy, lão Khăn Đen dám xông tới cướp súng” [Xóm Bàu Láng, tr.299]. Thành ngữ xuất quỷ nhập thần được dùng trong hai ngữ cảnh đều có tác dụng ca ngợi tài năng cũng như khả năng ứng phó trước mọi hoàn cảnh của lão Khăn Đen.

Đối lập với tính cách nghĩa hiệp và thẳng tính của lão Khăn Đen là bản chất gian hùng, biết mềm biết cứng tuỳ thời của cai tổng Biện. Nét tính cách này có thể được hiểu rõ qua câu tục ngữ tránh voi chẳng xấu mặt nào. Ý nghĩa của câu tục ngữ này có tính chất tình thế, tạm thời chịu nhượng bộ, lép vế trước kẻ có sức mạnh hơn mình thì không có gì là xấu và mất thể diện cả. Giữa đông đảo tá điền của mình vậy mà cai tổng Biện vẫn kiên nhẫn trước đủ các trò làm nhục của lão Khăn Đen. Hắn im lặng, chịu đựng, dò xét đối phương và âm thầm tính toán phương thức hành động tốt nhất. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nghĩ vậy, cai tổng Biện day mặt vào nhà, nhìn phòng khách.” [Xóm Bàu Láng, tr.176]

Đối với người mới đến, người dân miền Nam thường niềm nở, ân cần, sẵn sàng sẻ chia mọi thứ để họ cảm thấy được an toàn và ấm áp. Ấy vậy mà nhân vật thầy Chà (Đại chiến với thầy Chà) lại có thái độ hống hách, phách lối khi vừa mới chân ướt chân ráo đến xứ người. Câu tục ngữ rượu vào lời ra đã bước đầu khái quát bản chất của con người này. “Bắt đầu vào tiệc. Rượu vào lời ra. Khách nói thao thao bất tuyệt, cướp cả quyền ăn nói của chủ nhà” [Đại chiến với thầy Chà, tr.350]. Rượu vào thì lời ra, đây là hai hành động có tính chất nối tiếp tất yếu và sắc thái biểu cảm cũng tuỳ thuộc vào đối tượng được nói đến. Khách trong ngữ cảnh trên là thầy Chà, hắn được ông Chòi Mui mời rượu khi vừa đến làng, vậy mà hắn không biết lấy lẽ khiêm tốn để đối đãi với chủ nhà. Cứ rượu vào là lời ra, hắn nói thao thao vừa để khoe khoang vừa để ra oai cho chính mình.

Hội đồng Hai thua kiện cai tổng Ba nên lúc nào cũng cảm thấy ấm ức và tìm mọi cách để trả thù. Hai thành ngữ thua me gỡ bài cào và ném đá giấu tay được nhà văn sử dụng đã miêu tả rõ nét bản chất háo thắng, ưa thù vặt của con người này.

Thằng cha hội đồng Hai thua me gỡ bài cào. Nó thất kiện nên tìm cách trả thù, mướn ăn trộm cạy tủ sắt của tao, thằng cha đó đê hèn quá” [Một kiểu anh hùng, tr.640]. Thành ngữ thua me gỡ bài cào chỉ một việc làm cố chấp, đã thất bại rồi nhưng vẫn tìm mọi cách để xoay xở, gỡ gạc.

Và “Chàng thanh niên sực nhớ lời căn dặn của ông hội đồng Hai, nói nhanh:
– Dạ tới rồi, chắc đêm nay hay đêm mai tụi nó ra tay. Ông hội đồng muốn trả thù theo kiểu ném đá giấu tay. Ông giúp tụi bất lương về mặt dọ thám, tụi kia tha hồ vơ vét, bắt sống gia chủ, đốt nhà…
” [Một kiểu anh hùng, tr.643]. Thành ngữ ném đá giấu tay chỉ một việc làm không minh bạch, ám muội. Hội đồng Hai muốn trả thù nhưng lại không trực tiếp ra tay vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng nên đã cho bọn tay chân âm thầm điều tra nhà của cai tổng Ba và cung cấp tin tức ấy cho bọn bất lương nhằm tạo ra một vụ đánh cướp lộn xộn ở nhà của cai tổng Ba.

Nhìn chung các thành ngữ, tục ngữ miêu tả hành động giúp cho việc tái hiện các trạng thái vận động của nhân vật trở nên sinh động, chân thật và đầy hình ảnh. Bên cạnh đó các thành ngữ, tục ngữ này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng tính cách nhân vật.

