Ngôn ngữ

QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI VỀ MA QUÁI VÀ PHỤ NỮ QUA TRƯỜNG NGHĨA VỀ NHÂN VẬT NỮ MA QUÁI TRONG TÁC PHẨM "TRUYỀN KÌ MẠN LỤC"


14-10-2020
Tác giả: ThS. Đặng Thị Thanh Ngân

Thông qua việc khảo sát trường nghĩa biểu vật về nhân vật nữ ma quái trong Truyền kì mạn lục bài viết đã chỉ ra một số quan niệm của người Việt Nam thời trung đại về ma quái và phụ nữ. Những quan niệm này vừa mang những nét chung trong tư duy nhân loại vừa mang những nét riêng của văn hoá Việt Nam

QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

VỀ MA QUÁI VÀ PHỤ NỮ QUA TRƯỜNG NGHĨA VỀ NHÂN VẬT NỮ MA QUÁI TRONG TÁC PHẨM TRUYỀN KÌ MẠN LỤC

ThS. Đặng Thị Thanh Ngân

THPT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

 

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn học là điều không cần phải bàn cãi. Ngôn ngữ là chất liệu để xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Vì vậy, muốn tìm hiểu một hình tượng nghệ thuật phải xuất phát từ hệ thống ngôn ngữ được sử dụng để tạo nên hình tượng ấy. Bài viết này không nhằm đi sâu vào các vấn đề lí thuyết mà mong muốn thực hành tìm kiếm quan niệm của con người được gửi gắm trong hình tượng nghệ thuật thông qua phương pháp phân tích ngôn ngữ. Ở đây chúng tôi chọn loại nhân vật nữ ma quái trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ – một đỉnh cao của văn xuôi trung đại Việt Nam – để tìm hiểu quan niệm của con người thời trung đại về người phụ nữ và phương pháp phân tích trường nghĩa – tập hợp những từ có mối liên hệ với nhau về nghĩa. Một ý niệm không thể được rút ra từ một vài từ đơn lẻ mà phải được xem xét trong hệ thống, thông qua tập hợp từ. Bởi vậy, trường nghĩa là vấn đề quan trọng trong ngôn ngữ học. Mỗi hình tượng nghệ thuật được xây dựng nhằm chuyển tải những dụng ý thẩm mĩ của tác giả. Do đó, nghiên cứu trường nghĩa về một loại hình tượng nghệ thuật còn thấy được đặc trưng về tư duy và văn hoá của các cộng đồng người khác nhau ấy trong quá trình tạo ra “ngữ nghĩa” cho ngôn ngữ của mình. Có thể phân chia trường nghĩa theo ba loại: trường biểu vật, trường biểu niệm và trường liên tưởng. Bài viết này của chúng tôi tập trung vào khảo sát trường biểu vật về nhân vật nữ ma quái trong Truyền kì mạn lục.

Khảo sát trong tác phẩm Truyền kì mạn lục có 11/20 truyện có sự xuất hiện của nhân vật ma quái, nhân vật ma quái là nữ xuất hiện trong 4 truyện. Cụ thể:

Tên truyện

Số lượng nhân vật

Chuyện cây gạo

2

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Nhiều

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

1

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

1

Tuy nhiên, xét rằng trong các truyện Chuyện cây gạo và Chuyện kì ngộ ở trại Tây nhiều nhân vật chỉ giữ vai trò là nhân vật phụ nên chúng tôi chỉ khảo sát trường nghĩa xoay quanh năm nhân vật nữ ma quái là nhân vật chính: Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương (Chuyện kì ngộ ở trại Tây), Đào Hàn Than (Chuyện nghiệp oan của Đào thị), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang). Chọn nữ nhân vật ma quái làm đơn vị trung tâm, chúng tôi tìm hiểu các tiểu trường sau:

