Ngôn ngữ

KHẢO LUẬN VĂN BẢN VÀ CHỮ NGHĨA BÀI THƠ "HÀ NỘI TỨC CẢNH" CỦA DƯƠNG KHUÊ VÀ BÀI CA DAO "GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ"


14-10-2020
Tác giả: TS. Lư Nguyên Minh

Thời gian gần đây, dư luận xã hội và nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc “cắt nghĩa” bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà”. Bài ca dao này có mối quan hệ mật thiết với một bài thơ của Dương Khuê, hiện được in trong nhiều tài liệu khác nhau, vậy phải xem đó là bài thơ hay bài ca dao? Đó là bài thơ được ca dao hoá hay là từ chất liệu ca dao đã đi vào văn chương bác học? Bài thơ lại từng có những cách hiểu khác lạ về nghĩa hàm ẩn, nên chăng cần thảo luận và trao đổi rộng thêm?

KHẢO LUẬN VĂN BẢN VÀ CHỮ NGHĨA BÀI THƠ HÀ NỘI TỨC CẢNH CỦA DƯƠNG KHUÊ

VÀ BÀI CA DAO GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ

TS. Lư Nguyên Minh

Đại học Sư phạm Hà Nội

 

1. Thời gian gần đây, dư luận xã hội và nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc “cắt nghĩa” bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà”. Bài ca dao này có mối quan hệ mật thiết với một bài thơ của Dương Khuê, hiện được in trong nhiều tài liệu khác nhau, vậy phải xem đó là bài thơ hay bài ca dao? Đó là bài thơ được ca dao hoá hay là từ chất liệu ca dao đã đi vào văn chương bác học? Bài thơ lại từng có những cách hiểu khác lạ về nghĩa hàm ẩn, nên chăng cần thảo luận và trao đổi rộng thêm? Một mặt khác, bài ca dao “Gió đưa cành trúc…” còn có một dị bản lưu truyền rộng rãi ở miền Trung, được nhiều tài liệu chính thức giới thiệu, với câu thứ 2 là “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”, thế thì con đường lưu chuyển của bài “ca dao” là như thế nào, bài ca ấy đi từ Thăng Long vào Huế hay từ sông Hương – Thiên Mụ ra Trấn Vũ – Tây Hồ? Từ khi “bài ca dao nói về phong cảnh Hà Nội” được đưa vào nhà trường (1), thì học sinh ở vùng Huế vốn thuộc nằm lòng câu ca nói về đất Huế, vẫn “buộc” (!) phải “cảm nhận về cảnh đẹp Hà Nội” mà chưa có một sự chú giải thực sự thấu đáo nào, khiến cho học trò nhiều thế hệ vướng không ít băn khoăn… Trước tình hình như vậy, việc chúng ta trở lại với các vấn đề đã nêu có thể có ích cho nhà trường và cho học thuật. Trước hết, xin nói thêm về nhầm lẫn trong bài làm của học sinh, từ “tiếng gà báo sang canh” thành “món ngon Hà Nội”. Đây là nhầm lẫn giữa hai từ đồng âm Hán Việt “canh” 更 – chỉ một khoảng thời gian trong ngày  [gà báo sang canh; Nhất canh nhị canh hựu tam canh – Canh một, canh hai lại canh ba (Hồ Chí Minh, Ngục trung nhật kí) ] và “canh” 羹 – món canh, nấu canh, nồi canh  [trừng canh xuy tê – sợ canh nóng mà thổi cả rau nguội (Trần Quốc Tuấn, Dụ chư tì tướng hịch văn) ].  Thực ra, cả 2 chữ / từ “canh” này trong Hán ngữ từ lâu đã đi vào tiếng Việt và được Việt hoá sâu sắc, nhất là chữ “canh” 羹 thứ  hai (món canh), đến mức có người còn cho rằng đó hoàn toàn là một từ gốc Việt (2). Nếu không đặt vào văn cảnh hoặc không biết mặt chữ Hán, thì hiện tượng nhầm lẫn (do đồng âm dị tự trong từ Hán Việt) rất dễ xảy ra. Hiện tượng này khá phổ biến trong nói, viết và sử dụng tiếng Việt hiện nay, mà nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu đã báo động, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục sai. Ví dụ: nhầm lẫn giữa cứu trong cứu cánh (rốt cuộc, cuối cùng) và cứu trong cứu giúpminh (sáng, rõ) trong minh bạch và minh (tối) trong u minhthuỷ (nước) trong sơn thuỷ và thuỷ (đầu tiên) trong thuỷ chung… Gần với hiện tượng trên là nhầm lẫn do đồng âm giữa một từ (yếu tố) Hán với một từ (yếu tố) thuần Việt (3), như yếu (quan trọng – Hán) trong yếu điểm (điểm quan trọng, trọng yếu) với yếu (không mạnh – Việt) trong điểm yếungại (ngáng trở – Hán) trong quan ngại  và ngại (e là, lo lắng – Việt) trong lo ngạixương (tốt đẹp, rực rỡ – Hán) trong xương minh và xương (thành phần cứng, giòn trong cơ thể động vật – Việt) trong da bọc xương… [Thành thử, đã có giai thoại về việc ông Tây dịch câu ca “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương” ra tiếng Anh rồi dịch ngược sang tiếng Việt thành ra “Mụ Trời gõ một tiếng chuông, Canh gà ngon quá hóc xương mấy lần” (!) ]. Thêm nữa, một từ Hán lại có thể có nhiều âm đọc khác nhau mà nghĩa có thể thay đổi hoặc không thay đổi, như  trong Trấn Vũ có thể đọc thành  trong Trấn Võ [nghĩa không đổi]; canh (khoảng thời gian trong ngày) có thể đọc âm cánh (hơn nữa, lại càng) trong câu Tinh thần cánh yếu đại – Tinh thần càng phải cao (Hồ Chí Minh, Ngục trung nhật kí) [nghĩa thay đổi]. Như vậy, với từ canh trong “canh gà Thọ Xương” mà đọc thành “cánh gà Thọ Xương” thì “nguy hiểm khó lường” (!). Đối với nhà trường và xã hội, rõ ràng những nhầm lẫn đáng tiếc như trên còn rất nhiều. Chúng ta không thể coi đây là những chuyện nhỏ, chỉ để nhân dịp nào đó mà đàm tiếu cho vui. Có ý thức như vậy, chúng ta mới có thể có tiếng nói chung trong việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt văn hoá của mình.

2. Về lai lịch của bài thơ Hà thành tức cảnh và các dị bản của bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà: con đường dịch chuyển và lưu truyền

Đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm quan tâm đến vấn đề dị bản bài ca dao và lai lịch bài thơ của Dương Khuê. Cả ý kiến trùng nhau và trái chiều đều không phải là ít, nên vấn đề dường như chưa ngã ngũ. Dựa vào kết quả khảo sát trong các công trình – bài giới thiệu (xin xem Tài liệu tham khảo) và tư liệu chúng tôi trực tiếp xúc, xin phép được tổng hợp và liệt kê theo các khía cạnh và trình tự thời gian (một cách tương đối) như sau:

