Ngôn ngữ

Hai ý niệm tương phản - nền tảng cho ẩn dụ tri nhận trong thơ Chế Lan Viên


14-10-2020
Tác giả: TS Vũ Thị Sao Chi - Ths Phạm Thị Thu Thùy

Kết quả khảo sát ẩn dụ tri nhận trong hai tập thơ tiêu biểu của Chế Lan Viên cho thấy, có hai cặp ý niệm tương phản trong cách nhìn nhận, suy ngẫm của thi sĩ về con người và cuộc sống trước và sau Cách mạng. Hai ý niệm tương phản này phổ lên hầu hết các hình ảnh thơ, xoắn bện tất cả các hình ảnh thơ được tạo lập trong mỗi tập vào trường nghĩa biểu đạt của nó.

HAI Ý NIỆM TƯƠNG PHẢN – NỀN TẢNG CHO

ẨN DỤ TRI NHẬN TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN

(QUA CÁC TẬP ĐIÊU TÀN VÀ ÁNH SÁNG VÀ PHÙ SA)

                                                  TS. Vũ Thị Sao Chi

ThS. Phạm Thị Thu Thuỳ

Viện Ngôn ngữ học

1. Mở đầu

1.1. Ra đời vào giữa thế kỉ XX gắn với những tên tuổi như: G. Lakoff, M. Johnson, G. Fauconnier, Ch. Fillmore, R. Jackendoff, R. Langacker, M. Turner, A. Wierzbicka, Yu. Apresian, W. Chafe, M. Minsky..., khuynh hướng Tri nhận luận đã đem đến một “luồng gió mới” cho Ngôn ngữ học hiện đại khi lấy đối tượng nghiên cứu đặc thù là mối quan hệ giữa ngôn ngữ và các quá trình tư duy của con người trên cơ sở kinh nghiệm và suy luận logic.

Được đánh giá là một công cụ tri nhận mạnh mẽ, ẩn dụ tri nhận là sự ý niệm hoá và hiểu hiện tượng loại này thông qua hiện tượng loại khác [3]. Theo tinh thần của tri nhận luận, bản chất của ẩn dụ được phản ánh ở hai luận điểm cơ bản: 1) Ẩn dụ là cơ chế chủ yếu trong tư duy ý niệm của con người, phản ánh cách con người nhìn và nhận biết thế giới qua lăng kính ngôn ngữ và văn hoá dân tộc; 2) Cấu trúc của ẩn dụ là cấu trúc hai không gian: không gian NGUỒN (hay miền NGUỒN) và không gian ĐÍCH (hay miền ĐÍCH).

Luận điểm thứ nhất quy định việc nghiên cứu ẩn dụ trong sự thống nhất giữa tư duy ý niệm của con người với ngôn ngữ – văn hoá dân tộc. Nó đặt cơ sở cho một quan niệm, theo đó ẩn dụ không chỉ là phép tu từ được chuộng trong thi ca hay một phương thức chuyển nghĩa thuộc về ngôn ngữ học, mà chủ yếu là một cơ chế tư duy cực kì quan trọng để con người nhận thức thế giới. Cơ chế này cho phép chuyển di những tri thức về những lĩnh vực, khái niệm đã biết rõ sang những lĩnh vực, khái niệm chưa biết hoặc biết ít hơn.

Luận điểm thứ hai quy định cấu trúc của ẩn dụ, trong đó tiền giả định sự tồn tại hai miền NGUỒN và ĐÍCH. Theo nguyên lí tri nhận, ẩn dụ hàm ý việc hiểu một đối tượng này qua lăng kính một đối tượng khác, nghĩa là miền NGUỒN có chức năng cung cấp tri thức đã biết và chuyển tri thức đó cho miền ĐÍCH. Chẳng hạn, ẩn dụ THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC cho phép hiểu rằng, từ ý niệm NGUỒN: TIỀN BẠC có thể dẫn đến những thuộc tính đã biết về nó như “giữ gìn”, “tiết kiệm”, “phung phí”, “dành cho”… rồi đem gán chúng cho ý niệm ĐÍCH là THỜI GIAN, từ đây THỜI GIAN cũng có những thuộc tính ấy: giữ gìn thời gian, tiết kiệm thời gian, phung phí thời gian, tốn thời gian, ăn cắp thời gian… (ví dụ của Lakoff và Johnson trong Metaphors we live by, dẫn theo [3]).

Cũng cần lưu ý rằng, ý niệm trong miền ĐÍCH chỉ thu nhận một bộ phận, chứ không phải toàn bộ, những thuộc tính vốn có của ý niệm miền NGUỒN. Tính bộ phận của ẩn dụ tri nhận làm cho hai không gian NGUỒN và ĐÍCH không bao giờ đồng nhất tuyệt đối mà chỉ là đồng nhất bộ phận.

Ẩn dụ tri nhận có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ thơ ca nói riêng. Nó đem đến cho thơ ca sự mới mẻ, sáng tạo trong cách cảm nhận thế giới và mở ra cho con người những khả năng tìm tòi, khám phá về các mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Nó làm cho trí tưởng tượng thêm phong phú, bay bổng, thoát khỏi sự phản ánh các sự kiện bằng lối cấu trúc ngôn ngữ thông thường. Từ ẩn dụ tri nhận, người ta hiểu rõ hơn, nắm bắt rõ hơn về quá trình tư duy, khám phá thế giới của con người phản chiếu qua ngôn ngữ, và ngược lại sự tri nhận cũng sẽ là cơ sở giúp giải mã các tầng bậc ý nghĩa của ngôn ngữ. Để hiểu được ý nghĩa đầy đủ của một hình ảnh thơ, một câu thơ, một đoạn hay một bài thơ, thậm chí một tập thơ, người đọc tất yếu phải giải mã ẩn dụ do nhà thơ lập mã dựa trên những ý niệm phổ quát. Thông qua ẩn dụ, người ta có thể nhận ra phong cách riêng của mỗi nhà thơ cùng những sáng tạo nghệ thuật được xây dựng từ nền chung của thơ ca dân tộc và nhân loại.

1.2. Chế Lan Viên là một trong những gương mặt lớn của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX, thi sĩ của những vần thơ lãng mạn nhưng cũng rất giàu chất trí tuệ. Ngay từ lúc 17 tuổi, chàng trai tài hoa, được mệnh danh là “thi sĩ Chàm” này đã làm sửng sốt diễn đàn Thơ mới bằng những vần thơ Điêu tàn mang vẻ đẹp đầy huyền bí, ma mị. Di sản hơn mười tập thơ và nhiều tập tiểu luận phê bình văn học là tâm huyết của cả một đời lao động, sáng tạo, dâng hiến không mệt mỏi của ông cho nghệ thuật.

Vận dụng lí thuyết của Ngôn ngữ học tri nhận, bài viết này tìm hiểu cơ chế xác lập và giải mã các ẩn dụ trong thơ Chế Lan Viên để từ đó cung cấp thêm một cái nhìn về thơ ông trên các phương diện: năng lực tư duy, sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật, đặc biệt là dấu ấn tư duy – văn hoá dân tộc và lí tưởng của con người thời đại phản chiếu trong thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả.

Phạm vi khảo sát của chúng tôi là hai tập thơ Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa được Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn trong cuốn Chế Lan Viên toàn tập, Tập I (NXB Văn học, H., 2002). Trong các sáng tác thơ của Chế Lan Viên, nếu chọn ra hai thi phẩm tiêu biểu nhất thì có lẽ Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa sẽ là lựa chọn xác đáng vì đây chính là “hai gương mặt”, “hai tâm trạng”, “hai phong cách” gắn với hai chặng hành trình sáng tác trước và sau Cách mạng của ông.

Như đã nêu trên, cấu trúc của ẩn dụ tri nhận là cấu trúc hai không gian: miền NGUỒN và miền ĐÍCH. Khảo sát ẩn dụ tri nhận trong hai tập thơ của Chế Lan Viên, chúng tôi tập trung vào các ý niệm được lập mã từ hai miền nguồn chính, đó là con người và các sự vật, hiện tượng thuộc về thế giới tự nhiên và xã hội.

2. Nguồn biểu trưng là con người

Con người bao gồm các bộ phận của cơ thể, tên gọi, các hoạt động, trạng thái, cảm xúc, tình cảm... Cơ thể của con người bao gồm: các bộ phận bên ngoài (đầu, chân, tay, cổ…) và các bộ phận bên trong (tim, gan, phổi…); hoặc cũng có thể phân chia ra hai mặt: thể xác (xương, da, thịt, huyết/ máu…) và tinh thần (hồn, tư tưởng…). Con người có thể được chỉ xuất bằng tên gọi (Nguyễn Văn A, Phạm Thị H,…) hoặc các đại từ nhân xưng, các từ chỉ quan hệ thân tộc (chàng, nàng, anh, em, cha, mẹ…). Các hoạt động, trạng thái, cảm xúc, tình cảm của con người như ngủ, nằm, chiêm bao, mộng, vui, buồn,… Lấy con người làm nguồn để quy chiếu đến sự vật, sự việc nhất định là một là một lối tư duy rất phổ biến của nhân loại nói chung và người Việt nói riêng.

Chúng ta biết, tinh thần của con người là thế giới nội tâm phức tạp, thế giới của những tư tưởng, tình cảm, xúc cảm với nhiều biến động, đổi thay, giằng xé, thậm chí đầy mâu thuẫn… nhưng thế giới ấy lại không hiện hình và không dễ gì nhận biết hay nắm bắt cho rõ ràng được. Có một thực tế là càng những gì khó nắm bắt thì con người lại càng khao khát khám phá, và những biểu hiện trực quan của thể xác đã trở thành một đường dẫn để con người tri nhận về thế giới tinh thần của chính mình. Cho nên, loài người nói chung và người Việt nói riêng thường lấy bộ phận của cơ thể con người, nhất là các bộ phận bên trong như óc, tim, lòng, gan, ruột… để biểu trưng cho các trạng thái tinh thần khác nhau của con người. Đó là cơ chế của ẩn dụ tri nhận: TINH THẦN CON NGƯỜI LÀ THỂ XÁC CON NGƯỜI. Chẳng hạn, người ta dùng mặt dày để chỉ sự trơ tráo, lì lợm; móng tay nhọn để chỉ sự sắc sảo, ghê gớm; nắm đấm thép để chỉ uy lực; to gan lớn mật chỉ sự táo tợn; tim đen chỉ sự độc ác xấu xa… (trong Triết học đây chính là cặp phạm trù hình thức biểu hiện nội dung).

