Ngôn ngữ

CHIẾU VẬT THIÊN NHIÊN TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN (QUA NHÓM BIỂU THỨC CHIẾU VẬT SÔNG NƯỚC TRONG TRUYỆN KIỀU)


14-10-2020
Tác giả: Ths. Đặng Thị Thu Hiền

Việc vận dụng phương pháp luận của Ngôn ngữ học tri nhận vào nghiên cứu chiếu vật nói chung và chiếu vật thiên nhiên trong Truyện Kiều nói riêng đòi hỏi phải đầu tư dày công hơn và thêm rất nhiều thời gian, giấy mực. Chúng tôi đang dần từng bước tiệm cận tới vấn đề tự thấy là khá lí thú này của Ngôn ngữ học và bài viết này mới chỉ là một trong những thử nghiệm đầu tiên. Bên cạnh một số giá trị hữu ích đối với lí thuyết ngôn ngữ học, thiết nghĩ, việc đi sâu tìm hiểu vấn đề này còn đem đến một trong những cách tiếp cận mới mẻ đối với một tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều.

CHIẾU VẬT THIÊN NHIÊN TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

– NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN

(QUA NHÓM BIỂU THỨC CHIẾU VẬT SÔNG NƯỚC TRONG TRUYỆN KIỀU)

ThS. Đặng Thị Thu Hiền

Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Đặt vấn đề

Từ nửa cuối thế kỉ XX đến nay, khoa học tri nhận (Cognitive Science) dường như đã bao quát, liên đới tới hầu hết các ngành khoa học khác. Bởi lẽ, không có một ngành khoa học nào mà không xuất phát từ việc nhận thức về thế giới của con người và việc tìm hiểu, lí giải những sự vật, hiện tượng trong thế giới ấy từ những góc nhìn khác nhau. Quá trình nhận thức, lí giải và tái tạo lại cấu trúc của thế giới hiện thực khách quan chính là quá trình tri nhận. Ngôn ngữ là một trong những hiện tượng quan trọng vào bậc nhất xuất hiện và tồn tại trong xã hội loài người. Ngôn ngữ học tri nhận (Cognitive Linguistics) là tiếng nói của việc tìm hiểu, lí giải quá trình và cơ chế sản sinh và lĩnh hội ngôn ngữ của con người với tư cách là những hoạt động của tâm lí, tư duy, nhận thức chứ không chỉ là hoạt động của bộ máy phát âm hay hoạt động tương tác trong giao tiếp.

Chiếu vật (reference) là một hành vi ngôn ngữ của người phát ngôn trong hoạt động giao tiếp, nhưng để thực hiện được và thực hiện thành công, người nói phải trải qua một loạt quá trình trước khi thực hiện hành vi đó: quá trình ý niệm hoá và phạm trù hoá các khái niệm đó trong tâm trí, sau đó là quá trình phóng chiếu các ý niệm, phạm trù này vào ngôn ngữ và cuối cùng là quá trình khái quát hoá các nội dung tri nhận về thế giới khách quan để hình thành các khái niệm trong tư duy. Như vậy, có thể nói, nếu ngôn ngữ là cửa sổ để mở ra các vùng tri nhận khác nhau với cấu trúc tri nhận và quy luật tri nhận trong thế giới tinh thần của con người thì chiếu vật chính là hành động thể hiện bằng ngôn ngữ các ý niệm và phạm trù tri nhận của con người. Tìm hiểu về chiếu vật nói chung và chiếu vật thiên nhiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du nói riêng, người viết nhận thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận vấn đề thoả đáng để không dẫn tới những kết luận mang tính suy diễn vô căn cứ (theo kiểu “văn chương tự cổ vô bằng cứ”). Do vậy, bên cạnh việc tiếp cận đối tượng theo phương pháp luận của ngữ pháp chức năng, chúng tôi cũng bắt đầu ứng dụng phương pháp luận của ngôn ngữ học tri nhận bằng việc tìm hiểu các quá trình tri nhận và quá trình mã hoá các ý niệm bằng ngôn ngữ mà kết quả đầu tiên, cụ thể của các quá trình đó chính là hệ thống các phương tiện ngôn ngữ chiếu vật trong tác phẩm. Đến lượt  mình, các phương tiện ngôn ngữ này lại trở thành điểm khởi đầu cho một quá trình tri nhận tiếp theo nảy sinh do sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm, và qua đó, với thế giới tinh thần của tác giả, để hình thành nên những ý niệm và những phạm trù tri nhận về chính những ý niệm đã được mã hoá trong tác phẩm.

2. Chiếu vật dưới ánh sáng của phương pháp luận của Ngôn ngữ học tri nhận  

2.1. Cơ sở khoa học

Có thể nói, bên cạnh Tâm lí học và Triết học, Ngôn ngữ học là ngành khoa học liên quan mật thiết nhất tới Khoa học tri nhận. Điều này gần như là hiển nhiên bởi một trong hai chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ chính là chức năng là công cụ của hoạt động nhận thức, tư duy của con người. Ngôn ngữ không chỉ tham gia vào hoạt động nhận thức, tư duy của con người với vai trò của một phương tiện thực hiện mà còn là phương tiện để diễn đạt và lưu trữ kết quả của các hoạt động đó. Ngược lại, các sản phẩm của hoạt động nhận thức, tư duy lại cung cấp cho ngôn ngữ mặt “cái được biểu đạt” của tín hiệu ngôn ngữ, làm đầy cái vỏ âm thanh của nó để cho ngôn ngữ trở nên “có nghĩa” (dù “nghĩa” hiểu theo cách nào đi nữa). “Hiện thực khách quan phản ánh trong não người hình thành nên thế giới tri nhận  cấu trúc tri nhận. Ngôn ngữ học tri nhận nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc tri nhận, quy luật của cấu trúc tri nhận đối với ngôn ngữ” [4, 206]. Ngôn ngữ học tri nhận đã và đang được coi là một cuộc cách mạng thứ ba trong lịch sử Ngôn ngữ học thế giới, sau hai cuộc cách mạng đi trước: “cuộc cách mạng Saussure” và “cuộc cách mạng Chomsky” [4], bởi lẽ, với nguyên lí “dĩ nhân vi trung” (anthropocentrism) được tuyên ngôn một cách khảng khái đã thay đổi hầu như toàn bộ phương pháp luận của các nhà ngôn ngữ học đi theo hệ hình ngôn ngữ học cấu trúc tiền tri nhận.

