Qua khảo sát các hiện tượng ẩn dụ từ vựng trong tập thơ Quốc âm thi tập chúng tôi nhận thấy các trường hợp ẩn dụ này có thể xếp vào 3 nhóm ẩn dụ là ẩn dụ hình thức và ẩn dụ cách thức và ẩn dụ dựa trên mối quan hệ giữa nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng, hay ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng.
ẨN DỤ TỪ VỰNG TRONG TẬP THƠ QUỐC ÂM THI TẬP
CỦA NGUYỄN TRÃI
ThS. Vương Văn Huy
Trong Việt ngữ học, ẩn dụ được xem xét từ hai góc độ: ẩn dụ là đối tượng nghiên cứu của Từ vựng học và ẩn dụ là đối tượng nghiên cứu của Phong cách học. Ẩn dụ không chỉ có giá trị gợi hình, là phương tiện xây dựng hình tượng mà còn chứa sức mạnh biểu cảm. Bởi vậy ẩn dụ được sử dụng rộng rãi trong nhiều phong cách ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ thơ ca.
Nguyễn Trãi là đại thi hào dân tộc. Từ trước đến nay khi nghiên cứu văn thơ Nguyễn Trãi, các nhà nghiên cứu chủ yếu mới chỉ tập trung vào phương diện văn học chứ chưa chú ý nhiều đến phương diện ngôn ngữ học. Cho tới nay, hiện chưa có ai tiến hành khảo sát các hiện tượng ẩn dụ trong thơ ông. Trong báo cáo này chúng tôi tập trung khảo sát các ẩn dụ từ vựng tiêu biểu nhất trong thơ Nguyễn Trãi. Đó là các ẩn dụ được sử dụng nhằm biểu đạt hình tượng thơ. Các kết quả khảo sát được thực hiện sẽ góp phần khẳng định thêm tài năng của Nguyễn Trãi cũng như những đóng góp của ông đối với việc hiện đại hoá văn học trung đại Việt Nam.
Qua khảo sát các hiện tượng ẩn dụ từ vựng trong tập thơ Quốc âm thi tập chúng tôi nhận thấy các trường hợp ẩn dụ này có thể xếp vào 3 nhóm ẩn dụ là ẩn dụ hình thức và ẩn dụ cách thức và ẩn dụ dựa trên mối quan hệ giữa nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng, hay ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng.
Ẩn dụ hình thức là những ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về hình thức giữa các sự vật. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong tập thơ Quốc âm thi tập chỉ có 18 ẩn dụ loại thuộc loại này. Đây là những ẩn dụ rất quen thuộc. Chẳng hạn: đầu bãi, đầu non, ruột bể, lòng bể, lòng trúc, lòng trời, chân rừng… Ví dụ như:
Hột cải tình cờ được mũi kim. (bài thứ 150)
Hơn chó được ngồi khi mặt bếp. (bài thứ 251)
Ẩn dụ cách thức là những ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa hai hoạt động, hiện tượng. Chẳng hạn như: cắt hộ khẩu, nắm tư tưởng, hỏi xoáy vấn đề… Trong Quốc âm thi tập có tất cả 16 ẩn dụ thuộc dạng này. Ví dụ:
Vui xưa chẳng quản đeo ấu. (bài thứ 19)
Bếp thắng chè khô cởi thuở âu. (bài thứ 154)
Ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng là ẩn dụ lấy vốn từ trước đây chỉ dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động hay đặc trưng, tính chất cụ thể để chỉ một khái niệm trừu tượng. Ví dụ như: nho chín và nghĩ chín trong tiếng Việt, soft (mềm mại) và soft winter (mùa đông ôn hoà, dễ chịu) trong tiếng Anh. Kết quả khảo sát cho thấy, trong tập thơ Quốc âm thi tập các ẩn dụ từ vựng thuộc loại này có 24 trường hợp. Ví dụ:
Quân tử hãy lăm bền chí cũ. (bài thứ 18)
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai. (bài thứ 194)
Như trên đã đề cập, ẩn dụ hình thức là phương thức ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về hình thức giữa các sự vật. Vì vậy, trong thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng 2 ẩn dụ hình thức là lòng bể và ruột bể để chỉ vị trí bên dưới mặt nước biển. Hai ẩn dụ này tuy hai mà một, bởi chúng đều dùng để ẩn dụ cho khoảng nước ở vị trí phía dưới của mặt nước biển và phía trên của đáy biển. Tuy hai ẩn dụ này cùng quy chiếu đến một đối tượng, nhưng chúng lại có những hiệu quả khác nhau trong việc xây dựng hình tượng thơ
Dễ haruột bể sâu cạn;
Khôn biết lòng người vắn dài. (Bài thứ 6)
và: Thu cao thỏ ướm thăm lòng bể;
Vực lạnh châu mừng thoát miệng rồng. (Bài thứ 212)
Hai câu thơ của bài thứ 6, Nguyễn Trãi đã dùng ruột bể ở câu trên để đối với lòng người ở câu dưới. Ruột với lòng là bộ phân cơ thể người nhưng lại biểu trưng hay quy chiếu cho trạng thái tâm lý tình cảm khác nhau trong thế giới nội tâm của con người. Chẳng hạn:
Lòng: là một thực thể tâm lí – ý thức, cho nên người Việt nói yếu bụng, đau bụng để chỉ một tình trạng sinh lí của cơ thể người, nhưng lại dùng đau lòng để diễn đạt một trạng thái tâm lí, tình cảm: phải lòng nhau, bằng lòng, siêu lòng, vừa lòng, lòng vả cũng như lòng sung.
Ruột lại thường được dùng với nét nghĩa chỉ bộ phận trong cơ thể thuộc hệ tiêu hoá hoặc với nét nghĩa chỉ sự đau đớn về tinh thần trong các tổ hợp đứt ruột đứt gan, cắt ruột cắt gan… hơn là với nét nghĩa chỉ tình cảm, suy nghĩ sâu kín của con người (như trong các tục ngữ thẳng ruột ngựa, ruột để ngoài da). Cho nên nếu đổi vị trí cho nhau hoặc chỉ dùng một trong hai từ này thì nghĩa của câu thơ dễ bị thay đổi:
Trường hợp 1:
Dễ hay lòng bể sâu cạn;
Khôn biết ruột người vắn dài.
Trường hợp 2:
Dễ hay lòng bể sâu cạn;
Khôn biết lòng người vắn dài.
Trường hợp 3:
Dễ hay ruột bể sâu cạn;
Khôn biết ruột người vắn dài.
Ở trường hợp 1, khi đổi chỗ cho nhau rõ ràng ý thơ đã bị thay đổi hoàn toàn. Tuy lòng bể trong Dễ hay lòng bể sâu cạn không có sự thay đổi về nghĩa, nhưng nó lại làm cho câu dưới mang nghĩa khác. Nếu như lòng người là dùng để chỉ những suy nghĩ, tình cảm sâu kín của con người thì ruột người lại khác. Ruột người ở đây hoàn toàn mang nghĩa đen, dùng để chỉ một bộ phận thuộc hệ tiêu hoá nằm bên trong khoang bụng của con người. Khôn biết lòng người vắn dài được hiểu là “không biết được suy nghĩ, tình cảm của con người ta như thế nào, tốt hay xấu”. Còn Khôn biết ruột người vắn dài lại được hiểu theo hướng “không biết là ruột con người ta dài ngắn ra sao, đo được bao nhiêu gang, bao nhiêu tấc”.