Rồi con người lại tiếp tục quy chiếu từ bản thân tới thế giới xung quanh để nhận biết, khám phá và hoà hợp. Kết quả của quá trình tri nhận đó là sự hình thành những ý niệm theo “nguyên lí dĩ nhân vi trung”, hay theo “thuyết nhân hình”: THIÊN NHIÊN LÀ CON NGƯỜI; CUỘC SỐNG LÀ CON NGƯỜI… Chẳng hạn: chân trời, mắt bão, lòng biển, tim đường, cuộc sống thay da đổi thịt…

Cũng với cách tri nhận mang tính nhân loại, tính dân tộc phổ quát như trên, song ở Chế Lan Viên vẫn có những trực cảm riêng in đậm dấu ấn cá tính nghệ thuật và cảm quan thời đại. Chúng tôi đã tiến hành thống kê nguồn biểu trưng là con người trong hai tập thơ Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa.

Bảng 1: Miền nguồn là con người trong Điêu tàn (37 bài)

Con người,

các bộ phận của con người

Số lượng

Các hoạt động, trạng thái, tính chất… của con người

Số lượng

Nàng, Nàng Chiêm

13

Điên, điên cuồng…

17

giống dân Hời, dân Chiêm/ Chàm

8

Sầu, sầu khổ, đau khổ

16

Đầu, đầu lâu, sọ, sọ dừa, sọ trắng

21

Khóc, than, rên rỉ, nức nở

16

Xương, xương khô, xương tàn, hài cốt

20

Nói, kêu, kêu gào, réo gọi, thét, nghẹn lời, rú, rên, rít

14

Máu, máu Chàm, huyết

18

tưởng, mơ, mộng, mê

14

Thịt, da thịt

15

Ưu phiền, buồn thương

12

Thi thể, thân, hình xác, xác

12

Nhớ, nhớ tiếc, mong nhớ

10

Óc, não, não trắng

11

Cười

9

Giọng, tiếng, tiếng huyết…

11

Trông mong, ngóng trông,…

8

Mắt, nhãn quan

10

Than thở, than

7

Lòng, tơ lòng

9

Chết, tử

6

Cổ, hầu, họng

7

Rợn trắng, trắng

6

Nước mắt, lệ, châu

7

Vỡ, vỡ rạn

6

Tủy, tủy nồng

5

Căm hờn, hận, oán hận

5

Hơi thở, chút hơi, tinh khí

5

Thương, đau, thương đau

5

Tim

4

Trào, sôi trào

5

Vết thương, thương vong

3

Dãy dụa, lăn lộn,…

5

Hồn, linh hồn, cô hồn, hồn ma,

34

 

 

 

Bảng 2: Miền nguồn là con người trong Ánh sáng và phù sa (69 bài)

Con người,

các bộ phận của con người

Số lượng

Các hoạt động, trạng thái, tính chất… của con người

Số lượng

Nhân dân (vợ, chồng, mẹ, con, anh, chị, em, bạn bè, chiến sĩ, người cày, công nhân, thủy thủ, thi sĩ, hoạ sĩ, nhà bác học,..)

69

Sống, sinh, hồi sinh, phục hồi, sinh sôi, sinh nở, phôi thai

21

Lòng

36

Cười, reo

21

Tiếng, tiếng yêu, giọng Việt, tiếng quê hương, tiếng dân tộc

18

Hát, ca, ngân

19

Tay, bàn tay, cánh tay

17

Vui, vui đùa

18

Máu

17

Yêu, yêu thương, thương…

18

Thịt, bắp thịt, da thịt

16

Hạnh phúc

14

Lệ, nước mắt, giọt khóc

16

Đau, khổ đau, thương đau

13

Tình, ái tình, tình thương, tình yêu

13

Nhớ, thương nhớ, thương

13

Mắt, đôi mắt

10

Ăn, uống

13

Mặt, mặt hồng, mặt vinh quang

10

Ngủ, chợp mắt, ngủ yên

12

Sữa, hai bầu sữa, giọt sữa

7

Đi, đến, ra, băng qua, về

11

Tim, trái tim

7

Dâng, tặng, cho, trao

8

Môi, đôi môi, môi đỏ

7

Hôn

8

Nụ cười

7

Mơ, mộng

8

Bóng, dáng, hình

6

Khóc

8

Sức khoẻ, sức trai, sinh lực

6

Chết, hi sinh

7

Ngực

5

Nuôi, ủ ấp

6

Má, má hồng

5

Chở che, che

5

Chân, chân trần, chân đất

5

Chờ, mong chờ, đợi

5

Mồ hôi

5

Ru

4

Mình, thân thể, cơ thể

4

Thở

4

Tai

3

Học, dạy, hiểu

4

Tâm hồn, hồn thơ, hồn thi sĩ

14

Đắm say

3

 

 

Lớn lên

2

 

 

Cưới

2

 

 

Thức

2

 

 

Dệt

2

 

 

No, no kềnh

2

 

 

Buồn

1

Ghi chú: Trong các bảng khảo sát, những con số được thống kê là số lượng các bài thơ có sử dụng ẩn dụ tri nhận với miền nguồn tương ứng theo cột hàng ngang.

Trong Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa, miền nguồn là con người với những bộ phận của cơ thể và các hoạt động, trạng thái, đặc điểm, tính chất của con người đã được Chế Lan Viên quy chiếu tới nhiều miền đích khác nhau. Tựu trung lại chúng tôi nhận thấy nổi lên hai ẩn dụ lớn (ẩn dụ thượng cấp) gắn với hai ý niệm tương phản nhau đó là:

 Ở Điêu tàn: CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ CƠ THỂ CHẾT;

Ở Ánh sáng và phù sa: CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI HÂN HOAN, HI VỌNG LÀ CƠ THỂ SỐNG.

2.1. CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ CƠ THỂ CHẾT

Ẩn dụ tri nhận này xuất hiện trong 36/37 bài thơ của tập Điêu tàn (97,3%).

Điêu tàn là sự chung đúc của hồn thơ Chế Lan Viên trước Cách mạng tháng Tám, một hồn thơ lãng mạn bị vây bủa bởi tâm lí của một cái Tôi cô đơn, lạc lõng, bế tắc, tuyệt vọng tới cùng cực, cộng hưởng với tâm trạng đau thương của một dân tộc đang chịu cảnh nô lệ, nước mất nhà tan. Lấy cảm hứng từ sự điêu tàn của vương quốc Chiêm Thành xưa, Chế Lan Viên đã xây dựng nên một thế giới kinh dị, tang tóc với những bóng Ma Hời, thây lạnh, đầu lâu, sọ dừa, não trắng, thịt nát, xương khô, tủy nồng, huyết ứ, nước mắt, họng câm…:

Đem mau đây, chiếc sọ dừa ứ huyết

Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh!

Và rót mau trong hồn ta tê liệt

Những nguồn mơ rồ dại, hỡi yêu tinh!

                                       (Điệu nhạc điên cuồng – Điêu tàn)

Biểu hiện của sự sống ở con người là khí dương vượng, da thịt lành lặn, các bộ phận gắn kết trong một cơ thể dồi dào sinh lực. Ngược lại khi con người chết đi, âm thịnh dương suy, hơi thở tắt lịm, tim ngừng đập, máu cạn, thây lạnh, rồi sau đó các bộ phận rã rời, thịt nát, xương tàn, linh hồn phiêu dạt… Vậy nên, CON NGƯỜI – miền nguồn trong Điêu tàn không phải là con người sống mà là CON NGƯỜI CHẾT. Trong đó, xuất hiện dày đặc với tần số rất lớn là những hình ảnh: hồn, đầu lâu, xương, máu, thịt; tiếp đến là các hình ảnh: thi thể, não, mắt, nước mắt, cổ, giọng, lòng; và cuối cùng xuất hiện với tần số ít là: tủy, tim, vết thương,…

Và xương khô, và sọ dừa, và thịt nát

Và hơi âm rờn rợn của yêu tinh

(Mồ không – Điêu tàn)

Cả Điêu tàn ngập chìm trong sắc màu chết chóc. Trong cảm quan của Chế Lan Viên, VƯƠNG QUỐC CHIÊM THÀNH LÀ CƠ THỂ CHẾT, những đền, tháp, sông, cây… như đang quằn quại, rên rỉ, héo mòn trong nỗi tuyệt vọng cùng cực của sự hủy diệt:

Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian

Những sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn

Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi…

(Trên đường về – Điêu tàn)

Trong kí ức của Chế Lan Viên, Chiêm Thành xưa huy hoàng với bao chiến công hiển hách, những cung đền, thành quách, gạch son chói lọi, nguy nga… mà qua bao thời gian bào mòn, chiến tranh huỷ diệt cũng không thể xoá mờ dấu tích: Nơi, ôi những nơi, từ xưa kia, rực rỡ/ Những lâu đài, thành quách, với cung đền/ Nơi ngựa hí xương rền vang trong gió/ Nơi vang lừng tiếng hát vạn dân Chiêm! (Chiến tượng – Điêu tàn). Nhưng giờ đây, thời hoàng kim ấy đã xa, cái hiện hữu chỉ còn là một chiến địa điêu linh với những thi thể nát tan, những cô hồn bơ vơ trong chiều hoang lặng gió:

Có tìm chăng những chiều không tiếng gió

Của người mi thi thể rữa tan rồi?

Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ

Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi.

(Cái sọ người – Điêu tàn)

Nhưng Điêu tàn không chỉ là sự cảm quan chết chóc về vương quốc Chiêm Thành. Đó còn là sự phủ nhận gay gắt cuộc sống hiện tại, một cuộc sống đau thương với những kiếp đời nô lệ tủi buồn. Trong lời tựa tập thơ, thi sĩ đã bộc bạch:

Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kìa kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi.

Anh, tôi… và tất cả cuộc đời trong vần vũ thương đau này đã mang sẵn vết thương, đã chất chứa u sầu, đã sắp sửa khúc bi ai tiễn mình về cõi Chết:

Quả tim ta là một khối U Buồn

Mạch máu ta là những mối Đau Thương

Mà quả đất là mối sầu vô hạn

Mà mỗi người là một lời ta thán

Của Hoá Công reo rắc xuống trần ai!

