Ngôn ngữ

NGÔN NGỮ GIẢNG DẠY CỦA GIÁO VIÊN TRÊN LỚP HỌC BẬC TIỂU HỌC DƯỚI GÓC NHÌN HỘI THOẠI


14-10-2020
Tác giả: ThS. Quách Thị Gấm

Bức tranh chung về ngôn ngữ GV và HS trên lớp học dưới góc nhìn hội thoại cho thấy: Bên cạnh những nét chung với hội thoài thông thường, chúng còn mang những nét chuyên biệt của hội thoại lớp học. Đi sâu vào chi tiết các đơn vị hội thoại, đặc biệt là các hành vi ngôn ngữ GV sử dụng trên lớp học, chắc chắn sẽ còn nhiều điều lí thú.

NGÔN NGỮ GIẢNG DẠY CỦA GIÁO VIÊN

TRÊN LỚP HỌC BẬC TIỂU HỌC DƯỚI GÓC NHÌN HỘI THOẠI

ThS. Quách Thị Gấm

 Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

 

Theo cách tiếp cận phân tích diễn ngôn, mỗi bài học (tương đương với một tiết học) là một cuộc thoại hay nói cách khác là một cuộc tương tác thầy – trò và có cấu trúc gồm có 5 đơn vị: bài học → đoạn thoại → cặp thoại → bước thoại → hành vi, trong đó hành vi là đơn vị diễn ngôn nhỏ nhất [1, 298].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ sử dụng mô hình trên để tìm hiểu, cấu trúc tương tác thầy trò trên lớp học theo tư liệu của chúng tôi (bao gồm 23 tiết học chính khoá kiểu bài lĩnh hội tri thức mới cấp tiểu học được ghi âm và văn bản hoá cùng với những ghi chép thêm về cử chỉ, thái độ... và sự quan sát về lớp học).

1.  Bối cảnh giao tiếp lớp học

Mỗi cuộc hội thoại đều gắn với một bối cảnh giao tiếp nhất định. Đó chính là cái nền cho cuộc hội thoại diễn ra và chúng gồm các nhân tố như không gian, thời gian, địa điểm cụ thể xảy ra giao tiếp, vai giao tiếp…

1.1. Không gian và thời gian giao tiếp

Giao tiếp trên lớp học giữa giáo viên (GV) và học sinh (HS) là một hình thức giao tiếp có tính chuyên biệt bởi mục đích giao tiếp trên lớp học chính là thực hiện hoạt động dạy – học và tất cả những gì diễn ra trong lớp học chủ yếu phục vụ cho hai hoạt động này. Chính vì vậy, không gian giao tiếp trên lớp học được diễn ra ở một nơi yên tĩnh, cách biệt với các hoạt động bên ngoài.

Thời gian diễn ra một cuộc thoại ở trên lớp học được tính bằng tiết học. Các tiết học được sắp xếp và tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định đó là thời khoá biểu. Mỗi tiết học thường có thời lượng từ 30 đến 45 phút tuỳ theo nội dung của từng môn học. Do đặc thù ở bậc tiểu học không có sự phân biệt rạch ròi từng tiết học như ở bậc Phổ thông cơ sở và trung học, cho nên thông thường các môn học Toán, Tập đọc thường được giáo viên điều phối thời gian nhiều hơn các môn như Vẽ, Đạo đức…

1.2. Nghi thức và người tham gia giao tiếp

Hoạt động dạy và học thường được tiến hành chung cho cả lớp và với một số lượng học sinh nhất định phù hợp với khả năng quản lí, bao quát của GV cũng như đảm bảo được chất lượng dạy và học. Thông thường, mỗi lớp học ở bậc tiểu học có số lượng ít HS hơn so với bậc Phổ thông cơ sở và trung học, khoảng từ 25 đến 35 em.

Trên lớp học, quan hệ giữa GV – HS là quan hệ không ngang bằng, trong đó GV luôn ở vai cao hơn HS, đồng thời GV luôn ở vai chủ thể hướng dẫn, điều khiền hoạt động dạy học, còn HS có nhiệm vụ chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của thầy. Có thể nói, đây là loại hình giao tiếp có sự phân chia lượt lời rõ rệt. Không hoặc hiếm khi có chuyện tranh cướp lời. Thông thường GV ra câu hỏi và gọi một HS trả lời. Khi những HS khác muốn bổ sung cho câu trả lời phải chờ cho HS trước nói xong và sau đó được sự cho phép của GV mới được quyền nói. Nếu trong khi một HS đang phát biểu mà HS khác nói xen ngang vào thường sẽ bị GV phê bình “nói leo” hoặc “nói tự do” và điều này không được khuyến khích.

