Ngôn ngữ

CÁC QUAN HỆ ĐỒNG NGHĨA TRONG HỆ THỐNG THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT


14-10-2020
Tác giả: TS. Đỗ Thị Thu Hương

Thành ngữ đồng nghĩa thực chất là những cách nói hình ảnh khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng. Việc nhìn nhận, đánh giá đối tượng theo những góc độ khác nhau đã tạo nên những hình ảnh khác nhau về cùng một đối tượng. Có thể nói, các thành ngữ đồng nghĩa chính là một minh chứng cho sự giàu đẹp, phong phú và đa dạng của tiếng nói dân tộc. Đồng thời, việc tìm hiểu các thành ngữ đồng nghĩa phần nào giúp chúng ta hình dung bức tranh văn hoá, tư duy của dân tộc Việt.

CÁC QUAN HỆ ĐỒNG NGHĨA TRONG HỆ THỐNG

THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT         

        TS. Đỗ Thị Thu Hương

Đại học Sư phạm Hà Nội 2

1. Dẫn nhập

Trong hệ thống ngôn ngữ, các đơn vị ngôn ngữ không tồn tại tách biệt, riêng rẽ mà có quan hệ gắn bó với nhau. Một trong những mối liên hệ được các nhà ngôn ngữ học tách ra để nghiên cứu đó là quan hệ đồng nghĩa giữa các đơn vị ngôn ngữ. Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có tính chất rộng khắp, xảy ra ở mọi cấp độ của ngôn ngữ: cấp độ hình vị, cấp độ từ và cấp độ câu. Tuy nhiên, đồng nghĩa xảy ra nhiều nhất ở các đơn vị từ vựng.

Các đơn vị từ vựng bao gồm từ và ngữ cố định. Do đó, ở cấp độ từ vựng, hiện tượng đồng nghĩa lại có thể xảy ra giữa các từ hoặc giữa các ngữ cố định (chẳng hạn, chuột sa chĩnh gạo, mèo mù vớ cá rán  chó ngáp phải ruồi; nước đổ lá khoai  nước đổ đầu vịt; lười chảy thây  lười như hủi...), hoặc giữa từ và ngữ cố định (chẳng hạn: béo đồng nghĩa với béo như bồ sứt cạp, béo như cối xay, béo trục béo tròn, béo như con cun cút, béo như con trâu trương...).

Trong Ngôn ngữ học, việc nghiên cứu các từ đồng nghĩa đã được bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ xa xưa, người Hi Lạp cổ đại đã chú ý đến quan hệ đồng nghĩa giữa các từ. Cho đến nay đã có một khối lượng khá lớn các công trình khoa học trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, những quan sát hết sức tinh tế về từ đồng nghĩa. Nhìn chung, ở vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã đạt được sự thống nhất cao trong các vấn đề định nghĩa từ đồng nghĩa, sự khác nhau giữa các từ đồng nghĩa (sắc thái ý nghĩa, thuộc tính phong cách...).

Bên cạnh đó, vấn đề đồng nghĩa thành ngữ dường như ít được chú ý hơn. Thành tựu nghiên cứu các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa chủ yếu thuộc về công lao của các nhà Nga ngữ học. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi như T.A. Bertagaep, V.I. Zimin, Skliarốp, N.M. Sansky...

Ở Việt Nam, vấn đề đồng nghĩa thành ngữ vẫn là một vấn đề hầu như còn bỏ ngỏ. Cho đến nay, chưa thực sự có một công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về các thành ngữ đồng nghĩa trong tiếng Việt. Những tác giả đầu tiên quan tâm đến vấn đề này có thể kể đến Đỗ Hữu Châu [1], Nguyễn Lực [6]... và đặc biệt là Nguyễn Đức Tồn. Ông đã có một công trình nghiên cứu khá đầy đủ và toàn diện về hiện tượng đồng nghĩa nói chung, trong đó đồng nghĩa thành ngữ bước đầu cũng được quan tâm nghiên cứu [8].

Kế thừa những thành tựu nghiên cứu về thành ngữ đồng nghĩa nói chung, thành ngữ đồng nghĩa trong tiếng Việt nói riêng, bài viết miêu tả một số kiểu quan hệ đồng nghĩa trong hệ thống thành ngữ tiếng Việt.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm thành ngữ

Nhìn chung, các nhà ngôn ngữ học đều rất thống nhất khi đưa ra định nghĩa về thành ngữ. Theo Hoàng Văn Hành, “Thành ngữ là một loại tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thái cấu trúc, hoàn chỉnh bóng bẩy về ý nghĩa, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ” [3, 31]. Thành ngữ có hai đặc điểm nổi bật:

-Tính cố định, ổn định về thành phần từ vựng và hình thái cấu trúc.

