Ngôn ngữ

VỀ VẤN ĐỀ ĐỌC DIỄN CẢM TRONG GIỜ DẠY – HỌC VĂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


14-10-2020
Tác giả: ThS. Phạm Thị Thanh Huệ

Bài viết này chỉ ra những khó khăn, những thuận lợi, vai trò của phương pháp dạy học đọc diễn cảm từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao kĩ năng đọc và khả năng nhận thức của các em về vấn đề đọc diễn cảm.

VỀ VẤN ĐỀ  ĐỌC DIỄN CẢM TRONG GIỜ DẠY – HỌC VĂN

Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

            ThS. Phạm Thị Thanh Huệ

                              Cao đẳng Sư phạm Nghệ An

Vấn đề dạy học văn ở các cấp nói chung và ở bậc Phổ thông trung học nói riêng đang là một vấn đề thời sự nóng hổi khiến các cấp, các ngành, các tổ chức hết sức quan tâm, lo lắng. Có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức trong nước với những quy mô khác nhau bàn về đổi mới phương pháp dạy học văn. Nhiều phương pháp dạy học văn mới ra đời: phương pháp dạy học tích hợp, phương pháp dạy học theo nhóm, E–learning, dạy học theo dự án... Các phương pháp mới sẽ phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, phát huy tính sáng tạo của học sinh, tạo niềm vui, hứng thú học tập... Ở bài bài viết này tôi xin đề cập đến một phương pháp dạy học truyền thống: phương pháp đọc diễn cảm. Thiết nghĩ phương pháp này đã đem lại nguồn cảm hứng, niềm vui, sự say mê học tập rất lớn cho học sinh. Để học sinh không xa rời văn chương, yếu tố đầu tiên cần có là niềm đam mê và phương pháp này đã thổi bùng ngọn lửa ấy trong các em. Ở trường Phổ thông trung học, phương pháp đọc diễn cảm chưa được chú ý đúng mức, đó là vấn đề bài viết này bàn đến và chúng tôi bàn về phương pháp ấy trên quan điểm dạy học tích cực.

1. Quan niệm về đọc diễn cảm và vai trò của phương pháp đọc diễn cảm trong giờ dạy văn ở trường THPT

Một số nước trên thế giới như Nga, Pháp, Trung Quốc… từ xưa đến nay đều sử dụng phương pháp đọc diễn cảm trong giờ Văn. Bởi vì phương pháp này có một hiệu lực rất lớn. Nó truyền cho người nghe cái “thần” của tác phẩm, sự rung cảm tinh tế của nhà văn trước cuộc đời. Người nghe sẽ rung động và khao khát đi sâu vào tác phẩm để tìm hiểu cách cảm, cách nghĩ của nhà văn. Để truyền được cái “thần” ấy, bản thân người đọc phải hiểu và rung động trước, lúc đó bằng giọng đọc, cách đọc của mình mới truyền đến được cho người nghe. Qua việc đọc diễn cảm, người đọc đã gắn kết được ba đối tượng vốn vốn xa lạ với nhau trở nên thân thiết: nhà văn và tác phẩm – người đọc – người nghe. Để đọc được diễn cảm không phải dễ. Đọc diễn cảm là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật xử lí các thông số âm thanh: ngữ điệu, tốc độ, cường độ, cao độ… để chuyển tải ý nghĩa và tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Nói cách khác, người đọc phải xác định được kiểu văn bản đang đọc từ đó xác định được tông giọng chủ yếu được sử dụng để đọc tác phẩm ấy. Trong quá trình đọc phải làm chủ được tốc độ (nhanh, chậm, dãn nhịp đọc), làm chủ cường độ (to, nhỏ...)... Để xử lí các thông số âm thanh ấy được thuần thục, nhuần nhuyễn đòi hỏi người đọc (giáo viên, học sinh) phải có kĩ năng, kiến thức về tác giả, tác phẩm và cách đọc diễn cảm. Ở nước ta, việc đọc diễn cảm trong giờ dạy – học Văn ở bậc Phổ thông trung học chưa thật sự được quan tâm.