Lớp học là nơi diễn ra hoạt động dạy và học mang tính chất trang trọng, là tổ chức tập thể có tôn ti, trật tự trên dưới, nên giao tiếp trên lớp học cũng phải tuân theo nghi thức lời nói nhất định và đó là nghi thức trang trọng. Ở đây HS phải ăn nói đúng mực, lễ phép, tác phong phải chuẩn nếu không sẽ bị coi là vô lễ. Điều này là dễ hiểu bởi nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền giáo dục Nho giáo “Tiên học lễ, hậu học văn” cùng với sự chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Á Đông khác biệt nhiều so với phương Tây, nên điều này rất quan trọng, đặc biệt ở trong mô hình học cổ điển truyền thống.

Đặc thù ở tiểu học là mỗi GV chủ nhiệm một lớp và phụ trách dạy tất cả các môn học của lớp mình (trừ môn Nhạc, Ngoại ngữ và Thể dục). Hàng ngày, GV luôn có mặt trên lớp và tiếp xúc thường xuyên với HS. Điều này làm cho tương tác giữa GV – HS luôn có sự gần gũi hơn so với bậc trung học cơ sở và phổ thông trung học.

2. Cấu trúc tổng thể bài học trên lớp học

Ở cấp Tiểu học, ngoài kiểu tiết học lĩnh hội tri thức mới còn có tiết luyện tập, tiết ôn tập… tuỳ theo mục đích của mỗi môn học. Song xét cấu trúc mỗi tiết học của GV với tư cách là một cuộc thoại trọn vẹn thường có ba phần: mở đầu, nội dung và kết thúc.

2.1.  Mở đầu

Đây là phần không thể thiếu ở trong hội thoại lớp học. Tương tác đầu tiên trong phần mở đầu giữa GV và HS đó là thực hiện nghi thức chào hỏi. Trong nghi thức này, nhìn chung bao giờ HS cũng thực hiện việc chào GV trước bằng việc đứng nghiêm dậy khi thấy GV bước vào lớp và đồng thanh nói lời chào GV. Sau đó GV đáp lại bằng hành vi tương ứng. Ví dụ:

(1)

GV:

 

(Bắt đầu vào đầu giờ, "quản ca”cho lớp hát 1 bài. Trong khi HS hát GV đứng ngoài cửa chờ cho lớp hát xong thì đi vào)

 

HS:

(lớp trưởng hô) Các bạn đứng!

 

HS:

 

(Cả lớp đứng lên) Em chào cô ạ.

 

GV:

Gật đầu.                                                                          

(Đạo đức, lớp 4)                               

          Tiếp theo đó là đến khâu ổn định lớp học. Do đặc trưng ở tiểu học, HS dễ phân tán, khả năng tập trung, ghi nhớ và tính kỉ luật chưa cao, mau quên cho nên việc ổn định lớp của GV là rất cần thiết. Bởi đa số đầu giờ các tiết học ở tiểu học, HS rất phân tán, nhốn nháo và mất trật tự. Theo quan sát của chúng tôi, hầu như tất cả các tiết học GV đều phải làm công việc này và việc ổn định lớp có thể là nhắc nhở các em không mất trật tự, giở vở, giở sách ra, ví dụ Cả lớp im lặng nào; Thôi, Nhân ơi (vì quay ngang ngửa, mất trật tự); Giấy nháp, bút, bảng con các em để trên mặt bàn mình cùng với vở viết… Chỉ khi ổn định được lớp, bài học mới chính thức được bắt đầu và hoạt động đầu tiên của GV và HS đó là ôn bài cũ.

Việc ôn bài thông thường đó là việc GV kiểm tra bài làm ở nhà của HS, bằng việc yêu cầu HS lên bảng trình bày và gọi là kiểm tra “miệng”. Mục đích của việc ôn bài cũ nhằm kiểm tra xem HS có nắm được bài cũ hay không, bởi vì những phần đã học tuy gọi là bài cũ nhưng nhiều khi lại có liên quan trực tiếp đến nội dung mới của tiết học.  

