Ngôn ngữ

PHƯƠNG THỨC LIÊN KẾT TỪ VỰNG TRONG MỘT SỐ DIỄN NGÔN CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC


14-10-2020
Tác giả: ThS. Dương Thị Bích Hạnh

Xuất phát từ thực tế hệ thống liên kết của M. K. Halliday và R. Hasan, bài viết chọn phương thức liên kết từ vựng (một trong năm phương thức liên kết trong hệ thống liên kết của Halliday và Hasan – phép quy chiếu, phép thế, phép tỉnh lược, phép nối, phép liên kết từ vựng) làm đối tượng nghiên cứu khi dùng trong một số diễn ngôn của Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục.

PHƯƠNG THỨC LIÊN KẾT TỪ VỰNG TRONG MỘT SỐ

DIỄN NGÔN CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC

ThS. Dương Thị Bích Hạnh

Cao đẳng Sư phạm Hải Dương

 

Văn bản là một chỉnh thể, nó không phải là phép cộng đơn thuần của các câu. Giữa các câu trong văn bản có những sợi dây liên hệ chặt chẽ, tạo nên tính mạch lạc và tính liên kết của văn bản. Hiện nay đang tồn tại hai quan niệm khác nhau về liên kết trong văn bản. Quan niệm thứ nhất xem xét liên kết văn bản không phân biệt mặt cấu trúc với mặt hệ thống. Liên kết được khai thác ở các phương diện hình thức và ý nghĩa. Quan niệm này được Trần Ngọc Thêm trình bày một cách cụ thể trong cuốn Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (1985). Quan niệm thứ hai bắt đầu từ giữa những năm 70, những người chủ trương theo quan niệm này là hai nhà ngôn ngữ học tên tuổi của Anh: M. K. Halliday và R. Hasan, họ chỉ tính đến các phương tiện hình thức tạo liên kết, cái gọi là “liên kết nội dung” không được đặt ra thành đối tượng xem xét trực tiếp và một phần đáng kể của nó được xem xét trong mạch lạc.

Hai quan điểm liên kết tuy khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một phần khá cần thiết đối với thực tiễn dạy học tiếng cũng như việc sử dụng tiếng ở Việt Nam ta. Chỗ hai quan niệm gặp nhau chủ yếu là các phương tiện liên kết cụ thể được xem xét.

Xuất phát từ thực tế hệ thống liên kết của M. K. Halliday và R. Hasan vẫn là một sự kiện lẫm và mới mẻ nên trong báo cáo này chúng tôi chọn phương thức liên kết từ vựng (một trong năm phương thức liên kết trong hệ thống liên kết của Halliday và Hasan – phép quy chiếu, phép thế, phép tỉnh lược, phép nối, phép liên kết từ vựng) làm đối tượng nghiên cứu khi dùng trong một số diễn ngôn của Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục.

Đối tượng khảo sát của chúng tôi trong báo cáo này là một số bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục. Bao gồm 19 diễn ngôn: Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu; Nói chuyện với thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Trả lời thư của nhi đồng Phước Diên (Quảng Ninh) và Cẩm Giàng (Hải Hưng); Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến; Thư gửi các cháu thiếu nhi; Gửi nhi đồng Xã Ba, Lào Cai; Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỉ niệm Quốc khánh năm 1947; Thư nói về công tác Trần Quốc Toản; Thư gửi các cháu nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ; Thư chúc Tết các cháu nhi đồng toàn quốc; Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1–6–1950; Thư gửi Nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi; Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng; Thư Trung thu; Thư gửi nhi đồng nhân dịp Trung thu; Thư gửi các giáo sư, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng; Thư gửi thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu; Thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong; Thư của Bác Hồ và Bác Tôn gửi các cháu thiếu nhi trường Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) và tất cả các cháu miền Nam.

Đây là những bức thư của Bác Hồ gửi các em thiếu nhi cả nước, được viết trong khoảng thời gian 1945 – 1969. Phương thức liên kết từ vựng trong văn bản này đã góp phần không nhỏ vào việc thể hiện nội dung chính của các bức thư – khuyên nhủ các cháu thiếu niên, nhi đồng phải ra sức học tập, góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp. Mặc dù hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng những dòng thư của Bác gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng vẫn luôn được lưu giữ trong trái tim của hàng chục triệu người dân Việt Nam.