-Tính hoàn chỉnh, bóng bẩy về nghĩa.

Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng: “Thành ngữ là những cụm từ cố định vừa có tính hoàn chỉnh về nghĩa, vừa có tính gợi cảm” [2, 77]. Ông nêu rõ: “Bên cạnh nội dung trí tuệ, các thành ngữ bao giờ cũng kèm theo sắc thái bình giá, cảm xúc nhất định, chẳng hạn, có thể nói lên lòng kính trọng, sự tán thành hoặc là chê bai, khinh rẻ…” [2, 77].                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 

Tác giả Nguyễn Lân cũng khẳng định tính cố định, ổn định của thành ngữ khi ông định nghĩa: “Thành ngữ là những cụm từ cố định dùng để diễn đạt một khái niệm” [4]. Theo tác giả, thành ngữ là những tổ hợp có ba từ trở lên, còn những tổ hợp có hai từ được coi là từ ghép.

Từ những định nghĩa trên đây có thể rút ra một cách hiểu chung nhất về thành ngữ như sau: Thành ngữ là những cụm từ cố định, có sẵn, được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Về chức năng, thành ngữ là đơn vị tương đương với từ, dùng để gọi tên sự vật hiện tượng hay biểu thị khái niệm. Về ý nghĩa, thành ngữ thường mang tính hình tượng, tính bóng bảy, gợi tả.

2.2. Khái niệm thành ngữ đồng nghĩa

Để xác định các thành ngữ đồng nghĩa cần dựa vào hai tiêu chí, đó là kết cấu ngữ pháp và nội dung ý nghĩa.

Về phương diện kết cấu ngữ pháp: đó là tính đồng nhất hay khác biệt về kết cấu ngữ pháp.

Về phương diện ý nghĩa: các thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng giống nhau dựa trên những hình ảnh cơ sở khác nhau. Dựa trên phần nghĩa chung giống nhau, các thành ngữ có thể khác nhau về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hay màu sắc phong cách.

Dựa vào hai tiêu chí này, chúng tôi chấp nhận định nghĩa sau đây về thành ngữ đồng nghĩa:

Các thành ngữ đồng nghĩa là những thành ngữ khác nhau có ý nghĩa biểu trưng cơ bản giống nhau, có kết cấu ngữ pháp khác nhau; hoặc có kết cấu ngữ pháp đồng nhất nhưng có sự thay thế thành phần cấu tạo bằng các từ ngữ thuộc các trường từ vựng – ngữ nghĩa khác nhau, dựa trên những hình ảnh cơ sở khác nhau. Các thành ngữ đồng nghĩa có thể khác nhau về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hoặc khác nhau đồng thời cả hai cái đó. [7]

Ví dụ: Các thành ngữ đồng nghĩa có kết cấu ngữ pháp khác nhau, ý nghĩa cơ bản giống nhau: vắt cổ chày ra nước – rán sành ra mỡ – vắt nước không lọt tay; bán bò tậu ễnh ương – mua trâu bán chảchết đuối bám cọng rơm – đò nát đụng nhau; chim chích ghẹo bồ nông – đom đóm bắt nạt ma trơi...

Các thành ngữ có kết cấu đồng nhất, thành phần từ vựng khác nhau, hoặc hình ảnh cơ sở khác nhau, ý nghĩa cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau về sắc thái: vụng hát chê đình tranh – vụng múa chê đất lệch – tháo dạ đổ vạ cho chè; bẩn như hủi – bẩn như ma lem – bẩn như trâu đầm; nói như đổ mẻ vào mặt – nói như móc họng – nói như vặt thịt; nhanh như ăn cướp – nhanh như sóc – nhanh như gió – nhanh như chớp – nhanh như điện – nhanh như tên bắn v.v...

2.3. Các kiểu quan hệ đồng nghĩa trong thành ngữ tiếng Việt

Dựa vào hai tiêu chí nói trên, chúng tôi đã tiến hành thống kê các thành ngữ có quan hệ đồng nghĩa trong các cuốn từ điển [4], [5] và [9]. Kết quả thu được là 509 cặp thành ngữ có quan hệ đồng nghĩa với nhau. Cũng giống như các từ đồng nghĩa, hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ không chỉ xảy ra với hai thành ngữ mà xảy ra theo loạt. Vì vậy, mỗi cặp thành ngữ đồng nghĩa mà chúng tôi thống kê không chỉ có hai thành ngữ đồng nghĩa mà còn có thể lên đến ba, bốn thậm chí là chín thành ngữ đồng nghĩa với nhau.