2.1. Tài liệu văn bản/ và ý kiến khẳng định (hoặc nghiêng về giả thuyết) là bài thơ của Dương Khuê được “ca dao hoá”

– (Khoảng đầu thế kỉ XX ?): Vân Trì thi thảo 雲池詩草 (hay) Yên thiều tập thi sao 燕軺集詩抄 (VHv. 2482). Văn bản này cùng với Vân Đình Dương Khuê Thượng thư tiên sinh 雲亭進士楊珪尚書先生(A.2185) là 2 tập sách của Dương Khuê hiện lưu tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trước các thông tin đa chiều, trong đó có cả những thông tin giả mạo về thơ Dương Khuê, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh lần đầu tiên đã cung cấp về bài thơ Hà Nội tức cảnh mà chúng ta đang bàn (dẫn theo [9]) chép trong Vân Trì thi thảo (bản Vân Trì). Đây là bản Nôm viết thảo, có niên đại khoảng đầu thế kỉ XX, có nhiều dấu hiệu cho thấy bản này do người khác sưu tập và sao chép. Cung cấp của PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh mà Anninhthudo.net đăng tải tại [9] có 3 điểm quan trọng: (a) Cho đến hiện tại, đây là tư liệu văn bản thành văn sớm nhất ghi chép và xác nhận đây là bài thơ của Dương Khuê, đồng thời là tư liệu đáng tin cậy nhất; (b) Tên bài thơ được đọc là “Hà Nội tứ cảnh” chứ không phải là “Hà thành tức cảnh” như một số tài liệu khác đã dẫn (xin xem dẫn giải tiếp theo). Nhìn văn tự với ảnh minh chứng kèm theo bài báo, chữ được PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đọc là “tứ” 四 (bốn) còn được viết gần với chữ “tây” 西 (phía Tây), và vì là viết thảo nên theo chúng tôi còn khá giống với chữ “tức” 即. Nếu là “tức cảnh” / như cách đọc phổ biến lâu nay thì rất dễ hiểu  [tức cảnh sinh tình]; nếu đọc là “tây” thì buộc phải hiểu nhan đề này là “Phong cảnh phía Tây Hà Nội”, cách đọc này – nếu có, sẽ không phù hợp với thực tế (khung cảnh nói đến trong nội dung) và lịch sử (vùng này thuộc trấn Bắc – Hà thành xưa); nếu đọc “tứ” thì xem ra cũng rất có nghĩa: “Bốn cảnh đẹp của Hà Nội”, ứng với bốn địa danh được nhắc đến trong bài. Đọc “tứ” hay “tức” sẽ tạo thành một dạng “dị văn hiện đại quốc ngữ”. Chúng tôi cho rằng, đọc “tức” như cách đọc phổ biến theo tài liệu quốc ngữ từ trước đến nay phù hợp hơn, gần với ý tác giả hơn. Một khả năng rất dễ xảy ra là, người chép sách có thể “nghe nhầm” từ người đọc và không đối soát kĩ lại, do chỗ âm “tức” và “tứ” na ná như nhau (!); (c) Cung cấp cứ liệu chính thức về chữ “canh”  mà nhiều người đang quan tâm, và một dị văn lần đầu tiên được biết đến ở chữ đầu câu cuối: “tiếng” 㗂 chày/ chứ không phải “nhịp chày” theo các bản lưu truyền. Về điểm này, chúng tôi cho rằng, sự lặp lại 2 từ “tiếng” [tiếng chuông, tiếng chày] rõ ràng là không “khéo”, về âm hưởng không thể hài hoà bằng kết hợp đối giữa “tiếng chuông”/ “nhịp chày” [theo cấu trúc đối dọc] trong các bản lưu truyền ghi nhận về sau. Từ đây, dễ thấy, có thể bản ghi theo bản Vân Trì cũng chỉ là một dị bản thơ Dương Khuê mà thôi, tức nó đã có sự sai khác so với nguyên cảo của Dương Khuê (?). Cũng về dị văn, câu thơ đầu tiên bản Vân Trì được ghi nhận là: Phất phơ ngọn trúc trăng tà, giống với ghi chú của Vũ Ngọc Phan và khảo cứu của Nguyễn Duy Diễn, Dương Thiệu Tống sẽ nói đến ở phần sau. Còn những điểm khác biệt giữa bản này so với Nguyễn Duy Diễn và Dương Thiệu Tống, phải chăng sẽ dự báo một khả năng: chúng ta sẽ còn tiếp tục được biết đến những truyền bản chữ Nôm khác nữa của bài thơ. Nếu có thêm được tư liệu, chúng ta sẽ còn tháo gỡ được nhiều băn khoăn khác về văn bản của tác phẩm.

– (1918): Thông tin từ Nam Phong tạp chí. Tháng 4–1918, lần đầu Phạm Quỳnh (1892 – 1945) được ghé chốn Thần Kinh và liền viết bút kí Mười ngày ở Huế để kịp đăng trên Tạp chí Nam Phong (NXB Văn học in lại thành sách, Hà Nội, 2001). Cảm xúc trước phong cảnh nên thơ xứ Huế, ông đã “mượn” nửa bài thơ cũ, thêm bớt đôi chỗ, nhằm "tức cảnh" thành câu ngợi ca phong cảnh Huế: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương. Dưới cặp lục bát "tân trang" này, Phạm Quỳnh viết thêm: "Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca(LNM nhấn mạnh, dẫn theo Phanxipăng – [2], xem thêm [11]). Như vậy thì, câu ca/ câu thơ đã từ Hà thành vào kinh đô Huế, rồi sau này trở thành ca dao xứ Huế, chỉ bắt đầu với Phạm Quỳnh, từ sau 1918. Điều này có cơ sở đáng tin cậy, vì từ trước đến nay không có tài liệu (nghiên cứu hoặc sưu tầm) nào xác nhận câu ca xứ Huế được lưu truyền từ trước đó. Nếu có, nó hẳn đã được tao nhân mặc khách giỏi chữ hay thơ đất thần kinh nhắc đến hoặc sao chép.

– (1925 – 1940): Trần Trung Viên (? – 1946), nhà văn, nhà sưu tầm Việt Nam có công lần đầu tiên sưu tầm nhiều thơ văn cổ, xuất bản thành sách Văn đàn bảo giám (Nam Kí xuất bản, 1925 – 30). Sau đó, ông cùng Dương Bá Trác, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khắc Hiếu sưu tầm thêm, in lại, có bổ sung, thành 3 tập, hoàn thành năm 1938. Sách này ghi nhận Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê.

– (1960): Luận đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960). Cho đến hiện nay thì đây là công trình khảo cứu công phu, nghiêm túc, đáng tin cậy nhất về Dương Khuê. Nhà giáo uy tín Nguyễn Duy Diễn chắc chắn đã khảo các tư liệu Hán Nôm để lấy đó làm căn cứ luận thuật, xác nhận về bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê. Thông tin cung cấp từ công trình này được chính TS. Dương Thiệu Tống dẫn dụng vào cuốn sách Tâm trạng Dương Khuê – Dương Lâm  [1], từ đó xuất xứ bài thơ Hà Nội tức cảnh mới được các tác giả khác “ồ ạt” dẫn theo.

– (1970 – 1973): Tư liệu Dương gia phả kí của dòng họ Dương Vân Đình (4). Đây là tư liệu dòng họ, được hậu duệ của Dương Khuê cung cấp thông tin cho báo giới khoảng năm 1995, từ đó nhiều người truyền dẫn theo nhau và đi đến xác nhận: tư liệu này có chép bài thơ Hà thành tức cảnh của Dương Khuê, bài thơ của Dương Khuê được ca dao hoá với một vài dị văn. Thông tin về Dương gia phả kí chúng tôi được nhà báo Đặng Hải Đăng (người Vân Đình) cung cấp, là tài liệu đánh máy, do ông Dương Thiệu Cương soạn năm khoảng năm 1970 – 1973 (5). Như vậy đây là một tài liệu mới, độ tin cậy hẳn không cao bằng các tài liệu xưa. Chúng tôi chưa rõ liệu Dương gia phả kí có “tiền thân” của nó là một tư liệu gia phả Hán Nôm hay không, xin chờ thông tin của các nhà khảo cứu. Nếu không, chắc sách này cũng phải có một nguồn tư liệu Hán Nôm khác, nếu biết được điều này cũng sẽ cung cấp được những thông tin quý giá.