(Đừng quên lãng – Điêu tàn)

Với nhà thơ, CUỘC ĐỜI BUỒN THƯƠNG này LÀ CƠ THỂ CHẾT và CON NGƯỜI CÔ ĐƠN, BẾ TẮC, TUYỆT VỌNG này cũng LÀ CƠ THỂ CHẾT. Con mắt thơ của thi sĩ Điêu tàn ngày ấy nhìn vào đâu cũng thấy sự tang tóc. Bởi nỗi ám ảnh này mà ngay cả hoa lá, gió nắng, thi tứ… của mùa xuân cũng rờn rợn hơi âm:

Kìa kìa nắng nở hoa muôn sắc

Trên những tầu tiêu rợn ý trinh

Kìa kìa, nắng bọc muôn hình xác

Những nét thơ tràn cổ sách xinh.

(Đọc sách – Điêu tàn)

Sự chết chóc đeo bám mọi ý nghĩ của con người, phổ lên những lời thơ và sôi cuồng trong những điệu nhạc. Thơ là thơ đượm hơi thịt, ý ma, sắc chết…:

Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi

Đầy hơi thịt, ý ma, cùng sắc chết

                                                 (Tiết trinh – Điêu tàn)

Nhạc là những nhịp khớp xương lên đỉnh sọ, những giọng của hồn điên, những dòng thanh âm trào tuôn máu hồng tươi…:

Hầu ran nóng, lửa hồng bùng cháy mắt

Máu hồng tươi lay vỡ cả thành tim…

Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ

Ta sẽ ca những giọng của Hồn Điên

Để máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ

(Điệu nhạc cuồng điên – Điêu tàn)            

Hàng loạt những hình ảnh của một cơ thể chết đã khắc hoạ ám ảnh cuộc sống đau buồn và tâm trạng của một cái Tôi cô đơn đang cố vẫy vùng trong cơn tuyệt vọng, bấn loạn.

Và trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, con người đành buông xuôi cho cái Chết xâm lấn:

Trời hỡi trời hôm nay ta chán chết

Những sắc màu hình ảnh của Trần gian

Thịt bại rồi, nhãn quan đà lả mệt

                                                 (Tạo lập – Điêu tàn)

Rồi khi thể xác đã tiêu tan thì con người chỉ còn lại linh hồn hư vô. Có lẽ vì thế mà HỒN –  “hiện thân” rõ nhất của CON NGƯỜI CHẾT – đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ đắc dụng, xuất hiện dày đặc trong thế giới Điêu tàn (trong 34/36 bài, chiếm 91,9%) với các biến thể: hồn, linh hồn, cô hồn, hồn ma, Hồn Điên, Hời, Ma Hời, khí tinh anh, hồn trinh, ý trinh… Trong cảm quan của “thi sĩ Chàm”, tất cả đã trở thành hồn ma. Ngoảnh lại Chiêm Thành xưa, thấy CHIÊM THÀNH ĐIÊU LINH LÀ HỒN với bao nỗi oán hờn:

 

Đây chiến địa nơi đôi bên giao trận

Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang

Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận

Xương Chàm tuôn rào rạt nỗi căm hờn

(Trên đường về – Điêu tàn)

Trở về cuộc đời nay lại cũng thấy CUỘC ĐỜI BUỒN LÀ VẠN CÔ HỒN:

Chiều hôm nay bỗng nhiên ta lạc bước

Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn

(Xương khô – Điêu tàn)

Trong cảnh chiều u tịch, bóng lá cây cũng hoá những Ma Hời:

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn

Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi…

(Trên đường về – Điêu tàn)

Bỗng có lúc lại như đang rền rĩ, ta thán với một hồn ma về cõi Trần Gian đã hút cạn tinh huyết:

Hồn ma ơi! Hồn ma ơi! Có nhớ

Nơi mi hằng chọn gửi hận Trần Gian?

Nơi đã khô của mi bao máu đỏ,

Bao tủy nồng, não trắng với xương tàn?

(Mồ không – Điêu tàn)

Giữa chốn lạc loài bi thương, tang tóc, con người nhìn vào chính mình và tự hỏi:

Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng

Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?

Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?

(Ta – Điêu tàn)

Lời giải mã chính là CON NGƯỜI CÔ ĐƠN, TUYỆT VỌNG LÀ MẢNH HỒN TÀN:

Ta lặng lẽ nhìn muôn sao tự hỏi:

– Mảnh hồn ta tiêu diệt tự bao giờ?

(Đám ma – Điêu tàn)

Có thể nói, với hình tượng ẩn dụ CƠ THỂ CHẾT, Chế Lan Viên đã khắc hoạ nỗi đau thương, tuyệt vọng của con người và cuộc đời đã lên đến tột cùng. Còn gì đau đớn, bi thương hơn cái chết!

Người ta bảo, trong dàn đồng ca ảo não của dòng thơ lãng mạn Việt Nam 1930 –  1945, thơ Chế Lan Viên là thanh âm bi ai bậc nhất, bởi đó không chỉ là sầu chất chứa vạn nỗi sầu, đau chất chứa nghìn niềm đau mà đó còn là cái chết của triệu lần cái chết. Lẽ đó, ẩn dụ tri nhận CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ CƠ THỂ CHẾT, với các biến thể của nó, không chỉ khẳng định cảm quan nghệ thuật và tư duy sáng tạo của nhà thơ dựa trên nền tư duy – văn hoá của dân tộc và nhân loại, mà nó còn là một thứ sáp dầu đặc biệt để vẽ nên một sắc màu riêng, hết sức “kinh dị” cho những vần thơ của “thi sĩ Chàm”.

2.2. CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI HÂN HOAN, HI VỌNG LÀ CƠ THỂ SỐNG

Ẩn dụ tri nhận này xuất hiện trong 56/69 bài thơ của tập Ánh sáng và phù sa (chiếm 81,1%).

Nếu ở Điêu tàn, con người với những bộ phận trong cơ thể và những hoạt động, trạng thái, tính chất của con người là sự phản chiếu một cuộc sống buồn thương, tang tóc và tâm trạng ngập chìm trong sự cô đơn, bế tắc, tuyệt vọng thì đến Ánh sáng và phù sa, những hình ảnh tim, lòng, mắt, tay, mẹ, con, tiếng hát, nụ cười… lại tràn trề, ấm áp niềm vui hân hoan, sự tin yêu hi vọng của con người vào cuộc sống mới. Từ kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy, ý niệm bao trùm Ánh sáng và phù sa là: CUỘC SỐNG MỚI TƯƠI ĐẸP, SÔI ĐỘNG, TRÀN ĐẦY HI VỌNG LÀ CƠ THỂ SỐNG; TÂM TRẠNG NHẬP CUỘC, HÂN HOAN, YÊU CUỘC ĐỜI LÀ CƠ THỂ SỐNG.

Như đã biết, sau Cách mạng, nước ta bước vào thời đại mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng đất nước. Cuộc sống mới đã gột rửa nỗi buồn đau quá khứ, chữa lành những vết thương lòng. Tổ quốc, Nhân dân, Đảng đã tiếp cho hồn thơ Chế Lan Viên một nguồn sinh khí mới. Ánh sáng và phù sa chính là tập thơ tiêu biểu ghi nhận một cuộc hành trình từ “thung lũng đau thương” hướng ra “cánh đồng vui”, thoát khỏi thế giới chật hẹp, bế tắc của cái Tôi cá nhân để hoà mình vào cái Ta chung rộng lớn. Tập thơ, như nhan đề của nó, chan chứa niềm vui, lòng tin yêu, biết ơn và sự gắn bó sâu sắc của nhà thơ với Nhân dân, Đất nước, với Đảng. Đúng như Chế Lan Viên đã tâm sự:

Ánh sáng rọi soi tôi và phù sa bồi đắp tôi. Ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất của lí tưởng tôi.

Nếu quyển sách này có tựa, nó sẽ mở đầu như trên, để nói lên lòng biết ơn của tác giả đối với đất nước và Đảng của mình”

                                                      (Chú thích của Ánh sáng và phù sa [8, 289])

Cảm quan sáng tác của nhà thơ cũng chính là cơ sở để tri nhận những ẩn dụ trong tập Ánh sáng và phù sa. Song có một sự khác biệt, không hề ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ đích, là: nếu ở Điêu tàn – thế giới CHẾT – tràn ngập đầu lâu, xương tàn, thịt rữa… thì ở Ánh sáng và phù sa – thế giới SỐNG – lại ngời lên nét mặt, ánh mắt, màu da, bàn tay, bờ môi, tiếng cười, giọng hát… và đặc biệt là lòng và sữa.

* LÒNG (BỤNG, DẠ)

Trong thơ Chế Lan Viên nói chung và tập thơ Ánh sáng và phù sa nói riêng, LÒNG (BỤNG, DẠ) không đơn thuần chỉ bộ phận trong cơ thể con người. Đó không còn là một thực thể sinh l‎í mà đã trở thành một thực thể tinh thần, chứa đựng ý thức, xúc cảm của con người. Ý nghĩa biểu trưng này của LÒNG (BỤNG, DẠ) cũng xuất phát từ cơ sở ý thức, quan niệm xưa nay của người Việt. Chẳng hạn, người Việt vẫn thường nói: nghĩ bụng, đinh ninh trong dạ, đau lòng, bụng dạ bồn chồn, một lòng sắt son, vững dạ yên lòng, hởi lòng hởi dạ… Điều đó cho thấy, người Việt quan niệm LÒNG (BỤNG, DẠ) là phần chứa đựng cả mặt tinh thần, ý chí, tình cảm của con người. Nói cách khác, thế giới tinh thần, ý chí, tình cảm… được biểu lộ qua LÒNG (BỤNG, DẠ) của con người. Khảo sát tập thơ Ánh sáng và phù sa, chúng tôi nhận thấy ẩn dụ tri nhận THẾ GIỚI NỘI TÂM CON NGƯỜI LÀ LÒNG NGƯỜI xuất hiện với tần số rất lớn, trong 36/69 bài (52,2%). Nhà thơ đã tri nhận về LÒNG (BỤNG, DẠ) là nơi biểu lộ của những trạng thái tâm lí, những cung bậc cảm xúc, tình cảm, những suy nghĩ, nhận thức hay ý chí, nghị lực… của con người.