Khâu cuối cùng của phần mở đầu tương tác hội thoại giữa GV và HS đó là giới thiệu nội dung bài mới, đây cũng chính là mục đích giao tiếp của thầy trò. Việc giới thiệu bài mới thường được GV lồng ghép với nội dung của bài học cũ nhằm giúp cho HS có một sự chuẩn bị đón nhận nội dung bài mới mà không bị quá đột ngột. Ví dụ:

(2)

GV:

Hôm nay cô sẽ dạy các em một tiết toán… Cô trò ta sẽ học phép cộng và phép trừ có 3 chữ số. Ở  những tiết trước, cô trò chúng ta đã học phép cộng và phép trừ có 3 chữ số đúng chưa các em?

 

HS:

Rồi ạ.

 

GV:

Để củng cố kiến thức đó, hôm nay cô trò chúng ta cùng đi luyện tập. Các em mở SGK trang 25 bài tập số 1. Một bạn đọc đầu bài cho cô!

(Toán, lớp 2)

2.2. Nội dung

Nội dung giao tiếp chính là việc triển khai các nội dung kiến thức của bài học. Nội dung bài học được phân bố theo từng phần, từng chủ đề. Mỗi chủ đề bài học lại bao gồm nhiều cặp thoại trao đổi giữa GV và HS. Nếu coi mỗi tiết học là một cuộc hội thoại hoàn chỉnh và trong cuộc thoại có nhiều đoạn thoại khác nhau thì phần nội dung của tiết học có nhiều đoạn thoại nhất so với phần mở đầu và kết thúc. Trong phần nội dung, bài giảng được GV chia thành nhiều phần khác nhau tương ứng với các đoạn thoại và kết thúc mỗi đoạn thoại đó cũng tương ứng với việc giải quyết xong một phần nội dung của bài học. Vì vậy, ở phần nội dung tương tác giữa GV và HS là nhiều nhất. Trong quá trình tương tác đó, GV luôn là người khởi xướng, người đặt câu hỏi còn HS là người trả lời và kết thúc mỗi trao đổi thường là lời phản hồi của GV về câu trả lời của HS. Ví dụ:

(3)

GV:

Bạn Mai trả lời là dùng để ngăn cách các vế trong câu ghép. Mời ý kiến của bạn Quỳnh nào.

 

HS:

Em thưa cô bạn ấy trả lời sai ạ, đó là “trong tà áo dài”

 

GV:

(xen) Em chỉ cần nêu tác dụng của dấu phẩy chứ không cần đọc lại câu văn nữa.

 

HS:

 Em thưa cô tác dụng của dấu phẩy trong câu này là ngăn cách trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ ạ.

 

GV:

Đúng rồi. Thế em có biết trạng ngữ trong câu này là gì không?

 

HS:

 Em thưa cô trạng ngữ trong câu này là “Trong tà áo dài ạ".

 

GV:

Rất chính xác. Em ngồi xuống.

(Luyện từ và câu, lớp 5)

Trong nội dung bài giảng, thường được chia làm hai phần đó là triển khai nội dung bài học và củng cố kiến thức, kĩ năng bài học. Phần củng cố kiến thức, kĩ năng bài học thường được nhận biết rõ ở những tiết toán, từ ngữ đó là việc GV cho HS thực hành làm bài tập. Đôi khi phần này được lồng vào cùng với việc tổng kết, điểm lại kiến thức vừa giảng của GV hoặc lồng vào cùng với phần kết thúc bài học.

2.3. Kết thúc

Giống như phần mở đầu, phần kết thúc của hội thoại lớp học không chiếm nhiều thời lượng của tiết học. Trước khi cho phép HS ra khỏi lớp hoặc chuyển sang tiết học tiếp theo, GV thường dành vài phút để thực hiện một số việc như nhắc lại nội dung bài họcđánh giá kết quả chung của tiết học hoặc dặn dò HS hoặc giao bài tập về nhà cho HS và cuối cùng là thực hiện nghi lễ chào hỏi. Ví dụ:

(4)

GV:

Rồi. Đoạn văn còn một số từ cần nhấn giọng thì cô mời các em về nhà đọc hôm sau cô kiểm tra bài. Từ nào cần nhấn giọng thì chúng ta viết ra và đọc cho cô. Tiết học hôm nay là kết thúc. Mời cô và các em nghỉ.

 

HS:

(Lớp trưởng hô): Các bạn đứng.

