Ngôn ngữ

ĐỐI THOẠI VÀ TÌNH HUỐNG ĐỐI THOẠI TRONG TRUYỆN


14-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Bài viết này vận dụng lí thuyết Ngữ dụng học và Thi pháp học để tìm hiểu đối thoại và tình huống đối thoại trong truyện. Đây sẽ là một hướng nghiên cứu đối với việc nghiên cứu nghệ thuật trần thuật của văn bản truyện.

ĐỐI THOẠI VÀ TÌNH HUỐNG ĐỐI THOẠI TRONG TRUYỆN

                                                                  ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Đại học Hồng Đức

Ngôn ngữ chỉ tồn tại, nhận biết và bộc lộ bản chất thông qua việc hành chức của nó. Vì thế nghiên cứu cơ chế hoạt động của ngôn ngữ phải qua chính những hiện tượng ngôn ngữ cụ thể, sinh động trong thực tế giao tiếp. Những năm gần đây, đối thoại trở thành một vấn đề nghiên cứu của ngữ dụng học. Để hiểu đúng đắn bản chất và ngữ nghĩa bất kì cuộc thoại nào trong tác phẩm nghệ thuật, điều quan trọng trước tiên cần phải đặt nó vào tình huống cụ thể. Vì vậy, ở bài viết này, chúng tôi vận dụng lí thuyết Ngữ dụng học và Thi pháp học để tìm hiểu đối thoại và tình huống đối thoại trong truyện. Đây sẽ là một hướng nghiên cứu đối với việc nghiên cứu nghệ thuật trần thuật của văn bản truyện.

1. Đối thoại trong truyện

Trước hết, đối thoại trong truyện là đối thoại nghệ thuật đảm nhiệm chức năng thẩm mĩ bao gồm hai bình diện lời kể và lời thoại. Lời kể hay “lời gián tiếp là lời văn đảm đương chức năng trần thuật, giới thiệu, miêu tả, bình luận con người và sự kiện (…) là lời của người trần thuật, người kể chuyện” [7, 178]. Lời thoại là hình thức kể bằng lời nhân vật. Nó còn được gọi là lời trực tiếp của nhân vật trong văn học, là “hình thức kể chuyện cá thể hoá triệt để tính cách và tình huống đối thoại” [3, 65]. Giữa lời thoại và lời kể có sự khác nhau ở điểm nhìn. Người kể luôn có một điểm nhìn bao quát để lựa chọn, điều khiển các nhân vật hành động, sắp xếp bố cục, sự kiện cho phù hợp. Nếu như điểm nhìn của người kể luôn luôn thấu suốt trên một trục thời gian được lựa chọn trước và xâu chuỗi lại nhờ sự liên hệ với người đọc thì điểm nhìn của nhân vật chia cắt từng khúc đoạn thực tế. Điểm nhìn nhân vật là nhìn theo cá tính, địa vị, tâm lí nhân vật còn điểm nhìn người trần thuật có thể tựa vào điểm nhìn nhân vật để miêu tả thế giới cảm nhận chủ quan của nhân vật. Truyện ngắn Hai cái bụng của Nguyễn Công Hoan xoay quanh miếng ăn nhưng trong đó mỗi nhân vật lại có một cách nhìn và điểm nhìn riêng: Một bên không có mà ăn, một bên ăn không được và cuối cùng “nó chỉ thèm được ăn” và “bà ấy chỉ thèm ăn được”. Cái nhìn miếng ăn của thằng ăn mày trong cái nhìn ngược chiều của bà ấy và kéo dài theo cái nhìn của tác giả: miếng ăn có thể làm con người chết vì đói và chết vì no – một sự phi lí ngược đời. Thứ hai, ở chức năng, giọng kể, trong số các chức năng của lời kể và lời thoại thì chức năng tình huống hoá đối thoại và cá thể hoá nhân vật về cơ bản là chức năng chiếu vật diễn tiến trong thời gian. Mặt khác, chức năng đồng quy chiếu có thể thay đổi bình diện kể sang bình diện đối thoại của nhân vật hay ngược lại. Vì vậy thực chất lời của nhân vật cũng hàm ẩn lời kể.