– Tiểu trường từ định danh nhân vật nữ ma quái

– Tiểu trường từ miêu tả dáng vẻ của nhân vật nữ ma quái

– Tiểu trường từ chỉ hành động của nhân vật nữ ma quái

– Tiểu trường từ chỉ không gian xuất hiện của nhân vật nữ ma quái

– Tiểu trường từ chỉ thời gian xuất hiện của nhân vật nữ ma quái

       – Tiểu trường từ chỉ cách ứng xử của con người với nhân vật nữ ma quái

     Những truyện có sự xuất hiện của nhân vật nữ ma quái được khảo sát trong đều có chung một kiểu cốt truyện: nhân vật là người trần gặp gỡ nhân vật ma quái nhưng chưa phát hiện ra đó là ma quái, sau được chỉ bảo mới phát hiện ra chân tích sự việc. Chính vì vậy, trong các tiểu trường chúng tôi lại thống kê các từ liên quan đến nhân vật nữ ma quái thành hai nhóm: trước và sau khi bị phát hiện là ma quái. Dưới đây là kết quả khảo sát:

Tiểu trường từ định danh nhân vật nữ ma quái (Bảng 1)

Tên truyện

Từ định danh nhân vật nữ ma quái

Trước khi bị phát hiện

Sau khi bị phát hiện

Chuyện cây gạo

Người con gái, giai nhân, nàng

Nàng, Nhị Khanh, người, đôi trai gái, giống yêu quỷ, tên dâm quỷ, loài nhơ bẩn

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Người con gái, nàng, Liễu, Đào

Nàng

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

Người con trai, đứa trẻ,

Hàn Than, yêu quái, cái thây, con rắn vàng

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Người con gái, nàng

Hồn Thị Nghi, đống xương trắng, tà yêu, hòn máu tươi, người con gái

Tiểu trường từ chỉ không gian xuất hiện của nhân vật nữ ma quái (Bảng 2)

Tên truyện

Từ chỉ không gian xuất hiện của nhân vật nữ ma quái

Trước khi bị phát hiện

Sau khi bị phát hiện

Chuyện cây gạo

Đường, Đông thôn, cầu Liễu Khê, thuyền

túp nhà tranh, nhỏ, lụp xụp, cỗ áo quan, bờ sông, chùa, cây gạo (trăm năm), sông quạnh, trăng mờ, (bốn bề) im lặng

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Dinh cư, cũ, bức tường, đổ, buổi tối, mưa dầm gió bấc, khu vườn, bóng đêm, lờ mờ

Mưa gió, dữ dội, nếp nhà, quạnh hiu, xơ xác, tơi bời, trên không

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

Kinh đô, nhà

Trên không, gió mưa, dữ dội, mây đen, gió lạnh, giếng

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Cạnh sông, im lặng, mỏm bãi cát

Đền (Phong Châu)

 

Tiểu trường từ chỉ thời gian xuất hiện của nhân vật nữ ma quái (Bảng 3)

Tên truyện

Từ chỉ thời gian xuất hiện của nhân vật nữ ma quái

Chuyện cây gạo

Đêm khuya, gần sáng, đêm, canh ba, đêm đen trời tối, đêm tối trời

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Tối, đêm Nguyên tiêu, gần sáng, nửa đêm, đêm

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

Đêm, canh ba

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Trăng tỏ, sao thưa

 

Tiểu trường từ miêu tả dáng vẻ của nhân vật nữ ma quái (Bảng 4)

Tên truyện

Từ miêu tả dáng vẻ của nhân vật nữ ma quái

Trước khi bị phát hiện

Sau khi bị phát hiện

Chuyện cây gạo

Xinh đẹp, tuyệt sắc

loã lồ

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Thẹn thò, kiều diễm, hổ thẹn, mỹ nhân

 

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

 

 

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Tuổi mười bảy, mười tám, áo lụa đỏ, khép nép

 

 

Tiểu trường từ chỉ hành động của nhân vật nữ ma quái (Bảng 5)

Tên truyện

Từ chỉ hành động của nhân vật nữ ma quái

Trước khi bị phát hiện

Sau khi bị phát hiện

Chuyện cây gạo

Rảo bước, bảo, đi, thở dài, nói, gẩy (đàn), chau mày, ân ái, làm thơ, giải nghĩa, cười, từ biệt

