Ngôn ngữ

SỰ HIỆN THỰC HOÁ CÁC THÀNH PHẦN NGHĨA CỦA TỪ TRE TRONG TÁC PHẨM TRE VIỆT NAM CỦA NGUYỄN DUY


14-10-2020
Tác giả: ThS. Lê Thuỳ Giang

Việc phân tích các thành phần nghĩa của từ tre – một từ rất quan trọng trong bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, đã giúp ta hiểu rõ ràng và đầy đủ hơn về ý nghĩa của bài thơ. Đồng thời cũng cho ta thấy sự đa dạng, phong phú về nghĩa của từ trong sử dụng. Trong sử dụng, từ có những nét nghĩa mới, cụ thể mà khi ở trong hệ thống, nó không thể có được. Điều đó làm nên sự hấp dẫn thú vị của ngôn ngữ văn chương.

SỰ HIỆN THỰC HOÁ CÁC THÀNH PHẦN NGHĨA CỦA TỪ TRE

TRONG TÁC PHẨM TRE VIỆT NAM CỦA NGUYỄN DUY

ThS. Lê Thuỳ Giang

Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu

 

 

Nguyễn Duy là một nhà thơ có nhiều đóng góp trong quá trình hiện đại hoá thơ ca tiếng Việt. Thơ ông là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Thơ Nguyễn Duy thường mộc mạc, giản dị như điệu nói hàng ngày nên dễ đi vào lòng người. Nguyễn Duy đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp văn học nghệ thuật. Thơ ông cũng đã trở nên quen thuộc trong đời sống hang ngày như: Tre Việt NamHơi ấm ổ rơmTiếng hát mùa gặt… Trong đó, bài thơ Tre Việt Nam in trong tập Cát trắng đã dược giải nhất trong cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972 – 1973. Đây là tác phẩm mang đậm sắc màu phong cách thơ Nguyễn Duy.

Bài thơ có một cấu trúc đặc biệt, giàu ý nghĩa. Để tiếp nhận, chúng ta có thể bắt đầu từ việc lí giải giá trị ngữ nghĩa của những từ ngữ quan trọng trong bài thơ. Trong Tre Việt Nam, từ tre là một từ đặc biệt, gây ấn tượng với người đọc. Trước hết ở việc, nó được lặp lại 16 lần trong bài. Ngoài ra, nó còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác.

Theo giáo sư Bùi Minh Toán, các tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm làm thành một hệ thống. Quan hệ giữa các tín hiệu thẩm mĩ, trước hết là quan hệ hằng thể (chỉ những biểu hiện chung nhất, mang tính bản chất) và quan hệ biến thể (chỉ những biểu hiện với những nét cụ thể và riêng biệt). Trong số nhiều quan hệ giữa các tín hiệu thẩm mĩ thì hằng thể và biến thể có thể tồn tại dưới dạng quan hệ chỉnh thể – bộ phận. Về mặt từ ngữ, đây là những từ khác nhau. Nhưng về mặt tín hiệu thẩm mĩ trong một tác phẩm văn chương cụ thể thì có thể coi đó là những biểu hiện của cùng một tín hiệu thẩm mĩ. Xét về mặt ý nghĩa, thì chúng có sự liên quan gần gũi với nhau. Bởi trong tác phẩm văn chương, các tín hiệu hằng thể và biến thể đều nằm trong một hệ thống để tạo nên một ý nghĩa thẩm mĩ chung hay một tổng hợp lực. Đa dạng nhưng vẫn có sự thống nhất.

Xét về mặt tín hiệu thẩm mĩ, tre là một hằng thể; thân, lárễtaymìnhcâygốcmăngbúp mănglưng… là các biến thể. Trong quá trình tìm hiểu nghĩa của từ tre cũng cần đồng thời lí giải nghĩa các biến thể của nó.

1. Sự hiện thực hoá thành phần nghĩa biểu vật của từ tre 

Nghĩa của từ có thành phần biểu vật, tức là chỉ ra các sự vật, hiện tượng… trong thực tế khách quan. Nhưng ý nghĩa biểu vật của từ mang tính khái quát. Nó được trừu tượng hoá khỏi những biểu hiện cụ thể của sự vât, hiện tượng.

Trong thực tế khách quan tồn tại nhiều cây tre, loài tre như tre đằng ngà, tre vầu… Chúng khác nhau về hình dáng, mật độ cây trong một khóm, màu sắc, kích thước và cả thuộc tính, môi trường sống… Nhưng nghĩa của danh từ (câytre không chứa đựng những biểu hiện cụ thể đó.