Xét về vấn đề “phối cảnh” trong truyện, lời thoại của nhân vật và lời kể thuộc hai bình diện nghệ thuật đối lập nhau. Lời kể thuộc bình diện bối cảnh tức là khung thời gian cho các nhân vật xuất hiện, hành động, tiếp diễn. Khác với toàn cảnh, bối cảnh gắn với nhân vật, màn hành động của nhân vật bao gồm bối cảnh thời gian và bối cảnh không gian. Người kể đứng trên cao bao quát, tường thuật, giới thiệu dẫn dắt nhân vật, sự kiện trong khung thời gian để sao cho phù hợp. Người kể có thể dừng lại tách ra khỏi truyện để miêu tả ngoại cảnh… Một số tác giả như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… có sở trường về tường thuật bối cảnh nên truyện của họ ít có đối thoại. Do chức năng đồng quy chiếu mà có thể thay đổi từ bình diện bối cảnh sang cận cảnh. Đây là cách hiện đại hoá cốt truyện, rút ngắn khoảng cách giữa nhân vật và người đọc, giữa cốt truyện và truyện. Lời thoại thuộc bình diện cận cảnh. Cận cảnh khác với bối cảnh là trực tả nhân vật, trực tả thời gian trong truyện. Ở đó, các nhân vật được miêu tả chi tiết: bề ngoài, hành vi ngôn ngữ… đặc biệt là hành vi đối thoại trực tiếp với nhau hoặc tự nói chuyện với mình. Người kể không cho nhân vật mượn giọng mình để nhân vật tự nói, tự bộc lộ. Sở trường trong việc dùng cận cảnh là các tác giả Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp… Có thể nói, bình diện bối cảnh và cận cảnh là hai bình diện của toàn cảnh. Việc xử lí hai bình diện đó trong tác phẩm văn học, thể loại tự sự là việc xử lí mối quan hệ thời gian và ngôn ngữ trong truyện.

Sự hình thành cuộc thoại trong truyện rất cần thiết để giải quyết những vấn đề nảy sinh mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật. Các nhân vật luôn vận động và sống bằng chính hành động ngôn ngữ. Trong quá trình đó, mối quan hệ tương tác lẫn nhau nảy sinh mâu thuẫn làm nên sự kiện. Khi đó, tác giả tạo nên cuộc thoại. Vậy yếu tố đầu tiên để hình thành nên cuộc thoại trong truyện là có nhân vật và những mâu thuẫn làm nên sự kiện. Mỗi một nhà văn có sở trường về xây dựng nhân vật và xung đột làm nên sự kiện để hình thành cuộc thoại. Nếu như Thạch Lam sự kiện trong truyện là những sự thực khuê gợi cảm giác, tự nhận thức… thì sự kiện xảy ra trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan không chỉ khác thường mà ngược đời, ngược đời một cách tồi tệ. Cũng như trong giao tiếp, bất kì một cuộc thoại nào trong truyện cũng chứa một hay nhiều chủ đề. Một chủ đề lại có nhiều vấn đề. Nếu như giữa các nhân vật có vấn đề cần trao đổi, bàn bạc, tranh luận… thì tất yếu cần đến đối thoại. Vì vậy, một điều kiện để hình thành nên cuộc thoại là vấn đề của nhân vật đưa ra trong cuộc thoại. Các vấn đề của cuộc  sống được hư cấu thể hiện trong truyện qua các cuộc thoại chính là nội dung của cuộc thoại và của truyện. Nó bao gồm tất cả những gì tồn tại của hiện thực khách quan như: văn hoá, xã hội, đạo đức… Nhưng đặc biệt nhất, tinh tế nhất là những vấn đề nảy sinh xung đột trong tính cách, quan niệm… của con người cũng tức là loại nhân vật “có vấn đề”. Trong truyện, khi tác giả muốn để nhân vật tự thể hiện mình cụ thể là tính cách, quan niệm, cá tính… thì cuộc thoại xuất hiện. Bởi ở đó, người kể tự rút lui vào trong nhường lời cho nhân vật tự nói, tự bộc lộ, tự phát biểu ý kiến bằng chính ngôn ngữ của mình. Đó là thứ ngôn ngữ gắn cuộc sống vào tính cách và cá tính của nhân vật mang sắc thái riêng “trộn cũng không lẫn” [3, 66]. Vì thế, các nhà văn không những đi sâu quan sát ngoại hình, miêu tả ghi chép sự kiện mà còn quan sát ngôn ngữ nhân vật, ghi chép đầy đủ lời nói của nhân vật. Đọc truyện ngắn Chí Phèo, người đọc không thể quên được lời nói của Chí Phèo “Ai cho tao lương thiện?” với Bá Kiến, với dân làng hay với chính xã hội mà Chí đang sống; cũng không thể quên lời nói chân thật, cảm động rưng rưng nước mắt giữa Chí Phèo và Thị Nở “Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Chỉ thông qua đối thoại, nhờ đối thoại hai con người trong một con người của Chí mới thể hiện rõ nét – một con người lưu manh, quỷ dữ và một con người hiền lành, chân thật như bao con người khác ở làng quê Việt Nam.