Có khi LÒNG biểu lộ khát vọng lên đường đến với cuộc sống mới:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc,

Khi lòng ta đã hoá những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

(Tiếng hát con tàu – Ánh sáng và phù sa)

Những năm đầu xây dựng đất nước hoà bình, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, nhà nhà, người người đã giã từ cuộc sống quẩn quanh, chật chội nơi đô thành để đến với những miền đất rộng lớn, xa xôi, chung tay xây dựng những vùng kinh tế mới. Theo dòng chảy của thời đại, các nhà thơ, nhà văn cách mạng cũng tích cực lên đường, thâm nhập, khám phá và ngợi ca cuộc sống mới. Tây Bắc chính là một địa chỉ “đỏ” ngày ấy. Lúc bấy giờ Chế Lan Viên bị bệnh nặng, không ra đi được, nhưng tâm hồn nhà thơ thì không ủ rũ trên giường bệnh mà vẫn bay bổng theo những con tàu đi xa. Trong niềm suy tưởng của nhà thơ, LÒNG ta hay chính là TÂM HỒN ta đã hoá thành những con tàu. Mong ước, khát vọng của nhà thơ cũng chính là mong ước khát vọng của bao người bấy giờ, những con người sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Có khi LÒNG biểu lộ một tâm hồn rộng lớn, hoà quyện, chan chứa tình yêu với non sông gấm vóc:

Cả lòng tôi là một dải sông Hồng.

(Chim lượn trăm vòng – Ánh sáng và phù sa)

Có khi LÒNG chất chứa những suy tư, chiêm nghiệm của con người về cuộc sống, để thêm quý thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị tốt đẹp của ngày hôm nay:

Lòng ta, chửa bao giờ ta đi hết được,

Đi hết lòng, tiếng khóc hoá lời ca.

(Nhật kí một người chữa bệnh – Ánh sáng và phù sa)

Hay là LÒNG – tình cảm sâu sắc của vị lãnh tụ trên hành trình tìm đường cứu nước, luôn canh cánh nỗi niềm nhớ nước thương dân:

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.

(Người đi tìm hình của nước – Ánh sáng và phù sa)

Và LÒNG trong những câu thơ dưới đây còn biểu trưng cho ý chí kiên cường, sức sống mãnh liệt của con người, của đất nước:

Như cỏ dậy mùa xuân, trăm liềm không thể cắt

Trên cả lòng ta còn lòng Tổ quốc

(Giữa Tết trồng cây – Ánh sáng và phù sa)

Có một điểm rất đáng chú ý là, khi quan sát biểu tượng LÒNG trong tập Ánh sáng và phù sa, chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt so với ở tập Điêu tàn. Ở thế giới Điêu tàn, LÒNG ít được nhắc đến vì đó không phải là hình ảnh tiêu biểu nhất của CƠ THỂ CHẾT, và nếu đôi khi được khắc hoạ thì đó là những lòng đau, lòng thảng thốt khi tàn giấc mộng “Chiêm” (Mộng tàn rồi! Bóng người Chiêm nữ ấy / Biết tìm đâu, lòng hỡi, dưới trăng ngà?), hay cõi lòng tràn ngập bóng tối mà nắng mai cũng không thể chiếu sáng được (Nắng trời tươi, tưng bừng bay tản mạn/… Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ / Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ). Nhưng đến thời của Ánh sáng và phù sa, LÒNG đã mang một tinh thần mới, đó là những: lòng vui, lòng hân hoan, lòng rộng mở tràn ngập khí xuân với ánh sáng và phù sa:

Chở lòng vui, con tàu sẽ sơn hồng

(Tàu đi – Ánh sáng và phù sa)

LÒNG ấy là tâm trạng náo nức, hân hoan, tưng bừng trước những đổi thay lớn lao của cuộc sống mới:

Khi trong lòng đã đúc triệu đồng vui

Ta lấn từng nỗi đau như mùa chiêm lấn vành đai trắng

(Nhật ký một người chữa bệnh – Ánh sáng và phù sa)

Hay đó còn là lòng trailòng lúa thì con gái tràn trề sức sống:

Tằm lên lúa nở

 lòng ta cả…

(Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

Một trăm con tàu như một trăm cô dâu mới

Bờ bể như lòng trai rộn rịp lễ tơ hồng…

(Tàu đi – Ánh sáng và phù sa)

Và LÒNG của đêm ái tình chan chứa, quấn quýt yêu thương:

Anh đến suối, mặt em cười dưới suối

Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi

Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em.

(Trăng – Ánh sáng và phù sa)

Như vậy, LÒNG trong Ánh sáng và phù sa là LÒNG – CƠ THỂ SỐNG, miền nguồn trong những ẩn dụ hạ cấp: CUỘC SỐNG MỚI TRÀN ĐẦY HY VỌNG LÀ LÒNG TRAI; TÂM TRẠNG HÂN HOAN, YÊU ĐỜI LÀ LÒNG VUI…

* SỮA

Tuy xuất hiện ít hơn hình ảnh ẩn dụ lòng và một số hình ảnh ẩn dụ khác như tay, da thịt, mặt, mắt, tiếng, nhưng SỮA là một hình ảnh ẩn dụ hết sức đặc biệt, không một lần xuất hiện trong Điêu tàn song lại được tinh chọn trong Ánh sáng và phù sa. Qua những biến thể: sữa, giọt sữa, bầu sữa, dòng sữa…, mỗi lần hình ảnh ẩn dụ này xuất hiện, nó đều đem lại cho ta những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, về tình người, tình mẹ, tình đất nước quê hương vô cùng ngọt ngào, ấm áp và những ấn tượng mãnh liệt về một cơ thể căng tràn sinh lực:

Ôi cành hoa thứ nhất

Như giọt sữa đem mùa xuân làm nóng ngực

(Mây và hoa – Ánh sáng và phù sa)

Sức sống của hoa cỏ mùa xuân, của đất nước, con người tựa như SỮA trong bầu ngực thanh xuân.

Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), sữa là “chất lỏng màu trắng đục do tuyến vú của phụ nữ hoặc động vật có vú giống cái tiết ra để nuôi con” [12, 1124]. Như vậy, sữa chính là nguồn dinh dưỡng – nguồn nhựa sống tinh tuý nhất của cơ thể người mẹ chiết xuất ra để nuôi con, để truyền cho con sự sống, cho con lớn lên, khoẻ mạnh, bụ bẫm, hồng hào… Có thể nói, sữa gắn liền với sức sống, là một trong những biểu hiện rõ nhất của một cơ thể sống (một cơ thể chết không bao giờ có sữa). Có lẽ vì thế mà khi cảm nhận về sự hồi sinh của đất nước và tâm hồn con người trong thời đại mới, Chế Lan Viên đã lựa chọn SỮA làm nguồn trong những ẩn dụ hạ cấp:

SỨC SỐNG CỦA THIÊN NHIÊN LÀ SỮA:

Rừng tươi mát như mẹ hiền lắm sữa

(Chim lượn trăm vòng – Ánh sáng và phù sa)

CUỘC SỐNG MỚI TRÀN ĐẦY HI VỌNG LÀ SỮA:

Ta nay như bà mẹ còn xuân ngực căng tròn hai bầu sữa

(Tàu đến – Ánh sáng và phù sa)

TÂM HỒN HỒI SINH, CHAN CHỨA TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI LÀ SỮA :

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

(Tiếng hát con tàu – Ánh sáng và phù sa)

TÌNH MẸ, TÌNH ĐẤT NƯỚC, QUÊ HƯƠNG, TÌNH CÁCH MẠNG, TÌNH NHÂN DÂN… LÀ SỮA:

Cơm của mẹ đã vì con mà thành giọt sữa

Con lớn lao trong tay mẹ đẫy đà.

(Tàu đến – Ánh sáng và phù sa)

Qua hình ảnh SỮA, tình mẹ, tình quê hương đất nước, tình Cách mạng, Nhân dân được cảm nhận thấm thía, ngọt ngào. Đó là nguồn sống, là động lực mạnh mẽ để con người vươn lên, lớn mạnh, chiến đấu và chiến thắng.

Lấy hình tượng CƠ THỂ SỐNG để khắc hoạ cuộc sống mới, con người mới tốt đẹp, tràn đầy lạc quan, hi vọng, ngoài lòng, sữa, Chế Lan Viên còn sử dụng nhiều bộ phận khác trong cơ thể người như: tim, mắt, mặt, môi, da, thịt, tay, chân, mồ hôi, tiếng hát, nụ cười,… Các danh từ chỉ bộ phận cơ thể người thường có sự kết hợp với các tính – động từ để đặc tả một sức sống căng tràn: mặt hồng, da thịt ửng hồng, môi đỏ, bắp thịt căng, căng vú tròn, tiếng yêu thương, tiếng ca ngân, tay vươn, chân trần,… Từ đó có thể nhận thấy nhiều ẩn dụ hạ cấp thể hiện sự sáng tạo trong tư duy và nghệ thuật ngôn từ của thi sĩ:

THIÊN NHIÊN, CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP LÀ VÚ CĂNG TRÒN:

Xuân căng vú tròn cương đôi quả mật

(Ta là ai)

CUỘC SỐNG MỚI TƯƠI ĐẸP LÀ MÁ ĐỎ, LÀ DA THỊT ỬNG HỒNG:

Phù sa óng ả

Đôi bờ đỏ má

(Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

 

Đời rực rỡ phù sa, ta kiến thiết

Những phố phường da thịt ửng hồng lên.

(Vàng của lòng tin – Ánh sáng và phù sa)

CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI HÂN HOAN, HY VỌNG LÀ BẮP CHÂN CĂNG, DA THỊT HỒNG HÀO, ĐÔI MÔI TRÒN MỌNG…:

Nhìn chân bắp thịt căng rồi

Nhìn mặt đỏ hồng da mặt

Đã ngọt hồng bì như rượu

Đã tròn trái vải đôi môi

                 (Ngoảnh lại mùa đông – Ánh sáng và phù sa)

NHIỆT HUYẾT, KHÁT VỌNG LÊN ĐƯỜNG XÂY ĐẮP CUỘC ĐỜI LÀ MẶT HỒNG:

Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

                                       (Tiếng hát con tàu – Ánh sáng và phù sa)

Không chỉ các bộ phận trong cơ thể mà các hoạt động, trạng thái, đặc điểm, tính chất của CON NGƯỜI SỐNG cũng được Chế Lan Viên sử dụng làm nguồn để quy chiếu tới đích là cuộc sống mới, con người mới hân hoan, hi vọng:

ĐỔI THAY CỦA CUỘC SỐNG, CỦA TÂM HỒN LÀ CUỘC SINH NỞ:

Sự sống khép nghìn năm

Bỗng cựa mình sinh nở

(Mây và hoa – Ánh sáng và phù sa)

ĐỔI THAY CỦA CUỘC SỐNG, CỦA TÂM HỒN LÀ HÁT, LÀ CƯỜI, LÀ VUI, LÀ HẠNH PHÚC…:

Xưa Nguyễn khóc – thì nay ta đã hát

(Đọc Kiều – Ánh sáng và phù sa)

Sự sống cưỡi dê về. Sự sống đến đùa vui

Cái chết đang tập cười theo cuộc sống bốn chung quanh.