Cản đường, bảo, sấn lại, nắm (vạt áo), đứng bên, (eo éo) gọi, nói (thì thào), dắt tay, đi dạo, làm tai làm vạ, làm yêu làm quái, cười đùa, nô giỡn, gõ (cửa), (thình lình) gọi hỏi, kêu khóc

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Cười đùa, hái, ném (quả), tươi cười, bảo, thẹn thò, tựa ngọc kề vàng, làm thơ, sớm đi, tối đến, cúi đầu, nói, trải chiếu, đốt đèn, bóc bánh, rót rượu, ca, sụt sùi,

Tạ, vụt bay lên (trên không)

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

Nói, làm văn, giận

Hiện đến, bảo, khóc, cười, khóc y ỷ

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Khóc, lau ráo nước mắt, mừng rỡ, chống cự, cử động, nói năng, khóc lóc, giận, đập vỡ, mắng

Hưng yêu tác quái, biến huyễn, nhập, ốp, dâm sát, bóc lột, làm tai làm quái, ngã bổ nhào

Tiểu trường từ chỉ cách ứng xử của con người với nhân vật nữ ma quái (Bảng 6)

Tên truyện

Từ chỉ cách ứng xử của con người
với nhân vật nữ ma quái

Trước khi phát hiện

Sau khi phát hiện

Chuyện cây gạo

Liếc mắt, trông, mang (mối tình), nghe lỏm, chờ sẵn, vái chào, hỏi, đưa (xuống thuyền), ân ái, khen ngợi, cố nài

Sởn gai, dựng tóc, nhảy choàng ra, chạy, giật rách (vạt áo bị nắm), hỏi thăm, ốm nặng, vùng dậy, nằm ôm (quan tài), chết, đào mả, phá (quan tài), vứt (hài cốt), lập (đàn tràng), viết (đạo bùa), quát to, trừ

Chuyện kì ngộ ở trại Tây

Trò chuyện, rủ rê, cợt ghẹo, nói, tựa ngọc kề vàng, bảo, cười, kéo, ấp ủ, đùa, hỏi, làm thơ, tưởng nhớ, ủ ê, rầu rĩ, ngao ngán, buồn rầu, khóc

Giật mình, tỉnh ngộ, cúng, làm (văn tế), muốn (lưu lại)

Chuyện nghiệp oan của Đào thị

Yêu quý

Sợ hãi, kinh hoàng, dựng (đàn tràng), vẽ bùa dấu

Chuyện yêu quái ở Xương Giang

Hỏi, nói, mò vớt (hài cốt), đùa cợt, yêu quý, nể sợ, đem táng (hài cốt), tình ái (thắm thiết), khen ngợi

Chớ (trêu vào), đào mả, tán xương, vứt (xuống sông), ném (đạo bùa), đào mộ, bị bệnh, điên cuồng, hoảng hốt, cung

Từ các kết quả khảo sát trên chúng tôi rút ra một số nhận xét bước đầu về quan niệm của con người Việt Nam thời trung đại về ma quái và phụ nữ như sau:

1.   Quan niệm về linh hồn; Ý niệm về sự “gây hại” và “sợ hãi”

Người Việt Nam thời trung đại vẫn giữ quan niệm của dân gian cho rằng con người gồm thể xác (mang tính chất vật chất) và linh hồn (mang tính chất phi vật chất). Khi phần xác chết thì phần hồn sẽ lìa khỏi xác và có thể lưu lại trần gian. 3/4 truyện khảo sát có nhân vật nữ ma quái do hồn người chết biến thành (Nhị Khanh, Hàn Than, Thị Nghi). Không chỉ có con người, trong quan niệm của người Việt Nam vạn vật từ cây cỏ, chim muông đến hòn đá, con suối… đều có linh hồn – phần tinh tuý nhất – có quyền phép hoặc ma thuật. Hai nữ yêu quái trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây là bởi hồn hoa, hồn cây biến hoá thành.