Có thể nói, đối thoại trong truyện bao giờ cũng hàm ẩn hình bóng của người kể truyện hàm ẩn, có tính đa chiều và được coi là phương tiện thứ nhất của loại hình nghệ thuật văn học. Nó được tổ chức trong văn bản nằm trong ý định nghệ thuật của người kể làm thành một nhân tố cấu trúc tác phẩm. Nó được coi như một thủ pháp nghệ thuật, một yếu tố thẩm mĩ và nó sẽ là thừa tất cả những gì không mang gánh nặng chức năng hoặc không đáp ứng công dụng chức năng của đối thoại, chiến lược chung của việc triển khai tư tưởng.

2. Tình huống đối thoại trong truyện

Theo PGS.TS. Nguyễn Thái Hoà, “Tình huống đối thoại là phải có người để đối thoại, có vấn đề xung đột giữa các nhân vật để cho nhân vật bộc lộ tình cảm, ý nghĩa của mình. Trong một truyện có thể có bao nhiêu là tình huống xảy ra nhưng không phải tình huống nào cũng có đối thoại có lúc chỉ là đối thoại, có lúc là hành động, có lúc im lặng lại có giá trị hơn bao nhiêu lời nói nói ra.” [3, 66]

Tình huống đối thoại trong truyện là tình huống văn bản (ngữ cảnh văn bản) được hàm ẩn ở lời thuyết minh trong văn bản hay lời kể của người kể. Nó được cấu trúc một cách mạch lạc, được định hướng lập luận của tác giả, bao gồm các nhân tố sau:

2.1. Bối cảnh thời gian và không gian

Thời gian và không gian có thể nói là hai nhân tố cơ bản tạo nên tình huống đối thoại trong giao tiếp cũng như trong truyện. Tuy nhiên, thời gian và không gian trong truyện là thời gian và không gian nghệ thuật. Tình huống văn bản trước hết là bối cảnh thời gian và bối cảnh không gian.

Bối cảnh thời gian là thời điểm những sự kiện, nhân vật và hành động của nhân vật xuất hiện (vào lúc nào?), có thể xảy ra ở hiện tại, tương lai hoặc quá khứ. Thời điểm đó hoặc cụ thể biểu hiện bằng những từ ngữ chỉ thời gian (sáng, chiều, ngày mai…) hoặc khái quát trừu tượng. Thời gian trong truyện khác thời gian vật lí bên ngoài. Nó là thời gian của con người, do con người tạo nên và là thời gian trong thời gian có tính chủ quan của người kể. Bối cảnh thời gian bao gồm: thời gian của chuyện, thời gian trong truyện và thời gian kể truyện (thời gian phát ngôn). Khi bắt đầu kể chuyện, người kể xác định toạ độ thời gian của mình từ đó lựa chọn thời điểm để sự kiện, nhân vật và hành động nhân vật diễn ra phù hợp, đúng lúc. Có những truyện kể thời gian của chuyện trùng với thời gian của truyện theo trật tự trước sau. Sự kiện nào xảy ra trước tính thời gian trước. Sự kiện nào xảy ra sau tính thời gian sau như những truyện cổ tích, thần thoại… Ngược lại, có những truyện, thời gian của chuyện không trùng với thời gian của truyện, không tuân theo thời gian niên biểu, có thể đem cái xảy ra sau kể trước, cái xảy ra trước kể sau hoặc kết hợp cả hai. Nghĩa là, thời gian xáo trộn, đan xen, chồng chéo nhau như trong truyện kể hiện đại.

