Ngôn ngữ

NHẬN DIỆN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ TRONG HÀNH CHỨC


14-10-2020
Tác giả: GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên

Đề tài đi sâu tìm hiểu những sự khác biệt của tục ngữ so với thành ngữ trong hành chức (thể hiện qua văn bản văn học), từ đó, chúng giúp rút ra một số kết luận trong việc dạy tục ngữ (khác với thành ngữ) trong hành chức.

NHẬN DIỆN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ TRONG HÀNH CHỨC

(trên tư liệu truyện ngắn, tiểu thuyết)

                                                                GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên

Đại học Vinh

 

 

1. Đặt vấn đề

Thành ngữ, tục ngữ không chỉ tồn tại trong tiếng Việt mà cả trong nhiều ở ngôn ngữ trên thế giới. Từ trước đến nay, thành ngữ, tục ngữ được các nhà nghiên cứu khá nhiều. Họ có thể nghiên cứu chúng trên những bình diện khác nhau, hoặc đi sâu giải nghĩa một thành ngữ, tục ngữ cụ thể, nhưng nhìn chung, họ đều nghiên cứu chúng với tư cách là những đơn vị riêng lẻ, đứng độc lập, tách rời ngữ cảnh, đó là tư cách của những đơn vị cấu trúc trong hệ thống ngôn ngữ  [xem 5, 6,  8, 9, 12, 13, 15, 17, 20].

Trong hệ thống từ điển thành ngữ, tục ngữ đã được biên soạn và công bố, chúng tôi nhận thấy các tác giả biên soạn chúng một cách độc lập theo thứ tự a, b, c. Riêng cuốn Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên và các tác giả cộng sự Hoàng Văn Hành, Lê Xuân Thại, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (1995) là cuốn duy nhất biên soạn thành ngữ dựa vào tư liệu phong phú, trong hoạt động giao tiếp. Trong lời nói đầu, tác giả Hoàng Văn Hành viết: “Ngoài lời giải nghĩa và các chú thích cần thiết, Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt còn đưa vào các câu trích dẫn nguyên văn lấy từ các tác phẩm văn học, sách giáo khoa các cấp và báo chí xuất bản ở Việt Nam trong khoảng 20 năm lại đây để minh hoạ cho cách dùng thành ngữ trong giao tiếp” [23, 5]. Như vậy, tính đến năm xuất bản 1995, đây là một cuốn từ điển được biên soạn công phu, khoa học, chú ý đến thành ngữ trong hoạt động giao tiếp. Tuy cuốn từ điển được công bố gần 20 năm nhưng điều quan trọng là nó đã tạo tiền đề khoa học cho chúng tôi chú ý đến thành ngữ, tục ngữ được sử dụng trong giao tiếp. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong đề tài của chúng tôi là tư liệu tục ngữ để khảo sát, phân tích, miêu tả chỉ trích từ tác phẩm văn học. Trên cơ sở đó, chúng tôi rút ra những đặc điểm riêng tục ngữ so với thành ngữ, khác với khi chúng được sử dụng trong văn bản báo chí (như: báo Kinh tế, Thể thao, Văn hoá, Lao động, Nhân dân,...) hoặc trong giao tiếp hàng ngày (thuộc phạm vi gia đình, xã hội). Vì vậy, đề tài của chúng tôi đi sâu tìm hiểu những sự khác biệt của tục ngữ so với thành ngữ trong hành chức (thể hiện qua văn bản văn học), từ đó, chúng giúp rút ra một số kết luận trong việc dạy tục ngữ (khác với thành ngữ) trong hành chức.

2. Đặc điểm của thành ngữ, tục ngữ trong hành chức           

2.1. Về số lượng thành ngữ, tục ngữ được sử dụng trong văn bản

Chúng tôi chọn 10 tác phẩm văn học xuất bản trong 10 năm lại đây (từ 2003) thì nhận thấy thành ngữ và tục ngữ được sử dụng có số lượng khác nhau (xem bảng 1).

Bảng 1. Sự khác biệt về số lượng sử dụng thành ngữ, tục ngữ

TT

Tác giả

Tác phẩm

Số lượng

Tổng số

Thành ngữ

Tục ngữ

 1

Võ Thị Hảo (2005)

Giàn thiêu

174

9

183

2

Ma Văn Kháng (2009)

Một mình một ngựa

72

32

104

3

Nguyễn Xuân Khánh (2012)

Mẫu thượng ngàn

195

31

226

4

Chu Lai (2006)

Phố

76

8

84

5

Lê Lựu (2010)

Hai nhà

90

27

117

6

Bảo Ninh (2011)

Nỗi buồn chiến tranh

33

5

38

7

Nguyễn Khắc Phê (2011)

Biết đâu địa ngục thiên đường

182

36

218

8

Hồ Anh Thái (2012)

SBC là săn bắt chuột

132

32

164

9

Đặng Thân (2007)

Những mảnh hồn trần

167

34

201

10

Dương Thuỵ (2012)

Oxfort thương yên

65

9

74

 

Tổng số

(Tỉ lệ %)

 

1186 (84,18%)

223 (15,82%)

1409

(100%)

Trong tổng số thành ngữ và tục ngữ được sử dụng là 1.409 thì thành ngữ là 1.184 đơn vị, chiếm 84,18%, còn  tục ngữ là 223 đơn vị, chiếm 15,82%.  Con số và tỉ lệ này nói lên, cứ khoảng 10 câu văn thì xuất hiện 8,5 câu chứa thành ngữ, 1,5 câu chứa tục ngữ.