4. Vận dụng thành ngữ, tục ngữ để miêu tả tính cách nhân vật

 Thông thường, trong sáng tác văn học, tính cách nhân vật chỉ có thể được cảm nhận và phát hiện đầy đủ thông qua sự tổng hợp tất cả các chi tiết như ngôn ngữ, ngoại hình, nội tâm, hành động… Nhưng như đã nói, trong sáng tạo của mình, Sơn Nam ít khi miêu tả ngoại hình và nội tâm của nhân vật. Điều này cũng phù hợp với cá tính của người miền Nam. Xét về diện mạo và cách ăn mặc, họ chuộng sự đơn giản, nhẹ nhàng, nói theo kiểu bình dân: nhìn dễ coi là được, không cần đẹp lắm. Về nội tâm thì không cần phải nói, họ là những người thẳng tính, bộc trực và cởi  mở. Những suy tư dằn vặt trong cuộc sống chỉ thoắt đến, tồn tại trong khoảnh khắc nào đó rồi chợt tan biến đi. Họ không giấu giếm niềm vui, nỗi buồn của riêng mình, họ ít chôn chặt trong lòng những ưu tư phiền muộn. Bằng mọi cách họ trút hết ra bên ngoài. Điều đó không có nghĩa họ là người nông cạn.

Mặc dù thiếu đi hai chi tiết quan trọng ấy nhưng việc cảm nhận tính cách nhân vật trong các tác phẩm văn học của Sơn Nam hoàn toàn không khó đối với người tiếp nhận. Điều này được chứng minh thông qua số lượng thành ngữ, tục ngữ miêu tả tính cách mà nhà văn vận dụng. Chẳng hạn: tham phú phụ bần, tham sinh uý tử, thao thao bất tuyệt, mạnh ai nấy lo, máu mê cờ bạc, anh hùng nghĩa hiệp, anh hùng rơm, dám ăn dám nói, dốt hay nói chữ, đa mưu túc trí… Với những thành ngữ, tục ngữ như vậy, nhà văn vẫn có thể xây dựng tính cách nhân vật của mình một cách cô đọng và ngắn gọn nhất.

Sơn Nam vận dụng khá nhiều thành ngữ miêu tả tính cách để miêu tả cụ thể từng đối tượng nhân vật. Chẳng hạn để miêu tả những nhân vật mới lớn, còn vô tư chẳng biết lo lắng gì nhiều, nhà văn dùng thành ngữ ăn chưa no lo chưa tới.

Lão Khăn Đen ngồi dậy, hút thêm điếu thuốc rồi cười thầm:

– Thiệt là ăn chưa no lo chưa tới. Có lẽ nhờ vậy mà nó làm giàu. Nó khoe rằng si tình con Lài, rằng hối hận nhưng nó ngủ sao lẹ quá…” [Xóm Bàu Láng, tr.155]

Hay sự quỷ quyệt, khôn ngoan, già đời của Bá Vạn được thể hiện qua thành ngữ khôn ngoan quỷ quyệt.

“Bà chánh thất tin dị đoan hơn ai hết. Không tin sao được, khi bà thấy địa vị bị suy sụp rõ rệt. Linh tính như báo trước với bà rằng ông Chúa Hòn sắp chết. Và người khôn ngoan quỷ quyệt nhất vẫn là Bá Vạn” [Bà chúa Hòn, tr.137].

Năm Tiết là người có tài nham độn tàng hình đến xuất quỷ nhập thần. Với cái tài ấy hắn đã làm cho không ít người ngán ngẩm lo sợ. Mở đầu tác phẩm, Sơn Nam đã gieo vào lòng người đọc một ấn tượng không tốt về nhân vật này. Hắn là người có tài và năng động đến mức láu cá nhưng dần về cuối ta lại có những suy nghĩ ngược lại. Với bạn bè, hắn là một người chí tình chí nghĩa, cư xử điệu nghệ và đặc biệt hắn ta rất trọng chữ tín.

– Uý! thật sao?

– Thật chớ. Quân tử nhất ngôn. Tối nay đúng canh ba, khi cái đồng hồ của tôn ông gõ mười hai tiếng, tôn ông hãy dùng chĩa sửa soạn đâm tôi” [Xuất quỷ nhập thần, tr.908]

Bến Tầm Dương đời xưa sao buồn quá vậy A Lẫu? Ráng vẽ tấm sơn thủy khác cho hợp với đời nay thử coi! Lứ sợ Tây hả? Sợ Tây thì làm sao vẽ cho hay được? Mình là nghệ sĩ nghèo gặp nhau, làm ăn thất bại, cười hát, đầu đội trời, chân đạp đất mà” [Hội ngộ bến Tầm Dương, tr.542]. Hai Lượng, Tư Đờn, A Lẩu những con người phiêu bạt từ bốn phương trời, giờ đây gặp nhau nơi cuối đất cùng trời – rừng U Minh xa xôi vắng vẻ. Nhưng như thế nào đã được yên thân khi mà thực dân Pháp không ngừng mở rộng khai thác thuộc địa để đem về lợi nhuận cho chúng. Ngữ cảnh trên là lời của Hai Lượng nói với A Lẩu, nó khơi gợi một nỗi buồn man mác, nhưng với thành ngữ đội trời đạp đất, đó như là một lời phản tỉnh làm sống lại khí thế hào hùng, gan góc, bất khuất, bền bỉ của người miền Nam.