Phương thức liên kết từ vựng được hiểu là việc sử dụng các yếu tố từ vựng tính, tức là các thực từ mang nghĩa biểu hiện trong câu, vào nhiệm vụ liên kết (không tính đến các từ ngữ pháp tính như quan hệ từ). Phương thức liên kết từ vựng bao gồm ba phương thức nhỏ là:

-      Lặp từ ngữ

-      Dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa và trái nghĩa

-      Phối hợp từ ngữ

Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục, phương thức liên kết từ vựng có tần số xuất hiện rất cao. Chúng tôi sẽ lần lượt thống kê từng dạng nhỏ của phương thức liên kết từ vựng và ở mỗi dạng sẽ có những ví dụ cụ thể chứng minh.

1. Phương thức lặp từ ngữ

Lặp từ ngữ là sử dụng trong câu đi sau từ ngữ đã đã được dùng ở câu đi trước theo kiểu lặp y nguyên như vốn có, trên cơ sở đó liên kết những câu chứa chúng với nhau.

Trần Ngọc Thêm trong Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (1986) cho rằng đây là một dạng thức liên kết phổ biến nhất trong văn bản. Hơn thế nữa, độ phổ biến của lặp từ ngữ không chỉ trải dài trên văn bản mà còn thể hiện cả ở sự có mặt nhiều lần của nó trong một cặp phát ngôn, tức là thể hiện ở cả sự lặp phức.

Thật vậy, việc khảo sát các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục cho thấy tần số sử dụng của phương thức lặp từ ngữ rất cao (114 lần) và có nhiều dạng thức rất phong phú. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày 2 dạng lặp chủ yếu được phân loại theo tiêu chí: đồng chiếu – không đồng chiếu trong các văn bản này.

1.1.  Lặp đồng chiếu

Đây là trường hợp những từ (vốn có trước) và những từ ngữ lặp (xuất hiện sau) là đồng nhất trong quy chiếu, tức là cùng chỉ một vật, một việc, một hiện tượng. Lặp đồng chiếu gồm hai kiểu nhỏ: lặp đồng chiếu chỉ loại và lặp đồng chiếu chỉ cá thể.

1.1.1. Lặp đồng chiếu chỉ loại

Lặp đồng chiếu chỉ loại là từ (vốn có trước) và những từ ngữ lặp (xuất hiện sau) là những từ chỉ loại. Chúng tôi thống kê được có tất cả 28 trường hợp lặp đồng chiếu chỉ loại trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có tác dụng liên kết.

Ví dụ 1: Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu, hai là vì Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ trẻ con, mà trung thu năm nay nước ta đã được tự do, các cháu đã thành những tiểu chủ nhân của một nước độc lập. [7, 38]

Đối tượng được nói đến trong ba câu văn trên là các cháu (tức các cháu thiếu nhi Việt Nam) với tư cách là từ chỉ loại. Qua thống kê, chúng tôi thấy có tất cả 18 lần tổ hợp các cháu được lặp lại trong Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp tết Trung thu. Sự lặp lại này có tác dụng duy trì đề tài được nói đến trong bức thư, đối tượng gửi thư là các cháu thiếu nhi cả nước. Nhờ việc lặp lại này mà các câu văn liên kết chặt chẽ với nhau. Đây là trường hợp lặp đồng chiếu chỉ loại.

1.1.2. Lặp đồng chiếu chỉ cá thể

Lặp đồng chiếu chỉ cá thể là từ (vốn có trước) và những từ ngữ lặp (xuất hiện sau) là những từ chỉ cá thể. Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 111 lần tác giả sử dụng lặp đồng chiếu chỉ cá thể để liên kết.

Ví dụ 2: Bác đi Pháp mấy tháng. Nhớ các cháu luôn luôn. Chắc các cháu cũng luôn luôn nhớ Bác.

Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu mang nhau đi đón Bác, có lẽ hơn mười vạn cháu. (…)

Bác thấy cháu nào cũng mặt mũi tươi vui, áo quần sạch sẽ.