Mặc dù “trọng tâm của ngôn ngữ học tri nhận là ngữ nghĩa” nhưng “chính Ngữ dụng học đã khiến người ta phải chú ý đến hệ thống tri nhận của con người. Như ta biết, ngữ dụng học không bàn về nghĩa mà bàn về sự tạo nghĩa, về tiềm năng nghĩa, về sự biểu lộ, sự thương lượng về nghĩa như thế nào trong tương tác (...) Các nhà ngữ dụng học đã chứng minh được rằng trong quá trình sản sinh phát ngôn, người nói đã phải tính đến các giới hạn về xã hội, tâm lí, nhận thức của người nghe; và ngược lại, trong quá trình giải thích các phát ngôn, người nghe cần thiết phải tính đến những chế ước về xã hội khiến người nói tiến hành sản sinh phát ngôn theo một cách thức riêng biệt nào đó” [4, 208]. Đây cũng chính là một trong các phương pháp tiếp cận của các nhà nghiên cứu Ngữ dụng học khi xem xét vấn đề nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ được sử dụng trong các ngữ cảnh giao tiếp cụ thể – tức nghĩa chiếu vật của chúng.

Nghĩa chiếu vật hay vật được chiếu (referent) chính là bản thân các thực thể tồn tại bên ngoài ngôn ngữ, trong thế giới hiện thực mà ở đó biểu thức ngôn ngữ chiếu vật (referring expressions)* được sử dụng. Chiếu vật thể hiện rõ nhất mối quan hệ bộ ba giữa người nói – ngôn ngữ – hiện thực khách quan. Bởi, như phát ngôn kinh điển của Strawson,“ý định (mentioning) và chiếu vật (referring) không phải là điều mà các biểu thức ngôn ngữ có thể thực hiện được mà đó là do một người nào đó dùng chính các biểu thức đó để thực hiện”.  [11, 326]

Trong chiếu vật, điều kiện tiên quyết là người nói (và cùng với đó là tất cả các yếu tố có liên quan đến năng lực tri nhận thế giới và năng lực sử dụng ngôn ngữ của anh ta) phải có ý định chiếu vật và tin rằng người nghe của anh ta có đủ điều kiện để nhận diện được nghĩa chiếu vật.

2.2. Các khái niệm hữu quan trong Ngôn ngữ học tri nhận khi nghiên cứu vấn đề Chiếu vật

Nói tới lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận, một trong những điều đầu tiên cần quan tâm là hệ thống các khái niệm cơ bản của nó, trong đó, các khái niệm quan trọng nhất có thể được vận dụng trong việc tìm hiểu về Chiếu vật của Ngữ dụng học là: ý niệm, ý niệm hoá, phạm trù tri nhận, phạm trù hoá, ẩn dụ ý niệm…

2.2.1. Ý niệm và ý niệm hoá

Ý niệm (concept) là một trong những khái niệm quan trọng của tâm lí học mà ngôn ngữ học tri nhận kế thừa được. Ý niệm là một đơn vị của ý thức (khác với khái niệm (notion) là một đơn vị của tư duy), “là những biểu tượng tinh thần phản ánh cách thức chúng ta tri giác thế giới xung quanh và tương tác với nó. Ý niệm bao gồm cả những sự liên tưởng và những ấn tượng là một trong những kinh nghiệm của người sử dụng ngôn ngữ”  [4, 210]. Những ý niệm – biểu tượng tinh thần – thường gồm ba thành tố: trí tuệ, cảm xúc  ý chí.

Như vậy, ý niệm vừa mang tính khách quan vì nó thể hiện sự phản ánh thế giới vào não bộ con người; vừa mang tính chủ quan vì nó mang cả dấu ấn và năng lực cá nhân trong việc tri giác, nhận thức về thế giới. Một ý niệm có thể là những ấn tượng và liên tưởng về một cá thể/ một lớp thực thể cụ thể hoặc trừu tượng trong hiện thực khách quan kèm theo cả những thuộc tính bản thể vốn có của thực thể đó do những trải nghiệm chân thực của cá nhân – chủ thể nhận thức – đem lại. Thế giới tồn tại trong nhận thức của mỗi người có thể được coi như một thế giới ý niệm (conceptual world) về cái thế giới thực nơi con người đang tồn tại. Do vậy, thế giới ý niệm dường như là kết quả đầu tiên của quá trình tri nhận về hiện thực khách quan của con người và là thế giới đã được “cấu trúc lại”, được tái tạo và “tạo ra hoàn cảnh cho cấu trúc ngữ nghĩa” [4, 211] của ngôn ngữ.

Ý niệm cũng không tồn tại dưới dạng biệt lập trong thế giới tinh thần của con người mà nó có tính hệ thống – tạo nên hệ thống ý niệm – trong đó có một số ý niệm cơ sở hoạt động như những chuẩn để phân chia các không gian ý niệm và phát triển thành các ý niệm khác trong các không gian khác nhau. Chẳng hạn, ý niệm đối tượng có thể được coi là chuẩn để phân chia thành các ý niệm về các bộ phận của đối tượng, ý niệm không gian được coi là chuẩn để phát triển thành các ý niệm về các vị trí trên, dưới, trong, ngoài…

Quá trình hình thành các ý niệm được gọi là quá trình ý niệm hoá (conceptualization). Cơ sở để hình thành các ý niệm là các vùng tri nhận riêng biệt cho từng ý niệm, cũng giống như các ngữ cảnh sử dụng là cơ sở nền tảng để xác định các đặc trưng ngữ nghĩa của một từ trong ngôn ngữ. “Đặt trong vùng tri nhận khác nhau, cùng một sự vật của thế giới khách quan có thể tạo những hình bóng khác nhau”  [4, 228], tức là hình thành những ý niệm khác nhau. Nói một cách ví von như các nhà khoa học thì “ý niệm là một mảng của thế giới do con người cắt ra bằng “lưỡi dao ngôn ngữ” để nhận thức… Việc cắt thế giới ra thành từng mảng được gọi là ý niệm hoá thế giới… Việc ý niệm hoá thế giới cho ta những ‘bức tranh thế giới’”  [3, 104].