(Cỏ nghĩa trang – Ánh sáng và phù sa)

Chính vì nhìn cuộc sống bằng con mắt hân hoan chứa chan hi vọng của một con người đã tìm lại được ý nghĩa, giá trị đích thực của cuộc đời mình, cho nên đối với nhà thơ, mỗi ngày đến là một ngày vui, trái cây hay thành quả lao động cũng là trái vui, và mùa màng cũng là những mùa vui, mùa hạnh phúc, thiên nhiên, đất trời, cuộc đời cũng mang tâm trạng của con người, chứa chan niềm vui và hi vọng:

Chim gù hạnh phúc

Nụ cười nghiêng hoa…

Nỗi đau đã vỡ

Câu ca lại ngân.

(Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

Những con tàu chở đầy hạnh phúc

Ôi! tương lai như mùa chiêm lắm thóc

Lắm tiếng cười, lắm cánh bồ câu.

(Chim lượn trăm vòng – Ánh sáng và phù sa)

Một điểm nữa cũng rất đáng chú ý đó là, CON NGƯỜI – miền nguồn của những ẩn dụ tri nhận ở Điêu tàn thường hiện lên cô độc, lạc loài, yếu đuối, mong manh, vô hình vô ảnh. Nhưng đến Ánh sáng và phù sa thì ngược lại, CON NGƯỜI được cảm nhận trong mối quan hệ với cộng đồng hết sức gắn bó, gần gũi, thân thương, thậm chí như ruột thịt, đó là những: conmẹanhchịemvợchồng, bạn bè, đồng chí… Trong cảm quan của Chế Lan Viên, CUỘC SỐNG ĐÁNG YÊU NÀY LÀ NGƯỜI THÂN:

Bờ bãi song đôi

Như chồng như vợ      (Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

Tôi yêu quá! Cuộc đời như con đẻ

Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng

Tôi nối với bạn bè như với bể…

(Chim lượn trăm vòng – Ánh sáng và phù sa)

Trong sự gắn bó của tình thân, tình yêu thương, CON NGƯỜI – miền nguồn của ẩn dụ tri nhận trong Ánh sáng và phù sa càng thêm mạnh mẽ, dồi dào sức sống:

Nếu núi là con trai, thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái

Mỗi đêm hè da thịt sóng sinh sôi.

(Cành phong lan bể – Ánh sáng và phù sa)

Những núi, những sông trên dải đất hình chữ S thân yêu này là những chàng trai, cô gái, cùng nhau kết lại trong một cuộc hợp hôn kì diệu để cuộc sống mỗi ngày một nảy nở, sinh sôi.

Cách mạng đã làm thay đổi số phận cho đất nước đồng thời cũng thay đổi tư tưởng, suy nghĩ của giới trí thức cũ về cuộc đời và con người. Thoát khỏi cái Tôi vị kỉ, yếu đuối, bế tắc để hoà mình vào cái Ta chung, cảm quan của Chế Lan Viên về con người của thời đại mới là con người của tập thể, của cộng đồng. Tất cả cùng yêu thương, gắn bó, cùng kết lại thành một khối to lớn, vững mạnh. Vì thế mà ở Ánh sáng và phù sa, con người được nói đến là con người của cộng đồng, con người ở giữa mọi người, đó là con, cha, mẹ, ông bà, anh, chị, em… ruột thịt; đó là vợ, chồng, bạn bè, đồng chí… gắn bó keo sơn; đó là những bác học, hoạ sĩ, thi sĩ, chiến sĩ… và lớn hơn tất cả, bao trùm tất cả là nhân dân. Lấy NHÂN DÂN làm nguồn quy chiếu, nhà thơ đã sáng tạo nên những hình ảnh ẩn dụ hết sức mới mẻ, giàu ý nghĩa:

Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân

(Đi thực tế – Ánh sáng và phù sa)

Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào

(Tiếng hát con tàu – Ánh sáng và phù sa)

Nhân dân là sự hợp thành của “đông đảo những người dân, thuộc mọi tầng lớp cùng sinh sống trong một khu vực địa lí” [12, 914]. Nói đến nhân dân là nói đến một khối sức mạnh lớn lao, một sức sống mãnh liệt, có thể tạo ra những thành quả vĩ đại. Mùa nhân dân là vụ mùa to lớn, vụ mùa vĩ đại của cả dân tộc ta, của cả đất nước ta, của nhà nhà, người người đã chung sức chung lòng gieo trồng, gây dựng và đang chờ gặt về những mùa màng bội thu.

Tóm lại, trên đường hướng tri nhận mang tính nhân loại, tính dân tộc phổ quát: "Dĩ nhân vi trung", nghĩa là lấy con người làm trung tâm, lấy con người làm thước đo đánh giá vạn vật, vạn sự trong vũ trụ, Chế Lan Viên đã có những cảm nhận và biểu đạt mang tính sáng tạo, đậm dấu ấn cá nhân. Với những hình ảnh biểu trưng là con người, những bộ phận của cơ thể và các hoạt động, trạng thái, tính chất của con người được chọn lọc một cách có chủ đích, nhà thơ đã làm “hiện hình” hết sức ấn tượng và ám ảnh hai thế giới đối lập nhau gắn với hai tập thơ, đó là: 1) Sự đau thương, bế tắc, tuyệt vọng của con người và cuộc sống trước Cách mạng (Điêu tàn) và 2) Niềm hân hoan, hi vọng của con người trước cuộc sống mới (Ánh sáng và phù sa).

Có thể nói, nếu so sánh miền nguồn CON NGƯỜI và miền đích được quy chiếu trong những ẩn dụ tri nhận xuất hiện ở hai tập thơ Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa, ta sẽ nhận thấy rất rõ, đã có một cuộc “cách mạng” trong cảm quan của Chế Lan Viên về bản thân, về con người và cuộc sống mới. Từ sự bi quan, chán chường, tuyệt vọng, nhìn CUỘC ĐỜI CŨ, CON NGƯỜI CŨ LÀ CƠ THỂ CHẾT, đến sự nhập cuộc, hân hoan, hi vọng, nhìn CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI LÀ CƠ THỂ SỐNG. Như vậy, qua tìm hiểu những ẩn dụ tri nhận có miền nguồn là con người, phần nào cũng đã cho ta thấy hành trình thơ của Chế Lan Viên từ Điêu tàn đến Ánh sáng và phù sa, từ đau thương đến yêu thương, từ tuyệt vọng đến hi vọng, từ trốn tránh thực tại, thu mình vào cái Tôi vị kỉ, nhỏ bé, yếu đuối đến nhập cuộc, hoà mình vào cái Ta chung, lớn lao, mạnh mẽ, hoà mình vào Tổ quốc, Nhân dân, Cách mạng để hát lên những bài ca ca ngợi cuộc đời, ca ngợi con người.

3. Nguồn biểu trưng là thế giới tự nhiên và hiện tượng xã hội

Thế giới tự nhiên bao gồm các loài động vật (chim, tôm, cá, cáo, mèo, lợn…); thực vật (hoa, lá, cành, cỏ, cây…); các hiện tượng của tự nhiên (mây, mưa, gió, bão, giông tố, sấm, chớp, sóng, mặt trăng, mặt trời, đá, sỏi...); hiện tượng xã hội bao gồm các hoạt động đấu tranh, chính trị, hoà bình, cách mạng… hoặc các sự vật, sự việc trong đời sống xã hội như lao động, thắng lợi, mất mát… Lấy thế giới tự nhiên hay hiện tượng xã hội làm nguồn để quy chiếu đến con người và cuộc sống của con người cũng là một là một lối tư duy hết sức phổ biến của nhân loại nói chung và người Việt nói riêng. Chẳng hạn, các ẩn dụ thượng cấp: CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI LÀ ĐỘNG VẬT (đời lên voi xuống chó, quân đầu bò đầu bướu, cô bé mắt nai); CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI LÀ THỰC VẬT (hương vị cuộc sống, hạnh phúc ngọt ngào, mặt hoa da phấn, mũi dọc dừa, mắt lá răm); CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI LÀ HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN (sóng gió cuộc đời, đường đời chông gai, cơn bão lòng, tình anh như biển cả…), CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI LÀ HIỆN TƯỢNG XÃ HỘI (hạnh phúc là đấu tranh…).

Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát một số hình ảnh ẩn dụ tiêu biểu có miền nguồn là thế giới tự nhiên và hiện tượng xã hội trong hai tập thơ Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên.

 

Bảng 3: Thống kê miền nguồn là thế giới tự nhiên và hiện tượng xã hội

Điêu tàn

Số lượng

Ánh sáng và phù sa

Số lượng

Chiêm Thành

32

Ánh sáng

30

Cõi âm, cõi chết, âm phủ, âm giới, cõi tang

37

Phù sa

8

Nghĩa địa, tha ma

11

Xuân

24

Mộ, huyệt

8

Hoa

32

Bóng tối, đêm

24

 

 

Cõi hư vô, hư không

9

 

 

Đông lạnh, thu tàn

4

 

 

Cánh chim

2

 

 

Ghi chú: Trong bảng khảo sát, những con số được thống kê là số lượng các bài thơ có sử dụng ẩn dụ tri nhận với miền nguồn tương ứng theo cột hàng ngang.

Miền nguồn là thế giới tự nhiên và hiện tượng xã hội cũng được Chế Lan Viên khai thác trong hai tập thơ để thể hiện cảm nhận về cuộc đời và con người trong mỗi thời đại. Ở đây có một sự tương đồng về ý niệm, cụ thể là, trong Điêu tàn, cùng với miền nguồn CON NGƯỜI CHẾT là miền nguồn THẾ GIỚI CHẾT được quy chiếu tới đích là cuộc sống cũ, con người cũ đau thương, tuyệt vọng; ngược lại trong Ánh sáng và phù sa, cùng với miền nguồn là CON NGƯỜI SỐNG là miền nguồn THẾ GIỚI SỐNG được quy chiếu tới đích là cuộc sống mới, con người mới hân hoan, hi vọng. Từ đây cũng có thể khái quát hai ý niệm – gắn với hai tập thơ – tương phản nhau, đó là:

Trong Điêu tàn: CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ THẾ GIỚI CHẾT;

Trong Ánh sáng và phù sa: CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI TƯƠI VUI, HI VỌNG LÀ THẾ GIỚI SỐNG.