– (1991): Ca dao xứ Huế bình giải (tập 1) do Ưng Luận soạn thảo (Sở Văn hoá – Thông tin Thừa Thiên – Huế, 1991) phản ánh: "Không ngờ hai câu này đã gây nên nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi, vì chùa Thiên Mụ ở Huế mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội". Tức là Ưng Luân ghi nhận một dị bản bài ca khác với Văn học dân gian Bình Trị Thiên nói trên. Vẫn theo suy luận của  [2]: “Tương tự trường hợp Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê, đôi câu lục bát của Phạm Quỳnh chẳng mấy chốc đã hoà vào "kho tàng văn học dân gian quý giá". Mức độ phổ biến trở nên sâu rộng, một phần nhờ thiên hạ đua nhau... tranh luận quanh một địa danh”. Vấn đề nảy sinh là, ở Huế tuy không có làng Thọ Xương như Phạm Quỳnh nói, nhưng vẫn có đồi Thọ Cương, hay đồi Long Thọ, và đồi này cũng từng có các tên là Thọ Xương, Thọ Khương (xin xem phần Phụ lục bài viết này)  [chữ Hán, cương có nghĩa là đồi – LNM]. Vì thế, canh gà Thọ Cương theo như dị bản ghi trên vẫn hay và hợp lí (!).

– (1995): Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm  [1] của TS. Dương Thiệu Tống: khảo Dương gia phả kí và chép lại bài thơ Hà Nội tức cảnh trong sách của Nguyễn Duy Diễn kèm nhận xét về câu lục mở đầu: "Có người đã sửa đổi câu thơ này là Gió đưa cành trúc la đà, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ẩn dụ của toàn câu mà chỉ có ý nghĩa tả cảnh mà thôi”. Theo đó, câu mở đầu của Dương Khuê là “Phất phơ ngọn trúc trăng tà”.

– (1995 – 1996): Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) [8] và Văn học & Tuổi trẻ  (NXB Giáo dục) [6] có các bài công bố thông tin sưu tầm, bình luận sơ lược và nghiêng về giả thuyết bài thơ vốn của Dương Khuê được dân gian hoá thành bài ca ca ngợi cảnh đẹp Hà Nội. Tuy nhiên, văn bản sưu tầm có khác nhau đôi chút: Hà thành tức cảnh và Hà Nội tức cảnh. Cùng một nguồn dẫn liệu là Dương gia phả kí nhưng Hải Đăng ghi là “cành trúc” còn Dương Thiệu Tống khẳng định phải là “ngọn trúc” mới đúng (!) …

– (1996): Theo thông tin cung cấp của TS. Nguyễn Việt Hùng (ĐHSP Hà Nội), khoảng năm này, GS. Kiều Thu Hoạch căn cứ vào Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên cho rằng đây là thơ Dương Khuê, từ đó GS còn nêu một vấn đề có ý nghĩa lí luận về Quy luật quá trình sáng tạo văn học dân gian. Ý kiến của GS Kiều Thu Hoạch được phát biểu nhân ý kiến của Nguyễn Xuân Lạc. Nguyễn Xuân Lạc đặt vấn đề “Cảnh đẹp Tây Hồ – ca dao hay thơ”, dựa trên vấn đề đối trong bài ca dao để tranh luận với GS Hoàng Trinh…

– (1997): Nhân đọc sách của TS. Dương Thiệu Tống [do TS. Nguyễn Xuân Diện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho mượn, tại thời điểm này anh cho biết đang nghiên cứu về các tác giả họ Dương – Vân Đình] và các thông tin trên báo Văn nghệVăn học & Tuổi trẻ; lại nhân có ý kiến băn khoăn của sinh viên ĐHSP Hà Nội dịp giảng chuyên đề hàng năm về từ Hán Việt, chúng tôi viết bài “Chữ và nghĩa trong bài Hà thành tức cảnh” [7]. Bài viết này khi in, biên tập có cắt bớt một số ý và có một số lỗi chế bản. Chúng tôi nghiêng về việc không đồng tình với cách hiểu về nghĩa hàm ẩn bài Hà thành tức cảnh mà TS. Dương Thiệu Tống phân tích (xin xem tóm tắt tại mục 3 của bài viết này). Cho đến nay, cách hiểu của TS. Dương Thiệu Tống được nhiều trang mạng dẫn lại nhưng cũng không có bình luận chi tiết. Chúng tôi ghi nhận đây là một ý kiến quan trọng đáng quan tâm.

2.2. Tài liệu văn bản/ và ý kiến khẳng định (hoặc nghiêng về giả thuyết) là bài ca dao được Dương Khuê “tập ca dao” thành bài thơ lục bát

– (2010): Những điều nên biết, Nguyễn Văn Thái (Hoa kì) (dẫn theo [3]): Tài liệu này không dẫn cứ liệu nhưng nêu quan điểm khác biệt với các ý kiến có trước, nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Xin phép tác giả được trích một số ý (in nghiêng): Không biết từ lúc nào, câu ca dao xứ Huế với “tiếng chuông Thiên Mụ” đã trở thành câu thơ miêu tả phong cảnh Hà Nội với “tiếng chuông Trấn Vũ”. Người ta cho rằng cụ Dương Khuê là người đầu tiên đã đưa “tiếng chuông Thiên Mụ” ra Hà Nội trong một bài thơ lục bát của cụ. Một trong những bài thơ bốn câu lục bát, niêm luật rất nghiêm chỉnh, được ưa chuộng nhất của cụ Dương Khuê là bài ca tụng bốn cảnh nên thơ của Hà Nội. Chùa Thiên Mụ… ở trên đồi cao cho nên tiếng chuông vang đi rất xa. Phong cảnh hữu tình được tạo ra bởi tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy sáng, bụi trúc ven sông, và dòng sông Hương thơ mộng đã là động lực giúp cho thi nhân xứ Huế sáng tác ra câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà; tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”Bài thơ… của cụ Dương Khuê được sáng tác vào khoảng thập niên 1870, sau nhiều năm cụ sống tại Huế. Do đó ta có thể nói rằng câu ca dao trên đây đã thấm nhập vào trí óc cụ Dương Khuê. Vì thế, khi cụ trở ra miền bắc, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, cụ làm bài thơ Hà Nội tức cảnh để gửi gấm nỗi lòng của mình. Hai dòng đầu của bài thơ, cụ đã mượn câu ca dao nói trên nhưng thay đổi địa danh cho hợp với phong cảnh của Hà Nội: Chùa Thiên Mụ đổi thành chùa Trấn Vũ. Rất may là Hà Nội cũng có địa danh Thọ Xương cho nên cụ không cần phải đổi địa danh này. Vì không rành về địa danh cho nên nhiều tác giả đã nhất quyết cho rằng chùa Trấn Vũ phải đi kèm với Thọ Xương thì mới hợp lí để tả phong cảnh Hà Nội; và rằng chùa Thiên Mụ đi kèm với Thọ Xương thì không hợp lí tí nào cả vì Huế không có địa danh Thọ Xương ...

– (Sau 2010): Nhiều trang mạng cá nhân dẫn lại hoặc đồng tình với ý kiến Nguyễn Văn Thái nêu trên. Theo đó, đây là bài ca dao “xịn”, có nguồn gốc Huế, được Dương Khuê “cảm” rồi viết thành bài thơ. Nguyễn Văn Thái không nói đến bài ca dao tả cảnh Hà Nội, nhưng xem ra, theo logic mạch văn thì bài ca dao tả cảnh Hà Nội hẳn cũng có nguồn gốc Huế (?), có thể là do bài thơ của Dương Khuê làm cầu nối, làm “trung gian” chăng (!).