Như vậy, có thể rút ra kết luận số lượng thành ngữ được sử dụng trong tác phẩm văn học bao giờ cũng lớn hơn tục ngữ.

2.2. Về chức năng của thành ngữ, tục ngữ trong văn bản

Khi phân biệt thành ngữ với tục ngữ, tác giả Hoàng Văn Hành viết: “Thành ngữ tuy có nhiều nét tương đồng với tục ngữ (như: tính bền vững về cấu tạo, tính bóng bẩy về nghĩa,...) nhưng lại khác tục ngữ về bản chất. Sự khác biệt thể hiện ở chỗ: Thành ngữ là những tổ hợp từ "đặc biệt", biểu thị những khái niệm một cách bóng bẩy, còn tục ngữ là những câu – ngôn bản đặc biệt, biểu thị những phán đoán một cách nghệ thuật” [9, 31]. Sự khác biệt mà tác giả Hoàng Văn Hành đã khẳng định là: tục ngữ biểu thị những phán đoán một cách nghệ thuật. Đây là một kết luận quan trọng nhưng theo chúng tôi, cần bổ sung thêm một đặc điểm nữa, đó là: trong hành chức, thành ngữ có chức năng cấu tạo phát ngôn, còn tục ngữ lại có chức năng cấu tạo đoạn văn (trong chỉnh thể văn bản).  

Qua thống kê thành ngữ được sử dụng trong tác phẩm của 6 tác giả Nam Cao, Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Hồ Anh Thái, Dương Thuỵ, chúng tôi thu được kết quả như sau (xem bảng 2):

Bảng 2. Khả năng đảm nhận các chức năng cú pháp của thành ngữ

trong tác phẩm của 6 tác giả

Tác giả

Làm thành tố cấu tạo trong câu

Làm thành tố cấu tạo trong
cụm từ

Tách thành câu riêng biệt

  Tổng số

Thành phần chính

Thành phần

phụ

Chủ ngữ

Vị ngữ

Trạng ngữ

Đề ngữ

Giải thích ngữ

Bổ ngữ

Định ngữ

Nam Cao1

4

117

5

0

0

61

53

12

252

Vũ Bằng2

12

286

63

0

0

193

310

9

873

Nguyên Hồng3

0

69

15

0

0

49

61

0

194

Nguyễn Công Hoan4

14

24

2

0

0

39

51

5

135

Hồ Anh Thái5

5

101

27

0

0

119

85

0

337

Dương Thuỵ

0

39

13

0

0

85

37

0

174

Tổng cộng

35

636

125

0

0

546

597

26

1965

Kết quả của bảng thống kê trên nói lên thành ngữ là cụm từ cố định, có giá trị tương đương từ, vì vậy, nó có thể tham gia làm thành phần cấu tạo phát ngôn, đó là làm thành phần chính: chủ ngữ và vị ngữ. Tuy vậy, thành ngữ thường làm vị ngữ cao hơn rất nhiều so với làm chủ ngữ. Trong phát ngôn, thành ngữ có khả năng làm vị ngữ với số lượng là 636 lần, làm chủ ngữ 35 lần.

Khi tham gia làm thành phần phụ của phát ngôn, thành ngữ có khả năng làm trạng ngữ với số lượng là 125 lần (chủ yếu là trạng ngữ cách thức và trạng ngữ thời gian). Khi làm thành phần phụ của cụm từ, thành ngữ xuất hiện với tư cách là bổ ngữ với số lượng là 546 lần, là định ngữ với số lượng là 597 lần. Sự xuất hiện với số lượng khá cao ở chức năng vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ cho chúng ta thêm căn cứ để kết luận: Thành ngữ mang nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng, vì vậy, khi nó xuất hiện trong phát ngôn với chức năng miêu tả, góp phần làm cho phát ngôn trở nên hình ảnh, đặc biệt là trong tác phẩm văn chương. Trường hợp thành ngữ xuất hiện với tư cách là một phát ngôn, đứng riêng lẻ cũng rất hạn chế (có 26/1965 thành ngữ), bởi vì thành ngữ mới chỉ là cụm từ cố định, nên cần có ngữ cảnh, nó mới có khả năng xuất hiện với tư cách là phát ngôn đặc biệt.