3.1. CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ THẾ GIỚI CHẾT

Ẩn dụ tri nhận này xuất hiện trong tất cả 37 bài thơ của tập Điêu tàn, chiếm 100%.

Bước vào Điêu tàn, chúng ta như chìm vào một thế giới Chết. Trong nhãn quan, xúc cảm của Chế Lan Viên lúc bấy giờ, cuộc sống đau thương này, và những tâm hồn tuyệt vọng này là một THẾ GIỚI CHẾT, đó là thế giới Chiêm với những mồ sâu, huyệt tối, nghĩa địa hoang vu, âm giới mịt mù, bóng đêm ảm đạm, thu tàn, đông lạnh, hoa rữa, lá vàng,… Ý niệm về cuộc sống đau thương tựa như một thế giới chết là cơ sở để nhà thơ kiến tạo nên ẩn dụ tri nhận CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ THẾ GIỚI CHẾT, được thể hiện qua các ẩn dụ hạ cấp sau đây:

* CUỘC ĐỜI ĐAU THƯƠNG, TÂM HỒN ĐAU THƯƠNG LÀ CHIÊM THÀNH ĐIÊU TÀN

Được khơi gợi cảm hứng từ vương quốc Chiêm Thành xưa, lẽ đương nhiên, hình ảnh Chiêm Thành ngự trị trong hầu hết các bài thơ của Điêu tàn (32/37 bài, chiếm 86,5%). Chiêm Thành vừa là thế giới mơ của thi sĩ, nơi để tâm hồn con người nương náu, trốn tránh thực tại: Tạo hoá hỡi ! Hãy trả tôi về Chiêm quốc/ Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian! (Những sợi tơ lòng – Điêu tàn). Nhưng Chiêm Thành tráng lệ ngàn xưa, nay đã trở nên đổ nát, điêu tàn:

Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng

Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!

(Những sợi tơ lòng – Điêu tàn)

Thế giới Chàm điêu tàn với gạch rơi, tháp đổ ấy đã trở thành biểu tượng của sự thương đau trong cuộc đời và tâm hồn con người.

* CUỘC SỐNG ĐAU THƯƠNG, TÂM TRẠNG ĐAU THƯƠNG LÀ NGHĨA ĐỊA, LÀ MỒ SÂU, HUYỆT TỐI

Suốt tập thơ, hình ảnh ẩn dụ nghĩa địa, mồ sâu, huyệt tối, ảm đạm, hãi hùng vây bọc tâm trí con người. Theo kết quả khảo sát, có 8/37 bài (21,6%) sử dụng hình ảnh ẩn dụ mộ/ huyệt; 11/37 bài (29,7%) sử dụng hình ảnh ẩn dụ nghĩa địa; 37/37 bài (100%) xuất hiện hình ảnh ẩn dụ cõi chết với các biến thể: cõi chết, cõi âm, cõi tang, âm giới, âm phủ, chiến địa, bãi chém… Trong nỗi chán chường, bi ai tột độ, nhà thơ cảm thấy cuộc sống này chẳng khác nào nghĩa địa chết chóc, tang thương, cả dĩ vãng, tương lai và hiện tại đều bế tắc, không lối thoát, đời buồn mãi vùi chôn dưới những nấm mồ:

Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận

Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành

Và Hiện Tại, biết cùng chăng hỡi bạn,

Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!

(Những nấm mồ – Điêu tàn)

Bóng tối, mồ sâu dường như luôn thường trực, án ngữ mọi giác quan của nhà thơ khi nhìn đời, nhìn người:

Hỡi những hồn yêu tinh trong bóng tối

Những thương vong uổng tử đáy mồ sâu

(Xương vỡ máu trào – Điêu tàn)

Nghe tiếng trống cầm canh trong đêm vắng mà tưởng như âm vang khua động các linh hồn trong nghĩa địa. Sau phút tĩnh lặng, giãi lòng giữa cõi hư vô, các cô hồn lại vội vàng trở về dưới đáy mộ sâu, để lại nơi trần gian bao nỗi niềm sợ hãi:

Rồi các cô hồn lặng ngắm cõi Hư Vô

Rồi đua nhau trở lại trong trăm mồ

Để kinh khủng Trần Gian niềm sợ hãi.

(Tiếng trống – Điêu tàn)

Sẵn mang nỗi ám ảnh bởi cái chết, nên đang ở cõi trần mà nhà thơ lại thấy như ở cõi âm, mỗi khổ đau được chôn ủ trong huyệt tối để từ đó nảy nở ra những mầm điên:

 

Đây bát ngát mênh mông như Âm giới

Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên!

Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối,

Nơi sinh sôi, nảy nở những mầm Điên.

(Cõi Ta – Điêu tàn)

Hay có lúc thi sĩ lại cảm giác như mình đang trôi dạt trên dòng linh, đang khắc khoải tìm một nấm mộ hoang cho hồn tàn trú ngụ:

Biển Trần Gian, thuyền hồn không gặp bến,

Mà sầu não khổ đau nào ngớt đến!

Hãy tìm cho một nấm mộ hoang tàn

(Máu xương – Điêu tàn)

Ta bắt gặp ở hình ảnh ẩn dụ Biển Trần Gian một sự tương hợp với quan niệm ĐỜI LÀ BỂ KHỔ trong giáo lí nhà Phật.

Trong bể đời ấy, tất cả cơ thể ta, thân xác ta, tâm hồn ta,… tất cả, đều biến thành mồ trống điêu linh:

Nàng hỡi Nàng! Trên tay ta là mộ trống

Trong lòng ta là huyệt bỏ, với trong hồn

Là mồ không lạnh lùng sương giá đọng

(Mồ không – Điêu tàn)

Không phải ngẫu nhiên mà trong 37 bài thơ Điêu tàn, nhà thơ đã dành riêng 2 bài để cực tả những nấm mồ và mồ không. Đó là hiện hình của thế giới Chết, là nỗi ám ảnh của thi sĩ về cuộc đời đau thương khi con người bế tắc không tìm ra lối thoát.

* CUỘC SỐNG ĐAU THƯƠNG, TÂM HỒN TUYỆT VỌNG LÀ BÓNG TỐI

Hoà điệu với không gian âm u của nghĩa địa là bóng tối. Hình ảnh bóng tối vây bủa khắp Điêu tàn, chiếm trọn không gian nghệ thuật của 24/37 bài thơ (chiếm 64,9%). Trong cảm quan của nhà thơ, cuộc sống đau thương nơi trần gian này là đêm sâu mờ mịt:

Nhưng ai bảo đêm trần là cõi Chết?

Này nghe chăng trong trời sâu mờ mịt

(Bóng tối – Điêu tàn)

Và tâm hồn sầu thảm, tuyệt vọng của con người cũng tựa chốn U Minh:

Trong U Minh hồn ta đương lạc lối

Trông tháng ngày yên, để lệ sầu rơi!

(Bóng tối – Điêu tàn)

Cuộc đời buồn sầu nên dù nắng mai lên cũng không chiếu sáng được lòng người, cũng không làm cho lòng người phấn chấn. Dưới nắng mai, tâm hồn con người vẫn dày đặc bóng đêm, bóng đêm của nỗi đau thương, tuyệt vọng không gì xoá tan đi được:

Ta vẫn thấy lòng ta buồn ủ rũ

Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ

(Nắng mai – Điêu tàn)

Bóng đêm bí ẩn. Bóng đêm hãi hùng. Bóng đêm luôn tiềm tàng cái chết. Nơi ẩn náu của những linh hồn. Chính vì vậy, bóng đêm cũng đồng nghĩa với THẾ GIỚI CHẾT được nhà thơ sử dụng làm biểu trưng cho cuộc đời đau thương và những tâm hồn đau thương ở cõi trần gian. Trong dày đặc những bóng tốiđêm sâu, cuộc sống và con người đã ở ngưỡng của cái Chết, đã bước tới lằn ranh của cõi âm:

Nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối

Mênh mang lên, bát ngát tựa đêm sâu

Cho hồn phách say sưa trong giả dối

Về cõi âm chờ đợi những bao lâu

(Tạo lập – Điêu tàn)

* CUỘC SỐNG VÔ NGHĨA, TÂM HỒN TRỐNG RỖNG LÀ HƯ KHÔNG

Cõi Hư Không hay Hư Vô được viết hoa cũng là một hình ảnh ẩn dụ lớn, xuất hiện trong 10/37 bài thơ Điêu tàn (chiếm 27%). Trong nỗi chán chường, tuyệt vọng cùng cực, cuộc sống trước mặt bỗng trở nên vô nghĩa, bỗng biến ra Hư Không:

Vũ trụ kia rồi biến ra Hư Không!...

(Bóng tối – Điêu tàn)

Mà thời gian náo động cõi Hư Vô

(Mồ không – Điêu tàn)

Cõi Hư Không của cuộc đời vô nghĩa hay cũng chính là tâm hồn trống rỗng, rợn lạnh, chết chóc của con người.

* TÂM HỒN BUỒN THƯƠNG, TANG TÓC LÀ ĐÔNG LẠNH, THU TÀN

Trong tập Điêu tàn có 3 bài thơ viết về mùa xuân nhưng lại mang khí sắc của đông lạnh, thu tàn. Thơ ca phương Đông vốn xem mùa thu và mùa đông cùng với những hình ảnh tiêu biểu như lá vàng, hoa rữa, giá lạnh… là biểu trưng cho nỗi buồn, sự tàn tạ. Chế Lan Viên cũng có chung cảm quan ấy khi lấy hình ảnh đông lạnh, thu tàn để khắc hoạ tâm trạng tủi hờn, tuyệt vọng của con người. Đất trời đã sang xuân với ngàn tia nắng ấm nhưng trong tâm hồn buồn thương, tang tóc của con người vẫn tràn ngập băng giá mùa đông:

Nhưng, than ôi, xuân về trong nắng sớm

Mà lòng ta, đông lạnh giá băng thôi!

(Xuân về – Điêu tàn)

Chàng thi sĩ Điêu tàn ngày ấy đã từng phẫn uất, cự tuyệt mùa xuân: Tôi có chờ đâu, có đợi đâu / Đem chi xuân đến gợi thêm sầu / Với tôi tất cả là vô nghĩa / Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau. Và trong tâm trạng khổ đau, chán chường, tuyệt vọng, con người bỗng có ý nghĩa thật ngông cuồng, rồ dại: Muốn đem cả mùa thu tàn để chắn nẻo xuân sang:

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?