2.3. Tài liệu văn bản/ và ý kiến chỉ ghi nhận đây là [những] bài ca dao

– (1956): Vũ Ngọc Phan cho xuất bản Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (sưu tầm, nghiên cứu, 2 tập, 1956, tái bản nhiều lần) tuyển bài ca dao ca ngợi Hà thành. Ông không nói rõ là xuất xứ từ thơ Dương Khuê nhưng có chú giải thêm cho câu đầu: có bản chép là Phất phơ ngọn trúc trăng tà, đây là thông tin quan trọng để chúng ta so sánh với Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê (xin xem dẫn giải tiếp theo). Có thể Vũ Ngọc Phan cũng đã biết về bài thơ của Dương Khuê, nhưng nhiệm vụ sưu tập ca dao khiến ông không bận tâm nhiều đến vấn đề này. Bài ca dao theo bản Vũ Ngọc Phan còn một dị bản nữa ở câu 3: “Tuyệt mù”, thay vì như bản phổ biến là “Mịt mù” khói toả ngàn sương.

– (1975 – khoảng 1995): Đây là khoảng thời gian bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà” được đưa vào nhà trường các cấp, từ phổ thông đến đại học. Các giáo trình đại học như: (a) Văn học dân gian, tập II, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973 ghi nhận đây là bài ca dao thể hiện “cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của giang sơn đất nước thân yêu" của nhân dân; (b) Văn học dân gian, tập I, phần 2, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1976 nhận xét [bút pháp] bài ca dao “như một bài Đường thi tuyệt tác”; (c) Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, xếp bài lục bát ấy vào chương Văn học dân gian trong thời kì Đại Việt – từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX (dẫn theo [2]). Còn SGK phổ thông, trải nhiều lần đổi chương trình – thay sách  [Văn 6 – 1994; Văn 7 chỉnh lí – 1995…], bài ca dao này lúc được dạy chính khoá, lúc trong phần đọc thêm, lúc thuộc chương trình địa phương hay ngoại khoá văn học… nhưng thường xuyên “có mặt”, chứng tỏ các soạn giả SGK và chương trình cũng như các thầy cô giáo đều đánh giá rất cao tác phẩm này trong việc bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách thế hệ trẻ.

– (1987): Khoa Ngữ văn ĐHSP Huế đã tuyển chọn và ấn hành công trình sưu tầm – điền dã công phu Văn học dân gian Bình Trị Thiên. Bài ca dao nói về cảnh đẹp xứ Huế được ghi nhận như sau: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương. Thuyền về xuôi mái dòng Hương, Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay? Sách trên không bàn về dị bản bài ca, cũng không chú về mối liên hệ với Hà Nội tức cảnh. Tức nghiễm nhiên quan niệm đây đơn thuần là ca dao Huế. Thực tế, bài ca này dân gian còn hát/ hò là “Linh Mụ” thay là “Thiên Mụ”; “Thọ Xương” thay là “Thọ Cương”; “sông Hương” thay vì “dòng Hương”; “Biết mô/ Mần răng/ Có nghe thay vì Biết đâu”... Chúng ta coi đấy là những dị bản của bài ca dao Huế. Theo suy luận của  [2] thì, trên tiến trình folklore hoá, cặp lục bát mà Phạm Quỳnh cải biên từ thơ Dương Khuê đã được dân chúng cố đô tiếp tục phát triển đầy sáng tạo thành ca dao như trên.

2.4. Một vài ý kiến khác

– (1969): Hoàng Đạo Thuý viết sách Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội (Hội Văn nghệ Hà Nội, 1969, tái bản 2010) từng giãi bày ấn tượng: “Những buổi sớm tinh sương mùa đông, khách dạn sương đi trên đường Thanh Niên không thấy trời, không nhìn rõ mặt nước, trên đầu cành lá rũ nặng giọt, bên trái lung linh ánh trăng úa hạ huyền; lúc ấy lòng lâng lâng, không ngâm mà cũng như ngâm câu thơ cổ [LNM nhấn mạnh]: Phất phơ ngọn trúc trăng tà... Gà xóm bên hồ đã gáy, chuông hồi đã đổ dồn, đồng bào Bưởi đã dậy giã dó từ lâu. Mặt trời mới hé trên đê Yên Phụ mở ra một tấm gương phẳng lặng rắc phấn hồng...”. (dẫn theo  [2]) .

– (1982): Đoạn văn trên của Hoàng Đạo Thuý được PGS. Đỗ Bình Trị trích dẫn trong sách Giảng văn của Khoa Ngữ văn ĐHSP I Hà Nội rồi cước chú: “Cụ Hoàng Đạo Thuý gọi đây là câu thơ cổ [LNM nhấn mạnh] chắc không phải không có lí do. Bài ca dao này có yếu tố thơ, yếu tố bác học rất rõ” (dẫn theo [2]). Lời bình và dẫn trích của Hoàng Đạo Thuý là rất quan trọng. Bởi 2 nhẽ: (a) ông không gọi đây là bài ca dao, mà gọi là thơ cổ, tức là sáng tác bác học, PGS. Đỗ Bình Trị cũng rất nhạy cảm nhận ra và khẳng định điều này [tôi chắc rằng ở thời điểm 1982 nếu PGS. Đỗ Bình Trị biết thông tin về Hà Nội tức cảnh thì ông chắc chắn đã dừng lại ở vấn đề này lâu hơn]; (b) câu thơ mà Hoàng Đạo Thuý dẫn trích giống hệt bản ghi theo bản Vân Trì và Dương gia phả kí, mà nhiều tài liệu khẳng định là thơ của Dương Khuê.

2.5. Tạm tổng kết về sự dịch chuyển văn bản

 Trải qua một “tiến trình” lần theo bài thơ/ bài ca dao như trên, dẫu chưa thật đầy đủ và còn phải kiểm chứng thêm về tư liệu, nhưng có thể thấy, đây là một trong những trường hợp tác phẩm có “lai lịch” phức tạp vào bậc nhất trong đời sống văn chương nước nhà. Có điều chắc chắn là, càng phức tạp bao nhiêu, càng cho thấy sức sống, sức lay động và lan toả của bài ca/ bài thơ nổi tiếng này. Chúng tôi cũng có kì vọng vẽ được một sơ đồ “lưu truyền” và “dị bản, dị văn” của tác phẩm “kép”  [bác học và bình dân, bác học nhưng bình dân, bình dân mà bác học; bình dị mà đài các, đài các kiêu sa nhưng dung dị thuần hồn] này, nhưng gần như bất lực. Cho nên, vẫn phải tạm tổng kết thành 2 hướng, và mỗi hướng đều chỉ là “khả năng”  đơn giản nhất mà thôi. Khái niệm “dị bản” và “dị văn” ở đây hiểu theo nghĩa mở rộng, bao gồm cả ở sách Hán Nôm và các tài liệu chữ Quốc ngữ.