Ở trường hợp thứ 2 và trường hợp thứ 3, việc sử dụng một từ 2 lần làm cho câu thơ bị lặp, từ đó mà mức độ biểu cảm giảm đi nhiều và không làm nổi bật lên được ý của nhà thơ. Tác giả sử dụng hình ảnh ruột bể để đối với lòng người trong hai câu thơ “Dễ hay ruột bể sâu cạn, Khôn biết lòng người vắn dài” là để nhấn mạnh tương quan so sánh giữa một bên là cái cụ thể: độ sâu thăm thẳm, sâu hun hút tựa như không đáy của biển với một bên là cái trừu tượng: tâm tư, tình cảm của con người. Ruột bể dù thâm sâu đến đâu đi nữa thì con người ta vẫn có thể nhận biết, có thể đo đếm được; chứ lòng người thì “ai đo cho cùng”.
Qua việc phân tích hai câu thơ trên chúng ta có thể nhận thấy hai câu thơ này có cùng ý nghĩa với câu ca dao:
Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
Bài thơ thứ 6 và bài thơ thứ 212 cùng xuất hiện 1 hình ảnh thơ, nhưng đã được nhà thơ định danh bằng 2 tên gọi khác nhau. Ruột bể hay lòng bể cùng để chỉ khoảng nước bên dưới mặt biển, nhưng ở mỗi bài thơ nó lại có vai trò khác nhau trong việc truyền tải ý thơ. Nếu như trong bài thứ 6 nhà thơ dùng ruột bể để tránh lặp từ, mang nghĩa đen và tạo sự liên tưởng với lòng người ở phần dưới thì lòng bể trong bài thứ 212 lại không còn nét nghĩa như ruột bể:
Thu cao thỏ ướm thăm lòng bể;
Câu thơ trên có sự xuất hiện hình tượng thỏ. Trong thơ xưa mặt trăng còn được gọi là thỏ ngọc hoặc thỏ. Mặt trăng/thỏ được nhân cách hoá qua động từ ướm thăm. Trong từ điển từ ướm được giải thích là: “thăm dò ý kiến xem có thuận lợi không” [11, 1091]. Ướm thăm thường dùng khi muốn thăm dò ý người khác. Mặt trặng lặn xuống biển là hiện tượng tự nhiên thường thấy, nhưng qua ngòi bút của Nguyễn Trãi hiện tượng này trở nên vô cùng lí thú. Đó không chỉ là hình ảnh trăng lặn xuống biển mà trăng đã được nhân hoá, thực hiện một hành động rất tế nhị: ướm thăm lòng bể. Như vậy việc sử dụng lòng bể trong câu thơ này trở nên đắc địa.
Từ lòng còn xuất hiện ở 2 ẩn dụ hình thức khác, là lòng trúc và lòng trời.
Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc.
(Bài thứ 49)
Nghĩa đen của câu thơ trên là: ánh trăng đâu dễ soi thấu bên trong cây trúc. Để chỉ phần bên trong của cây trúc người ta có thể sử dụng từ ruột hoặc lòng. Nhưng tác giả đã không dùng ruột trúc mà lại dùng lòng trúc. Bởi nếu dùng ruột trúc thì nhịp điệu trong câu thơ sẽ trở nên trúc trắc:
Nguyệt xuyên há dễ thâu ruột trúc,
Nước chảy âu khôn xiết bóng non.
Hơn nữa, nếu dùng ruột trúc sẽ không thể hiện được đầy đủ ý mà nhà thơ muốn nói, bởi ruột trúc sẽ được hiểu là phần bên trong của cây trúc – so với lớp vỏ trúc phía ngoài.
Đối chiếu với hai câu cuối của bài thơ:
Thong thả lại toan nào của tích,
Bạch mai vàng cúc để cho con.
Chúng ta có thể thấy lòng trúc ở đây được hiểu là lòng của người quân tử, bởi chỉ có người quân tử mới có cái cốt cách thanh tao đến vậy. Hơn nữa, hình ảnh cây trúc trong thơ ca thường được ví với người quân tử. Như vậy, câu thơ nên được hiểu như sau: ánh trăng (sáng) đâu dễ soi thấu được lòng người quân tử.
Từ lòng trúc là ẩn dụ hình thức sang lòng người quân từ là ẩn dụ nhân hoá, câu thơ xuất hiện cùng lúc 2 kiểu ẩn dụ.