 

HS:

(Cả lớp đứng nghiêm).

 

GV:

(Gật đầu).

(Tập đọc, lớp 4)

3. Cấu trúc các đơn vị tương tác lớp học

Dựa vào khung lí thuyết của cấu trúc hội thoại theo trường phái phân tích diễn ngôn mà chúng tôi đề cập ở trên và dựa trên nguồn tư liệu, chúng tôi đã thống kê được tần số sử dụng các đơn vị cấu trúc hội thoại chính của các tiết học. Kết quả cho thấy, trung bình mỗi tiết học có khoảng 12 đoạn thoại (tương đương với 12 chủ đề nội dung bài học), 77 cặp thoại/ trao đổi giữa thầy và trò và 306 lượt hành vi được thực hiện trên lớp học.

3.1. Cấu trúc đoạn thoại dạy học

Về mặt nội dung, đoạn thoại là do các cặp thoại liên kết với nhau về mặt chủ đề tạo nên. Các chủ đề khác nhau đó sẽ tương ứng với các đoạn thoại khác nhau. Trong mỗi đoạn thoại, bao gồm các đơn vị nhỏ hơn như cặp thoại GV – HS, bước thoại của GV, bước thoại của HS. Mỗi đoạn thoại, thường được bắt đầu bằng những bước thoại dẫn dắt của GV và mỗi đoạn thoại thường được đánh dấu bằng việc kết thúc hay giải quyết xong một phần nội dung học tập của tiết học với sự cộng tác hội thoại giữa GV và HS. Chính vì vậy, đoạn thoại thông thường là sự hợp thành của nhiều cặp thoại. Chẳng hạn, đoạn thoại dưới đây là sự hợp thành từ 3 cặp thoại: cặp thoại 1 (CT1), cặp thoại 2 (CT2), cặp thoại 3 (CT3). Ví dụ:

(5)

CT1

GV:

Phép tính thứ 2, 3 và thứ 4? Cô mời bạn Tuấn nhận xét nào.

 

 

HS:

Em thưa cô bạn làm đúng rồi ạ.

 

 

GV:

Cách tính?

 

 

HS:

Đúng ạ.

 

 

CT2

GV:

Đúng. Em ngồi xuống.

Bạn Dũng nhận xét lại bạn Tuấn nhận xét đã đúng chưa?

 

 

HS:

Em thưa cô bạn làm đúng rồi ạ.

 

 

CT3

GV:

Rồi.

Nào lớp mình có nhất trí với 2 kết quả này không?

 

 

HS:

Cả lớp giơ tay

 

 

GV:

Cô khen cả lớp.

Bây giờ chúng ta sang bài tập 5.

(Toán, lớp 5)

Xét về diễn tiến của mỗi đoạn thoại cho thấy, GV thường là người thiết lập chủ đề bằng việc đưa ra ngay một câu hỏi hoặc có thể đưa ra một sự định hướng, gợi mở nhằm giúp học sinh “bắt nhịp” dần vào chủ đề mới trước khi đưa ra câu hỏi trực tiếp đối với học sinh. Điều này nằm trong chiến lược giảng dạy của GV nhằm tạo ra sự lôi cuốn đối với học sinh ngay từ khi bắt đầu chuyển sang một chủ đề mới. Ví dụ:

(6)

 GV:

 – Vậy cô hỏi các em phép chia ngày hôm nay có gì khác so với phép chia ngày hôm qua cô giáo dạy? Cô mời Tuấn.

 

HS:

– Em thưa cô phép chia ngày hôm nay khác với phép chia bài hôm trước là phép chia bài hôm nay có dư còn phép chia ngày hôm trước là không có dư.

 

GV:

– À, đúng rồi. Cả lớp khen bạn nào.

 

HS:

(Đồng thanh vỗ tay)

 

GV:

– À bài hôm nay chúng ta học là phép chia có dư. Vậy đến đây cô có thể viết được kết quả bằng 4161 và...?

 

HS:

–(Một số) Dư 2 ạ.

 

GV:

– Dư 2. Cô đã hướng dẫn chúng ta xong một ví dụ để áp dụng xem chúng ta làm phép tính chia này như thế nào, cô mời các em thực hiện một ví dụ sau đây.