          Trong Từ điển tiếng Việt có nêu: “Tre: Danh từ. Cây thân cứng, rỗng ở các gióng, đặc ở mấu, mọc thành bụi, thường dùng để làm nhà và đan lát. Luỹ tre. Thuyền san sát như lá tre.” [9, 1.012]. Trong Từ điển tiếng Việt – tường giải và liên tưởng thì lại có định nghĩa khác: “Tre: Danh từ. Loài cây thuộc họ lúa, thân rỗng, mình dày, cành có gai, dùng vào rất nhiều việc nhất là ở nông thôn (làm nhà, rào giậu, đan phên, chẻ lạt…).” [7] Dù hai định nghĩa trên có khác nhau nhưng về bản chất rõ ràng nghĩa của từ hoàn toàn mang nghĩa khái quát. Trong bài thơ, tồn tại một số trường biểu vật như sau:

– Trường biểu vật chỉ các bộ phận của cây trecâythânmìnhlá cànhtaylưnggốcrễmanh áomăng

– Trường biểu vật chỉ các đặc trưng, tính chất của cây trexanhgầy guộcmong manhkham khổsiêngcần cùthẳngtrònnhọn

 – Trường biểu vật chỉ các “hành động của tre”nên (luỹ), nên (thành), chắt dồn, (khôngngạivươn (mình), đuhát ruyêu, (khôngđứng khuất mìnhbọcômníuthương nhau, (chẳngở riêng, (thângãy, (cànhrơitruyền đờiđâu chịumọc (cong), lênphơinhườngmang, (măngmọc

    1.1. Sự khái quát của nghĩa biểu vật trở nên xác định khi từ được sử dụng. Khi sử dụng, nghĩa biểu vật của từ tương ứng với những sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất… cụ thể, xác định. Sự tương ứng giữa nghĩa của từ với sự vật, hiện tượng… trong thực tế khách quan được gọi là sự chiếu vật, hay sự hiện thực hoá nghĩa của từ trong sử dụng.

Trong bài thơ của Nguyễn Duy, tre không còn có nghĩa chỉ một loại thực vật như định nghĩa trong từ điển mà ứng với cây tre cụ thể trong tư duy của nhà thơ. Và khi được tiếp nhận, thì trong tâm hồn mỗi người đọc, lại có một ấn tượng riêng về một cây tre cụ thể.

        1.2. Song, ngay cả khi sử dụng nghĩa biểu vật của từ vẫn còn chứa những đặc điểm khái quát. Nói cây tre này là từ tre đã có nghĩa chiếu vật vào cây tre cụ thể với những đặc điểm riêng của nó. Song người nghe không thể chú ý vào những đặc điểm riêng đó mà vẫn tri nhận cây tre với những đặc điểm khái quát. Điều này hoàn toàn ngược với các đặc trưng của ngôn ngữ văn chương – một loại hình văn bản ưa tính cụ thể, tính hình tượng, hình ảnh. Để có được tính hình tượng, hình ảnh cho câu văn, từ ngữ trong văn chương phải nêu được các biểu hiện cụ thể, chi tiết của sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất… được nói đến trong tác phẩm.

Để làm được điều đó, nhà thơ Nguyễn Duy đã dùng các từ ngữ miêu tả đi kèm để tạo cụm từ. Nguyễn Duy đã dùng các từ ngữ miêu tả đi kèm các danh từ chỉ cây tre và các bộ phận của tre tạo thành các cụm từ để hiện thực hoá những đặc điểm riêng của cây. Cây tre trong thơ Nguyễn Duy là tre Việt Namtre xanh… có đặc điểm là thân gầy guộc mong manhrễ siêngcây kham khổlưng trần phơi nắng, phơi sương

Cây tre ở đây đã được xác định. Nó có những đặc điểm riêng mà điều đó không được thể hiện ra trong nghĩa của từ tre. Qua những từ ngữ miêu tả, người đọc đã hình dung rõ về đặc điểm cụ thể của cây tre trong thơ Nguyễn Duy. Trước hết, đó là cây tre của người Việt Nam, được trồng ở Việt Nam với vẻ bề ngoài là thân gầy, khẳng khiu nhưng nó mang dáng thẳng đứng, lá nhỏ, mong manh, lưng “trần”… nhưng rễ “siêng”, đặc biệt là luôn đầy sức sống với màu xanh bất tận. Nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ ngữ nghĩa là phép điệp: lặp lại 4 lần cụm từ tre xanh. Miêu tả tre luôn gắn với màu xanh đặc trưng. Điều này có một ý nghĩa nhất định trong việc thể hiện dụng ý của tác giả.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng sử dụng các từ ngữ miêu tả đi kèm các động từ: chắt dồn lâu, (khôngđứng khuất mình bóng râm, (chẳngở riêng, (đâu chịumọc cong; đi kèm tính từ: nhọn như chông lạ thường.