Hoặc bởi chết oan ức, hoặc bởi oán nặng thù sâu nên những linh hồn này không chịu đầu thai mà hoá thành yêu quái để tìm lạc thú hoặc trả thù con người. Vì vậy, ma quái, trong tư duy của người Việt Nam luôn gắn liền với ý niệm về sự “gây hại” và “sợ hãi”. Theo dõi Bảng 5 – các từ chỉ hành động của nhân vật sau khi bị phát hiện là ma quái đều là những hành động gây tổn hại đến con người: làm tai làm vạ, làm yêu làm quái, hưng yêu tác quái, biến huyễn, nhập, ốp, dâm sát, bóc lột, làm tai làm quái… Như vậy, dù ít hay nhiều tất cả các nhân vật ma quái đều gây tai hoạ, thiệt hại cho con người. Cho nên từ “yêu quái” không chỉ dùng như danh từ mà còn được dùng như tính từ để chỉ sự độc ác, hại người.

Rõ ràng, ma quái không chỉ còn là khái niệm mà đã trở thành ý niệm, tức là mang trong nó cách con người cảm nhận thế giới. Ý niệm “gây hại” tất yếu sẽ đi kèm với ý niệm “sợ hãi”. Nhìn trên Bảng 2 và Bảng 3 có thể thấy không gian và thời gian các nhân vật nữ ma quái xuất hiện sau khi bị phát hiện đều rất đáng sợ. Thời gian luôn luôn vào đêm khuya, không gian là những nơi hoang vắng, đổ nát, tiêu điều. Trong những không gian mà nhân vật ma quái thường xuất hiện đáng chú ý là không gian sông nước. Trong quan niệm của người Việt Nam, ma quái thường xuất hiện nơi sông nước. Sở dĩ ma quái hay xuất hiện chốn sông nước vì theo quan niệm dân gian những người chết mà thành ma quái thường là những kẻ lưu lạc, chết không được chôn cất, hồn không được đầu thai phải trôi nổi trên dương thế. Dòng sông chính là tượng trưng cho không gian lưu lạc, trôi nổi ấy. Hơn nữa những ngôi chùa, đền miếu – nơi ma quỷ có thể trú ngụ lại thường ở cạnh sông (ngôi chùa có cây gạo trăm tuổi trong Chuyện cây gạo). Khi nhân vật ma quái xuất hiện sông nước cũng như không gian trên không thường có biến đổi dữ dội, đến khi ma quái tan đi sông nước mới lại phẳng lặng, bình yên.

Ý niệm “sợ hãi” còn thể hiện qua cách ứng xử của con người với nhân vật nữ ma quái. Có thể nhận thấy một đặc điểm chung trong các truyện được khảo sát, trừ Chuyện kì ngộ ở trại Tây thái độ của con người, nhất là người nam có quan hệ yêu đương với các nhân vật nữ đều thay đổi hoàn toàn khi phát hiện ra người mình ân ái bấy lâu là ma quái (xem Bảng 6). Chàng trai Trình Trung Ngộ (Chuyện cây gạo) từ chỗ “liếc mắt trông, mang (mối tình), nghe lỏm, chờ sẵn, vái chào, hỏi, đưa (xuống thuyền), ân ái, khen ngợi” Nhị Khanh, đến khi phát hiện ra nàng là hồn ma thì “sởn gai, dựng tóc, nhảy choàng ra, chạy, giật rách cả vạt áo bị nắm…” Và tất cả các nhân vật ma quái, khi bị phát hiện đều bị con người tìm mọi cách để diệt trừ. Cả Nhị Khanh và Thị Nghi đều bị đào mả, phá (quan tài), tán xương, vứt (hài cốt)… Người Việt Nam rất “kị” động đến mồ mả. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của người Việt không phải cái chết mà là chết không có nơi chôn, cho nên hồn ma Thị Nghi, Nhị Khanh, phải tác oai tác quái ghê gớm khiến dân làng sợ hãi đến thế nào mới phải đào mộ vứt xương xuống sông. Tuy nhiên đấy chưa phải là cách tiêu diệt được ma quái. Ma quái thường bị diệt trừ bởi các đạo bùa của các Đạo sĩ, người tu hành.