(Toán, lớp 3)

3.2. Cấu trúc cặp thoại dạy học và các mô hình tương tác GV– HS

3.2.1. Cấu trúc cặp thoại dạy học

Trong bài học, cặp thoại dạy học là những phẩn riêng tạo nên những cấp phát triển của bài học. Trong nguồn tư liệu hiện có, chúng tôi nhận diện được 6 kiểu cặp thoại dạy học dựa vào chức năng của bước thoại dẫn nhập mà chúng đảm nhiệm.

3.2.1.1. Cặp thoại thông tin của GV

Đây là cặp thoại thường xuất hiện ở phần mở đầu hoặc cuối các đoạn thoại và chúng chỉ gồm một bước thoại của GV. Đó là những thông tin GV đưa ra nhằm diễn giải, nhấn mạnh hoặc mở rộng làm rõ thêm một số chủ đề trong quá trình triển khai nội dung bài học hoặc nhằm chuẩn bị giới thiệu nội dung bài học mới. Ví dụ:

(7)

GV:

– Chỉ thông qua một số từ ngữ, hình ảnh này thôi, chúng ta thấy rõ thác nước chảy rất là mạnh. Chính vì cái sức nước chảy mạnh như thế nó mới tạo nên thác Yaly. Sức nước không chảy mạnh thì không tạo thành dòng thác được. Các em thấy đấy, phải không? Cho nên nhờ có sức nước chảy mạnh, nên chúng ta đã tạo nên thác nước Yaly như vậy.

(Tập đọc, lớp 5)

(8)   GV: Để giúp các em thực hành nói lời đáp tốt, các em sẽ cùng cô làm bài tập số 1.

 (Tập làm văn, lớp 2)

3.2.1.2. Cặp thoại thông tin của HS

Trong quá trình tiết học diễn ra, đôi khi HS thường có những phát hiện chẳng hạn như GV viết thiếu, viết nhầm hoặc học sinh nào đó làm sai hay làm còn thiếu, khi đó HS thường tự đứng lên, hoặc giơ tay phát biểu. Ví dụ:

(9)

HS:

(1 HS tự đứng lên) Em thưa cô bạn Diệu Linh làm (trên bảng) sai ạ.

 

GV:

Bạn nào?

 

HS:

Diệu Linh ạ.

 

GV:

(kiểm tra) Diệu Linh... đúng rồi.                                                 

(Toán, lớp 4)

3.2.1.3. Cặp thoại điều khiển của GV

Xét về hình thức, cặp thoại điều khiển gồm có hai bước thoại: bước thoại của GV và bước thoại của HS. Tuy nhiên, bước thoại của HS thường là thực hiện hành động thay cho bằng lời nói theo yêu cầu của GV. Cặp thoại điều khiển là một trong những loại cặp thoại GV sử dụng thường xuyên trong quá trình giảng dạy để điều chỉnh, hướng dẫn các hoạt động học tập cho HS. Ví dụ:

(10)

GV:

– Bây giờ các em hãy thảo luận theo nhóm bàn để nêu tác dụng của dấu phẩy trong những đoạn văn này. Bây giờ mời các em làm bài.

 

HS:

(Làm bài).

(Luyện từ và câu, lớp 5)

3.2.1.4. Cặp thoại phát vấn của GV

Đây là cặp thoại chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các kiểu cặp thoại. Cặp thoại này thông thường có ba bước thoại, đó là bước thoại phát vấn của GV, bước thoại hồi đáp của HS và bước thoại phản hồi của GV. Ví dụ:

(11)

GV:

– Bạn Thoa dự đoán như thế nào?

 

HS:

– Dạ chuột thiếu thức ăn nhanh chết ạ.

 

GV:

– Không nhanh chết được! Thiếu mỗi thức ăn mà chuột nhanh chết à?

(Khoa học, lớp 4)

Tuy nhiên khá nhiều cặp thoại phát vấn thiếu vắng bước thoại phản hồi của GV, do vậy chúng chỉ có hai bước thoại.

(12)

GV:

– Vậy ai đánh vần lại cho cô nào? Cô mời bạn Trung Sơn.

 

HS:

– Con thưa cô u â n uân uân.                                  

(Tập đọc, lớp 1)

3.2.1.5. Cặp thoại phát vấn của HS

Cặp thoại phát vấn của HS chiếm số lượng không đáng kể trong số các cặp thoại dạy và học nói chung. Chúng chỉ bao gồm hai bước thoại. Về nội dung các đoạn thoại này chủ yếu là những thắc mắc về những vấn đề trong bài học của HS với GV.