(a). Bài thơ

– Về “hành trình”: Có 2 khả năng lớn nhất:

a1. Dương Khuê (nguyên cảo) ®  [Bản Vân Trì ?] ® Ca dao Hà Nội (dị bản, dị văn)

a2. Dương Khuê (nguyên cảo) ®  [Bản Vân Trì ?] ® Phạm Quỳnh ® Ca dao Huế (dị bản, dị văn)

Trong sơ đồ trên, bản Vân Trì có thể đã xuất hiện dị văn so với nguyên cảo của Dương Khuê, ca dao Hà Nội và Phạm Quỳnh có thể tiếp nhận từ nguyên cảo hoặc từ dị bản Vân Trì

– Về văn bản: Lấy bản ghi theo kết quả khảo luận của Dương Thiệu Tống  [1] làm cơ sở: (Hà Nội tức cảnh. Phất phơ ngọn trúc trăng tà, Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương. Mịt mùng khói toả ngàn sương, Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ). Ta có 2 hướng sau:

a1. Dương Khuê (4 câu, có nhan đề: Hà thành/ Nội tức/ tứ/ tây cảnh, câu 1: Phất phơ ngọn trúc trăng tà, câu 3: Mịt mù/ mịt mùng, câu 4: Tiếng chày/ nhịp chày) ® Ca dao Hà Nội (4 câu, mất nhan đề, câu 1: Gió đưa cành trúc la đà, câu 3: Mịt mù/ tuyệt mù, câu 4: Dịp chày/ nhịp chày) .

a2. Dương Khuê (4 câu, có nhan đề: Hà thành/ Nội tức/ tứ/ tây cảnh, câu 1: Phất phơ ngọn trúc trăng tà, câu 3: mịt mù/ mịt mùng, câu 4: Tiếng chày/ dịp chày) ® Phạm Quỳnh (2 câu đầu, mất nhan đề, câu 1: Gió đưa cành trúc la đà) ® Ca dao Huế (4 câu, mất nhan đề, câu 2: Tiếng chuông Thiên Mụ/ Linh Mụ, thêm 2 câu sau hoàn toàn khác như đã dẫn) .

Ở “giáp ranh” a1 và a2 còn một khả năng nữa: Phạm Quỳnh là người “chỉnh lí” trực tiếp từ thơ Dương Khuê hay giữ nguyên câu 1 của ca dao Hà Nội đưa vào Huế? Có nghĩa là trước khi Phạm Quỳnh đưa câu ca/ câu thơ vào Huế thì tại Hà Nội, thơ Dương Khuê đã được “ca dao hoá” rồi  [câu 1 ca dao Huế giống hệt câu 1 ca dao Hà Nội].

(b). Bài ca dao

– Về “hành trình”: Cũng có 2 khả năng lớn nhất:

b1. Ca dao Hà Nội ® Dương Khuê (dị bản, dị văn) ® Ca dao Huế (dị bản, dị văn);

b2. Ca dao Huế ® Dương Khuê (dị bản, dị văn) ® Ca dao Hà Nội (dị bản, dị văn);

            – Về văn bản: Ca dao Hà Nội: Lấy bản phổ biến nhất  [ghi theo SGK của Bộ Giáo dục] làm cơ sở: (Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương. Mịt mù khói toả ngàn sương, Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ). Ca dao Huế: Lấy bản phổ biến nhất  [ĐHSP Huế] làm cơ sở: (Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương. Thuyền về xuôi mái dòng Hương, Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay?). Ta có 2 hướng sau:

b1. Ca dao Hà Nội (4 câu, câu 1: Gió đưa cành trúc la đà, câu 3: Mịt mù/ tuyệt mù, câu 4: Dịp chày/ nhịp chày) ® Dương Khuê (4 câu, có nhan đề: Hà thành/ Nội tức / tứ/ tây cảnh, câu 1: Phất phơ ngọn trúc trăng tà, câu 3: Mịt mù/ mịt mùng, câu 4: Tiếng chày/ nhịp chày) ® Ca dao Huế.

b2. Ca dao Huế (4 câu, câu 2: Tiếng chuông Thiên/ Linh Mụ canh gà Thọ Cương/ Thọ Xương/ Thọ Khương, câu 3: Thuyền về xuôi mái dòng/ sông Hương, câu 4: Biết đâu/mô/chi…//Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay) ® Dương Khuê (4 câu, có nhan đề: Hà thành/ Nội tức/ tứ/ tây cảnh, câu 1: Phất phơ ngọn trúc trăng tà, câu 3: Mịt mù/ mịt mùng, câu 3 – 4 thay đổi hoàn toàn như dẫn trên) ® Ca dao Hà Nội.

Ở hướng (b) cần chú ý thêm khía cạnh này: Các tác phẩm văn học dân gian, khuyết danh, nhưng khởi điểm của nó cũng thường do một trí thức dân gian hoặc nhà nho hay chữ sáng tác, sau đó mới bắt đầu chuyển vận vào nhân dân rồi biến đổi không ngừng. Vậy, nếu coi bài thơ của Dương Khuê bắt đầu từ ca dao dân gian (Hà Nội hoặc Huế) thì trước đó, người khơi dòng đầu tiên là ai, chắc chắn chúng ta bất lực không thể tìm ra. Trong các xu hướng và khả năng trên, chúng tôi không đề cập một khả năng khó xảy ra, đó là bài ca dao này bắt nguồn từ một vùng khác, tỉ dụ như chúng ta ghi nhận một dị bản cũng ở Miền Trung: “Gió đưa cành trúc là đà, Tiếng chuông Hải Đức, canh gà bên sông” (Non Nước Khánh Hoà – Nguyễn Đình Tư) (dẫn theo: Lê Quang Thái [5]). Mặt khác, xét ở góc độ văn bản, những địa danh, xét về mặt chữ Hán, có 2 âm đọc như Võ/Vũ, An/Yên chúng tôi không quan niệm đó là dị văn. Tất nhiên đã là nhân danh địa danh thì cách đọc thực tế thế nào ta phải theo như vậy, có điều khó là cách đọc này có khi cũng biến đổi theo thời kì. Đến đây, cần thiết phải đưa ra một ý kiến nhận định khách quan: Xét tổng thể các dữ liệu có được một cách khách quan nhất, chúng tôi – cũng như phần đa các ý kiến – cho rằng: đây là bài thơ của Dương Khuê đã được ca dao hoá, nó được truyền tụng bằng những con đường khác nhau, từ Hà Nội vào Huế và lan toả tới các vùng khác. Chúng ta chờ đợi thêm những bằng chứng mới có thể tiếp tục được công bố để xác nhận chính thức điều này. Theo thông tin mà TS. Nguyễn Việt Hùng gợi ý: trong mối quan hệ giữa bài thơ và bài ca dao, từ / động thái “phất phơ” trong sáng tác bác học này là một trường hợp cá thể, khi được ca dao hoá đã chuyển thành “gió đưa” – là một hiện tượng phổ biến  [với hơn 60 đơn vị xuất hiện trong ca dao cổ truyền]. Phải chăng, đấy là quy luật sáng tạo văn học dân gian lí thú mà GS. Kiều Thu Hoạch đã khái quát. Theo đó, chúng tôi nghĩ thêm, đã là “phất phơ” thì phải gắn với “ngọn trúc”, “gió đưa” thì phải gắn với “cành trúc”; mà đã “gió đưa cành trúc” thì phải gắn với “la đà” thì mới thực sự hài hoà và hợp lí. Con đường dân gian hoá một sáng tác bác học là theo logic này.