Với 509 cặp thành ngữ đồng nghĩa, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu quan hệ đồng nghĩa trong thành ngữ.

Kiểu thứ nhất: một thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng và một thành ngữ diễn đạt nghĩa trực tiếp. Kiểu này có 61 cặp, chiếm tỉ lệ 12% trong tổng số các thành ngữ đồng nghĩa.

Kiểu thứ hai: Các thành ngữ đồng nghĩa với nhau dựa trên các hình ảnh cơ sở khác nhau. Đây kiểu quan hệ đồng nghĩa phổ biến, có 448 cặp, chiếm tỉ lệ 88%.

Dưới đây, chúng tôi sẽ miêu tả từng kiểu quan hệ đồng nghĩa thành ngữ.

2.3.1.  Một thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng và một thành ngữ có ý nghĩa diễn đạt trực tiếp

Loại thành ngữ đồng nghĩa này chiếm tỉ lệ 12%. Ví dụ:

Biểu thị cuộc sống sung sướng, đầy đủ về vật chất: ăn ngon mặc đẹp – ăn sung mặc sướng;

Biểu thị quyền cai quản, điều khiển việc chi tiêu trong gia đình: quyền thu quyền bổ – tay hòm chìa khoá;

Biểu thị sự tranh cãi bừa, bất chấp lí lẽ: cãi chày cãi cối – cãi nhau như chém chả – cãi nhau như mổ bò;

Biểu thị lối buôn bán gian lận: mua thừa bán thiếu – mua gian bán lận;

Biểu thị hoạt động chạy: chạy ngược chạy xuôi – chạy đôn chạy đáo – chạy đông chạy tây...

Các thành ngữ đồng nghĩa thuộc nhóm này có ý nghĩa cơ bản giống nhau; có thể có kết cấu ngữ pháp đồng nhất hoặc khác biệt. Chẳng hạn, cặp thành ngữ mua thừa bán thiếu – mua gian bán lận: mua gian bán lận diễn đạt ý nghĩa trực tiếp, biểu thị hành động buôn bán, làm ăn gian lận, không thật thà; còn mua thừa bán thiếu là mang ý nghĩa biểu trưng. Hay biểu thị sự tính toán lợi hại, chi li, ta có cặp thành ngữ so hơn tính thiệt – so kè bẻ măng, trong đó so hơn tính thiệt diễn đạt ý nghĩa trực tiếp, còn so kè bẻ măng mang ý nghĩa biểu trưng.

Sự có mặt của loại thành ngữ đồng nghĩa này làm phong phú, đa dạng thêm các cách diễn đạt của tiếng Việt.

2.3.2. Các thành ngữ đồng nghĩa có ý nghĩa biểu trưng giống nhau dựa trên các hình ảnh khác nhau

Tỉ lệ loại thành ngữ đồng nghĩa này chiếm 88% trong số các thành ngữ đồng nghĩa. Đây là những thành ngữ ý nghĩa biểu trưng cơ bản như nhau nhưng có thành phần cấu tạo không giống nhau. Chúng thực sự là những cách nói khác nhau về cùng một nội dung. Có thể nói, đây chính là các thành ngữ đồng nghĩa điển hình. Ví dụ:

Biểu thị sự lao động vất vả, nhọc nhằn: bán mặt cho đất, bán lưng cho trời – cháy mặt lấm lưng;

Biểu thị mối quan hệ thân thiết, như ruột thịt: bạn con chấy cắn đôi – bạn nối khố;

Biểu thị sự ganh đua, không chịu thua kém, mặc dù năng lực không bằng: bầu leo bí cũng leo – húng mọc tía tô cũng mọc – thuyền đua bánh lái cũng đua – màn treo chiếu rách cũng treo – tôm tép nhảy ốc đồng cũng nhảy...

Biểu thị trạng thái tuyệt vọng: chết đuối bám cọng rơm – chết đuối vớ phải bọt – chó cắn áo rách – đò nát đụng nhau;

Biểu thị tình trạng đất đai cằn cỗi: chó ăn đá gà ăn sỏi – đồng chua nước mặn;

Biểu thị hành động ăn nhiều, ăn nhanh quá đáng : ăn như ăn cướp, ăn như chèo thuyền, ăn như gấu ăn trăng, ăn như hùm đổ đó, ăn như thần trùng, ăn như thợ đấu, ăn như tằm ăn rỗi, ăn như mỏ khoét...