(13)

HS:

Em thưa cô có ghi a b c không ạ?

 

GV:

Đoạn văn sao lại còn ghi a b c. Các em phải viết thành một đoạn văn.

(Tập làm văn, lớp 2)

3.2.1.6. Cặp thoại kiểm tra của GV

Gần giống với chức năng của cặp thoại điều khiển, cặp thoại kiểm tra cũng được GV thường sử dụng để điều khiển các hoạt động học tập của HS đặc biệt là khi HS làm bài tập, thảo luận... Cặp thoại này thông thường gồm hai hoặc ba bước thoại.

(14)

GV:

Nào các nhóm đã xong chưa? Xong thì phát tín hiệu nhớ!

 

HS:

Em thưa cô nhóm em xong rồi ạ.

 

GV:

Vâng.                                                                                   

(Đạo đức, lớp 4)

3.2.2. Các mô hình tương tác GV– HS trong cặp thoại

Trong tổng số 1.774 cặp thoại/trao đổi thầy trò trong 23 tiết học ở 6 kiểu cặp thoại vừa nêu, chúng  thuộc về 3 mô hình cấu trúc cặp thoại tương tác GV – HS dưới đây:

3.2.2.1. Mô hình 1: I – R – F  (GV khởi xướng, HS hồi đáp, GV phản hồi)

Khi phân tích cấu trúc các trao đổi (hay gọi là cặp thoại) diễn ra trong hội thoại giữa giáo viên và học sinh trên lớp học, Sinclaire & Coulthard (1975) cũng thấy rằng ngôn ngữ thầy trò có cấu trúc điển hình là  I – R – F (Initiation – Response – Feedback) [dẫn theo 6; 41].

Mô hình này có thể được diễn giải như sau: đầu tiên GV là người khởi xướng, việc khởi xướng này chủ yếu được thực hiện bằng hành vi phát vấn (câu hỏi) hoặc bằng một số hành vi khác như giục, gợi nhắc, điều khiển… Khi nhận được câu hỏi hoặc yêu cầu của GV, HS có nghĩa vụ phải hồi đáp bằng việc thực hiện yêu cầu hoặc trả lời câu hỏi GV đưa ra. Sau khi HS thực hiện xong yêu cầu hoặc trả lời câu hỏi, GV thường đưa ra những nhận xét, đánh giá hoạt động vừa thực hiện của HS và những nhận xét, đánh giá này chính là hành vi phản hồi của GV. Ví dụ:

 

(15)

Khởi xướng

GV:

Có rất nhiều bạn là hay nhầm lẫn giữa vần "uân”với vần "uâng". Bây giờ cả lớp ôn lại lai vần này cho cô nào. Cô xin mời bạn Quang.

 

Trả lời

HS:

Con thưa cô "huân chương".

 

Đánh giá

Khởi xướng

GV:

GV:

"Huân chương”trong này có rồi.

Ngoài bài nào? Bạn Thiệp.

 

Trả lời

HS:

Con thưa cô "quân đội”ạ.

 

Đánh giá

 

Khởi xướng

GV:

 

GV:

Quân đội, quân đội thì không phải vần "uân”bởi vì âm "qu”sau đến vần "ân”phải không nhờ.

Bạn khác nào. Dụ.

 

Trả lời

HS:

Con thưa cô "mùa xuân”ạ.

 

Đánh giá

GV:

À, mùa xuân. Bạn khác nào. Lan Phương.

(Tập đọc, lớp 1)

Như vậy, ở mô hình này, GV luôn ở vai chủ động trong việc phân bố lượt lời cũng như trong việc chỉ định HS phát biểu và điều khiển, dẫn dắt cho diễn tiến của cuộc thoại diễn ra liên tục. Trong đó, khuôn mẫu GV hỏi, HS trả lời, GV nhận xét luôn được lặp đi lặp lại trong sự trao đáp lượt lời giữa GV và HS.

Theo khảo sát của chúng tôi, cấu trúc GV khởi xướng, HS hồi đáp, GV phản hồi thực sự là mô hình giao tiếp điển hình trong hội thoại lớp học bởi vì chúng chiếm số lượng áp đảo. Cụ thể trong tổng số 1.792 trao đổi có đến 1.224 trao đổi thuộc về mô hình này chiếm 68,3% tổng số trao đổi trên lớp học.