Nhiệm vụ của bộ môn Văn ở trường phổ thông là cung cấp những hiểu biết về thế giới bên ngoài, về xã hội về con người từ đó góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Phương pháp đọc diễn cảm cũng giúp học sinh hiểu về thế giới bên ngoài, về con người, về xã hội mà điều trọng yếu nhất là biết rung cảm trước mỗi số phận, mỗi cuộc đời… và biết truyền sự hiểu và cái rung cảm của trái tim mình cho người khác. Sự tương tác lẫn nhau ấy là một cách cảm hoá, một phương pháp giáo dục con người để thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, để con người xích gần lại nhau hơn. Như vậy, phương pháp đọc diễn cảm phù hợp với mục tiêu của giáo dục với chiến lược đào tạo con người. Và theo sự nhìn nhận này thì đối tượng của phương pháp dạy đọc diễn cảm là tác động vào trái tim và khối óc của các em học sinh. Cảm xúc và trí tuệ không hề mâu thuẫn nhau mà bổ trợ cho nhau. Thực chất của phương pháp này là dạy học sinh biết cách lựa chọn kiến thức nền tảng kết hợp với việc điều chỉnh bộ máy phát âm của mình để thể hiện tông giọng của từng kiểu văn bản, chủ ý của tác giả. Như vậy, phương pháp này góp phần hình thành cho học sinh ba điều quan trọng: kĩ năng, nhận thức và hành động. Với ba yếu tố chìa khoá ấy học sinh có thể mở bất cứ kho tàng tri thức văn học nào và có thể mở đường chỉ lối cho mọi trái tim và khối óc khi thâm nhập vào tác phẩm. Thực tế lại không đi cùng chiều với vai trò và nhiệm vụ của nó. Đây chính là vấn đề cần giải quyết.

2. Thực trạng của vấn đề dạy – học đọc diễn cảm

2.1. Phương pháp đọc diễn cảm luôn được tất cả giáo viên đứng lớp quan tâm, sử dụng. Mỗi giờ dạy văn, giáo viên đều tổ chức cho học sinh đọc diễn cảm (có thể giáo viên đọc làm mẫu, học sinh đọc sau). Hình thức đọc khá đa dạng có thể đọc cả bài trước khi phân tích tác phẩm nhằm gây ấn tượng hoặc đọc từng đoạn, từng khổ. Tuy nhiên những hình thức đọc ấy mới chỉ là những cách đọc lấy lệ. Nghĩa là đọc nhưng không truyền sự rung động ấy đến người nghe. Người nghe không rung cảm và cũng không hiểu được điều gì từ hành động đọc ấy. Đến cả những giờ thao giảng, sau khi dự giờ đồng nghiệp về, họ cũng không bao giờ góp ý về cách đọc của giáo viên hay học sinh trong giờ học ấy, trong khi đó có thể ý kiến rất nhiều về các hoạt động khác. Như vậy ở trường THPT việc đọc diễn cảm chưa được coi trọng trong khi đọc diễn cảm đem lại hiệu quả rất lớn.

2.2. Về phía học sinh, trước khi đọc, giáo viên dặn phải đọc tác phẩm (đoạn, khổ) này với giọng tha thiết hay buồn (vui), cao (thấp), trầm (lắng). Học sinh không biết đọc như thế nào sẽ ra giọng vui, giọng buồn, cao, thấp… nghĩa là học sinh cũng chưa nắm được phần lí thuyết cơ bản của việc đọc diễn cảm. Chẳng hạn, khi học tác phẩm Tràng giang của Huy Cận, giáo viên nói rằng các em phải đọc với giọng buồn vì bài thơ này là một nỗi buồn mênh mang và các em cứ thế đọc và phân vân rằng không biết mình đọc như thế đã buồn thật chưa!

2.3. Thời gian dành cho việc đọc nói chung và đọc diễn cảm nói riêng trên lớp chỉ khoảng 5 – 7 phút. Thời lượng ấy quá ít nên giáo viên không thể triển khai hết những vấn đề của đọc diễn cảm và họ cũng không dành tâm huyết của mình vào đó. Giáo viên không tâm huyết dẫn đến học sinh không tâm huyết và không nắm chắc được những kiến thức cơ bản của phần này. Cả hai đã vô tình đánh rơi chiếc chìa khoá mở cửa trái tim và khối óc của họ. Vì thế học sinh khó thâm nhập vào tác phẩm, giờ Văn trở nên rời rạc. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh ngày một xa rời với môn Văn.