Ở đây, Nguyễn Duy cũng đã sử dụng biện pháp so sánh để cụ thể hoá đặc điểm, hình dáng của cây tre non: nhọn như chông lạ thường. Nó không chỉ giúp người đọc hình dung cụ thể về cây tre (tính hình tượng cao) mà nó còn mang đến một cảm nghĩ khác về hình ảnh cây tre: thứ cây mang đầy sức mạnh, như một thứ vũ khí…

Tóm lại, trong bài thơ Tre Việt Nam, các từ ngữ miêu tả đi kèm với danh từ (định ngữ), động từ, tính từ (bổ ngữ cách thức) không chỉ giúp cho sự chiếu vật được thực hiện dễ dàng mà còn có giá trị làm tăng tính cụ thể, tính hình tượng của câu thơ. Đồng thời thể hiện cách quan sát, cách nhận thức hiện thực của nhà thơ Nguyễn Duy. Nhờ đó mà ngôn ngữ của Nguyễn Duy, của bài thơ tre Việt Nam được cá thể hoá. Không ở đâu, trong sáng tác của bất cứ nhà thơ nào lại có cách miêu tả như trong thơ Nguyễn Duy. Điều đó làm nên nét đặc sắc riêng biệt của ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy. Đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công trong lĩnh vực nghệ thuật.

1.3.  Một đặc điểm rất phổ biến trong ngôn ngữ văn chương là sử dụng từ với nghĩa đa chiếu vật, tức dùng một từ ứng với nhiều hiện tượng, sự vật... khác nhau.

Trong bài thơ đang xét, từ (câytre không chỉ mang ý nghĩa chiếu vật vào một mình nó. Tre không chỉ là cây tre Việt Nam trong thực tế mà là con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam với những đức tính như: cần cù, siêng năng, lạc quan, đoàn kết, biết hi sinh, nhường nhịn, nhân hậu, kiên cường bất khuất, có sức sống trường tồn…

Hình ảnh tre đã được ẩn dụ cho hình ảnh con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Điều này được nhận ra nhờ một phần vào biện pháp nhân hoá mà tác giả đã sử dụng. Tre vốn là loài thực vật vô tri, vô giác nhưng có dáng vẻ bên ngoài giống như con người: có tay, có lưng…, có những đức tính, hành động giống như con người: siêng năng, cần cù,…; hát ruyêuômthương nhaunhường

Mặt khác, các từ ngữ trong văn bản văn chương thường thống nhất với nhau để làm nổi rõ một hình tượng nào đó. Trong bài thơ Tre Việt Nam cũng vậy. Bằng chứng là chúng ta có thể liệt kê được các trường biểu vật như đã nêu. Do đó, nhờ tính đa chiếu vật của các từ ngữ mà hình tượng trong tác phẩm văn học có thể có tính đa chiếu vật. Hình tượng cây tre cũng chính là bất cứ là con người Việt Nam nào. Tính đa chiếu vật của từ ngữ trong văn chương chiếm một vị trí quan trọng và mang tính phổ biến. Đây là điểm đặc thù của ngôn ngữ nghệ thuật. Nó làm cho văn bản nghệ thuật khác với loại hình văn bản khác.

2. Sự hiện thực hoá thành phần nghĩa biểu niệm của từ tre

Hiểu một cách đơn giản, theo Ogden và Richard thì nghĩa biểu niệm của từ là “thought of referent” (tư duy về sự vật nói tới). Như vậy, nghĩa biểu niệm của từ là tư duy, nhận thức của người nói về sự vật, hiện tượng… mà từ gọi tên.

Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Nghệ thuật văn chương là nghệ thuật diễn đạt các ý nghĩa biểu niệm khác nhau bằng cách dùng những từ ngữ khác nhau ứng với một ý nghĩa biểu niệm đồng nhất. Trong tác phẩm văn chương, việc dùng các từ ngữ khác nhau để chỉ cùng một sự vật, hiện tượng… để thể hiện những cách nhìn khác nhau, cách đánh giá khác nhau về một sự vật, hiện tượng trong những hoàn cảnh khác nhau là rất phổ biến”. [3, 35]

Trong bài thơ để nói về cây tre, nhà thơ Nguyễn Duy đã gọi: tre (11 lần), tre xanh (4 lần), cây kham khổ (1 lần), nòi tre (1 lần), măng (2 lần), măng non (2 lần). Trong mỗi cách gọi như vậy đều có dụng ý riêng.

Việc sử dụng các từ ngữ khác nhau để nói về cùng một sự vật hiện tượng có thể quy về hai trường hợp chính, nhằm:

2.1. Thể hiện thái độ của tác giả đối với hình tượng nghệ thuật (cây tre)

Bài thơ được viết theo lời hỏi của tác giả (2 khổ thơ đầu) và “lời đáp của cây tre” (4 khổ còn lại). Chúng ta có thể tạm thời xét ngôn ngữ của tác giả và “ngôn ngữ của tre”. Dù thực ra, đó chỉ là sự phân thân, hoá thân của tác giả mà thôi. Trong phần “lời đối đáp của tre”, chúng ta vẫn có thể nhận ra đó không phải là lời của tre mà mang dấu ấn của tác giả. Chỉ có thể thực sự nhận ra lời của tre trong một số câu thơ như:

– Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều.