3.2.2.2. Mô hình 2: I  – R  (GV khởi xướng, HS hồi đáp, không có phản hồi của GV)

Đây là mô hình thiếu vắng lời phản hồi của GV đối với câu trả lời hoặc phần thực hành của HS. Mô hình này, thường được GV sử dụng ở phần kiểm tra bài cũ, luyện tập hoặc ở những trao đổi trong đó GV chủ yếu hỏi HS những câu hỏi sự kiện. Ví dụ:

(16)

Khởi xướng

GV:

Nơi đỗ hoặc là điểm đỗ và đón khách của tàu hoả gọi là gì?

 

Trả lời

HS:

(một số) Nhà ga ạ.

 

Khởi xướng

GV:

Thế còn điểm đỗ của máy bay gọi là gì?

 

Trả lời

HS:

Sân bay ạ.

 

Khởi xướng

GV:

Còn điểm đỗ của tàu thuyền người ta gọi là?

(Tiếng Việt, lớp 3)

Bên cạnh đó, mô hình vắng lời phản hồi này cũng thường được sử dụng sau khi GV thuyết giảng hoặc giảng giải xong một vấn đề nào đó, chủ yếu nhẳm thu hút sự chú ý của HS hoặc tìm kiếm sự đồng thuận của HS vào lời giảng. Ví dụ:

(17)

Khởi xướng

GV:

Như vậy, hồ nước ở trên đất núi rừng Tây Nguyên này là do nước từ con sông Pô Kô chảy về phải không? Tạo nên một hồ nước tuyệt đẹp ở lưng chừng trời. Lưng chừng có nghĩa là ở mực nước cao so với mặt nước biển, các em rõ chưa?

 

Trả lời

HS:

(đồng thanh) Rồi ạ.

 

Khởi xướng

GV:

Hôm nay cô giới thiệu với các em một bài tập đọc theo chủ đề khác gợi tả cho chúng ta một phong cảnh đất nước rất đẹp đó là thác Yaly. Bây giờ các em theo dõi cô đọc một lần.

(Tập đọc, lớp 5)

Ngoài ra, ở mô hình thiếu vắng lời phản hồi còn có một số trao đổi trong đó chỉ xuất hiện lời nói của GV (I), không có sự hồi đáp của HS (R). Đó là những trao đổi GV nhằm diễn giải, nhấn mạnh hoặc mở rộng làm rõ thêm một số chủ đề nội dung của bài học, hoặc nhằm chuẩn bị giới thiệu nội dung bài học mới. Mặc dù không yêu cầu sự hồi đáp từ phía HS, nhưng ở những trao đổi này, HS vẫn phải chú ý, tập trung lắng nghe. Vì vậy, xét ở góc độ trao đổi thông tin, chúng vẫn có sự tương tác ngầm giữa GV và HS. Tuy nhiên, những trao đổi này xuất hiện không đáng kể. Ví dụ:

(18)

GV:

 Giảng giải

Ở bài tập số 1 này, chúng ta đã tìm hiểu được tác dụng của dấu phẩy. Vậy thì khi viết văn, khi làm bài các em cần phải sử dụng dấu phẩy cho chính xác. Nếu mà sử dụng sai nó dẫn đến tác dụng hiểu sai nội dung của câu văn đi và nó dẫn đến những hậu quả gì chúng ta cùng tìm hiểu nội dung của bài tập số 2.

(Luyện từ và câu, lớp 5)

3.2.2.3. Mô hình 3:  I – F  (HS khởi xướng, GV hồi đáp)

    Đây là mô hình khác hẳn với hai mô hình trên, nếu ở hai mô hình trên GV là người khởi xướng thì ở mô hình này HS là người chủ động  khởi xướng.Ví dụ:

(19)

Khởi xướng

HS:

Em thưa cô hai bạn này cứ đấm đá nhau ạ.

 

Hồi đáp

GV:

(Lừ mắt) nào, hai bạn này. Tạ Phương ơi!

(Tập làm văn, lớp 2)

(20)

Khởi xướng

HS:

(1 HS tự đứng lên) Em thưa cô bài của bạn Hồng sai câu đầu ạ.

 

Hồi đáp

GV:

Sai phép tính đầu hay câu đầu?

 

Khởi xướng

HS:

Em thưa cô sai phép tính đầu ạ.