2. Thế giới quan dĩ nhân vi trung

Ma quái vốn là sản phẩm của trí tưởng tượng, là những khái niệm không có thật. Tuy nhiên, trong Truyền kì mạn lục tác giả đã mượn các cách định danh, miêu tả dáng vẻ, hành động của con người để xây dựng nhân vật nữ ma quái. Ta thấy ma quái nhưng vẫn có tên giống tên người. Ma quái có thể được giữ nguyên tên như khi còn sống như Nhị Khanh, Thị Nghi. Có nhân vật nữ ma quái do hồn hoa biến thành thì mượn tên cây (Liễu, Đào) làm họ và đặc tính của cây (Nhu Nương – gợi sự mềm mại của cây liễu và Hồng Nương – gợi sắc thắm của hoa đào) làm tên. Ma quái cũng được gọi là “nàng, người con gái…” (xem Bảng 1), cũng có thể xuất hiện ở những địa điểm sinh hoạt của con người (nhà, vườn, thuyền, cầu…). Không chỉ những nhân vật ma quái có nguồn gốc từ hồn người chết (Nhị Khanh – Chuyện cây gạo, Thị Nghi – Chuyện yêu quái ở Xương Giang…) mà những nhân vật ma quái do hồn hoa biến thành (Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương – Chuyện kì ngộ ở trại Tây) cũng mang dáng vẻ của con người, hành động, nói năng đều giống con người (xem Bảng 4 và Bảng 5). Rõ ràng ở đây con người đã được lấy làm chuẩn mực, làm trung tâm để xây dựng các hình tượng nghệ thuật mang tính phi nhân. Vậy nên, mục đích của những câu chuyện ma quái này cũng không phải để kể về một thế giới của những sinh vật kì dị mà nhằm nói chuyện con người.

3. Ý niệm về sự “cám dỗ” và chủ đề phê phán, răn dạy đạo đức

Một đặc điểm chung trong sự biến hoá về ngoại hình của nhân vật nữ ma quái là thường hoá thành người xinh đẹp tuyệt trần làm mê đắm lòng người. Đó là một “giai nhân”,” xinh đẹp, tuyệt sắc” như Nhị Khanh (Chuyện cây gạo). Vẻ đẹp kiều diễm của hồn hoa Đào Hồng Nương, Liễu Nhu Nương được Hà Nhân khen là “tột bậc, mĩ nhân nhan sắc đẹp như hoa” (xem Bảng 4).

Hành động của nhân vật nữ ma quái được tác giả Truyền kì mạn lục miêu tả tỉ mỉ hấp dẫn nhất lại là những cuộc hoan lạc ái ân giữa một bên là nhân vật ma quái, một bên là con người: ân ái, tựa ngọc kề vàng, làm thơ ghi lại… (xem Bảng 5). Không dừng lại ở chuyện tình giữa người và ma, Nguyễn Dữ còn miêu tả cuộc tình của hai hồn ma với nhau. Trình Trung Ngộ, không cưỡng lại được tiếng gọi tình yêu của Nhị Khanh, cuối cùng đã ôm lấy quan tài Nhị Khanh mà chết để được yêu đương công khai hơn, tự do hơn, táo bạo hơn “một đôi trai gái, thân thể loã lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn” (Chuyện cây gạo). Trong quan niệm của con người thời trung đại ma “cũng chính là hình tượng phúng dụ để nói đến sức lôi kéo và sự nguy hiểm của lối sống buông thả, phóng đãng trong hưởng lạc trước những cám dỗ vật chất. Đấy là những hình tượng thực hiện chức năng giáo huấn”. Những “cám dỗ” ấy có thể đến từ hoàn cảnh khách quan nhưng đa phần xuất phát từ chính lòng ham mê, đam muốn của con người. Chính vì vậy, kết thúc truyện, những nhân vật nam thường phải trả giá cho sự đắm đuối của mình, thậm chí đánh mất cả mạng sống. Thái độ phê phán, răn đe không chỉ thể hiện qua hình tượng nghệ thuật, qua kết cục số phận của nhân vật mà còn được thể hiện trực tiếp trong lời bình cuối mỗi truyện: “Xem thấy yêu nữ mê người, sẽ biết răn sợ trước sắc đẹp” (Chuyện yêu quái ở Xương Giang), “Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ” (Chuyện kì ngộ ở trại Tây). Đây là lời phát ngôn mang tính chất giáo dục, răn đe, cảnh giới con người trước bờ vực của sự sa đoạ.