2.4. Về phía sách giáo khoa và sách giáo viên

Sách giáo viên được coi là kim chỉ nam cho giáo viên trong quá trình dạy học. Nó  là sách hướng dẫn cho giáo viên từ lượng kiến thức cần đưa vào đến phương pháp cần được sử dụng trong giờ dạy đó. Ở mỗi bài học, sách giáo viên trình bày hai mục lớn: mục tiêu bài học và những điều cần lưu ý. Trong những điều cần lưu ý, tác giả trình bày ba vấn đề chính: nội dung, phương pháp tiến trình tổ chức một bài dạy và kiểm tra đánh giá. Trong phần phương pháp và tiến trình một bài dạy của mỗi tác phẩm, người viết có đưa ra phương pháp dạy đọc diễn cảm. Ví dụ: Cuốn sách giáo viên Ngữ văn 11 tập hai, khi lưu ý dạy tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu, tác giả viết “cần rèn cho học sinh đọc diễn cảm, sao cho đúng với cảm xúc và giọng điệu. Qua ba đoạn thơ, diễn biến tâm trạng của nhà thơ mỗi lúc một khác, khi đọc phải diễn tả được các diễn biến đó”. Về đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du, tác giả viết “đọc diễn cảm hoặc ngâm đoạn trích”...

Như vậy, sách giáo viên yêu cầu trong mỗi giờ dạy tác phẩm văn học giáo viên phải vận dụng phương pháp đọc diễn cảm. Tuy nhiên các đơn vị kiến thức của đọc diễn cảm chưa được triển khai cụ thể. Nhiều giáo viên chưa định  hình được nội dung kiến thức đó. Với thời lượng dành cho việc triển khai phương pháp này trên lớp quá ít nên cả người dạy và người học đều làm qua quýt. Vì thế cả người dạy và người học chưa tìm được lời giải đáp thoả đáng.

Còn sách giáo khoa Ngữ văn của cả ba khối 10, 11, 12 chương trình cơ bản hầu như không đề cập đến việc đọc diễn cảm. Hệ thống câu hỏi đi sâu vào khám phá tác phẩm, thỉnh thoảng mới có một câu hỏi liên quan đến việc đọc diễn cảm. Chẳng hạn hệ thống câu hỏi của bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu có 4 câu, trong đó câu 4 “Hãy nhận xét về đặc điểm của hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu trong đoạn thơ cuối bài thơ. Nhà thơ sáng tạo được hình ảnh nào mà anh (chị) cho là mới mẻ, độc đáo nhất?”, hệ thống câu hỏi của bài thơ Từ ấy của Tố Hữu có câu “Nhận xét về các biện pháp tu từ dùng trong bài thơ. Có gì đáng chú ý trong nhịp điệu của các câu thơ?”… Cả tập hai của cuốn sách Ngữ văn 11 sách giáo khoa có 13 tác phẩm mà chỉ có 5 câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Như vậy, để hiểu được một cách đầy đủ về đọc diễn cảm thì học sinh phải xâu chuỗi toàn bộ hệ thống câu hỏi của chương trình. Đó là một việc làm quá khó. Như vậy, học sinh cũng xa lạ với khái niệm đọc diễn cảm, tạo nên một thói quen chăm chắm vào việc phân tích đào sâu tác phẩm chứ không hề hình thành việc đọc diễn cảm.

3. Một số ý kiến trao đổi về vấn đề dạy – học đọc diễn cảm trong giờ dạy văn ở cấp THPT

Trước thực tế đang diễn ra, với mong muốn được chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong dạy tác phẩm văn chương, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến nhỏ về dạy – học đọc diễn cảm.

 Tiến trình một giờ dạy trên lớp (ngoài việc ổn định lớp) bao gồm các bước: 1. Kiểm tra bài cũ, 2. Tìm hiểu bài mới, 3. Luyện tập và củng cố, 4. Dặn dò (giao nhiệm vụ về nhà). Xét về mặt lí luận dạy học thì cả bốn bước trên đều quan trọng, không thể bỏ qua bất cứ  bước nào trong tiến trình một giờ học. Giáo viên đứng lớp của chúng ta thực hiện không thiếu bước nào. Tuy nhiên, có bước được giáo viên coi trọng có bước chưa thực sự được quan tâm. Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khơi dậy niềm đam mê văn học của học sinh thì không được xem nhẹ bước nào. Việc đọc diễn cảm và kiến thức về đọc diễn cảm của các em bậc phổ thông chưa thật vững nên ở mỗi bước chúng ta phải vận dụng kiến thức cho phù hợp. Sau khi Nghị quyết 40 của Quốc hội khoá 10 ban hành và quyết định đổi mới phương pháp dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi giáo viên lên lớp đều tiến hành đổi mới phương pháp dạy học. Các bước lên lớp được chuẩn bị khá chu đáo và đều có sự đổi mới. Tuy nhiên, kiến thức về đọc diễn cảm và việc đọc diễn cảm chưa được chú trọng nên trong các bước tổ chức giờ học hầu như chưa được đề cập đến.