Điều cần lưu ý ở đây, “bức tranh thế giới ấy” thực chất là có tính nhân loại bởi thế giới (bao gồm cả thế giới thực và hư, tự nhiên và nhân tạo) tồn tại như một thể thống nhất duy nhất trong lĩnh vực tinh thần/ tâm trí của toàn nhân loại; nhưng việc phản ánh/ biểu hiện “bức tranh thế giới” ấy thành các “bức tranh ngôn ngữ về thế giới” thì lại mang tính dân tộc sâu sắc bởi sự đa dạng về số lượng, nguồn gốc và loại hình của các ngôn ngữ khác nhau tồn tại trong các cộng đồng người cùng với bản sắc văn hoá khác nhau là không thể phủ nhận. Do vậy, việc tìm hiểu ý niệm và quá trình ý niệm hoá của ngôn ngữ học tri nhận không thể tách rời khỏi sự tác động, ảnh hưởng của các đặc trưng văn hoá (trong đó có ngôn ngữ) của từng dân tộc.

2.2.2. Phạm trù tri nhận và phạm trù hoá

“Ngôn ngữ học tri nhận quan niệm một loại sự vật và những thành viên tương tự có thể làm thành một phạm trù, một nhóm loại sự vật cũng có thể tạo thành một phạm trù. Theo nghĩa rộng thì phạm trù giống với ý niệm. Tuy nhiên, phạm trù là sự quy loại của các sự vật trong tri nhận, còn ý niệm là phạm vi ý nghĩa của những từ ngữ, hình ảnh trên cơ sở phạm trù” [4, 225]. Mỗi phạm trù tri nhận (cognitive category) thường bao gồm một số thành viên có tính tương tự đồng tộc (family resemblances), trong đó có thành viên điển hình (gọi là điển dạng) và các thành viên ngoại biên. Giữa các phạm trù tri nhận không có đường biên rõ ràng mà thực chất các phạm trù tri nhận đều là những phạm trù mờ, thậm chí biên giới của chúng còn có thể được mở rộng nếu như trong thực tế xuất hiện những thực thể có thể làm thành viên mới của một phạm trù tri nhận nào đó.

Các phạm trù tri nhận là sản phẩm của quá trình phạm trù hoá (categorization) – “quá trình phân loại sự vật, hiện tượng, đó là hoạt động tri nhận bậc cao của con người, có cơ sở là các quá trình tinh thần về lĩnh hội và sản sinh ngôn ngữ” [4, 226].

Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cũng đã nhận thấy tuy giữa các phạm trù tri nhận chỉ là một ranh giới mờ, nhưng xét về bản chất, “tất cả các phạm trù tri nhận đó liên quan lẫn nhau trong một quan hệ tôn ti. Nguyên tắc làm cơ sở cho cấu trúc tôn ti này là khái niệm bao hàm loại (class inclusion), tức là loại thượng danh bao gồm tất cả các đơn vị ở bậc hạ danh” [4, 234]. Ngoài ra, ở tầng giữa, nơi các sự vật được nhận thức một cách dễ dàng nhất và là nơi tồn tại các điển dạng, là loại phạm trù bậc cơ sở. Nói cách khác, các phạm trù tri nhận cũng tồn tại tính hệ thống trong đó mỗi phạm trù bậc trên lại có thể bao gồm nhiều tiểu phạm trù bậc dưới.

“Đối với nhà ngôn ngữ học, phạm trù hoá là một vấn đề quan trọng bởi vì nó đặt cơ sở cho việc sử dụng các từ và sử dụng ngôn ngữ nói chung. Bởi vì việc sản sinh và hiểu ngôn ngữ bao gồm các quá trình tri nhận cho nên phạm trù hoá là cái gì cần thiết, nó có vị trí trong tâm trí chúng ta và các phạm trù nảy sinh từ đó có thể được hiểu như các ý niệm tinh thần tàng trữ trong tâm trí chúng ta” [4, 226].

Quá trình phạm trù hoá và ý niệm hoá liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất. Phạm trù hoá thì tập hợp các đơn vị giống hoặc tương tự nhau về mặt nào đó để hình thành các phạm trù tri nhận, còn ý niệm hoá thì trừu xuất những đơn vị tối giản trong kinh nghiệm của con người thành nội dung của các đơn vị ngôn ngữ.

2.2.3. Ẩn dụ ý niệm

Ngôn ngữ học tri nhận coi ẩn dụ là công cụ quan trọng để ý niệm hoá. Theo Lakoff, ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) “là các ánh xạ có tính hệ thống giữa hai miền ý niệm: miền nguồn là một phạm trù trải nghiệm được ánh xạ hay phóng chiếu vào miền đích là một miền trải nghiệm khác… Trọng tâm của ẩn dụ ý niệm không phải là ngôn ngữ mà là phương thức chúng ta ý niệm hoá một miền tâm trí qua một miền tâm trí khác”  [4, 240]. Nói cách khác, ẩn dụ ý niệm chính là một cách thức hay cơ chế của hoạt động nhận thức và cấu trúc lại thế giới trong tâm trí của con người, tức là một trong những hình thức ý niệm hoá để tạo nên “bức tranh thế giới”.

Trong ẩn dụ ý niệm xuất hiện quá trình chuyển hoá ý niệm từ những không gian tư duy (những miền kinh nghiệm cảm tính và xã hội) khác nhau, trong đó những không gian tư duy phức tạp, không thể quan sát trực tiếp (miền đích) được xác lập mối tương quan với những không gian tư duy đơn giản hơn hoặc với những không gian tư duy có thể quan sát được trực tiếp (miền nguồn). Đồng thời, cùng một không gian tư duy có thể được biểu tượng nhờ một hoặc một số ẩn dụ ý niệm khác nhau.