Ví dụ: Cuộc sống mỗi ngày một khó thêm. Gạo kém thóc cao. Ngô khoai cũng khó chuốc được mà ăn. [NCTT, t.1, tr.221]

Sau đây là một số ví dụ thành ngữ đảm nhận các chức vụ cú pháp trong phát ngôn, như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ:

– Vừa ngẩng mặt lên, hắn tức thì tưng hửng. Đôi lông mày sâu róm của hắn // nhấc cao đến lưng chừng trán. [NCTT, t.1, tr.221] ® Làm chủ ngữ

– Dần //chân yếu tay mềm lắm. Hắn thà nhịn đói mà ở cửa ở nhà thì còn hơn.  [NCTT, t.1, tr.221] ® Làm vị ngữ

– Con giun xéo mãi cũng quằn, tôi không còn nhịn được nữa, tiền học tháng này còn chưa đưa cho người ta. [VB, TNMH, tr.253] ® Làm trạng ngữ chỉ cách thức.

– Người ta thăm hỏi nhau, kiêng mắng chó chửi mèo, không hốt rác, rồi trồng nêu, vạch vôi vẽ cung tên, chẳng qua chỉ để hi vọng năm sắp tới, bản thân mình, gia đình mình, làng nước mình sẽ khôn ngoan hơn, khoẻ mạnh hơn, sinh sản nhiều hơn.[DT, BCCMV, tr.120] ® Làm bổ ngữ

– Chị Hai đôi khi nhìn tôi chép miệng: “Chỉ sợ thằng Hoài vô môi trường đó dễ sa ngã, phải chi nó chịu học cho giỏi rồi tìm một nghề ăn chắc mặc bền như em. [DT, HCCBMG, tr.120] ® Làm định ngữ

Tóm lại, trong văn bản, thành ngữ xuất hiện với tư cách là một thành phần cấu tạo phát ngôn, giống chức năng của từ.

Trái lại, tục ngữ được sử dụng với số lượng ít hơn rất nhiều so với thành ngữ. Trong 10 tác phẩm (bảng 1), chúng tôi thống kê được số lượng là 223 phát ngôn chứa tục ngữ/1186 phát ngôn chứa thành ngữ. Điểm khác nhau để phân biệt thành ngữ với tục ngữ đó là: Nếu như thành ngữ xuất hiện chủ yếu trong phát ngôn với tư cách là thành phần cấu tạo của phát ngôn thì tục ngữ lại xuất hiện chủ yếu với tư cách cấu tạo đoạn văn.

Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy tục ngữ có khả năng xuất hiện với 3 dạng: a) là thành tố cấu tạo đoạn văn; b) là một vế cấu tạo phát ngôn ghép; c) là thành tố cấu tạo của phát ngôn đứng riêng.

2.2.1. Tục ngữ là thành tố cấu tạo đoạn văn

Như chúng ta biết đoạn văn là đơn vị của văn  bản, do các phát ngôn kết hợp với nhau theo các kiểu quan hệ: móc xích, song song, quy nạp, diễn dịch, vừa quy nạp vừa diễn dịch (hay còn gọi là tổng phân hợp). Tuy vậy, trong đoạn văn, tục ngữ được sử dụng có ba dạng:

a. Tục ngữ đứng trước

Trong đoạn văn dạng này, tục ngữ thường là phát ngôn thứ nhất nêu lên một kết luận mang tính khái quát. Tiếp sau là phát ngôn mang nghĩa biểu hiện một phương diện, một hiện thực cụ thể của phát ngôn tục ngữ theo cách liên tưởng của nhân vật. Quan hệ giữa hai phát ngôn là quan hệ móc xích.

– “Ăn không lo, của kho cũng phải hết. Dâu chỉ còn ăn độ vài ngày nữa, nếu hắn không bày trò gì hay thì kệ xác hắn, hắn sẽ đói rã ruột”. [TNBNL, 112] ® Phát ngôn có nghĩa là “Ăn không có kế hoạch, không biết trù liệu thì của cải không mấy cho vừa” đứng ở đầu phát ngôn, nhằm nêu lên một nhận thức mang tính khái quát của người Việt được rút ra thành kinh nghiệm. Phát ngôn đứng sau nêu lên một hiện thực cụ thể xảy ra minh chứng cho phát ngôn có tính khái quát đó.

Cũng có khi tục ngữ đứng đầu nêu lên một nội dung cụ thể, phát ngôn thứ hai, đứng sau nêu lên suy nghĩ của nhân vật về nội dung do tục ngữ thể hiện (có các động từ như: nghĩ, lẩm bẩm, than thở, nói…). Đây cũng là quan hệ móc xích.

– “‘Chó ba khoanh mới nằm’. Ông Năm Tự lẩm bẩm như vậy, tự hào cho rằng chó săn của mình là giống tốt nhất”. [SN, HRCM, I, 254]

b. Tục ngữ đứng sau

Bên cạnh dạng tục ngữ đứng trước, ta còn gặp tục ngữ đứng sau một phát ngôn khác. Phát ngôn đứng trước nêu lên một hiện thực cụ thể xảy ra với nhân vật. Phát ngôn thứ hai chứa tục ngữ nêu lên một hành động suy lí, có tính khái quát.