– Thương nhau tre chẳng ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.

– Năm qua đi, tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu.

Đó là những câu có dấu hiệu của một lời nói năng thông thường. Còn lại đều là những câu mang hàm ý đánh giá của người nhìn từ bên ngoài vào chứ không phải tự thân cây tre nói về mình.

2.1.1.  Thái độ của tác giả qua “ngôn ngữ tre”

Qua “lời đối đáp của tre”, tre thường “tự xưng” mình là tre… Gần như ở đây không thể hiện một sắc thái nào. Điều này cũng dễ lí giải. Bởi tre trong dụng ý của tác giả vốn mang đức tính khiêm nhường, không thể tự nói, tự “khoe” về những phẩm chất của mình.

2.1.2. Thái độ của tác giả qua ngôn ngữ của chính tác giả

Tác giả gọi tre là tretre xanhnòi trecây kham khổ... Mỗi cách gọi đều có một hàm ý riêng. Điều này thể hiện cách nhìn, cách đánh giá của tác giả. Trong con mắt thơ Nguyễn Duy, tre là một “loài cây kham khổ”, nó cũng có số phận như số phận của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc phải trải qua bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt, gặp biết bao đau thương, mất mát (cây kham khổ). Nhưng tre cũng luôn gắn liền với màu xanh, màu của hi vọng và của sức sống bền bỉ (tre xanh). Tre không đơn lẻ, mà sống thành thành luỹ, có quan hệ với nhau. Nó giống như con người, cũng có họ hàng, giống nòi (nòi tre) …

Ngoài ra, tác giả còn thể hiện cách đánh giá của mình qua cách sử dụng những từ miêu tả như: siêng, cần cù, (cây kham khổ) vẫn hát ru lá cành, không đứng khuất mình bóng râm, đâu chịu (mọc cong), nhọn như chông lạ thường… Đó là cách nhìn của một người đứng từ bên ngoài nói về loài tre với lòng: ngưỡng mộ, tự hào, tôn kính…

2.2. Thể hiện quan điểm của tác giả về sự vật, hiện tượng được nói tới (hình ảnh cây tre)

Một từ thường có cả nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm. Phần lớn các từ khi sử dụng được sử dụng cả hai chức năng này cả biểu vật, cả biểu niệm. Song trong thực tế sử dụng, nhiều khi chỉ có thành phần nghĩa biểu niệm được hiện thực hoá, mất đi thành phần nghĩa biểu vật. Khi nói “Nguyên tắc là nguyên tắc”, “Chiến tranh là chiến tranh” thì những từ nguyên tắcchiến tranh đứng sau bị mất nghĩa biểu vật, chúng đựơc dùng với chức năng biểu niệm, thể hiện quan niệm của người nói về “nguyên tắc”, “chiến tranh”, mà không chỉ ra những nguyên tắc, và những cuộc chiến tranh cụ thể, có thực.

Trong tác phẩm văn chương, nhờ những từ ngữ được dùng chỉ với ý nghĩa biểu niệm, tác giả thể hiện quan điểm, quan niệm của mình về các sự vật hiện tượng.

Trong bài thơ, khi nhà thơ sử dụng kết hợp từ tre Việt Namtre xanh (đặc biệt là từ tre xanh trong câu cuối: Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh) thì rõ ràng, qua đó ông muốn thể hiện một quan niệm riêng của mình. Tre Việt Nam không được sử dụng với nghĩa biểu vật về một cây tre cụ thể, có thực trồng ở Việt Nam mà thể hiện quan niệm của Nguyễn Duy: Cây tre là một hình ảnh tượng trưng thể hiện đức tính hiền lành, khí phách kiên cường, sức sống mãnh liệt… của người Việt Nam.

Tre xanh ở những câu thơ đầu có cả nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm. Nó chỉ màu sắc thật của cây tre (xanhtính từ. Có màu như của lá cây, nước biển. Luỹ tre xanh. Non xanh nước biếc. [9, 1118]. Nó cũng thể hiện quan niệm của tác giả về màu xanh ấy. Nhưng riêng ở dòng thơ cuối: Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh thì cái màu xanh ấy nghiêng nhiều về tính biểu niệm. Nó được lặp lại 3 lần. Đó không phải là màu xanh bình thường mà dường như bất tận, vĩnh cửu – màu của sức sống bất diệt của tre cũng như của con người Việt Nam. 

3. Sự hiện thực hoá thành phần nghĩa biểu thái của từ tre

Nghĩa biểu thái là thành phần nghĩa chỉ ra thái độ, cách đánh giá về sự vật, hiện tượng khách quan. Đa số các từ được sử dụng để miêu tả tính chất, hành động, hình dáng… của cây tre trong bài thơ đều mang tính biểu thái. Qua đó, ta thấy được sự tự hào, tôn vinh của tác giả với cây tre.