Vì ẩn dụ về bản chất là mang tính ý niệm chứ không phải mang tính ngôn ngữ nên cần phân biệt ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) với ẩn dụ ngôn ngữ (liguistic metaphor) hay biểu thức ẩn dụ (metaphorical expressions). Ẩn dụ ý niệm là các ý niệm trừu tượng được ánh xạ từ miền nguồn (source) đến miền đích (target) của tri nhận (tồn tại ở dạng tinh thần) thì ẩn dụ ngôn ngữ là những phương tiện ngôn ngữ được dùng để thể hiện chính các ẩn dụ ý niệm đó trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ của con người (tồn tại ở dạng vật chất). Theo đó, cùng một ẩn dụ ý niệm có thể được diễn đạt bởi nhiều ẩn dụ ngôn ngữ khác nhau. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi xem xét cách thức mà các nhà văn đã chuyển tải những cấu trúc ý niệm vào trong tác phẩm thông qua ngôn từ nghệ thuật, và dường như, tác phẩm càng có nhiều ẩn dụ ngôn ngữ thể hiện thành công cùng một ẩn dụ ý niệm nào đó thì “tính nghệ thuật” của ngôn từ lại càng cao?

3. Chiếu vật thiên nhiên trong Truyện Kiều và mô hình tri nhận của Nguyễn Du (qua nhóm BTCV “sông nước”)

3.1. Các phạm trù tri nhận qua các BTCV thiên nhiên trong Truyện Kiều

Thiên nhiên là một phạm trù rộng lớn bao trùm lên gần như toàn bộ sự vật, hiện tượng tự nhiên trong thực tế khách quan, trong đó có con người. Tuy nhiên, trong cấu trúc tri nhận của con người, con người tự tách mình ra với tư cách là chủ thể nhận thức – và thiên nhiên là khách thể/ hay đối thể – nên phạm trù thiên nhiên không bao hàm “thành viên” con người trong đó.

Phạm trù thiên nhiên, như một phạm trù tri nhận, được thể hiện trong tác phẩm văn học lại càng biểu lộ rõ tính chất chủ thể – khách thể ấy. Theo những cách thức sáng tạo riêng, nhà văn đã mã hoá các ý niệm của mình về phạm trù thiên nhiên để qua đó cho người đọc thấy được mô hình tri nhận riêng phản ánh nhãn quan của cá nhân về thế giới và con người sống trong thế giới ấy.

Phạm trù thiên nhiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là ngoại lệ. Nếu xét về thứ bậc, có thể nói thiên nhiên tồn tại như một phạm trù ở bậc thượng danh bao hàm trong đó nhiều phạm trù cơ sở và dưới nữa là các phạm trù thuộc bậc hạ danh. Có thể hình dung quan hệ cấp bậc có tính hệ thống này trong Truyện Kiều qua bảng sau:

Bảng 1. Các loại phạm trù tri nhận qua các BTCV thiên nhiên trong Truyện Kiều

PT thượng danh

PT cơ sở

PT hạ danh

Điển dạng

Thiên nhiên

Thời gian

Năm, tháng, mùa, ngày, đêm, giờ, canh, khắc, cữ, tuần…

Ngày

Không gian

Vùng, miền, huyện

Miền

Cây cối

Hoa, cỏ, lá, đào, lê, trúc, mai, bèo, dâu, liễu…

Cây

Sông nước

Sông, bể, suối, dòng

Nước

Thời tiết

Nắng, mưa, gió, sương, tuyết,

Mưa/ gió

Vũ trụ

Trăng, trời, mây, sao

Trăng/ trời

Trên thực tế, mỗi phạm trù hạ danh trên đây lại có thể được coi là một bậc phạm trù cơ sở mới trong mối tương quan giữa chúng với các sự vật, hiện tượng cụ thể hơn nữa, chẳng hạn: trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn mã hoá các ý niệm về xuân, hạ, thu, đông như các phạm trù cấp thấp hơn phạm trù mùa; hoặc hoa đào, hoa lê… để cụ thể hoá phạm trù hoa; hoặc cung Quảng, chị Hằng, thỏ, bóng tàu, gương nga… để cụ thể hoá phạm trù trăng… Quá trình phạm trù hoá các phạm trù tri nhận như trên đã tạo nên một cấu trúc các phạm trù – sự vật hiện tượng thiên nhiên – phản ánh thế giới thiên nhiên có thực tồn tại bên ngoài tác phẩm. Cấu trúc tri nhận đó càng phức tạp, nhiều tầng lớp đa dạng đan xen nhau thì càng cho thấy năng lực tri nhận và năng lực phản ánh thế giới của tác giả đã đạt đến trình độ chân thực cao, tăng thêm tính hiện thực của tác phẩm. Mặt khác, bên cạnh những thuộc tính chung (tính tương tự đồng tộc) vốn là đặc trưng bản thể của thiên nhiên như nó vốn tồn tại bên ngoài ý thức của con người và có thể nhận thấy qua nhiều tác phẩm của nhiều tác giả khác, các phạm trù thiên nhiên trong Truyện Kiều cũng mang những thuộc tính riêng biệt mà chỉ ở Nguyễn Du và Truyện Kiều  mới có (theo kết quả khảo sát của chúng tôi). Chẳng hạn:

Một là, trong các phạm trù tri nhận kể trên, gần như không thấy xuất hiện phạm trù con vật/ động vật (chúng tôi nhận thấy Nguyễn Du chỉ nhắc đến hai thành viên duy nhất của phạm trù này: con oanh, hạc, nhưng do những biểu thức ngôn ngữ chứa chúng không thực hiện chức năng chiếu vật nên chúng tôi không xét ở đây).