3.1. Đối với bước kiểm tra bài cũ. Ý nghĩa của việc kiểm tra bài cũ là kiểm tra học sinh nắm được những kĩ năng và kiến thức gì từ tiết học trước; cũng là một cách để kiểm tra tính tự lực, tự tìm tòi, tự mở rộng kiến thức của học sinh và là cầu nối để tiếp tục bài học mới... Dưới sự kiểm tra của giáo viên, học sinh sẽ thể hiện được khả năng nắm bắt kiến thức và kĩ năng của bản thân ở mức độ nào. Hình thức kiểm tra có nhiều cách: có thể tham vấn bằng phiếu học tập, hoặc sử dụng bảng phụ hoặc đàm thoại.

* Các dạng nội dung phiếu học tập: Ví dụ: sau khi học xong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, chuẩn bị bài học mới Hạnh phúc của một tang gia, có thể chuẩn bị phiếu học tập sau

Phiếu 1: Ghi tên nhân vật vào chỗ trống cho phù hợp

– Giọng đọc mạnh mẽ, cứng rắn thể hiện thái độ ngông nghênh, khinh bạc xã hội phàm tục là giọng đọc lời ......

– Giọng đọc nhỏ nhẹ thể hiện thái độ khúm núm, tôn sùng cái đẹp là giọng đọc lời .....

Phiếu 2: Đánh dấu x vào ô trống trước cụm từ chỉ dẫn cách đọc đúng đoạn thơ “Từng nghe........ song hào kiệt đời nào cũng có” trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

□ Đọc nhanh và cao giọng

      □  Đọc chậm, nhấn giọng, âm lượng lớn, hơi cao giọng.

□  Đọc đều đều vừa phải, không nhấn giọng

* Nếu đàm thoại có thể có các dạng:

Dạng 1: Đoạn trích ..... đọc với giọng như thế nào? Vì sao?

Dạng 2: – Đọc diễn cảm đoạn trích ....

              – Nhận xét về cách đọc của bạn

 3.2. Đối với bước tìm hiểu bài mới. Đây là bước rất quan trọng. Ở bước này giáo viên vừa cung cấp kiến thức, rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh vừa thổi ngọn lửa đam mê vào tâm hồn học sinh để các em đi sâu khám phá tác phẩm. Tất cả những điều đó được thể hiện qua kĩ năng đọc. Giáo viên đọc mẫu sau đó học sinh đọc. Hình thức đọc khá đa dạng có thể đọc trong quá trình khám phá tác phẩm hoặc sau khi hoàn tất quá trình đọc – hiểu. Hoạt động đọc trước khi khám phá tác phẩm là hoạt động không thể thiếu. Sau khi đọc mẫu xong, giáo viên phải giới thiệu rất cụ thể, chi tiết về giọng đọc của bài học đó (giọng đọc chủ yếu của bài, điểm ngắt nghỉ, nhấn, lên giọng hay xuống giọng, nhanh hay chậm và giải thích vì sao...). Ví dụ, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập một chương trình cơ bản. Đây là một bài thơ giàu nhạc tính, câu chữ vừa gân guốc vừa chơi vơi trữ tình. Cả bài thơ là một nỗi nhớ trải dài nhưng nỗi nhớ ấy lặn sâu vào trong tâm hồn để còn lại là ánh mắt đau đáu của nhà thơ dõi theo từng bước chân của đoàn quân Tây Tiến trên bước đường chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ấy, người lính Tây Tiến gặp rất nhiều khó khăn gian khổ, hiểm nguy nhưng họ không hề nản lòng mà vẫn lạc quan yêu đời. Vì vậy, đọc bài thơ phải thể hiện được tông giọng chủ yếu là nỗi nhớ, hoài niệm. Nhưng trong tông giọng chủ đạo ấy có lúc phải gân guốc, dữ dội có lúc  trữ tình, thơ mộng. Đoạn thơ:

    Doanh trại/ bừng lên hội đuốc hoa

                                          Kìa em/ xiêm áo tự bao giờ

   Khèn lên man điệu/ nàng e ấp

 Nhạc về Viên Chăn/ xây hồn thơ.