3. Chữ và nghĩa của văn bản – tác phẩm

3.1. Gà báo sang canh hay canh thịt gà? – Chứng cứ không bất lực! (Chú giải cho ý kiến “Canh gà Thọ Xương hay sự bất lực của chứng cứ”)

 Nhằm phục vụ lâu dài cho học sinh các thế hệ, chúng tôi xin “chú giải” ý kiến của một bài luận mà giaoduc.net.vn đăng lại  [10]. Bài luận này bàn nhiều vấn đề rất tâm huyết, có nhiều ý kiển hay, nhưng chúng tôi chỉ chú ý  cách nêu vấn đề sau đây của tác giả, ý kiến này chỉ là một mục nhỏ trong bài luận, xin phép được dẫn trích (ý dẫn trích in nghiêng): – (…) có một sự thật đang diễn ra: Rất nhiều người đã và đang hiểu "canh gà Thọ Xương" là món canh gà. Vấn đề đó có đơn giản là "sai thì sửa" hay không? Và ai là người sai? – Nào, vậy thì ai đó, làm ơn chứng minh giúp tôi "canh gà Thọ Xương" không phải là món canh gà? – Về logic ngữ cảnh, ngữ nghĩa, cái tiếng gà gáy sang canh kia quả nhiên có nên thơ và đúng điệu hơn là cái bát canh gà mỡ màng thô tục. Về đăng đối ngữ pháp, trật tự lượng từ + danh từ (tiếng + chuông, nhịp + chày, canh + gà, mặt + gương) có vẻ sẽ ổn thoả hơn việc bỗng dưng xen vào một trật tự danh từ + bổ ngữ. Nhưng đó là cách nghĩ của chúng ta, là logic của chúng ta, chứ không phải của ông tác giả! Biết đâu cái món canh gà mà chúng ta cho là vô duyên và thô tục, đối với ông ấy lại rất liên quan và rất nhã thì sao?! (…). – Hãy đưa ra một văn bản được coi là cổ nhất, trong đó nếu tác giả viết chữ 更 (canh) thì đó là gà gáy sang canh, còn nếu tác giả viết chữ  (cũng đọc là canh) thì đó khả năng cao đích thị là món canh gà. Nói khả năng cao, là vì không loại trừ bản này chép sai so với bản gốc, hoặc mượn chữ ghi âm – những tình huống này đều chẳng lạ lẫm gì đối với người hay đọc các văn bản chữ Nôm hiện tồn (...) – …bản thân câu thơ này vốn đã không tường minh về ngữ nghĩa].

 Công bố của PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh  [9] phần nào là lời giải đáp cho câu hỏi nêu trên về chứng cứ văn bản. Nhưng đó đã phải là văn bản cổ nhất chưa thì chúng ta phải đợi tìm thêm dị bản của bài thơ được ghi lại bằng chữ Nôm. Cho đến hiện nay, kho sách Hán Nôm Việt Nam lưu trữ tại các thư viện, viện nghiên cứu không có văn bản chuyên sưu tập ca dao nào bằng chữ Nôm có ghi nhận về bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà”. Chúng ta chỉ có các bản chữ quốc ngữ ghi nhận về bài ca dao này vào đầu thế kỉ 20 trở đi. Điều này chứng tỏ bài ca dao này xuất hiện rất muộn. Bản Vân Trì chép tác phẩm của Dương Khuê không phải là bản tác giả, không có bút tích của Dương Khuê. Bài thơ của họ Dương là do người khác sưu tập – biên chép, liệu có khả năng làm biến đổi 2 chữ canh trong tác phẩm của Dương Khuê không (?). Bản chép tay của Dương Khuê về bài thơ này (cảo bản – nếu có) cũng không còn, nên không thể thể đi tìm chứng cứ theo hướng xem Dương Khuê viết chữ canh nào. Mặt khác, giả sử có một truyền bản nào đó bằng chữ Nôm, do chính Dương Khuê viết hoặc người khác viết, mà chép chữ canh là 羹(nồi canh) thì cũng không được phép hiểu đây là món canh thịt gà. Nghĩa của chữ phải đặt trong cấu trúc ngữ nghĩa của văn bản. Vì: theo chứng minh của ngành văn bản học Hán Nôm, bản thân tác giả, chứ không nói đến người chép sách khác, cũng có thể mắc sai sót nhầm lẫn về văn tự. Điều mà người làm công tác minh giải văn bản Hán Nôm luôn lưu ý là: từ văn bản và cấu trúc ngữ nghĩa của văn bản để chứng minh ý đồ/ tư tưởng/ cách hiểu của tác giả. Nguyên tắc văn bản học Hán Nôm, cần phải dựa vào chứng cứ văn bản, văn tự nhưng nếu tuyệt đối hoá nó thì có thể dẫn đến sai lầm. Nếu không có chứng tích văn tự, không có dị bản để so sánh, sẽ phải cần đến những hỗ chứng, bàng chứng. Nhưng với trường hợp này, không cần phải đặt vấn đề nghi vấn xem tác giả đã thực đã hiểu thế nào, vì chúng ta đã có nội chứng xác tín, đấy chính là văn bản Nôm vừa được công bố và liên kết ngữ pháp – ngữ nghĩa như chính tác giả bài luận đã chỉ ra một phần. Nghĩa của chữ canh này (nghĩa văn tự, không bàn đến nghĩa ẩn dụ, nghĩa hình tượng…) là đơn nghĩa, không thể đa nghĩa và cũng chẳng có chơi chữ gì ở đây cả. Chữ Nôm, về nguyên tắc là hệ thống văn tự biểu âm, một âm có thể viết bằng nhiều cách hay dùng nhiều chữ khác nhau để biểu thị, miễn là nó “gọi” ra được cái âm cần biểu thị là được  [cho nên dẫu viết chữ canh nào thì chữ ấy cũng chỉ được phép hiểu một nghĩa duy nhất: gà báo sang canh]. Cố nhiên, một chữ có thể đọc thành nhiều cách khác nhau lại là một chuyện khác. Dẫu về cơ bản hệ thống chữ Nôm vẫn dùng phương thức biểu ý và biểu âm kết hợp, nhất là với trường hợp những từ mượn nguyên chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt như chữ canh chẳng hạn, nhưng không phải trong thực tế văn bản Nôm không có ngoại lệ. Ngoài ra, cả trong chữ Hán và chữ Nôm, thực tế văn bản còn có phép giả tá (mượn chữ), tức viết chữ này nhưng phải hiểu nghĩa chữ kia.

     3.2. Về một cách hiểu và lí giải ý nghĩa bài thơ “Hà thành tức cảnh”

 Cách đây 15 năm, nhân việc bài thơ Hà thành tức cảnh được công bố rộng rãi trên báo chí và sách vở, chúng tôi đã nêu ý kiến về vấn đề này trong bài “Chữ và nghĩa trong bài Hà thành tức cảnh”  [7]. Để học sinh và bạn đọc yêu mến bài ca dao và quý trọng nhà thơ Dương Khuê có thêm tư liệu, chúng tôi xin tóm lược lại nội dung của bài viết này.

     Tính mơ hồ đa nghĩa là một thuộc tính của tác phẩm thơ ca. hay nói cách khác, chính yếu tố đa nghĩa góp phần quyết định cho việc truyền đạt nội dung thẩm mĩ của tác phẩm thơ ca. Xét các tầng bậc nghĩa trong một áng thơ, người ta đã chia một cách tương đối thành lớp nghĩa đen và nghĩa bóng (nghĩa thực và ẩn dụ). Ngữ nghĩa sự vật – logic thông tin từ ngôn từ sẽ cho tác phẩm lớp nghĩa thứ nhất. còn lớp nghĩa ẩn dụ là kết quả của quá trình trừu xuất từ các quan hệ nội tại của bản thân tác phẩm. Có nghĩa là, tính đa nghĩa của tác phẩm văn học phải được xác lập một cách không mơ hồ. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến một cách hiểu rất lạ về bài thơ Hà thành tức cảnh. Cho đến nay, bài thơ này vẫn còn nhiều nghi hoặc về mối liên hệ của nó với bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà (hiện tại được giảng dạy trong chương trình văn học lớp 7). Giữa bài thơ (cứ tạm coi là của Dương Khuê) với bài ca dao chỉ khác nhau ở câu đầu. Ca dao: Gió đưa cành trúc la đà; Thơ: Phất phơ ngọn (cành) trúc trăng tà (...). Ở đây, chúng tôi xin không bàn về lai lịch tác phẩm cũng như tác giả bài thơ (…) mà chỉ xin nói về cách hiểu theo nghĩa ẩn dụ của bài Hà thành tức cảnh (Dương Thiệu Tống,  [1], tr.102 – 103). Hi vọng rằng việc giới thiệu này có ý nghĩa đối với việc dạy – học văn trong nhà trường.