  – “Tôi làm ra tôi phải hưởng. Ối dồi ôi! Cứ nhiếc đi. Sống lâu mới biết đêm dài”.  [MVK, MLRTV, 231]

 Giữa hai phát ngôn có quan hệ trực tiếp, đi từ cụ thể đến khái quát. Đây là kiểu đoạn văn chứa tục ngữ xuất hiện với số lượng nhiều nhất.

c.Tục ngữ đứng giữa đoạn

Có trường hợp, đoạn văn có 3 (hoặc 4) phát ngôn, tục ngữ đứng giữa, vừa liên kết với phát ngôn đứng trước nó (hiện thực – khái quát), vừa liên kết với phát ngôn sau nó (khái quát–hiện thực). Đây là đoạn văn tổng phân hợp.

– “Ngoạn đứng dậy, giọng trầm xuống:

– Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất. Đàn ông chả mấy người biết thương con cái. Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết thì liếm lá dọc đàng. Mẹ mà chết đi thì… con ơi!” [NCTT, t.1, 296 ]

    – “Ông say mê phong trào như say mê đàn bà. Nước nổi thì bèo nổi. Không có phong trào khai hoang thì làm sao có ông. Ông có chức vị như hôm nay cũng là nhờ các phong trào ấy.” [MVK, MMMN,116]

 2.2.2. Tục ngữ xuất hiện với tư cách là vế của phát ngôn ghép

Bản thân tục ngữ có khả năng xuất hiện với tư cách là một vế của phát ngôn ghép, theo hai kiểu quan hệ, đó là quan hệ đẳng lập và quan hệ chính phụ.

a. Quan hệ đẳng lập

Giữa vế chứa tục ngữ và vế thứ hai có quan hệ đẳng lập (có ngữ điệu hoặc có quan hệ từ đẳng lập liên kết).

– “Nàng nhìn chàng thấy ngon. Nhất dáng nhì da thứ ba là cái ở bên trong quần bơi, hoàn chỉnh như thế mà ba mươi sáu tuổi chưa con nào bỏ bùa cũng lạ.” [HAT, II, 74] ® giữa hai vế của phát ngôn ghép có quan hệ đẳng lập (dùng ngữ điệu liên kết).

– “Ngày xưa thì một người làm quan, cả họ được nhờchứ bây giờ, đừng hòng.”  [CV, BB2, 165] ® giữa hai vế của phát ngôn ghép có quan hệ đẳng lập nhưng trái chiều nhau, có quan hệ từ chứ liên kết.

– “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh nhưng hay hơn cả là đừng để giặc đến nhà mà phải đánh, phải không?” [NQT, HT, 198] ® giữa hai vế của phát ngôn ghép có quan hệ đẳng lập nhưng trái chiều nhau, có quan hệ từ chứ liên kết.

    – “Thôi thì của đi thay ngườirồi người lại làm ra của.” [MVK, MLRTV, 106] ® giữa hai vế của phát ngôn ghép có quan hệ đẳng lập, theo chiều tuyến tính, các hành động diễn biến theo thời gian, có quan hệ từ rồi liên kết.

     – “Và tất nhiên, ông Hói trưởng ban A được gọi lên. Dùi động đến đục, đục chạm đến săng thế là Điền phải lên đường.” [MVK, BB, 63] à giữa hai vế của phát ngôn ghép có quan hệ đẳng lập, theo chiều tuyến tính, các hành động diễn biến theo thời gian, có quan hệ từ  liên kết.

b. Quan hệ chính – phụ

Trong phát ngôn thuộc dạng này, vế thứ nhất nêu lên một hiện thực xảy ra trong cuộc sống, vế thứ hai đứng sau (chứa tục ngữ) liên kết với vế thứ nhất theo quan hệ chính – phụ, thông qua quan hệ từ . Ví dụ:

     – “Bà vợ của ông không thể kìm nén được khát muốn của đàn bà là phải có con,  có con như bồ hòn có rễ, và bà đã có con.” [MVK, MMMN, 301]

– “Bác gái nói về bác trai không hay lắm chắc cũng  cái khó nó bó cái khôn thôi.” [LL, HN, 33] ® Ở 2 ví dụ trên, vế thứ nhất đứng trước liên kết với vế thứ hai theo quan hệ chính phụ thông qua quan hệ từ .

Có trường hợp, quan hệ từ  trong phát ngôn chứa hành động hiện thực đứng trước, vế chứa tục ngữ đứng sau.

– “Thừa cho là bọn tá điền bên mình, một là họ bướng, hai là họ trây, ba là họ láu,  Ma-ri dễ dãi một lần thì được đằng chân, họ lân đằng đầu.” [NCH, ĐRC, 418] ® Giữa hai vế của phát ngôn ghép có quan hệ từ  đứng ở vế trước của phát ngôn.