Hai là, hiện tượng dùng tên gọi của một phạm trù này để “định tính” cho thành viên của một phạm trù khác, như ngày gió, đêm trăng, tuần trăng, miền nguyệt hoa,…

Ba là, hiện tượng xuất hiện “sóng đôi” của một số thành viên thuộc hai phạm trù khác nhau khá phổ biến trong tác phẩm, như: phong – nguyệt, hoa – nguyệt, gió – trăng, bèo – sóng, nước – bèo…

Những điều này cho thấy trong thế giới tri nhận về thiên nhiên của Nguyễn Du, mối quan hệ hữu cơ, đa chiều giữa các sự vật, hiện tượng – các thành viên của các phạm trù khác nhau –  luôn tồn tại, hiện hữu như chính hiện thực khách quan vốn vậy. Tính đa chiều ấy còn thể hiện những liên tưởng phức hợp và ranh giới “mờ” giữa các phạm trù tri nhận mà chính ở những ranh giới ấy đã nảy sinh những sáng tạo nghệ thuật bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ để tái tạo đời sống.

3.2. Những ý niệm và ẩn dụ ý niệm qua nhóm BTCV về phạm trù “sông nước” trong Truyện Kiều 

Tác giả Trịnh Sâm [4] đã tìm thấy 2 ẩn dụ ý niệm chủ yếu từ miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt, đó là:

“Ẩn dụ + môi trường xã hội là nước + biểu hiện ở những lối nói như: mới chân ướt chân ráo đến, còn lạ nước lạ cái,… ;phong trào nổi lên, phong trào chìm xuống; uy tín nổi như cồn; nhà văn mới nổi…

Ẩn dụ + ứng xử của con người là vận động của nước + biểu hiện ở những lối nói như: nổi giận; nổi khùng; nổi đoá; nổi đình, nổi đám; lặn giữa hai dòng nước; lặn mất tăm; trôi dạt tận phương Nam; loại người trôi nổi…”  [Dẫn theo 3; 243]

Có thể thấy đây là những ẩn dụ ý niệm phổ biến và được thể hiện ngay trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Nó là biểu hiện cho nét chung về tri nhận của người Việt khi ý niệm hoá các thuộc tính của sông nước trong thế giới thiên nhiên. Đây cũng là một biểu hiện của mô hình văn hoá chung của người Việt mà Nguyễn Du đã được lĩnh hội và nuôi lớn từ chính cái nôi văn hoá ấy.

Tuy vậy, với Nguyễn Du trong Truyện Kiều, những ánh xạ ý niệm từ cùng một miền nguồn “sông nước” lại phong phú hơn nhiều bởi nó có thể dịch chuyển tới nhiều miền đích khác nhau. Hơn thế nữa, tại mỗi ẩn dụ ý niệm, một nét đặc trưng (một thuộc tính) nào đó của ý niệm “sông nước” lại nổi bật lên với vai trò là “hình bóng” để tạo ánh xạ sang một hoặc một số miền đích nhất định. Hiện tượng này đã được Ngôn ngữ học tri nhận giải thích bởi “sự ánh xạ phi đối xứng và mang tính bộ phận. Ý niệm ẩn dụ không phản ánh và cũng không thể phản ánh được tất cả các bình diện của ý niệm xuất phát. Khi chúng ta nói rằng một ý niệm nào đó được xếp đặt làm ẩn dụ là có ý nói nó chỉ được xếp đặt một bộ phận thôi và có thể được sử dụng bằng phương thức không phải võ đoán mà là hoàn toàn xác định… có cơ sở trong cơ thể con người, trong kinh nghiệm thường nhật và trong tri thức" [3, 71]. Ẩn dụ ý niệm cũng không dựa trên cơ sở so sánh tương đồng giữa các sự vật hiện tượng trong thực tế khách quan mà dựa trên cơ chế liên tưởng giữa các ý niệm trong hoạt động tri nhận của con người, do vậy, các ẩn dụ ý niệm khác nhau thuộc những miền đích xa lạ nhau về cùng một ý niệm của miền nguồn là điều dễ hiểu.

Từ đó, có thể thấy sự đa dạng, phức hợp của ẩn dụ ý niệm “sông nước” qua các BTCV trong Truyện Kiều của Nguyễn Du trong bảng sau:

Bảng 2: Những ẩn dụ ý niệm qua nhóm BTCV “sông nước” trong Truyện Kiều

MIỀN NGUỒN (sông nước)

MIỀN ĐÍCH (cuộc đời/ con người)

Thuộc tính 1: Hai bờ

Sự ngăn cách, chia ly

Thuộc tính 2: Bề mặt rộng lớn

– Môi trường sống của con người

– Ý chí, khát vọng tự do của con người 

Thuộc tính 3: Dòng chảy

Đời người

Thuộc tính 4: Sự vận động

Biến cố của đời người

Thuộc tính 5: Sự trường tồn

Tình cảm của con người

Trước tiên, có thể nói, các ánh xạ của ý niệm “sông nước” lên miền đích đều liên quan tới các phương diện khác nhau của một đối tượng – con người: con người cá thể với ý chí; khát vọng, hoặc con người trong quan hệ với người khác; hoặc con người trong quan hệ với xã hội – môi trường sống xung quanh… Thực chất, đây cũng là bản chất của ý niệm – là những tri nhận của chính chủ thể là con người tự đặt mình vào vị thế của một thực thể trong thế giới với tất cả các mối quan hệ ràng buộc phức tạp, đa chiều xung nó. Ý niệm tri nhận, do vậy, có tính “nghiệm thân” rõ nhất.

Cần nói thêm rằng, những ẩn dụ ý niệm trên đây chưa hẳn là hoàn toàn do Nguyễn Du khởi xướng. Thực tế, trong lịch sử văn học Việt Nam, từ ca dao, tục ngữ dân gian, những ẩn dụ ý niệm này đã xuất hiện rải rác trong các tác phẩm. Chẳng hạn:

+ ý niệm về dòng sông – biến cố của đời người trong câu tục ngữ: Sông có khúc, người có lúc.  

+ ý niệm về dòng sông – sự ngăn cách trong câu ca dao:

Cô kia cắt cỏ bên sông

Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây.