Với của hoa tươi, muôn cánh rã

Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!...

(Xuân – Điêu tàn)

* TÂM TRẠNG BUỒN THƯƠNG, PHỦ NHẬN HIỆN TẠI LÀ VŨ TRỤ LẠNH GIÁ

Khi nỗi chán ghét cuộc sống hiện tại đã lên đến cực đỉnh, con người muốn trốn chạy tất cả, muốn tìm đến một vũ trụ riêng, đóng chặt lòng mình, để một mình gặm nhấm nỗi đau riêng mình:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!

Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền đau khổ với buồn lo!

(Những sợi tơ lòng – Điêu tàn)

* CON NGƯỜI CÔ ĐƠN LÀ CÁNH CHIM LẠC LOÀI

Giữa cõi hư không, mênh mông, rợn ngợp của cuộc đời buồn thương, con người cô đơn, tuyệt vọng, có lúc lại thấy mình như cánh chim lẻ đàn lạc cuối trời xa:

Chao ôi! mong nhớ! Ôi mong nhớ!

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

(Xuân – Điêu tàn)

Cánh chim mong manh ấy hay cũng là tâm hồn cô đơn, tuyệt vọng ấy đang chới với, rồi chết yểu… rồi mãi lạc loài giữa cõi Hư Vô trống rỗng của cuộc đời buồn, không thấy chốn neo đậu, không tìm ra lối thoát:

Trời xanh ới hỡi! xanh khôn nói

Hồn tôi muốn hiểu chẳng cùng cho!

Có cánh chim gì bay chới với

Chết rồi! Nó lạc giữa Hư Vô!

(Đọc sách – Điêu tàn)

3.2. CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI TƯƠI VUI, HI VỌNG LÀ THẾ GIỚI SỐNG

Ẩn dụ tri nhận này xuất hiện trong 52/69 bài thơ của tập Ánh sáng và phù sa (chiếm 75,4%).

Nếu đến với Điêu tàn ta như lạc vào một THẾ GIỚI CHẾT thì đến với Ánh sáng và phù sa, ta như lại hồi sinh, như được trở về THẾ GIỚI SỐNG, một thế giới tràn ngập ánh sáng  phù sa, thế giới của những mùa xuânhoa đơm, trái kết… Đó chính là biểu tượng của cuộc sống mới, con người mới trong những năm đầu đất nước hoà bình, xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng nước nhà.

Có thể nói Cách mạng không chỉ mang lại sự đổi thay lớn lao cho đất nước mà thực sự đã làm hồi sinh những cuộc đời đau thương, những tâm hồn đau thương trong quá khứ, đúng như Chế Lan Viên đã từng khẳng định trong một bài thơ và cũng là những dòng tâm sự hết sức xúc động, chân thành: “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Thoát khỏi sự ám ảnh của cõi chết, của bóng tối, giờ đây cuộc đời và con người qua lăng kính thơ ông đã bay lên với Tổ quốc trăm miền diễm lệ.

Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ

(Chim lượn trăm vòng – Ánh sáng và phù sa)

Cảm quan nghệ thuật trên chính là cơ sở để thi sĩ xây dựng ẩn dụ tri nhận CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI TƯƠI VUI, HI VỌNG LÀ THẾ GIỚI SỐNG, được biểu hiện với những ẩn dụ hạ cấp tiêu biểu sau đây:

* CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI LÀ ÁNH SÁNG

Trong ý niệm của người Việt, nếu bóng tối thường tượng trưng cho khổ đau, bế tắc, thì ánh sáng lại là sự hàm nghĩa hạnh phúc, hay chân lí tỏ tường. Không nằm ngoài sự tri nhận ấy, Chế Lan Viên đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ ÁNH SÁNG để khắc hoạ cuộc sống mới, con người mới, tươi đẹp tràn đầy hi vọng.

Hình ảnh ẩn dụ ÁNH SÁNG với các biến thể: ánh sáng, mặt trời, vầng dương, ánh hào quang, ánh trăng, lửa, ngọn nến, ngọn bấc, ngọn đèn… xuất hiện dày đặc trong suốt tập thơ (30/69 bài, chiếm 43,8%). Đó là ánh sáng của tư tưởng Cách mạng dẫn dắt cuộc đời, dẫn dắt con người nhận rõ hướng đi lên:

Khắp đôi bờ tư tưởng chói hào quang

(Vàng của lòng tin – Ánh sáng và phù sa)                 

Và khi có mặt trời của Đảng, của Cách mạng chiếu rọi, ánh sáng của sự sống, của niềm hân hoan, hi vọng sẽ quét sạch bóng tối của mọi cuộc đời đau khổ, nhọc nhằn:

Khi cuộc đời rõ hướng

Nếp rêu con cũng chói loà ánh sáng

Khi mặt trời tư tưởng rọi hang sâu…

Khi có hướng rồi đừng sợ đời hết lửa.

(Khi đã có hướng rồi – Ánh sáng và phù sa)

Đó là ánh sáng của tự do, hạnh phúc đã trở về với cuộc sống, với con người sau bao năm nô lệ, lầm than:

Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu.

(Người đi tìm hình của nước – Ánh sáng và phù sa)

Trong niềm vui sướng, hân hoan, tràn đầy hi vọng, nhà thơ cảm thấy khắp đất trời, khắp lòng người như chan hoà ánh sáng. Từng tấc đất, từng cây rừng đều được ánh dương soi chiếu cho sự sống nảy nở, sinh sôi:

Mỗi tấc đất rừng đều có ánh dương soi.

(Chim lượn trăm vòng – Ánh sáng và phù sa)

Và niềm vui, niềm hạnh phúc của cuộc đời, của con người cũng toả ngời trong ánh trăng rạng rỡ:

Ta vui, hay ánh sáng trăng cười!

(Ôi chị Hằng Nga cô gái Nga – Ánh sáng và phù sa)

Cuộc sống đã sang trang, niềm vui đã nở rạng, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn: Bóng đêm vẫn không ngừng / Tấn công vào ánh sáng… Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đòi hỏi mỗi con người cần nỗ lực, giữ vững ý chí, niềm tin, sẵn sàng hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung cao cả. Trong suy nghĩ ấy, nhà thơ ý thức rất rõ trách nhiệm của bản thân:

Hiểu đời và hiểu Đảng

Tôi góp phần ánh sáng

(Ngoảnh lại mười năm – Ánh sáng và phù sa)

Dù chỉ là một cá thể, dù chỉ là những việc làm nhỏ bé, nhưng trong tâm niệm của nhà thơ đều rất có ý nghĩa và rất đáng trân trọng, đều là phần ánh sáng để khi hợp sức lại, góp muôn phần ánh sáng, sẽ làm nên cả một bầu trời tương lai xán lạn: 

Rạo rực khắp trời ánh sáng đi lên

(Nay đã phù sa – Ánh sáng và phù sa)

* CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI LÀ PHÙ SA

Tuy không có tính phổ quát nhân loại như hình ảnh ẩn dụ ÁNH SÁNG, nhưng ở một đất nước nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, sông ngòi chằng chịt, đất đai phì nhiêu, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu như Việt Nam thì phù sa cũng là phần hữu cơ đặc biệt quan trọng mà thiên nhiên đã ban tặng cho non sông gấm vóc này. Phù sa bồi đắp cho ruộng đồng màu mỡ, cây trái tốt tươi, cuộc sống ấm no, con người khoẻ mạnh,… Phù sa đã mang lại sự sống tươi vui, hạnh phúc cho đời, cho người. Có lẽ vì thế mà Chế Lan Viên dùng hình ảnh PHÙ SA làm ẩn dụ để khắc hoạ một cuộc sống mới, con người mới tươi đẹp, đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt:

Đời rực rỡ phù sa, ta kiến thiết

Những phố phường da thịt ửng hồng lên

(Vàng của lòng tin – Ánh sáng và phù sa)

Suy ngẫm, chiêm nghiệm về số phận dân tộc, về cuộc đời và tâm hồn con người xưa kia và hôm nay, nhà thơ đã nhận thức sâu sắc một sự đổi thay lớn lao:

Xưa phù du nay đã phù sa

(Nay đã phù sa – Ánh sáng và phù sa)

Xưa làm kiếp phù du nổi nênh, bọt bèo, vô nghĩa, thì nay đã hoá chuyển thành phù sa phì nhiêu, màu mỡ, bồi đắp cho sự giàu có, phồn vinh. Đó là chất phù sa của cuộc sống, và đó còn là chất phù sa của tâm hồn con người, như nhà thơ đã bộc bạch: “Ánh sáng rọi soi tôi và phù sa bồi đắp tôi. Ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất của lí tưởng tôi.

Cuộc sống mới đã mang đến nguồn sinh khi mới cho mỗi con người. Lòng người càng thêm phấn chấn, hân hoan, tràn đầy lạc quan, hi vọng, đẩy lui mọi bệnh tật, đau thương để hướng về ngày mai sáng tươi, hạnh phúc:

Như con sông dệt phù sa trong rừng vắng…

Ngày mai phù sa hát lên ngô vàng và nếp trắng…

Đời sẽ ra hoa ra trái mỡ màu…

Cho lớp đất phù sa thành sữa lúa.

Cho đến lúc cơ thể tràn đầy sức khoẻ

Phù sa hồng đôi má, đôi tay.

(Nhật kí một người chữa bệnh – Ánh sáng và phù sa)

Trong niềm vui sướng, hân hoan, hạnh phúc vô bờ, chất phù sa giàu có của cuộc sống và tâm hồn con người đã ngân lên thành thơ và dệt nên bức tranh non sông gấm vóc:

Phù sa ta gửi

Những câu thơ hồng

Phù sa ta dệt

Bãi bờ mênh mông.

(Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

* CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI LÀ MÙA XUÂN

Cùng với ánh sángphù sa, MÙA XUÂN với hoa thơm và mật ngọt vốn cũng được nhân loại nói chung và người Việt nói riêng coi là biểu trưng cho sự sống tươi đẹp của đất trời, của cuộc đời và tâm hồn con người. Trong tập Ánh sáng và phù sa, có 24/69 bài thơ sử dụng hình ảnh ẩn dụ XUÂN/ MÙA XUÂN (chiếm 34,8%). Xuân ấy không còn đơn thuần là thời gian hay thời tiết mà đó là xuân của cuộc đời và xuân của lòng người, dẫu bây giờ mới đến nhưng thật đẹp, thật tưng bừng, thật có ý nghĩa:

Em đến về sau xuân dẫu chậm

Đón em còn vạn đoá hoa hồng.