Cụ thể, ta có thể thấy trong cách sử dụng một số từ:

– Bọc (thân bọc lấy thân): từ bọc cùng với một số từ như: góichebaophủ… có thành phần nghĩa biểu vật, biểu niệm gần tương đương nhau. Nhưng ở mỗi từ thể hiện những thái độ khác nhau đối với hành động đó. Bọc không chỉ là sự che kín trên bề mặt. Bọc vừa có nghĩa là gói kín, bao kín để che giữ, vừa có nghĩa là bao quanh [9, 86]. Nó có giá trị biểu cảm cao hơn so với những từ còn lại. Nó thể hiện tình cảm bao bọc, gắn bó, che chở, bảo vệ, đoàn kết giữa những con người với nhau.

– Tương tự, từ níu (tay níu): xét trong mối quan hệ với từ nắmcầmkéogiữ… Xét ở một khía cạnh nào đó, những từ này tương đương với nhau về thành phần nghĩa biểu vật và biểu niệm. Nhưng trong từ níu còn thể hiện một tình cảm nào đó. Níuđộng từ. Nắm lấy, kéo lại. Nó còn thể hiện hành động níu giữ, cho khỏi rời xa mất. [9, 725]. Níu thể hiện tình cảm nhưng nó cũng mang tính hình tượng cao. Những cành tre đan cài, móc níu vào nhau, làm cho nó khó có thể tách biệt.

– Từ manh (manh áo cộc): So với chiếccái…, manh thể hiện sự đánh giá của tác giả. Manh áo trong bài thơ cũng chỉ “cái áo của tre” (tức bẹ măng). Manh là mảnh vải nhỏ mềm dùng để che thân hoặc để đắp, hàm ý coi như không đáng kể. Manh áo manh quần. Đắp manh chiếu rách. Chỉ sự thiếu thốn, nghèo khổ. [9, 723]. Đã chỉ có manh áo, đó lại còn là manh áo cộc. Sự miêu tả tăng tiến càng làm tăng thêm sự khó khăn của tre. Nhưng dù có khổ cực thế, tre vẫn nhường áo cho con. Hình tượng tre càng trở nên có sức thuyết phục trong lòng người đọc.

– Từ nhường (có manh áo cộc tre nhường cho con): Nhường mang thành phần nghĩa biểu thái khác với những từ: dànhđểphần… Dù phần nào đó, thành phần nghĩa biểu vật và biểu niệm của chúng tương đương nhau. Ở đây, nhường có nghĩa là để cho người khác được hưởng phần mà mình đang hưởng hoặc lẽ ra mà mình được hưởng  [9, 723]. Qua đây, tác giả thể hiện sự nhường nhịn, đức hi sinh… của cây tre. Nó mang dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam…

Tóm lại, những cách nói như trên vừa biểu cảm, lại vừa hình tượng hơn nhiều so với những cách diễn đạt bình thường.

4. Sự hiện thực hoá thành phần ý nghĩa ngữ pháp của từ tre

Tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình nên ý nghĩa ngữ pháp của từ không thể hiện trong nội bộ hình thức của từ mà chỉ có thể xác định được thông qua quan hệ của từ với những từ khác trong khi sử dụng.

Thành phần ý nghĩa ngữ pháp của từ trước hết là ý nghĩa từ loại của từ, có quan hệ chặt chẽ với thành phần ý nghĩa biểu niệm của từ. Trong bài thơ, tất cả các từ tre đều là danh từ – chỉ sự vật như định nghĩa đã nêu ở trên.

Ở đây, cần bàn đến sự kết hợp không bình thường về ý nghĩa từ vựng giữa từ tre và các từ khác: trong tác phẩm có một sự chuyển trường độc đáo. Như đã nói, ta có các trường:

– Trường biểu vật chỉ các bộ phận của cây tre: câythânmìnhlá cànhtaylưnggốcrễmanh áomăng… Trong đó, có một số từ, nếu xét trong hệ thống ngôn ngữ, chỉ thuộc về trường biểu vật chỉ bộ phận của động vật, con người chứ không phải để chỉ thực vật. Đó là các từ: mìnhtaylưngmanh áo

– Trường biểu vật chỉ các đặc trưng, tính chất… của cây tre: xanhgầy guộcmong manhkham khổsiêngcần cùthẳngtrònnhọn… Tương tự như trên thì ở trường này cũng có những từ mà trong hệ thống nó thuộc trường biểu vật chỉ các đặc trưng, tính cách… của con người: gầy guộcsiêngcần cùkham khổ

– Trường biểu vật chỉ các hành động của tre: nên (luỹ), nên (thành), chắt dồn, (khôngngạivươn (mình), đuhát ruyêu, (khôngđứng khuất mìnhbọcômníuthương nhau, (chẳngở riêng, (thângãy, (cànhrơitruyền đờiđâu chịumọc (cong), lênphơinhườngmang, (măngmọc… Ở trường này cũng có những từ vốn chỉ thuộc về trường biểu vật chỉ hành động của con người: chắt dồn, (khôngngạivươnđuhát ruyêu, (khôngđứng khuất mìnhbọcômníuthương nhau, (chẳngở riêngtruyền đờinhường