+ ý niệm về dòng sông – cuộc đời trong câu:

Dòng sông bên lở bên bồi

Bên lở thì đục bên bồi thì trong.

Thậm chí, một số ẩn dụ ý niệm trong Truyện Kiều là do Nguyễn Du kế thừa từ văn học cổ Trung Quốc. Chẳng hạn:

Ý niệm về sự ngăn cách, chia li gắn với dòng sông đã đồng hành cùng hình ảnh người anh hùng Kinh Kha đi ám sát Tần Thuỷ Hoàng, với bài Dịch thuỷ ca nổi tiếng:

Gió hiu hiu thổi, sông Dịch lạnh tê

Tráng sĩ một đi không trở về

(Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn)

hay trong bài thơ bất hủ về chia li của Lý Bạch – Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng:

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến trường giang thiên tế lưu.

Tuy vậy, có thể nói, trước Nguyễn Du, hiếm có tác giả nào lại sử dụng nhiều ẩn dụ ý niệm như vậy trong cùng một tác phẩm và từ cùng một miền tri nhận nguồn là “sông nước”. Ở đây, Nguyễn Du đã đi từ bước tri nhận cái chỉnh thể (tri giác toàn hình) rồi phân xuất cái chỉnh thể đó thành các bộ phận (các thuộc tính) và bước cuối cùng là phóng chiếu từng thuộc tính của ý niệm lên một miền tri nhận khác để cho ra các ẩn dụ ý niệm đa dạng, phong phú như vậy. Quá trình này đã phần nào thể hiện năng lực tri nhận và trải nghiệm phong phú của nhà thơ đối với cuộc sống.

3.3. Sự thể hiện các ẩn dụ ý niệm sông nước qua nhóm BTCV “sông nước” trong Truyện Kiều

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du (bản do Đào Duy Anh khảo đính, [1]), có 70 BTCV nhóm “sông nước” (tương ứng với 70 nghĩa chiếu vật cụ thể của các BTCV này). Tuy nhiên, không phải tất cả 70 BTCV này đều là các ẩn dụ ngôn ngữ.

Mặt khác, như trên đã đề cập, ẩn dụ ý niệm được thể hiện thông qua ẩn dụ ngôn ngữ, và không có sự tương ứng 1:1 giữa ẩn dụ ý niệm và các biểu thức ngôn ngữ thể hiện nó. Do vậy, với các ẩn dụ ý niệm trong phạm trù “sông nước” như trên, chúng tôi đã thống kê được các BTCV thể hiện chúng như trong bảng sau:

Bảng 3: Các BTCV thể hiện ẩn dụ ý niệm “sông nước” trong Truyện Kiều

STT

Ẩn dụ ý niệm

Số BTCV

Tỉ lệ (%)

Ví dụ

1

Tình cảm sâu nặng của con người như sự trường tồn của sông nước

15

27.4

những lời non sông; tấm riêng riêng những nặng vì nước non;càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông;…  

2

Sự ngăn cách, chia ly như hai bờ sông

13

23.6

nước non cách mấy buồng thêu; Nàng rằng: “non nước xa khơi”; Tính rằng mặt nước chân mây…

3

Đời người như dòng nước chảy trên sông

8

14.5

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng;chiếc bách sóng đào; mặt nước cánh bèo;…

4

Cuộc đời là mặt nước mênh mông

7

12.7

Bể trầm luân; Bể sâu sóng cả; Bể oan; bể trần; chân trời mặt bể lênh đênh…

5

Những biến cố của đời người là các vận động đổi thay của dòng nước

6

10.9

Gió mưa âu hẳn tan tành nước non; đất bằng nổi sóng đùng đùng; giữa dòng nước giẫy sóng dồi; thà cho ngọn nước thuỷ triều chảy xuôi…

6

Ý chí, khát vọng của con người là thoát ra khỏi phạm vi sông nước

6

10.9

Vượt bể ra khơi; Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo; bể Sở sông Ngô tung hoành; Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi;…

Tổng

6

55

100

 

 Nhận xét:

1. Trước hết, có 55 biểu thức ngôn ngữ ẩn dụ trong tổng số 70 BTCV nhóm “sông nước” trong Truyện Kiều (tỉ lệ ~ 78.5%). Con số này cho thấy ưu thế tuyệt đối của ẩn dụ với tư cách là một cơ chế tạo nghĩa và phương tiện thể hiện ý niệm của các BTCV trong tác phẩm.  Có thể thấy ẩn dụ ngôn ngữ ở đây hoàn toàn không phải là các “ẩn dụ chết” – tức là các ẩn dụ từ vựng hay ẩn dụ quy ước (conventional metaphors) – kiểu như chân bàn, răng lược, chân núi, ngọn sóng... được sử dụng từ rất lâu đời và rộng rãi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Trái lại, đó là các ẩn dụ phong cách (hay ẩn dụ tu từ) được tác giả sử dụng (đôi chỗ có sử dụng các nguyên liệu của ẩn dụ từ vựng để “chế biến”) để tạo ra một tầng nghĩa thứ hai cho ngôn từ nghệ thuật ẩn giấu sau lớp nghĩa bề mặt câu chữ – đó là tầng nghĩa hàm ẩn của tác phẩm. Một tác phẩm văn chương nghệ thuật không thể coi là có giá trị nếu thiếu đi tầng nghĩa này, ngược lại, nếu khả năng diễn đạt “ý tại ngôn ngoại” của tác giả càng cao thì giá trị và sức sống của tác phẩm càng mạnh mẽ. Với tư cách là một cơ chế tạo nghĩa chiếu vật hàm ẩn, ẩn dụ ngôn ngữ qua các BTCV đã góp phần quan trọng làm cho Truyện Kiều trở thành một kiệt tác văn chương mang tầm cỡ thế giới với lớp lớp ý nghĩa chồng chất lên nhau để ở mỗi thời kỳ khác nhau của lịch sử – xã hội, con người đương đại lại tìm thấy chút gì như là hình bóng thời đại mình trong đó.