4. Quan niệm về người phụ nữ và nhu cầu giải phóng tình dục

Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật ma quái là nữ xuất hiện với mật độ khá cao trong Truyền kì mạn lục. Đằng sau những nhân vật nữ ma quái này chúng ta có thể tìm thấy những quan niệm về người phụ nữ của thời đại thế kỉ XV – XVI. Những nhân vật nữ ma quái đều rất xinh đẹp nhưng đều mang đến sự tổn hại, nhẹ thì bị bệnh điên cuồng hoảng hốt (Chuyện yêu quái ở Xương Giang), tổn hao nguyên khí, nặng thì dẫn đến cái chết (xem Bảng 6). Cách kể, cách bình luận đó phản ánh quan niệm văn hoá xưa cho rằng người phụ nữ đẹp – tượng trưng cho dục vọng bản năng – đáng sợ như ma quỷ, chứa chất sự mê hoặc, là nguồn gốc của tội lỗi. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến phương Đông phải chịu những quan niệm bất công về nhan sắc, vai trò, số phận của mình. Hình dung nữ sắc có sức mạnh của ma quái, coi người con gái đẹp là hồ ly tinh, là yêu nghiệt, là rắn báo oán, đó là tâm thức tiếp nhận rất phổ biến thời trung đại ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Lịch sử thường “đổ tội” cho những người phụ nữ đẹp mỗi khi đất nước có biến. Biết bao nhiêu vương quốc hùng mạnh đã sụp đổ vì sắc đẹp đàn bà? Jorges Luis Borges viết rằng “đàn bà và chiến tranh, chẳng có gì thử thách đàn ông hơn thế”. Cái chết của những mĩ nhân như Tây Thi, Dương Quý Phi… bên Trung Quốc, sự tích nàng Điểm Bích vu cho pháp sư Huyền Quang “lòng thiền xao động”, truyền thuyết rắn hoá thành Thị Lộ báo oán Nguyễn Trãi ở Việt Nam chẳng phải cũng chính từ quan niệm này? Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà trong văn học ma quái thường hiện hình thành đàn bà, mà gần như bao giờ cũng là đàn bà đẹp. Giống như là một thứ triết lí, những người đàn bà ma bao giờ cũng gắn liền với hạnh phúc và bất hạnh.

Đồng thời, thông qua hành động của các nhân vật này ta cũng thấy được nhu cầu giải phóng tình dục của con người Việt Nam thời trung đại. Nguyễn Dữ say sưa miêu tả những cuộc hoan lạc giữa một bên là người, một bên là nhân vật ma quái: giữa Trung Ngộ và hồn ma Nhị Khanh, giữa Hà Nhân với hai hồn hoa Đào, Liễu. Ông dành một dung lượng khá lớn để miêu tả chi tiết cuộc “ấp yêu” từ lúc bắt đầu lả lơi cợt ghẹo cho đến khi gối chăn êm ấm (xem Bảng 5 và Bảng 6). Ông say sưa miêu tả và miêu tả một cách sinh động. Rõ ràng, nhu cầu thoả mãn những tình cảm bản năng trần tục của con người rõ ràng là một vấn đề được đặt ra của thời đại của Nguyễn Dữ. Lễ giáo phong kiến trói buộc con người trung đại trong những tư tưởng “quả dục”, “tiết dục”, phải tiết chế bản thân trước những ham muốn tình dục. Các câu chuyện về ái ân giữa ma quái và con người ở đây có ý nghĩa giải thoát khát vọng bản năng của con người, giống như sự “xì hơi” của một quả bóng quá căng, quá nóng bỏng.