Việc sử dụng những trường chỉ người để miêu tả cây tre là có đã ngầm so sánh cây tre với con người. Cả bài thơ là cả một sự ẩn dụ về hình tượng cây tre. Nhưng xét trên mặt câu chữ, điều mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất đó là nhà thơ Nguyễn Duy đã sử dụng phương tiện tu từ ngữ nghĩa nhân hoá. Điều này không chỉ làm cho hình tượng nghệ thuật được thêm sinh động mà nó còn nhằm khẳng định cây tre chính là hình tượng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

          PGS.TS. Đỗ Việt Hùng cho rằng có 3 trường hợp về nghĩa:

– Các từ có tiền giả định lẫn nhau về mặt nghĩa; (1)

– Các từ có nghĩa không tiền giả định nhưng không loại trừ nhau; (2)

– Các từ trong kết hợp từ chứa các nét nghĩa loại trừ nhau. (3)

Trong bài thơ Tre Việt Nam, có khá nhiều kết hợp từ ở dạng thứ (3). Đó mới là yếu tố đem lại giá trị nghệ thuật cao cho tác phẩm, gây nhiều bất ngờ cho người đọc. Chúng ta có thể kể ra một số kết hợp từ đặc biệt như: thân gầy guộcrễ siêng không ngại (đất nghèo), tre (bao nhiêu) rễ (bấy nhiêu) cần cùcây kham khổ vẫn hát ru lá cànhthương nhau tre chẳng ở riêng, (vẫn nguyên) cái gốc truyền đời cho măngcó manh áo cộc tre nhường cho con

Các kết hợp từ này có sự kết hợp giữa một nhóm từ thuộc trường biểu vật chỉ thực vật (cây tre) với các từ thuộc trường biểu vật chỉ người. Bởi vậy trong sự kết hợp chúng ta nhân được một kết quả là: sự chuyển nghĩa của trường tạo nên một trường mới trong đó mang nét nghĩa của trường cũ và cả nét nghĩa của trường mới. Sự kết hợp đó gây ra sự bất ngờ ở người đọc nhưng vẫn có thể chấp nhận được về nghĩa.

Chẳng hạn, trong kết hợp từ tre Việt Nam: Việt Nam vốn là danh từ chỉ tên nước. Nhưng ở đây nó đã trở thành một tính từ có nghĩa là: khí phách Việt Nam, tinh thần Việt Nam.

Ở các biến thể của từ tre:

– Thân gầy guộc: ý nói thân tre gầy guộc, khẳng khiu. Bình thường gầy guộc chỉ dành để tả con người (thuộc trường biểu vật chỉ hình dáng con người). Gầy đến mức da bọc bọc xương, chỉ còn lại xương cốt, khẳng khiu. Đôi vai gầy guộc. Thân hình gầy guộc. [9, 379 ]. Nhưng ở đây nó lại được dùng làm định ngữ miêu tả một loại thực vật. Điều này tạo tính biểu cảm, hình tượng, gây nên giá trị bất ngờ nhưng mà có thể chấp nhận được.

– Cây kham khổkham khổ là một tính từ, chỉ sự thiếu thốn, khổ cực về mặt vật chất của con người [9, 489]. Nhưng ở đây, kham khổ được dùng kết hợp với cây làm nên cái mới lạ trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Duy.

Trong bài thơ, tác giả có tạo ra một sự đối lập giữa hình dáng và hoàn cảnh của tre với sức sống mãnh liệt của nó. Tất cả là dựa vào những phẩm chất sẵn có của tre. Những phẩm chất giúp cải thiện hoàn cảnh. Chẳng hạn như:

– Rễ siêngsiêng. Tính từ. Có sự chú ý thường xuyên để làm việc gì đó một cách đều đặn. [9, 843]. Siêng chỉ một đức tính tốt của con người. Ở đây được kết hợp với một bộ phận của cây – rễ. Kết hợp lạ nhưng vẫn có thể hiểu được. Bởi ngay từ đầu, tác giả đã kín đáo ví tre với người. Do đó, việc gắn cho tre những đặc tính của con người là điều dễ hiểu.