Hỏi, thì cháu nào cũng biết chữ quốc ngữ. Bác mừng lắm. Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu (…) [7, 50]

Ở ví dụ này, các câu và các đoạn văn được liên kết khá chặt chẽ với nhau bởi việc lặp lại đại từ Bác. Sự lặp lại bản thân đại từ này đã thể hiện sự đồng nhất trong quy chiếu chỉ cá thể – Bác Hồ. Đây chính là lời của Bác nói với các cháu thiếu nhi cả nước, Bác dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất để nói với các cháu thiếu nhi, thể hiện được sự gần gũi, thân thương, trìu mến của Bác đối với nhi đồng cả nước.

 1.2. Lặp không đồng chiếu

Đây là trường hợp những từ (vốn có trước) và những từ ngữ lặp (xuất hiện sau) là không đồng nhất trong quy chiếu, tức là không cùng chỉ một vật, một việc, một hiện tượng. Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục, chúng tôi chỉ thấy có 5 trường hợp lặp từ ngữ không đồng nhất về quy chiếu, như trường hợp sau:

Ví dụ 3: Bác rất vui lòng biết rằng: nhiều cháu đã hăng hái giúp việc trong các bộ đội và dân quân.

Nhiều cháu đã tổ chức tăng gia sản xuất: trồng lúa, trồng ngô, nuôi gà, nuôi vịt (nhi đồng Hải Phòng). Nhiều cháu vào tuyên truyền xung phong (nhi đồng Quảng Yên). Nhiều cháu giúp việc Bình dân học vụ (nhi đồng nhiều nơi đã làm như thế). [7, 62]

Đối tượng được nhắc đến trong ví dụ này là các cháu nhi đồng ở các địa phương khác nhau. Sự lặp lại ở đây ngoài tác dụng liệt kê công sức của các cháu nhi đồng góp công vào công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, còn có tác dụng liên kết chặt chẽ các câu văn và các đoạn văn.

2. Phương thức dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa và trái nghĩa

2.1. Phương thức dùng từ đồng nghĩa

Các từ đồng nghĩa được dùng để tránh lặp lại nhiều lần một vài yếu tố từ vựng trong một đoạn văn. Ngoài ra, việc sử dụng những từ đồng nghĩa còn có chức năng liên kết và chức năng cung cấp thông tin phụ.

Cũng như các sự kiện ngôn ngữ khác, hiện tượng đồng nghĩa có mặt trong hệ thống ngôn ngữ – những hiện tượng đồng nghĩa từ vựng và trong các văn bản – những hiện tượng đồng nghĩa lời nói, hay còn gọi là hiện tượng đồng nghĩa trực tiếp và hiện tượng đồng nghĩa gián tiếp. Ở cả hai trường hợp có thể có những từ đồng nghĩa và cụm từ đồng nghĩa. Ở các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 15 trường hợp liên kết bằng từ đồng nghĩa, trong đó có 7 trường hợp dùng từ đồng nghĩa trực tiếp và 8 trường hợp dùng từ đồng nghĩa gián tiếp.

2.1.1. Dùng từ  đồng nghĩa trực tiếp

Đây là cách dùng ở hai câu những yếu tố liên kết là những từ đồng nghĩa thường được cố định trong các từ điển đồng nghĩa. Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nhiều mức độ, có đồng nghĩa tuyệt đối và đồng nghĩa tương đối.

* Dùng từ đồng nghĩa tuyệt đối

Từ đồng nghĩa tuyệt đối là những từ đồng nhất về nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái có thể thay thế được cho nhau, chỉ khác nhau ở phạm vi sử dụng. Chúng tôi thống kê được trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 3 trường hợp dùng từ đồng nghĩa tuyệt đối để liên kết.

Ví dụ 4: Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.

Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta  không đợi ai ngăn ngừa. [7, 45]

Ngoài lặp từ ngữ (việc, nên, thì, ta, ai), sử dụng từ trái nghĩa (làm > < tránh), Hồ Chí Minh còn sử dụng hai từ đồng nghĩa tuyệt đối chờ và đợi trong hai đoạn văn trên để liên kết các đoạn văn với nhau. Hai từ này có thể thay thế được cho nhau vì nghĩa của chúng giống nhau hoàn toàn (Ở trạng thái mong ngóng ai hoặc cái gì sẽ tới, sẽ xảy ra). Hai từ đồng nghĩa được dùng ở đây ngoài chức năng liên kết hai đoạn văn còn là một biện pháp tránh lặp từ vựng có hiệu quả; nó thể hiện sự đa dạng và phong phú trong việc sử dụng từ ngữ của Hồ Chí Minh.