Ví dụ, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, người kể xác định toạ độ thời gian không phải quá khứ, tương lai hoặc mào đầu truyện mà rất khéo léo đưa thẳng vào hành động nhân vật là cả một dàn đối thoại giữa các nhân vật và những người chứng kiến. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời…” [1, 11]. Nếu đứng về thời gian tự sự thì là cuối cuộc đời Chí Phèo còn đứng về thời gian kể chuyện là hiện tại. Đó là thời gian mở đầu truyện. Từ đó người kể ngược thời gian về trước là quá khứ gần và xa của Chí Phèo rồi đưa về hiện tại dẫn đến tương lai kết cục bi thảm của đời Chí. Tuy nhiên, trong thực tế tất cả mọi truyện kể đều thuộc về quá khứ đã xảy ra trước khi kể lại. Người kể đã cố gắng đưa vào hiện tại, bắt đầu từ hiện tại nhằm dụng ý hiện tại hoá câu chuyện. Đó là nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết hiện đại khác xa với truyện kể: cổ tích, thần thoại… Như vậy, bối cảnh thời gian rộng lớn và vô tận. Có điều cách xử lí thời gian kể chuyện như thế nào để đem lại một sự đổi mới cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết. Điều này còn phụ thuộc vào điểm nhìn, tài năng của các nhà văn.

Bối cảnh không gian là “môi trường hoạt động của nhân vật, một địa điểm có tên riêng hay không có tên riêng trong đó đủ cả thiên nhiên, xã hội và con người. Nó là điều kiện cần thiết cho mọi sự việc, mọi hoạt động, mọi phạm vi không gian không thể thiếu. Một “cái gì đó” xảy ra không thể không có quan hệ với cái khác ở một “nơi nào đó”  [3, 88].

Chẳng hạn, các tác phẩm văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930–1945 của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… hầu hết đều diễn ra trong bối cảnh không gian làng quê Việt Nam sau luỹ tre với cỏ, cây, sông nước, phong tục tập quán, mối quan hệ xã hội phong kiến… Đó là môi trường sống của các nhân vật như: Chí Phèo, anh Pha, chị Dậu, lí trưởng, thằng Quýt, quan phụ mẫu… sống. Phố nghèo xơ xác, tiêu điều là môi trường của An, Liên (Hai đứa trẻ – Thạch Lam). Thành thị xô bồ, nhố nhăng, kệch cỡm “vô nghĩa lí” là môi trường sống của Xuân Tóc Đỏ, cụ cố Hồng, mụ phó Đoan… (Số đỏ – Vũ Trọng Phụng).

Theo tác giả cuốn Những vấn đề thi pháp của truyện, bối cảnh không gian được chia làm ba loại: Bối cảnh thiên nhiên, bối cảnh xã hội và bối cảnh tâm trạng. Trong đó, bối cảnh thiên nhiên và tâm trạng luôn tác động với nhau thường là chỗ giao thoa giữa khung cảnh và nhân vật. Bối cảnh thiên nhiên là khung cảnh rộng lớn, đa dạng thay đổi theo bốn mùa. Nó bao gồm những hiện tượng thiên nhiên như: trời, đất, cỏ, cây… gửi gắm một tâm trạng, dự báo một nhân vật xuất hiện hay một số sự kiện nào đó sẽ xuất hiện có thể một cuộc thoại diễn ra. Bối cảnh xã hội bao gồm cuộc sống của những tầng lớp người và cá nhân này với cá nhân khác. Có khi là những tập quán, phong tục, những quan hệ “có vấn đề” giữa cá nhân này với cá nhân khác như: nạn đói, vỡ đê, ăn cắp, chiến tranh… Bối cảnh tâm trạng là thế giới nội tâm con người. Nó có thể là niềm vui, nỗi buồn, những hoài niệm kí ức, những ước mơ… của con người. Đó là trạng thái chung của dân tộc trong đó có cá nhân mỗi người.