Tóm lại, kết quả thống kê và miêu tả các thành ngữ đồng nghĩa nói trên phản ánh sự phong phú, đa dạng và tinh tế của người Việt khi gọi tên sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. Chính việc quan sát sự vật từ nhiều góc độ khác nhau, lối so sánh ví von bằng nhiều hình ảnh khác nhau là cơ sở tạo nên sự phong phú, đa dạng của các thành ngữ đồng nghĩa.

Cũng tương tự như từ, các thành ngữ đồng nghĩa ngoài nét đồng nhất về ý nghĩa biểu trưng còn có sự khác biệt nhất định. Sự khác biệt đó có thể là về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hay màu sắc phong cách. Chính sự khác biệt này khiến cho mỗi thành ngữ có một giá trị riêng. Chẳng hạn, cũng là hoạt động nói, nhưng nói như rót mật vào tai là cách nói rành rọt, ngọt ngào, dễ nghe; nói như ru lại là cách nói nhẹ nhàng, lôi cuốn... Hay để chỉ sự may mắn, gặp được nơi sung sướng, tiếng Việt có hai thành ngữ: ngã vào võng đào (kết cấu động ngữ) – chuột sa chĩnh gạo (kết cấu C – V). Tuy nhiên, hai thành ngữ này có sự khác biệt về sắc thái biểu cảm, ngã vào võng đào mang sắc thái trang trọng, lịch sự, trong khi chuột sa chĩnh gạo lại mang sắc thái mỉa mai, châm biếm.

Như chúng ta thấy, thành ngữ là đơn vị tương đương với từ. Vì vậy, quan hệ đồng nghĩa còn có thể xảy ra giữa từ và thành ngữ. Dưới đây, chúng tôi bổ sung thêm một kiểu quan hệ đồng nghĩa nữa, đó là quan hệ đồng nghĩa giữa từ và thành ngữ.

(3) Những thành ngữ có từ trung tâm thì đồng nghĩa một cách hiển nhiên với một từ sẵn có. Chẳng hạn:

Dễ dàng nhận thấy, với trường hợp đồng nghĩa này, nếu như các từ chỉ gọi tên sự vật một cách chung chung, khái quát thì các thành ngữ đồng nghĩa lại biểu thị sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, hình tượng và giàu tính biểu cảm. Mỗi sự vật, hiện tượng qua những góc nhìn khác nhau của con người mà tạo nên những cách diễn đạt khác nhau. Mỗi tên gọi lại hàm chứa trong đó những tình cảm, thái độ, cảm xúc, đánh giá... khác nhau của người sử dụng. Chẳng hạn, cũng là tính chất "dai", nhưng dai như chão là trạng thái dai kéo dài lằng nhằng, không dứt; dai như đỉa /dai như đỉa đói chỉ trạng thái đeo bám nhằng nhằng để xin xỏ, kèo nhèo điều gì; dai như bò đái chỉ trạng thái dai dẳng kéo dài một hồi lâu. Các thành ngữ này đều mang sắc thái biểu cảm tiêu cực.

Như vậy, rõ ràng là các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ không tách khỏi mà có mối liên hệ mật thiết với các từ. Chúng cùng với các từ đồng nghĩa tạo thành hệ thống đồng nghĩa thống nhất trong hệ thống từ vựng nói chung.

3. Thành ngữ đồng nghĩa thực chất là những cách nói hình ảnh khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng. Việc nhìn nhận, đánh giá đối tượng theo những góc độ khác nhau đã tạo nên những hình ảnh khác nhau về cùng một đối tượng. Có thể nói, các thành ngữ đồng nghĩa chính là một minh chứng cho sự giàu đẹp, phong phú và đa dạng của tiếng nói dân tộc. Đồng thời, việc tìm hiểu các thành ngữ đồng nghĩa phần nào giúp chúng ta hình dung bức tranh văn hoá, tư duy của dân tộc Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đỗ Hữu Châu (2004), Giáo trình Từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm.

2.     Nguyễn Thiện Giáp (1999), Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, tái bản lần thứ hai.

3.      Hoàng Văn Hành (2008), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

4.     Nguyễn Lân (1989), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hoá.

5.         Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1978), Thành ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

6.      Nguyễn Lực (2005), Thành ngữ đồng nghĩa tiếng Việt, NXB Thanh niên.

7.     Nguyễn Thị Minh Phượng (2006), Hiện tượng biến thể và đồng nghĩa của thành ngữ tiếng Việt, Luận văn Thạc sĩ.

8.     Nguyễn Đức Tồn (2006), Từ đồng nghĩa tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

9.     Nguyễn Như Ý (1998), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020