* Dùng từ đồng nghĩa tương đối

Từ đồng nghĩa tương đối là những từ có một số nét nghĩa trùng nhau, nhưng có một số nét nghĩa khác nhau. Có 4 trường hợp sử dụng từ đồng nghĩa tương đối để liên kết trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục.

Ví dụ 5: Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu mang nhau đi đón Bác, có lẽ hơn mười vạn cháu. Tay cầm cờ đỏ sao vàng đứng chật hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười ca hát vui vẻ như một đàn chim.

Bác thấy cháu nào cũng mặt mũi vui tươi, áo quần sạch sẽ. [7, 50]

Ở hai đoạn văn này sử dụng các từ đồng nghĩa tương đối: vui vẻ – vui tươi, chúng khác nhau về nét nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu niệm, vui vẻ nói về tâm trạng thể hiện ra vẻ ngoài, còn vui tươi là nói về nét mặt; chúng không thể thay thế cho nhau được, chỉ có thể nói ca hát vui vẻ, không nói ca hát vui tươi. Qua ví dụ này ta thấy Hồ Chí Minh đã cân nhắc, lựa chọn rất kĩ khi sử dụng từ ngữ, vì tâm trạng vui vẻ, nên thể hiện ra bên ngoài bằng vẻ mặt vui tươi. Các từ đồng nghĩa tương đối ở đây vừa là một phương thức liên kết hai đoạn văn, vừa tránh lỗi lặp từ vựng.

2.1.2. Dùng từ đồng nghĩa gián tiếp

Ngoài cách dùng những từ đồng nghĩa trực tiếp vào mục đích liên kết các câu trong văn bản, người ta có thể sử dụng lớp từ đồng nghĩa gián tiếp. Đó là việc sử dụng những từ đồng nghĩa miêu tả, những từ ngữ trên bậc và dạng phủ định của từ ngữ trái nghĩa. Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục không có trường hợp nào liên kết bằng dạng phủ định của từ trái nghĩa, chỉ có 2 dạng dùng từ đồng nghĩa miêu tả và dùng từ ngữ trên bậc.

* Dùng từ đồng nghĩa miêu tả

Dùng từ đồng nghĩa miêu tả là phương thức liên kết có  ít nhất một trong hai yếu tố liên kết là cụm từ miêu tả một thuộc tính điển hình nào đó đủ để đại diện cho đối tượng mà nó biểu thị. Chúng tôi thấy có 4 trường hợp dùng từ đồng nghĩa miêu tả để liên kết đoạn trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục.

Ví dụ 6: Trước hết, Bác nói cho các cháu biết rằng: Bác thường nhận được thư nhi đồng ở vùng tạm bị chiếm, mách với Bác, thực dân và bù nhìn hung ác thế nào, các cháu ấy khổ sở thế nào và đấu tranh oanh liệt thế nào.

Những thư ấy làm cho Bác đau đớn, vì các cháu ấy bị đầy đoạ; làm cho Bác vui lòng, vì các cháu ấy dũng cảm; làm cho Bác và tất cả đồng bào càng căm ghét bọn thực dân và bù nhìn. [7, 111]

Bị đầy đoạ là tổ hợp từ ngữ miêu tả, chúng có quan hệ đồng chiếu với khổ sở ở câu trước. Tổ hợp này vừa có tác dụng liên kết hai đoạn văn, vừa cung cấp cho người đọc lượng thông tin bổ sung, các cháu khổ sở vì bị thực dân và bù nhìn đầy đoạ.

* Dùng từ đồng nghĩa trên bậc

Lớp từ đồng nghĩa có phần ít trực tiếp hơn là những từ ngữ có quan hệ trên bậc so với từ ngữ có trước. Từ ngữ trên bậc (còn gọi là từ ngữ thượng danh) là những từ ngữ thuộc bậc khái quát cao hơn so với từ có trước. Các từ ngữ có trước hoặc là thuộc bậc khái quát thấp hơn, hoặc là những từ ngữ cụ thể. Quan hệ của từ ngữ thượng danh với những từ ngữ đã có trước là quan hệ đồng nhất trong quy chiếu. Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 4 trường hợp sử dụng từ đồng nghĩa trên bậc, như trường hợp sau:

Ví dụ 7: Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Hội Nhi đồng cứu quốc, (Các cháu đã vào Hội đó chưa? Cháu nào chưa vào thì nên vào Hội cho vui. [7, 39]

Ở các phát ngôn trên Hồ Chí Minh đã dùng từ Hội trong câu sau là từ ngữ trên bậc trong quan hệ với tổ hợp từ Hội Nhi đồng cứu quốc. Các từ ngữ này có quan hệ đồng chiếu, chúng có tác dụng liên kết các phát ngôn, tránh lặp từ ngữ không cần thiết.