2. Trong số các ẩn dụ ý niệm được thể hiện, ẩn dụ + Tình cảm sâu nặng của con người như sự trường tồn của sông nước + chiếm số lượng các biểu thức ngôn ngữ thể hiện nhiều nhất (15/55 ~ 27.4%), sau đó là các biểu thức ẩn dụ thể hiện ẩn dụ ý niệm + Sự ngăn cách, chia li như hai bờ sông + chiếm 13/55 (~23.6%). Điều thú vị là hai ý niệm về tình cảm sâu nặng và sự chia li dường như mâu thuẫn, trái chiều nhau trong quan niệm cố hữu của người Việt (đã chia li thì khó có tình cảm sâu nặng: xa mặt cách lòng; hoặc muốn có tình cảm sâu nặng thì càng cần phải gần gũi: năng mưa thì giếng năng đầy – anh năng đi lại mẹ thầy năng thương…). Vậy mà, trong Truyện Kiều, cả hai ý niệm này đều được phóng chiếu lên cùng một phạm trù “sông nước”, thậm chí, các ẩn dụ ý niệm thể hiện chúng đều không cho thấy sự trái chiều, nghịch hướng như trong quan niệm dân gian. Trong Truyện Kiều, dường như các nhân vật càng có tình cảm sâu nặng với nhau thì lại càng phải chịu cảnh chia li, cách biệt. Có lẽ vì vậy mà Truyện Kiều có khá nhiều “cảnh” chia li:

+ Kim Trọng chia tay và bị ngăn cách với Thuý Kiều sau lần gặp gỡ đầu tiên (Sông Tương một dải nông sờ – Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia; cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh; nước non cách mấy buồng thêu…);

Thuý Kiều chia tay Kim Trọng khi chàng về hộ tang chú (Trời Liêu non nước bao xa);

+ Thuý Kiều chia tay gia đình khi theo Mã Giám Sinh (chung quanh những nước non người; dặm nghìn nước thẳm non xa…);

+ Kiều chia tay Thúc Sinh khi chàng về gặp Hoạn thư (Sông Tần một dải xanh xanh; non nước xa khơi…);

+ Kiều chia tay Từ Hải khi chàng lên đường lập nghiệp lớn (Trông vời trời bể mênh mang) …

Mỗi lần chia xa là một mối thâm tình bị giằng xé, bị bứt ra, bị cắt đứt… trong tâm hồn các nhân vật. Nhưng, điều kì lạ là, ở đây Nguyễn Du đã khẳng định có “xa mặt” mà không “cách lòng” (dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng), thậm chí trái lại, như quyết tâm của chàng Kim Trọng đã khẳng định, càng cách trở, chia xa thì tình cảm của các nhân vật càng sâu nặng, bền vững như sông nước, như núi non muôn thuở trường tồn: còn non còn nước còn dài; lời nước non; những lời non sông… chỉ tình cảm Kim – Kiều; tấm riêng riêng những nặng vì nước non; càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông; dẫu rằng sông cạn đá mòn… chỉ tình cảm Thúc Sinh – Thuý Kiều;… Phải chăng Nguyễn Du đang nói hộ cái quy luật ngàn đời lạ kỳ của tâm lí, tình cảm con người – không phải quy luật của tự nhiên mà là quy luật của lòng người, của thế giới thiên biến vạn hoá và khó nắm bắt nhất đối với mọi ngành khoa học?

3. Trong số 3 ẩn dụ ý niệm về cuộc đời – với tư cách là môi trường xã hội của con người nói chung và đời người – với tư cách là một sinh thể trải qua các giai đoạn sinh lão bệnh tử nói riêng (các ẩn dụ số 3, 4, 5 trong bảng 3), ta bắt gặp dòng chảy thống nhất từ cội nguồn văn hoá dân tộc trong huyết mạch Truyện Kiều cũng như trong thế giới tri nhận của Nguyễn Du:

+  Đó là quan niệm nhân sinh về cuộc đời và về con người và mối tương quan không thể không nói tới giữa hai ý niệm này: Cuộc đời là một bể trầm luân, bể khổ, bể thảm, bể oan mênh mông, choáng ngợp mà trong đó con người chỉ nhỏ bé, mong manh, yếu ớt như những cánh bèo, cánh hoa phải chịu cảnh lưu lạc vô định: nước chảy hoa trôi, chiếc bách giữa dòng, ngọn bèo chân sóng, bèo trôi sóng vỗ… Đây cũng là một trong các biểu hiện yếm thế của tư tưởng triết lí Phật giáo vẫn thường được nói tới trong Truyện Kiều.

+ Đó là những biến cố xã hội, những tác động khách quan của các thế lực thần quyền (ông Trời), thế lực đồng tiền và quyền lực chính trị lên cuộc đời con người, làm cho con người hoặc phải tha hương, hoặc phải tha hoá (tha nhân), hoặc phải chết: gió mưa âu hẳn tan tành nước non; nước non lìa cửa lìa nhà;đất bằng nổi sóng đùng đùng;bốn bể không nhà; chân trời mặt bể lênh đênh; cát dập sóng vùi; giữa dòng nước giẫy sóng dồi; tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông; thà cho ngọn nước thuỷ triều chảy xuôi… Những biến cố xuất hiện dày đặc trong Truyện Kiều, liên tiếp làm thay đổi không gian và thời gian của chuyện như những đợt sóng dữ nối tiếp nhau, những trận cuồng phong thổi hoài không ngớt, những cơn thuỷ triều lên xuống bất thường… Các biến cố ấy lại chẳng tuân theo một quy luật nào, cũng không có tính dự báo, toàn là bất kỳ, bất ngờ, đùng đùng ập đến, khiến con người không kịp xoay sở, trù bị, chỉ…“hẫng một cái” là vuột mất hạnh phúc: “bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau” (sao hai tiếng bỗng không nghe mà chua xót cho phận người đến vậy!) .