Câu 1: Phất phơ ngọn trúc trăng tà được bình luận như sau: “Trăng là một từ thường được tác giả dùng để ám chỉ các triều thần trong sạch, hết lòng thờ vua, giúp nước. Trúc là cây trúc, biểu tượng cho tiết tháo của người quân tử. Ở đây tác giả nhắc đến cảnh trăng tà, tức là cảnh trăng sắp sửa lặn, ngụ ý nói đến sự suy tàn của tầng lớp nho sĩ triều thần cũ, nhường chỗ cho tầng lớp tiết tháo mới (ngọn trúc) bắt đầu hoạt động (phất phơ)”. Đúng là hình tượng “trăng” và “trúc” thường tượng trưng cho vẻ đẹp, cho tâm hồn trong sáng cũng như khí tiết của con người trong thơ ca. Nhưng ở đây vẻ đẹp của hình tượng chỉ tập trung miêu tả cảnh trí thiên nhiên. Xin hãy chú ý đến động thái “phất phơ” và hình ảnh “trăng tà” lồng trong lay động của ngọn trúc là rất hợp lí, hài hoà; tạo cho người đọc ấn tượng đầy thẩm mĩ về sự vận động của các chiều không gian bằng việc đặc tả cảnh vật. Trăng là biểu trưng tinh khiết của tâm hồn chứ không bao giờ lại ngụ ý cho sự già nua, suy tàn của nhà nho cả, dẫu là lớp nhà nho cuối mùa chăng nữa. Hơn nữa, chẳng nhẽ chỉ “ngọn trúc” mà không phải là “cành trúc” mới biểu thị cho tiết tháo của lớp người trẻ! [TS. Dương Thiệu Tống khẳng định phải là ngọn trúc mới đúng]. Ta thấy, ngay cả khi thi hào Nguyễn Trãi phải chịu những bi kịch thảm khốc nhất thì trúc vẫn là tượng trưng cho sự tinh khiết, cho cái ngạo nghễ của khí phách và tâm hồn con người trước cuộc đời. Không nên nhìn hình tượng của nhà thơ một cách thông tục không có sở cứ như thế. Vậy xin trả lại cho câu thơ nét thanh tú vốn có của nó.

Câu 2: Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương. Chúng tôi coi liên hệ của tác giả lời bình là có thể chấp nhận được,  [nếu tách câu thơ này ra khỏi cấu trúc toàn bài]. Bởi vì phép chơi chữ trong thơ ca, dùng tên địa danh để ngụ ý tâm trạng, nỗi lòng là thoả đáng. Dựa vào truyền thuyết đền Trấn Võ, được dựng vào triều Lý, để trấn yểm ác thú “cửu vĩ tinh” (con tinh chin đuôi) tác giả bài viết hiểu “Tiếng chuông Trấn Võ, ngụ ý nói tiếng chuông chống xâm lăng”, trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược (…). Tiếp theo, ông bình “bốn chữ canh gà Thọ Xương ám chỉ thời kì bắt đầu sự thịnh vượng lâu dài, bền vững của đất nước”  [canh gà báo hiệu thời gian, thọ chữ Hán là bền vững lâu dài, xương là thịnh vượng – LNM]. Như thế, trong bối cảnh của lịch sử dân tộc, gắn với tâm trạng thiết tha với đất nước của nhà thơ, nghĩa ẩn dụ mà TS. Dương Thiệu Tống khám phá ít nhiều mang lại một sự thú vị đáng kể.

Câu 3 và 4: Mịt mù khói toả ngàn sương, Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ. Theo đà tìm ngữ nghĩa ẩn dụ sau khi giải thích yên thái có nghĩa yên ổn thái bình, tác giả lời bình lưu ý đến truyền thuyết về Hồ Tây: đó là dấu tích của con “cửu vĩ tinh” vật vã trước khi chết. (…) Từ đó ông viết: “Dù theo nghĩa nào chăng nữa, mặt gương Tây Hồ ở đây cũng nói lên sự phẳng lặng, sáng sủa… sau thời kì chống xâm lăng và kẻ thù đã bị tiêu diệt”. Xem thế, ý Dương Khuê là mượn thơ tả cảnh để nói “niềm mong ước lạc quan của mình về tương lai đất nước”. Tất nhiên, xin lưu ý lại là, một số nghĩa ẩn dụ mà chúng ta có thể tán thành ở đây chỉ khi nào tác phẩm thực sự là sáng tác bác học thì mới thoả đáng. Trong khi sách Văn 7 vẫn trích giảng bài ca Gió đưa cành trúc la đà … chúng tôi đề nghị cần có bổ chú cần thiết, như thế người học tập và thưởng bình mới yên tâm được. Xin trở lại lời bình luận bài thơ Hà thành tức cảnh, tác giả Dương Thiệu Tống đã diễn nghĩa bài thơ như sau: “Tầng lớp nho sĩ của cụ suy tàn đi, nhường chỗ cho lớp trẻ tiết tháo kế tiếp bắt đầu hoạt động (Câu 1). Tiếng chuông chống xâm lăng sẽ thức tỉnh con người, đem đến một ngày mai thịnh vượng, bền vững lâu dài cho đất nước (Câu 2). Giữa lúc hiện tại đang còn mờ mịt như làn sương mai (Câu 3). Bắt đầu nổi lên những dấu hiệu của sự yên ổn, thái bình, tình hình đất nước sẽ dần dần trở nên sáng sủa, phẳng lặng như mặt nước Hồ Tây (Câu 4)”. Theo chúng tôi, để đảm bảo tính nguyên toàn cho cái hay, cái đẹp của tác phẩm, không nên “diễn nôm” bài thơ này như trên (dẫu nghĩa bóng có được chấp nhận chăng nữa). Vì như thế, người tham khảo, nhất là học sinh, dễ đánh rơi mất cái lung linh, hài hoà của nghĩa đen (bài thơ tả cảnh), mặc dù TS. Dương Thiệu Tống vẫn thừa nhận “nghĩa đen” ấy. Chúng tôi nghĩ, những điều mà ông trình bày ở trên là chưa lường hết các mối quan hệ nghĩa phức tạp có thể sản sinh từ cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm – trong giao tiếp với bạn đọc ở những ngữ cảnh khác nhau…

4. Tôn trọng tính nguyên toàn của bài Hà Nội tức cảnh mà mọi người đã thừa nhận rộng rãi, phải thừa nhận rằng đây là một áng thơ tuyệt bút. Đặc biệt là hình ảnh trăng tà, rất logic với khung cảnh mờ sương ban mai Hây Hồ. Thực mà hư ảo đến lạ lùng. Nó đủ sức khơi dậy và dẫn dắt chúng ta vào tiềm thức. Bài ca dao “Gió đưa cành trúc…” đã được nhiều nhà giáo, nhà văn và học sinh các thế hệ thưởng bình. Trong số đó, chúng tôi chú ý nhất các ý kiến của PGS. Đỗ Bình Trị trong sách Giảng văn (đã dẫn), vốn được coi như giáo trình môn giảng văn trước đây ở ĐHSP Hà Nội  [môn Giảng văn trước đây có trong chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn của ĐHSP Hà Nội, tồn tại trong khoảng 1970 – 1985, nay đã được thay thế bằng những môn học khác]. Trong khi chờ đợi những bài bình, bài phân tích hay nhất, sâu sắc nhất về bài ca dao, có thể tạm hình dung về hướng cảm nhận – phân tích chung nhất (cho đối tượng học sinh phổ thông) như sau:

– Cần lưu ý giới thiệu mối quan hệ của bài ca dao (Hà Nội hoặc Huế) với bài thơ lưu truyền của Dương Khuê. Liên hệ hiện tượng tác phẩm văn học viết được dân gian hoá và ngược lại: Nguyễn Du, Nguyễn Duy mượn ca dao và thơ Nguyễn Du, Nguyễn Duy được dân gian hoá; “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen” của Bảo Định Giang được ca dao hoá…

– Phân tích, cảm nhận bài ca: cảnh đẹp non sông đất nước  [theo vùng miền]; tình yêu thiết tha gắn bó với quê hương và gửi gắm tâm sự, thể hiện đời sống tâm hồn phong phú, tinh tế, ý nhị… của con người.

– Bút pháp và thủ pháp nghệ thuật: Bài ca Hà Nội viết theo thể phú (phú: phô diễn  [vẻ đẹp]…); Bài ca Huế theo thể hứng (hứng: nhân cảnh nói tình); Bức tranh tả cảnh theo lối thuỷ mặc, giàu màu sắc hội hoạ; từ ngữ hình ảnh tạo hình, giàu sức gợi, sức biểu cảm; đường nét, âm hưởng hài hoà, thống nhất, logic… Nghệ thuật đối trong bài ca dao Hà Nội cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Cảm nhận bài này nên so sánh với bài kia và có thể so sánh với bài thơ của Dương Khuê. Ở đây, chúng tôi xin không đề xuất phương pháp tổ chức dạy học, là lĩnh vực mà chúng ta, cả những người trong cuộc và ngoài cuộc, sẽ còn tiếp tục phải lao tâm khổ tứ. Giống như hành trình đa chiều của (của và đến với) một tuyệt phẩm, chúng ta không thể cứng nhắc theo một cách nào, hay tuyệt đối hoá theo cách của riêng mình.

        Busan, Ngày 20 tháng 10 năm 2012

 

Chú thích

(*) Xin xem toàn văn bài khảo luận này tại địa chỉ: nguvan.hnue.edu.vn (21/10/2012) .

(1). Bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà” được đưa vào giảng dạy và tham khảo trong nhà trường từ rất sớm, từ trước 1975. Gần đây nhất, khoảng năm 1995 – 1999, được giảng dạy trong chương trình Văn lớp 7. Hiện nay nó chỉ có mặt trong một số tài liệu tham khảo dùng trong nhà trường và chương trình ngoại khoá địa phương. Tuy vậy, sức sống của bài ca này vẫn vô cùng mãnh liệt, nó thường xuyên được giáo viên ngữ văn các cấp dẫn dụng, được học sinh say sưa phân tích – cảm nhận.

(2). Có người cũng cho rằng, từ “canh” (tên món ăn, trong nồi canh) ở tiếng Việt là cách đọc Việt hoá của từ “thang” trong Hán ngữ. Cần lưu ý, chỉ trong Hán ngữ hiện đại (bạch thoại từ nửa sau thế kỉ XIX) thì “thang” mới có nghĩa phổ biến là món canh. Còn trước đây, trong Hán ngữ cổ, đã có từ “canh” với nghĩa là món canh, “thang” chỉ có nghĩa là nước đun sôi hoặc làm nóng cái gì đó bằng nước đun sôi. Trong khi, theo cứ liệu văn Nôm, chắc chắn tiếng Việt dùng “canh” với nghĩa là món canh đã có từ trước thế kỉ XV.

(3). Các khái niệm/ thuật ngữ “gốc Việt”, “thuần Việt” hiện còn tiếp tục có những ý kiến bàn luận. Trong bài viết này, chúng tôi tạm dùng với nghĩa/ và theo quan điểm: “gốc Việt” là chỉ về nguồn gốc xuất xứ của từ ngữ, do cộng đồng người Việt sản sinh, như đất, nước, núi, sông, lúa, trầu, cau… (tương tự, “gốc Hán” là xuất phát từ tiếng Hán, như thổ, địa, thuỷ, giang, sơn…), còn “thuần Việt”, ngoài việc chỉ các từ “gốc Việt”, còn chỉ các từ có nguồn gốc khác nhưng đã vào tiếng Việt lâu đời, được Việt hoá sâu sắc về ngữ âm, ngữ nghĩa, cấu trúc… đồng thời hoạt động tự do trong câu tiếng Việt (như các từ/ các yếu tố: uống chègiường cướimùa màngcanh cua… vốn là những từ/ yếu tố gốc Hán).

(4). Họ Dương Vân Đình, trước thuộc huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng HoàHà Nội). Đây là dòng họ nổi tiếng về chính trị, thi cầm và khoa bảng.

(5). Cũng xem: Hải Đăng  [4]. Nhà báo Đặng Hải Đăng, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội. Vào năm 1996, có cùng tôi tranh luận về cách hiểu bài thơ Hà thành tức cảnh mà anh sưu tầm. Về Dương gia phả kí, gần đây TS. Nguyễn Xuân Diện đã khảo cứu và nêu thông tin cho dư luận về bài thơ của Dương Khuê; cùng với những công bố của PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh  [9], góp phần quan trọng làm sáng tỏ những nghi vấn về bài thơ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1.   Dương Thiệu Tống, Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm, NXB Văn Học, Hà Nội, 1995.

2.   Phanxipăng, Từ một bài thơ ngắnhttp://chimviet.free.fr/39/ phanxipn_tubaithongan.htm (cập nhật 15/10/2012)

3.   http://quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?p=1039511 (cập nhật 15/10/2012)

4.   http://khamphahue.com.vn/Default.aspx?layout=3&lvbvid=98D2B2AD–11D1–441F–A8BC 66CD23539F63&bvid=5616&AspxAutoDetectCookieSupport=1 (cập nhật 15/10/2012):

5.   http://yume.vn/bachlienhoa_2010/article/nguon–goc–cau–ca–dao–gio–dua–canh–truc–la–da–tieng–chuong–thien–mu–canh–ga–tho–xuong.35D59BBC.html

6.   Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, tập 6, NXB Giáo dục, H. 1996.

7.   Lư Nguyên Minh (1997), Chữ và nghĩa trong bài Hà thành tức cảnh, Văn học và Tuổi trẻ, tập 22, trang 16 – 17, NXB Giáo dục, H.

8.   Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, các số 45 (11/11/1995), 12 (23/3/1996).

9.   An ninh thủ đô. http://www.anninhthudo.vn/Xa–hoi/Su–that–ve–chu–canh–trong–canh–ga–Tho–Xuong/470123.antd (cập nhật 18/10/2012).

10.              “Canh gà Thọ Xương” hay sự bất lực của chứng cứ (http://giaoduc.net.vn/Giao–duc–24h/Canh–ga–Tho–Xuong–hay–su–bat–luc–cua–chung–cu/238527.gd (cập nhật 17/10/2012)

11.              http://phamquynh.wordpress.com/2009/02/19/tac–ph%E1%BA%A9m–m%C6%B0%E1%BB%9Di–ngay–%E1%BB%9F–hu%E1%BA%BF/ (Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, NXB Văn học, H., 2001).

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020