Các thành ngữ ăn ngay nói thẳng, ăn ngay ở phải được sử dụng khá phổ biến trong lời ăn tiếng nói của giới bình dân Nam Bộ. Nó tồn tại như một tiêu chuẩn trong quan hệ ứng xử hằng ngày: phải chân thành và ngay thẳng. Khi được vận dụng vào sáng tác, Sơn Nam đã đặt các thành ngữ này vào trong phát ngôn của nhân vật nhưng không phải để khẳng định bản chất nhân vật mà đó là một cách để họ biện hộ cho mình.

Ông đạo Đất chắp tay xá về bốn cây nhang mà nói:

– Tôi ăn ngay nói thẳng, rủi sơ sót điều gì, ông Chúa sẵn sàng hỉ xã không?” [Bà chúa Hòn, tr.83]

Xã hội miền Nam vào những năm đầu của thế kỉ XX xuất hiện khá nhiều đạo với tất cả tính chất hoang sơ và kì dị nhất của nó như đạo Ớt, đạo Nằm, đạo Đất, đạo Ngủ, đạo Tịnh… Bất cứ đạo nào cũng nổi lên được một thời gian rồi sau đó vội vàng tan biến vào hư không như chưa một lần tồn tại. Trong tiểu thuyết Bà Chúa Hòn, Sơn Nam xây dựng hình tượng ông đạo Đất với hai tính cách trái ngược nhau, vừa siêu phàm nhưng cũng vừa trần tục. Ông có thể nói đúng quá khứ vị lai của một người nhưng đồng thời ông cũng ôm ấp trong lòng quá nhiều dục vọng thường tình. Thành ngữ ăn ngay nói thẳng trong ngữ cảnh trên đã phản ánh phần trần tục trong con người ông ta. Lo lắng cho tính mạng của mình nếu có điều gì sơ sót xảy ra, dùng thành ngữ ăn ngay nói thẳng như là một cách thức để đề phòng và rào đón trước một người đầy mưu mô như Bá Vạn.

Một trường hợp khác:

Tôi đáp: – Mình tới thăm cô Ba giữa thanh thiên bạch nhựt chứ đâu phải lén lút.

Tư Hít mĩm cười: – Mình là người ăn ngay ở phải, ai dám ganh tị?” [Bà Đầm Phôn Xi Đông, tr.43].

Bộ ba nhân vật Tôi, Hai Kéo, Tư Hít lợi dụng lúc Tây đầu đỏ vắng nhà rủ nhau kéo đến thăm cô Ba. Nói là thăm nhưng thực tế là để gạ gẫm, tán tỉnh, vì trong mắt ba chàng, cô Ba kia là hoa hậu của miệt rừng này. Tuy nhiên, họ cũng hiểu việc của mình làm là không quang minh chính đại và mỗi người đều tự đưa ra lí do để thanh minh. Tư Hít tự nhận mình là người ăn ngay ở phải, họ tới thăm cô Ba hoàn toàn với động cơ trong sáng thì không có gì phải áy náy cả.

Với dung lượng ngôn từ ít ỏi như vậy nhưng khi được đặt vào những ngữ cảnh phù hợp, thành ngữ, tục ngữ bao giờ cũng làm cho vấn đề được đề cập trở nên sinh động, giàu giá trị biểu đạt. Bên cạnh tác dụng thể hiện một cách ngắn gọn, trực tiếp cá tính của nhân vật, những thành ngữ, tục ngữ miêu tả tính cách còn được sử dụng như những phản đề, nghĩa là nó không làm cho người đọc liên tưởng ngay đến nội dung của thành ngữ, tục ngữ được sử dụng mà buộc họ phải nghĩ đến điều ngược lại.

Cai tổng Biện muốn giữ uy tín cho gia đình:

– Anh sui biết rõ, tôi hiền lành như cục bột, thằng Hai của tôi sống theo kiểu bình dân, suốt ngày nó ăn nhậu trong xóm, uống rượu đế, đánh bài với bọn tá điền, không phân biệt giai cấp, chủ tớ” [Xóm Bàu Láng, tr.138].