Tục ngữ xuất hiện trong vế phát ngôn ghép chứa cặp quan hệ từ nếu…thì:

– “Thầy San hoà giải:

– Đừng nói chuyện cũ. Chỉ biết rằng nếu nó làm trót lọt lần này, thì được đằng chân, lân đằng đầu, nó cứ theo nhau hết. Chị Nhân lo là phải, anh Nhương phải giúp sức.” [CV, I, 366]

2.2.3. Tục ngữ là thành tố cấu tạo của phát ngôn

Trong văn bản văn học, chúng tôi gặp những dạng sau:

a. Tục ngữ được sử dụng đứng sau danh từ làm định ngữ

Ở dạng này thường có các danh từ đứng trước kết hợp với tục ngữ: câu, phương pháp, tinh thần, kiểu, quan niệm, tuổi, tâm lí, trận, cảm giác + tục ngữ có tác dụng nêu lên một nhận xét, một kinh nghiệm sống được nhân vật đúc rút (khác chức năng miêu tả của thành ngữ khi làm định ngữ (Ví dụ: Người có ăn có học, chứ có phải là quân vong ân bội nghĩa, ăn cháo đái bát đâu).

– “‘Thuốc lào Cấp Tiến’ – nghe nó lủng lẳng cái cảm giác ‘làm đĩ phải năm toi trai’ ấy em ơi.” [ĐT, NMHT, 46]

   – “Rồi cô thẹn thùng tự an ủi trước khi chìm vào giấc ngủ gà ngủ gật trên chuyến xe lửa dài dằng dặc ‘trong cái rủi có cái may’, mình khỏi lâm vào cảnh ‘khôn ba năm dại một giờ’”.  [DT, III, 131]

b. Tục ngữ được sử dụng đứng sau động từ làm bổ ngữ

Trong hành chức, tục ngữ còn có khả năng đứng sau động từ để bổ sung ý nghĩa cho động từ, như: lo, nói, bảo, khuyên, biết, nghĩ, lảm bẩm... Tuy đứng sau động từ nhưng chức năng của tục ngữ là nêu lên một sự đúc rút, một kết luận khái quát, vế thứ hai tiếp theo nêu lên một biểu hiện cụ thể của cái khái quát đó. Trong khi đó, thành ngữ đứng sau động từ thường nêu nội dung của động từ (Người ta thăm hỏi nhau, kiêng mắng chó chửi mèo).

“Người ta bảo ‘khôn ba năm dại một giờ’; đằng này anh chị tự do ở bên nhau cả đêm như thế.” [NKP, BDĐNTĐ, 328] ® tục ngữ đứng sau động từ bảo. Nó có qua hệ với vế phát ngôn thứ hai.

Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp hiện tượng: Có dấu hai chấm đi kèm dấu ngoặc kép (“”), hoặc dấu hai chấm (:) và sang hàng, gạch ngang đầu dòng. Với dạng này, có thể xem phát ngôn được bắt đầu từ dấu gạch ngang thể hiện của nhân vật.

Dấu hai chấm sang hàng, gạch ngang đầu dòng:

“  Đông cười:

– Ăn được ngủ được là tiên, cô Phượng ạ.” [MVK, MLRTV, 13]

Có dấu hai chấm (:) đi kèm dấu ngoặc kép (“”)

-        “Số báo cũ này khiến Xuân được anh em dưới tàu mến, có lợi cho Xuân trong đại hội công đoàn tới nếu Xuân được các sếp coi là cán bộ kế cận, giới thiệu cơ cấu chấp hành. Xuân rất hiểu tầm quan trọng của cơ cấu và hay lẩm nhẩm một danh ngôn: ‘Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một giây’”. [BNT, BVCBC, 403]

Tuy xét theo vị trí tuyến tính thì, trong văn bản văn học, tục ngữ xuất hiện sau động từ dưới hai hình thức: (1) tục ngữ đứng ngay sau động từ, và (2) có dấu hai chấm kèm dấu ngoặc kép (hoặc kèm dấu gạch ngang xuống hàng), nhưng xét về ngữ nghĩa, chúng mang thông tin chính, đó là sự đúc rút mang tính khái quát từ thực tiễn hay đó là kinh nghiệm được cha ông đúc rút từ trước mà nhân vật rút ra để chiêm nghiệm cho bản thân. Đặc điểm của tục ngữ đứng sau động từ này khác với thành ngữ khi đứng sau động từ (nằm chết khô chết nỏ, phải thắt lưng buộc bụng, đứng tụm năm tụm ba; không dám múa rìu qua mắt thợ, thấy chướng tai gai mắt; lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm), thành ngữ lại miêu tả một kiểu hành động của nhân vật.

2.3. Về quan hệ bên trong giữa các thành tố cấu tạo thành ngữ, tục ngữ

Theo F. de Sausuere, ngôn ngữ là một hệ thống cấu trúc, bao gồm các đơn vị vừa đồng loại vừa không đồng loại.