Trong bối cảnh không gian rộng lớn đó, mỗi trào lưu văn học, mỗi tác giả chọn lựa “môi trường” phù hợp để nhân vật hoạt động. Cùng một thời kì văn học 1930 – 1945 nhưng truyện của dòng văn học lãng mạn (nhóm Tự lực văn đoàn) thường xuất hiện những cảnh làng quê êm ả, những đồi núi trung du trữ tình, hò hẹn yêu đương đối lập với sân khấu của những con người xã hội dưới ngòi bút tả thực của nhà văn hiện thực: đình làng, nha môn, chợ quê, cảnh xóm thợ… Nếu như ở Thạch Lam, bối cảnh không gian lúc ở ga xép nhỏ, lúc phố huyện nghèo nàn, lúc mảnh vườn cũ có cây hoàng lan…  và chủ yếu là bối cảnh thiên nhiên thì ở Nguyễn Công Hoan, không gian phần lớn là bối cảnh xã hội, ít thấy bối cảnh thiên nhiên như: vỡ đê, nha môn, gia đình, bầu cử… Dù bối cảnh không gian được lựa chọn và sử dụng như thế nào thì nó vẫn là yếu tố tạo nên tình huống đối thoại chứa đựng ý đồ nghệ thuật của mỗi tác giả. Không gian như là một nhân tố nghệ thuật, có đặc sắc riêng nên “không thể tái hiện đời sống mà không dựng lại địa điểm, nơi nhân vật sống, hành động hoặc những chân trời mà nhân vật ước mơ” [5, 282].

2.2. Nhân vật tiếp xúc và những vấn đề của nó

Theo các tác giả cuốn Lí luận văn học, tập 2: “Nhân vật được coi là phương tiện khái quát hiện thực. Đó là những con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học” [6, 67]. Trong truyện, lời thuyết minh của người kể như lời giới thiệu, dẫn dắt để các nhân vật xuất hiện, tiếp xúc với nhau làm nên sự kiện. Bởi “sự kiện là những biến đổi, tác động sự cố có ý nghĩa quan trọng đối với nhân vật và quan hệ của chúng không giữ nguyên trạng thái mà phải biến đổi (…). Một mặt phản ánh các quan hệ xung đột xã hội của các nhân vật, mặt khác lại có chức năng kết cấu làm cho các nhân vật gần nhau hoặc xa nhau, chống nhau. Sự kiện buộc nhân vật bộc lộ những gì thuộc bản chất của nó và tự nó hợp thành lịch sử của nhân vật” [6, 100]. Vì thế các nhân vật muốn hoạt động được phải thông qua sự kiện. Nhân vật từ những con người vốn xa lạ, không quen biết đưa vào tác phẩm được dịp tiếp xúc, quan hệ trò chuyện với nhau và gắn bó với nhau nhờ tài khéo léo dẫn dắt của người kể chuyện. Lời thuyết minh, lời dẫn dắt của người kể như một sợi dây vô hình kéo các nhân vật lại gần nhau hoặc đẩy họ xa nhau qua những xung đột. Chính sự tiếp xúc của các nhân vật là yếu tố cần thiết để xuất hiện cuộc thoại. Điều này nằm ngay trong lời kể của truyện. 

Chẳng hạn, trong truyện ngắn Oẳn tà roằn của Nguyễn Công Hoan, các nhân vật như Phong, Bắc, Nguyệt, bà đỡ… có dịp tiếp xúc, trò chuyện với nhau thông qua các cuộc thoại (Nguyệt với Bắc, Nguyệt với Phong, Nguyệt với bà đỡ) thì mối quan hệ giữa các nhân vật này và bản chất của mỗi nhân vật cũng như kết cục “cái thai” trong bụng Nguyệt “giống oẳn tà roằn” mới bộc lộ rõ nhất. Ba cuộc thoại này đều xảy ra trong các tình huống khác nhau.