4. Tuy vậy, Truyện Kiều của Nguyễn Du có một ẩn dụ ý niệm “sông nước” đem đến cho người đọc (và có thể cả tác giả chăng?) một chút gì như là niềm an ủi, như một luồng sinh khí mới: + ý chí, khát vọng của con người là sự vượt thoát khỏi mặt nước +. Ý niệm về ý chí, khát vọng của con người luôn thường trực trong tâm trí các “đấng bậc” thời trước, đó là các bậc quân tử, bậc tài hoa và đấng anh hùng, mà trong Truyện Kiều thì chỉ có Kim Trọng, Thuý Kiều và Từ Hải là những con người xứng đáng với hai từ ấy. Con người mang tầm vóc “con người vũ trụ” (Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo) có ý chí làm nên nghiệp lớn là Từ Hải. Ý chí ấy được diễn đạt bằng những hình ảnh dũng mãnh, bằng hành động quyết liệt muốn “khuấy đảo” vũ trụ, “đạp đổ” thiết chế bất công để thiết lập một cơ cấu xã hội mới: Vượt bể ra khơi;Bể Sở sông Ngô tung hoành; Năm năm trời bể ngang tàng; Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi;… Khát vọng là khát vọng chung muôn thuở của CON NGƯỜI – khát vọng hạnh phúc và tự do mưu cầu hạnh phúc: Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng pha. Điều kỳ lạ là ý niệm về ý chí ấy, khát vọng ấy của con người – nhân vật Truyện Kiều gắn liền với sơ đồ hình tượng – vượt lên/qua/ra – trong đó vật phóng chiếu (hay hình) là bản ngã cá nhân con người còn cái điểm mốc (hay nền) chính là phạm vi môi trường xã hội – là “trời bể mênh mang”, là “sông nước”. Trong sơ đồ này, vật phóng chiếu được mô tả từ điểm xuất phát là ngay trên bề mặt của nền và đường đi của nó là hướng từ dưới lên trên (vượt lên) hoặc từ trong ra ngoài (vượt qua/ ra) so với điểm mốc. Đây chính là điểm mới mẻ, phá cách trong thế giới ý niệm của Nguyễn Du khi ý niệm hoá “sông nước” và tạo ánh xạ ẩn dụ tới “con người”. Đương thời, Nguyễn Du chịu nhiều “sông nước cát lầm” cũng chính bởi sự táo bạo phá cách này trong Truyện Kiều.

Vậy mà, như một luồng gió mát thổi qua Truyện Kiều, ý niệm về ý chí, khát vọng vùng thoát của con người chỉ xuất hiện thoáng qua, ngắn ngủi và không kết quả (Từ Hải chết đứng, Thuý Kiều tự vẫn trên chính dòng sông định mệnh của đời mình, và cuộc tái hợp Kim – Kiều có được xem là “kết quả viên mãn” của cuộc truy tìm hạnh phúc hay không thì còn cần bàn thêm nhiều lắm!). Cuối cùng, Truyện Kiều dường như vẫn là tiếng nói của một tâm hồn rộng lớn, một trí tuệ cao minh mà hoang mang, mất phương hướng, đành vin vào những thứ lí thuyết hết sức siêu hình và vô cảm (của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) để lí giải cho những hiện tượng “bất khả giải” theo những luận thuyết nguỵ khoa học đương thời. Thế giới ý niệm – mô hình tri nhận của Nguyễn Du trong Truyện Kiều có lẽ vì thế mà ít nhiều khiến những bạn đọc trẻ quen với tư duy kiểu “fastfood” ngày nay (không cần thiết “phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” thì mới yêu) thì thất vọng, chán nản; còn những người đọc chín chắn hơn thì đầy tiếc nuối.

Kết luận

Việc vận dụng phương pháp luận của Ngôn ngữ học tri nhận vào nghiên cứu chiếu vật nói chung và chiếu vật thiên nhiên trong Truyện Kiều nói riêng đòi  hỏi phải đầu tư dày công hơn và thêm rất nhiều thời gian, giấy mực. Chúng tôi đang dần từng bước tiệm cận tới vấn đề tự thấy là khá lí thú này của Ngôn ngữ học và bài viết này mới chỉ là một trong những thử nghiệm đầu tiên. Bên cạnh một số giá trị hữu ích đối với lí thuyết ngôn ngữ học, thiết nghĩ, việc đi sâu tìm hiểu vấn đề này còn đem đến một trong những cách tiếp cận mới mẻ đối với một tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Đào Duy Anh (1987), Từ điển Truyện Kiều, NXB KHXH, Hà Nội.

2.   Đỗ Hữu Châu (2003), Cơ sở Ngữ dụng học, tập 1, NXB ĐHSP, Hà Nội.

3.   Trần Văn Cơ (2011), Ngôn ngữ học tri nhận – Từ điển (tường giải và đối chiếu), NXB Phương Đông

4.   Nguyễn Thiện Giáp (2012), Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

5.   Trịnh Sâm (2011), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt, tạp chí Ngôn ngữ, số 12.

6.   Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội.

7.   Austin J.L. (1979), Performative Utterances, In “Philosophical Papers”, Oxford University Press, p.233 – 252. Link: www.roundable.kein.org/sites/newtable.kein.org/files/AustinPerfUtterances.pdf

8.   Gunder, Jeanette K. & Hedberg, Nancy A. (ed.) (2008), Reference:Interdisciplinary Perspectives, New Directions In Cognitive Science, Oxford University Press, New York.

9.   Kripke S. (1977), Speaker’s reference and Semantic reference, Midwest Studies in Philosophy, Volume 2, Issue 1, p. 255 – 276.

Link: www.onlinelibrary.wiley.com/journal/10.111/(ISSN) 1475–4975/issues

10.   Reimer, Marga, (2010) “Reference”, The Stanford Encyclopedia of Philosophi(Spring 2010 Edition), Edward N. Zalta (ed), URL = http://plato.stanford.edu/archives/spr2010/entries/reference/.

11.   Strawson P. F. (1950), On Referring, In “Mind”, New Series, Vol. 59, No. 235. (Jul., 1950), pp. 320 – 344.

Link:www.semantics.uchicago.edu/kennedy/classes/f09/semprag1/strawson50.pdf

 

 


* Từ đây chúng tôi viết tắt là BTCV

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020