Quan hệ giữa các thành tố trong thành ngữ (rán sành ra mỡ, đá thúng đụng nia…) là quan hệ chặt chẽ, cố định nên nó được xếp là cụm từ cố định. Theo tác giả Hoàng Văn Hành, thành ngữ được cấu tạo theo hai quy tắc chính: (1) đối – điệp giữa các thành tố (ba cọc ba đồng, hứa hươu hứa vượn…) và không đối – điệp (bé hạt tiêu, gươm kề cổ…), chúng được gọi là thành ngữ ẩn dụ hoá đối xứng, chiếm 2/3 tổng số thành ngữ tiếng Việt; (2) thành ngữ được biểu thị theo kiểu so sánh (rách như tổ đỉa, gầy như que củi…), chúng được gọi là thành ngữ so sánh, chiếm số lượng thứ hai sau thành ngữ đối – điệp. [9, 48 – 49].

Như vậy, nếu căn cứ vào quan hệ ngữ nghĩa (phương thức tạo nghĩa), ta có thành ngữ so sánh và thành ngữ ẩn dụ hoá. Đến lượt mình, căn cứ vào tính đối xứng trong cấu trúc, ta có thể chia thành ngữ ẩn dụ hoá ra hai tiểu nhóm: thành ngữ hoá ẩn dụ đối xứng và thành ngữ hoá ẩn dụ phi đối xứng:

Thành ngữ ® Thành ngữ so sánh + Thành ngữ ẩn dụ hoá (gồm: Thành ngữ

                                      ẩn dụ hoá đối xứng + Thành ngữ ẩn dụ hoá phi đối xứng)

Nếu căn cứ vào cấu trúc thì thành ngữ so sánh cũng là thành ngữ phi đối xứng, nên ta có cách chia thứ hai: (1) thành ngữ đối xứng và (2) thành ngữ phi đối xứng. Trong thành ngữ phi đối xứng, đến lượt mình, ta có thể chia ra hai tiểu nhóm: thành ngữ phi đối xứng so sánh và  thành ngữ phi đối xứng ẩn dụ hoá:

Thành ngữ ® Thành ngữ đối xứng + Thành ngữ phi đối xứng (gồm: Thành ngữ  phi đối xứng so sánh + Thành ngữ phi đối xứng ẩn dụ hoá)

Ngược lại, quan hệ giữa các thành tố trong tục ngữ là quan hệ Đề – Thuyết. Đề là thành phần trực tiếp của câu nêu rõ cái phạm vi ứng dụng của điều được nói bằng thành phần trực tiếp thứ hai: phần Thuyết. Thuyết cũng là một thành phần trực tiếp của câu, nó thuộc bộ phận do khung vị từ là hạt nhân mà phần Đề hướng đến. Nó có tác dụng miêu tả, giải thích phần Đề  [13, 17]. Có thể nói, quan hệ trong nội bộ tục ngữ là quan hệ Đề–Thuyết, kiểu:

Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước; Được thì ăn cả ăn cả, ngã thì về không.

           Đ                       T                       Đ                 T               Đ            T

Tục ngữ có 4 âm tiết

“Tôi xuống xuồng, nói với lại:

– Thời buổi khó khăn, bà con cứ sửa soạn kèn trống giết heo. Tôi gặp cậu Bảy trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Cứ là theo kiểu tiền trảm hậu tấu…  [SN, HRCM, I, 178]

    “Túc mỉa mai:

– Chừng nào con vợ mày trình ra đây số tiền tao đã bao nó thì tao xác nhận ngay, cũng là buồi anh dái chú, sẩy vai xuống cánh tay thiệt gì!” [MVK, BB, 91]

Tuy 4 âm tiết nhưng chúng tôi không xếp Tiền trảm hậu tấu, Buồi anh dái chú vào thành ngữ mà xếp vào tục ngữ, bởi vì, trước hết, ý nghĩa của chúng nêu lên kinh nghiệm trong ứng xử xã hội. Thứ hai, quan hệ giữa hai thành tố: Tiền + trảm, hậu + tấu và giữa Buồi anh + dái chú là quan hệ Đề – Thuyết (quan hệ của phát ngôn xét về mặt chức năng). Mối quan hệ Đề – Thuyết này có thể mở rộng cho tất cả tục ngữ. Để đánh dấu ranh giới Đề – Thuyết, ta sử dụng tác tử thì, mà (Buồi anh thì cũng như dái chú; Bồi thì ở, lở thì đi; Sống thì khôn, chết thì thiêng; Ăn cây nào thì rào cây ấy; Miệng thì nam mô, bụng thì bồ dao găm; Khôn thì sống, mống thì chết; Cây đẹp, có lợi ích thì đó là trồng cây cau; rau trồng dễ, thu hoạch lại cao thì đó là trồng rau cải, nhân ngãi trước sau thì đó là vợ, đầy tớ trung thành thì đó là con; Sống thì có nhà, chết thì có mồ; Ăn thì có vóc (dáng), học thì biết điều hay…). Trong khi đó, thành ngữ 4 âm tiếp không thể phân tích theo cấu trúc Đề – Thuyết (ba chân bốn cẳng, ba máu sáu cơn).