Đọc đoạn này phải nâng giọng lên, hơi ngân lên ở cuối dòng 2 và 4. Giọng phải tha thiết, bay bổng và có lúc vỡ oà như một tiếng reo ở hai chữ “Kìa em”. Tất cả nhằm thể hiện không khí rộn ràng vui vẻ và cái nhìn say sưa, đa tình của người lính Tây Tiến ở phương trời xa. Đoạn thơ:

Tây Tiến/ đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá/ dữ oai hùm

Mắt trừng /gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội /dáng kiều thơm

Rải rác biên cương/ mồ viễn xứ

Chiến trường đi /chẳng tiếc đời xanh

Áo bào/ thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên/ khúc độc hành

khắc hoạ bức tượng đài về người lính Tây Tiến. Ngoại hình của người lính Tây Tiến được khắc hoạ bằng nét vẽ chân dung gân guốc, lạ hoá. Tương phản với ngoại hình ấy là nội tâm mãnh liệt, dữ đội, ngang tàng. Bên cạnh vẻ dữ dội, mãnh liệt đó là vẻ đẹp hào hoa phong nhã, lãng mạn cũng làm nên sức mạnh của người lính Tây Tiến. Cũng  vì vậy có hai mạch nhạc thơ: Mạch một đọc với giọng mạnh mẽ, cứng cáp và phải nhấn vào những từ ngữ: không mọc tóc, dữ oai hùm, mắt trừng, chẳng tiếc đời xanh, gầm lên, khúc độc hành. Mạch hai đọc với giọng trữ tình, hạ thấp giọng một chút và hơi ngân.

Khi đọc mẫu, yêu cầu giáo viên phải đọc đúng như lời giáo viên chỉ dẫn cho học sinh. Để tránh trường hợp nói một đằng làm một nẻo, mỗi lần đọc một khác khiến học sinh không biết theo đường nào cho phù hợp. Giáo viên phải có biện pháp tự rèn luyện. Sau khi học sinh đọc, giáo viên phải uốn nắn những chỗ sai sót của học sinh. Chẳng hạn, một số học sinh cố gắng lên giọng để thể hiện đúng giọng đọc của bài nhưng lên quá cao giọng nên nghe gay gắt như một tiếng gãy, tiếng kêu gào. Có lúc yêu cầu xuống thấp lại xuống quá thấp nên kéo rất mệt và khó lên. Có lúc lại đọc không đúng lời nhân vật, có lúc ngắt nhịp cũng không đúng...

3.3. Bước luyện tập và củng cố. Mục tiêu của bước này là củng cố lại kiến thức đã học giúp học sinh nắm vững bài học. Có thể tiến hành bằng nhiều cách:

Cách 1: Có thể cho học sinh đọc diễn cảm tác phẩm (đối với thơ, còn đối với tác phẩm văn xuôi có thể đọc theo vai). Sau đó cả lớp thảo luận nhận xét về giọng đọc của bạn và rút ra kết luận.

Cách 2: Có thể chọn một đoạn mà các em tâm đắc. Lí giải vì sao chọn đoạn đó.

Cách 3: Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm.

3.4. Bước giao bài tập về nhà. Lâu này chúng ta xem nhẹ bước giao bài tập về nhà. Cuối mỗi tiết học giáo viên chỉ dặn dò chung chung rằng các em về nhà học bài cũ và soạn bài học tiếp theo mà không dặn dò cụ thể. Theo lối học truyền thống, qua cách dặn dò của giáo viên, học sinh hiểu rằng phải trả lời tất cả câu hỏi trong sách giáo khoa vào vở soạn. Học sinh chỉ cần bê từ tài liệu tham khảo vào vở là xong. Nhưng nhiệm vụ của bước này là: về kiến thức kĩ năng, học sinh tự ôn tập những kiến thức kĩ năng đã học trên lớp. Đây cũng là cơ hội thể hiện sự chỉ đạo của giáo viên đối với học sinh, cơ hội để học sinh thể hiện sự sáng tạo, chủ động của mình. Ở trên lớp, thời lượng học quá ít, không gian hoạt động hẹp các em chưa thể hiện hết khả năng sáng tạo của mình. Vì vậy, giáo viên phải giao nhiệm vụ về nhà hết sức cụ thể. Ngoài nhiệm vụ truyền thống, học sinh phải được triển khai thêm một số nhiệm vụ nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của các em như:

– Đối với bài cũ, các em đọc thêm một số tài liệu (giáo viên nêu tên tài liệu), làm một số bài tập (mở rộng kiến thức).