2.2. Phương thức dùng từ gần nghĩa

Từ gần nghĩa cũng được dùng trong diễn ngôn như một phương thức để liên kết các câu và các đoạn văn. Đó là trường hợp sử dụng những từ gần nghĩa với từ có trước trong những câu đi sau. Khác với việc dùng từ ngữ đồng nghĩa là có cùng một đối tượng quy chiếu, thì ở việc dùng từ ngữ gần nghĩa là những từ ngữ không có sự đồng nhất trong quy chiếu.

Những từ gần nghĩa được dùng như một phương thức liên kết ở đây có thể thuộc về một trong hai kiểu: quan hệ cấp loại và quan hệ chỉnh thể – bộ phận.

Qua thống kê, chúng tôi thấy trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 7 trường hợp sử dụng từ gần nghĩa như một phương thức liên kết. Trong đó có 5 trường hợp các từ gần nghĩa có quan hệ cấp loại, số còn lại là 2 trường hợp từ gần nghĩa có quan hệ chỉnh thể – bộ phận.

2.2.1. Dùng từ ngữ gần nghĩa có quan hệ cấp loại

Quan hệ cấp loại là quan hệ của từ chỉ loại so với những từ chỉ vật cụ thể nằm trong loại đó. Như ví dụ sau đây:

Ví dụ 8: Khi rảnh học, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào.

Trước thì giúp các nhà chiến sĩnhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. [7, 71]

Trong ví dụ trên, các nhà chiến sĩ,nhà thương binh, những nhà ít người nằm trong loại lớn đồng bào. Hai đoạn văn này liên kết với nhau chính nhờ những từ ngữ có quan hệ cấp loại.

2.2.2. Dùng từ ngữ gần nghĩa có quan hệ chỉnh thể – bộ phận

Quan hệ chỉnh thể – bộ phận là quan hệ của từ chỉ chỉnh thể trong quan hệ với những từ chỉ bộ phận bên trong chỉnh thể đó. Chẳng hạn, cây là từ chỉ chỉnh thể trong quan hệ với thân, cành, rễ, lá chỉ bộ phận.

Ví dụ 9: Trong năm học vừa qua, từ khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các thầy giáo và cán bộ đã cố gắng nhiều. Các cháu học trò đã có những tiến bộ khá. Nhà trường đông đúc vui vẻ. [7, 139]

Trong ví dụ trên, những từ có tác dụng liên kết các câu văn với nhau là những từ ngữ nằm trong quan hệ chỉnh thể – bộ phận đối với nhau. Nhà trường là chỉnh thể, trong quan hệ bộ phận với: thầy giáo, cán bộ, học trò.

2.3. Phương thức dùng từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa cũng được dùng trong những câu khác nhau như một phương thức liên kết câu và đoạn trong diễn ngôn.

Cũng như các từ đồng ghĩa, có các từ trái nghĩa có tính chất trực tiếp và cũng có những từ trái nghĩa gián tiếp, chỉ nhận ra được trong tình huống sử dụng cụ thể. Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có cả 2 dạng này.

2.3.1. Dùng từ trái nghĩa trực tiếp

Đây là cách dùng ở hai câu những yếu tố liên kết là những từ trái nghĩa thường được cố định trong các từ điển trái nghĩa. Qua thống kê, chúng tôi thấy trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 3 trường hợp sử dụng từ trái nghĩa trực tiếp để liên kết các câu, như ví dụ sau đây:

Ví dụ 10: Các cháu phải ghét, ghét cay ghét đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mĩ, bọn Việt gian bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ.

Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động. [7, 111]

Ở hai đoạn văn trên, ngoài dùng phương thức lặp từ ngữ: các cháu, Hồ Chí Minh đã sử dụng cặp từ trái nghĩa ghét > < yêu để liên kết các đoạn văn. Ngoài tác dụng liên kết, việc sử dụng cặp từ trái nghĩa ở đây còn nhấn mạnh sự đối lập về trạng thái tình cảm của các cháu nhi đồng, các cháu phải biết yêu, ghét rạch ròi trước tình cảnh nước nhà chưa độc lập. Các cặp từ trái nghĩa ở đây còn góp phần tạo ra mối quan hệ song hành trong từng đoạn văn.

2.3.2. Dùng từ trái nghĩa gián tiếp

Bên cạnh những từ trái nghĩa trực tiếp, những từ trái nghĩa gián tiếp cũng tham gia vào nhiệm vụ liên kết diễn ngôn. Những từ ngữ vốn không có quan hệ nghịch đối nhưng do tình huống sử dụng vẫn có tác dụng nhất định đối với sự liên kết văn bản được coi là những từ trái nghĩa gián tiếp. Sự gián tiếp còn biểu hiện ở việc sử dụng dạng trái nghĩa hiểu rộng hoặc cách dùng dạng phủ định của từ ngữ lặp, hoặc từ đồng nghĩa. Chúng tôi thống kê được có 5 trường hợp dùng từ trái nghĩa hiểu rộng và 2 dạng dùng từ trái nghĩa là dạng phủ định của từ đồng nghĩa trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục.

Ví dụ 11: Mĩ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5 lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê làm mướn[7, 100]

Hai phát ngôn này sử dụng hai cặp từ trái nghĩa hiểu rộng: đại phú > < con nhà lao động (tức nhà giàu và nhà nghèo) và ngồi mát ăn bát vàng > < phải đi làm thuê làm mướn (tức ngồi chơi mà vẫn được hưởng thụ và làm cật lực vẫn không đủ ăn) để làm nổi bật sự đối lập trong hoàn cảnh sống của trẻ em ở các nước tư bản, mặt khác nhờ những từ ngữ trái nghĩa này mà hai câu văn liên kết chặt chẽ với nhau.

Ví dụ 12: Cháu nào chưa biết chữ quốc ngữ, phải học cho biết.

Cháu nào biết rồi, thì gắng giúp anh chị em học cho biết. [7, 50]

Đây là ví dụ về việc sử dụng từ trái nghĩa là dạng phủ định của từ ngữ lặp (chưa biết > < biết). Ngoài dạng lặp không đồng nhất trong quy chiếu (cháu nào) thì các từ trái nghĩa ở dạng phủ định của từ ngữ lặp lại này cũng có tác dụng liên kết chặt chẽ hai câu văn và tạo ra sự song hành, rất cân đối, nhịp nhàng giữa chúng.

2.4. Phương thức phối hợp từ ngữ

Phối hợp từ ngữ là trường hợp liên kết được thực hiện thông qua các yếu tố từ ngữ thường đồng xuất hiện. Đó là khả năng liên kết giữa một đôi yếu tố từ ngữ nào đó, mà bằng cách này hay cách khác phối hợp được với nhau trong ngôn ngữ.

Qua thống kê các trường hợp sử dụng phương thức phối hợp từ ngữ trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục, chúng tôi thấy chỉ có 2 kiểu quan hệ: quan hệ về đặc trưng và quan hệ nhân – quả.

2.4.1. Phương thức dùng những từ ngữ có quan hệ về đặc trưng

Liên kết phối hợp từ ngữ theo quan hệ đặc trưng là việc dùng từ ngữ nêu sự vật, hiện tượng, hoạt động… ở câu này và nêu đặc trưng của sự vật, hiện tượng, hoạt động… ở câu khác.

Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 3 trường hợp sử dụng phương thức phối hợp từ ngữ theo theo quan hệ đặc trưng.

Ví dụ 13: Hôm nay là Tết Trung Thu.

Ba má các cháu đã sắm cho các cháu nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa và nhiều đồ chơi khác, các cháu vui vẻ nhỉ! [7, 38]

Đèn, trống, pháo, hoa và nhiều đồ chơi khác là dấu hiệu đặc trưng của Tết Trung Thu. Nhờ quan hệ sự việc – đặc trưng của sự việc mà các câu trong ví dụ trên liên kết chặt chẽ với nhau.