2.4. Về ý nghĩa và đích tác động

2.4.1. Về ý nghĩa

Theo J R. Searle cần phân biệt ý nghĩa và ý định. Ông viết: “Các hành động ngôn từ thường được thực hiện khi tạo ra những âm thanh hoặc tạo ra các chỉ tố. Sự khác nhau giữa việc tạo ra những âm thanh hay tạo ra những chỉ tố là gì? Sự khác biệt thứ nhất là các âm thanh hay các chỉ tố mà ta tạo ra trong khi thực hiện một hành động ngôn từ thường được coi là có nghĩa (to have meaning), còn sự khác biệt thứ hai có liên quan là khi phát ra âm hoặc tạo ra chỉ tố, người ta thường muốn truyền đạt một điều gì đó (mean something) bằng cách sử dụng những âm thanh hoặc chỉ tố ấy” [20, 94].

Để phân biệt sự khác nhau về nghĩa giữa thành ngữ và tục ngữ, chúng tôi so sánh:

* (1) “Gã đồng nghiệp cùng khoá // có lú thì đã có chú nó khôn. Chú nó là cái bất cập của thời đại. Chú nó là Dương, bí thư.” [MVK, ĐCKCGGT, 120]

* (2) “Khởi nghĩa đã mấy năm rồi, chỉ thấy nhân dân // an cư lạc nghiệp, đâu có chuyện chung vợ chung chồng, nuôi con như nuôi lợn.” [CV, BB, T.1, 286]

Ví dụ (1) có tục ngữ, ví dụ (2) có thành ngữ, làm vị ngữ của phát ngôn. Tuy nhiên, ở ví dụ (1), tục ngữ có lú (thì) đã có chú nó khôn lại có quan hệ với phát ngôn đứng sau nó – cùng đề cập đến người chú (Chú nó là cái bất cập của thời đại). Trong khi đó, thành ngữ an cư lạc nghiệp không có mối quan hệ với phát ngôn (hoặc vế câu ghép) đứng sau (đâu có chuyện chung vợ chung chồng, nuôi con như nuôi lợn) .

Như vậy, thành ngữ mang nghĩa, nhưng đó là nghĩa tương đương từ, có chức năng định danh để cấu tạo phát ngôn, trong khi đó, tục ngữ lại có giá trị của phát ngôn, nên nó có chức năng thông báo để tạo đoạn văn.

2.4.2. Về đích tác động

Đích tác động của một phát ngôn thường hướng đến người tiếp nhận, người tiếp nhận cần phải nắm bắt đúng điều là người phát ngôn muốn thể hiện. Theo J. Searle thì: “Nếu chúng ta dùng tiêu chí đích ở lời làm cơ sở để phân loại các cách sử dụng ngôn ngữ thì sẽ có một số lượng rất ít những hành vi cơ sở được thực hiện bằng ngôn ngữ. Chúng ta nói cho người khác biết sự vật là như thế nào, chúng ta cố gắng đẩy họ đến việc làm cái gì đó, chúng ta ràng buộc mình vào việc làm gì đó, chúng ta biểu hiện tình cảm và thái độ của chúng ta. Thông thường thì trong cùng một phát ngôn, chúng ta thực hiện đồng thời nhiều hơn một hành vi” [3, 125]. Trong các phát ngôn chứa tục ngữ đứng độc lập (hay vế của phát ngôn ghép) thì đích của chúng hướng đến là một nhận định hay một kết luận nào đó. Ngay khi tham gia làm định ngữ, bổ ngữ thì đích mà tục ngữ hướng đến cũng là một nhận định, một kết luận nào đó (do người nói đưa ra theo nhận thức của mình). Trái lại, thành ngữ không hướng đến nhận định nào mà chỉ hướng đến miêu tả một hiện thực. Ví dụ:

“Mẹ nó gào lên:

– Khốn nạn, anh bảo thương nó không để trong lòng, mẹ biết để đâu bây giờ. Con người ta chết thì xanh cỏsống thì đỏ ngực, không nghĩ thì thôi, nghĩ là đứt từng khúc ruột. Con mình...” [PNT, TĐĐĐ, 195] ® chứa tục ngữ chết thì xanh cỏsống thì đỏ ngực hướng đến một kết luận, qua đó nhân vật liên tưởng đến con mình.

Còn trong ví dụ:

– “Ta ở đây nên nằm im án binh bất động là hơn – Lão Xáng bàn – phải giấu mình đi, hãy tỏ ra ngoan ngoãn chấp hành các chính sách và luật lệ của Chính phủ Việt Nam.” [NMC, TT, T2, 660] ® chứa thành ngữ án binh bất động hướng đến miêu tả một biểu hiện dáng vẻ nằm của nhân vật.