(Ngoảnh lại mùa đông – Ánh sáng và phù sa)

Nếu ở thời Điêu tànmùa xuân không được mong đợi, xuân sang mà vẫn thấy đông lạnh với thu tàn, thì giờ đây lịch sử đã thay màu, với nhà thơ bốn mùa đều là mùa xuân. Trong tâm trạng hân hoan hi vọng, yêu đời, yêu người tha thiết, tất cả đều bừng lên sắc xuân, đều ngập tràn khí xuân: Đất trời là ĐẤT TRỜI XUÂN với những đêm xuân, sáng mai xuân, ngày xuân, bốn bề xuân, mùa xuân, lối xuân, đường xuân, cây xuân, cành xuân, hoa xuân, trái xuân thậm chí cỏ trong nghĩa trang cũng là cỏ xuân…; Cuộc đời là CUỘC ĐỜI XUÂN với những tình xuân, đời xuân, quê xuân, cờ xuân, mặt trận mùa xuân…; Con người là CON NGƯỜI XUÂN với những mình xuân, mặt xuân, môi xuân, ngực xuân… 

Lịch sử cây ta đất đã thay màu

Chỉ còn máu sông Hồng trong quả ngọt

Con chim ăn thấy vị phù sa trong tiếng hót

Chỉ còn nắng trời kết sáp nhụy hoa ngon

Ong tìm hoa đôi cánh thấy bồn chồn,

Chỉ còn cây… cây… Chỉ còn cuộc sống

Một mặt trận – mùa xuân đang náo động

Xuân bốn bề. Tình ái lại đưa thoi

Dệt cây ta với tấm vui đời…

(Giữa tết trồng cây – Ánh sáng và phù sa)

* CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI LÀ HOA

Cũng như các hình ảnh ánh sáng, phù sa, mùa xuân, HOA là một hình ảnh đẹp gắn với thế giới sống, chỉ có ở thực thể sống. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), hoa là “cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm” [12, 575]). Tuy nhiên, trong tâm thức của người Việt, hoa không chỉ mang nghĩa thông thường như vậy, hoa còn mang nghĩa biểu trưng cho thành quả tốt đẹp (đơm hoa kết trái), hoặc biểu trưng cho vẻ đẹp tinh thần và thể chất của con người (hào hoa, tinh hoa, người là hoa của đất, mặt hoa da phấn…).

Trong Ánh sáng và phù sa, nhà thơ đã khai thác triệt để ý nghĩa tượng trưng của HOA để ngợi ca vẻ đẹp của con người mới và đặc biệt là những thành quả tốt đẹp của cuộc sống mới. Với một tần số xuất hiện dày đặc, tới 32/69 bài thơ sử dụng hình ảnh ẩn dụ HOA (chiếm 46,4%), có thể khẳng định ẩn dụ tri nhận CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI LÀ HOA là một điểm nhấn của tư duy và sáng tạo nghệ thuật của Chế Lan Viên trong tập thơ này.

Hoà bình là quê hương. Ta ở mãi

Sạch chiến tranh mặt đất gọi hoa về.

(A và H – Ánh sáng và phù sa)

Hoà bình là khát vọng cháy bỏng dân tộc Việt Nam. Vì hoà bình, nhân dân ta đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng. Chiến tranh đau thương đã kết thúc, mảnh đất năm xưa hoang tàn bởi khói lửa, đạn bom nay lại xanh lá thắm hoa. HOA ở đây chính là hình ảnh biểu trưng cho một cuộc sống mới, yên bình, tươi đẹp, ấm no.

Hoa về với đất, với cuộc sống và với mỗi cuộc đời thường, giản dị:

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che

  (Người đi tìm hình của nước – Ánh sáng và phù sa)

Hoa cài trên áo vải của những thợ mỏ, những người dân cày, những người chiến sĩ:

Đời quá vui nên áo vải cũng cài hoa

(Cái vui bây giờ – Ánh sáng và phù sa)

Hoa kết vòng nguyệt quế vinh quang – thành quả đẹp đẽ, lớn lao của cuộc sống lao động vất vả, ngày đêm hối hả, hăng say để dựng xây đất nước đẹp giàu:

Chất than sẽ lên vinh quang như vòng hoa lao động

(Tàu đến – Ánh sáng và phù sa)

Hoa đọng lại, rạng rỡ trong nụ cười đón chào mỗi ngày mới đến:

Nụ cười nghiêng hoa

(Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

Có thể nói, từ hình ảnh ẩn dụ HOA, vẻ đẹp của cuộc sống mới, của những tâm hồn con người cách mạng đã toả sáng và trở nên vô cùng cao quý.

Ngoài ra, trong tập Ánh sáng và phù sa, còn có thể tìm thấy nhiều ẩn dụ hạ cấp khác nữa. Chẳng hạn, ẩn dụ CUỘC SỐNG MỚI LÀ NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC:

Anh uống niềm tin

Như nai uống suối

Ăn bát cơm lành

Đời vừa dọn tới

Lên ngôi nhà mới

Tình yêu như ngói

Anh vừa lợp lên.

(Đi ra ngoại ô – Ánh sáng và phù sa)

Hay ẩn dụ KHÁT VỌNG LÊN ĐƯỜNG DỰNG XÂY CUỘC SỐNG MỚI LÀ CON TÀU được dựa trên ý niệm phổ quát CUỘC ĐỜI LÀ NHỮNG HÀNH TRÌNH:

Tây Bắc ư có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hoá những con tàu…

(Tiếng hát con tàu – Ánh sáng và phù sa)

Nhìn chung, các hình ảnh biểu trưng trong thơ Chế Lan Viên đều rất quen thuộc và gắn bó mật thiết với môi tường tự nhiên cũng như đời sống xã hội của đất nước, phản ánh đặc trưng văn hoá dân tộc của tư duy và ngôn ngữ của con người Việt Nam.

4. Kết luận

Đúng như Lakoff và Johnson (1980) đã khẳng định, ẩn dụ thấm sâu vào đời sống thường nhật của chúng ta, trong ngôn ngữ, tư duy và hành động. Hệ thống ý niệm thường nhật mà chúng ta đang dùng để suy nghĩ và hành động đều mang tính ẩn dụ [dẫn theo 3, 97]. Thơ ca, nơi tàng trữ tinh hoa văn hoá – ngôn ngữ – tư duy của mỗi dân tộc và của cả nhân loại, cũng sẽ là miền đất giàu có nhất của ẩn dụ. Thông qua ẩn dụ, người nghệ sĩ đã thể hiện quyền năng của mình trong việc tri nhận thế giới và sáng tạo thế giới.

Kết quả khảo sát ẩn dụ tri nhận trong hai tập thơ tiêu biểu của Chế Lan Viên cho thấy, có hai cặp ý niệm tương phản trong cách nhìn nhận, suy ngẫm của thi sĩ về con người và cuộc sống trước và sau Cách mạng:

1) CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ CƠ THỂ CHẾT >< CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI HÂN HOAN, HY VỌNG LÀ CƠ THỂ SỐNG;

2) CUỘC SỐNG CŨ, CON NGƯỜI CŨ ĐAU THƯƠNG, TUYỆT VỌNG LÀ THẾ GIỚI CHẾT >< CUỘC SỐNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI HÂN HOAN, HY VỌNG LÀ THẾ GIỚI SỐNG.

Hai ý niệm tương phản này phổ lên hầu hết các hình ảnh thơ, xoắn bện tất cả các hình ảnh thơ được tạo lập trong mỗi tập vào trường nghĩa biểu đạt của nó.

Từ những ẩn dụ trên có thể thấy, lối tri nhận trong thơ Chế Lan Viên được xuất phát từ một phông tri thức văn hoá mang tính phổ quát của nhân loại và dân tộc, đặc biệt là những tri thức nền xuất phát từ cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của loài người nói chung và người Việt Nam nói riêng được đúc kết lại trong thế giới quan, nhân sinh quan thường dụng, kết hợp với những trải nghiệm của cá nhân nhà thơ trong từng môi trường cuộc sống. Cho nên, tuy nhất quán với những ý niệm phổ biến của nhân loại và dân tộc: lấy con người làm trung tâm, làm thước đo, quy chiếu tới thiên nhiên, cuộc sống, thế giới tâm hồn tình cảm con người; lấy thiên nhiên và các hiện tượng xã hội để quy chiếu tới cuộc sống của con người và đặc biệt là để khám phá thế giới nội tâm của con người, song những ẩn dụ tri nhận trong thơ Chế Lan Viên gắn với hai ý niệm tương phản nêu trên thực sự là những sáng tạo riêng, góp phần “đánh dấu” một phong cách nghệ thuật lớn.

Sự tương phản của các ẩn dụ ý niệm giữa hai tập thơ Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa cũng đã phản ánh những biến đổi lớn lao trong hành trình sáng tác và cũng là hành trình nhận thức, giác ngộ tư tưởng của Chế Lan Viên từ trước Cách mạng đến sau Cách mạng. Đó là hành trình đi từ bóng tối ra ánh sáng; từ “thung lũng đau thương” hướng ra “cánh đồng vui”; từ tuyệt vọng đến hi vọng; từ cái Tôi cô đơn, vô nghĩa, lạc lõng với thời cuộc mà hoà nhập vào cái Ta chung ấm áp, để say sưa ngợi ca, say sưa cống hiến. Như thi sĩ đã tổng kết lại trong một bài thơ:

“Ta là ai?”, như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.

“Ta vì ai?”, khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

(Hai câu hỏi – Ánh sáng và phù sa)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

2. Trần Văn Cơ (2006), Ngôn ngữ học tri nhận (Ghi chép và suy nghĩ), NXB KHXH, H.

3. Trần Văn Cơ (2009), Khảo luận Ẩn dụ tri nhận, NXB Lao động Xã hội, H.

4. Phan Thế Hưng (2007), Ẩn dụ ý niệm, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 7.

5. Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H.

6. Lí Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB Phương Đông, H.

7. Trần Ngọc Thêm (1998), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

8. Vũ Thị Thường (2002) (sưu tầm và biên soạn), Chế Lan Viên toàn tập, Tập I, NXB Văn học, H.

9. Nguyễn Đức Tồn (2002), Tìm hiểu đặc tr­ưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và t­ư duy ở ngư­ời Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H.

10. Nguyễn Đức Tồn (2007), Để giúp thêm việc dạy khái niệm ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 9.

11. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 10 – 11.

12. Viện Ngôn ngữ học (2010), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển bách khoa, H.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020