Tìm hiểu truyện ngắn Thằng Quýt (II) của Nguyễn Công Hoan, truyện được xây dựng kết cấu ba phần với bốn cuộc thoại trong các tình huống khác nhau. Các nhân tố tạo nên tình huống xuất hiện đầy đủ trong lời kể:

Tình huống 1: “Tôi” và thằng Quýt: + Thời gian: mồng 8 tháng giêng; + Không gian: hè phố; + Hai nhân vật trước kia cùng ở một nhà hỏi thăm nhau về hoàn cảnh của mình. Thằng Quýt mất tiền bị thầy u đuổi đi. “Tôi” chuyển ra ngoài, không ở nhà ông Dự nữa.

Tình huống 2: “Tôi” và thằng Quýt: Các nhân tố thay đổi: + Thời gian: 3 ngày hôm sau tức ngày 11 tháng giêng; + Không gian: hiệu cao lâu; + Thằng Quýt phàn nàn mối nghi ngờ ông Dự ăn cắp tiền của nó.

Tình huống 3: “Tôi”, thằng Quýt và ông Dự: + Thời gian: nửa giờ sau ngày 11 tháng giêng; + Không gian: nhà ông Dự; + Hai nhân vật thằng Quýt và ông Dự đôi co, lời qua tiếng lại. Một bên nằng nặc đòi tiền, một bên cố tình chối cãi. Cuối cùng, thằng Quýt bị đánh và đuổi ra khỏi nhà bằng mười cái đá. Tôi đứng chứng kiến…

Tình huống 4: “Tôi” và ông Dự, thằng Quýt và “Tôi”: + Thời gian: sau ngày 11 tháng giêng; + Không gian: nhà ông Dự; + Ông Dự không trả tiền cho Thằng Quýt mà còn thiết cho nó “bữa no đòn”.

Như vậy, lời thuyết minh trong văn bản đóng vai trò quan trọng không những giới thiệu, thuyết minh các nhân vật mà còn dẫn dắt người đọc vào truyện. Nó báo hiệu khung cảnh của truyện gồm: bối cảnh thời gian, bối cảnh không gian, nhân vật cùng những sự kiện xảy ra. Đó là một sự “chuyển giao tiền giả định” mà dòng trước chứa đựng hàm ngôn dòng sau. Vì vậy, có thể nói, qua lời kể, tình huống đối thoại được tạo lập hay tình huống đối thoại chính là lời thuyết minh (lời kể) trong văn bản nghệ thuật.

3. Tóm lại, nếu như trong giao tiếp đối thoại là hoạt động giao tiếp căn bản nhất của con người nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp và tình huống đối thoại thường tản mạn, tự nhiên, bao gồm các nhân tố tham gia vào hoạt động giao tiếp, loại trừ ngôn bản thì trong truyện, đối thoại là đối thoại nghệ thuật đảm nhiệm chức năng thẩm mĩ, được tổ chức trong văn bản nằm trong ý định nghệ thuật của người kể làm thành một nhân tố cấu trúc tác phẩm và tình huống đối thoại có tính mạch lạc, là lời thuyết minh trong văn bản mang dấu ấn của nhà văn tạo nên khung cảnh cho cuộc thoại giữa các nhân vật. Tình huống đối thoại được tạo nên bằng ngôn ngữ truyện thể hiện một thế giới dù rất hữu hạn của nhân vật cũng có khi thể hiện tâm tư nhân vật hoặc ngược lại, tâm tư làm thay đổi cách nhìn của nhân vật. Điều đó được khẳng định khi các nhà văn đã phát hiện và dùng chúng như chìa khoá nghệ thuật để khám phá các mối quan hệ của con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Nam Cao (1995), Truyện ngắn chọn lọc, NXB Văn học, Hà Nội.

2.       Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương ngôn ngữ họctập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3.           Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội.

4.       Nguyễn Công Hoan (1996), Truyện ngắn tuyển chọn, tập 1+2, NXB Văn học.

5.       Phương Lựu – Trần Đình Sử – Lê Ngọc Trà (1986), Lí luận văn học, tập 1, NXB Giáo dục.

6.       Phương Lựu – Nguyễn Xuân Nam – Thành Thế Thái Bình (1987), Lí luận văn học, tập 2, NXB Giáo dục.

7.       Trần Đình Sử (1998), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020