Kết luận

Qua phân tích trên, chúng tôi thấy cần chú ý đến những đặc điểm sau đây để nhận diện thành ngữ, tục ngữ hành chức trong văn bản.

Trước hết cần quan tâm đến số lượng âm tiết. Khi thành ngữ, tục ngữ có 4, 6 âm tiết thì hãy vận dụng thêm tiêu chí ý nghĩa (nghĩa bóng hay nghĩa khái quát), đồng thời có thể vận dụng tiêu chí: thêm tác tử thì để tìm ra Đề – Thuyết, kiểm tra đích tác động của phát ngôn chứa tục ngữ đến người tiếp nhận.

Thứ hai là tiêu chí quan hệ giữa các thành tố trong thành ngữ và tục ngữ. Nếu đó là quan hệ chặt chẽ của cụm từ cố định để cấu tạo phát ngôn thì đó là thành ngữ), nếu đó là quan hệ Đề – Thuyết có chức năng thông báo để tạo đoạn văn thì đó là tục ngữ.

Thứ ba là tiêu chí ý nghĩa và đích tác động của thành ngữ và tục ngữ. Nếu là thành ngữ thì nó mang nghĩa bóng và nó chưa tạo nên đích tác động của phát ngôn đó, còn nếu là tục ngữ thì nó mang nghĩa hướng đến một kết luận khái quát.

                                                  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Diệp Quang Ban, Giao tiếp Diễn ngôn và Cấu tạo của văn bản, NXB Giáo dục, 2012.

2.   Brown Gillian – Yule George, Phân tích diễn ngôn (Trần Thuần dịch), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.

3.   Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục, 2001.

4.   Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

5.   Nguyễn Công Đức, Bình diện cấu trúc hình thái  ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Việt, LATS Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ, 1995.

6.   Nguyễn Đức Dân, Ngữ nghĩa thành ngữ, tục ngữ – sự vận dụng, Tạp chí Ngôn ngữ, 1986.

7.   Nguyễn Đức Dân, Vài nhận xét về đặc điểm cú pháp của tục ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, 1989, số 3.

8.     Hoàng Văn Hành, Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

9.    Hoàng Văn Hành, Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 2004.

10.    Trần Thị Hồng Hạnh, Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng, LATS Ngữ Văn, Hà Nội, 2011.

11.    Trần Thị Hồng Hạnh, Bước đầu khảo sát mối quan hệ giữa ẩn dụ và cấu trúc hình thức của thành ngữ (trên cứ liệu thành ngữ tiếng Việt), Tạp chí Ngôn ngữ, 2008, số 11, tr.57 – 62.

12.    Nguyễn Văn Hằng, Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại: Những đặc điểm về cấu trúc và ngữ nghĩa, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.

13.   Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1991.

14.   Nguyễn Xuân Hoà, Tiếp cận nguồn gốc và cách sử dụng nhóm thành ngữ phản ánh nền văn hoá dân tộc, lịch sử và phong tục tập quán dân tộc (trên ngữ liệu thành ngữ Nga và thành ngữ Việt), Tạp chí Ngôn ngữ, 2008, số 5, tr.74 –7 7.

15.     Nguyễn Thái Hoà, Cấu trúc tục ngữ Việt Nam – cơ cấu ngữ nghĩa cú pháp và thi pháp, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975.

16.    Nguyễn Thái Hoà, Miêu tả và phân loại các khuôn hình tục ngữ Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982.

17.    Đỗ Thị Kim Liên, Tục ngữ Việt Nam dưới góc nhìn ngữ nghĩa–ngữ dụng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006.

18.    Nguyễn Văn Mệnh, Về ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, 1971, số 2.

19.   Trần Bá Tiến, Nghiên cứu thành ngữ biểu thị tâm lí tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học tri nhận, Đại học Vinh, 2012.

20.    Searle. J, Thế nào là hành động ngôn từ, trong Ngôn ngữ, văn hoá và xã hội – Một cách tiếp cận liên ngành, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.88 – 103.

21.   Nguyễn Đức Tồn, Nguyễn Thị Minh Phương, Hiện tượng biến thể và đồng nghĩa của thành ngữ tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, 2007, số 2, tr.1 – 11

22.    Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng Văn hoá – Dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Khoa học Xã hội, 2008.

23.  Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1995.


 


1 Trần Thị Hiền, Cách sử dụng thành ngữ trong truyện ngắn Nam cao và Nguyên Hồng giai đoạn 1930 - 1945, Luận văn Thạc sĩ, 2012, tr.59.

2 Võ Thị Vân, Cách sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Vũ Bằng, Luận văn Thạc sĩ, 2012, tr. 4353.

3 Xem 1

4 Nguyễn Thị Sen, Cách sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, phần Phụ lục thống kê, 2013.

5 Lê Thị Bích Diệp, Cách sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Hồ Anh Thái và Dương Thụy,  Luận văn Thạc sĩ, 2012, tr.3842

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020