 

Hồi đáp

GV:

(Nhìn lên bảng) Phép tính đầu...

(Toán, lớp 5)

Theo thống kê của chúng tôi, trung bình mỗi tiết học ở bậc tiểu học có khoảng 78 trao đổi thuộc về cả 3 mô hình nói trên, trong đó các trao đổi thuộc 2 mô hình (a, b): GV khởi phát chiếm tỉ lệ lớn nhất 97,7% còn lại các trao đổi thuộc về mô hình này, mô hình (c): HS chủ động khởi xướng chiếm số lượng không đáng kể chỉ là 2,3%. Mặt khác khi xem xét toàn bộ nội dung trao đổi thuộc về mô hình HS chủ động khởi xướng (tức là mô hình 3: I – F) trong số 42 trao đổi, chúng tôi nhận thấy, có đến 22 trao đổi là HS nói đến các vấn đề ngoài lề (thí dụ như xin ra ngoài, xin vào lớp, mách bạn nói chuyện…) và chỉ có 20 trao đổi là đề cập đến nội dung bài học. Điều này bước đầu cho thấy, trên lớp học hiện nay, việc dạy và học chủ yếu vẫn theo mô hình truyền thống: GV là người khởi phát và GV là người nói nhiều hơn HS.

4. Các hành vi ngôn ngữ GV sử dụng trên lớp học

Như phần trên cho thấy, nội dung cuộc thoại (nội dung bài học) được triển khai, diễn tiến qua những cặp trao đáp luân phiên giữa GV và HS và dưới các cặp trao đáp chính là các hành vi ngôn ngữ. “Trong hội thoại sư phạm, những hành vi này vừa phục vụ cho mục đích giao tiếp vừa phục vụ cho mục đích giảng dạy” [4, 35].

Các hành vi ngôn ngữ của GV ở đây chúng tôi cũng nhận diện theo chức năng của chúng đối với bước thoại, và bước thoại lại được xác định theo chức năng của chúng trong bài học. Nghĩa là chúng sẽ trả lời cho câu hỏi: hành vi này được dùng để làm gì và chúng có vai trò, chức năng gì trong dạy và học. Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình có khoảng 306 lượt hành vi trong 1 giờ học. Cũng theo nguồn tư liệu, chúng tôi nhận diện được 14 hành vi trong tổng số 21 hành vi Sinclair & Coulthard đã nhận diện có trong hội thoại giảng dạy. Đó là các hành vi: 1. Phát vấn; 2. Điều khiển; 3. Thông tin; 4. Giục; 5. Gợi nhắc; 6. Xin phép; 7. Chỉ định; 8. Trả lời; 9. Chấp nhận; 10. Đánh giá; 11. Siêu trần thuật; 12. Kết luận; 13. Móc lại; 14. Ngoài lề. Trong 14 hành vi này, chỉ có hành vi xin phép, trả lời và một phần hành vi ngoài lề là của học sinh còn lại chủ yếu là hành vi của giáo viên. Ngoài ra có sự khác biệt về tần số sử dụng giữa các hành vi, cụ thể: phát vấn, trả lời, điều khiển, thông tin, chỉ định và phản hồi (bao gồm 2 hành vi chấp nhận và đánh giá) là những hành vi có tần số sử dụng cao nhất.

Trên đây là bức tranh chung về ngôn ngữ GV và HS trên lớp học dưới góc nhìn hội thoại. Bên cạnh những nét chung với hội thoài thông thường, chúng còn mang những nét chuyên biệt của hội thoại lớp học. Đi sâu vào chi tiết các đơn vị hội thoại, đặc biệt là các hành vi ngôn ngữ GV sử dụng trên lớp học, chắc chắn sẽ còn nhiều điều lí thú.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục.

2. Nguyễn Hữu Châu (2004), Ảnh hưởng của giao tiếp đối với chất lượng giảng dạy của người giáo viên, Phát triển giáo dục (số 11).

3. David Nunan (1998), Dẫn nhập phân tích diễn ngôn, NXB Giáo dục, Trúc Thanh dịch.

4. Vũ Thị Thanh Hương (2005), Tương tác thầy trò trên lớp học: một phân tích ngôn ngữ học xã hội vi mô, Ngữ học trẻ.          

6. A.D. Edwards & D.P.G. Westgate (1994), Investigating classroom talk, Revised and extended second edition, The Palmer Press.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020