Cai tổng Biện nổi danh là con hùm xám của xóm Bàu Láng. Vì lợi ích bản thân, lão không từ bất cứ thủ đoạn nào, lão sẵn sàng giẫm bừa lên tất cả. Vào ngày cưới của con, lão vừa phải đối phó với sự phản đối một cách âm thầm vô ý thức của nó vừa phải lo lắng trước những hành động trả thù của Hai Lành. Nhiều chuyện lộn xộn xảy ra trong đêm tân hôn của con trai lão, ông sui gái vì thế mà bất mãn nghi ngờ. Trước tình thế bất lợi như vậy, lão phải giả lả nhún nhường và thành ngữ hiền lành như cục bột được vận dụng trong ngữ cảnh trên lại có tác dụng miêu tả sự trí trá, gian manh của con người này.

Để giữ bí mật, mụ Hai đóng cửa ngõ, đóng cửa cái rồi trình bày dông dài về kĩ thuật thư ếm do một ông thầy vô danh nọ tiết lộ.

– Thầy đàng hoàng lắm, muốn làm việc nghĩa, cứu dân độ thế, chứ không cầu danh cầu lợi, vì vậy thầy giấu tên thầy và chẳng bao giờ tọc mạch hỏi tên tuổi của bệnh nhân” [Con rắn, tr.280].

Bà cai tổng mắc một chứng bệnh lạ mà bao nhiêu thầy thuốc ở Đông và Tây y đều không thể tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Bà nghi ngờ mình đã bị bà con bên chồng ám hại bằng bùa ngãi gì đó hòng chiếm đoạt gia sản. Thừa hiểu tâm bệnh đó nên mụ Hai đã âm thầm câu kết với một thầy lang ở bên ngoài nhằm tìm cách moi tiền của chủ nhà. Trong ngữ cảnh trên, mụ Hai đã tung ra hàng loạt những mĩ từ để ca công tụng đức ông thầy Ngọc, trong đó thành ngữ cứu dân độ thế có nghĩa là làm việc tốt để giúp đỡ mọi người thoát khỏi vòng đau khổ của cuộc đời được sử dụng để nói về tính cách của ông thầy vắng mặt kia.

Người miền Nam thẳng tính và hay nói nhưng họ chỉ nói cho vui, cho khuây khoả và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ai nói vượt ra ngoài phạm vi ấy thì bị liệt vào hạng nói khoác, nói lấy được, nói để khoe khoang. Thành ngữ thao thao bất tuyệt có nghĩa là nói nhiều, nói liên tu bất tận, và sắc thái biểu cảm của thành ngữ này phụ thuộc vào đối tượng miêu tả.

Trong tác phẩm của Sơn Nam, thành ngữ này có khi được dùng để chỉ những người hay chuyện, họ nói để tán gẫu, để mua vui. Lúc này thành ngữ thao thao bất tuyệt có màu sắc dương tính.

Lúc thiếu đề tài tán gẫu, tôi gợi chuyện: Thưa ông, hồi thứ 20 của truyện Tam Quốc nói về giai đoạn nào? Thế là ông hương trưởng nói thao thao bất tuyệt” [Cậu bảy Tiểu, tr.173].

Nhưng phần nhiều thành ngữ thao thao bất tuyệt được tác giả sử dụng với màu sắc âm tính. Nó biểu trưng cho tính cách của những kẻ thích khoe khoang và bịp bợm.

Bây giờ, giáo Trích kể thao thao bất tuyệt những giai thoại ở chợ Rạch Giá. Tàu chở lính Nhựt Bổn, đổ bộ vào lúc hừng đông” [Ăn to xài lớn, tr.28].

Trong khá nhiều tác phẩm của Sơn Nam, ta thấy có sự xuất hiện của nhân vật xưng tôi, nhân vật này có khi đóng vai trò là nhà báo, nhà văn, học sinh. Có thể hiểu đó chính là sự hoá thân của nhà văn vào thế giới nhân vật của mình để kể về từng phiến đoạn của hiện thực hoặc thể hiện những trăn trở, suy tư của mình về con người và cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật này nhà văn thường dùng thành ngữ tham sinh uý tử.

Bản chất tham sinh uý tử thúc giục tôi rút lui. Ăn xong bọn lính Pháp sẽ về. Chừng về chúng sẽ thi hành thủ đoạn. Thủ đoạn ấy là bắt sống tôi làm… tù binh” [77, tr.208].