– (Cây kham khổ vẫnhát ru lá cànhhát ru là một động từ chỉ hành động chỉ có ở con người: Mẹ hát ru con ngủ. Vì vậy, cách nói tre hát ru lá cành là một cách nói khác lạ so với lôgíc thông thường. Nhưng xét trong cảnh huống của bài thơ này là vẫn chấp nhận được. Câu thơ thể hiện “tính lạc quan của loài tre”, tức của con người Việt Nam…

Tóm lại, giá trị biểu đạt của các kết hợp từ vừa được phân tích ở trên được nhiều người quy vào hiện tượng chuyển trường nghĩa và cho rằng: “Khi từ ngữ chuyển trường thì ngoài các nghĩa riêng của từ ngữ, nó còn mang theo cả những ấn tượng, những liên tưởng của trường cũ sang trường mới làm cho trường mới vốn không có những ấn tượng ấy, liên tưởng ấy trở nên cũng có những ấn tượng, liên tưởng của trường cũ”. [3, 57]

Như vậy, trong bản thân mỗi từ ngữ đều tiềm ẩn khả năng chuyển trường tức hoạt động ngữ pháp không đúng với bản chất từ vựng đã cố định của chúng. Chúng luôn vươn tới những cách kết hợp mới để tạo ra những cách hiểu mới giá trị mới.

Theo Đỗ Hữu Châu, một tác phẩm bao giờ cũng là một thể thống nhất hình thức – nội dung, thống nhất giữa các yếu tố của nội dung với nhau và giữa các yếu tố của hình thức với nhau.

Tính thống nhất này thể hiện trong sự phù hợp giữa các từ trong một trường biểu vật. Trong một tác phẩm hoặc một đoạn của tác phẩm thường có một hình ảnh trung tâm. Cái hình ảnh trung tâm này thường được diễn đạt bằng các từ thuộc trường biểu vật nào thì các từ khác gắn với nó cũng phải thuộc vào trường biểu vật đó. Cụ thể, bài thơ Tre Việt Nam nói về hình ảnh trung tâm là cây tre, thuộc trường biểu vật thực vật, các từ khác để nói về nó, trước hết cũng thuộc trường biểu vật chỉ thực vật trước khi để chỉ con người. Để có được sự liên tưởng từ hình ảnh của tre đến con người, nhà thơ còn phải dùng nhiều biện pháp nghệ thuật khác: ẩn dụ, nhân hoá…

Tính thống nhất còn thể hiện trong sự phù hợp, hài hoà giữa các nét nghĩa biểu niệm. Các từ trong một tác phẩm, hoặc một đoạn tác phẩm gắn bó với một ý, tuỳ theo tính chất của cái ý đó. Chẳng hạn, trong đoạn thơ thứ 3 của bài thơ Tre Việt Nam, các từ: chắt dồn lâurễ siêng không ngại đất nghèocần cù,… đều gợi ra đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của tre. Ở đoạn thơ thứ 4, để nói về tình cảm yêu thương, gắn bó, đoàn kết giữa những cá nhân, tác giả dùng các từ: bọcômníugần nhauthương nhauchẳng ở riêng

Sự thống nhất về ngữ nghĩa giữa các từ có thể gọi là sự cộng hưởng ngữ nghĩa. Cũng như sự cộng hưởng của âm thanh, ý nghĩa các từ hài hoà với nhau, tôn nhau lên tạo ra những dao động ngữ nghĩa. Dao động này sẽ dội vào tâm tình người đọc, để lại trong đó những ấn tượng đậm, sâu.

Nhưng ở phần ý nghĩa ngữ pháp của từ, chúng ta chỉ xét khía cạnh: từ ngữ diễn đạt về đối tượng được nói tới cũng phải chứa cái gì đó chung, phù hợp với nhau để làm nổi bật sự đồng nhất về đối tượng đó. Sự cộng hưởng ngữ nghĩa này dựa trên nét nghĩa đồng nhất vốn có trong các từ. Nói khác đi, dựa trên nét nghĩa chung cho một trường (hay một nhóm từ ngữ trong một trường) biểu niệm. Sự đồng nhất về nét nghĩa suy rộng ra là sự đồng nhất về ý nghĩa từ loại.

Để miêu tả đặc tính, phẩm chất… của cây tre mà sâu sa là của con người Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Duy sử dụng nhiều tính từ: xanh, xanh tươi, gầy guộc, kham khổ, siêng, cần cù, …

Đặc biệt là nhà thơ sử dụng rất nhiều động từ: chắt dồn, (không) ngại, vươn (mình), đu, hát ru, yêu, (không) đứng khuất mình, bọc, ôm, níu, thương nhau, (chẳng) ở riêng, truyền đời, đâu chịu, mọc (cong), nhường, mang, (măng) mọc… Qua những hành động, chúng ta cũng có thể hiểu thêm về bản chất của “tre”. Dường như ở tre luôn có một sự chủ động, cố gắng hết mình để đạt đến những gì tốt đẹp nhất cho mình và cho thế hệ sau.

5. Thành phần ý nghĩa liên hội của từ tre

Ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp của từ trong hệ thống có tính cố định, bền vững nhưng cũng có những ý nghĩa chưa cố định, biến động, mang tính chất xã hội – lịch sử – cá nhân cụ thể. Một trong những loại nghĩa chưa ổn định nhưng có vai trò quan trọng đối với hiệu quả dùng từ là ý nghĩa liên hội.