Nếu như ở phần lời bình cuối mỗi truyện người bình luận thể hiện rõ thái độ phê phán với loại nhân vật nữ ma quái thì trong quá trình kể chuyện, người kể chuyện nhiều khi lại giữ thái độ thương cảm và bênh vực cho loại nhân vật này. Trong cách miêu tả vẻ đẹp của nhân vật nữ ma quái ta thấy niềm yêu mến, nâng niu thay vì sự ghê sợ. Không phải ngẫu nhiên mà với tất cả các nhân vật này người kể chuyện chỉ tập trung miêu tả hình dáng xinh đẹp của họ trước khi bị phát hiện, rất hiếm miêu tả dáng vẻ chúng sau khi đã hiện nguyên hình là ma quái (xem Bảng 2). Cũng như thế, loại hành động mà người kể chuyện chú trọng miêu tả là những cuộc giao hoan ân ái. Những hành động hưng yêu tác quái có xuất hiện nhưng không phải là hành động chính được miêu tả. Và đặc biệt, niềm ưu ái, trân trọng này thể hiện rất rõ qua các từ định danh nhân vật nữ ma quái. Hầu hết các nhân vật dù sau khi bị phát hiện vẫn được gọi là nàng, người con gái… như trước khi bị phát hiện (xem Bảng 2). Trong số các truyện được khảo sát có 1/4 truyện mà cách xưng hô và cách ứng xử của con người trước và sau khi phát hiện ra mình đã gặp gỡ ma quái luôn thống nhất trong niềm yêu mến, trân trọng, đó là Chuyện kì ngộ ở trại Tây (xem Bảng 1 và Bảng 6). Điều này thể hiện niềm ưu ái đặc biệt của người kể chuyện đối với hai nhân vật nữ ma quái trong truyện trên.

Tư tưởng về người phụ nữ của Nguyễn Dữ ở thế kỉ XVI, dẫu có nhiều tiến bộ vẫn chưa vượt thoát hoàn toàn quan niệm của thời đại mình. Phải đến giai đoạn thế kỉ VII – VIII, với sự xuất hiện của các đại biểu như Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương trong thơ ca, Đoàn Thị Điểm trong văn xuôi, quan niệm về người phụ nữ mới được giải phóng triệt để hơn. Các tác giả say sưa ca ngợi những phụ nữ đẹp và thương cảm cho số phận bất hạnh của họ, ở đó hoàn toàn không còn dấu vết của quan niệm người phụ nữ đẹp là cám dỗ, là ma quái gieo rắc nỗi bất hạnh, kinh hoàng như trong Truyền kì mạn lục.

Như vậy, thông qua việc khảo sát trường nghĩa biểu vật về nhân vật nữ ma quái trong Truyền kì mạn lục bài viết đã chỉ ra một số quan niệm của người Việt Nam thời trung đại về ma quái và phụ nữ. Những quan niệm này vừa mang những nét chung trong tư duy nhân loại vừa mang những nét riêng của văn hoá Việt Nam. Rõ ràng, trong ngôn ngữ văn học in đậm dấu ấn tư duy và tâm hồn dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.

2.    Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận (Ghi chép và suy nghĩ), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3.    Cù Hựu, Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại – Truyền kì mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội.

4.    Đinh Thị Khang (2007), So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kì mạn lục”, Tạp chí Văn học, số 4.

5.    Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

6.         Hoàng Phê (Chủ biên) (2009), Từ điển Tiếng Việt, TT Từ điển học – NXB Đà Nẵng.

7.    Trần Ngọc Thêm, (2000), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

8.    Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, NXB Giáo dục, Hà Nội.

9.    Bùi Minh Toán (2012), Ngôn ngữ với văn chương, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020