Ẩn dụ hình thức tiếp theo là ẩn dụ lòng trời.
Mới biết doanh hư đà có số
Ai từng cải được lòng trời.
(Bài thứ 85)
Hai câu thơ này có thể hiểu như sau: Sự vơi đầy (doanh hư) – tức số phận con người ta đã được định sẵn rồi, nào có ai từng thay đổi được sự sắp đặt của trời (hay của số mệnh). Sau này, trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du chúng ta cũng bắt gặp câu thơ có cùng ý:
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời xanh đã bắt làm người có thân.
Như vậy ở đây lòng trời dùng để ẩn dụ cho sự sắp đặt của trời. Để chỉ sự sắp đặt của trời người ta còn có thể dùng ẩn dụ ý trời. Tuy cùng được sử dụng để ẩn dụ cho một đối tượng nhưng lòng trời lại có những nét nghĩa khác so với ý trời. Nếu như ở ý trời chỉ thể hiện ý muốn, ý định của trời thì lòng trời lại mang nét nghĩa rộng hơn, không những chỉ ý muốn của trời mà còn chỉ những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm ẩn chứa bên trong đối tượng được nhân hoá – trời. Thay đổi ý định của con người đã khó, thay đổi lòng người còn khó hơn vạn lần nên cải được lòng trời là điều không tưởng. Do vậy mà ẩn dụ lòng trời trong trường hợp này đã thể hiện được rõ nhất, đắt nhất điều mà Nguyễn Trãi muốn nói.
Các ẩn dụ từ vựng xuất hiện trong thơ tuy không nhiều nhưng cũng có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng hình tượng thơ cũng như thể hiện cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩa của tác giả.
Các ẩn dụ trong Quốc âm thi tập
(Tổng số: 243 ẩn dụ)
Ẩn dụ
|
Số lượng
|
Tỷ lệ
|
Ẩn dụ từ vựng
|
60
|
24,7%
|
Ẩn dụ tu từ
|
183
|
75,3%
|
Các ẩn dụ từ vựng trong Quốc âm thi tập
(Tổng số: 60 ẩn dụ)
Ẩn dụ từ vựng
|
Số lượng
|
Tỷ lệ
|
Ẩn dụ hình thức
|
18
|
30,0%
|
Ẩn dụ cách thức
|
16
|
26,7%
|
Ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng
|
26
|
43,3%
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu (1987), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB ĐH và THCN, Hà Nội.
2. Đỗ Hữu Châu (1999), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, NXB ĐHQG HN, Hà Nội.
3. Đỗ Hữu Châu (2007), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB ĐHQG HN, Hà Nội.
4. Hữu Đạt (2000), Phong cách học và các phong cách chức năng tiếng Việt, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội.
5. Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội.
6. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB ĐHQG HN, Hà Nội.
7. Hữu Đạt (2002), Tiếng Việt thực hành, NXB KHXH, Hà Nội.
8. Hữu Đạt (2002), Phong cách học với việc dạy văn và lí luận phê bình văn học, NXB Hà Nội, Hà Nội.
9. Hữu Đạt (viết chung với Nguyễn Thị Phương Thùy) (2006), Văn học Việt Nam và tiếng Việt văn học, NXB ĐHQGHN, Hà Nội.
10. Nguyễn Thiện Giáp (1988), Từ vựng học tiếng Việt, NXB GD, Hà Nội.
11. Hoàng Phê (Chủ biên) (2006), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12. Lê Đình Tư (Chủ biên) (2008), Nhập môn ngôn ngữ học, NXB ĐHQGHN, Hà Nội.
13. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 10 – 11, tr.1 – 9.
14. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ (tiếp theo và hết), Tạp chí Ngôn ngữ, số 11, tr.1 – 9.
15. Nguyễn Đức Tồn (2007), Để giúp thêm cho việc dạy khái niệm ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 9, tr.63 – 69.
16. (1969), Nguyễn Trãi toàn tập, NXB KHXH, Hà Nội.