Ý nghĩa liên hội là ý nghĩa xuất hiện khi gặp một từ nào đó, ta sẽ liên tưởng đến những đặc tính của sự vật hiện tượng mà từ gọi tên hoặc xuất hiện do thói quen sử dụng của cộng đồng, được lặp đi lặp lại.

Phần nào đó ta có thể thấy trong đời sống dân tộc, khi nói đến từ tre người ta thường liên tưởng đến một loài cây quen thuộc, sống thành thành luỹ, có màu xanh, mang sức sống bền bỉ, nhiều tác dụng… Nhưng từ tre cũng gợi cho người ta liên tưởng đến một ấn tượng văn hoá: đó là truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc bằng vũ khí là cây tre.

Riêng trong lĩnh vực văn chương, nói đến từ tre Việt Nam trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Duy làm người đọc dễ liên tưởng đến tác phẩm cùng đề tài như Cây tre Việt Nam của Thép Mới. Tất cả giúp cho người đọc, thông qua hình tượng cây tre thì liên tưởng đến con người Việt Nam, khí phách Việt Nam. Phần nào ta có thể cho rằng đó là ý nghĩa liên hội của từ ghép tre Việt Nam.

Cũng thế, từ tre xanh gợi cho người đọc về sự xanh tươi, trải dài của những luỹ tre. Nó gợi sự liên tưởng đến sức sống, niềm hi vọng.

Tóm lại, việc hiểu đúng đắn ý nghĩa của từ ngữ là một phần rất quan trọng để hiểu đúng đắn ý nghĩa của câu thơ trong tác phẩm và từ đó giúp cho việc lĩnh hội giá trị bài thơ được đúng đắn và sâu sắc.

Như đã nói, sự phân tách các thành phần trong nghĩa của từ để phân tích là muốn làm rõ giá trị diễn đạt của từng thành phần. Trên thực tế, nghĩa của từ là một thể hợp nhất. Tất cả các thành phần hợp với nhau để tạo thành một (những) giá trị biểu đạt nhất định. Cái hay của việc dùng từ trong ngôn ngữ văn chương đòi hỏi phải có một sự lí giải tổng thể tất cả các thành phần đã nêu, tuy ở chỗ này hay chỗ khác có thể tất cả các thành phần đã nêu chỉ nổi lên giá trị của một thành phần nghĩa nào đó, nhưng mối liên hệ tổng thể giữa chúng thì không thể bỏ qua. Ví dụ, sự thay đổi nghĩa của từ để tạo ra sắc thái biểu cảm luôn kéo theo sự thay đổi về chức năng cú pháp của từ và sự thay đổi về ý nghĩa biểu vật cũng như biểu niệm. Ngược lại, sự thay đổi nghĩa biểu vật cũng kéo theo sự thay đổi ý nghĩa ngữ pháp và sắc thái biểu cảm…

Sự hiện thực hoá các thành phần nghĩa của từ như đã phân tích, ở khía cạnh nào đó làm nổi bật được đặc điểm sử dụng từ ngữ của riêng ngôn ngữ văn chương… một loại hình văn bản khác với các loại hình văn bản khác về chức năng và phạm vi. Đó cũng là những phương tiện để ngôn ngữ văn chương nghệ thuật thể hiện rõ hơn các đặc trưng về tính cá thể, tính hình tượng, tính hàm súc, tính đa nghĩa… của mình.

Việc phân tích các thành phần nghĩa của từ tre – một từ rất quan trọng trong bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, đã giúp ta hiểu rõ ràng và đầy đủ hơn về ý nghĩa của bài thơ. Đồng thời cũng cho ta thấy sự đa dạng, phong phú về nghĩa của từ trong sử dụng. Trong sử dụng, từ có những nét nghĩa mới, cụ thể mà khi ở trong hệ thống, nó không thể có được. Điều đó làm nên sự hấp dẫn thú vị của ngôn ngữ văn chương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Chafe Wallace L. (1998), Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ, Nguyễn Văn Lai dịch, NXB Giáo dục, H.

2.   Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB Giáo dục, H.

3.   Đỗ Hữu Châu (1990), Những vấn đề về tiếng Việt và Làm văn, tập 1, Trường ĐHSP Hà Nội, H.

4.   Đỗ Hữu Châu (1999) Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, H., 1999.

5.   Mai Ngọc Chừ (cb) (2007), Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đỗ Việt Hùng, Bùi Minh Toán, Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo dục.

6.   Nguyễn Duy (1973), Cát trắng, NXB Quân đội Nhân dân, H.

7.   Nguyễn Văn Đạm (1999), Từ điển tiếng Việt – tường giải và liên tưởng, NXB Văn hoá Thông tin, H.

8.   Lyons John (1998), Nhập môn ngôn ngữ học lí thuyết, Vương Hữu Lễ dịch, NXB Giáo dục.

9.   Viện KHXH Việt Nam, Viện ngôn ngữ học (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, H.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020