2.4.2. Phương thức dùng những từ ngữ có quan hệ nhân – quả  

Quan hệ nhân – quả là kiểu quan hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ, trong đó có một yếu tố nêu nguyên nhân, những yếu tố kia chỉ kết quả có từ nguyên nhân đó. Yếu tố nêu nguyên nhân xuất hiện ở câu trước, những yếu tố chỉ kết quả nằm ở những câu đi sau. Nhờ những quan hệ nhân – quả này mà các yếu tố ngôn ngữ phối hợp được chặt chẽ với nhau như một lôgic tất yếu tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các câu.

Quan hệ nhân – quả trong phương thức phối hợp từ ngữ là  trường hợp không sử dụng các phương tiện chỉ nguyên nhân thuộc phương thức nối (như: vì, bởi vậy, cho nên…)

Trong các bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục có 3 trường hợp sử dụng phương thức phối hợp từ ngữ theo quan hệ nhân – quả.

Ví dụ 14: Các cháu gửi thư cho Bác nhiều lắm. Bác rất vui. [7, 115]

Trong ví dụ trên, các phát ngôn được liên kết với nhau nhờ sự phối hợp các từ ngữ có quan hệ nguyên nhân – kết quả với nhau. Ở đây, nguyên nhân là sự kiện dẫn đến kết quả, vì các cháu nhi đồng gửi thư cho Bác nhiều cho nên Bác rất vui. Không cần dùng các phương tiện ngôn ngữ: vì, nên chúng ta vẫn thấy được quan hệ nhân quả ở hai câu văn này.

3. Kết luận

Dựa trên cách hiểu về liên kết của M.A.K. Halliday và R. Hasan, báo cáo của chúng tôi đã đi vào nghiên cứu phương thức liên kết từ vựng – một phương thức được sử dụng phổ biến trong các diễn ngôn – với phạm vi khảo sát là 19 bức thư của Hồ Chí Minh gửi cho thiếu nhi nói về vấn đề giáo dục. Qua khảo sát và thống kê, chúng ta thấy được sự đa dạng về kiểu loại của phương thức liên kết từ vựng trong các bức thư này.

Đồng thời, phương thức liên kết từ vựng có vai trò rất quan trọng trong việc liên kết các câu, các đoạn của mỗi bức thư. Không những thế, phương thức này còn có tác dụng khác không kém phần quan trọng, đó là đem lại cho các diễn ngôn tính chính xác, rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả (lặp từ ngữ); góp phần tô đậm chủ đề chung, tăng cường tính biểu cảm cho các phát ngôn và là một biện pháp hữu hiệu tránh cách lặp từ vựng không đúng chỗ (dùng từ đồng nghĩa); cung cấp thông tin phụ đánh giá về đối tượng được biểu thị (dùng từ đồng nghĩa miêu tả); tạo sự cân đối, nhịp nhàng cho câu văn (dùng từ trái nghĩa)… Tất cả các tác dụng trên phối hợp, đan xen, hoà quyện với nhau trong một diễn ngôn, góp phần thể hiện tính biểu cảm và giá trị thẩm mĩ của các bức thư, khiến nội dung các bức thư vừa là lời tâm tình, trò chuyện của một người bác, lại vừa có giá trị khuyên nhủ, động viên, khích lệ các em hãy cố gắng học tập thật tốt, đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh.

Báo cáo của chúng tôi cũng là một hướng ứng dụng phân tích diễn ngôn vào việc phân tích ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, NXB Giáo dục.

2.   Diệp Quang Ban (2003), Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết, đoạn văn, NXB Khoa học Xã hội.

3.   Diệp Quang Ban (1992), Ngữ pháp tiếng Việt, tập 2, NXB Giáo dục.

4.   Diệp Quang Ban (1999), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, NXB Giáo dục.

5.   Đỗ Hữu Châu (1997), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB ĐHQG Hà Nội.

6.   Hoàng Phê (Chủ biên) (1996), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng

7.   Hồ Chí Minh – Về vấn đề Giáo dục, 1990, NXB Giáo dục.

8.   Trần Ngọc Thêm (1999), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

9.   Trần Ngọc Thêm (1981), Một cách hiểu về tính liên kết văn bản, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020