Một ngữ cảnh khác:

Những người khôn lanh đã chọn một trong ba đường: rút xuống phía rừng sình lầy U Minh, mướn ghe vượt biển ra các đảo vịnh Xiêm La qua Xiêm quốc hoặc tản cư ngược ra khu vực Pháp chiếm đóng! Với thân hình ốm yếu, bịnh tật, với tâm trạng tham sanh uý tử, tôi cố gắng sống ngoài vòng thế sự” [Con ngựa đất, tr.263].

Bản chất con người dù tốt đẹp đến đâu thì trong họ vẫn có chút gì đó nhỏ nhen, nếu không muốn nói là thấp hèn. Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi con người được đặt trước ranh giới của sự sống và cái chết. Trong các ngữ cảnh trên, nhân vật xưng tôi đều bị rơi vào cái lằn ranh mong manh ấy, hoàn cảnh buộc nhân vật phải lựa chọn và thành ngữ tham sanh uý tử không chỉ phản ánh đúng tính cách của một người mà của nhiều người. Vấn đề quan trọng là ở thái độ dũng cảm tự nhận chân thái độ thấp hèn thì đó cũng là một cách phản tỉnh giúp con người trở nên dũng cảm hơn và sống đẹp hơn.

Tóm lại, với các thành ngữ, tục ngữ miêu tả tính cách, nhà văn có thể giới thiệu khái quát và trực tiếp cá tính của một nhân vật nào đó hoặc dùng nó như những phản đề để miêu tả bản chất ngược lại của nhân vật.

Vận dụng ngôn ngữ một cách thành thạo và điêu luyện, khéo léo mà không cầu kì, mộc mạc chân thành, giản dị, dễ hiểu mà không kém mượt mà, không làm mất đi tính thẩm mĩ của văn học là đặc điểm thành công trong việc vận dụng ngôn ngữ nói chung, thành ngữ tục ngữ nói riêng để sáng tác của nhà văn Sơn Nam. Tác phẩm của ông là một bức tranh nông thôn sống động với những nét chấm phá giản đơn về cuộc sống và con người Nam Bộ trong buổi đầu khẩn hoang. Đọc tác phẩm của Sơn Nam, người đọc miền sông nước Nam Bộ như được “chiêu đãi” một bữa đặc sản ngôn ngữ của chính quê hương mình, cảm thấy sung sướng và yêu thích vô cùng tiếng nói vùng đất mình. Vận dụng thành ngữ, tục ngữ vào trong sáng tác làm cho văn phong của Sơn Nam vừa bình dị, mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ vừa góp phần xây dựng hình tượng người nông dân Nam Bộ qua những đặc điểm tiêu biểu như: ngoại hình, hành động, trạng thái và tính cách với tất cả những ưu và nhược điểm của họ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Nguyễn Văn Ái (1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

2.   Trần Phỏng Diều (2004), Ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn của Sơn Nam, Ngôn ngữ & Đời sống, Số 10, tr.24 – 26.

3.   Trần Thị Ngọc Lang (1995), Phương ngữ Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội.

4.   Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào (1995), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, H.

5.   Nguyễn Thái Hoà (1997), Tục ngữ Việt Nam – cấu trúc và thi pháp, NXB KHXH, H.

6.   Nguyễn Văn Nở (2007), Tục ngữ – ngữ cảnh và hình thức thể hiện, Ngôn ngữ, số 2, tr.53 – 64.

7.   Nguyễn Văn Nở, Dương Thị Thúy Hằng (2011), Môi trường tự nhiên, văn hoá và con người Nam Bộ trong tác phẩm Sơn Nam qua thành ngữ, tục ngữ, Ngôn ngữ & Đời sống, số 1&2.

 

NGUỒN NGỮ LIỆU

1.        Sơn Nam, Bà Chúa Hòn (tiểu thuyết, 434 trang), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004.

2.   Sơn Nam, Hồi kí – Từ U Minh đến Cần Thơ; Ở Chiến Khu 9; 20 năm giữa lòng đô thị; Bình An,  NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005.

3.   Sơn Nam, Hình bóng cũ (truyện vừa – in cùng với tập truyện Biển cỏ miền Tây, 386 trang), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2006.

4.   Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử An Giang, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2006.

5.   Sơn Nam, Bốn truyện vừa, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2006.

6.   Sơn Nam, Đất Gia Định – Bến Nghé xưa và người Sài Gòn, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2007.

7.   Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn (02 quyển  biên khảo in chung, 423 trang), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2007.

8.   Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau (tập truyện ngắn, 934 trang), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2008.

9.        Sơn Nam, Xóm Bàu Láng (truyện dài, 396 trang), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2007.

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020