– Đối với bài mới, các em phải đọc văn bản thật kĩ, trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa một cách chủ động, đọc thêm một số tài liệu có liên quan (giáo viên nêu tên tài liệu), chứng minh làm rõ một số vấn đề do giáo viên nêu.

Đối với việc đọc diễn cảm, giáo viên phải giao nhiệm vụ cụ thể để học sinh rèn kĩ năng và chuẩn bị kiến thức trước. Có thể là:

-        Đối với bài cũ: Giáo viên có thể sử dụng ba kiểu bài tập: kí mã giọng đọc, giải mã giọng đọc và giải thích giọng đọc.

Bài tập kí mã giọng đọc là bài tập yêu cầu học sinh xác định giọng đọc và mô tả giọng đọc.

Ví dụ: Hãy xác định giọng đọc, xác định chỗ ngắt nhịp (đánh dấu /) và gạch dưới những từ ngữ cần nhấn giọng cho đoạn văn sau: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở  Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. (Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh).

+ Bài tập giải mã giọng đọc là bài tập thể hiện giọng đọc sau khi đã xác tiến hành kí mã giọng đọc. Đối với loại bài tập này thì yêu cầu học sinh đọc diễn cảm tác phẩm và ghi âm lại giọng đọc của mình, dùng kiến thức đã học để nhận xét và sữa chữa.

+ Bài tập giải thích giọng đọc. Đó là loại bài tập giải thích vì sao chúng ta lại ngắt nghỉ giọng, nhấn giọng hay hạ giọng, lên giọng ở vị trí đó. Loại bài tập này khá khó, vì vậy giáo viên có thể phải làm mẫu một vài ví dụ cho học sinh.

-        Đối với bài mới:

+ Sau khi đã soạn bài chu đáo, học sinh phải xác định tông giọng chủ yếu của tác phẩm.

+ Xác định diễn biến tâm trạng của tác giả, từ đó xác định cách đọc đối với từng đoạn (khổ) đó.

+ Đọc diễn cảm và ghi âm lại giọng đọc. Uốn nắn, sữa chữa theo nhận thức của bản thân.

+ Đọc thêm một số tài liệu.

Để  mỗi học sinh đều trở thành “cây đàn muôn điệu” thì bản thân các em phải làm được ba kiểu bài tập như đã nói trên: bài tập kí mã, giải mã và giải thích. Ba kiểu bài tập đó liên quan đến nhau. Học sinh hiểu được tác phẩm tất yếu sẽ biết cách kí mã, giải thích và từ đó sẽ đọc tốt. Vì thời lượng học trên lớp quá ít và nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo... của học sinh nên bước giao nhiệm vụ về nhà phải nặng hơn, mức độ khó hơn các bước khác.

    Tóm lại, bài viết này nhằm chỉ ra những khó khăn, những thuận lợi, vai trò của phương pháp dạy học đọc diễn cảm từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao kĩ năng đọc và khả năng nhận thức của các em về vấn đề đọc diễn cảm. Trong xu thế mới của xã hội, các em ngày một xa rời với môn Văn. Đó là một điều đáng buồn. Với tư cách là những nhà giáo chân chính, chúng ta phải đưa các em trở về với thế giới nghệ thuật. Ở đó các em mới có điều kiện hình thành nhân cách một cách toàn diện nhất. Lâu nay chúng ta chưa phát huy hết thế mạnh của một  phương pháp không mới nhưng có thể thức dậy trái tim đang ngủ yên của các em. Từ bây giờ, bằng quan điểm dạy học mới chúng ta phải cố gắng để phát huy được điều đó.       

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Bộ Sách giáo khoa và Sách giáo viên 10, 11, 12, NXB GD.

2.   Phan Trọng Luận, Trương Dĩnh (2001), Phương pháp dạy học văn, NXB GD.

3.   Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử (2008), Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12, NXB GD.

4.   Lê Phương Nga (2001), Phương pháp dạy học Tập đọc ở Tiểu học, NXB GD.

5.   Lê A, Thành Thị Yên Mỹ, Lê Phương Nga, Nguyễn Trí, Cao Đức Tiến (1999), Phương pháp dạy học Tiếng Việt, NXB GD.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020